Điểm báo ngày 30/3/2022

(CDC Hà Nam)
Vaccine Covid-19 cho trẻ em sẽ về Việt Nam tuần tới, bắt đầu tiêm từ tuần thứ hai của tháng 4-2022; Bộ Y tế hướng dẫn mới nhất về tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 – dưới 12 tuổi; Không nhất thiết phải test COVID-19 thường xuyên cho mọi trẻ sơ sinh

Bộ Y tế hướng dẫn mới nhất về tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 – dưới 12 tuổi

Bộ Y tế yêu cầu các địa phương xây dựng kế hoạch, chuẩn bị đủ điều kiện tiêm chủng để có thể triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 – dưới 12 tuổi ngay khi được phân bổ vaccine.
Bộ Y tế ngày 28/3 đã có công văn số 1535/BYT-DP gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố; Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur về việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5-dưới 12 tuổi.

Bộ Y tế cho biết ngày 5/2/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 14/NQ-CP về việc mua vaccine phòng COVID-19 của Pfizer cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Để sẵn sàng tiêm chủng và đạt hiệu quả sử dụng tối đa vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em thuộc lứa tuổi này, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 liều bổ sung, liều nhắc lại cho các đối tượng tiêm chủng đến lịch theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế tại các văn bản trước đó.

Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5-dưới 12 tuổi tại điểm tiêm cố định, lưu động và trường học
Chuẩn bị triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, cụ thể: Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo rà soát, lập danh sách tiêm cho trẻ đang đi học từ lớp 1 đến lớp 6 thuộc độ tuổi từ 5 dưới 12 tuổi. Đối với trẻ thuộc lứa tuổi này không đi học thì phối hợp với chính quyền địa phương để lập danh sách.

Xây dựng kế hoạch, chuẩn bị đủ điều kiện tiêm chủng để có thể triển khai ngay khi được phân bổ vaccine.

Loại vaccine sử dụng là vaccine được Bộ Y tế phê duyệt sử dụng cho lứa tuổi này. Liều lượng và khoảng cách giữa các mũi tiêm theo hướng dẫn của nhà sản xuất và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.

Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức tiêm theo hình thức chiến dịch, miễn phí tại các cơ sở tiêm chủng cố định, tại điểm tiêm lưu động và trường học (đối với những nơi tổ chức học tập trung tại trường).

Bộ Y tế nêu rõ, việc tổ chức tiêm thực hiện theo quy định tại mục III Hướng dẫn tổ chức buổi tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 ban hành kèm theo các hướng dẫn trước đó.

Cha mẹ, người giám hộ thực hiện ký Phiếu đồng ý tiêm chủng theo mẫu.

Thực hiện khám sàng lọc trước tiêm theo hướng dẫn tại Quyết định 2470/QĐ-BYT ngày 14/6/2019, Quyết định số 5002/QĐ-BYT ngày 29/10/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Hướng dẫn cách theo dõi, chăm sóc sau khi tiêm chủng theo các hướng dẫn tại Quyết định số 3588/QĐ-BYT ngày 26/7/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Thực hiện tuyên truyền, vận động để người dân đưa trẻ từ 5- dưới 12 tuổi đủ điều kiện tiêm chủng tích cực tham gia tiêm chủng kịp thời và đầy đủ.

Tổ chức tập huấn, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho các tỉnh, thành để sẵn sàng tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5-dưới 12 tuổi
Đối với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur, Bộ Y tế nêu rõ: Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xây dựng tài liệu hướng dẫn việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, tổ chức tập huấn cho các cơ sở tiêm chủng trên toàn quốc.

Các viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur lập kế hoạch tập huấn, hướng dẫn việc tiêm vaccine cho các tỉnh, thành phố trong trường hợp cần thiết và tổ chức giám sát, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho các tỉnh, thành phố theo địa bàn phân công phụ trách trong quá trình tổ chức triển khai tiêm chủng.

