Điểm báo ngày 19/12/2019

(CDC Hà Nam)
Bộ Y tế yêu cầu làm rõ vụ ‘hô biến’ nhân viên tạp vụ thành bác sĩ; Khắc phục tình trạng khan hiếm máu trong dịp Tết; Viện Dinh dưỡng Quốc gia: Bổ sung 21 vi chất vào sữa học đường hoàn toàn khách quan, khoa học…

 

Không thiếu vắc xin và thuốc Tamiflu điều trị cúm

Những ngày gần đây, số lượng bệnh nhân mắc cúm trên địa bàn Hà Nội gia tăng nhanh chóng. Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây qua đường hô hấp, nên khả năng lây lan rất nhanh trong cộng đồng, nhiều người đổ xô đi tiêm phòng. Trước tình hình này, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung khẳng định, ngành Y tế Hà Nội có đủ vắc xin và thuốc Tamiflu để cung cấp cho người dân điều trị cúm.

Số bệnh nhi mắc cúm tăng gấp 3 lần

Chỉ trong 2 ngày 17 và 18-12, Khoa Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn đã tiếp nhận khoảng 200 bệnh nhi với các biểu hiện chủ yếu là sốt cao, ho, nhức đầu, sổ mũi… do mắc bệnh liên quan đến đường hô hấp như viêm phế quản, viêm phổi, cúm A… So với thời điểm bình thường, số lượng bệnh nhi hiện đã tăng gấp 3 lần.

Bác sĩ Phạm Thị Như Hoa, Khoa Nhi (Bệnh viện Thanh Nhàn) cho biết, do thời tiết thay đổi, trời lạnh về đêm và sáng, ban ngày lại nóng cùng với ô nhiễm môi trường đã tạo thuận lợi cho dịch cúm A phát triển. Tương tự, tại Bệnh viện Nhi trung ương, trong một tháng qua, số bệnh nhi mắc cúm đến khám cũng tăng gấp 3 lần những tháng trước đó, trong đó 1/3 số trẻ phải nhập viện điều trị nội trú, chủ yếu là trẻ dưới 2 tuổi. Riêng tại Trung tâm Y học lâm sàng và các bệnh nhiệt đới của bệnh viện đang điều trị cho hơn 70 trẻ bị cúm nặng và trung bình mỗi ngày tiếp nhận 15-20 ca mắc mới.

Theo Tiến sĩ Ðỗ Thiện Hải, Trưởng khoa Nội, Trung tâm Y học lâm sàng và các bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi trung ương), cúm là bệnh đặc trưng của mùa đông – xuân. Do đó, dự báo số trẻ mắc bệnh còn có thể tăng trong những ngày tới. Thông thường, bệnh diễn biến nhẹ với các biểu hiện: Sốt, đau đầu, đau cơ, hắt hơi, sổ mũi, ho… và hồi phục trong vòng 2-7 ngày. Tuy nhiên, đối với trẻ em, người lớn tuổi, người có bệnh mạn tính về tim, phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch…, bệnh có thể diễn biến nặng hơn như: Viêm phổi, viêm cơ tim và có thể dẫn đến tử vong.

Không phải bệnh nhân nào cũng dùng Tamiflu

Tại Hà Nội, từ đầu năm đến nay đã ghi nhận khoảng 12.700 ca mắc cúm mùa. So với cùng kỳ năm 2018, số ca mắc cúm thấp hơn. Tuy nhiên, do số người mắc cúm đang gia tăng, nên đã xảy ra tình trạng khan hiếm thuốc Tamiflu. Chị Nguyễn Thu Quỳnh (32 tuổi ở quận Hoàng Mai) cho biết, chị phải đi tìm hơn 10 nhà thuốc trong các bệnh viện mới mua được Tamiflu.

