Điểm báo 20/12/2018
Khống chế và đẩy lùi các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm; Tiến tới thanh toán bệnh phong; Bé trai 9 tuổi bị vỡ đại tràng do dùng máy bơm hơi vào hậu môn; Cứu sống mẹ con sản phụ mắc hội chứng hiếm; Liên tiếp phẫu thuật thành công các ca bệnh hiếm gặp, khó chữa…
Khống chế và đẩy lùi các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm
Các chuyên gia y tế nhận định, Việt Nam đang phải đối mặt với sự quay trở lại của một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Mặt khác, nước ta cũng trở thành “điểm nóng” có nguy cơ cao xuất hiện các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm mới nổi (BTNMN) lây truyền từ vật nuôi, động vật hoang dã, có khả năng gây hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe người dân và sự phát triển đất nước.
Những năm qua, được sự quan tâm của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể, nhất là sự nỗ lực của ngành, ngành y tế đã làm tốt công tác phát hiện ca bệnh, điều trị, quản lý, cách ly, vệ sinh phòng bệnh và tiêm chủng… Nhờ vậy, hầu hết các bệnh dịch truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây chết người như: sốt xuất huyết, tay, chân, miệng, sởi, thủy đậu, uốn ván, viêm gan vi-rút; viêm màng não do não mô cầu… đều giảm. Các BTNMN như MERS – CoV, cúm A(H5N1), cúm A(H7N9) cũng được ngăn chặn kịp thời. Thống kê của ngành y tế cho thấy, các bệnh dịch lưu hành trong nước đã được khống chế và kiểm soát tốt, số ca mắc bệnh truyền nhiễm có xu hướng giảm dần qua các năm. Trong năm 2018, số ca mắc bệnh tay, chân, miệng giảm 18,9%, sốt xuất huyết giảm 53,6% so với năm 2017. Các bệnh truyền nhiễm khác như sốt rét, lao, phong, bạch hầu, ho gà…, số ca mắc cũng giảm và có tỷ lệ mắc thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Ðáng chú ý, việc ngăn ngừa các bệnh trong chương trình tiêm chủng mở rộng tiếp tục duy trì thành quả, trong đó có nhiều bệnh số ca mắc đã giảm từ hàng trăm, tới hàng nghìn lần so với trước khi có chương trình tiêm chủng mở rộng như bại liệt, uốn ván sơ sinh…
Theo Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Ðắc Phu, những năm gần đây, thế giới đang phải đương đầu với nguy cơ xuất hiện và lan truyền của các BTNMN, hoặc tái bùng phát ở người, vật nuôi và động vật hoang dã. Những bệnh này xuất phát từ mối tương tác con người – động vật – hệ sinh thái và có khả năng gây hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe con người, sự phát triển kinh tế và nhiều vấn đề khác. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã có những minh chứng khoa học cho thấy khoảng 70% số ca bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi ở người có nguồn gốc từ động vật. Ðáng lo ngại, hiện Việt Nam được xác định là một trong những “điểm nóng” có nguy cơ rất cao xuất hiện các tác nhân gây BTNMN gồm các bệnh lây truyền từ vật nuôi, động vật hoang dã, hoặc hệ sinh thái. Các BTNMN đã ghi nhận ở Việt Nam như: Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS), cúm gia cầm A(H5N1), cúm A(H1N1)… Ngoài ra, bệnh dại hiện có số ca gây tử vong đứng hàng đầu trong các bệnh truyền nhiễm. Hơn 90% số ca bệnh dại trên người do lây nhiễm từ chó; số người chết do bệnh dại trung bình giai đoạn 2011 – 2016, vẫn xấp xỉ 100 người/năm…
Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân dẫn đến một số dịch, bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có chiều hướng gia tăng thời gian gần đây là do tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai, lụt bão. Tốc độ đô thị hóa nhanh, hình thành nhiều vùng dân cư tập trung, sự gia tăng dân số, giao lưu đi lại của người dân tăng cao có thể làm phát sinh dịch bệnh… Bên cạnh đó, ý thức của người dân chưa cao, còn chủ quan, lơ là và xem thường dịch bệnh; chưa chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dịch, vệ sinh môi trường theo nội dung khuyến cáo của ngành y tế. Chính quyền tại một số địa phương chưa thật sự quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch bệnh; chưa chú trọng đầu tư cho công tác phòng dịch; việc phối hợp liên ngành trong kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm, phòng chống các yếu tố nguy cơ sức khỏe chưa chặt chẽ. Mạng lưới y tế tại một số địa phương còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng nguồn nhân lực, cơ cấu chưa hợp lý. Kinh phí cho công tác phòng, chống dịch chưa được đầu tư đúng mức, khi xảy ra dịch bệnh mới có kinh phí, hoặc cấp muộn dẫn đến tình trạng thụ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh…
