Nhiều thuốc điều trị ung thư bán trên mạng internet chưa được bộ y tế cấp phép
Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) vừa phát đi thông tin cảnh báo người dân không mua các thuốc điều trị ung thư được chào bán và quảng cáo qua mạng để điều trị.
Cụ thể, trong thời gian qua, trên các trang web của nhà thuốc Võ Lan Phương tại địa chỉ https://volanphuong.com và nhà thuốc Lan Phương tại địa chỉ https://nhathuoclanphuong.net có giới thiệu và chào bán nhiều loại thuốc.
Trong đó, có các thuốc điều trị ung thư như: Thuốc Osicent 80mg (Osimertinib) ghi nhà sản xuất Incepta Pharmaceuticals Ltd., Bangladesh; thuốc Osimert 80mg (Osimertinib) ghi nhà sản xuất Everst – Bangladesh; thuốc Tagrix 80mg (Osimertinib) ghi nhà sản xuất Beacon Pharmaceuticals Ltd., Bangladesh.
Các thuốc này chưa được Bộ Y tế cấp phép lưu hành là thuốc, chưa được cấp giấy xác nhận nội dung thông tin thuốc, quảng cáo thuốc. Cục Quản lý dược đang phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật. (Hà Nội mới, trang 1; Công an nhân dân, trang 2; Sức khỏe & Đời sống, trang 2).
Bộ Y tế: Tăng cường kiểm dịch y tế phòng bệnh lan truyền qua cửa khẩu
Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế vừa có công văn về việc tăng cường công tác kiểm dịch y tế phòng chống dịch bệnh lan truyền qua cửa khẩu.
Để chủ động phát hiện sớm, ngăn chặn trường hợp nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm qua các cửa khẩu, thực hiện Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 19/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết nguyên đán Canh Tý và Công văn số 1696/TTg-KGVX ngày 17/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phòng chống dịch bệnh mùa đông xuân, ngày 03/01/2020 Cục Y tế dự phòng đã có công văn 02/DP-DT về việc tăng cường công tác kiểm dịch y tế phòng chống dịch bệnh lan truyền qua cửa khẩu.
Theo đó, đề nghị đồng chí Giám đốc Trung tâm Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật/Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh/thành phố có hoạt động kiểm dịch y tế chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các hoạt động kiểm dịch y tế quy định tại Nghị định số 89/NĐ-CP ngày 25/6/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm về kiểm dịch y tế biên giới. Tăng cường thực hiện việc kiểm dịch y tế đối với người, phương tiện nhập cảnh, quá cảnh và hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam từ các quốc gia, vùng lãnh thổ đang có dịch bệnh truyền nhiễm; phát hiện sớm trường hợp nghi ngờ mắc bệnh (nếu có), cách ly và xử lý kịp thời, đồng thời có báo cáo cho các cơ quan quản lý để phối hợp chỉ đạo giải quyết. Phối hợp với các đơn vị liên quan tại cửa khẩu tăng cường giám sát bệnh truyền nhiễm, gia cầm nhập lậu, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc vận chuyển qua biên giới và chủ động triển khai các biện pháp phòng chống hiệu quả. Đồng thời, triển khai các hoạt động truyền thông, khuyến cáo tại các cửa khẩu về phòng chống dịch bệnh nguy hiểm, mới nổi phù hợp với tình hình hiện nay và chủ động tư vấn về các biện pháp phòng bệnh đối với các trường hợp đi cùng hoặc có tiếp xúc gần với các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh (nếu có) về từ vùng dịch. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).
Cấp cứu bệnh nhân mắc bệnh phổi hiếm gặp do hút thuốc lá
Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ tiếp nhận bệnh nhân T.V.H (nam giới, 23 tuổi) vào cấp cứu do bị tràn khí màng phổi gây đứt dây chằng đỉnh phổi trái. Tại Bệnh viện đa khoa Phú Thọ, bệnh nhân được chỉ định chụp phim cắt lớp vi tính lồng ngực. Kết quả chụp chẩn đoán cho thấy: bệnh nhân bị tràn khí, tràn dịch màng phổi trái. Các bác sĩ cho hay đây là ca bệnh hi hữu, điển hình và hiếm gặp. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ đã quyết định thực hiện phẫu thuật dẫn lưu màng phổi trái cấp cứu cho bệnh nhân và đã hút ra khoảng 600 ml máu không đông và khí. Người bệnh được dùng thuốc cầm máu và theo dõi dẫn lưu màng phổi. Sau 12 giờ, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật nội soi cầm máu, đốt kén khí và gây dính màng phổi cho người bệnh.
Bác sĩ Trương Văn Hải, công tác tại Đơn vị Phẫu thuật tim mạch – lồng ngực, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết: Đây là một ca bệnh đặc biệt, hiếm gặp. Người bệnh có tràn khí màng phổi tự phát gây xẹp phổi co kéo dẫn đến đứt dây chằng đỉnh phổi chảy máu vào khoang màng phổi. Bệnh hay gặp ở những người có tiền sử hút thuốc lá, thuốc lào, người bệnh có tiền sử bệnh phổi mạn tính. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).
