Từ trước đến nay tôi cứ nghĩ câu chuyện về Ngưu Lang – Chức Nữ chỉ có trong truyền thuyết, thế nhưng giữa những ngày đại dịch COVID-19 diễn ra đã có nhiều cặp “Ngưu Lang-Chức Nữ” cùng kề vai sát cánh, hỗ trợ nhau làm nhiệm vụ trên tuyến đầu chống dịch. Ở Hà Nam, những cặp đôi như thế không phải là ít, Ngưu Lang-Chức Nữ thời COVID-19 ở Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Nam đang ngày, đêm âm thầm bước qua những tháng ngày cam go, khốc liệt của trận chiến COVID-19.
Lòng nhiệt huyết nơi tuyến đầu chống dịch
Phải mất nhiều cuộc điện thoại tôi mới có được cái gật đầu đồng ý hẹn gặp của bác sĩ (BS) Đỗ Duy Hòa, cán bộ Khoa Truyền nhiễm. Lần gặp này tôi thấy Hòa gầy đi nhiều, đôi mắt trũng sâu vì thiếu ngủ, làn da sạm nắng chứ không còn trắng hồng như cậu sinh viên mới tốt nghiệp ngày nào. Hòa chia sẻ: “Những ngày cao điểm của dịch, nhiều đêm gần như thức trắng vì công việc. Tuy áp lực, nhưng được làm đúng nghề, thì vất vả mấy em cũng sẽ vượt qua”.
Xếp gọn sấp tài liệu lên giá, Hòa kể cho tôi nghe về những lần trực tiếp vào tâm dịch điều tra dịch tễ, những lần thức thâu đêm trong cái nóng như thiêu đốt của tháng 5 để phân tích số liệu, giúp cho lãnh đạo đơn vị đưa ra những chiến lược phòng, chống dịch COVID-19 nhanh và hiệu quả nhất. Nghe Hòa kể, thấy cả những nhọc nhằn, hiểm nguy mà Hòa và đồng nghiệp đối diện, cả những cái vỗ vai động viên của lãnh đạo. Rồi, những nụ cười trong khóe mắt Hòa, tuy lộ rõ vẻ mệt mỏi, nhưng sâu thẳm trong đôi mắt đó vẫn ánh lên niềm hi vọng: “Em tin, nhất định dịch sẽ được đẩy lùi trong thời gian sớm nhất”.
Không riêng gì Hòa mà vợ anh, BS Lê Thị Trang, phụ trách Khoa xét nghiệm – Chẩn đoán hình ảnh – Thăm dò chức năng cũng dành trọn thời gian cho công việc. Trong không gian chật hẹp của Labo xét nghiệm, Trang cùng các đồng nghiệp như quên đi thời gian, lặng lẽ làm việc, tỉ mỉ và thận trọng trong từng thao tác. Chiếc blouse trắng nằm im trên tường đã hai tháng, bởi hằng ngày được thay bằng bộ bảo hộ kín mít. Ngầng đầu, mái tóc dính bệt mồ hôi, Trang cho biết: “Mỗi ngày chúng em tiếp xúc với hàng trăm, hàng nghìn mẫu xét nghiệm, không ít mẫu chứa mầm bệnh, công việc yêu cầu sự tập trung tuyệt đối. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng em chùn bước, luôn nỗ lực hết mình để không xảy ra bất cứ sai sót nào dù là nhỏ nhất”.
Cặp đôi Nguyễn Hữu Tuấn – Nguyễn Thị Tâm những ngày qua cũng căng mình làm việc. Với vai trò Đội trưởng Đội phản ứng nhanh, anh luôn trong tâm thế sẵn sàng “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà, rà từng đối tượng”, đòi hỏi sự cẩn trọng và chính xác trong công việc. “Tất cả mọi người đều ứng trực liên tục, không ai được phép ngừng liên lạc. Trong bất cứ tình huống nào, có lệnh điều động là lên đường ngay”- Anh Tuấn chia sẻ.
