Cách phòng ngừa suy giảm thị lực

(CDC Hà Nam)

Suy giảm thị lực là tình trạng khả năng nhìn bị suy giảm ở một mức độ nào đó. Với tình trạng suy giảm thị lực này, việc chăm sóc, phòng ngừa được đánh giá cao hơn chữa trị vì khả năng phục hồi sau chữa trị thường rất thấp trong khi việc phòng ngừa và chăm sóc ở giai đoạn nhẹ vô cùng đơn giản. Mọi người cần biết cách phòng ngừa biến chứng nguy hiểm này để chúng không cướp đi ánh sáng của cuộc đời bạn.

Triệu chứng điển hình như mắt mờ, không nhìn rõ hoặc không thể nhìn tập trung. Đây thường là hệ quả của một tổn thương một bệnh lý nào đó ở mắt trong thời gian dài. Bên cạnh đó, cũng có nhiều trường hợp suy giảm thị lực là biến chứng của bệnh lý như tiểu đường, tai biến mạch máu não.

Do tật khúc xạ

Hầu hết những người mắc tật khúc xạ đều chỉ quan tâm đến sự bất tiện trong sinh hoạt, vấn đề thẩm mỹ khi mang kính… mà ít ai biết rằng mắc tật khúc xạ nặng lâu ngày còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh lý ở mắt cao hơn như nhược thị, bong võng mạc dịch kính Glocom góc mở gây tăng nhãn áp, rách hoặc bong võng mạc… Từ đó, khiến mắt giảm thị lực, thậm chí mù lòa.

Cận thị nếu tiến triển nặng (trên -10 Đi ốp) có thể gây nhược thị, bong võng mạc dịch kính, lác ngoài hoặc lác luân phiên; Glocom góc mở, tăng nhãn áp, rách hoặc bong võng mạc… Từ đó, khiến mắt giảm thị lực, thậm chí mù lòa.

Người viễn thị nặng (trên +5 đi ốp) ngoài nhức mắt, mỏi mắt thường xuyên sẽ kèm theo giảm cả thị lực nhìn xa và thị lực nhìn gần.

Loạn thị: Là một tật khúc xạ do giác mạc mắt có hình dạng bất thường, ảnh hưởng trực tiếp đến tầm nhìn của đôi mắt khiến hình ảnh thu mờ và méo mó.

Do bệnh lý của mắt

Khi mắc các bệnh lý về mắt sau đây, người bệnh cần điều trị tích cực để phòng ngừa nguy cơ suy giảm thị lực.

Đục thủy tinh thể

Đục thủy tinh thể thường xảy ra ở người từ 65 tuổi trở lên và được mô tả là nhìn mờ, màu sắc mờ dần, nhìn 1 hóa 2. Sự hình thành của đục thủy tinh thể là từ từ và nếu không được điều trị có thể gây giảm thị lực và mất thị lực hoàn toàn. Đây là nguyên nhân gây mù phổ biến nhất trên thế giới. Ngoài tuổi cao, bệnh tiểu đường, tiền sử gia đình, hút thuốc, tiếp xúc quá nhiều với ánh sáng cực tím và viêm mắt nặng cũng là nguyên nhân gây suy giảm thị lực.

Thoái hóa điểm vàng

Thoái hóa điểm vàng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây giảm thị lực ở những người từ 60 tuổi trở lên. Các triệu chứng bao gồm: thị lực giảm, tầm nhìn trung tâm mờ và giảm phân biệt màu sắc.

Không phải ai cũng có các triệu chứng thoái hóa điểm vàng giống nhau. Một số người trải qua các triệu chứng ít nghiêm trọng hơn và giảm thị lực chậm hơn so với những người khác. Tuy có thể duy trì gần với thị lực bình thường trong nhiều năm dù bị thoái hóa điểm vàng, căn bệnh về mắt này được coi là tiến triển và thường trở nên tồi tệ hơn theo thời gian.

Viêm kết mạc

Viêm kết mạc hay còn gọi là đau mắt đỏ. Bệnh rất dễ nhận biết bởi các triệu chứng:

Trước khi bệnh: sốt nhẹ, đau họng, nổi hạch dưới cằm hoặc trước tai.

Phát bệnh trong 5-7 ngày: đỏ mắt, chảy nước mắt, cảm giác cộm xốn, ra gỉ nhiều. Giai đoạn này bệnh không gây giảm thị lực, chỉ nhanh chóng lan sang bên mắt còn lại.

Giai đoạn giảm dần: các triệu chứng trên dần biến mất, mắt trắng dần ra.

Biến chứng của một số bệnh gây suy giảm thị lực

Ngoài các bệnh lý tại mắt, suy giảm thị lực có thể là biến chứng của các biến chứng bệnh nguy hiểm như:

Bệnh tiểu đường

Bệnh võng mạc tiểu đường là biến chứng có khả năng dẫn đến mù lòa ở bệnh nhân tiểu đường, do lượng máu cung cấp cho võng mạc thấp xuống, khiến võng mạc yếu đi. Bệnh nhân bị bệnh võng mạc tiểu đường có thể gặp các triệu chứng như mờ mắt, nhìn thấy đốm, tầm nhìn dao động hoặc mất thị lực hoàn toàn nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.

Tai biến mạch máu não

Trong một số trường hợp việc tắc nghẽn hoặc xuất huyết mạch máu ở não có thể gây tắc nghẽn hoặc chèn ép thần kinh thị giác. Người bị tai biến nhìn mờ, suy giảm thị lực, nếu không được phát hiện kịp thời khả năng phục hồi là rất thấp.

Bệnh bạch tạng

Bạch tạng là tình trạng rối loạn một nhóm các gen hiếm, làm cho da, tóc hoặc mắt có rất ít hoặc không có màu. Có rất nhiều loại bạch tạng, có loại làm tổn thương đến da, mắt, loại làm tổn thương đến phổi, ruột, loại thì hệ miễn dịch, thần kinh…

Trẻ sinh non

20 – 30% trẻ sinh non mắc bệnh lý võng mạc, mắt bị giảm thị lực hoặc mù lòa vĩnh viễn nếu không phát hiện và điều trị kịp thời. Bệnh võng mạc trẻ sinh non là một tình trạng bệnh lý của mắt thường gặp ở những trẻ sinh non, nhẹ cân (dưới 2.000g).

Thanh Huyền (tổng hợp)

Bài viết liên quan

Vi nhựa trong nước uống có gây nguy cơ cho sức khỏe không?

CDC Hà Nam

Rối loạn tiền đình và các giải pháp phòng ngừa

Ngọc Nga

8 chất chống oxy hóa tốt nhất cho sức khoẻ làn da

CDC Hà Nam