Điểm báo ngày 01/10/2020

(CDC Hà Nam)
Phẫu thuật cứu bệnh nhi bị thoát vị não chẩm hiếm gặp; Hoa Kỳ trao tặng Việt Nam 100 máy thở hỗ trợ phòng, chống đại dịch COVID-19; Nỗi lo thực phẩm ”bẩn” ở chợ dân sinh…

Chuyển đổi số trong lĩnh vực khám, chữa bệnh

Sau hơn hai tháng triển khai đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2020 – 2025 đã có hơn 1.000 điểm cầu là các bệnh viện tuyến dưới kết nối trực tuyến với gần 30 bệnh viện tuyến trên để thực hiện các hoạt động tư vấn, khám, chữa bệnh (KCB). Bộ Y tế là một trong những bộ, ngành đi đầu trong việc thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Từ tháng 4-2020, giữa lúc cả nước đang giãn cách xã hội vì đại dịch Covid-19, Bộ Y tế phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành y tế, kêu gọi các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ cùng tham gia phát triển giải pháp công nghệ phù hợp. Trong hoạt động KCB bảo đảm giãn cách xã hội nhưng vẫn chăm lo sức khỏe cho người dân, nhất là đối với người bệnh khó khăn trong việc di chuyển, người bệnh ở vùng sâu, vùng xa. Chỉ sau đúng một tuần, hệ thống hỗ trợ tư vấn KCB từ xa (Telehealth) đầu tiên đã hoàn thành và chỉ hai tháng sau khi đi vào hoạt động, Bộ Y tế đã ban hành đề án “KCB từ xa” giai đoạn 2020 – 2025 với thông điệp chủ đạo là “Chất lượng KCB vươn cao, vươn xa”. Triển khai đề án nhằm giúp người dân tiếp cận với dịch vụ y tế nhanh chóng, thuận lợi, ít tốn kém, an toàn, không cần phải đến bệnh viện khi chưa thật sự cần thiết; giảm tập trung đông người tại các cơ sở y tế nhất là khi có dịch bệnh, hạn chế chuyển tuyến, giảm quá tải tại bệnh viện tuyến trên; tạo được lòng tin của người dân với chất lượng KCB của y tế cơ sở nói riêng và toàn hệ thống y tế nói chung. Bên cạnh đó, đẩy mạnh KCB từ xa mang đến cơ hội tiếp cận chuyên môn cao hơn cho cán bộ y tế tại các cơ sở y tế tuyến dưới, từng bước nâng cao chất lượng chuyên môn của đội ngũ cán bộ y tế cơ sở và từng cơ sở KCB tuyến dưới.

Theo PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý KCB (Bộ Y tế), đề án được triển khai trên cơ sở kế thừa kinh nghiệm của Trung tâm Quản lý, điều hành hỗ trợ chuyên môn hỗ trợ chẩn đoán, điều trị người bệnh Covid-19 và việc tổ chức hội chẩn, tư vấn KCB từ xa của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Sau hơn hai tháng triển khai, đề án đã đạt mốc 1.000 bệnh viện tuyến dưới đăng ký tham gia; toàn bộ 63 tỉnh, thành phố đã có bệnh viện đăng ký tham gia. Ngoài ra cũng đã có hai bệnh viện của nước bạn Lào và một bệnh viện của Cam-pu-chia tham gia làm bệnh viện tuyến dưới. Nhiều bệnh viện, trung tâm y tế tại vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo… Cục Quản lý KCB cũng đã phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng “Danh mục tạm thời các kỹ thuật chuyên môn KCB từ xa”, tài liệu “Hướng dẫn các bước tổ chức và thực hiện buổi hội chẩn, KCB từ xa”… Các quy định nêu trên sẽ được tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh và xây dựng tiếp các quy định khác như hướng dẫn về thủ tục tài chính, thanh toán bảo hiểm y tế… phục vụ công tác KCB từ xa.

Đến nay KCB từ xa đã trở thành hoạt động thường quy của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội khi mỗi tuần, bệnh viện đều tổ chức một đến hai buổi kết nối KCB từ xa với gần 60 bệnh viện vệ tinh. Tổng cộng đã có gần 300 ca bệnh khó được cứu sống, xử lý kịp thời. Các thầy thuốc tuyến dưới cũng thấy rõ giá trị của Telehealth, đó là được tiếp cận thông tin ca bệnh hay, khó; qua đó rút ra được kinh nghiệm để cứu sống người bệnh.