Những ngày điều tra F vừa qua với anh Tuấn là thời gian căng thẳng và áp lực. Xuống cơ sở làm nhiệm vụ, biết bao lần đôi chân anh vội vã, giọng khản đi khi phải lặp lại câu hỏi quá nhiều lần do người dân không hợp tác. Không bỏ cuộc, bằng chuyên môn, sự nhanh nhạy, năng động và nhiệt tình, anh kiên trì giải thích cho người dân hiểu.
Mỗi lần đi cơ sở là mỗi lần anh Tuấn tích lũy thêm kinh nhiệm. Khó khăn, vất vả không làm người chiến sĩ áo trắng chùn bước, trái lại chính những điều đó đã tôi luyện trong anh bản lĩnh nghề nghiệp, kiên định trước mọi thách thức, hiểm nguy. Nếu không có sự tận tụy, lòng yêu nghề thì khó có thể hoàn thành được khối lượng công việc ấy. Chị Tâm – vợ anh Tuấn ở đội lấy mẫu xét nghiệm là một trong những trường hợp như thế.
Nhiều đêm, chị cùng đồng nghiệp đi lấy mẫu tới gần sáng. Nghỉ ngơi chưa được vài tiếng, có lệnh điều động, chị lại cùng đồng nghiệp vội vã lên đường làm nhiệm vụ. Đôi mắt thâm quầng vì thiếu ngủ, nhưng nụ cười vẫn thường trực trên môi, chị Tâm cho biết: “Với một cán bộ lấy mẫu xét nghiệm sẽ có nhiều áp lực về nguy cơ lây nhiễm, về thời gian, về sức khỏe, về gia đình… Thế nhưng, tôi biết mình phải gạt đi tất cả những cảm xúc ấy. Bởi khi áp lực cứ chồng dần lên lại thành thói quen rèn luyện bản lĩnh cho người thầy thuốc trước bệnh tật, phải cứng rắn, vững vàng dẫu con đường phòng chống COVID-19 còn nhiều gian nan, vất vả”.
Bên cạnh các công việc: điều tra dịch tễ, lấy mẫu, rồi xét nghiệm SARS-CoV-2 thì một công việc nữa phải kể đến đó là xử lý môi trường. Thoáng nghe tưởng như đơn giản, nhưng thực tế đội ngũ này phải thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với hóa chất độc hại. Khi được hỏi về tấm lưng thâm tím và chai sạn, kỹ thuật viên Nguyễn Ngọc Tâm cho biết: “Mỗi bình phun đổ đầy hóa chất cũng nặng hơn 30kg. Để đáp ưng với yêu cầu công việc, nhiều ngày liền đội làm việc liên tục từ sáng sớm đến nửa đêm”.
Dáng người nhỏ nhắn, anh Tâm nhiều ngày qua phải chạy như con thoi để lo xử lý môi trường khi có ổ dịch mới phát sinh. Gần 30 năm gắn bó với nghề, là người nhiều tuổi nhất đội, song anh luôn xông pha đi đầu khi có lệnh triệu tập. Giữa cái nắng gay gắt của những ngày tháng 6, vai đeo bình hóa chất di chuyển liên tục khắp các ngõ ngách để phun khử khuẩn lại càng nóng bức, ngột ngạt. Trong phút giải lao hiếm hoi, anh chia sẻ: “Mấy hôm nay đeo bình phun liên tục nên vai ê và khá đau. Nhưng dù phải đối mặt với hoá chất, công việc khó khăn, nặng nhọc, xong ai cũng hướng tới mục tiêu là thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe nhân dân”.
Gần 30 năm, trải qua nhiều vụ dịch nguy hiểm, Phó giám đốc (PGĐ) Phạm Văn Thắng đã dạn dày kinh nghiệm trong phòng, chống dịch, anh cho biết: “Là tuyến đầu chống dịch nên các quyết định chỉ đạo đưa ra ở thời điểm nào cũng cần phải cẩn trọng, chắc chắn và chuẩn xác”. Những ngày dịch cao điểm, anh bận rộn cùng Ban chỉ đạo Ngành họp bàn các phương án khống chế, khoanh vùng dập dịch. Có những lần thâu đêm mới thống nhất được phương án tối ưu nhất chống dịch an toàn, hiệu quả. Nhấp một ngụm trà nóng, BS Thắng kể cho tôi nghe về những ngày cao điểm chống dịch COVID-19 tại huyện Lý Nhân: “Có thể nói làm công tác phòng dịch đã tôi luyện trong tôi sự năng động, sáng tạo và cả sự quyết đoán. Sự quyết đoán trong nhiều tình huống lại giúp ích được cho cộng đồng”.