Theo bảng giá kê khai tại Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), thuốc Tamiflu 75mg có giá gần 45.000 đồng/viên, tương đương 450.000 đồng/vỉ 10 viên. Thế nhưng, theo chị Trần Thị Thoa, có con đang học lớp 2 tại Trường Tiểu học Ái Mộ A (quận Long Biên), con chị phải nghỉ học mấy ngày nay và được bác sĩ chẩn đoán cúm A. Chị phải tìm mua thuốc Tamiflu chữa bệnh cho con ở thị trường “chợ đen” với giá cao gấp 3 lần…

PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương cho hay, trong điều trị cúm, Tamiflu (chứa hoạt chất Oseltamivir hàm lượng 75mg) là thuốc không được sử dụng tùy tiện, chỉ được chỉ định với những trường hợp có các biến chứng như viêm phổi, viêm não hoặc nhóm trẻ dưới 5 tuổi bị bệnh hoặc phụ nữ có thai, người già, bệnh mạn tính. Khi có chỉ định của bác sĩ dùng Tamiflu, người bệnh mới dùng thuốc này, không nên tự ý mua thuốc về chữa cúm.

Thực tế cũng cho thấy, do lo sợ mắc cúm nên nhiều người đã đổ xô đi tiêm phòng. Qua ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới tại Trung tâm Tiêm chủng VNVC (quận Hà Đông) vào sáng 18-12, có rất đông gia đình đến đây tiêm vắc xin phòng cúm. Theo chị Lê Thu Huyền (ở Khu đô thị Văn Quán, quận Hà Đông), cả 4 người trong gia đình chị đã tiêm vắc xin phòng cúm của Pháp với giá 355 đồng/mũi. Bệnh cúm đang vào mùa, nên tiêm phòng cho yên tâm.

Về vấn đề nêu trên, chiều 18-12, trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội khẳng định, hiện thuốc Tamiflu đủ để cung ứng cho nhu cầu sử dụng thuốc của người dân trên địa bàn Thủ đô. Sở Y tế đã yêu cầu các đơn vị cung ứng thuốc trực thuộc ngành không được lợi dụng tình hình dịch bệnh hiện nay để tự ý tăng giá thuốc. (Hà Nội mới, trang 7).

 

Khắc phục tình trạng khan hiếm máu trong dịp Tết

Ngày 18-12, Báo Tiền Phong phối hợp với Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia, Viện Huyết học – Truyền máu trung ương và Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện các tỉnh, thành phố tổ chức họp báo chương trình Chủ nhật đỏ lần thứ XII – năm 2020.

Trong dịp Tết Nguyên đán, các trường hợp vi phạm giao thông như: Sử dụng rượu, bia khi lái xe, không đội mũ bảo hiểm… dẫn đến xảy ra tai nạn giao thông sẽ diễn biến phức tạp, kéo theo đó là số người nhập viện vì tai nạn giao thông cũng gia tăng hơn so với bình thường. Điều này càng khiến tình trạng thiếu máu tại các cơ sở y tế trong dịp Tết thêm trầm trọng. Riêng Viện Huyết học – Truyền máu trung ương cần tối thiểu 80.000 đơn vị máu trong 3 tháng (từ tháng 12-2019 đến tháng 2-2020) để cung cấp cho 170 bệnh viện tại 25 tỉnh, thành phố. Chính vì vậy, hoạt động hiến máu tình nguyện Chủ nhật đỏ được tổ chức nhằm góp phần giải quyết tình trạng khan hiếm máu “đến hẹn lại lên” trong mỗi dịp Tết.

Dự kiến, Chủ nhật đỏ lần thứ XII – năm 2020 sẽ diễn ra tại 40 tỉnh, thành phố với gần 80 điểm hiến máu, tiếp nhận từ 45.000 đến 50.000 đơn vị máu.

Lễ phát động Chủ nhật đỏ lần thứ XII sẽ diễn ra ngày 22-12 tới tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội với thông điệp “Hiến máu cứu người – Sinh mệnh của bạn và tôi”. (Hà Nội mới, trang 5).

Cùng chủ đề Báo Sài Gòn giải phóng, trang 3: “Phát động hiến máu tình nguyện cứu người dịp tết”; Tiền phong, trang 14: “Chủ nhật đỏ: Hành trình san sẻ yêu thương”.

