Đối phó với dịch viêm phổi “lạ” từ Trung Quốc: Giám sát chặt chẽ cửa khẩu bằng máy đo thân nhiệt từ xa
Cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Điều lệ y tế quốc tế (IHR)- Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế liên tục cung cấp những thông tin về dịch viêm phổi “lạ” ở Trung Quốc. Một dịch bệnh “lạ” tại nước láng giềng – nơi khởi phát của đại dịch viêm đường hô hấp cấp (SARS) xảy ra ở nước ta cách đây 17 năm, cướp đi mạng sống của 5 người, khiến cho ngành Y tế và người dân Việt Nam hết sức cảnh giác.
Nguyên nhân chưa xác định, không phải do các loại virus thông thường
Theo Cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Điều lệ y tế quốc tế (IHR), các nguồn tin cho thấy Trung Quốc tiếp tục ghi nhận thêm các trường hợp viêm phổi cấp chưa rõ nguyên nhân tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. Tính đến ngày 5.1.2020, đã ghi nhận 44 trường hợp mắc, trong đó có 11 trường hợp trong tình trạng nặng, 2 trường hợp đã hồi phục hoàn toàn, các trường hợp khác sức khỏe ổn định, chưa ghi nhận trường hợp tử vong.
Trong bối cảnh bệnh viêm phổi cấp chưa rõ nguyên nhân đang diễn ra tại Trung Quốc, ngày 5.1.2020, Singapore thông báo ghi nhận một trường hợp viêm phổi cấp có tiền sử đi về từ thành phố Vũ Hán; tuy nhiên kết quả xét nghiệm dương tính với virus RSV (Respiratory syncytial virus), một loại virus gây viêm phổi thông thường.
Bộ Y tế Trung Quốc đã tổ chức điều tra và triển khai các biện pháp quyết liệt để kiểm soát tình hình dịch bệnh, đã thực hiện đóng cửa và triển khai tiêu độc khử trùng chợ hải sản Huanan, nơi có nhiều trường hợp bệnh được ghi nhận và hiện đang theo dõi sức khỏe của 121 người dân có tiền sử tiếp xúc gần với các trường hợp bệnh. Các kết quả điều tra cho thấy chưa có bằng chứng rõ ràng của việc lây truyền từ người sang người và cũng chưa ghi nhận trường hợp cán bộ y tế nào bị nhiễm bệnh.
Kết quả xét nghiệm ban đầu cho thấy tác nhân gây bệnh không phải là các chủng virus gây bệnh viêm đường hô hấp thường gặp như cúm mùa, cúm A, adenovirus. Bộ Y tế Trung Quốc tiếp tục làm các xét nghiệm để xác định nguyên nhân gây bệnh. Tình trạng trên khiến cho các nhà chức trách và người dân Trung Quốc đang lo ngại dịch SARS có thể quay trở lại.
Biểu hiện của dịch SARS cũng giống như nhiều loại dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp khác, nhưng mức độ bệnh nặng nề, tỉ lệ tử vong khá cao, lây truyền từ người sang người, trong đó nhân viên y tế là nhóm nguy cơ cao. Với căn bệnh chưa xác định được nguyên nhân ở Trung Quốc, liệu đây có phải là dịch SARS hay không thì chưa rõ, nhưng những dấu hiệu của bệnh giống với SARS đã khiến cho mối quan ngại về hiểm họa SARS dâng cao.
Cách đây 17 năm, Việt Nam là một trong 25 nước hứng chịu và bị thiệt hại nặng nề, đau đớn nhất từ dịch bệnh SARS với 65 người bị nhiễm, 5 người tử vong. Chỉ trong một thời gian ngắn, SARS đã lây lan ra 32 quốc gia, hơn 8.000 người mắc và 916 người tử vong. Trong số 63 bệnh nhân SARS tại Việt Nam thì có quá nửa là bác sĩ, y tá, nhân viên tế trực tiếp chăm sóc bệnh nhân. Đến ngày 28.4.2003, Việt Nam được WHO công nhận là nước đầu tiên khống chế được đại dịch, kết thúc 45 ngày kinh hoàng chống SARS.