Sau một tháng triển khai, Bệnh viện Bạch Mai cũng đã tổ chức được chín buổi KCB từ xa; bốn buổi tư vấn phòng, chống bệnh cho cộng đồng với sự kết nối của 343 bệnh viện tuyến dưới. Có 34 ca bệnh được khám, hội chẩn; 10 khóa đào tạo các chuyên đề về phòng, chống dịch, hồi sức cấp cứu và nội khoa… Ngày 11-9 vừa qua, nhờ Telehealth, các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai đã hỗ trợ các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Hòa Bình cứu sống một người bệnh bị sốc phản vệ, ngừng tim gần 60 phút.

Trong thời gian tới, nhất là khi cả nước mở cửa trở lại để tiếp tục phát triển kinh tế – xã hội trong tình hình mới, việc mở rộng các hoạt động KCB từ xa vẫn rất cần thiết không chỉ thúc đẩy tiến trình đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành y tế trong nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Việc mở rộng hoạt động KCB từ xa có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình đổi mới của ngành y tế nhằm nâng cao chất lượng KCB toàn tuyến, cũng như giúp tạo nền tảng số cho ngành lưu giữ tài liệu, dữ liệu. Trên cơ sở đó, ngành y tế sẽ phối hợp chặt chẽ các đơn vị liên quan tiếp tục mở rộng mạng lưới KCB từ xa đến hơn 14 nghìn cơ sở y tế trong cả nước để thực hiện bao phủ y tế toàn dân. Đồng thời chuẩn bị các điều kiện để hướng tới “nối mạng” với quốc tế, kết nối với các nước có nền y khoa tiên tiến để vừa học hỏi, nâng cao trình độ cho các thầy thuốc nước nhà, vừa giúp người dân không cần ra nước ngoài để KCB.

Hiện nay đang ở giai đoạn đầu của quá trình triển khai đề án, cho nên còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ. Do vậy, ngành y tế cũng như các địa phương cần tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm; hoàn thiện hành lang pháp lý về KCB từ xa và phối hợp các đơn vị công nghệ thông tin cùng tham gia phát triển các nền tảng, ứng dụng công nghệ trực tuyến để chẩn đoán, tư vấn điều trị và bí mật thông tin. Về phía các doanh nghiệp công nghệ cần phối hợp Bộ Y tế đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, xây dựng và từng bước hình thành hệ thống chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh dựa trên các công nghệ số, ứng dụng công nghệ số toàn diện tại các cơ sở KCB; phát triển các nền tảng công nghệ cho lĩnh vực y tế như hỗ trợ tư vấn KCB từ xa, quản trị y tế thông minh… Hoàn thiện hành lang pháp lý, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tạo điều kiện cho chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế. (Nhân dân, trang 5).

 

Hoa Kỳ trao tặng Việt Nam 100 máy thở hỗ trợ phòng, chống đại dịch COVID-19

Sáng 30-9, Chính phủ Hoa Kỳ thông qua Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã tặng 100 máy thở do Hoa Kỳ mới sản xuất để hỗ trợ Việt Nam trong công tác phòng, chống đại dịch Covid-19.

Buổi lễ trao tặng có sự tham dự của GS, TS Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng Y tế Việt Nam, Ngài Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J.Kritenbrink, Giám đốc USAID Việt Nam Michael Greene.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên toàn cầu và tại Việt Nam, Chính phủ Hoa Kỳ quyết định trao tặng Việt Nam 100 máy thở mới sản xuất. Việc trao tặng thiết thực này được thực hiện theo đề nghị của Tổng thống Donald Trump về hỗ trợ những thiết bị cần thiết giúp Việt Nam tăng cường khả năng ứng phó với đại dịch Covid-19.

Số máy thở này được sản xuất tại Mỹ với công nghệ tiên tiến, nhỏ gọn, dễ lắp đặt và vận hành. Việc bổ sung thêm các máy thở cho công tác điều trị bệnh Covid-19 sẽ giúp tăng cường năng lực điều trị của Việt Nam, đặc biệt là đối với những bệnh nhân mắc Covid-19 cần sự hỗ trợ của máy thở.

Phát biểu tại buổi lễ trao tặng, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink cho biết: “Thế giới ấn tượng với chiến lược và các giải pháp chủ động của Việt Nam trong phòng, chống Đại dịch Covid-19, nhưng dịch bệnh nghiêm trọng này vẫn là một mối đe dọa đối với Việt Nam và cả thế giới. Hoa Kỳ cảm kích về sự hỗ trợ của Việt Nam về các thiết bị bảo hộ cho cuộc chiến phòng, chống Covid-19 của Hoa Kỳ. Dựa trên nền tảng mối quan hệ bền chặt giữa hai nước chúng ta trong 25 năm qua, Chính phủ Hoa Kỳ hỗ trợ những người bạn tại Việt Nam thông qua việc trao tặng 100 máy thở để giúp ứng phó với đại dịch Covid-19”.

