Các bệnh về da thường gặp trong, sau mưa, ngập úng và một số biện pháp phòng tránh

(CDC Hà Nam)

Trong và sau mưa, ngập úng sẽ phát sinh nhiều yếu tố nguy cơ gây một số bệnh da và niêm mạc; Nấm kẽ chân, viêm nhiễm da và niêm mạc do vi khuẩn, đau mắt đỏ… ảnh hưởng tới sức khoẻ, đặc biệt người dân sống trong vùng ngập úng.

Nguyên nhân là do thời tiết ẩm ướt, môi trường sống thường xuyên bị ngập úng tạo điều kiện cho các loài ký sinh trùng, vi khuẩn, nấm có cơ hội sinh sôi và hoạt động mạnh. Khi bị xâm nhập làn da rất dễ bị tổn thương, viêm nhiễm dẫn tới các bệnh về da và niêm mạc.

Một số bệnh về da thường gặp mùa mưa ngập úng: 

  1. Nhiễm trùng da:

  Người dân sinh sống trong vùng úng ngập rất dễ bị nhiễm trùng da do vi khuẩn và nấm đây là bệnh da thường gặp nhất sau đợt lũ. Đặc biệt, nguy cơ nhiễm trùng tăng lên sau các chấn thương da và ở những người mắc bệnh mạn tính như: tiểu đường, suy tĩnh mạch mạn tính và suy giảm miễn dịch. Tụ cầu và liên cầu vẫn là nguyên nhân phổ biến nhất của nhiễm trùng da sau mỗi trận mưa lụt.

Việc tiếp xúc với nguồn nước bị ô nhiễm có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng các vi khuẩn không điển hình; nhiễm nấm da đặc biệt là ở những vùng khí hậu ẩm như nước ta.

  1. Nước ăn chân

 Tình trạng nước ăn chân phổ biến ở nhưng nơi ngập úng, sau bão lụt. Thực chất căn bệnh này là do người dân bị nhiễm nấm Candida albicans, microsporumtrichophyton là tác nhân chính gây bệnh lý này.

Nguyên nhân là do nơi sống bị ngập, người dân bị ngâm tay chân trong nước nhiều, luôn ẩm ướt làm cho nấm xâm nhập và phát triển.

 Bệnh hay gặp ở các kẽ ngón chân. Lúc đầu là những đám da chết mục màu trắng, ngứa nhiều, gãi lột lớp da chết để lại nền da đỏ hồng ẩm ướt, đau rát, ngứa vẫn tiếp tục làm bệnh nhân gãi và rất đau. Nếu không được điều trị, vết trợt loét sâu và lan rộng, nhiễm trùng sưng đau, đi lại khó khăn.

  1. Bệnh ghẻ

 Ngoài bị nước ăn chân, người dân sống trong vùng ngập úng cũng hay mắc bệnh ghẻ. Trong điều kiện vệ sinh kém, ghẻ cũng sinh sôi nảy nở và lây truyền rất nhanh.  Do tiếp xúc trực tiếp giữa người bị ghẻ với người lành. Căn nguyên do ký sinh trùng có tên gọi: Sarcoptes Scabies xâm nhập da.

Thương tổn là những mụn nước, rãnh ghẻ, hay gặp ở kẽ các ngón tay, nếp lằn chỉ cổ tay, cạp quần, vùng bụng, đùi non, mông bẹn, sinh dục, nếp lằn vú, nách, gây ngứa nhiều. Nếu không được phát hiện và chữa kịp thời, ghẻ sẽ có biến chứng nhiễm trùng thành những mụn mủ eczema hóa rất khó chữa trị và lây lan ra cộng đồng rất nhanh.

  1. Viêm da tiếp xúc

Một bệnh về da khác thường gặp khi mưa ngập úng  là viêm da tiếp xúc. Nước ô nhiễm thường chứa các hóa chất từ ​​sản xuất công nghiệp, nông nghiệp hoặc hộ gia đình bao gồm thuốc trừ sâu, các kim loại nặng, chất tẩy rửa…. Viêm da tiếp xúc xảy ra khi da tiếp xúc với các chất có trong nước thường gặp ở các vùng da tiếp xúc trực tiếp với nước như chân, tay,.. với biểu hiện là các dát đỏ, sưng nề, gây ngứa và khó chịu nhiều cho người bệnh. Việc sử dụng các chất sát khuẩn, tẩy rửa thường xuyên sau đợt úng ngập cũng làm tăng nguy cơ viêm da tiếp xúc ở những người có cơ địa dị ứng từ trước.

Một số bệnh pháp phòng tránh bệnh về da thường gặp trong, sau mùa mưa ngập úng:

 Trong các bệnh da mùa mưa lụt, một số bệnh có thể tự khỏi nếu được chăm sóc, vệ sinh tốt. Tuy nhiên đa số các trường hợp cần được điều trị với thuốc uống và thuốc bôi phù hợp để khỏi bệnh hoàn toàn cũng như phòng lây lan.Để phòng tránh một số bệnh về da thường hay mắc trong , sua mùa mưa ngập úng, người dân cần:- Vệ sinh môi trường sống, đảm bảo cung cấp nguồn nước sạch.

 – Hạn chế tối đa việc tiếp xúc với các nguồn nước bẩn, các nguồn nước tù đọng lâu ngày. Nếu bắt buộc phải lội vào nước bẩn thì ngay sau đó phải rửa ngay bằng nước sạch và lau khô, nhất là các kẽ ngón tay, ngón chân.

 – Mang các dụng cụ bảo hộ nếu bạn phải đi vào vùng nước ngập.

 – Không mặc áo, quần ẩm ướt.

 – Tránh tiếp xúc với nước ngập úng bị ô nhiễm nếu bạn có vết thương hở. Nếu tiếp xúc phải rửa sạch vết thương bằng xà phòng và nước sạch.

 – Làm sạch và băng kín vết thương bằng băng chống thấm nước để giảm nguy cơ nhiễm trùng.

 – Nên trang bị một số dung dịch sát khuẩn như oxy già, dung dịch thuốc tím, xanh methylen, clorhexidin …  để rửa vết thương trước khi bôi thuốc hoặc sát trùng sau khi lội nước bẩn.

– Người đã bị bệnh cần tránh tiếp xúc với nguồn nước bẩn, vệ sinh cá nhân sạch sẽ. Không dùng chung quần áo, khăn mặt, chậu giặt với người chưa mắc bệnh để tránh lây lan cộng đồng. Tránh gãi để hạn chế làm tổn thương lan rộng. Khi bị bệnh, cần đến cơ sở y tế để khám và điều trị bệnh đúng cách.

Bs. Nguyễn Thị Thanh Hải

Phó Phòng KHNV – Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh

 

 

Bài viết liên quan

Rối loạn tiền đình và các giải pháp phòng ngừa

Ngọc Nga

Hà Nam: Thêm 13 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2

admin

Thực phẩm giúp giữ ấm mùa lạnh

Mậu Ngọ