 

Viện Dinh dưỡng Quốc gia: Bổ sung 21 vi chất vào sữa học đường hoàn toàn khách quan, khoa học

Trả lời phóng viên Báo An ninh Thủ đô, đại diện của Viện Dinh dưỡng Quốc gia khẳng định, việc cơ quan này có công văn đề nghị bổ sung 21 loại vi chất vào các sản phẩm sữa tươi sử dụng trong Chương trình Sữa học đường hoàn toàn dựa trên cơ sở khoa học…

Cơ sở của việc bổ sung đa vi chất vào sữa học đường?

Như Báo ANTĐ đã thông tin, ngày 5-12 vừa qua, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 31/2019/TT-BYT quy định yêu cầu đối với các sản phẩm sữa tươi sử dụng trong Chương trình Sữa học đường. Nội dung được nhiều người quan tâm tại Thông tư này là quy định các sản phẩm sữa tươi sử dụng trong Chương trình Sữa học đường phải bổ sung đủ 21 loại vi chất.

Câu hỏi được nhiều người đặt ra là cơ sở pháp lý, cơ sở khoa học và tính khách quan của việc quyết định bổ sung 21 vi chất vào các sản phẩm sữa tươi sử dụng trong Chương trình Sữa học đường ra sao?

Về việc ban hành Thông tư nói trên, Bộ Y tế nêu rõ, trong quá trình xây dựng Thông tư, Viện Dinh dưỡng Quốc gia đã nghiên cứu và có văn bản đề nghị bổ sung 21 loại vi chất với hàm lượng cụ thể của từng loại vào sản phẩm sữa tươi sử dụng trong Chương trình Sữa học đường.

Chúng tôi đã liên hệ với Viện Dinh dưỡng Quốc gia để tìm hiểu xem việc đề nghị bổ sung 21 loại vi chất với hàm lượng cụ thể của từng loại vào sản phẩm sữa tươi sử dụng trong Chương trình Sữa học đường được Viện này căn cứ trên cơ sở nghiên cứu như thế nào?

Đại diện Viện Dinh dưỡng Quốc gia, ThS.BS Trần Khánh Vân, Phó trưởng khoa Vi chất dinh dưỡng cho biết, nghiên cứu tại Việt Nam và trên thế giới cho thấy tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng đã ảnh hưởng tới suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em.

Cụ thể, theo tạp chí Y khoa hàng đầu Lancet thì bản đồ thiếu vi chất dinh dưỡng bao phủ toàn bộ các nước đang phát triển của các châu lục, gây ảnh hưởng nặng nề đến phát triển thể chất và trí tuệ trẻ em.

Việc đầu tư tăng cường vi chất dinh dưỡng vào các thực phẩm (đặc biệt cho bà mẹ và trẻ em) đã được hội nghị Thượng Đỉnh Copenhagen “Đầu tư cho Thế kỷ XXI” năm 2009 xếp loại đứng thứ 3 trong số 10 đầu tư có hiệu quả kinh tế nhất của Thế kỷ XXI. Việt Nam cũng đã có nghiên cứu chi phí – hiệu quả tăng cường vi chất dinh dưỡng của tác giả Đỗ Anh Kiếm -Tổng cục Thống kê – 2007.

Bà Trần Khánh Vân nhấn mạnh, có khoảng 40 vi chất dinh dưỡng cơ thể không tự tổng hợp được, trong đó có 21 vi chất được lựa chọn thì trẻ em nước ta cũng như trẻ em các nước Đông Nam Á đều có tỷ lệ thiếu ở mức cao. Các vi chất này ảnh hưởng đến quá trình phát triển cơ thể thông qua vai trò tham gia các phản ứng trong cơ thể.

Trong các loại thực phẩm đều có chứa các vi chất dinh dưỡng này và càng ngày hàm lượng chúng trong thực phẩm càng ít dần đi (do canh tác, do đất đai bạc màu, do sản xuất nông nghiệp đại trà, rút ngắn thời vụ…), vì vậy bản chất các vi chất dinh dưỡng vẫn là thức ăn, chỉ khi dùng với liều cao mới được coi là thuốc điều trị.

“Toàn bộ các vi chất dinh dưỡng đều được sử dụng trên cơ sở Hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp năm 2006, đồng thời dựa trên Bảng Nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam năm 2016” – bác sĩ Vân khẳng định.