Theo các bác sĩ, điểm quan trọng trong công tác phòng chống dịch SARS năm 2003 là sự phối hợp tốt của cả cộng đồng, giúp nhanh chóng tìm ra nguyên nhân. Trên thế giới có những vụ dịch mà đến vài ba thế kỷ sau cũng chưa biết căn nguyên là gì, trong khi đại dịch này ở Việt Nam từ lúc công bố bệnh lạ đến khi tìm ra virus SARS chỉ hơn một tháng.
Kể từ sau dịch SARS, Việt Nam bắt đầu phát triển hệ thống các phòng thí nghiệm, rồi trang bị các phương tiện điều trị, hỗ trợ ngày một đầy đủ hơn, trình độ kỹ thuật viên chuyên ngành hồi sức cũng được nâng lên… Hệ thống giám sát phòng dịch được xây dựng từ trung ương đến địa phương, chỉ cần thông báo có một ca bệnh nguy hiểm là ngay lập tức có người đến điều tra, giám sát những người tiếp xúc với ca bệnh.
Còn đối với ngành Y tế Việt Nam nói riêng và người dân Việt Nam nói chung, nỗi đau từ dịch SARS 2003 vẫn luôn là bài học đắt giá khi chúng ta đã phải trả bằng mạng sống của người dân và nhân viên y tế. Cả xã hội cần đề cao cảnh giác với những bệnh lạ mới phát sinh để có những biện pháp phòng chống dập dịch kịp thời.
Giám sát chặt chẽ bằng máy đo thân nhiệt từ xa
Phó Cục trưởng phụ trách Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Đặng Quang Tấn cho biết, Việt Nam đang theo sát diễn biến vụ việc nghi SARS tại Trung Quốc. “Chúng tôi đã liên lạc với Tổ chức Y tế Thế giới để nắm thông tin xác thực xung quanh loại virus gây bệnh. Hiện vẫn chưa rõ căn nguyên dẫn đến chứng viêm phổi nặng của các bệnh nhân tại Trung Quốc, nhưng nếu là do virus SARS như nghi vấn thì đây là loại virus nguy hiểm, chưa từng xuất hiện trở lại trong 17 năm qua tính từ lần xuất hiện đầu tiên cuối năm 2002 đầu 2003” – ông Tấn nói.
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh xâm nhập vào nước ta, Bộ Y tế đã thiết lập hệ thống giám sát dịch bệnh chủ động, thường xuyên tại các cửa khẩu, các cơ sở y tế, tại cộng đồng và hệ thống đã phát huy hiệu quả trong việc ngăn ngừa các dịch bệnh nguy hiểm xâm nhập vào nước ta trong những năm vừa qua.
Bộ Y tế đã chỉ đạo Sở Y tế các tỉnh, thành phố tăng cường việc giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại cửa khẩu, lưu ý giám sát chặt chẽ bằng máy đo thân nhiệt từ xa và quan sát tình trạng sức khỏe tất cả các hành khách nhập cảnh có tiền sử về từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc;
Đồng thời yêu cầu các địa phương chủ động rà soát các trang thiết bị, vật tư, hóa chất, thuốc, bố trí nhân lực để sẵn sàng triển khai các biện pháp phòng chống theo các tình huống dịch bệnh.
Hiện nay, Tổ chức Y tế Thế giới đang phối hợp với Bộ Y tế Trung Quốc để điều tra nguyên nhân các ca bệnh và không khuyến cáo bất kỳ biện pháp nào hạn chế việc đi lại đến khu vực có ca bệnh tại Trung Quốc. Bộ Y tế Việt Nam tiếp tục phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới để cung cấp thêm các thông tin và theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh viêm phổi nói trên tại Trung Quốc để đưa ra các biện pháp phòng, chống dịch bệnh phù hợp (Lao động, trang 5).
Dịch viêm phổi lạ ở Trung Quốc: Chắc chắn không phải chủng virus cúm thông thường
Thông tin cập nhật từ Bộ Y tế Việt Nam cho biết, qua các nguồn tin, trong tuần qua Trung Quốc tiếp tục ghi nhận thêm các trường hợp viêm phổi cấp chưa rõ nguyên nhân tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. Tính đến 5-1-2020, tổng cộng tại đây đã ghi nhận 44 trường hợp mắc, trong đó có 11 trường hợp nặng, chưa ghi nhận trường hợp tử vong.
