Chiều ngày 27/7, Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy Hà Nam tổ chức hội nghị lần thứ 26 bàn phương án đón người Hà Nam từ các vùng có dịch Covid-19, nhất là từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam về địa phương. Đồng chí Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có đồng chí Đinh Thị Lụa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy; lãnh đạo UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành chức năng, bí thư và chủ tịch các huyện, thị, thành phố…
Tại hội nghị, đồng chí Trần Xuân Dưỡng,Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo PCD Covid-19 tỉnh báo cáo cho biết từ ngày 15/5 đến nay toàn tỉnh có tổng cộng 7.465 trường hợp trở về từ vùng dịch (TP Hồ Chí Minh 1.320 người, Hà Nội 4.604 người, còn lại các tỉnh khác). Mấy ngày gần đây chủ yếu người từ Hà Nội về. Công dân Hà Nam tại TP Hồ Chí Minh tương đối đông, hiện có trên 8.000 lao động có hộ khẩu Hà Nam làm việc tại các khu, cụm công nghiệp của TP Hồ Chí Minh và nhiều lao động tự do. Rất nhiều bà con gặp khó khăn và có nguyện vọng về địa phương. Theo Hội đồng hương Hà Nam tại TP Hồ Chí Minh hiện có khoảng 1.000 công dân có nguyện vọng về địa phương.
Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đều cho rằng nên ưu tiên đón những người là lao động mất việc làm, có hoàn cảnh khó khăn, người già, trẻ em, học sinh, sinh viên, người bị mắc kẹt do đi công tác, học tập, thăm thân,…Phương tiện đón là tàu hỏa. Khi về phải có giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính (có th test nhanh). Sắp xếp công dân mỗi đơn vị huyện, thành phố, thị xã ngồi theo toa tàu riêng để tiện khi xuống ga các đơn vị đón công dân thuộc địa bàn mình về. Các đại biểu cũng bàn về phương án cách ly, cho rằng cần linh hoạt, nhưng phải đảm bảo hiệu quả, an toàn. Các huyện, thị, thành phố chủ động 2 phương án: Cách ly tập trung tại huyện, xã, thị trấn hay cách ly tại gia đình. Nếu cách ly tại nhà phải khảo sát kỹ, bảo đảm đủ điều kiện. Về chi phí vé tàu, ăn uống khi đi tàu, chi phí cách ly tập trung cần xã hội hóa. Nếu số lượng đăng ký về đông sẽ sắp xếp về nhiều lần. Các công dân từ Hà Nội về phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 và cách ly tại nhà. Các đại biểu cũng cho rằng việc lập các chốt kiểm dịch tại các cửa ngõ vào Hà Nam là cần thiết.
Trước tình hình có một lượng khá lớn công nhân nhà ở Hà Nội, Hưng Yên làm việc tại các khu công nghiệp của Hà Nam thường xuyên đi về hằng ngày, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh vào nhà máy là rất cao, các đại biểu đề xuất doanh nghiệp, địa phương bố trí cho công nhân ở lại, có thể ở lại công ty hoặc thuê phòng trọ. Nếu không bố trí ở lại được đề nghị công nhân nghỉ ở nhà để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Hiện có khoảng 12.000 công nhân của Hà Nội, Hưng Yên làm việc tại Hà Nam thường xuyên đi về, trong đó có khoảng 6.000 đã nghỉ ở nhà, còn khoảng 6.000 vẫn đi về hằng ngày.
Các đại biểu cũng bàn về việc tỉnh đề nghị Bộ Y tế cho Hà Nam tiêm Vắc xin phòng Covid-19 trong tháng 8,9 vì Hà Nam gần Hà Nội-địa phương đang có dịch, số công nhân trong các khu công nghiệp đông nên nguy cơ cao.
Phát biểu kết luận hội nghị đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lê Thị Thủy chỉ đạo, thống nhất quan điểm đón những người con của quê hương Hà Nam ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam có nhu cầu về quê hương là thể hiện sự chia sẻ với TP Hồ Chí Minh, đồng thời cũng thể hiện trách nhiệm, tình cảm và sự quan tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nam đối với những người con quê hương. Ưu tiên các đối tượng: Người bị bệnh hiểm nghèo, người ốm đau dài ngày, người cao tuổi, người khuyết tật, phụ nữ mang thai và đang nuôi con nhỏ, người lao động thất nghiệp dài ngày, người vào thăm thân. Số lượng trước mắt khoảng dưới 1.000 người. Thống nhất đi bằng tàu hỏa. Khi lên tàu công dân được phân ngồi theo địa bàn huyện, thị, thành phố. Về việc cách ly, giao cho các huyện, thị, thành phố chủ động phương án cách ly tập trung tại huyện, xã hoặc cách ly tại nhà. Về kinh phí chi phí đi tàu, test nhanh của công dân về, lãnh đạo tỉnh sẽ làm việc với Hội đồng hương Hà Nam tại TP Hồ Chí Minh để hỗ trợ. Tỉnh chịu chi phí xét nghiệm khi công dân về tỉnh. Với những trường hợp khó khăn tỉnh hỗ trợ tiền ăn thời gian cách ly. Các công dân từ TP Hồ Chí Minh có nhu cầu về phải đăng ký, khai báo thông tin đầy đủ.
Việc đưa người từ TP Hồ Chí Minh về sẽ thành lập Ban chỉ đạo có lãnh đạo tỉnh chủ trì, với thành viên là các ngành chức năng. Ban chỉ đạo có trách nhiệm lo các công việc liên quan đến việc đưa công dân về. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh chủ trương của tỉnh trong việc đón công dân từ TP Hồ Chí Minh về là vừa chia sẻ với TP Hồ Chí Minh, đồng thời cũng thể hiện tình cảm, trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nam với những người con quê hương khi làm ăn xa quê.
Với các KCN, thống nhất chủ trương công nhân không đi về trong ngày. Các doanh nghiệp chủ động phương án 3 tại chỗ, hoặc các địa phương phối hợp liên hệ thuê chỗ trọ cho công nhân. Đề nghị các chuyên gia không đi về Hà Nội.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng thống nhất lập các chốt kiểm dịch. Tuyến tỉnh các cơ quan chức năng cấp tỉnh lo. Tuyến huyện, thị, thành phố các đơn vị chủ động, bảo đảm các chốt hoạt động thuận lợi, hiệu quả.
Về vắc xin phòng Covid-19, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đồng ý phương án Hà Nam đề nghị Bộ Y tế cho tiêm trong tháng 8,9.
PV