Bộ Y tế gặp gỡ báo chí cung cấp thông tin dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút corona

(CDC Hà Nam)

15 giờ chiều ngày 05/2/2020, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức buổi gặp gỡ báo chí cung cấp thông tin dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (nCoV). GS.TS. Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì cuộc gặp.

Theo Bộ Y tế, tính đến 12 giờ ngày 5/2/2020, dịch bệnh đã lan ra nhiều thành phố của Trung Quốc và 27 quốc gia/vùng lãnh thổ. Thế giới đã ghi nhận 24.553 người nhiễm nCoV, 492 người tử vong, trong đó lục địa Trung Quốc: 490 người tử vong; Phillippines: 1 người tử vong và Hồng Công (Trung Quốc): 1 người tử vong. 80% số ca tử vong ở Vũ Hán (Trung Quốc) là trên 60 tuổi, 75% có 1 bệnh nền như tim mạch, phổi tắc nghẽn mãn tính, huyết áp cao… Tỷ lệ mắc bệnh thấp hơn ở trẻ em và phụ nữ. GS.TS. Nguyễn Thanh Long cho biết: Trung Quốc đang rất hy vọng vào các giải pháp của mình, khi số ca nghi nhiễm giảm đi, số chữa khỏi tăng lên. Chủng vi rút này cùng họ với vi rút gây bệnh SARS. Bản thân vi rút này gây bệnh trên động vật là chính. Nhưng từ năm 2003 đã gây 3 đợt dịch trên người, bao gồm bệnh SARS, MERS-CoV và viêm phổi Vũ Hán. Tỷ lệ tử vong của bệnh này là 1,8% (SARS tử vong 10%, MERS-CoV tử vong 34%).

Tại Việt Nam, đã có 10 người mắc nCoV gồm 2 cha con người Trung Quốc (người con đã khỏi và xuất viện); 5 công dân Việt Nam đều trở về từ Vũ Hán, Trung Quốc (1 người đã khỏi và xuất viện); 1 công dân Việt Nam là lễ tân có tiếp xúc gần với 2 cha con người Trung Quốc (đã khỏi và xuất viện); 1 công dân Mỹ (Việt kiều) đến Việt Nam, trước đó có quá cảnh tại Vũ Hán (Trung Quốc) và 1 người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với nCoV trước đó.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, các tính toán khoa học cho thấy dịch tại Trung Quốc sẽ đạt đỉnh trong 7-10 ngày tới. Một số tổ chức quốc tế nhận định Việt Nam đang kiểm soát tốt dịch bệnh. Đại diện của Tổ chức Y tế thế giới đồng tình với các biện pháp mà Việt Nam đang triển khai.

Đặc trưng của vi rút này khi ho, hắt hơi, vi rút không lơ lửng trong không khí, mà bám khá lâu vào các bề mặt gỗ, đá, sắt… Khi tay chạm vào các bề mặt và sờ lên mắt, mũi, miệng sẽ lây bệnh. Vì thế, phải rửa tay nhiều lần trong ngày. Theo Thứ trưởng, các nghiên cứu mới cho biết vi rút có thể lây qua đường phân (tiêu hoá), nhưng nguy cơ không rộng rãi. Phòng bệnh tốt nhất bằng tránh đến nơi đông người và tiếp xúc đám đông chưa biết rõ. Và biện pháp quan trọng ít người để ý là lau bàn ghế, sàn nhà… bằng dung dịch vệ sinh bề mặt. Khẩu trang không phải là biện pháp dành cho tất cả. Thứ trưởng khuyến cáo không nên cố gắng yêu cầu trẻ dưới 3 tuổi đeo khẩu trang vì không khả thi. Nên hướng dẫn trẻ cách rửa tay và giữ gìn vệ sinh.

Điểm đáng lo ngại là những người biểu hiện bệnh nhẹ, hoặc chỉ có sốt nhẹ, hoặc chỉ đau mỏi cơ, nhưng vẫn có thể lây bệnh cho người khác.

Theo Thứ trưởng, Bộ Y tế đã thận trọng, có phác đồ tiệm cận với thế giới, Trong 10 bệnh nhân chỉ có 01 bệnh nhân là bệnh nặng, phải hỗ trợ thở, 9 người còn lại điều trị triệu chứng, đã có 3/10 bệnh nhân được ra viện. Bộ Y tế cũng đã dành 3.000 giường bệnh, có tất cả các phương án đối phó với tình hình dịch.