Tại sao lại phải bổ sung 21 chứ không phải 3 hay 18 vi chất?

Trên thực tế, trong suốt quá trình Bộ Y tế xây dựng Thông tư liên quan đến các sản phẩm sữa học đường, đã có nhiều ý kiến tranh luận trái chiều về việc bổ sung 3 vi chất, 18 vi chất hay 21 vi chất dinh dưỡng. Cuối cùng, Bộ Y tế quyết định bổ sung 21 vi chất.

Trả lời về vấn đề này, ThS.BS Trần Khánh Vân cho biết, chế độ ăn hàng ngày không thể cung cấp đủ số và lượng các vi chất dinh dưỡng đáp ứng được nhu cầu của cơ thể, trừ sữa mẹ là hoàn hảo đáp ứng cho trẻ em dưới 6 tháng tuổi.

Các nghiên cứu can thiệp được Tổ chức Y tế Thế giới tiến hành tại Brazil, Mexico, Guatemala của các tác giả Ramakrishnan và Roemer… đã cho thấy việc bổ sung một vài vi chất đơn lẻ không có ý nghĩa đối với sự phát triển chiều cao của trẻ em. Bổ sung đa vi chất có hiệu quả thực sự rõ rệt hơn đối với sự phát triển chiều cao của trẻ em. Một số nghiên cứu tại Việt Nam cũng cho kết quả tương tự.

“Tạp chí Lancet năm 2008 (số S0140-6736) đã khuyến cáo một cách mạnh mẽ cách Quốc gia phòng chống suy dinh dưỡng thấp còi sử dụng các giải pháp tổng hợp bao gồm chăm sóc 1.000 ngày vàng, trọng tâm là sữa mẹ, tăng cường đa vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm (như Viện Dinh dưỡng đề nghị), tẩy giun và các vấn đề môi trường” – đại diện Viện Dinh dưỡng Quốc gia nêu.

Cũng qua nghiên cứu, hầu hết chất khoáng và vitamin này có trong sữa nhưng hàm lượng dao động theo mùa và theo loại thức ăn bò ăn vào. Do vậy, việc đưa khuyến nghị tăng cường 21 vi chất vào sữa học đường là nhằm đảm bảo hàm lượng các vi chất dinh dưỡng ổn định đạt được mức đảm bảo giá trị dinh dưỡng cho bữa ăn của trẻ em đang trong giai đoạn tăng trưởng và phát triển. (An ninh Thủ đô, trang 7).

 

Đề xuất tăng mức đóng bảo hiểm y tế

Ngày 18-12, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị Tổng kết 5 năm thực hiện Luật Bảo hiểm y tế và xin ý kiến dự thảo Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi).

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, sau 5 năm triển khai thực hiện Luật BHYT, số người tham gia BHYT ngày càng gia tăng, hiện tỷ lệ bao phủ đã đạt 90% dân số.

Tại hội nghị, nhiều chuyên gia góp ý, Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) vẫn còn một số tồn tại, bất cập trong quy định và trong tổ chức thực hiện Luật. Các văn bản hướng dẫn còn thiếu cụ thể, thiếu đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật khác, gây ra những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước cũng như tổ chức thực thi pháp luật và đề xuất tăng mức đóng BHYT lên, giảm mức hỗ trợ đối với các thành viên tham gia BHYT theo hộ gia đình.

Tính riêng từ năm 2015 đến năm 2019, toàn quốc tăng khoảng 15 triệu người tham gia BHYT. Chất lượng khám chữa bệnh BHYT ngày càng được cải thiện, nhiều loại thuốc mới, kỹ thuật, dịch vụ y tế hiện đại khi đưa vào Việt Nam đều nhanh chóng được Quỹ BHYT chi trả, tạo điều kiện cho người bệnh tiếp cận thuận lợi, đảm bảo nguyên tắc chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia.