Đáng chú ý, ngày 5-1, Singapore thông báo ghi nhận một trường hợp viêm phổi cấp có tiền sử đi về từ thành phố Vũ Hán (Trung Quốc); tuy nhiên kết quả xét nghiệm dương tính với virus RSV – một loại virus gây viêm phổi thông thường.
Bộ Y tế Trung Quốc đã tổ chức điều tra và triển khai các biện pháp quyết liệt để kiểm soát tình hình dịch bệnh, đã thực hiện đóng cửa và triển khai tiêu độc khử trùng chợ hải sản Huanan, nơi có nhiều trường hợp bệnh được ghi nhận, và hiện đang theo dõi sức khỏe của 121 người dân có tiền sử tiếp xúc gần với các trường hợp bệnh.
Các kết quả điều tra cho thấy chưa có bằng chứng rõ ràng của việc lây truyền từ người sang người. Kết quả xét nghiệm ban đầu cho thấy tác nhân gây bệnh không phải là các chủng virus gây bệnh viêm đường hô hấp thường gặp như cúm mùa, cúm A, adenovirus. Bộ Y tế Trung Quốc tiếp tục làm các xét nghiệm để xác định nguyên nhân gây bệnh.
Trước tình hình trên, để chủ động ngăn ngừa, phòng chống bệnh viêm phổi cấp chưa rõ nguyên nhân hiện đang xảy ra tại Trung Quốc xâm nhập vào nước ta, Bộ Y tế Việt Nam đã chỉ đạo Sở Y tế các tỉnh, thành phố tăng cường việc giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại cửa khẩu.
Đặc biệt, Bộ Y tế đề nghị lưu ý giám sát chặt chẽ bằng máy đo thân nhiệt từ xa và quan sát tình trạng sức khỏe tất cả các hành khách nhập cảnh có tiền sử về từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc; đồng thời yêu cầu các địa phương chủ động rà soát các trang thiết bị, vật tư, hóa chất, thuốc, bố trí nhân lực để sẵn sàng triển khai các biện pháp phòng chống theo các tình huống dịch bệnh.
Hiện nay, WHO đang phối hợp với Bộ Y tế Trung Quốc để điều tra nguyên nhân các ca bệnh và không khuyến cáo bất kỳ biện pháp nào hạn chế việc đi lại đến khu vực có ca bệnh tại Trung Quốc.
Bộ Y tế Việt Nam tiếp tục phối hợp với WHO để cung cấp thêm các thông tin và theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh nhằm có các biện pháp phòng chống dịch phù hợp (An ninh thủ đô, trang 8).
Chưa phát hiện bệnh viêm phổi “lạ” lây từ người sang người
Giới chức Trung Quốc đã loại trừ khả năng Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) là căn nguyên dịch viêm phổi lạ ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc khiến 59 người mắc bệnh ở thành phố này. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho hay, không có bằng chứng bệnh lạ này lây từ người sang người.
Giới chức y tế thành phố cũng loại khả năng cúm gia cầm và hội chứng hô hấp Trung Đông do corona virus (MERS-CoV) là nguyên nhân gây ra một loạt các trường hợp viêm phổi lạ.
Straits Times dẫn thông tin cập nhật từ Ủy ban Y tế thành phố Vũ Hán tối 5.1 xác định, trong số 59 người mắc bệnh, có 7 người trong tình trạng nguy kịch. Dù số ca bệnh tăng lên (ngày 3.1 là 44 ca) nhưng số ca nguy kịch đã giảm xuống (ngày 3.1 là 11 ca nguy kịch). Ủy ban thông tin thêm, tất cả các bệnh nhân tại thành phố 11 triệu dân của Trung Quốc đang được cách ly và trong tình trạng ổn định.
Nhiều bệnh nhân mắc chứng viêm phổi lạ là người bán hàng trong chợ bán buôn hải sản địa phương của thành phố. Thời gian ngã bệnh của các bệnh nhân là từ 12.12-29.12.2019. Ngoài hải sản, chợ này cũng bán các loài động vật sống, trong đó có chim, rắn, nội tạng của thỏ và các loài động vật hoang dã khác.
