Chủ động phòng, chống bệnh sốt rét

(CDC Hà Nam)

Theo thông tin từ Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương, trong vòng gần 5 tháng đầu năm, toàn quốc ghi nhận hơn 140 trường hợp mắc sốt rét, tăng 107,4% so với cùng kỳ năm 2023, không có dịch sốt rét xảy ra.

Bên cạnh đó, toàn quốc có khoảng 7 triệu người dân sống trong vùng bệnh sốt rét lưu hành tại 1.030 xã, chủ yếu là người nghèo, dân tộc thiểu số sống ở các vùng rừng núi, vùng sâu vùng xa, vùng Tây Nguyên, vùng biên giới.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là do ý thức người dân chưa thực sự tích cực tham gia vào công tác phòng chống sốt rét như không phun hóa chất tồn lưu; không ngủ màn, không uống thuốc đúng/đủ liều khi bị bệnh tại vùng sốt rét lưu hành, đặc biệt là những người dân, đồng bào dân tộc ít người, người lao động thời vụ tại nương rẫy.

Để góp phần loại trừ bệnh sốt rét vào năm 2030 theo Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa 12 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, cùng với các biện pháp chỉ đạo, triển khai của các cấp ủy đảng, chính quyền và ngành y tế, người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh sốt rét.

Sau đây là những thông tin về bệnh sốt rét và khuyến cáo các biện pháp phòng chống:

Tác nhân gây bệnh sốt rét

– Bệnh sốt rét là một bệnh do ký sinh trùng sốt rét sống nhờ trong máu gây nên.

– Muỗi A – nô – phen là vector truyền ký sinh trùng sốt rét từ người bệnh sang người lành. Thói quen chứa nước ở lu, xô, chậu, thùng… quanh nhà lâu ngày mà không súc rửa, không đậy kín tạo điều kiện cho bọ gậy phát triển thành muỗi.

– Bệnh sốt rét có tính chất lưu hành địa phương, có thể gây thành dịch, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe cộng đồng và nguồn nhân lực lao động chính của toàn xã hội.

Các triệu chứng của bệnh sốt rét

Người bị sốt rét thường có biểu hiện qua ba giai đoạn:

– Giai đoạn rét run: Người bệnh lạnh run toàn thân, môi tái, mắt quầng, nổi da gà, thường kéo dài 1/2 – 2 giờ.

– Giai đoạn sốt cao: Thân nhiệt nóng dần có thể sốt 38-40 độ C, mặt đỏ, da khô nóng,  đau đầu, khát nước, hơi đau tức vùng gan lách thường kéo dài 1- 3 giờ.

– Giai đoạn vã mồ hôi: Thân nhiệt giảm dần, vã mồ hôi, khát nước, bớt đau đầu, cảm giác bệnh khỏe lại. Có nhiều trường hợp mắc sốt rét không có cơn sốt điển hình, người bệnh chỉ cảm thấy ớn lạnh hoặc gai rét.

Sốt rét được chia làm 2 loại: Sốt rét thông thường chưa có biến chứng và sốt rét ác tính có biến chứng dẫn tới những triệu chứng nguy hiểm và có thể tử vong sau 12 giờ đồng hồ kể từ khi có triệu chứng của bệnh. Đối với bệnh nhân mắc bệnh sốt rét việc chẩn đoán chính xác và kịp thời vô cùng quan trọng vì bệnh có thể tiến triển nhanh chóng và đe doạ tính mạng người bệnh.

Tác hại của bệnh sốt rét

– Gây thiếu máu: Do ký sinh trùng vào trong máu phá vỡ hàng loạt hồng cầu, dẫn đến thiếu máu, da xanh, môi thâm, mệt mỏi, gầy yếu.

– Gan to, lách to.

– Trẻ em bị mắc bệnh sốt rét cơ thể còi cọc chậm lớn, kém thông minh.

– Phụ nữ có thai mắc bệnh sốt rét dễ gây sảy thai, thai chết lưu, đẻ non hoặc khi sinh nở dễ mắc phải những tai biến.

– Phụ nữ khi mang thai nhiễm ký sinh trùng sốt rét, có thể sinh con bị sốt rét bẩm sinh. Đối với các trẻ nhỏ bị mắc bệnh sốt rét sẽ dẫn đến tình trạng thiếu máu nặng, suy hô hấp, gan to, lách to, tổn thương đa cơ quan và có thể tử vong chỉ trong 72 giờ. Thông thường, trẻ mắc sốt rét chỉ có biểu hiện là sốt nên rất dễ chẩn đoán nhầm với bệnh khác.

Các biện pháp phòng bệnh sốt rét

– Thường xuyên ngủ màn, ngay cả ban ngày và màn cần được tẩm hóa chất diệt muỗi. Đây là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh sốt rét.

– Buổi tối khi làm việc phải mặc quần áo dài tay để phòng muỗi đốt, có thể sử dụng nhang xua muỗi.

– Vệ sinh môi trường xung quanh nơi ở, loại bỏ những nơi trú ẩn của muỗi như phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, sắp xếp vật dụng trong nhà ngăn nắp, sạch sẽ, quần áo phải được xếp gọn gàng không nên treo hay móc quần áo trên tường làm chỗ cho muỗi đậu.

– Những người đi làm ở vùng rừng núi cần mang theo màn để ngủ, trước khi đi nên đến cơ sở y tế để được cấp thuốc uống phòng và khi trở về từ vùng rừng núi nên đến cơ sở y tế để được khám, xét nghiệm, nếu có bị sốt rét sẽ được điều trị kịp thời.

– Khi thấy các triệu chứng của bệnh sốt rét như: Đau đầu, mệt mỏi, đau các cơ, rối loạn tiêu hóa, rét run, sốt nóng sau đó vã mồ hôi hoặc cảm thấy ớn lạnh, gai rét, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Thanh Huyền (tổng hợp)

Bài viết liên quan

Bí quyết giúp bệnh nhân hen kiểm soát tốt bệnh trong dịch COVID-19

CDC Hà Nam

Khẩn: Bộ Y tế hướng dẫn quản lý, bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ tử vong cao khi mắc COVID-19

Ngọc Nga

Dấu hiệu ung thư đại tràng

Ngọc Nga