Ở Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, nhiều cán bộ vừa làm chuyên môn, vừa tham gia đội hậu cần, không khác gì những đầu bếp chuyên nghiệp. Chị Đinh Thị Hạnh – vợ anh Tâm, và chị Lê Thị Ngọc Bắc – vợ PGĐ Thắng là những người như thế. Lưng ướt đẫm mồ hôi, đôi má ửng hồng vì ánh lửa, chị Hạnh cho biết: “Hôm nay có trên 30 người ăn cơm nên chị phải cùng đội chuẩn bị sớm. Ngoài việc chuẩn bị những món ăn ngon, đủ dinh dưỡng thì sau mỗi bữa ăn đều “lắng nghe” ý kiến đồng nghiệp về chất lượng bữa ăn… để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp”.
Mỗi người một việc, tất cả đều nhịp nhàng và khẩn trương để có những bữa cơm nóng hổi, thơm ngon. Nhanh thoăn thoắt, chị Bắc vừa sơ chế thực phẩm vừa hào hứng: “Vui và hạnh phúc nhất với tổ hậu cần là mọi người đều ăn ngon miệng, các mâm cơm đều được thưởng thức hết. Đây cũng chính là nguồn động lực để tổ hậu cần phát huy tay nghề, làm thật nhiều món ăn giàu chất dinh dưỡng bổ sung vào thực đơn mỗi ngày”.
Gửi ấm áp, yêu thương qua từng ánh mắt, cuộc gọi
Thời gian này, vợ chồng BS Trang – Hòa phải ở hẳn cơ quan để tập trung cho việc chống dịch. Bên cạnh công việc, điều quan tâm nhất của Hòa và Trang lúc này chính là cậu con trai hơn 2 tuổi đang gửi bà ngoại chăm sóc. Nỗi nhớ mong, khắc khoải chờ ngày gặp con cứ đong đầy trong trái tim người phụ nữ hết lòng với công việc. Nhắc đến con, Trang rớm nước mắt: “Đây không phải lần đầu. Năm ngoái trực dịch em cũng gửi cháu cho ngoại chăm sóc. Nhiều đêm ngoại gọi điện bảo cháu quấy khóc nhiều vì thiếu hơi ấm của mẹ…”. Khi nhắc đến con, giọng Hòa trùng xuống: “Ban ngày không có lúc nào em ngơi việc, đến khi xong việc thì đêm đã khuya, lúc ấy em mới tranh thủ gọi điện về nhà. Giờ đấy bé đã ngủ, được ngắm con ngon giấc trong vòng tay của bà, với bọn em thế là đủ”.
Với anh Tuấn, cơ hội thấy nhau khi cùng làm nhiệm vụ trong tâm dịch đã khiến anh vững tin hơn: “Chúng tôi may mắn hơn so với nhiều đồng nghiệp vì được sát cánh cùng nhau làm nhiệm vụ”. Những lần phát sinh ổ dịch mới, người điều tra dịch tễ đi trước, người lấy mẫu theo sau nên họ vẫn có thể thấy nhau nhiều hơn so với những cặp đôi khác. Chị Tâm cho hay: “Được nhìn thấy anh khỏe, vui vẻ đã đủ ấm lòng”. Chính ánh mắt đó là một cách liên lạc không lời, giúp anh chị vững tin vào một ngày không xa đại dịch COVID-19 sẽ được đẩy lùi. Nhoẻn miệng cười, anh Tuấn nói: “Trước khi dịch bùng phát, mình không bao giờ nghĩ, ánh mắt lại có thể gửi gắm, chất chứa được nhiều điều đến vậy”.
