Phòng ngừa nguy cơ đuối nước ở trẻ

(CDC Hà Nam)

Mùa Hè là mùa mà các em học sinh được nghỉ sau một năm học tập, cộng với thời tiết nắng nóng nên việc đi bơi là thú vui được nhiều học sinh ưa thích. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến nhiều tai nạn đuối nước xảy ra, đuối nước cũng là một tai nạn bất ngờ, không có những nguyên nhân rõ ràng và khó có thể lường trước được, hậu quả gây tử vong hoặc tổn thương đến cơ thể người bị nạn.

Thời gian gần đây, trên địa bàn Thành phố Phủ Lý và huyện Kim Bảng đã xảy ra các vụ đuối nước rất thương tâm do sự bất cẩn của các bạn trẻ. Để đảm bảo an toàn cho mọi người thì các cơ sở giáo dục và gia đình tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn các biện pháp an toàn phòng tránh đuối nước để các em hiểu và ý thức được những nguy cơ đuối nước sẽ xảy ra nếu không tuân thủ các nguyên tắc an toàn.

 Nguyên nhân gây đuối nước ở trẻ: Có nhiều nguyên nhân gây đuối nước, tuy nhiên có một số nguyên nhân thường gặp sau:

Giới tính: Tỉ lệ đuối nước ở nam giới cao hơn so với nữ giới ở mọi nhóm tuổi, trừ trẻ nhỏ dưới 1 tuổi là do có thể trẻ nam giới hiếu động, tò mò và tham gia nhiều hoạt động mạnh hơn nữ giới ở các hoạt động diễn ra dưới nước. Ở Việt Nam, tỉ lệ trẻ nam tử vong do đuối nước cao gấp gần 2 lần so với trẻ nữ.

Bệnh lí: Trẻ bị động kinh thường có nguy cơ đuối nước cao hơn nhiều so với những trẻ bình thường cả ở trong bồn tắm và bể bơi.

Thiếu kiến thức, kĩ năng an toàn: Nhiều trẻ biết bơi, thậm chí bơi giỏi nhưng vẫn bị tử vong do đuối nước vì trẻ thiếu kiến thức, kĩ năng nhận định các nguy cơ có thể xảy ra đuối nước khi trẻ tham gia các hoạt động vui chơi trong khu vực sinh sống hoặc khi đi bơi, tắm ở các vùng nước tự nhiên… Khi bơi ở môi trường nước khác, lạ lẫm, nếu bất ngờ gặp sự cố mà trẻ chưa thành thạo kĩ năng bơi, kĩ năng thoát hiểm thì dễ bị đuối nước.

Thiếu sự giám sát của người lớn: Vì nhiều lí do khác nhau, không có sự giám sát của cha mẹ dẫn đến bị trượt ngã, rơi vào vùng nước dẫn tới bị đuối nước.

Môi trường nước xung quanh tiềm ẩn nguy cơ: Môi trường nước xung quanh trẻ chưa an toàn, biểu hiện cụ thể như chum, vại nước, bể chứa nước, thành giếng… trong chính gia đình không được che đậy cẩn thận. Hố các công trình đào sâu nhưng không có biển cảnh báo và rào chắn không có biển cảnh báo nguy hiểm…

Thiên tai: Do nhận thức, kiến thức, kĩ năng và thể chất, thể lực còn hạn chế, đặc biệt khi thiên tai bất ngờ xảy ra, như mưa lớn, lũ, lụt… nước dâng nhanh, dâng cao, dòng nước xoáy, chảy mạnh khiến trẻ thường bị hoảng hốt, dễ bị nhấn chìm hoặc cuốn trôi xuống kênh rạch, sông suối, cống thoát nước… dẫn đến tử vong.

Cứu trẻ khỏi bị đuối nước

Gọi trợ giúp, nếu có những người khác xung quanh. Cần nhanh chóng tìm kiếm sự trợ giúp của những người xung quanh khi thấy người bị đuối nước bằng cách hô, gọi.

Thực hiện việc cứu trẻ/người ra khỏi nước: Đây là bước đầu tiên nhưng rất quan trọng, người đưa trẻ/người ra khỏi đuối nước phải là người biết bơi, có kỹ năng cứu người bị đuối nước để tránh những rủi ro khác có thể xảy ra.

 Có hai phương pháp cứu trẻ/người bị đuối nước đó là phương pháp gián tiếp và phương pháp trực tiếp.

 – Cứu trẻ/người khỏi bị đuối nước bàng phương pháp gián tiếp: Là sử dụng các dụng cụ cứu đuối sẵn có (phao, dây,  các vật có thể nổi trên nước…) để cứu người/trẻ bị đuối nước khi vẫn còn đang tỉnh. Tùy theo tình hình, tính chất của mỗi trường hợp cụ thể mà người cứu đuối lựa chọn phương án cứu để phù hợp, an toàn và hiệu quả.

– Cứu trẻ/người khỏi bị đuối nước bàng phương pháp trực tiếp: Là xuống nước, bơi đến cứu nạn nhân. Đặc biệt lưu ý là cứu đuối trực tiếp chỉ dành cho đối tượng cứu hộ chuyên nghiệp, được đào tạo và cấp chứng chỉ cứu hộ, có đủ sức khỏe và năng lực ở thời điểm thực hiện.

