Cách chăm sóc trẻ bị phát ban

(CDC Hà Nam)

Sốt phát ban (Roseola: ban màu hồng) là một bệnh trẻ em thường mắc phải, nhất là trẻ từ 6-36 tháng tuổi. Bệnh chủ yếu do các loại virus gây nên, điển hình nhất là virus sởi (bệnh sởi), virus Rubella (bệnh Rubella hay bệnh sởi Đức), ngoài ra còn nhiều loại virus khác có khả năng gây sốt phát ban cho trẻ nhỏ, đặc biệt đối với trẻ chưa có miễn dịch chống lại chúng. Biết cách chăm sóc trẻ bị phát ban để phòng các biến chứng.

 Đây là giai đoạn trẻ có sức đề kháng rất kém vì lượng kháng thể tự nhiên của mẹ truyền cho trẻ đã giảm đáng kể trong khi hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện. Hầu hết những nguyên nhân gây sốt phát ban cho trẻ là những virus lành tính, nếu được chăm sóc tốt bệnh có thể tự lành sau 5-7 ngày.

Nhận biết và phân biệt

Khi nghi ngờ trẻ bị sốt phát ban, cần đưa đến cơ sở y tế để được khám và điều trị.

Biểu hiện của sốt phát ban là khoảng thời gian trước khi bị phát ban, trẻ sẽ có những thay đổi về trạng thái tinh thần, biểu hiện rõ ràng nhất là hay quấy khóc. Tiếp đến là trẻ sốt. Sốt phát ban do sởi thường là sốt cao, kèm ho, chảy mũi, mắt đỏ, sau khi có các triệu chứng đó vài ngày sẽ phát ban toàn thân. Riêng bệnh Rubella, trẻ không sốt hoặc chỉ sốt nhẹ và ban xuất hiện rất nhanh, có thể 1 ngày đã nổi ban khắp da trên cơ thể. Hầu hết trẻ sốt phát ban có kèm tiêu chảy hoặc phân hơi lỏng.

Biến chứng của sốt phát ban thường gặp của sởi là viêm phổi, viêm tai giữa, đi ngoài ra máu và có thể biến chứng nặng hơn là viêm não. Các loại sốt phát ban khác kể cả ban của bệnh Rubella thường lành tính, ít gặp biến chứng. Tuy nhiên, với bệnh Rubella gặp ở phụ nữ đang mang thai 3 tháng đầu có thể ảnh hưởng đến thai nhi (sẩy thai, sinh non, thai nhi sinh ra mắc nhiều dị tật bẩm sinh ở mắt, tim, não).

Chăm sóc trẻ đúng cách tại nhà

Hạ sốt đúng cách cho trẻ: Nếu trẻ sốt từ 38 độ C, cho trẻ uống thuốc hạ sốt loại paracetamol loại đơn chất với liều 10-15mg/kg cân nặng theo chỉ định của bác sĩ, 4-6 giờ 1 lần. Lau mát cho trẻ bằng nước ấm khi cần để tránh biến chứng sốt cao co giật ở trẻ.

Giảm ho, giảm đau họng cho trẻ: Khi trẻ ho, nên cho trẻ uống các loại thuốc ho có nguồn gốc thảo dược như rau tần dầy lá, quất chưng với đường phèn, gừng hấp mật ong…

Làm thông mũi trẻ bằng nước muối loãng và khăn giấy mềm: Giúp trẻ dễ ăn uống và bú sữa mẹ.

Cho trẻ ăn thức ăn lỏng, mềm, dễ tiêu hóa, giàu dinh dưỡng như cháo, súp, sữa và bổ sung đủ nguồn nước uống cho trẻ. Nên chia nhỏ bữa ăn để giúp trẻ nhận đủ chất dinh dưỡng cần thiết. Cho trẻ uống nhiều nước hơn bình thường, nhất là những loại nước ép trái cây tươi để đảm bảo việc cung cấp đủ nguồn vitamin cho cơ thể, cải thiện sức đề kháng. Giữ vệ sinh da luôn sạch và khô thoáng bằng cách tắm rửa cho trẻ sạch sẽ mỗi ngày, không nên kiêng gió, kiêng nước, kiêng ăn.

Thói quen kiêng gió, kiêng nước bằng cách trùm kín trẻ, không vệ sinh cơ thể sẽ làm trẻ khó hạ sốt và dễ co giật do sốt cao. Không vệ sinh cơ thể sẽ làm trẻ khó chịu và dễ nhiễm trùng da và biến chứng viêm phổi. Tuy nhiên, không nên để trẻ bị lạnh. Không nên kiêng khem cho trẻ quá mức sẽ làm cho trẻ rất dễ bị suy dinh dưỡng, sức đề kháng kém và dễ bị nhiễm trùng.

Trẻ bị sốt phát ban chăm sóc tại nhà sẽ được hướng dẫn tái khám theo hẹn mỗi ngày hoặc 2 ngày 1 lần tùy theo tình trạng bệnh của trẻ. Cha mẹ cần cho trẻ đến khám lại ngay khi phát hiện trẻ có những dấu hiệu sau: Trẻ bị sốt cao không hạ sau khi đã phát ban. Thay đổi tri giác: lừ đừ, ngủ li bì, hôn mê. Trẻ bị co giật. Trẻ thở mệt, thở nhanh, khó thở…

Mậu Ngọ tổng hợp

 

Bài viết liên quan

Hướng dẫn tổ chức buổi tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19

CDC Hà Nam

Những triệu chứng và cách phòng ngừa bệnh liên cầu lợn

Mậu Ngọ

Bản tin công tác phòng, chống dịch sáng ngày 07/12/2021

Ngọc Nga

Để lại bình luận