Cha mẹ cần làm gì để phòng bệnh cho trẻ

(CDC Hà Nam)

Đưa trẻ đi tiêm chủng là một việc làm hết sức cần thiết của các bậc cha mẹ vì những lợi ích trong việc bảo vệ sức khoẻ của trẻ nhằm tránh những hậu quả đáng tiếc về sau cho con em mình. Để giảm thiểu, phòng tránh tớ mức tối đa những phản ứng không mong muốn có thể xảy ra trong mỗi lần tiêm chủng, các bà mẹ cần thực hiện các hướng dẫn trước, trong và sau khi đưa trẻ đi tiêm chủng theo khuyến cáo sau:

Các loại vắc xin mẹ nên tiêm phòng cho bé

– Sau khi sinh: Trong vòng 24 giờ sau khi sinh, trẻ sơ sinh sẽ được tiêm phòng viêm gan siêu vi B.

– Dưới 1 tháng tuổi: Tiêm phòng BCG, ngừa bệnh lao phổi

– Từ 2- 6 tháng tuổi:

Tiêm phòng Bạch hầu, Ho gà, Uốn ván, Bại liệt mũi 1,2,3

Viêm gan siêu vi B mũi 2,3,4

Tiêm phòng Hib mũi 1,2,3

Vắc-xin Rotavirut: ngăn ngừa Rota virut gây bệnh tiêu chảy

– Từ 6-11 tháng tuổi: Tiêm phòng cúm

– Từ 12-15 tháng tuổi:

Viêm não Nhật Bản B

Thủy đậu

Sởi, quai bị, Rubella

Viêm gan A mũi 1

– Từ 16-23 tháng tuổi:

Bạch hầu, Ho gà, Uốn ván, Bại liệt mũi 4

Hib mũi 4

Viêm gan B mũi 4

Viêm gan A mũi 2

– Trên 24 tháng tuổi:

Phòng Viêm màng não mô cầu A+C

Viêm não Nhật Bản mũi 3

Phòng bệnh viêm mũi họng, viêm màng não do vi khuẩn phế cầu

Tiêm phòng thương hàn, tã

– Trên 9 tuổi: Chủng ngừa HPV: ngăn ngừa ung thư cổ tử cung và bệnh sùi mào gà ở bộ phận sinh dục.

>> Những mũi tiêm quan trọng bố mẹ cần cho bé tiêm trước 6 tuổi

Các trường hợp sau đây vẫn có thể cho trẻ tiêm ngừa như thường lệ

Trẻ bị sốt nhẹ

Trẻ đang bị tiêu chảy nhẹ

Trẻ bị suy dinh dưỡng.

Trẻ bị ho, chảy mũi, mọc răng…mà hiện không có sốt.

Khi nào thì không nên tiêm cho bé?

Trong một số trường hợp việc tiêm phòng cần phải trì hoãn lại và chờ ý kiến quyết định của BS chuyên khoa như:

Trẻ đang sốt cao.

Trẻ đang mắc bệnh nhiễm khuẩn cấp tính.

Đang bị viêm da mủ, hoặc bệnh chàm ngoài da (eczéma).

Trẻ đang mắc một bệnh mãn tính đang tiến triển như lao phổi, tràn dịch màng phổi…, nhất là đang có bệnh ở thận (như viêm thận mạn tính v.v…).

Trẻ mới khỏi các bệnh nói trên, nhưng còn đang trong thời kỳ hồi sức.

Lưu ý khi cho trẻ đi tiêm chủng

Trước khi tiêm chủng

Kiểm tra lại tình trạng sức khỏe của bé

Để đảm bảo bé có thể thực hiện được mũi tiêm, bạn nên kiểm tra lại thông tin sau:

Trong 3 ngày gần đây bé có sốt hay không?

Nếu là bé sơ sinh thì cân nặng của bé có đủ 2,5 kg chưa?

Bé có đang bệnh hay không?

Nếu bé có sốt hoặc dưới 2,5 kg thì chưa thể tiêm ngừa được. Nếu bé đang bệnh thì bạn cần nói rõ các triệu chứng để bác sĩ thăm khám và quyết định xem bé có thể tiêm được không.

Ngoài ra, ba mẹ cũng không nên cho trẻ ăn, bú quá no hoặc quá đói để tránh tình trạng trẻ bị hạ đường huyết sau khi tiêm.Vệ sinh thân thể sạch sẽ để hạn chế nhiễm trùng. Khi tiêm phòng, cần cho trẻ mặc trang phục đơn giản để giúp bác sĩ dễ thao tác trong quá trình khám, tránh mặc quần áo quá bó chặt, ủ ấm quá nhiều.

