Vi chất dinh dưỡng có vai trò quan trọng đối với sự phát triển bình thường của trẻ nhỏ. Thiếu vi chất dinh dưỡng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao, thể lực, trí tuệ và khả năng miễn dịch của trẻ… Do đó, những năm qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật luôn quan tâm đến vấn đề phòng chống suy dinh dưỡng, phòng ngừa thiếu vi chất dinh dưỡng, nhờ vậy đã cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho trẻ em, giúp ổn định chất lượng dân số và sự phát triển của xã hội của tỉnh được bền vững.
Là đơn vị thường trực, tham mưu cho Sở Y tế trong hoạt động cải thiện tình trạng dinh dưỡng cộng đồng, tổ chức triển khai hiệu quả kế hoạch hoạt động cải thiện tình trạng dinh dưỡng cộng đồng trên địa bàn, những năm qua Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã kiểm soát tốt tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm từ 12,9% năm 2016 xuống còn 9,9 % năm 2019.
Đặc biệt, hàng năm Trung tâm có triển khai 2 đợt bổ sung vitamin A vào tháng 6 và tháng 12 cho trẻ từ 6-36 tháng tuổi, bà mẹ sau sinh trong vòng 1 tháng và trẻ em dưới 5 tuổi có nguy cơ thiếu vitamin A. Trước mỗi đợt triển khai, Trung tâm đều có công văn chỉ đạo nhằm đảm bảo công tác bổ sung VitaminA an toàn, hiệu quả. Qua đó, đã tổ chức cấp vitamin A, cấp tờ rơi, tập huấn chuyên môn, tổ chức các đoàn giám sát, kiểm tra tại các huyện, thị xã, thành phố, bổ sung vitamin A cho đối tượng trẻ em từ 6-36 tháng tuổi, trẻ có nguy cơ cao, đối tượng vãng lai trong độ tuổi và bà mẹ sinh con trong vòng 1 tháng. Bên cạnh đó, yêu cầu Trung tâm y tế các huyện/thành phố/thị xã chỉ đạo các xã, phường, thị trấn điều tra, lập danh sách đối tượng và dự trù số lượng thuốc vitamin A bổ sung; tăng cường truyền thông, vận động người dân tham gia chiến dịch bổ sung vitamin A, phòng, chống SDD, thiếu vi chất dinh dưỡng ngay từ hộ gia đình… Đồng thời, phân công cán bộ làm công tác bảo vệ sức khỏe bà mẹ, trẻ em và chuyên trách dinh dưỡng tiến hành giám sát hoạt động phòng, chống SDD nhằm đảm bảo mọi hoạt động được triển khai xuống tận cơ sở, đến đúng đối tượng. Nhờ vậy, hàng năm trẻ từ 6-36 tháng tuổi trên địa bàn tỉnh được uống vitamin A đúng kỹ thuật, an toàn, đạt tỷ lệ trên 98%.
Để cha mẹ, người chăm sóc trẻ có nhận thức và thực hành đúng dinh dưỡng cũng như bổ sung vi chất dinh dưỡng cho trẻ, hàng năm Trung tâm đã triển khai nhiều biện pháp kết hợp với thực hiện các dự án “Phòng, chống SDD trẻ em” để cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em tại các địa phương. Đổi mới công tác truyền thông phù hợp với từng hoạt động, như: Tổ chức truyền thông “1.000 ngày vàng của bé”; tư vấn trực tiếp, thăm hộ gia đình, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua các tờ rơi, pano, khẩu hiệu, áp phích hay lồng ghép trong các buổi sinh hoạt câu lạc bộ, tổ, nhóm; tuyên truyền lồng ghép trong các chiến dịch uống vitamin A, truyền thông về thực hành dinh dưỡng cho các bà mẹ về cách chế biến thức ăn, sử dụng muối i-ốt, cách bổ sung các vi chất kẽm, sắt, vitamin A…
Không chỉ tích cực trong công tác tham mưu, truyền thông giáo dục về công tác phòng, chống SDD trẻ em, thời gian qua, Trung tâm còn chú trọng công tác tập huấn đào tạo, giám sát hỗ trợ tuyến dưới và triển khai các hoạt động theo dõi tăng trưởng trẻ em tại cơ sở. Tổ chức truyền thông cho các bà mẹ, hội viên hội phụ nữ, cộng tác viên với chuyên đề suy dinh dưỡng thể thấp còi trẻ em; hướng dẫn dinh dưỡng đúng đối với trẻ ốm; hướng dẫn phòng chống thừa cân béo phì ở trẻ; nuôi con bằng sữa mẹ; kiến thức cơ bản về làm mẹ; nhận thức về dinh dưỡng hợp lý, dinh dưỡng phòng chống suy dinh dưỡng… vào các dịp “Tháng hành động vì trẻ em”, “chiến dịch uống vitamin A bổ sung và tẩy giun”, “Ngày vi chất dinh dưỡng”, “Tuần lễ thế giới nuôi con bằng sữa mẹ”, “Tuần lễ dinh dưỡng và phát triển”…, góp phần nâng cao nhận thức trong chăm sóc trẻ cho các bậc phụ huynh và cộng đồng.
Trao đổi với BSCKI. Nguyễn Trung Kiên (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật), được biết: Suy dinh dưỡng là hậu quả để lại do thiếu hụt lượng dinh dưỡng cần được cung cấp vào hoặc do yếu tố bệnh tật tác động đến quá trình tiêu hóa của cơ thể. Đặc biệt với trẻ dưới 5 tuổi thường có nhu cầu dinh dưỡng cao để phát triển cơ thể. Biểu hiện của SDD là trẻ chậm lớn và thường hay mắc bệnh nhiễm khuẩn, như: tiêu chảy, viêm đường hô hấp, suy giảm trí lực… Để phòng, chống SDD ở trẻ em, cần cho trẻ ăn uống đầy đủ theo lứa tuổi, với nhiều bữa ăn và đa dạng các loại thực phẩm, rau xanh, củ quả. Sử dụng các thực phẩm có bổ sung vi chất sẵn có trên thị trường như: Muối i-ốt, nước mắm, có bổ sung sắt, kẽm, i-ốt… Trước đó, khi mang thai, người mẹ cần ăn uống đầy đủ để không thiếu chất, sinh con ra có đủ cân nặng, phát triển bình thường. Trẻ em phải được bú sớm, bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, bú kéo dài đến 24 tháng hoặc lâu hơn, trong quá trình đó cho trẻ ăn bổ sung hợp lý, bổ sung dầu hoặc mỡ vào bữa ăn của trẻ.
Với sự nỗ lực của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và toàn ngành Y tế, công tác phòng, chống SDD trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã đạt kết quả tích cực. Tuy nhiên, để công tác phòng, chống SDD đạt nhiều kết quả hơn nữa, trong thời gian tới, rất cần sự chung tay vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể và ngành chức năng, đặc biệt là sự quan tâm, chú trọng của mỗi gia đình, cộng đồng. Bởi thực hiện tốt công tác phòng, chống SDD trẻ em giữ vai trò quan trọng, không chỉ tạo tiền đề cho trẻ phát triển cả về sức khỏe và trí tuệ ngay từ khi trong bụng mẹ mà còn góp phần tích cực nâng cao chất lượng dân số, tạo dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho tương lai.
Phan Hạnh