COVID-19 có thể gây tổn thương thần kinh ngoại biên kéo dài

(CDC Hà Nam)

Theo kết quả nghiên cứu mới đây đăng trên Tạp chí Pain, đối với nhiều bệnh nhân, tổn thương thần kinh do COVID-19 vẫn tiếp diễn sau khi âm tính với virus SARS-CoV-2. Các dấu hiệu điển hình tổn thương thần kinh, bao gồm: Đau, ngứa râm ran và tê bì ở bàn tay, bàn chân có thể xuất hiện trong vài tuần hoặc vài tháng sau mắc COVID-19.

 Tổn thương thần kinh ngoại biên liên quan tới COVID-19

Các nhà nghiên cứu đã tiến hành khảo sát hơn 1.550 người được xét nghiệm sàng lọc tình trạng nhiễm COVID-19 tại cơ sở y tế của Đại học Washington ở St. Louis (Mỹ) trong khoảng thời gian 10 tháng vào giai đoạn đầu của đại dịch COVID-19. Kết quả cho thấy, những người có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 (542 người) thì có nguy cơ bị đau, tê bì hoặc ngứa râm ran ở bàn tay và bàn chân (bệnh thần kinh ngoại biên) cao hơn khoảng 3 lần so với những người có kết quả xét nghiệm âm tính.

Đồng tác giả nghiên cứu, Phó giáo sư Simon Haroutounian, cho biết: “Chúng tôi nhận thấy gần 30% bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 cũng báo cáo các vấn đề về bệnh lý thần kinh tại thời điểm họ có chẩn đoán mắc COVID-19”.

Theo nhóm nghiên cứu, ở khoảng 6-7% số bệnh nhân mắc COVID-19, các triệu chứng vẫn tồn tại trong ít nhất 2 tuần và có thể kéo dài tới 3 tháng. Điều này cho thấy, virus SARS-CoV-2 có thể gây ảnh hưởng lâu dài đến các dây thần kinh ngoại biên.

“Một số bệnh nhân có các triệu chứng đau thần kinh đã tìm đến điều trị tại Trung tâm giảm đau của Đại học Washington, nhưng hầu hết đều có các triệu chứng từ nhẹ đến trung bình” – Haroutounian cho biết thêm.

COVID-19 có thể gây tổn thương thần kinh ngoại biên

Ý kiến của chuyên gia

Phó giáo sư Haroutounian cho biết: “Một số tình trạng nhiễm virus, như virus HIV và virus gây bệnh Zona, có liên quan đến bệnh lý thần kinh ngoại biên vì những virus này có thể gây tổn thương các dây thần kinh”.

“Đối với trường hợp nhiễm HIV, chúng tôi đã không nhận thức được nguy cơ virus có thể gây ra bệnh lý thần kinh trong vòng vài năm kể từ khi đại dịch AIDS bắt đầu. Do đó, nhiều bệnh nhân đã bị bỏ sót chẩn đoán về bệnh lý thần kinh và đã không được điều trị kịp thời các cơn đau liên quan” – Haroutounian cho biết thêm.

“Điều này cũng có thể đúng đối với những bệnh nhân bị bệnh lý thần kinh sau khi mắc COVID-19. Tuy nhiên, bất kể nguyên nhân là gì, các phương pháp điều trị bệnh lý thần kinh đều tương tự như nhau. Và chúng tôi vẫn có thể giúp được những bệnh nhân mắc COVID-19, mặc dù hiện tại chưa có tiêu chuẩn chẩn đoán rõ ràng, thậm chí là một hội chứng được công nhận về bệnh lý thần kinh ngoại biên do mắc COVID-19” – Haroutounian nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia, cần tiến hành nghiên cứu thêm để xác nhận những kết quả này vì nghiên cứu mới chỉ được thực hiện tại một trung tâm duy nhất, hơn nữa hoạt động thu thập dữ liệu trong nghiên cứu đã hoàn thành trước khi việc tiêm chủng trở nên phổ biến và trước khi xuất hiện các biến thể Delta, Omicron.

Trần Thị Mậu Ngọ

 

Bài viết liên quan

Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 ra công điện khẩn về tăng cường giám sát và quản lý người nhập cảnh

Ngọc Nga

Răng nhạy cảm vì sao?

CDC Hà Nam

Cần làm gì khi người thân bị tai biến mạch máu não chuẩn bị xuất viện?

CDC Hà Nam