Mang theo tất cả sổ tiêm chủng và phiếu tiêm chủng của bé

Sổ tiêm chủng và phiếu tiêm chủng vô cùng quan trọng khi đưa trẻ đi chủng ngừa vì trong sổ và phiếu sẽ ghi đầy đủ mũi tiêm mà trẻ đã được thực hiện trước đây. Điều này giúp rất nhiều cho bác sĩ khi tham vấn để hỗ trợ phụ huynh lựa chọn phương án chủng ngừa tối ưu cho trẻ tiêm nhắc, tiêm bù các mũi bỏ sót, tiêm thêm những mũi còn thiếu.

Thông báo với cán bộ y tế về tình trạng sức khỏe của bé

Cần thông báo cho cán bộ y tế về tình trạng sức khỏe của con mình như trẻ đang có các bệnh cấp tính hoặc mãn tính kèm theo, các dị tật bẩm sinh, tiền sử sinh non, tiền sử dị ứng, đặc biệt có các phản ứng với lần tiêm chủng trước như sốt cao, quấy khóc kéo dài, nôn trớ, phát ban, sưng nề vùng tiêm, sốc phản vệ…để giảm đi những phản ứng bất lợi cho trẻ.

Có những loại thuốc sử dụng sẽ làm giảm hiệu quả của vắc xin, do đó nếu gần thời điểm đưa con đi tiêm mà trẻ uống thuốc gì đó, bố mẹ cần cung cấp thông tin này cho bác sĩ.

Đề nghị cán bộ y tế thông báo về loại vắc xin được tiêm chủng lần này, những phản ứng có thể gặp và hướng dẫn theo dõi trẻ sau tiêm chủng.

Trong khi tiêm chủng

– Giữ trẻ đúng tư thế theo hướng dẫn của cán bộ y tế.

– Ngoài ra, người mẹ cũng nên chú ý quan sát kỹ: Vắc xin của con có được lấy nguyên hộp từ tủ lạnh không? Hạn sử dụng của vắc xin, tên và nước sản xuất vắc xin. Ống nước pha và quy trình pha thuốc của y tá thực hiện tiêm có đúng không.

Sau khi tiêm chủng

Trẻ cần phải ở lại 30 phút tại điểm tiêm chủng để được cán bộ y tế theo dõi và kịp thời xử trí nếu có những phản ứng bất thường xảy ra.

Theo dõi khi trẻ về nhà: Theo dõi xem trẻ có sốt không, biểu hiện bên ngoài da, cử chỉ, quấy khóc, bú mẹ có bình thường không, đi ngoài thế nào. Đặc biệt là với những trẻ tiêm lần đầu khi ở 2 tháng tuổi, tiêm mũi đầu tiên và tiêm vắcxin 5 trong 1

Sau tiêm chủng, trẻ có thể có một số các phản ứng thông thường như sốt nhẹ (<38,5oC), đau hoặc sưng tấy nhẹ tại chỗ tiêm, quấy khóc… Tuy nhiên, các phản ứng này sẽ tự khỏi trong vòng 1 ngày. Khi trẻ sốt, cần phải cặp nhiệt độ 2 – 4 giờ/lần và theo dõi sát, dùng thuốc hạ sốt cho trẻ theo sự chỉ dẫn của cán bộ y tế.

Cha mẹ nên chườm mát nơi tiêm (không chườm nóng), cho trẻ uống nhiều nước, bú mẹ nhiều hơn, mặc đồ thoáng.

Trẻ sốt nhẹ sốt 37-38 độ thì có thể dùng các biện pháp làm mát, hạ nhiệt, thuốc hạ sốt đặt hậu môn. Nếu sốt trên 38 độ thì dùng thuốc hạ sốt, tác dụng nhanh hơn.

Nếu cha mẹ không yên tâm về những phản ứng của con sau khi tiêm chủng, có thể trực tiếp đến gặp cán bộ y tế để được tư vấn cách chăm sóc trẻ.

Ngoài ra, mẹ không nên dùng thuốc mẹo cho bé uống hay đắp lòng trắng trứng gà, khoai tây hoặc miếng dán hạ sốt trực tiếp lên vết tiêm bởi như vậy sẽ làm giảm tác dụng của vắc xin.

Khi nào đưa trẻ đến bệnh viện?

Mẹ nên đưa con đi khám khi thấy những biểu hiện:

Sốt cao trên 38.5 độ trở lên, có uống thuốc hạ sốt mà vẫn không giảm.

Nổi ban.

Co giật hoặc co giật giống như động kinh.

Khó thở.

Yếu mệt.

Tím tái.

Mất ý thức.

Mậu Ngọ (tổng hợp)

Bài viết liên quan

Phòng tránh các bệnh hay gặp khi thời tiết nồm ẩm

Ngọc Nga

Bệnh nhân nhiễm COVID-19 trên thế giới phải trả phí điều trị thế nào?

CDC Hà Nam

11 dấu hiệu trầm cảm ở trẻ cha mẹ không thể bỏ qua

CDC Hà Nam