Bảo đảm quyền lợi cho bệnh nhân khi tính đúng, tính đủ giá dịch vụ khám, chữa bệnh

(CDC Hà Nam)

Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, lộ trình thực hiện giá dịch vụ khám, chữa bệnh (KCB) là xu hướng tất yếu để tạo minh bạch, công bằng trong vận hành lĩnh vực y tế theo cơ chế thị trường; đồng thời phải bảo đảm quyền lợi cho người bệnh, nhất là đối tượng chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn; nâng cao chất lượng KCB. Chiều 11/7, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã làm việc với Bộ Y tế, một số bộ, ngành, địa phương về lộ trình thực hiện giá dịch vụ KCB. Phó Thủ tướng nêu hai vấn đề cần quan tâm đối với lộ trình thực hiện giá dịch vụ KCB là tác động đến ổn định kinh tế vĩ mô; mức độ ảnh hưởng đến người bệnh, nhất là đối tượng chính sách, bảo trợ xã hội, người có hoàn cảnh khó khăn. Lộ trình thực hiện giá dịch vụ KCB cũng cần đặt trong mối quan hệ hết sức chặt chẽ đối với chính sách xã hội hóa y tế, tự chủ bệnh viện, phát triển bảo hiểm y tế (BHYT)…

Điều chỉnh giá dịch vụ KCB sau khi tăng lương cơ bản

Báo cáo tại cuộc họp, Bộ Y tế đề xuất, từ ngày 1/7/2023, việc điều chỉnh giá dịch vụ KCB sẽ được thực hiện theo sự thay đổi của mức lương cơ bản từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,8 triệu đồng.

Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận cũng đưa ra phương án cụ thể đối với lộ trình tính chi phí quản lý, khấu hao vào giá dịch vụ KCB, cũng như đánh giá tác động khi tăng giá dịch vụ KCB đối với các đối tượng khác nhau trong xã hội.

Tại cuộc họp, đại diện BHXH Việt Nam, bệnh viện Bạch Mai, tỉnh Đồng Nai, TPHCM, TP. Đà Nẵng, TP. Hà Nội đã nêu ý kiến về định mức đơn giá làm cơ sở, căn cứ để tính đúng, tính đủ các yếu tố chi phí vào giá dịch vụ KCB; lộ trình thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ KCB; phương án hỗ trợ chi phí KCB cho những đối tượng yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn…

Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến ủng hộ việc thực hiện tăng giá dịch vụ KCB sau khi tăng lương cơ bản như đề xuất của Bộ Y tế, trong đó, cần chú trọng bảo đảm chất lượng hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ y tế.

“Chúng ta cũng phải tính đúng, tính đủ một cách rõ ràng các dịch vụ KCB, trong đó, phần chi phí nào người dân không đủ khả năng chi trả thì ngân sách nhà nước phải bảo đảm, không đẩy khó khăn, tạo áp lực cho cơ sở y tế”, bà Ngô Thị Kim Yến kiến nghị.

Đồng tình với ý kiến này, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho rằng việc xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật là rất quan trọng để xác định việc tham gia chi trả của BHYT, ngân sách nhà nước, người bệnh.

Trong lộ trình thực hiện giá dịch vụ KCB cần lựa chọn những dịch vụ điều chỉnh trước, đánh giá tác động trước khi mở rộng, từ đó tạo đồng thuận lớn trong người dân.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan ghi nhận và đánh giá các ý kiến tại cuộc họp đã góp phần xác định rõ lộ trình triển khai việc thực hiện tính đúng, tính đủ giá dịch vụ KCB trong thời gian tới.

Xây dựng nghị định của Chính phủ về thực hiện giá dịch vụ KCB

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh lộ trình thực hiện giá dịch vụ KCB là vấn đề lớn. Bộ Y tế đang trong quá trình xin chủ trương, định hướng để xây dựng dự thảo nghị định của Chính phủ về thực hiện giá dịch vụ KCB, đồng bộ với các yếu tố chi phí, định mức kinh tế kỹ thuật cấu thành giá dịch vụ KCB; đồng thời nghiên cứu, hoàn thiện, khắc phục những tồn tại, bất cập về phác đồ điều trị, thanh toán chi phí KCB theo nhóm bệnh,…; bổ sung những chi phí đầu tư giúp giảm chi trả của người bệnh như sổ y bạ điện tử, thiết lập cơ sở dữ liệu y tế dùng chung, không in phim chiếu, chụp…

Theo Phó Thủ tướng, việc tính đúng, tính đủ cùng lộ trình thực hiện giá dịch vụ KCB là nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho các cơ sở y tế công lập tự chủ nâng cao chất lượng KCB, bảo đảm chế độ, chính sách để “giữ chân” cán bộ y tế có trình độ chuyên môn cao. Đồng thời, chúng ta có thêm các nguồn vốn tập trung đầu tư cho cơ sở y tế ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

Trước mắt, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương phối hợp với Bộ Tư pháp để có hình thức văn bản pháp lý phù hợp để thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ KCB tương ứng với việc tăng lương cơ bản.

“Bộ Y tế phải có kế hoạch truyền thông kỹ lưỡng, toàn diện về điều chỉnh giá dịch vụ KCB sau khi tăng lương cơ bản, từ chủ trương, chính sách, cơ sở pháp lý đến các nguồn kinh phí từ ngân sách, bệnh viện, BHYT… dành cho các chi phí tăng thêm, bảo đảm tăng lương nhưng người bệnh không tăng chi phí chi trả”, Phó Thủ tướng nói. (Sức khoẻ& Đời sống, trang 3, số ra ngày 13.7.2023).

Mậu Ngọ (tổng hợp)

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 14/2/2022

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 23/9/2020

Ngọc Nga

Điểm báo ngày 22/10/2019

CDC Hà Nam