Trong một số trường hợp, tùy theo mức độ, tính chất cụ thể của từng vụ đuối nước mà người thực hiện cứu đuối có thể thực hiện cứu đuối trực tiếp khi chưa phải là người cứu hộ chuyên nghiệp nhưng vẫn đảm bảo cứu sống nạn nhân và bảo đảm an toàn cho bản thân.

Khuyến cáo trẻ không được thực hiện việc cứu đuối trực tiếp vì có thể chính trẻ sẽ là nạn nhân bị đuối nước.

Lưu ý: Bắt đầu hồi sức tim phổi (CPR – Cardiopulmonary Resuscitation) ngay lập tức là điều quan trọng nhất bạn có thể làm để ngăn trẻ tử vong.

– Nếu chỉ có một mình, hãy làm theo các bước dưới đây trong hai phút trước khi dừng lại để gọi cán bộ y tế cấp cứu.

 – Nếu có những người khác xung quanh, trong khi bạn bắt đầu các bước bên dưới, hãy nhờ ai đó gọi cán bộ y tế và Trung tâm cấp cứu và thông báo cho nhân viên cứu hộ.

* Kiểm tra xem trẻ/người vừa được cứu khỏi đuối nước (nạn nhân) có thở không và có tỉnh không: Đặt tai của bạn gần miệng và mũi trẻ. Bạn có cảm thấy không khí thở ra của nạn nhân ở trên má của bạn không? Nhìn xem lồng ngực của nạn nhân có di động không? (Thở ngáp được xem là không thở). Trong khi kiểm tra hơi thở, bạn cũng có thể gọi tên của nạn nhân (nếu bạn biết tên) để xem nạn nhân có phản ứng không.

* Nếu nạn nhân không thở, hãy bắt đầu hồi sức tim phổi

– Cẩn thận đặt nạn nhân nằm ngửa trên một bề mặt chắc chắn và cứng.

– Nếu nghi ngờ chấn thương cổ hoặc đầu, hãy di chuyển nạn nhân bằng cách di chuyển toàn bộ cơ thể (đầu, cổ, cột sống và hông) với nhau, giữ cho tất cả chúng thẳng hàng.

– Nếu không chấn thương cổ: Giữ đầu nạn nhân ngửa ra sau và nâng cằm để thông đường thở. Nếu nghi ngờ chấn thương cổ, không ngửa đầu, chỉ cần ấn hàm. Đối với nạn nhân là em bé, hãy cẩn thận không ngửa đầu ra sau quá nhiều.

 – Khi thổi ngạt: Với nạn nhân là trẻ sơ sinh, đặt miệng của bạn trên cả mũi và miệng của trẻ để thổi ngạt được kín. Với nạn nhân là trẻ lớn hơn, một tay ép cánh mũi của trẻ và đưa miệng của bạn qua miệng của đứa trẻ.

– Thổi vào miệng nạn nhân trong 1 giây và ngực của nạn nhân có thể sẽ phồng lên. Lặp lại hơi thở lần thứ hai.

– Hồi sức tim phổi  cho nạn nhân.

* Ép tim ngoài lồng ngực Vị trí ép tim: 1/2 dưới xương ức, tỉ lệ ép tim/thổi ngạt là 30:2. Ấn xuống ngực sâu khoảng 1/3 -1/2 lồng ngực theo đường kính trước sau. Tốc độ ép tim 100 -120 lần/phút.

Một số điểm cần lưu ý sau đây: Hạ thân nhiệt thường xảy ra sau khi bị đuối nước, đặc biệt ở trẻ. Do đó cần phải ủ ấm cho nạn nhân ngay khi đưa khỏi môi trường nước. Các biện pháp sưởi ấm cơ thể được tóm tắt như sau: Cởi bỏ quần áo ướt, lạnh; Đắp chăn ấm; Dùng đèn, tấm sưởi để làm ấm…

Hướng dẫn phòng ngừa đuối nước

– Tổ chức tuyên truyền cho mọi người dân cùng tham gia phòng tránh đuối nước trẻ.

– Giáo dục kiến thức, kỹ năng (cho trẻ từ lớp 1) phòng chống đuối nước và dạy trẻ bơi an toàn.

– Tuyên truyền cho người chăm sóc trẻ luôn để ý, quản lý, giám sát trẻ mọi lúc, mọi nơi.

– Loại bỏ nguy cơ đuối nước cho trẻ tại cộng đồng, gia đình, trường học.

– Các khu vực bơi công cộng phải được giám sát bởi nhân viên cứu hộ được huấn luyện về các kỹ thuật cứu hộ.

– Ao, hồ, dụng cụ chứa nước trong gia đình phải có rào chắn, nắp đậy. Có các biển cảnh báo tại các sông ngòi, hồ nước… nơi công cộng.

 – Giáo dục, hướng dẫn cho trẻ lớn nhận biết các nơi nguy hiểm có nguy cơ cao xảy ra đuối nước.

 – Cần tuyên truyền phổ biến các biện pháp phòng ngừa và sơ cứu đúng cho người dân.

– Tổ chức các lớp cấp cứu cơ bản cho cộng đồng.

Thanh Huyền (tổng hợp)

Bài viết liên quan

Những thực phẩm top đầu cho người bệnh tiểu đường

admin

Phòng ngừa các tai nạn cho học sinh

hanh phan

Hà Nam: Thông báo 22 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2

admin