Xu thế triển khai bệnh án điện tử – vấn đề cấp bách

(CDC Hà Nam)

Trong thời đại công nghệ số 4.0, sự phát triển chóng mặt của công nghệ thông tin đang thúc đẩy quá trình cách mạng điện tử hóa ở tất cả các lĩnh vực trong xã hội và ngành Y tế cũng không là ngoại lệ. Điệp từ “thông minh” xuất hiện với tần suất ngày càng dày đặc ở khắp mọi nơi như: Bệnh viện thông minh, Y tế thông minh và một trong số 8 tiêu chí để hướng tới bệnh viện thông minh đang trở nên vô cùng nóng bỏng trong thời gian gần đây chính là bệnh án điện tử.

Quá tải lưu trữ bệnh án giấy

Theo Điều 59 Luật Khám chữa bệnh năm 2009 có ghi Hồ sơ bệnh án là tài liệu y học, y tế và pháp lý; mỗi người bệnh chỉ có một hồ sơ bệnh án trong mỗi lần khám chữa bệnh tại cơ sở y tế. Hồ sơ bệnh án được lập bằng giấy hoặc bản điện tử và phải được ghi rõ, đầy đủ các mục có trong hồ sơ bệnh án bao gồm các tài liệu, thông tin liên quan đến người bệnh và quá trình khám chữa bệnh…

Tỉ lệ thuận với việc tăng trưởng của các bệnh viện, số lượng bệnh án cần lưu trữ hằng năm tăng chóng mặt, dẫn đến tình trạng quá tải tại các kho lưu trữ. Việc lưu trữ, kiểm soát, sắp xếp, phân loại, tìm kiếm bệnh án cũ đang là bài toán nhức nhối đối với các cấp lãnh đạo bệnh viện trong khi bệnh viện vẫn phải tốn những khoản chi phí lớn và dành nhiều nhân lực cho việc quản lý lưu kho bệnh án.

Bệnh án điện tử (EMR) không phải là một thuật ngữ mới lạ trên thế giới khi vào năm 1972, hệ thống EMR đầu tiên ra đời và phát triển bởi viện nghiên cứu Regenstrief. Tuy nhiên, việc triển khai EMR chỉ thực sự nở rộ vào thập niên 90 khi mà máy tính đã dần trở nên phổ biến hơn và tiếp tục phát triển cho đến thời điểm hiện tại.

Tại Việt Nam, EMR đã và đang thu hút được rất nhiều sự chú ý quan tâm không chỉ của Đảng, Nhà nước, các ban ngành Chính phủ mà còn cả của các tầng lớp trong xã hội suốt vài năm trở lại đây. Rõ ràng, EMR là một giải pháp công nghệ chuyên sâu cho y tế, nhằm phục vụ công tác lưu trữ thông tin HSBA – bệnh nhân và mang lại rất nhiều những lợi ích thiết thực cho đội ngũ cán bộ nhân viên Y tế và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân.

xu-the-trien-khai-benh-an-dien-tu-van-de-cap-bach-1

Kho lưu trữ dữ liệu bệnh án giấy.

Bước đột phá quan trọng chuyển đổi số hóa của ngành Y tế

Thực hiện Nghị quyết số 36a/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ ngày 14/10/2015 về Chính phủ điện tử, Bộ Y tế đã tiên phong trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật về chuyển đổi số theo chỉ đạo của Chính phủ, ngày 28/12/2018, Bộ trưởng Bộ Y tế chính thức ban hành Thông tư số 46/2018/TT-BYT quy định việc lập, sử dụng và quản lý hồ sơ bệnh án điện tử tại các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc.

Theo đó, từ ngày 01/03/2019, các bệnh viện bắt đầu triển khai xây dựng lộ trình thực hiện chuyển đổi từ bệnh án giấy sang bệnh án điện tử, đảm bảo mục tiêu chậm nhất đến năm 2030 các bệnh viện trên toàn quốc phải hoàn thành việc chuyển đổi này.

Bộ Y tế khẳng định việc triển khai bệnh án điện tử hướng tới bệnh viện không sử dụng bệnh án giấy là hết sức cần thiết, là bước đột phá quan trọng để chuyển đổi số hóa của ngành Y tế, đặt nền móng cho sự phát triển y tế điện tử trong thời gian tới.

Chính vì vậy, đã có rất nhiều cuộc hội thảo và các cuộc thi ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong lĩnh vực y tế được Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế phối hợp và tổ chức trên toàn quốc. Tiêu biểu như: “Hội nghị đẩy mạnh triển khai bệnh án điện tử (EMR) tại Đà Nẵng ngày 23/07/2019” và Cuộc thi “Y tế thông minh năm 2018” nhằm lắng nghe, thu thập những ý kiến từ các bác sĩ đầu ngành và hơn 40 đơn vị triển khai các giải pháp CNTT y tế để tìm kiếm những giải pháp tối ưu trong CNTT y tế tại Việt Nam.

xu-the-trien-khai-benh-an-dien-tu-van-de-cap-bach-2

Nhiều cán bộ y tế trải nghiệm giải pháp bệnh án điện tử EMR.

Nhiều bệnh viện vẫn “thờ ơ” với bệnh án điện tử

Sau khi các Thông tư 46 và 54 được ban hành, Bộ Y tế kì vọng sau năm 2021 các bệnh viện hạng I trở lên sẽ triển khai thành công hồ sơ bệnh án điện tử theo quy định. Để quyết tâm hóa mục tiêu trên, 6 bệnh viện đã được lựa chọn để triển khai thí điểm trong Dự án “Triển khai bệnh án điện tử tại các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế giai đoạn 2018 -2020”.

Tuy nhiên, cho đến nay chưa có dự án bệnh án điện tử nào được triển khai hoàn chỉnh, đáp ứng được các yêu cầu của Bộ Y tế. Hầu hết các bệnh viện đã triển khai EMR mới chỉ dừng lại ở mức độ số hóa các loại biểu mẫu trong hồ sơ bệnh án (cấp độ 0-1 trên thang đánh giá mức độ triển khai bệnh án điện tử của tổ chức quốc tế HIMSS).

Các chuyên gia cho rằng, điều này có nguyên nhân một phần xuất phát từ phía các cơ sở y tế, khi lãnh đạo của các đơn vị bệnh viện không quyết liệt chỉ đạo, thậm chí hờ hững chờ đợi các đơn vị khác triển khai đồng thời nghe ngóng thêm các thông tin trong khi hạ tầng CNTT vẫn còn yếu kém và chưa đáp ứng được yêu cầu để triển khai; một phần xuất phát từ chính các giải pháp công nghệ vẫn còn rất nhiều vướng mắc bất cập…

(Nguồn: suckhoedoisong.vn)

Bài viết liên quan

6 loại rau củ tốt nhất cho người bệnh viêm khớp

Ngọc Nga

Nắng nóng 40 độ, đề phòng sốc nhiệt, đột quỵ

Mậu Ngọ

Biện pháp dễ thực hiện giúp làm chậm lão hóa da

CDC Hà Nam

Để lại bình luận