GS, TS Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng Y tế đánh giá đây là sự kiện quan trọng đánh dấu quan hệ hợp tác Việt Nam – Hoa Kỳ trong lĩnh vực y tế cũng như phòng, chống Covid-19. Với những máy thở được hỗ trợ lần này, Bộ Y tế giao Bệnh viện Phổi Trung ương đại diện tiếp nhận và phân phối, sử dụng.

Ngoài số máy thở này, Chính phủ Hoa Kỳ, thông qua USAID cam kết tài trợ  9,5 triệu đô-la cho Việt Nam để ứng phó đại dịch Covid-19 nhằm trợ giúp cải thiện chăm sóc lâm sàng, phổ biến các thông điệp sức khỏe, tăng cường năng lực phòng xét nghiệm, cải thiện công tác giám sát dịch tễ cũng như hỗ trợ sự hồi phục của khu vực kinh tế tư nhân thông qua giảm nhẹ những tác động của đại dịch Covid-19 lên nền kinh tế Việt Nam. (Nhân dân, trang 8).

Cùng chủ đề Báo Công an Nhân dân, trang 2: “Hoa Kỳ trao tặng Việt Nam 100 máy thở hỗ trợ chống dịch Covid-19”; Sức khỏe & Đời sống, trang 2: “Hoa Kỳ trao tặng Việt Nam 100 máy thở trị giá hơn 1,7 triệu USD hỗ trợ phòng chống dịch COVID-19”.

 

Nỗi lo thực phẩm ”bẩn” ở chợ dân sinh

Chợ dân sinh vốn có lợi thế trong cung cấp thực phẩm tươi sống, giá cả phải chăng đến người tiêu dùng. Tuy nhiên, bất cập hiện nay là nhiều chợ có cơ sở hạ tầng yếu kém, tiểu thương ý thức chưa cao…, từ đó gây nên nỗi lo thực phẩm “bẩn” cho người tiêu dùng. Để xây dựng những mô hình chợ văn minh thương mại, an toàn thực phẩm cần sự nỗ lực nhiều hơn nữa từ phía cơ quan chức năng, trách nhiệm người kinh doanh và sự hiểu biết từ người tiêu dùng.

Còn thiếu ý thức bảo đảm an toàn thực phẩm

Sáng 26-9, khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới tại chợ Tân Mỹ (phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm) cho thấy, ngoại trừ dãy hàng thịt được kê bàn cao hẳn so với nền chợ, các mặt hàng còn lại như hải sản, rau, hoa quả… đều được các tiểu thương đặt ngay dưới nền đất. Hàng chục lồng gà, vịt, ngan, chim bồ câu các loại để trên nắp cống thoát nước. Mùi hôi tanh của nước thải từ việc giết mổ gia cầm quện với mùi phân gia cầm bốc lên nồng nặc cả một góc chợ.

Tương tự, tại chợ Đồng Xa (phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy), tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm cũng xảy ra ở khu bán thủy sản, ngay trên lối đi cạnh cổng chợ chính. Chị Hoàng Lê Phúc (phường Mai Dịch) cho biết: “Nhiều hàng thủy sản được bố trí san sát nhau, thành dãy dài với những chậu tôn cỡ lớn đựng đầy nước và sản phẩm khiến cả đoạn đường luôn ngập ngụa nước”. Tình trạng trên cũng diễn ra ở nhiều khu chợ dân sinh khác trong khu vực nội thành như chợ tạm Cầu Mới (phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa), chợ tự phát dọc phố Nguyễn Thị Thập (giáp ranh giữa quận Thanh Xuân và quận Cầu Giấy)…

Theo Trưởng ban Quản lý chợ quận Cầu Giấy Bùi Doãn Dũng, hiện đơn vị chịu trách nhiệm quản lý 5 chợ truyền thống là Đồng Xa, Xanh, Nghĩa Tân, Quan Hoa và Cầu Giấy với trên 1.500 tiểu thương. Các chợ truyền thống đều được xây dựng từ lâu, nay đã xuống cấp. Việc vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm chủ yếu liên quan đến các hộ kinh doanh vãng lai do điều kiện kinh doanh chưa bảo đảm, ý thức chấp hành pháp luật hạn chế; chưa quan tâm lưu trữ hồ sơ nguồn gốc xuất xứ thực phẩm…

