Điểm báo ngày 23/8/2021

(CDC Hà Nam)
Xét nghiệm toàn bộ người dân ở TPHCM; Tăng nguồn vắc-xin phòng Covid-19; Sở Y tế TPHCM hướng dẫn chăm sóc y tế cho người dân trong thời gian giãn cách xã hội; TPHCM xây dựng mỗi phường, xã, thị trấn là một pháo đài phòng chống dịch Covid-19; Khám bệnh online thời giãn cách

Xét nghiệm toàn bộ người dân ở TPHCM

Trong công điện ban hành ngày 22/8 về việc tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng yêu cầu Bình Dương, Ðồng Nai, Long An thần tốc xét nghiệm diện rộng, riêng TPHCM xét nghiệm cho toàn bộ người dân ở thành phố trong thời gian giãn cách xã hội để phát hiện sớm nhất các trường hợp F0, kịp thời ngăn chặn lây lan.

Yêu cầu không ra khỏi nhà

Công điện của Thủ tướng gửi lãnh đạo TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An và các bộ trưởng, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Tổ Công tác đặc biệt của Chính phủ, trong đó nêu rõ, tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp. Với quan điểm đặt tính mạng, sức khỏe của người dân lên trên hết, trước hết, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các địa phương và đơn vị liên quan tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện triệt để, nghiêm ngặt, quyết liệt, hiệu quả tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Các địa phương cần lấy xã, phường, thị trấn là “pháo đài”, người dân là “chiến sỹ” trong phòng, chống dịch để kêu gọi, vận động, giải thích, thuyết phục, hướng dẫn, yêu cầu người dân không ra khỏi nhà, “ai ở đâu thì ở đó”, cách ly người với người, nhà với nhà, xã phường với xã phường.

Nhấn mạnh, người dân là trung tâm phục vụ, là chủ thể trong phòng, chống dịch, Thủ tướng cho rằng, sự tham gia, chấp hành, tuân thủ quy định của người dân đóng vai trò quyết định thành công trong phòng, chống dịch. “Đây là trách nhiệm, là nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi người dân để bảo vệ sức khỏe cho chính mình, gia đình mình và cộng đồng”, công điện nêu. Về việc tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch, Thủ tướng yêu cầu các địa phương khẩn trương thống nhất với Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ để thực hiện. Trong đó, TPHCM thực hiện đối với toàn bộ xã, phường, thị trấn. Các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, Long An căn cứ tình hình dịch bệnh để lựa chọn, quyết định xã, phường, thị trấn để thực hiện. Quyết định những người thực thi công vụ, cung cấp, cung ứng lương thực, thực phẩm, dịch vụ thiết yếu, bảo đảm giảm tối đa số người được phép ra khỏi nhà. Đặc biệt, Thủ tướng chỉ đạo thần tốc xét nghiệm diện rộng, riêng TPHCM xét nghiệm toàn thành phố trong thời gian giãn cách xã hội để phát hiện sớm nhất các trường hợp F0, kịp thời ngăn chặn lây lan. Ưu tiên cao nhất phân bổ vắc-xin cho TPHCM và tổ chức thực hiện chiến dịch tiêm vắc-xin miễn phí, kịp thời, an toàn, hiệu quả theo hướng dẫn của Bộ Y tế và bảo đảm các quy định về phòng, chống dịch.

Cung cấp kịp thời lương thực, thực phẩm

Thủ tướng yêu cầu hỗ trợ cao nhất về nhân lực, vật lực y tế, lực lượng quân đội, công an và các lực lượng cần thiết khác của Trung ương, 4 địa phương nêu trên. Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các lực lượng của địa phương và các lực lượng hỗ trợ của Trung ương, các địa phương khác. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch, bảo đảm đạt mục tiêu ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh.

Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu đưa dịch vụ y tế đến gần dân nhất ngay tại xã, phường, thị trấn, bảo đảm người dân được tiếp cận nhanh nhất, ở mọi lúc, mọi nơi; phân loại F0 ngay tại xã, phường; đồng thời bố trí sẵn sàng nhân lực, phương tiện để kịp thời tiếp nhận, sơ cứu, cấp cứu, chuyển bệnh nhân diễn biến nặng lên điều trị tại các tuyến trên. Cung cấp kịp thời lương thực, thực phẩm và các dịch vụ thiết yếu đến người dân, gia đình trong khu vực tăng cường giãn cách xã hội, nhất là nhóm người yếu thế, dễ bị tổn thương. Các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch cụ thể, khả thi để phối hợp hỗ trợ TPHCM và các tỉnh. Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ, của các Bộ bám sát địa bàn, nắm chắc tình hình, phân công nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể và phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các địa phương để tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch (Tiền phong, trang 3; Sài Gòn giải phóng, trang 1; Tuổi trẻ, trang 3; Hà Nội mới, trang 1).

Tăng nguồn vắc-xin phòng Covid-19

Chiều 22/8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 thị sát, kiểm tra công tác chuẩn bị tại TP Hồ Chí Minh trước thời điểm siết chặt hơn thực hiện Chỉ thị 16 (từ 0 giờ ngày 23/8) theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Đoàn đã đến kiểm tra Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19 quận Bình Thạnh; thăm Tổ công tác đặc biệt tại phường 13, quận Bình Thạnh; một số hộ dân trên địa bàn thành phố;… Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: Nếu kiểm soát chặt chẽ việc ra ngoài của người dân ngay từ từng khu phố, tổ dân cư thì sẽ giảm tải phần nào cho các chốt kiểm soát giao thông cấp xã, phường, quận, huyện… Vì vậy, phải kiểm soát chặt chẽ những đối tượng được phép ra đường ngay từng gia đình, cụm dân cư;…

Làm việc với lãnh đạo TP Hồ Chí Minh và Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ, Phó Thủ tướng và lãnh đạo các đơn vị, địa phương quán triệt tinh thần triển khai tăng cường giãn cách xã hội và thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 để thành phố đạt mục tiêu kiểm soát dịch trước 15/9.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, ngày 22/8 cả nước ghi nhận 11.214 ca mắc Covid-19, gồm sáu ca nhập cảnh và 11.208 ca ghi nhận trong nước tại 36 tỉnh, thành phố, trong đó có 6.387 ca trong cộng đồng. TP Hồ Chí Minh là địa phương có số mắc Covid-19 cao nhất cả nước, với 4.193 ca. Trong ngày, 7.580 người bệnh mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh. Tiểu ban Điều trị (Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19) thông báo trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 ghi nhận 737 người chết tại 15 tỉnh, thành phố từ ngày 21 đến 22/8. Như vậy đến nay, Việt Nam có 348.059 ca mắc, trong đó có 147.667 ca được công bố khỏi bệnh và 8.277 người chết do Covid-19.

Bộ Y tế vừa phê duyệt có điều kiện vắc-xin Covid-19 có tên Pfizer BioNTech Covid-19 của Mỹ cho nhu cầu cấp bách được sử dụng tại Việt Nam trong phòng, chống dịch Covid-19. Quy cách đóng gói của vắc-xin này gồm mỗi khay chứa 25 lọ và mỗi lọ 6 liều.

Ngày 22/8, lô vắc-xin Covid-19 của AstraZeneca gồm 1.209.400 liều chính thức được Công ty cổ phần Vắc-xin Việt Nam (VNVC) bàn giao cho Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh. Đây là lô vắc-xin thứ 9 thuộc hợp đồng đặt mua trước của VNVC với AstraZeneca, vừa được đưa về Việt Nam sáng 19/8.

Bộ Y tế vừa có văn bản gửi sở y tế các tỉnh, thành phố; các bệnh viện trực thuộc các bộ: Y tế, Công an, Quốc phòng; y tế các bộ, ngành về việc ưu tiên tiêm vắc-xin cho phụ nữ mang thai, bà mẹ đang cho con bú trong bối cảnh dịch Covid-19.