Liên quan đến tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5-dưới 12 tuổi, ngày 27/3, Chương trình tiêm chủng mở rộng, Bộ Y tế đã thông báo chính thức cho biết vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em sẽ về Việt Nam vào tuần tới và sẽ triển khai tiêm chủng khoảng từ tuần thứ 2 của tháng 4/2022 ngay khi các thủ tục kiểm định và chứng nhận xuất xưởng của vaccine hoàn tất. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3)

Không nhất thiết phải test COVID-19 thường xuyên cho mọi trẻ sơ sinh

Theo Hướng dẫn mới của Bộ Y tế, không nhất thiết phải làm xét nghiệm COVID-19 thường xuyên cho tất cả trẻ sơ sinh, kể cả khi người chăm sóc trẻ mắc COVID-19.
Ngày 28/3, Bộ Y tế ban hành hướng dẫn Chăm sóc, quản lý tại nhà đối với phụ nữ có thai, bà mẹ cho con bú và trẻ sơ sinh mắc COVID-19.

Theo đó, tiêu chí đối với phụ nữ có thai, bà mẹ cho con bú và trẻ sơ sinh mắc COVID-19 được chăm sóc tại nhà được áp dụng các tiêu chí theo quy định tại Mục 2 của “Hướng dẫn quản lý tại nhà đối với người mắc COVID-19”, và một số yêu cầu đặc thù.

Người mắc COVID-19 là phụ nữ có thai để được điều trị tại nhà phải là người chưa có chỉ định chấm dứt thai kỳ, chưa có dấu hiệu chuyển dạ; Không có một trong các dấu hiệu cấp cứu hoặc bất thường sản khoa như:

– Đau bụng liên tục và/hoặc tăng dần;

– Ra máu âm đạo;

– Ra nước ối;

– Ngất hoặc co giật;

– Phù mặt, chân, tay;

– Đau đầu, nhìn mờ;

– Không có cử động thai (đối với thai > 20 tuần) hoặc cử động thai yếu hơn bình thường;

– Hoặc có bất kỳ dấu hiệu bất thường khác.

Đối với trẻ sơ sinh, để điều trị tại nhà, trẻ không có triệu chứng hoặc có triệu chứng lâm sàng ở mức độ nhẹ; Không có một trong các dấu hiệu nguy hiểm ở trẻ sơ sinh:

– Bú ít hoặc bỏ bú;

– Ngủ li bì khó đánh thức;

– Các dấu hiệu suy hô hấp: tần số thở > 60 lần/phút ở 2 lần đếm khác nhau, thở rên, thở khò khè, thở rít, phập phồng cánh mũi, rút lõm lồng ngực, có cơn ngưng thở trên 20 giây, SpO2<96%;

– Co giật hoặc co cứng; cử động bất thường;

– Thân nhiệt: Sốt >38°C, không giảm sau khi dùng thuốc hạ sốt, hoặc sốt không cải thiện sau 48 giờ; hạ thân nhiệt dưới 36°C sau khi đã ủ ấm;

– Mắt sưng đỏ hoặc có mủ; rốn sưng đỏ hoặc chảy mủ;

– Dấu hiệu mất nước: mắt trũng, môi khô, da nhăn nheo, tiểu ít;

– Vàng da xuất hiện trước 3 ngày tuổi, đặc biệt là vàng da xuất hiện trong 24 giờ sau sinh; Vàng da kéo dài trên 14 ngày; Vàng da lan nhanh đến bụng, đùi, chân trong những ngày đầu sau sinh; Vàng lòng bàn tay hoặc lòng bàn chân; Vàng da tăng nhanh; Vàng da kèm phân bạc màu;

– Tiêu hóa: Nôn liên tục, bụng chướng, tiêu chảy, phân có máu;

– Tình trạng bất thường khác của trẻ.

Theo dõi sức khoẻ phụ nữ mang thai mắc COVID-19 tại nhà ra sao?

