Để có sức khỏe tốt hãy quyết tâm từ bỏ thuốc lá ngay hôm nay

(CDC Hà Nam)

Đa số những người nghiện thuốc lá đều có một vài lần nghĩ đến những tác hại của khói thuốc gây ra để áp dụng các biện pháp từ bỏ hút thuốc. Tuy nhiên, không phải ai cũng thành công do sự quyết tâm của bản thân không đủ lớn. Thậm chí tìm mọi lý do để biện minh cho sự thất bại của mình. Muốn cai nghiện thuốc lá, yếu tố đầu tiên cần phải có và mang tính quyết định đó là sự quyết tâm và niềm tin mới có thể thành công.

Có thể bạn đã từng nghe vô vàn người khuyên nhủ hãy bỏ thuốc lá vì những tác hại của nó đối với sức khỏe, đặc biệt là phổi. Người ta đã chứng minh rằng hút thuốc lá là nguyên nhân chính gây ra ung thư phổi. Khi bạn bị ung thư phổi, bỏ hút thuốc lá có thể giúp phổi của bạn lành lại và ngăn ngừa tình trạng bệnh ngày càng tồi tệ hơn. Điều này không dễ dàng và có thể bạn phải mất nhiều lần cố gắng mới thực sự bỏ được thuốc lá, tuy nhiên vì sức khỏe của bạn và những người thân bên cạnh, bạn nên tiếp tục cố gắng.

Sinh năm 1955, ông Nguyễn Mạnh Hùng ở phường Minh Khai, thành phố Phủ Lý hút thuốc lá từ khi còn trẻ. Thời gian đầu, ông chỉ thỉnh thoảng hút vài điếu mỗi tuần, sau đó số lượng cứ tăng dần theo thời gian. Có thời điểm, mỗi ngày ông hút gần chục điếu thuốc lá và duy trì liên tục như vậy trong suốt 30 năm. Cùng với số lượng điếu thuốc lá tăng lên mỗi ngày, sức khỏe của ông ngày càng giảm sút. Cách đây hai năm, ông Hùng phải đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh để điều trị bệnh suy tim, nên những việc nặng nhọc ở nhà ông đều phải nhờ các con hỗ trợ.

Cũng theo ông Hùng chia sẻ: Mỗi lần hút thuốc lá, tôi thấy đầu óc choáng váng, thở mệt, ho nhiều. Giờ tôi cảm thấy rất lo lắng cho sức khỏe của mình. Qua tìm hiểu  và nghe lời tư vấn của bác sĩ, tôi biết khói thuốc lá gây hại rất nhiều cho sức khỏe, đặc biệt là gây ra các bệnh về hô hấp, tim mạch, gan, phổi… Vì vậy tôi đã quyết tâm bỏ hút thuốc lá bằng được vì sức khoẻ không cho phép nữa rồi.

Trò chuyện với những người có tiền sử hút thuốc lá, thuốc lào lâu năm, chúng tôi được biết, có nhiều lý do dẫn đến tái nghiện, đôi khi chỉ là sự cả nể với bạn bè. Nhiều người thường nghĩ tái nghiện là thất bại trong việc cai thuốc lá. Nhưng theo nghiên cứu của Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá thì có khoảng 90% người cai thuốc lá lần đầu tiên bị tái nghiện. Tuy nhiên, việc tái nghiện đó là bước đầu tiên để đi đến cai thuốc lá thành công. Rất ít người từ bỏ ngay lập tức mà phải xây dựng kế hoạch cụ thể và thực hiện từng bước từ bỏ thuốc lá. Điều đó sẽ khiến cho cơ thể dần thích nghi và ít chịu sự tác động hơn so với phương pháp bỏ ngay lập tức và hiệu quả thành công sẽ cao hơn.

Sự ân hận, tiếc nuối cho sức khỏe và thời gian của mình cũng như là người thân trong gia đình luôn hiện hữu trên gương mặt đượm buồn của rất nhiều bệnh nhân. Bởi việc tránh xa thuốc lá hay từ bỏ thói quen này là vấn đề mỗi người hoàn toàn có thể chủ động làm được. Nhưng đa phần người bệnh điều trị ung thư phổi lại chỉ từ bỏ thói quen này khi đã có dấu hiệu mắc bệnh.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, 50% người hút thuốc lá sẽ chết sớm vì các bệnh liên quan đến thuốc lá, tuổi thọ trung bình giảm khoảng 15 năm so với người không hút thuốc lá. Cai thuốc lá sớm giúp làm chậm tiến triển của bệnh liên quan đến thuốc lá. Người cai thuốc lá sẽ cảm nhận được lợi ích của cai thuốc lá rất nhanh. Đã có nhiều người đã phải đánh đổi sức khoẻ, hạnh phúc vì nghiện thuốc lá. Việc quyết tâm cai nghiện thuốc lá sẽ giúp cuộc sống được cải thiện rất nhiều như: Hít thở dễ dàng hơn, giảm căng thẳng, ăn ngon miệng, tiết kiệm, bảo vệ môi trường và những người xung quanh, cải thiện đời sống tình dục… Vì thế, cai nghiện thuốc lá là việc cần thiết trong đời sống xã hội hiện nay.

Phan Hạnh

 

 

 

Bài viết liên quan

Đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống tác hại của thuốc lá tại các cấp công đoàn

Mậu Ngọ

Ảnh hưởng của thuốc lá đến chức năng phổi và những bệnh liên quan

CDC Hà Nam

Tạo môi trường học tập và làm việc trong lành, giúp ngăn ngừa tình trạng hút thuốc trong học sinh

Mậu Ngọ