Theo Bộ Y tế, hiện tại tổng công suất, cung ứng oxy trên cả nước đạt khoảng 1.200 tấn oxy lỏng/ngày. Để bảo đảm khả năng cung ứng oxy phục vụ điều trị bệnh nhân Covid-19, Bộ Y tế tiếp tục đề nghị các nhà sản xuất và cung ứng oxy y tế, tăng cường năng lực, rà soát chuẩn bị, sẵn sàng các điều kiện cung ứng đáp ứng yêu cầu, mức độ phòng, chống dịch Covid-19 đang có chiều hướng diễn biến phức tạp. Đối với các đơn vị sản xuất, cung ứng đã và đang cung ứng oxy y tế cho các tỉnh, bệnh viện/cơ sở y tế khu vực phía nam, TP Hồ Chí Minh, tuyệt đối không được để đứt gãy nguồn cung, tập trung ưu tiên cho công tác phòng, chống Covid-19. Phối hợp kiểm tra, bảo trì sửa chữa Hệ thống khí y tế tại bệnh viện và lên phương án cung ứng, dự trữ, sử dụng oxy y tế không để thiếu…

Ngày 22/8, tại trụ sở Bộ Công an (số 47 Phạm Văn Đồng, quận Cầu Giấy, Hà Nội), Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội tổ chức Lễ xuất quân tăng cường cán bộ, chiến sĩ thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh (36 đồng chí) và tham gia giúp việc Bộ Chỉ huy tiền phương của Bộ Công an (12 đồng chí) tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía nam.

Cùng ngày, UBND tỉnh Quảng Bình phối hợp UBND thành phố Hồ Chí Minh và các đơn vị liên quan tổ chức đưa 374 công dân đặc biệt khó khăn, chủ yếu là phụ nữ mang thai từ tuần thứ 20 trở lên và trẻ em dưới 6 tháng tuổi có người thân đi kèm, từ vùng dịch phía nam về quê bằng đường hàng không. Theo đó, hai chuyến bay có 293 người lớn (trong đó 183 phụ nữ mang thai), 36 trẻ em dưới 6 tháng tuổi, 46 trẻ em hơn 2 tuổi. Số còn lại là người lớn đi cùng bà mẹ sắp sinh. Ngay sau khi các chuyến bay hạ cánh, 16 xe khách tiếp cận tại chân cầu thang tàu bay để đón các công dân. Đồng hành cùng các công dân về khu cách ly là lực lượng y tế chăm sóc sức khỏe, công an dẫn đường. Tại đây, tỉnh bố trí một phòng khám đa khoa để chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em cũng như các dịch vụ y tế sẵn sàng cho các tình huống đột xuất xảy ra.

Ngày 22/8, qua xét nghiệm RT-PCR, Bệnh viện Nhi tỉnh Thái Bình phát hiện bệnh nhân thứ 15 nhiễm Covid-19 là trẻ em, 18 tháng tuổi, quê xã Nam Thắng, huyện Tiền Hải (tỉnh Thái Bình). Như vậy, từ ngày 4/8 đến nay có 15 trẻ em ở tỉnh Thái Bình mắc Covid-19, trong đó trẻ ít tuổi nhất là 57 ngày tuổi ở xã Đông Hoàng (huyện Tiền Hải). Đến nay mới có 4 trường hợp trẻ em ở Thái Bình khỏi bệnh, còn lại đang tiếp tục được theo dõi, điều trị tích cực.

Chiều 22/8, chuyến bay VN213 của Hãng hàng không Vietnam Airlines chở gần 100 y, bác sĩ và cán bộ hậu cần vào TP Hồ Chí Minh để chống dịch Covid-19. Hãng bố trí máy bay Boeing 787-9, loại tàu bay lớn để chở số lượng lớn nhân sự y tế đến miền nam. Hãng hàng không Vietjet cho biết, chuyến bay số hiệu 9515 của hãng đã chở miễn phí hơn 10 tấn thiết bị y tế phòng dịch viện trợ từ Đức về TP Hồ Chí Minh. Đây là số hàng viện trợ y tế của một số địa phương, đơn vị tại Đức và cộng đồng người Việt tại Đức và các nước châu Âu ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19. Số hàng gồm khoảng 150 nghìn bộ kit thử Covid-19, hơn 180 nghìn khẩu trang các loại, 4.400 bộ quần áo bảo hộ, 3.600 cuộn màng nylon y tế bảo vệ và 50 bộ vật tư phòng thí nghiệm, với giá trị khoảng 616.100 Euro (tương đương khoảng 16,7 tỷ đồng).

