Bộ Y tế yêu cầu tăng cường phòng, chống tác hại của rượu, bia dịp Tết

(CDC Hà Nam)
Để tổ chức thực hiện hiệu quả Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật và các quy định, chính sách về phòng, chống tác hại của rượu, bia đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân tại địa phương.
Ngày 14/6/2019, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 01/01/2020 với mục đích phòng, tránh, giảm thiểu các hậu quả về sức khoẻ, xã hội và kinh tế do sử dụng rượu, bia gây ra.

Chỉ đạo đẩy mạnh hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông đồng thời tổ chức chương trình, chiến dịch truyền thông trong dịp Tết cổ truyền và các ngày lễ, ngày hội nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Tập trung tuyên truyền các quy định về những hành vi bị nghiêm cấm; phòng chống tác hại rượu, bia đối với người chưa đủ 18 tuổi; không uống rượu, bia trước và trong khi lái xe; không uống rượu, bia trước, trong thời gian làm việc và tại nơi làm việc; địa điểm không được uống, không được bán rượu, bia và các quy định khác trong Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Bên cạnh đó, quán triệt, chỉ đạo các sở, ban, ngành, đơn vị và địa phương tổ chức triển khai kịp thời Luật và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Kiện toàn (hoặc thành lập mới) Ban chỉ đạo liên ngành về phòng, chống tác hại của rượu, bia hoặc lồng ghép hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia trong nhiệm vụ của Ban chỉ đạo liên ngành phù hợp hiện có tại địa phương. Ban hành kế hoạch và bố trí đủ ngân sách địa phương để triển khai thực hiện công tác phòng, chống tác hại của rượu, bia; lồng ghép nhiệm vụ tổ chức triển khai thực hiện phòng, chống tác hại của rượu, bia vào kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Rượu bia gây nhiều tác hại cho cơ thể và hệ lụy xã hội

Bộ Y tế giao Sở Y tế là cơ quan chủ trì tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố về phòng, chống tác hại của rượu, bia tại địa phương; chỉ đạo các cơ sở y tế triển khai hiệu quả các biện pháp sàng lọc phát hiện sớm, can thiệp giảm tác hại, chẩn đoán, điều trị, phục hồi chức năng cho người mắc bệnh hoặc rối loạn chức năng do uống rượu, bia; phòng, chống nghiện, tái nghiện rượu, bia.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, đặc biệt vào các dịp cao điểm để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.

Hãy cân nhắc trước mỗi ly rượu, bia chào năm mới

Theo Tổ chức Y tế thế giới WHO, tác hại của rượu bia đối với sức khỏe chủ yếu là do chất cồn (ethanol) trong đồ uống gây ra. Do vậy bất kể loại rượu bia nào cũng có thể mang lại hậu quả nghiêm trọng khi chúng ta sử dụng thiếu kiểm soát.

Tết đang đến thật gần, hãy cân nhắc trước mỗi ly rượu, bia chào năm mới! – WHO khuyến cáo.

Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực từ ngày 01/01/2020 có những điểm mới:

– Cấm người điều khiển phương tiện giao thông uống rượu, bia trước và trong khi tham gia giao thông.

– Cơ sở bán rượu, bia phải niêm yết thông báo không bán rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi.

– Không được mở mới điểm bán rượu, bia trong bán kính 100m tính từ khuôn viên của cơ sở y tế và trường học.

– Hướng dẫn các thành viên trong gia đình kỹ năng từ chối uống rượu, bia; thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia.

– Cấm quảng cáo rượu, bia trên TV và radio trong thời gian từ 18:00 đến 21:00 giờ hàng ngày, và trước, trong hoặc sau các chương trình dành cho thiếu nhi, trừ trường hợp quảng cáo có sẵn trong các chương trình thể thao mua bản quyền tiếp sóng trực tiếp từ nước ngoài và trường hợp khác theo quy định của Chính phủ.

(Theo suckhoedoisong.vn)

 

 

 

Bài viết liên quan

Rét đậm, rét hại, dễ mắc bệnh gì?

CDC Hà Nam

Các hoạt động giúp trẻ tự tin bước vào lớp một.

hanh phan

Bộ Y tế khuyến cáo 9 biện pháp mới nhất phòng Covid-19

Ngọc Nga

Để lại bình luận