Để chủ động khống chế, đẩy lùi các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, BTNMN, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu Y tế – Dân số giai đoạn 2016 – 2020, với mục tiêu là chủ động phòng, chống một số dịch bệnh, phát hiện dịch sớm, kịp thời khống chế, không để dịch lớn xảy ra; giảm tỷ lệ mắc, tỷ lệ chết do các bệnh dịch nguy hiểm. Ðể hiện thực hóa các mục tiêu đề ra, ngành y tế cần tiếp tục củng cố hệ thống y tế dự phòng nói chung và mạng lưới cán bộ làm công tác phòng, chống dịch nói riêng. Cải thiện năng lực của hệ thống giám sát thông qua việc thường xuyên nâng cao kiến thức chuyên môn, kỹ thuật cho cán bộ y tế dự phòng; trang bị, nâng cấp cơ sở vật chất, áp dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật và duy trì mạng lưới y tế dự phòng sẵn có, nhằm sớm phát hiện các ca bệnh đầu tiên và nhanh chóng đáp ứng khống chế ổ dịch…
Bộ Y tế đề nghị cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương tiếp tục quan tâm và đầu tư hơn nữa cho công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn; chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ hơn nữa với ngành y tế đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Các địa phương duy trì tiêm các loại vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, đạt ít nhất 95% quy mô xã, phường, đặc biệt lưu ý khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số, vì tiêm chủng là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra, đôn đốc hoạt động phòng, chống dịch bệnh tại các địa bàn trọng điểm; tăng cường kiểm tra, xử lý cá nhân, tổ chức không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định… (Nhân dân, trang 5).
Tiến tới thanh toán bệnh phong
Ðến nay, 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đạt tiêu chuẩn loại trừ bệnh phong trên quy mô tỉnh theo tiêu chuẩn của Việt Nam. Nhằm hướng tới mục tiêu thanh toán bệnh phong, cần có sự quan tâm, đầu tư hơn nữa của các cấp chính quyền và sự tham gia một cách chủ động của người dân trong công tác phòng, chống bệnh phong hiện nay.
Bệnh phong là một bệnh nhiễm trùng do trực khuẩn Mycobacterium leprae gây nên. Bệnh tiến triển lâu dài, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây tàn tật nặng nề và sự kỳ thị của cộng đồng đối với người mắc bệnh. Theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), việc loại trừ bệnh phong được chia thành hai khái niệm: Loại trừ bệnh phong và thanh toán bệnh phong. Loại trừ bệnh phong, nghĩa là tỷ lệ phát hiện người mắc bệnh phong mới dưới 1/100 nghìn người; tỷ lệ lưu hành bệnh dưới 0,2/10 nghìn người. Thanh toán bệnh phong, nghĩa là vùng, quốc gia “không còn đất” cho trực khuẩn gây bệnh phong, không còn người bệnh mắc bệnh phong mới xuất hiện…
Tại Việt Nam, kể từ khi chương trình phòng, chống bệnh phong (PCBP) trở thành chương trình mục tiêu y tế quốc gia từ năm 1995, công tác PCBP đã thu được nhiều kết quả. Tính đến hết năm 2015, tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước đạt tiêu chuẩn loại trừ bệnh phong tuyến tỉnh theo tiêu chuẩn Việt Nam… Hiện số lượng người tàn tật do bệnh phong ở cộng đồng khoảng 20 nghìn người và số lượng người bị phong tại các khu điều trị vào khoảng 1.800 người. Bên cạnh đó, công tác phòng, chống tàn tật, phục hồi chức năng và tái hòa nhập cộng đồng cho người bệnh phong được các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, ngành y tế hết sức quan tâm. Tổ chức hướng nghiệp, dạy nghề cho người bệnh và con em họ để có thể tự lập, tự chủ cuộc sống; tổ chức khám, cấp phát thuốc miễn phí điều trị cho những người bệnh có bệnh da, hoặc có bất thường trên da để tìm bệnh phong một cách kịp thời và hiệu quả…