Bộ Y tế cho biết, sau khi có văn bản huy động nhân lực y tế tiếp tục đến hỗ trợ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh: Bình Dương, Long An, Đồng Nai phòng, chống dịch Covid-19, đã có khoảng 2.250 đến 2.300 cán bộ, chuyên gia, y, bác sĩ và học sinh, sinh viên thuộc các đơn vị của Bộ Y tế tình nguyện vào phục vụ công tác lấy mẫu, xét nghiệm và điều trị. Thời gian tới sẽ có thêm 750 nhân lực y tế của các tỉnh, thành phố; 450 đến 500 chuyên gia, bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên của tám bệnh viện thuộc Bộ vào các tỉnh, thành phố nêu trên phòng, chống dịch. Để hỗ trợ TP Hồ Chí Minh thần tốc xét nghiệm, Bộ Y tế đã huy động 10 xe xét nghiệm đầy đủ với máy PCR, máy tách chiết và nhân sự vận hành với công suất 3.000 mẫu đơn/ngày và 3,5 triệu test (Nhân dân, trang 8; Hà Nội mới, trang 7).

Sở Y tế TPHCM hướng dẫn chăm sóc y tế cho người dân trong thời gian giãn cách xã hội

Ngày 22-8, Sở Y tế TPHCM có văn bản khẩn gửi đến UBND TP Thủ Đức và các quận huyện; UBND phường, xã, thị trấn về việc hướng dẫn chăm sóc y tế người dân trong thời gian giãn cách xã hội. Về xét nghiệm, phát hiện và chăm sóc sức khỏe các trường hợp F0 mới phát hiện, TP lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng nhưng phải đảm bảo yêu cầu giãn cách trong quá trình thực hiện. Các đội xét nghiệm của quận, huyện và TP Thủ Đức sẽ thực hiện lấy mẫu tại các địa bàn phường, xã, thị trấn. Đợt xét nghiệm tầm soát này sẽ tăng cường làm xét nghiệm test nhanh, điểm mới là hướng dẫn cho người dân tự làm xét nghiệm nhanh (đối với các hộ gia đình có thể thực hiện được).

Những trường hợp có kết quả test nhanh dương tính được xem là F0 nếu đủ điều kiện thì cách ly tại nhà, nếu cần nhập viện thì phải làm xét nghiệm RT-PCR để khẳng định.

Ngay khi có kết quả xét nghiệm, trung tâm y tế quận, huyện phải thông báo kết quả ngay cho ban chỉ đạo phòng chống dịch phường, xã, thị trấn danh sách các F0 để phân công các trạm y tế lập danh sách F0 cần được quản lý và chăm sóc sức khỏe. Khi có danh sách F0, trạm y tế cùng tổ Covid cộng đồng bổ sung địa chỉ nhà và số điện thoại của từng trường hợp F0.

Sau đó, nhân viên y tế đến nhà F0 để thăm khám và cung cấp thuốc điều trị, cho F0 uống ngay liều thuốc kháng virus SARS-CoV-2 và uống liều thuốc kháng đông, kháng viêm nếu có chỉ định (F0 có cảm giác khó thở hoặc SpO2 dưới 95%); đồng thời sàng lọc đủ điều kiện cách ly tại nhà hay không, nếu không đủ thì cách ly tập trung tại các cơ sở cách ly của phường, xã hoặc quận, huyện.