Cơ quan y tế Trung Quốc đang nỗ lực làm việc để xác định loại virus bí ẩn và nguồn gốc của loại virus này. Khoảng 163 người có tiếp xúc trực tiếp với những bệnh nhân nhiễm bệnh cũng đang được theo dõi. Giới chức cũng đang xác định thêm những người từng tiếp xúc với các ca mắc bệnh.
WHO thông tin, “không có bằng chứng nào về việc lây truyền từ người sang người cũng như chưa có trường hợp lây nhiễm với nhân viên y tế nào được báo cáo”. Tuy nhiên, WHO lưu ý, việc các ca mắc bệnh liên quan tới một chợ bán buôn có thể chỉ ra sự liên quan tới tiếp xúc với các loài động vật.
Tại Singapore, một bé gái 3 tuổi từng đến Vũ Hán, Trung Quốc đã nhập viện với triệu chứng viêm phổi sau đó được xác nhận là mắc viêm tiểu phế quản do virus hợp bào hô hấp (RSV) gây ra. Bộ Y tế Singapore khẳng định, ca bệnh này không liên quan tới dịch viêm phổi ở Vũ Hán. Bé gái cũng được xét nghiệm cho kết quả âm tính với SARS và MERS-CoV.
Virus bí ẩn ở Vũ Hán làm dấy lên nỗi ám ảnh về đại dịch SARS, được cho là có nguồn gốc từ tỉnh Quảng Đông, phía Nam Trung Quốc từng lây nhiễm cho hơn 8.000 người trên thế giới và khiến hơn 700 người trên khắp thế giới thiệt mạng năm 2002 và 2003 (Lao động, trang 5).
Thu hồi khẩn một loại thuốc chữa bệnh gout, viêm khớp
Sở Y tế Hà Nội vừa có văn bản thông báo đến các đơn vị trực thuộc về việc xử lý thuốc Celogot không đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Theo đó, Sở Y tế Hà Nội đã nhận được thông báo từ Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế về việc xử lý thuốc Celogot (Colchicin tablet USP 1mg), số lô 190084, do Công ty Celogen Pharma Pvt., Ltd (Ấn Độ) sản xuất, Công ty TNHH thương mại Dược phẩm Trần Thắng nhập khẩu vì không đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Mẫu thuốc này lấy tại Công ty TNHH thương mại Dược phẩm Vân Hồ (Hà Nội) để kiểm nghiệm, không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu định lượng (vi phạm mức độ 3).
Sở Y tế Hà Nội yêu cầu Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dược phẩm Vân Hồ thực hiện thu hồi triệt để lô thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng nêu trên đã phân phối trên địa bàn Hà Nội và gửi báo cáo thu hồi về Sở Y tế Hà Nội theo quy định. Sở Y tế sẽ kiểm tra, giám sát việc thu hồi trên địa bàn Hà Nội.
Sở Y tế cũng yêu cầu các cơ sở y tế, các doanh nghiệp kinh doanh thuốc, cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn khẩn trương rà soát, thu hồi lô thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng nói trên; giao Phòng Y tế các quận, huyện, thị xã giám sát việc thực hiện thu hồi của cơ sở (nếu có).
Thuốc Celogot thuộc nhóm thuốc giảm đau, hạ sốt, chống nhiêm không Steroid, được chỉ định chủ yếu trong điều trị gout và các bệnh xương khớp (An ninh thủ đô, trang 8).
Phát triển du lịch y tế: Không dừng lại ở tiềm năng
Được xem là một trong 6 xu hướng du lịch phát triển trong tương lai, du lịch y tế đang là vấn đề được nhiều quốc gia quan tâm. Tại TPHCM, những năm gần đây, khái niệm du lịch y tế bắt đầu được nhắc đến với các tiềm năng sẵn có. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, để du lịch y tế trở thành ngành mũi nhọn, cần có những giải pháp đồng bộ và chiến lược dài hơi.
