Chuyên gia chia sẻ cách chăm con ốm sốt giữa dịch Covid-19

(CDC Hà Nam)

Theo bác sĩ Hoàng Quốc Tưởng, ba mẹ cho trẻ uống thuốc hạ sốt đúng liều khi sốt trên 38,5 ºC, đưa đến bệnh viện khám khi không thấy đỡ.

Trẻ sốt có cần xét nghiệm Covid-19   

Bác sĩ Hoàng Quốc Tưởng – Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, con ốm sốt đúng mùa dịch Covid-19 là nỗi lo lắng chung của các phụ huynh hiện nay. Giao mùa năm ngoái, mẹ bình tĩnh xử trí cơn sốt của con bao nhiêu thì năm nay bối rối bấy nhiêu. Nhiều mẹ tá hỏa đưa con đến bệnh viện nằng nặc đòi xét nghiệm Covid-19. Không ít mẹ lại lo ngại lây nhiễm chéo, chần chừ đến bệnh viện, cố thủ giữ con ở nhà theo dõi.

con ốm sốt đúng mùa dịch Covid-19 khiến phụ huynh thêm lo lắng. 

con ốm sốt đúng mùa dịch Covid-19 khiến phụ huynh thêm lo lắng.

Giải đáp nỗi trăn trở khi trẻ ốm sốt trong mùa dịch, bác sĩ Tưởng cho biết, trẻ có thể chưa xét nghiệm Covid-19, song cần được đi khám để chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời. Nếu thấy trẻ sốt cao không hạ, sốt quá hai ngày, trẻ li bì, nôn ói… thì nên đi khám ngay. Các bệnh viện hiện đều thắt chặt công tác kiểm soát dịch, phân luồng riêng nơi tiếp nhận bệnh nhi bị sốt. Khi đi, cha mẹ cần đeo khẩu trang cho trẻ, vệ sinh tay sạch sẽ trước, sau khám, sau khi bé chạm vào đồ vật nơi công cộng bằng xà bông hoặc nước rửa tay khô.

Trẻ sốt do nhiều nguyên nhân. Tại bệnh viện, các bác sĩ sẽ thăm khám để biết trẻ có mắc các bệnh đang vào mùa (sốt xuất huyết, sởi, tay chân miệng, cúm) hay các bệnh thông thường khác (viêm họng, viêm phế quản, viêm niệu, mọc răng, dị ứng…). Nếu nghi ngờ trẻ sốt do nhiễm Covid-19 (sau khi hỏi về lịch sử dịch tễ và khám thấy trẻ có dấu hiệu khó thở, tức ngực, mất vị giác, khứu giác kèm theo), chuyên gia y tế sẽ chỉ định làm xét nghiệm phù hợp.

Trẻ sốt thì cần hạ sốt thế nào

Bác sĩ Tưởng cho biết, sốt cao khiến trẻ trẻ mệt mỏi, mất nước, thậm chí co giật, dù sốt do bệnh gì thì cũng áp dụng các nguyên tắc hạ sốt thông thường. Đầu tiên là uống thuốc hạ sốt đúng liều khi trẻ sốt trên 38,5 ºC. Sau 30-60 phút, nếu trẻ vẫn còn sốt, lau mát cho trẻ bằng nước ấm.

Phụ huynh cho con uống thuốc hạ sốt đúng liều khi trẻ sốt trên 38,5 độ C. 

Phụ huynh cho con uống thuốc hạ sốt đúng liều khi trẻ sốt trên 38,5 độ C.

Trong quá trình hạ sốt, bác sĩ lưu ý khi chưa xác định rõ trẻ nhiễm bệnh gì, chỉ nên sử dụng thuốc hạ sốt chứa paracetamol. Đây là thuốc hạ sốt cho trẻ nhỏ. Các thuốc kháng viêm không chứa steroid (NSAID) khác cũng có tác dụng hạ sốt, song tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ, chống chỉ định cho trẻ sốt xuất huyết (làm xuất huyết nặng hơn) và không nên dùng cho trẻ nhiễm Covid-19 (làm suy giảm đáp ứng miễn dịch).

Liều dùng đúng là 10-15mg paracetamol/kg mỗi liều. Ví dụ, trẻ nhỏ 17-25kg có thể uống một gói hạ sốt Hapacol 250mg với thành phần chính là paracetamol 250mg, mùi cam vị ngọt là đủ liều. Sau 4-6 giờ, nếu trẻ tái sốt mới uống liều tiếp theo. Mùa dịch mỗi người hạn chế ra ngoài, nhà có trẻ nhỏ nên sẵn 1-2 hộp thuốc hạ sốt trong tủ thuốc gia đình.

Cách chăm sóc trẻ ốm sốt ở nhà

Nếu bé không nhiễm Covid-19 mà chỉ sốt do bệnh giao mùa, cha mẹ hãy bình tĩnh hạ sốt và chăm sóc bé tích cực tại nhà. Nếu trẻ còn bú, tiếp tục cho bú nhiều hơn bình thường. Trẻ lớn cho uống nhiều nước (sữa, nước lọc, nước hoa quả, rau củ ép…) và bù điện giải theo chỉ dẫn. Cần chú ý bồi bổ dinh dưỡng, nên cho trẻ ăn loãng (cháo, súp, phở) và ăn nhiều bữa để mau hồi phục.

Giãn cách xã hội cũng là thời gian cha mẹ sống chậm lại, chăm sóc con cái nhiều hơn, gia đình hãy dọn dẹp nhà cửa thông thoáng để ngăn ngừa virus phát triển. Trẻ ốm sốt nên ở phòng riêng để tránh lây bệnh cho ông bà, người suy giảm miễn dịch hoặc mắc nhiều bệnh lý nền. Cha mẹ thường xuyên rửa tay, nhỏ mắt, rửa mũi giúp trẻ tránh bội nhiễm đường hô hấp, theo dõi sát sao để thông báo ngay cho bác sĩ khi bé có dấu hiệu bất thường.

vnexpress.net

 

 

 

Bài viết liên quan

Giấy mời hội thảo 1000 ngày

CDC Hà Nam

Trẻ bỗng dưng sốt – cần cho đi cấp cứu ngay khi có các dấu hiệu này

CDC Hà Nam

Sai lầm khi kết hợp quả dưa chuột với một số thực phẩm có thể gây đau bụng

CDC Hà Nam

Để lại bình luận