Triển khai các trạm y tế lưu động để tăng cường công tác khám, chữa bệnh cho người dân và chăm sóc, điều trị các trường hợp F0 tại nhà.

Số lượng trạm y tế lưu động, tùy theo số F0 quản lý tại mỗi quận, huyện và TP Thủ Đức, dự kiến mỗi trạm y tế lưu động quản lý và chăm sóc từ 50 đến 100 ca F0. Theo kế hoạch, có khoảng 400 trạm y tế lưu động sẽ được thành lập và đi vào hoạt động trước ngày 24-8 (giai đoạn 1) và trước ngày 27-8 (giai đoạn 2).

Về địa điểm của trạm y tế lưu động, có thể tận dụng các cơ sở sẵn có trên địa bàn như nhà văn hóa, khu sinh hoạt cộng đồng, các phòng khám tư nhân. Mỗi trạm ít nhất 1 bác sĩ, 2-3 điều dưỡng; 3-4 nhân sự khác. Ngoài ra Sở Y tế sẽ điều phối tăng cường nhân lực khi tiếp nhận lực lượng nhân viên y tế do Bộ Y tế điều động đến. Về dụng cụ  trang thiết bị tối thiểu của mỗi trạm có 2 bình oxy lớn và 2 bình oxy nhỏ, kit xét nghiệm, dụng cụ trợ thở,…

Công tác cấp cứu người dân trong thời gian giãn cách. Tổ phản ứng nhanh có nhiệm vụ cho người bệnh thở oxy tại nhà, sử dụng thuốc kháng đông, kháng viêm dạng uống trong khi chờ chuyển đến cơ sở điều trị.

Đối với người bệnh có triệu chứng nhẹ, không cần can thiệp cấp cứu thì đưa người bệnh về cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung F0 trên địa bàn phường, xã, thị trấn hoặc quận, huyện. Đối với người bệnh cần can thiệp cấp cứu thì thực hiện sơ cấp cứu ban đầu tại trạm y tế lưu động, sau đó chuyển về bệnh viện quận, huyện hoặc bệnh viện gần nhất trên địa bàn để tiếp tục xử trí.

Trường hợp người dân gặp các tình huống khẩn cấp tại nhà cần được cấp cứu thì liên hệ tổng đài 115 để được hỗ trợ.

Chuyển F0 đang cách ly tập trung tại các cơ sở trên địa bàn phường, xã, thị trấn, quận, huyện khi có tình trạng quá tải. Khi các khu cách ly ở địa bàn bị quá tải, đề nghị liên hệ các bệnh viện dã chiến của TP để chuyển F0 trên địa bàn phường, xã, thị trấn, quận, huyện theo sự phân công của Sở Y tế.

Tình huống có trường hợp F0 hoặc nghi ngờ F0 tử vong tại nhà. Theo quy định của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TPHCM, UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức sẽ cung cấp số điện thoại đường dây nóng để hỗ trợ người dân khi có trường hợp F0 hay nghi ngờ F0 tử vong tại nhà. Trong trường hợp này, người dân liên hệ UBND phường, xã để được hỗ trợ gọi đường dây nóng cho lực lượng chức năng được phân công nhiệm vụ đến nhà xử lý (Sài Gòn giải phóng, trang 7).

TPHCM xây dựng mỗi phường, xã, thị trấn là một pháo đài phòng chống dịch Covid-19

Tối 22-8, UBND TPHCM có Chỉ thị số 11 về tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TPHCM.

Chỉ thị của UBND TPHCM nhằm thực hiện Công điện số 1099/CĐ-TTg ngày 22-8 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Để đảm bảo mục tiêu kiểm soát dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TPHCM trước ngày 15-9, UBND TPHCM yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, các quận, huyện và các doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM tổ chức thực hiện triệt để, nghiêm ngặt, quyết liệt, hiệu quả tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Cụ thể, thực hiện “xây dựng mỗi phường, xã, thị trấn; mỗi cơ quan, nhà máy, xí nghiệp là một pháo đài phòng, chống dịch”, người dân là “chiến sĩ” trong phòng, chống dịch để kêu gọi, vận động, giải thích, thuyết phục, hướng dẫn, yêu cầu người dân không ra khỏi nhà, “ai ở đâu thì ở đó”. Trong đó, lấy người dân là trung tâm phục vụ, là chủ thể trong phòng, chống dịch. Đây là trách nhiệm, là nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi người dân để bảo vệ sức khỏe cho chính mình, gia đình mình và cộng đồng.

