Hàng loạt học sinh Tây Ninh nhập viện cấp cứu nghi ngộ độc thực phẩm
Chiều 12-1, thông tin từ Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 và BV quận 11 cho biết, đơn vị này đang tiếp nhận nhiều trường hợp nghi ngộ độc thực phẩm. Các bệnh nhân là học sinh tại một trường trung học cơ sở ở tỉnh Tây Ninh.
Tại BV Nhi đồng 1, bác sĩ Đinh Tấn Phương, Trưởng khoa Cấp cứu, BV Nhi Đồng 1 cho biết, hiện BV đang tiếp nhận điều trị cho 71 bệnh nhân nghi ngộ độc thực phẩm.
Theo thông tin ban đầu, trước đó vào 5 giờ 30 ngày 12-1, đoàn học sinh có ăn xôi gà do công ty du lịch hợp đồng với nhà trường đưa học sinh đi dã ngoại phát. Sau khi ăn xong, nhóm học sinh lên xe đưa từ địa phương đến TPHCM. Đến khoảng 9 giờ 30, một số em có dấu hiệu nôn ói, chóng mặt, sau đó một số em có biểu hiện tương tự gia tăng và được đưa đến cấp cứu tại BV Nhi đồng 1.
Tại đây, sau khi thăm khám, bác sĩ chẩn đoán các bệnh nhi có triệu chứng rối loạn tiêu hóa, nghi ngờ ngộ độc thực phẩm. Đến 16 giờ 30 phút cùng ngày, các y, bác sĩ BV vẫn đang tích cực điều trị cho các em học sinh, một số em phải truyền dịch.
Còn tại BV quận 11, theo bác sĩ Phạm Quốc Dũng, Giám đốc BV quận 11 cho biết, nơi đây đã tiếp nhận 30 trường hợp, 22 trường hợp bị nhẹ đã được cho xuất viện, 8 trường hợp còn lại phải truyền dịch trong đó có 1 giáo viên.
Một số nạn nhân truyền dịch đã được chuyển lên khoa Nội Tổng hợp, vì khoa Cấp cứu không đủ giường bệnh nặng. Các bệnh nhân đã ổn định sức khỏe, dự kiến xuất viện sớm.
Hiện Ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM, Phòng Y tế, Trung tâm y tế quận 11 đã đến lấy mẫu, điều tra nguyên nhân. (Sài Gòn giải phóng, trang 9).
5 khuyến cáo của Bộ Y tế phòng chống bệnh viêm phổi cấp do chủng coronavirus mới
Hiện Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào nghi ngờ mắc bệnh nói trên.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của các trường hợp viêm phổi cấp do chủng vi rút mới coronavirus tại thành phố Vũ Hán, Bộ Y tế liên tục tổ chức các cuộc họp thảo luận đánh giá về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống dịch. Bộ Y tế đã chỉ đạo các địa phương chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh xâm nhập và sẵn sàng thu dung, điều trị, quản lý ca bệnh khi phát hiện trường hợp bệnh đầu tiên (nếu có).
Để chủ động phòng chống bệnh viêm phổi cấp do chủng vi rút mới coronavirus tại thành phố Vũ Hán, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng thực hiện tốt các biện pháp sau:
1. Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh viêm đường hô hấp cấp tính; khi cần thiết phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách khi tiếp xúc.
2. Giữ ấm cơ thể, vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc họng bằng nước sát khuẩn miệng để phòng bệnh viêm phổi.
3. Cần che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.
4. Hạn chế tiếp xúc gần với các trang trại nuôi động vật hoặc động vật hoang dã.
5. Những người trở về từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc hoặc có tiếp xúc gần với người mắc bệnh viêm phổi tại thành phố Vũ Hán trong vòng 14 ngày nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3; Tiền phong, trang 6; Lao động, trang 1).
Bãi bỏ 14 thủ tục hành chính trong lĩnh vực dược phẩm
Theo Quyết định 1725 của Bộ Y tế, 14 thủ tục hành chính trong lĩnh vực dược mỹ phẩm ở Trung ương và địa phương sẽ được bãi bỏ.
Cụ thể, sẽ bãi bỏ thủ tục Đăng ký lần đầu và đăng ký thay đổi khác phải nộp hồ sơ như đăng ký lần đầu thuốc hoá dược mới, vắc xin, huyết thanh chứa kháng thể, sinh phẩm y tế (trừ sinh phẩm y tế chẩn đoán in vitro); bỏ đăng ký lại thuốc/bỏ đăng ký gia hạn thuốc với thành phẩm hoá dược, vắc xin, huyết thanh chứa kháng thể, sinh phẩm y tế (trừ sinh phẩm chẩn đoán in vitro); bỏ đăng ký lần đầu thuốc generic (hoá dược); bỏ đăng ký lần đầu và đăng ký thay đổi khác phải nộp hồ sơ như đăng ký lần đầu thuốc từ dược liệu, thuốc đông y và nguyên liệu làm thuốc.
Ngoài ra Quyết định 1725 cũng bỏ thủ tục đăng ký lại thuốc/đăng ký gia hạn thuốc/đăng ký thay đổi lớn/đăng ký thay đổi nhỏ thuốc từ dược liệu, thuốc đông y và nguyên liệu làm thuốc; đăng ký thay đổi lớn/thay đổi nhỏ thuốc hoá dược; đăng ký thay đổi lớn/đăng ký thay đổi nhỏ vắc xin, huyết thanh chứa kháng thể, sinh phẩm y tế (trừ sinh phẩm chẩn đoán in vitro). (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).