Được sát cánh làm nhiệm vụ cùng người bạn đời cũng là một cách để giữ lửa yêu thương. Hạnh phúc tưởng như ở đâu xa nhưng dưới thời COVID-19 lại thấy bắt nguồn từ những điều hết sức giản đơn. Anh Tâm cười: “Bao khó nhọc cũng bay tan. Ăn cơm cơ quan chứa chan tình đồng đội, mà vẫn thấy được hơi ấm gia đình, bởi do chính tay người bạn đời mình nấu nướng…” Còn với chị Hạnh: “Tôi chỉ đơn giản nghĩ rằng, hạnh phúc và vững tâm nhất là khi được chung chiến tuyến cùng chồng chống COVID-19”.
Mong ước về ngày chiến thắng đại dịch
“Điều mong ước lớn nhất của em lúc này là gì?” – Tôi hỏi Trang. “Là được gặp, được ngửi mùi tóc, thơm một cái thật sâu lên đôi má bé” – Trang nghẹn ngào nói. “Còn Hòa?”: “Em mong dịch nhanh được đẩy lùi, gia đình em sớm được sum họp”. Đây có lẽ không chỉ là mong ước của riêng đôi vợ chồng trẻ này, bởi Trang và Hòa chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện về các cặp vợ chồng “Ngưu Lang – Chức Nữ” trên tuyến đầu chống dịch COVID-19, đã và đang âm thầm hi sinh hạnh phúc cá nhân, cống hiến hết mình cho công việc để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Đã gần hai năm qua, làn sóng COVID-19 lần thứ 4 tràn vào nước ta mạnh hơn nhiều so với những lần trước đó. Những đôi mắt thâm quầng vì thiếu ngủ, những bữa cơm ăn vội hay những ngày xa gia đình, những lần làm việc thâu đêm trong cái giá lạnh của mùa đông hay cái nắng lửa của mùa hè… mãi mãi là ký ức không thể nào quên với anh Tâm. “Cuộc chiến phía trước vẫn còn nhiều khó khăn, song với bản lĩnh, truyền thống kiên cường, bất khuất không lùi bước trước gian khó của mỗi người dân Việt, chúng tôi sẽ tiếp tục vững bước chiến đấu và tôi tin ngày chiến thắng đại dịch COVID-19 sẽ không còn xa…” – Anh Tâm cho hay.
Mong ước Việt Nam chiến thắng đại dịch COVID-19 không chỉ riêng vợ chồng PGĐ Thắng – Bắc, hay BS Hòa – Trang mà ngay cả gia đình thạc sĩ Tuấn – Tâm đến kỹ thuật viên Tâm – Hạnh cũng vậy. Hiện tại ở Hà Nam dịch đã được kiểm soát, nhưng vẫn còn nhiều đối tượng cần phải điều tra, lấy mẫu nên anh Tuấn, chị Tâm vẫn chưa thể rời nhiệm vụ. Những ngày xa bố mẹ, hai con anh Tuấn đều phải tự giác làm mọi việc. Lau vội những giọt mồi hôi còn vương trên trán, chị Tâm chia sẻ: “Hai cháu ngoan nên vợ chồng tôi cũng yên tâm công tác. Nhưng là một người mẹ, xa các con lâu ngày cũng không tránh khỏi những lo lắng, trăn trở. Mong lắm ngày Việt Nam chiến thắng đại dịch COVID-19, vợ chồng tớ được về quây quầy, sum họp bên mâm cơm có đủ các con và hai bên nội, ngoại”.
Trong câu chuyện với PGĐ Thắng về mong muốn, niềm hy vọng? Anh cười, phấn khởi: “Mong ước thì nhiều! Nhưng hiện tại, chỉ mong có đủ vắc xin phòng COVID-19 để tiêm cho toàn thể nhân dân, tạo miễn dịch cộng đồng, có như vậy đại dịch COVID-19 mới được đẩy lùi”. Dẫu biết rằng, trận chiến chống COVID-19 sẽ còn dài và gian khổ. Song dù là ai, công tác ở bất kì vị trí nào trên tuyến đầu chống dịch thì các cặp đôi “Ngưu Lang – Chức Nữ” ở Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Nam cũng đều đồng lòng, quyết tâm chung tay đẩy lùi đại dịch COVID-19.
Bài: Ngọc Nga, Ảnh: Trọng Đoàn