Gia tăng người trẻ nhập viện do ngộ độc rượu
Gần đây, số lượng bệnh nhân ngộ độc rượu nhập viện tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai có xu hướng gia tăng, trong đó tập trung vào người trẻ từ 20-40 tuổi. Theo các chuyên gia về tiêu hóa, thời điểm trước và sau Tết, số bệnh nhân nhập viện liên quan đến rượu, bia tăng cao, trong đó chủ yếu là xuất huyết tiêu hóa, men gan tăng, viêm gan, xơ gan, viêm tụy… Hầu hết bệnh nhân vào viện trong tình trạng lạm dụng rượu kéo dài nhiều năm. Cá biệt có nhiều bệnh nhân ra vào viện 9-13 lần do xuất huyết tiêu hóa. Hơn thế nữa, nếu uống phải rượu chứa methanol có thể gây tử vong vì đây là chất cực độc… (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).
Chủ nhật Đỏ lần thứ XII – năm 2020 đang diễn ra ở 11 tỉnh, thành
Hiến máu cứu người là một nghĩa cử cao đẹp, tham gia hiến máu là góp phần tô đậm thêm truyền thống “Thương người như thể thương thân” của dân tộc Việt Nam. Qua hơn 20 năm phong trào hiến máu được phát động tại Việt Nam, đã có hàng chục triệu lượt người tham gia hiến máu. Năm 2019 vừa qua, cả nước tiếp nhận được hơn 1,3 triệu đơn vị máu, đáp ứng được hơn 70% nhu cầu máu cho điều trị.
Năm 2020, Chủ nhật Đỏ lần thứ XII nhận được sự quan tâm của các bộ, ban, ngành, đặc biệt là sự vào cuộc của 40 tỉnh/thành phố, bao gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thái Nguyên, Hòa Bình, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ, Cà Mau, Sóc Trăng, Kiên Giang, Khánh Hòa, Đồng Nai, Kon Tum, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông, TP Hồ Chí Minh. Nhiều đơn vị thuộc lực lượng vũ trang và các cơ quan, doanh nghiệp cũng tích cực hưởng ứng Chủ nhật Đỏ: Học viện Hậu cần, Học viện Cảnh sát Nhân dân, Học viện Kỹ thuật quân sự, Công an Thành phố Hà Nội, Trung tâm Giáo dục Quốc phòng – An ninh (Đại học Quốc gia Hà Nội), Tổ hợp Samsung Việt Nam, Ngân hàng SeABank… (Tiền phong, trang 6).
Bộ Y tế kiểm tra việc con sản phụ tử vong sau khi sinh tại Quảng Bình
Ngày 5.1 Sở Y tế tỉnh Quảng Bình cho biết, Bộ Y tế vừa có văn bản yêu cầu xác minh, báo cáo sự cố xảy ra tại Bệnh viện đa khoa huyện Tuyên Hóa khiến con của sản phụ Đoàn Thị Bích (1996, trú xã Phong Hóa, Tuyên Hóa) tử vong khi vừa sinh xong… (Lao động, trang 3).
Đánh giá nguyên nhân vụ thai nhi tử vong tại Bệnh viện Từ Dũ
Ngày 5-1, trao đổi Tuổi Trẻ online bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi – phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) – cho biết đơn vị đang tiến hành lập hội đồng chuyên môn để đánh giá toàn diện nguyên nhân dẫn đến việc thai nhi 40 tuần tử vong trong quá trình theo dõi tại bệnh viện.
Trước đó, phản ảnh tới Tuổi Trẻ online, anh Nguyễn Văn Quý (chồng sản phụ) cho biết từ lúc mang bầu, vợ anh đều được thăm khám tại Bệnh viện Từ Dũ. Thời điểm thai 39 tuần, kết quả khám định kỳ không có dấu hiệu gì bất thường ở thai nhi và mẹ. Tuy nhiên đến trưa 28-12-2019, lúc thai nhi tròn 40 tuần 1 ngày, vợ anh có dấu hiệu ra dịch hồng và được bác sĩ khuyên nhập viện.
Theo anh Quý, đến khoảng 1h sáng hôm sau bác sĩ Nguyễn Thị Kim Hoàng (trưởng kíp trực) có thông báo bằng miệng với gia đình là thai nhi tử vong do “nhau bong non và dây rốn quấn cổ”. Tuy nhiên anh Quý không đồng tình với cách giải thích này và mong muốn phía Bệnh viện Từ Dũ phải làm rõ trách nhiệm của ekip trực từ lúc vợ anh nhập viện cho đến thai nhi tử vong.
Bác sĩ Bùi Văn Hoàng – trưởng phòng kế hoạch – tổng hợp (Bệnh viện Từ Dũ) – cho rằng đây là sự cố đáng tiếc, sau khi xảy ra đơn vị gặp chồng và sản phụ để chia sẻ nỗi đau mất con. Theo bác sĩ Hoàng, với một sự cố y khoa, chưa thể nói đúng – sai ngay mà phải cần thời gian lập hội đồng chuyên môn để phân tích. “Dự kiến qua tuần, chúng tôi sẽ thành lập hội đồng để phân tích và sẽ có câu trả lời cho người nhà sản phụ” – bác sĩ Hoàng khẳng định. (Tuổi trẻ, trang 4).