Phụ nữ có thai khi điều trị tại nhà cũng cần theo dõi tình trạng sức khỏe như đo thân nhiệt ít nhất 2 lần/ngày vào buổi sáng, buổi chiều và khi có dấu hiệu bất thường. Đếm nhịp thở, đếm mạch, SpO2 và huyết áp (nếu có thể) hàng ngày;

Theo dõi các dấu hiệu của thai kỳ: cử động thai; các dấu hiệu bất thường về sản khoa cũng là điều cần thực hiện, thông báo ngay với nhân viên y tế hoặc đến khám tại cơ sở y tế khi có một trong các dấu hiệu bất thường.

Về quản lý thai, chăm sóc thai nghén, cần duy trì khám thai định kỳ theo Hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ Chăm sóc sức khỏe sinh sản. Ngoài ra, khám thai vào bất kỳ thời điểm nào nếu phát hiện dấu hiệu bất thường hoặc khi có chỉ định của nhân viên y tế;

Nếu thai phụ mắc COVID-19 đến ngày hẹn khám thai và không có các dấu hiệu bất thường về sản khoa, có thể khám thai từ xa hoặc tư vấn thai phụ đợi đến ngày hết cách ly;

Thai phụ cũng cần thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, vận động và tập thể dục, bổ sung vi chất dinh dưỡng, không sử dụng thuốc lá và tiếp xúc với khói thuốc thụ động, không sử dụng rượu, bia và các chất kích thích, chất gây nghiện khác; Duy trì bổ sung sắt/axit folic hoặc viên đa vi chất theo hướng dẫn của nhân viên y tế (tạm dừng khi có các triệu chứng nôn, tiêu chảy).

Đối với bà mẹ trong thời kỳ hậu sản và bà mẹ cho con bú, cần thông báo ngay với nhân viên y tế hoặc đến khám tại cơ sở y tế khi có một trong các dấu hiệu bất thường như: Ra máu tăng dần hoặc có máu cục; Sản dịch có mùi hôi; Đau bụng dữ dội hoặc đau âm ỉ, tăng dần;

Vết khâu tầng sinh môn (đối với sinh thường) hoặc sẹo mổ đẻ có khối bất thường, tăng kích thước hoặc chảy mủ; Sốt >38°C, không giảm sau khi dùng thuốc hạ sốt, hoặc sốt không cải thiện sau 48 giờ;

Phù mặt, chân, tay hoặc nhìn mờ, đau đầu nhiều;  Co giật; Vú: sưng, nóng, đỏ đau hoặc chảy mủ; Hoặc có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào khác. (Sức khỏe & Đời sống, trang 8)

Gần 10.000 người mắc sốt xuất huyết, 2 ca tử vong

Theo Tổng cục Thống kê, 3 tháng đầu năm 2022 cả nước có 9.919 người mắc bệnh sốt xuất huyết (2 người tử vong);406 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng…
Theo Báo cáo của Tổng cục Thống kê, tính chung 3 tháng đầu năm 2022, cả nước có 9.919 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (2 trường hợp tử vong); 406 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng; 28 trường hợp mắc bệnh viêm não virus; 1 trường hợp mắc bệnh viêm màng não do não mô cầu và 7 trường hợp sốt phát ban nghi sởi.

Cũng theo báo cáo, dịch COVID-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, tại Việt Nam, số ca mắc tiếp tục tăng nhanh tại hầu hết các tỉnh, thành phố chủ yếu do biến thể BA.2 của biến chủng Omicron, tuy nhiên với tỷ lệ bao phủ vaccine cao trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt quan tâm chăm sóc đối tượng nguy cơ cao nên số ca chuyển nặng giảm và tỷ lệ tử vong trên số ca mắc giảm sâu.

Việt Nam hiện là một trong 6 quốc gia có tỷ lệ bao phủ vaccine phòng COVID-19 cao nhất trên thế giới. Tính đến ngày 25/3/2022, tổng số liều vaccine phòng COVID-19 đã được tiêm là 204.566 nghìn liều, trong đó tiêm mũi 1 là 79.974,2 nghìn liều; tiêm mũi 2 là 76.301 nghìn liều; tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung, tiêm nhắc và mũi 3 liều cơ bản) là 48.290,8 nghìn liều.