Chính sách BHYT đã góp phần giảm chi trực tiếp từ tiền túi hộ gia đình cho dịch vụ y tế. Thống kê đến năm 2018, tỷ lệ này đã giảm xuống còn 37%, góp phần tạo nên sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe, nhất là với nhóm người nghèo, cận nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi…

Tuy nhiên, quá trình thực hiện Luật BHYT vẫn còn một số tồn tại, bất cập trong quy định và trong tổ chức thực hiện Luật. Các văn bản hướng dẫn còn thiếu cụ thể, thiếu đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật khác, gây ra những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước cũng như tổ chức thực thi pháp luật. Công tác tổ chức thực hiện vẫn còn hạn chế do năng lực, cơ sở vật chất, đội ngũ nhân viên chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn phát sinh.

Bên cạnh đó, một số vấn đề trọng tâm trong chính sách BHYT cũng cần được nghiên cứu, đánh giá và có các giải pháp phù hợp với thực tiễn như: phát triển đối tượng tham gia BHYT; quyền lợi của người tham gia BHYT; tổ chức khám chữa bệnh BHYT; phương thức thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT; công tác giám định; quản lý và sử dụng quỹ BHYT…

Theo ông Phan Văn Toàn, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế ), một trong những điểm đáng chú ý tại dự thảo (lần 1) Luật BHYT sửa đổi này là mức đóng BHYT hàng tháng được đề nghị điều chỉnh tăng bằng 6% (hiện mức đóng là 4,5%), trong đó người sử dụng lao động đóng 2/3 và người lao động đóng 1/3.

Dự thảo luật cũng yêu cầu tất cả thành viên thuộc hộ gia đình phải tham gia cùng một thời điểm (thay vì có thể tham gia từng cá nhân như hiện nay). Tuy nhiên, mức đóng của thành viên thứ hai trong gia đình sẽ bằng 80% của người thứ nhất, thay vì mức 70% như hiện nay. Như vậy, cùng với các đợt tăng lương cơ sở đều đặn, mức đóng bảo BHYT trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng.

Hiện tại, lương cơ sở đang là 1.490.000 đồng, với mức đóng 4,5%, tương đương mức đóng BHYT là 804.000 đồng/năm, nếu tăng lên 6%, mức đóng sẽ lên gần 1.100.000 đồng. (Sài Gòn giải phóng, trang 9).

 

Bộ Y tế yêu cầu làm rõ vụ ‘hô biến’ nhân viên tạp vụ thành bác sĩ

Chiều 18.12, TS Cao Hưng Thái, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), có công văn khẩn đề nghị Sở Y tế Bình Dương chỉ đạo và tổ chức xác minh sự việc “hô biến” nhân viên tạp vụ thành bác sĩ khám cho công nhân, tại Trung tâm sức khỏe lao động và môi trường Bình Dương; báo cáo kết quả về Cục này trước ngày 20.12.

Cục Quản lý khám chữa bệnh cũng đề nghị Sở Y tế Bình Dương tăng cường thực hiện các văn bản chỉ đạo của Bộ Y tế, kiểm tra, thanh tra hoạt động khám sức khỏe tại các cơ sở khám, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý của Sở Y tế; chỉ đạo, hướng dẫn các khoa, phòng có liên quan đến hoạt động khám, cấp giấy khám sức khỏe, giấy ra viện, nghiêm túc thực hiện các quy định liên quan đến công tác khám sức khỏe và cấp giấy ra viện; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về khám, cấp giấy khám sức khỏe và cấp giấy ra viện. Đồng thời Sở Y tế tỉnh Bình Dương thiết lập hệ thống theo dõi, cập nhật hằng ngày việc khám, cấp giấy khám sức khỏe, cấp giấy ra viện nhằm hạn chế việc làm giả; phối hợp cơ quan báo chí, chính quyền, lực lượng công an trên địa bàn để ngăn chặn, phát hiện và xử lý các trường hợp cố ý làm trái quy định trong hoạt động khám chữa bệnh và khám sức khỏe. (Thanh niên, trang 4).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 21/12/2021

CDC Hà Nam

Người Việt sống thọ hơn nhưng lại lắm bệnh tật

Ngọc Nga

Điểm báo ngày 05/11/2019

CDC Hà Nam

Để lại bình luận