Cần có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị đối với công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi

(CDC Hà Nam)

Đây là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn Châu Phi do Bộ NN&PTNT tổ chức sáng 4/3/2019.

Dự và chủ trì hội nghị còn có các đồng chí: Trịnh Đình Dũng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT; lãnh đạo các bộ, ngành trung ương.

Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh có các đồng chí: Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Xuân Đông, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị

Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi-rút; bệnh lây lan nhanh, gây thiệt hại lớn. Vi- rút gây bệnh có sức đề kháng cao, tồn tại ở ngoài môi trường và trong các sản phẩm của lợn; bệnh lây lan trực tiếp từ lợn sang lợn chưa mắc bệnh, sản phẩm mang mầm bệnh; bệnh không lây sang người. Hiện nay chưa có vắc-xin phòng bệnh và thuốc điều trị bệnh.

Từ năm 2017 đến nay có hơn 20 quốc gia báo cáo có DTLCP. Một số nước xung quanh Việt Nam đã có bệnh DTLCP nhưng chưa công bố.  Ở nước ta, trong khoảng thời gian từ tháng 2/2019 đến 3/3/2019 đã ghi nhận 7 tỉnh, thành phố xuất hiện DTLCP (Hà Nội, Hà Nam, Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Hải Dương, Thanh Hóa). 4.231 con lợn bị tiêu hủy, với tổng lượng trên 297 tấn.

Trước nguy cơ dịch bệnh lây lan nhanh, từ tháng 9/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành công điện khẩn về việc tập trung triển khai các biện pháp ngăn chặn bệnh DTLCP. Bộ NN&PTNT có nhiều văn bản về hướng dẫn các địa phương ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm, thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nam.

Ở Hà Nam, ngày 28/2/2019 đã phát hiện DTLCP tại một hộ chăn nuôi lợn ở xã Văn Xá, huyện Kim Bảng. UBND tỉnh đã chỉ đạo, triển khai các giải pháp phòng, chống dịch khẩn cấp, tiêu hủy ngay 15 con lợn mắc bệnh, thành lập 3 chốt giám sát các lối ra vào khu vực có dịch. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, giám sát, phát hiện dịch bệnh sớm, lấy mẫu giám sát tất cả các vùng chăn nuôi trong tỉnh.

Để phòng chống hiệu quả DTLCP, Hà Nam đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT chỉ đạo các cơ quan khoa học, các viện sớm nghiên cứu vắc-xin phòng DTLCP; hỗ trợ Hà Nam hóa chất sát trùng; tăng mức hỗ trợ tiêu hủy lợn khi mắc dịch tả Châu Phi.

Tại hội nghị, đại diện một số tổ chức quốc tế có liên quan, Hội Thú y Việt Nam đã chia sẻ kinh nghiệm và giải pháp về kiểm soát và phòng, chống DTLCP. Lãnh đạo nhiều tỉnh, thành phố báo cáo về diễn biến tình hình DTLCP ở địa phương và những khó khăn, vướng mắc trong công phòng, chống dịch. Các ý kiến đều thống nhất cao đối với đề xuất giải pháp phòng, chống DTLCP của Bộ NN&PTNT.

Để thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống DTLCP, các địa phương đề nghị cần tăng cường thực hiện công tác quản lý xuất nhập khẩu các sản phẩm lợn. Bộ NN&PTNT tiếp tục xuất hóa chất dự trữ hỗ trợ các địa phương có dịch khử trùng tiêu độc, kịp thời dập dịch, hỗ trợ kinh phí xét nghiệm mẫu bệnh phẩm; bổ sung cơ chế phòng, chống dịch, công bố định mức hỗ trợ đảm bảo sự thống nhất trên toàn quốc. Bộ NN&PTNT có chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó trong trường hợp DTLCP lây lan trên diện rộng…

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Chống dịch là việc làm cấp bách nên các cấp, ngành phải xắn tay ngăn chặn hiệu quả DTLCP. Nếu ngăn chặn tốt, kịp thời hơn thì dịch không lan rộng.

Thời gian qua, Bộ NN&PTNT và các địa phương đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, kịp thời, quyết liệt từ nhận thức đến hành động đối với ngăn ngừa DTLCP. Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ đặt ra nhiều câu hỏi: Tại sao dịch bệnh bùng phát tại 7 tỉnh, nguyên nhân do đâu? Có hiện tượng che giấu dịch bệnh không? Tại sao có hiện tượng thương lái gia tăng vận chuyển lợn từ Bắc vào Nam.? Quy định phòng, chống dịch hiện nay đã hiệu quả chưa? Các bộ ngành, địa phương cần tìm hiểu rõ nguyên nhân và thực hiện kiểm soát dịch bệnh tốt chứ không chỉ ngăn chặn

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành, doanh nghiệp và người chăn nuôi nghiêm túc thực hiện hiệu quả Chỉ thị 04 ngày 20/2/2019 về việc triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh DTLCP.

Theo đó, cần đề ra nhiệm vụ cụ thể cho từng cấp, ngành chứ không chung chung; nêu cao tính công khai minh bạch, chống tiêu cực,  giám sát kịp thời, hiệu quả trong phòng, chống dịch; tuyên truyền không gây hoang  mang cho nhân dân, vận động nhân dân thực hiện tốt “5 không” trong chăn nuôi theo quy định của Luật Thú y.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Cả hệ thống chính trị cần triển khai ngay các giải pháp ngăn ngừa, xử lý kịp thời, tránh tình trạng lây lan DTLCP. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng về công tác phòng, chống dịch tại địa phương.

Kết luận tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nêu rõ: Ngành chăn nuôi đang đứng trước thách thức lớn, nhất là DTLCP đã có mặt tại Việt Nam diễn biến phức tạp, chưa được khống chế, có khả năng xâm nhiễm ở một số địa phương. Vì vậy, cần quán triệt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị này, đề ra các giải pháp, không để dịch bệnh lây lan, bảo vệ lợi ích của người chăn nuôi là nhiệm vụ cấp bách hiện nay.

Trước mắt, thống nhất thực hiện đồng bộ các giải pháp từ trung ương đến địa phương. Các bộ, ngành liên quan thành lập các đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo việc phòng, chống dịch, trong trường hợp cần thiết có thể đề nghị thành lập ban chỉ đạo phòng, chống DTLCP.

UBND các tỉnh, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó; tăng cường vai trò của hệ thống thú y cơ sở; thống nhất cơ chế mức giá hỗ trợ tiêu hủy lợn bị dịch bệnh…

(theo baohanam.com.vn)

Bài viết liên quan

Triệu chứng xuất hiện sau 5 ngày nhiễm nCoV

CDC Hà Nam

Tập trung dập các ổ dịch sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh

Ngọc Nga

Một số biện pháp phòng chống nhiễm lạnh cho trẻ khi đến trường

hanh phan

Để lại bình luận