Tuy nhiên, thực tế cho thấy công tác PCBP ở nước ta còn gặp không ít khó khăn, hạn chế như ở một số địa phương, sau khi được công nhận loại trừ bệnh phong cấp tỉnh, sự quan tâm của chính quyền có phần giảm sút, thiếu sự đầu tư tài chính và nhân lực. Mô hình quản lý hoạt động PCBP tuyến tỉnh có sự thay đổi ở nhiều nơi; đội ngũ làm công tác chống phong bị suy giảm. Hiện nay, người mắc bệnh phong đã xuất hiện trở lại ở một số vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Số người tàn tật do bệnh phong vẫn còn nhiều và cần được chăm sóc sức khỏe cả đời. Hiện, các cơ sở điều trị phong trên cả nước đang đối mặt tình trạng thiếu nhân lực, nguồn kinh phí dành cho công tác điều trị và chăm sóc người bệnh…
Ðể thực hiện tốt và hoàn thành các mục tiêu về PCBP giai đoạn 2016 – 2020, ngành y tế cần tiếp tục duy trì mạng lưới PCBP, củng cố mạng lưới phong – da liễu phù hợp. Ðẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền pháp luật, chính sách về PCBP. Tổ chức các lớp tập huấn về dịch tễ bệnh phong; kiến thức về bệnh, các biện pháp và kỹ thuật phòng, chống tàn tật do bệnh phong gây ra; tăng cường công tác khám, phát hiện người bệnh phong mới theo phân vùng dịch tễ; khám lồng ghép với các chuyên khoa khác như: Lao, tâm thần, bướu cổ, sốt rét…
Duy trì và phát triển mạng lưới và đội ngũ làm công tác phong ở cả ba tuyến tỉnh, huyện, xã; hạn chế tới mức thấp nhất việc xáo trộn cán bộ chuyên trách. Tiếp tục duy trì các hoạt động PCBP ở tuyến tỉnh và tuyến y tế cơ sở, lồng ghép công tác PCBP vào mạng lưới chăm sóc sức khỏe ban đầu; công tác chăm sóc phòng, chống tàn tật và phẫu thuật phục hồi chức năng cho người tàn tật. Các cơ quan chức năng cần sớm nghiên cứu và ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư nguồn lực PCBP. Ðồng thời, tranh thủ sự tài trợ các tổ chức từ thiện và sự quan tâm của các địa phương để đào tạo nghề, phát triển kinh tế giúp người bệnh phong nâng cao chất lượng cuộc sống, hòa nhập cộng đồng. (Nhân dân, trang 5).
Bé trai 9 tuổi bị vỡ đại tràng do dùng máy bơm hơi vào hậu môn
Thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, đến ngày 19/12, sức khỏe của bé Nguyễn Văn T (13 tuổi, tạm trú tại xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) bị vỡ đại tràng do bị đưa máy thổi hơi vào hậu môn đã qua cơn nguy kịch. Bệnh nhi đang tiếp tục điều trị phục hồi chức năng tại bệnh viện.
Trước đó, vào trưa 18/12, bé Nguyễn Văn T nhập viện trong tình trạng khó thở, bụng căng cứng, hậu môn chảy máu, hai chân tím tái.
Người nhà bệnh nhi cho biết, nguyên nhân của ca tai nạn hy hữu này là do trong lúc đùa nghịch bạn của T. đã dùng máy thổi hơi làm sạch gỗ cho vào hậu môn của T. để thổi.
Qua thăm khám kết hợp với kết quả siêu âm, chụp CT, các bác sỹ phát hiện bệnh nhi bị tràn khí màng phổi phải, vỡ đại tràng và được chỉ định phẫu thuật cấp cứu khẩn cấp.
Tiến hành phẫu thuật, các bác sỹ đã đặt dẫn lưu khoang màng phổi phải, mở ổ bụng để khâu lỗ thủng đại tràng dài 6cm, rửa ổ bụng dẫn lưu để dẫn lưu ra ngoài.
Bác sỹ Phạm Anh Tuấn, Trưởng Khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, do áp lực của máy thổi hơi quá lớn đã gây vỡ đoạn đại tràng nối với hậu môn nên các bác sỹ phải đưa quai ruột non ra làm hậu môn nhân tạo cho bệnh nhi.
Dự kiến khoảng 2 tháng nữa khi bệnh nhi ổn định, các bác sỹ sẽ đóng hậu môn nhân tạo cho bé. Các bác sỹ Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai khuyến cáo người dân nên quản lý chặt chẽ con em mình. Đối những vật dụng nguy hiểm, công suất lớn nên cất cẩn thận, không để trẻ em lấy đùa nghịch gây nguy hiểm tới tính mạng. Khi xảy ra những trường hợp đáng tiếc nên đưa trẻ đi cấp cứu kịp thời để có hướng xử lý phù hợp. (Tuổi trẻ, trang 14).
Cứu sống mẹ con sản phụ mắc hội chứng hiếm
Các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai vừa cứu sống ngoạn mục sản phụ V.H.N (37 tuổi, Hà Nội) mắc hội chứng HELLP khi đang mang thai ở tuần 37.