UBND TP Thủ Đức và các quận huyện ra Quyết định về việc thực hiện giãn cách xã hội triệt để, nghiêm ngặt, tăng cường, nâng cao các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn 312 phường, xã, thị trấn. Đồng thời, thành lập Tổ công tác đặc biệt tại các phường, xã, thị trấn, để thực hiện công tác kiểm tra, nhắc nhở, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt giãn cách xã hội; đi chợ thay cho người dân, thực hiện an sinh xã hội…

TPHCM tăng cường kiểm soát các nhóm đối tượng được phép lưu thông trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

Một nhiệm vụ trọng tâm đặt ra là tăng cường các biện pháp để kiểm soát, khống chế dịch bệnh, hạn chế tối đa tử vong. Trong đó, TPHCM thần tốc xét nghiệm diện rộng toàn TPHCM trong thời gian giãn cách xã hội để phát hiện sớm nhất các trường hợp F0, kịp thời ngăn chặn lây lan dịch bệnh.

TPHCM giao Sở Y tế phối hợp UBND TP Thủ Đức và các quận huyện đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine, tổ chức các hình thức tiêm vaccine phù hợp với các khu phong tỏa, chung cư với thời gian linh hoạt. TPHCM thành lập thêm 400 Trạm y tế lưu động; được trang bị các túi thuốc, 3-5 bình oxy, máy đo SpO2, dụng cụ xét nghiệm nhanh.

Để thực hiện tốt công tác chăm lo an sinh xã hội, UBND TPHCM giao Sở LĐTB-XH TPHCM phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM hỗ trợ bổ sung đầy đủ cho các đối tượng còn thiếu trong gói hỗ trợ an sinh số 2, thực hiện các biện pháp hỗ trợ chủ nhà trọ (miễn, giảm tiền điện nước). Cùng với đó, chuẩn bị 2 triệu túi an sinh, đảm bảo nguyên tắc không bỏ sót những trường hợp khó khăn; chuẩn bị các suất ăn dinh dưỡng cung cấp cho các trường hợp F0 có hoàn cảnh khó khăn.

TPHCM đảm bảo cung ứng hàng hóa, lương thực thực phẩm thiết yếu cho người dân trong giai đoạn Thành phố thực hiện giãn cách với tinh thần không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc.

Đối với doanh nghiệp, TPHCM tăng cường kiểm tra, giám sát, các doanh nghiệp chỉ được tiếp tục hoạt động nếu đảm bảo các yêu cầu về phòng, chống dịch Covid-19 (Sài Gòn giải phóng, trang 2; Tuổi trẻ, trang 6).

Khám bệnh online thời giãn cách

Cả nước đang phải gồng mình chống dịch COVID-19, tinh thần “lá lành đùm lá rách” của người Việt được thể hiện qua nhiều hình thức. Đối với lực lượng y, bác sĩ, họ cũng có cách của riêng mình để góp phần vào việc bảo vệ sức khỏe của người dân.

Không để bệnh nhân chờ lâu

Gần đây, bác sĩ nhi khoa Nguyễn Xuân Thanh (hiện công tác tại một bệnh viện tư tại Hà Nội) hiếm đêm nào đi ngủ trước 0 giờ vì điện thoại liên tục có người gọi xin tư vấn. Từ khi có dịch COVID-19 tại Hà Nội, BS Thanh đã công bố số điện thoại cá nhân lên mạng xã hội để các bố mẹ có nhu cầu tư vấn về sức khỏe của các bé dễ dàng liên hệ.