Còn các chợ ở khu vực ngoại thành như Cao (huyện Thanh Oai), Gốt (huyện Chương Mỹ), Phùng (huyện Đan Phượng)…, ngoài tình trạng bày bán thực phẩm tươi sống, rau củ quả dưới nền đất, hình ảnh các loại thực phẩm chế biến sẵn không có tủ kính che đậy, khiến bụi bặm, ruồi nhặng mang theo vi khuẩn có thể xâm nhập diễn ra khá phổ biến. Chủ tịch UBND xã Cao Dương (huyện Thanh Oai) Trần Thế Anh cho hay: Nguyên nhân của việc mất vệ sinh ở chợ Cao và các chợ trên địa bàn xã là do chợ thường họp tại đình, chùa, không bảo đảm hạ tầng kinh doanh. Ngoài ra, thực phẩm bán ở địa phương rất khó khăn trong việc truy xuất nguồn gốc…

Đồng bộ các giải pháp

Trách nhiệm để xảy ra tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm trước hết thuộc về ban quản lý các chợ, chính quyền địa phương sở tại. Để khắc phục, Trưởng ban Quản lý chợ quận Cầu Giấy Bùi Doãn Dũng thông tin, đơn vị đã báo cáo UBND quận để thực hiện đầu tư, cải tạo lại từng phần các khu vực kinh doanh vãng lai tại các chợ. Đồng thời tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hộ kinh doanh không bảo đảm an toàn thực phẩm.

Trao đổi thêm về vấn đề này, Trưởng phòng Kinh tế quận Cầu Giấy Bùi Thanh Vân cho biết, quận đã thí điểm quản lý và cấp biển nhận diện 7 cơ sở kinh doanh tại chợ Đồng Xa đủ điều kiện an toàn thực phẩm; triển khai lập quầy kiểm tra nhanh thực phẩm tại chợ Nghĩa Tân. Việc này giúp cả người bán, người mua nâng cao ý thức về vệ sinh an toàn thực phẩm, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh giữa các hộ kinh doanh.

Cũng để bảo đảm trật tự đô thị và an toàn thực phẩm tại chợ tạm Cầu Mới, theo Chủ tịch UBND phường Ngã Tư Sở (quận Đống Đa) Hoàng Mạnh Dũng, UBND phường sẽ sắp xếp các hộ kinh doanh ở đây vào bên cạnh chợ Ngã Tư Sở để bán hàng. Do khu vực này giáp ranh với các phường Thượng Đình (quận Thanh Xuân), Thịnh Quang (quận Đống Đa) nên UBND phường sẽ phối hợp cùng hợp với các phường bạn để xử lý các hộ kinh doanh vi phạm.

Còn Chủ tịch UBND xã Cao Dương (huyện Thanh Oai) Trần Thế Anh cho rằng, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, xã sẽ chú trọng huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng chợ trên cơ sở tính toán kỹ vị trí, diện tích, nhu cầu của nhân dân.

Thực tế cho thấy, thời gian qua, mặc dù đã có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, nhưng thực phẩm “bẩn” tại một số chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội vẫn chưa bị đẩy lùi. Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ dân sinh, rất cần các giải pháp đồng bộ như đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất – chế biến – tiêu thụ sản phẩm. Cùng với đó là tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm vi phạm; nâng cao kiến thức cho người tiêu dùng để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình. (Hà Nội mới, trang 6).

 

Năm 2021, Việt Nam có thể thử nghiệm lầm sàng vaccine Covid-19

Ngày 30-9, tại Hà Nội, Bộ Y tế cùng với tổ chức PATH và Đại sứ quán Anh đã tổ chức Hội thảo Giới thiệu vaccine phòng chống Covid-19 tại Việt Nam. Tham dự hội thảo có GS.TS Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế và Ngài Dominic Raab, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Phát triển Anh.