Xác định sản phẩm đặc trưng
Những năm gần đây, làn sóng người Việt Nam ở nước ngoài và thậm chí là người nước ngoài đến Việt Nam điều trị bệnh theo hình thức du lịch y tế ngày càng tăng. Thống kê của Sở Du lịch TPHCM, lượng khách nước ngoài đến Việt Nam chữa bệnh kết hợp du lịch đang tăng dần hàng năm với doanh thu khoảng 2 tỷ USD. Riêng trong năm 2018 đã có khoảng 300.000 người nước ngoài đến khám ngoại trú và 57.000 người được điều trị nội trú tại Việt Nam, trong đó lượng khách đến TPHCM chiếm khoảng 40%.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho biết, phát triển du lịch y tế không hề dễ dàng mà đòi hỏi phải có chiến lược, giải pháp phối hợp giữa các đơn vị liên quan một cách đồng bộ, tin cậy. Các sản phẩm thuộc loại hình du lịch này cũng không nên dàn trải, cần tập trung vào những sản phẩm đặc trưng chất lượng cao, có lợi thế cạnh tranh mà các đơn vị y tế có khả năng đáp ứng một cách tốt nhất.
Một lĩnh vực y tế thế mạnh khác có thể phát triển du lịch y tế là y học cổ truyền cũng đang bắt tay vào xây dựng sản phẩm đặc trưng của riêng mình. Theo TS Trương Thị Ngọc Lan, Phó viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TPHCM, đơn vị này xác định tập trung cung cấp, giới thiệu đến khách du lịch các sản phẩm y tế là thế mạnh của y học cổ truyền Việt Nam theo 3 hướng là du lịch học thuật, du lịch sức khỏe và du lịch chữa bệnh.
Trong đó, hướng du lịch học thuật có các sản phẩm như hướng dẫn một số kiến thức, kỹ thuật giác hơi, day ấn huyệt, tác động cột sống, dưỡng sinh; hướng du lịch sức khỏe có các sản phẩm phục hồi thể lực cho du khách bằng cách mát – xa, ấn huyệt, giác hơi; hướng du lịch điều trị có các sản phẩm điều trị bệnh hen suyễn, thoát vị, chứng mất ngủ, thoái hóa khớp, loãng xương.
Để khai thác tiềm năng phát triển du lịch y tế, Sở Du lịch và Sở Y tế TPHCM đã có nhiều chương trình phối hợp cùng thực hiện, như năm 2018 xây dựng cẩm nang du lịch y tế, năm 2019 tạo app để tra cứu các dịch vụ khám chữa bệnh giúp du khách dễ dàng truy cập tìm hiểu thông tin, đăng ký dịch vụ qua Internet…
PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết thành phố đang có những bước đi kết nối, xúc tiến, quảng bá cho loại hình du lịch này, như: Xây dựng website giới thiệu về loại hình du lịch y tế để đẩy mạnh việc quảng bá ra thế giới; phát triển xây dựng lực lượng điều phối viên vừa có kiến thức y tế vừa hiểu biết về du lịch, ngoại ngữ để có thể tư vấn, giới thiệu cho du khách về các dịch vụ du lịch y tế thành phố đang triển khai…
UBND TP cũng đã ban hành Kế hoạch phát triển du lịch y tế giai đoạn 2019-2025. Theo đó, chỉ đạo triển khai mở rộng mạng lưới dịch vụ cấp cứu ngoài bệnh viện và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho khách du lịch có bệnh mãn tính (cao huyết áp, tiểu đường…), hoặc có sự cố sức khỏe trong thời gian khách du lịch đến TPHCM. Đặc biệt là hình thành mạng lưới cấp cứu đột quỵ, cấp cứu tim mạch phục vụ cho người dân và khách du lịch.
UBND TP cũng yêu cầu ngành y tế từng bước nâng cấp, xây mới cơ sở hạ tầng theo tiêu chuẩn quốc tế tại khu điều trị theo yêu cầu của các bệnh viện; đổi mới phong cách phục vụ và cải tiến chất lượng các dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu. Ưu tiên các chuyên khoa có nhu cầu cao đối với du lịch y tế bao gồm nha khoa, y học cổ truyền, thụ tinh ống nghiệm, tạo hình – thẩm mỹ, tim mạch, tầm soát bệnh ung thư, chỉnh hình. Triển khai chương trình điều trị không dùng thuốc và dịch vụ tăng cường sức khỏe (Sài Gòn giải phóng, trang 4).