BS Thanh chia sẻ, trẻ em luôn cần được theo dõi sức khỏe nhưng trong đại dịch, việc này trở nên khó khăn hơn. “Các bố mẹ đôi khi không biết lúc nào nên đưa con đi khám. Vì vậy, tôi nẩy ra ý định đăng thông bài lên trang cá nhân và nhóm cộng đồng trên facebook với tinh thần giúp họ qua tư vấn từ xa miễn phí”, BS Thanh nói.

Tương tự, mỗi ngày số điện thoại của BS Nguyễn Toàn Thắng (Bệnh viện Tai mũi họng Trung ương) thường được 30 – 40 bệnh nhân nhắn tin, gọi điện đến nhờ tư vấn. BS Thắng cho biết, khi Hà Nội bắt đầu giãn cách, anh đã đăng bài viết về việc muốn giúp đỡ bệnh nhân miễn phí vào nhóm “Hà Nội – Giúp nhau mùa dịch” trên facebook. “Việc tư vấn online mang lại rất nhiều ý nghĩa cho người bệnh, nhất là những ai đang ở vùng phải phong tỏa, cách ly, không có điều kiện đến viện khám. Dịch càng phức tạp, lượng người nhắn tin, gọi điện đến tư vấn ngày càng nhiều”, BS Thắng cho biết.

Cũng tham gia tư vấn online miễn phí cho bệnh nhân, mỗi ngày bác sĩ Nguyễn Ngọc Oanh (khoa Da liễu, Bệnh viện Bạch Mai) nhận đến hàng trăm tin nhắn. Để tránh việc bệnh nhân chờ lâu, BS Oanh thường chọn việc trả lời bằng cách ghi âm lời nói của mình rồi gửi qua ứng dụng Zalo để bệnh nhân trực tiếp được nghe giọng nói của bác sĩ, có cảm giác yên tâm hơn.

BS Oanh cho biết thêm, các bệnh nhân, người nhà thường chụp ảnh, quay video, nhắn tin rất rõ ràng về tình hình bệnh tật nên chị có thể kê đơn thuốc để người bệnh ra ngay những hiệu thuốc gần nhà mua về điều trị.

Bệnh lý phức tạp vẫn phải đến bệnh viện

Trong thời điểm dịch bệnh phức tạp, BS Nguyễn Xuân Thanh đánh giá xu hướng khám bệnh online là rất phù hợp. Theo anh, việc tư vấn qua mạng trực tuyến giữa người bệnh và bác sĩ sẽ tạo cảm giác gần gũi, dễ hòa đồng. Bên cạnh đó, bản thân có thể tự chịu trách nhiệm trước những lời tư vấn của mình.

Với kinh nghiệm nhiều năm làm nghề, BS Thanh có thể dự đoán được bệnh lý qua lời kể, video mà bố mẹ các bé cung cấp. Qua đó, đưa ra hướng dẫn điều trị phù hợp nhất cho các bé. “Tuy nhiên, việc kê đơn thuốc là một vấn đề. Tôi sẽ chỉ kê những thuốc tối thiểu cho các bé để tránh những tác dụng phụ. Đối với những bệnh lý quá phức tạp, bố mẹ bắt buộc phải đưa con đến viện để bác sĩ trực tiếp thăm khám”, BS Thanh cho hay.

Theo BS Nguyễn Toàn Thắng, khám, tư vấn online có ưu điểm là tiện lợi, chủ động về thời gian, phát huy được trong thời điểm dịch bệnh đang hoành hành, mọi người phải “chôn chân” trong nhà. Tuy nhiên, nhiều trường hợp bệnh tình dai dẳng, trở nặng thì bệnh nhân vẫn nên đến trực tiếp các cơ sở y tế để được thăm khám trực tiếp. Đồng quan điểm, BS Nguyễn Ngọc Oanh cho biết, đối với chuyên khoa da liễu, việc chẩn đoán từ xa qua hình ảnh trực diện là hoàn toàn có thể áp dụng được trong thời đại công nghệ. Nhưng không có nghĩa rằng việc này sẽ thay thế hoàn toàn được phương pháp truyền thống. Theo BS Oanh, các bệnh liên quan đến chuyên khoa da liễu, bệnh nhân đến khám trực tiếp sẽ giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác hơn; có những yếu tố bắt buộc phải làm xét nghiệm mới chẩn đoán được. Hơn nữa, có những loại thuốc chuyên khoa mà bệnh nhân chỉ có thể đến viện mới mua được, ở những hiệu thuốc bên ngoài không hề có (Tiền phong, trang 7).