Tổng số người nhiễm HIV của cả nước hiện còn sống tính đến thời điểm 18/3/2022 là 215.062 người và số người tử vong do HIV/AIDS của cả nước tính đến thời điểm trên là 111.300 người.

Về ngộ độc thực phẩm, trong tháng ba xảy ra 2 vụ với 81 người bị ngộ độc. Tính chung 3 tháng đầu năm 2022, cả nước xảy ra 4 vụ với 91 người bị ngộ độc.

Bên cạnh đó, Tổng cục Thống kê cho biết, tai nạn giao thông tháng 3/2022 giảm cả trên 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương) so với tháng trước. Tính chung 3 tháng đầu năm, số vụ tai nạn giao thông giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng số người chết tăng; Thiên tai, ô nhiễm môi trường và cháy, nổ ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của người dân ở một số địa phương. (Sức khỏe & Đời sống, trang 8)

COVID-19 có thể làm tăng 40% nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường

Theo kết quả một nghiên cứu lớn mới đây được đăng trên Tạp chí Lancet Diabetes & Endocrinology, mắc COVID-19 có thể làm tăng khoảng 40% nguy cơ bị bệnh đái tháo đường trong năm tiếp theo.
Tăng nguy cơ bị bệnh đái tháo đường do mắc COVID-19

Tiến sĩ Ziyad Al-Aly, trưởng đơn vị nghiên cứu và phát triển tại Hệ thống chăm sóc sức khỏe St. Louis thuộc Cục cựu chiến binh Mỹ ở Missouri (Mỹ) và là chuyên gia dịch tễ học lâm sàng tại Đại học y Washington (Mỹ), cho biết: “Mặc dù nguy cơ bị bệnh đái tháo đường sau mắc COVID-19 nhỏ nhưng không phải là không đáng kể”.

“Thực sự, rất rõ ràng rằng các nghiên cứu đã cho thấy, COVID-19 làm tăng nguy cơ bị bệnh đái tháo đường cho tới 1 năm sau đó”. – Al-Aly

Nghiên cứu dựa trên phân tích hồ sơ sức khỏe của hơn 8 triệu người và 180.000 người mắc COVID-19. Kết quả nghiên cứu mới này phù hợp với kết quả của một nghiên cứu khác dựa trên dữ liệu từ các cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu ở Đức, tuy nhiên nghiên cứu ở Đức nhỏ hơn và có thời gian ngắn hơn so với nghiên cứu mới này.

“Tại Mỹ, nếu với mức độ nguy cơ như vậy thì sẽ có thêm hàng triệu trường hợp mắc bệnh đái tháo đường mới” – Al-Aly cho biết thêm.

Ý kiến của chuyên gia

Tiến sĩ Lisa R Staimez và Venkat Narayan, hai chuyên gia tại Đại học Emory ở Atlanta và Trường đại học y tế công cộng Rollins (Mỹ), cho biết: “Biến chứng dai dẳng sau mắc COVID-19 có thể làm gia tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường”.

Họ cho biết thêm: “Bất kỳ sự gia tăng nào về tỷ lệ bệnh đái tháo đường liên quan đến COVID-19 đều có thể dẫn đến số trường hợp mắc bệnh đái tháo đường chưa từng có trên toàn thế giới, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ thống y tế công cộng và hệ thống lâm sàng vốn đang chịu áp lực cao và thiếu nguồn lực quy mô toàn cầu do gánh nặng về số ca tử vong và bệnh tật”.

Tiến sĩ Al-Aly cho rằng cơ chế của mối liên quan giữa mắc COVID-19 và bệnh đái tháo đường hiện vẫn chưa được sáng tỏ và có thể khác nhau ở mỗi người.

“Những người đã có sẵn các yếu tố nguy cơ bị bệnh đái tháo đường type 2, như béo phì hoặc hội chứng chuyển hóa, thì việc mắc COVID-19 có thể thúc đẩy nhanh quá trình tiến triển bị mắc bệnh đái tháo đường. Còn đối với những người không có các yếu tố nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường trước đó, thì việc mắc COVID-19 và tình trạng phản ứng viêm xuất hiện trong cơ thể khi mắc COVID-19 có thể dẫn đến hậu quả bị bệnh đái tháo đường” – Al-Aly cho biết.