Biện pháp quan trọng hiện nay là cách ly. Có 4 vòng gồm: Vòng 1, tất cả những người bệnh, nghi nhiễm bệnh thì đều coi là bệnh, cách ly tuyệt đối tại bệnh viện; vòng 2, cách ly những trường hợp công dân Việt Nam và Trung Quốc đi qua Trung Quốc về Việt Nam thì cách ly tại gia đình và cơ sở lưu trú; vòng 3, những người tiếp xúc người bệnh là cách ly hạn chế; vòng 4, người tiếp xúc với người tiếp xúc người bệnh. Như ở Vĩnh Phúc, nơi đã có 5 bệnh nhân, Bộ Y tế đang yêu cầu Vĩnh Phúc lập vành đai ngoài vành đai (vòng 4) tức là giám sát người tiếp xúc với người từng tiếp xúc với người nhiễm bệnh (cao hơn các nơi khác 1 vòng).

Các chuyên gia cho rằng đỉnh dịch của Trung Quốc là 7-10 ngày tới. Còn Việt Nam thì còn quá sớm để nhận xét, nhưng nếu áp dụng đồng bộ các biện pháp, thì hiệu quả tốt hơn. Việt Nam không đóng cửa biên giới, mà dùng biện pháp ngăn chặn, cách ly người từ vùng dịch về. Hiện nay Việt Nam có đủ năng lực xét nghiệm. Bộ Y tế đang chỉ đạo các địa phương tập huấn xét nghiệm. Bộ xét nghiệm có thể sản xuất tại Việt Nam. Sắp tới đẩy nhanh xét nghiệm nhanh sàng lọc. Hiện nay chưa có nước nào có sinh phẩm xét nghiệm nhanh. Ngành Y tế đang cố gắng đẩy nhanh sản xuất sinh phẩm để kịp làm xét nghiệm. Những cơ sở điều trị đã được chuẩn bị trong tình huống xấu nhất là có rất nhiều ca bệnh nhập viện. Giường bệnh cho tuyến cuối là 3.000 giường bệnh. Việt Nam đã chuẩn bị được 1.000 máy thở nếu bệnh nhân tăng lên.

Thứ trưởng Long cho biết, Trung Quốc đang dùng 2 thuốc kháng vi rút HIV để điều trị bệnh nhân viêm đường hô hấp cấp do vi rút corona. Hai vi rút này có chung cách xâm nhập tế bào làm tổn thương vật chủ khi nhân lên nên Trung Quốc đã sử dụng để chữa cho bệnh nhân. Việt Nam có đủ thuốc này và sẽ sử dụng trong thời gian tới.

Người đã từng bị nhiễm sẽ không tái nhiễm trong thời gian 2 năm – Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết. Những ca bệnh dương tính được điều trị miễn phí.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: Người dân bình tĩnh, chúng ta bình tĩnh mới chiến thắng được dịch, nếu khủng hoảng sẽ rất nguy hiểm cho công tác phòng chống dịch. Các cơ quan báo chí có vai trò hết sức quan trọng trong công tác chuyển tải thông tin đến với người dân Thứ trưởng mong muốn các cơ quan báo chí tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, với các thông tin của Bộ để cung cấp thông tin, chuyển tải thông điệp tới người dân giúp cho người dân hiểu biết rõ, biết cách phòng chống, bình tĩnh ứng phó với dịch. Trong thời gian qua, đường dây nóng của Bộ Y tế cũng như trang Web của Bộ đã liên tục tư vấn và cung cấp những thông tin chuẩn xác về dịch bệnh. Sắp tới đây, một ứng dụng trên điện thoại thông minh cũng sẽ ra đời để cung cấp thông tin đến người dân thuận tiện hơn.

PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, cho biết, thứ 7 (ngày 8/2/2020), Bộ Y tế sẽ tổ chức họp trực tuyến với 700 đầu cầu. Trong lần trực tuyến này có sự tham gia của tuyến huyện để công tác phòng chống dịch được sát sao hơn.

Tại cuộc gặp mặt đông đảo các phóng viên báo chí đã tham dự, trong đó có 25 cơ quan báo chí gửi trên 70 câu hỏi tới Bộ Y tế với rất nhiều vấn đề đang được quan tâm và đã được lãnh đạo Bộ Y tế và các chuyên gia giải đáp.

T5g.org.vn

Bài viết liên quan

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật: Giám sát Hoạt động tẩy giun cho học sinh Tiểu học trên địa bàn tỉnh, năm 2024

hanh phan

Hội nghị khoa học chào mừng ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2

CDC Hà Nam

Biến thể Omicron – nên lo lắng đến mức độ nào?

Ngọc Nga

Để lại bình luận