Long An tăng cường giãn cách xã hội tối đa từ 23-8

Ngày 22-8, UBND tỉnh Long An tiếp tục có văn bản về việc tăng cường các biện pháp giãn cách, thiết lập trạm, chốt kiểm soát phòng chống dịch bệnh COVID-19 trên toàn địa bàn.

Bên cạnh việc tiếp tục giãn cách xã hội theo chỉ thị 16, từ 0h ngày 23-8, tỉnh này yêu cầu các địa phương thiết lập các chốt kiểm soát dịch chặt chẽ từ đơn vị cấp xã, đảm bảo thực hiện nghiêm, thực chất, hiệu quả, chắc chắn, kiên quyết không để người dân rời khỏi nơi cư trú theo đúng phương châm “ai ở đâu ở đó”.

Theo văn bản này, các chốt kiểm soát chỉ cho phép lưu thông với các trường hợp đặc biệt, có giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền theo quy định như thành viên ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 các cấp, thành viên sở chỉ huy phòng chống dịch COVID-19 các cấp, lực lượng trực tiếp tham gia phòng, chống dịch, xử lý hạ tầng kỹ thuật, nhân viên giao hàng, cung cấp thực phẩm, hàng hóa thiết yếu và nông dân thu hoạch nông sản.

Tất cả các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp của tỉnh, của trung ương đóng trên địa bàn tỉnh Long An triển khai phương thức làm việc tại nhà đối với toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc thẩm quyền quản lý.

Riêng thủ trưởng cơ quan, đơn vị, lực lượng tham gia phòng, chống dịch và lực lượng giải quyết các công việc khẩn cấp thì bố trí làm việc trực tiếp tại cơ quan, đơn vị theo phương châm “3 tại chỗ” nhưng tối đa không quá 1/3 tổng số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, đơn vị.

Long An cũng giao chủ tịch UBND các địa phương chịu trách nhiệm xác định chính xác các địa bàn cấp xã thuộc vùng đỏ để triển khai thiết lập phong tỏa triệt để, khi phong tỏa phải đảm bảo nắm chắc được số lượng người dân trên địa bàn, lực lượng công an, quân sự làm nòng cốt đảm bảo an ninh, trật tự, kiểm tra, giám sát thực hiện nghiêm các quy định về giãn cách. Lực lượng y tế đảm bảo chăm sóc y tế cho người dân.

Các địa phương cũng phải phối hợp chặt chẽ với Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Lao động – thương binh và xã hội để có phương án đảm bảo an sinh xã hội, cung cấp đầy đủ, kịp thời lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân trong khu vực phong tỏa thông qua hình thức phát túi an sinh hoặc các hình thức phù hợp, hiệu quả khác.

Đồng thời phải thiết lập hệ thống đường dây nóng cung cấp cho tất cả các hộ dân trong khu vực để liên hệ hỗ trợ khi cần thiết, tổ chức lực lượng trực 24/24 giờ để kịp thời tiếp nhận và xử lý thông tin, đề nghị hỗ trợ của người dân trên địa bàn.

Tính đến nay Long An đã phát hiện 18.124 ca mắc COVID-19, hiện tỉnh này đang thực hiện xét nghiệm sàng lọc cho tất cả người dân trên địa bàn (Tuổi trẻ, trang 6).

Ngọc Nga tổng hợp

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 14/4/2022

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 16/10/2018

Ngọc Nga

Điểm báo ngày 15/1/2020

CDC Hà Nam

Để lại bình luận