Đây là hội chứng ít gặp với những triệu chứng không đặc hiệu và đôi bị che lấp trong bệnh cảnh tiền sản giật, sản giật nên việc chẩn đoán gặp nhiều khó khăn và có thể bị bỏ qua. Mặc dù đã được nghiên cứu kỹ trên mọi phương diện cùng với sự tiến bộ của y học nhưng cho đến nay, tỷ lệ tử vong của hội chứng này vẫn còn cao tới 25%.
Trước đó ngày 20/11 bệnh nhân đi khám thai định kỳ tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội và làm bộ xét nghiệm chuẩn bị sinh thì phát hiện có tình trạng rối loạn đông máu, suy gan và suy thận, đe dọa tính mạng của cả hai mẹ con. Ngay lập tức, bệnh nhân được chuyển đến Khoa Sản (Bệnh viện Bạch Mai), nơi có nhiều chuyên khoa phối hợp để có cơ hội cao nhất cứu sống hai mẹ con.
Khoảng 21h ngày 22/11, bệnh nhân đang truyền huyết tương tươi đông lạnh xuất hiện rét run, khó thở, co thắt thanh quản. Ngay lập tức bệnh nhân đã được xử trí theo phác đồ sốc phản vệ và hội chẩn toàn viện, thống nhất chuyển bệnh nhân sang Khoa Hồi sức tích cực để tiếp tục điều trị, theo dõi sát tình trạng sản phụ và thai nhi. Tại đây, bệnh nhân tiếp tục được xử trí: thở oxy, bù khối lượng tuần hoàn, duy trì vận mạch, lọc máu liên tục, kháng sinh liều cao và tiếp tục được hội chẩn toàn viện do GS.TS Ngô Quý Châu, Phó giám đốc bệnh viện chủ trì với sự tham gia của nhiều chuyên khoa sản, nhi, huyết học truyền máu, gây mê hồi sức, dị ứng… Kết luận Hội chẩn toàn viện thống nhất chẩn đoán: hội chứng HELLP trên thai 37 tuần/Sốc phản vệ nặng với chế phẩm máu – Suy đa tạng (rối loạn đông máu nặng, suy gan, suy thận, suy tuần hoàn). Bệnh nhân được chỉ định mổ cấp cứu lấy thai, tiếp tục truyền các chế phẩm máu trong và sau mổ.
Ngày 23/11 bệnh nhân được bác sĩ sản khoa mổ lấy thai với sự tham gia phối hợp của nhiều chuyên khoa liên quan: nhi, huyết học truyền máu, gây mê hồi sức… sẵn sàng ứng cứu và xử lý các tình huống có thể xảy ra đối với sản phụ và thai nhi. Sau 30 phút, kíp mổ đã lấy ra bé gái nặng 3 kg. Bác sĩ Nguyễn Hữu Hiếu, Khoa Nhi, BV Bạch Mai – người trực tiếp hồi sức cấp cứu cho cháu bé ngay sau khi ra khỏi bụng mẹ cho biết tình trạng của cháu rất nặng, gần như không thở, tim đập rời rạc, toàn thân tím tái, bác sĩ hồi sức tim phổi sơ sinh cấp cứu ngay tại phòng mổ, sau 3 phút toàn trạng của cháu đã tốt hơn. Sau 3 ngày chăm sóc tích cực, bệnh nhi đã ổn định và được ra khỏi lồng ấp, trẻ tự bú được 30-50ml sữa/bữa và đang tăng cân. Sau sinh, sản phụ tỉnh táo, tình trạng suy gan, suy thận dần ổn định, không khó thở, đi lại nhẹ nhàng. Ngày 10/12, chị V.H.N đã được ra viện. Ngày 19/12, sản phụ N. đến khám lại và đón con gái xuất viện về nhà. (Tiền phong, trang 6; An ninh Thủ đô, trang 7).
Liên tiếp phẫu thuật thành công các ca bệnh hiếm gặp, khó chữa
Thời gian vừa qua, các BV trên địa bàn thành phố HN đã liên tiếp phẫu thuật, chữa trị thành công một số ca bệnh hiếm gặp – khó chữa. Điển hình như trường hợp nam thanh niên có tim nằm bên… phải, phủ tạng ở vị trí đảo ngược hoàn toàn; hay như trường hợp 3 cụ già trên dưới 100 tuổi, đều bị gãy cổ xương đùi trái tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến chứng. Từ thành công chữa trị của các ca bệnh này cho thấy khả năng chuyên môn của các BV, bác sỹ HN đang ngày được nâng cao, tạo niềm tin trong dân …(An ninh Thủ đô, trang 1).