Theo các chuyên gia, COVID-19 có thể làm tăng 59% nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường ngay cả đối với những người không thừa cân và 38% đối với những người có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường thấp nhất.

Nguy cơ bị bệnh đái tháo đường cao hơn đối với những người mắc COVID-19 ở mức độ nghiêm trọng phải nhập viện hoặc phải điều trị tại khoa hồi sức tích cực, nhưng ngay cả những trường hợp mắc nhẹ cũng có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường cao hơn những người không mắc COVID-19.

Nhóm nghiên cứu hiện đang phân tích sâu hơn về các vấn đề sức khỏe khác bao gồm bệnh tim và bệnh thận, cũng như các triệu chứng COVID-19 kéo dài đã được ghi nhận rõ ràng bao gồm mệt mỏi, đau và rối loạn chức năng thần kinh nhận thức.

Bên cạnh đó, họ cũng đang tiến hành đánh giá tác động của vaccine phòng COVID-19 để xem liệu nguy cơ bệnh đái tháo đường có giảm hay không trong trường hợp bị lây nhiễm đột phá (mắc COVID-19 sau khi đã được tiêm chủng đầy đủ). (Sức khỏe & Đời sống, trang 10)

Vaccine Covid-19 cho trẻ em sẽ về Việt Nam tuần tới, bắt đầu tiêm từ tuần thứ hai của tháng 4-2022

Bộ Y tế cho biết, vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em sẽ về Việt Nam vào tuần tới và sẽ triển khai tiêm chủng khoảng từ tuần thứ 2 của tháng 4/2022 ngay khi các thủ tục hoàn tất…

Bộ Y tế vừa có công văn số 1535/BYT-DP gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố; Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur về việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5-dưới 12 tuổi.

Theo công văn này, Bộ Y tế đốc thúc các địa phương tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 liều bổ sung, liều nhắc lại cho các đối tượng tiêm chủng đến lịch. Đồng thời, chuẩn bị triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Cụ thể, Bộ Y tế hướng dẫn: ngành y tế các địa phương phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo rà soát, lập danh sách tiêm cho trẻ đang đi học từ lớp 1 đến lớp 6 thuộc độ tuổi từ 5 dưới 12 tuổi. Đối với trẻ thuộc lứa tuổi này không đi học thì phối hợp với chính quyền địa phương để lập danh sách.

Cùng đó, xây dựng kế hoạch, chuẩn bị đủ điều kiện tiêm chủng để có thể triển khai ngay khi được phân bổ vaccine.

Loại vaccine sử dụng là vaccine được Bộ Y tế phê duyệt sử dụng cho lứa tuổi này. Liều lượng và khoảng cách giữa các mũi tiêm theo hướng dẫn của nhà sản xuất và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.

Bộ Y tế hướng dẫn, tổ chức tiêm theo hình thức chiến dịch, miễn phí tại các cơ sở tiêm chủng cố định, tại điểm tiêm lưu động và trường học (đối với những nơi tổ chức học tập trung tại trường).

Cũng theo Bộ Y tế, ngày 27-3, Chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia đã thông báo chính thức về việc vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em sẽ về Việt Nam vào tuần tới và sẽ triển khai tiêm chủng khoảng từ tuần thứ 2 của tháng 4/2022 ngay khi các thủ tục kiểm định và chứng nhận xuất xưởng của vaccine hoàn tất.

Trước đó, ngày 26-3, Bộ Y tế có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em do Australia viện trợ, trong đó Bộ Y tế đề xuất được nhận khoảng 13,7 triệu liều vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em do phía Australia viện trợ. Nếu được Chính phủ đồng ý, số vaccine này sẽ về nước trong tháng 4 và triển khai tiêm chủng ngay sau khi hoàn thiện các thủ tục. (An ninh thủ đô, trang 10)

Quản Trọng Đoàn

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 28/6/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 26/2/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 26/3/2019

CDC Hà Nam