Chăm sóc sức khoẻ tâm thần cho học sinh tại trường học

(CDC Hà Nam)

Nói đến sức khoẻ không chỉ là nói đến một cơ thể hoàn chỉnh không có bệnh mà còn là sức khoẻ của tinh thần, trí tuệ, là cơ sở cho một tâm hồn đẹp, lòng dũng cảm, năng lực sáng tạo, tính kiên quyết, sự tự chủ … phát triển không ngừng. Sức khoẻ là vốn quý cho toàn xã hội. Tư vấn và can thiệp sớm cho những học sinh có vấn đề sức khoẻ tâm thần, vạch ra kế hoạch can thiệp với mục đích cải thiện sức khoẻ tâm thần và ngăn ngừa mắc bệnh tâm thần trong số học sinh trường học. Đảm bảo các học sinh này được điều trị và chăm sóc một cách thích hợp.

Những hoạt động can thiệp nhằm thúc đẩy sức khoẻ tâm thần gồm có:

Tập huấn kiến thức về sức khoẻ tâm thần cho giáo viên

Tập huấn kiến thức về sức khoẻ tâm thần cho cha mẹ học sinh

Tập huấn kiến thức về sức khoẻ tâm thần cho nhân viên y tế trường học và nhân viên y tế cộng đồng

 Tình hình sức khoẻ tâm thần trẻ em hiện nay:

Trên thế giới, có tới 7 đến 10% trẻ em và thanh thiếu niên mắc phải các rối loạn tâm thần cần điều trị. Tỉ lệ này cao hơn ở các vùng đô thị đông dân có nhiều yếu tố xã hội không thuận lợi, đặc biệt ở tuổi dậy thì. Những trạng thái tâm lý bệnh học trẻ em thường gặp là:

Hành vi gây rối và chống đối xã hội (những rối loạn bên ngoài); Rối loạn cảm xúc (những rối loạn bên trong); Những trở ngại tâm lý và rối loạn dạng cơ thể; Hiếm gặp hơn là các rối loạn tâm thần trẻ em và rối loạn sự phát triển nói chung ( bệnh tự kỷ).

Những rối loạn hành vi gây rối và chống đối xã hội thường gặp ở trẻ trai nhiều gấp 2 đến 3 lần trẻ gái. Tỉ lệ giữa nam và nữ tương đồng hơn với các rối loạn cảm xúc. Trẻ gái lại hay gặp trầm cảm và chứng biếng ăn nhiều hơn so với trẻ trai. Trẻ chậm phát triển trí tuệ và trẻ có bệnh não thực tổn mãn tính có nguy cơ rất cao làm phát sinh những rối loạn cảm xúc và hành vi.

Những rối loạn cảm xúc (lo âu, trầm cảm) làm giảm sút đáng kể sự phát triển và khả năng học của trẻ. Khám phát hiện các nguy cơ tự sát nhằm đảm bảo an toàn cũng là một bước đầu tiên quan trọng trong điều trị. Thăm khám cho trẻ bao gồm nói chuyện với trẻ, với bố mẹ trẻ và sự bổ sung thêm thông tin từ giáo viên là rất cần thiết. Các trị liệu tâm lý và tập huấn gia đình thường mang lại hiệu quả đáng kể, bên cạnh đó  các thuốc chống trầm cảm theo chỉ định của bác sỹ chuyên khoa có thể cũng rất cần thiết. Thuốc kích thích có giá trị trong điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý. Đồng thời, những biện pháp đề cao lòng tự trọng của cá thể  và chức năng gia đình giúp phục hồi bệnh nhanh chóng.

Các rối loạn hành vi gây phá vỡ nghiêm trọng sự phát triển về mặt xã hội và có thể dẫn tới mắc các chứng bệnh tâm thần về lâu dài. Can thiệp sớm, với trọng tâm là giải quyết các xung đột gia đình và những rắc rối trong quan hệ của bố mẹ trẻ, giúp ngăn ngừa hữu hiệu những hậu quả có hại về sau.

Tiềm lực của mỗi con người có một mức độ khác nhau. Sự khác nhau này dựa trên hai yếu tố chủ yếu: yếu tố di truyền và yếu tố giáo dục, trong đố yếu tố giáo dục có ý nghĩa hết sức tích cực. Để có sức khoẻ cần phải làm nhiều việc trong đó chăm sóc sức khoẻ tâm thần là hết sức cần thiết đặc biệt là lứa tuổi học đường.

Trong một bối cảnh xã hội đang có sự chuyển đổi mà quan trọng hơn là trong bối cảnh của mọi gia đình trong xã hội cũng đang có chuyển đổi thì chăm sóc sức khoẻ tâm thần học đường càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.

Chăm sóc sức khoẻ lứa tuổi học đường  cần có sự quan tâm phối hợp giữa nhà trường, gia đình và ngành y tế mới mong mang lại hiệu quả cao nhất cho sự hình thành, phát triển trí tuệ, nhân cách và thể lực của lứa tuổi học đường.

Mậu Ngọ (tổng hợp)

 

 

Bài viết liên quan

CDC Hà Nam tiếp tục thông tin về xét nghiệm 03 trường hợp nghi nhiễm SARS -COV-2 trên địa bàn tỉnh Hà Nam

Mậu Ngọ

Bản tin công tác phòng, chống dịch ngày 09/9

Ngọc Nga

Hà Nam: 28 mẫu xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 thực hiện ngày 16/09/2020 đều có kết quả hiện tại âm tính

Ngọc Nga