Phát biểu tại hội thảo, GS.TS Nguyễn Thanh Long cho biết, cập nhật từ Tổ chức Y tế thế giới đến ngày 24-9, có 187 loại vaccine Covid-19 đang triển khai nghiên cứu trên toàn thế giới, trong đó có 38 vaccine đang trong quá trình thử nghiệm lâm sàng, 149 loại đang trong quá trình nghiên cứu tiền lâm sàng. Đáng chú ý, vaccine Covid-19 do nước Anh sản xuất đang trong quá trình hoàn tất thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 và gần đến “vạch đích” đảm bảo cung ứng cho thị trường quốc tế. “Chúng tôi hy vọng trong thời gian tới Chính phủ Việt Nam và Vương quốc Anh với quan hệ đối tác chiến lược chặt chẽ, lâu dài trong những năm qua có thể trao đổi và đạt được thỏa thuận trong việc cung ứng vaccine”, GS.TS Nguyễn Thanh Long bày tỏ.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết, ngoài việc tích cực tìm kiếm các nguồn vaccine thông qua tiếp cận, trao đổi trực tiếp với các nhà sản xuất nước ngoài, Việt Nam hiện là một trong 42 quốc gia có thể sản xuất vaccine và đang thúc đẩy nhanh quá trình nghiên cứu để có vaccine Covid-19 “made in Viet Nam” cho người Việt Nam. Đến thời điểm này, 4 nhà sản xuất vaccine Covid-19 tại Việt Nam đang tập trung các nguồn lực nghiên cứu, sản xuất. Dự kiến trong năm 2021 sẽ có ít nhất một nhà sản xuất tiến hành thử nghiệm lâm sàng vaccine Covid-19 giai đoạn II, III tại Việt Nam.

GS.TS Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, cùng với việc tìm kiếm các nguồn cung ứng vaccine, Bộ Y tế cũng chuẩn bị các căn cứ pháp lý để thúc đẩy các thủ tục thử nghiệm, cấp phép đăng ký lưu hành đối với vaccine Covid-19. Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị rút ngắn toàn bộ tất cả các quy trình thủ tục hành chính nhưng quy trình về chuyên môn, khoa học thì phải tuân thủ tuyệt đối, để đạt được mục tiêu vừa sớm có vaccine, vừa đảm bảo được chất lượng, hiệu quả của vaccine. Đồng thời để đảm bảo kịp thời đưa vào sử dụng vaccine Covid-19, Bộ Y tế đang xây dựng kế hoạch tiếp nhận, bảo quản, vận chuyển và sử dụng vaccine Covid-19, trong đó Việt Nam mong muốn có thể sử dụng vaccine Covid-19 cho toàn bộ người dân Việt Nam.

Trong khi đó, Ngài Dominic Raab nhấn mạnh, việc hợp tác giữa các nhà khoa học của Anh và Việt Nam sẽ bảo vệ công dân của hai nước, đồng thời ngăn chặn làn sóng thứ hai của dịch bệnh trên toàn cầu đang đe dọa đến tất cả chúng ta. Vương quốc Anh đang nỗ lực góp phần vào công cuộc đẩy lùi đại dịch Covid-19 trên toàn thế giới. Vương Quốc Anh đã cam kết hỗ trợ 50 triệu bảng Anh cho các nước ASEAN ứng phó với dịch Covid-19, củng cố hệ thống y tế và phục hồi kinh tế trong khu vực. (Sài Gòn giải phóng, trang 4).

Cùng chủ đề Báo Công an Nhân dân, trang 2: “Tiến độ nghiên cứu vaccine COVID-19 vẫn còn chậm”; Sức khỏe & Đời sống, trang 3: “Việt Nam đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất trong nước và nỗ lực tìm nguồn cung vắc-xin Covid-19”.

 

Sở Y tế TP.HCM yêu cầu bệnh viện cảnh giác Covid-19

Ngày 30.9, Sở Y tế TP.HCM cho biết đã có văn bản khẩn gửi tất cả bệnh viện (BV) trên địa bàn, yêu cầu tuân thủ các quy định phòng chống dịch Covid-19.

Theo đó, các BV đảm bảo sàng lọc tất cả mọi người ngay từ cổng vào BV. Tổ chức phân luồng người bệnh đến khám một cách hợp lý, đảm bảo người bệnh có triệu chứng sốt, triệu chứng hô hấp tách biệt khỏi những người bệnh khác ngay từ khi đến đăng ký khám bệnh…

Theo Sở Y tế, về lâu dài, khi xây dựng mới hoặc cải tạo nâng cấp cơ sở hạ tầng BV thì cân nhắc chuyển đổi cấu trúc của một khoa lâm sàng bao gồm nhiều buồng bệnh đơn riêng biệt thay vì bố trí những buồng bệnh lớn có nhiều giường.

Bố trí buồng khám sàng lọc, khu vực cách ly tách rời khỏi tòa nhà chính, có lối đi riêng ngay từ cổng BV đến khu vực này giúp hạn chế thấp nhất nguy cơ lây nhiễm chéo trong BV. (Thanh niên, trang 3).

 

Phạt đến 200 triệu đồng vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế

Theo Nghị định số 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực y tế do Chính phủ vừa ban hành, từ ngày 15/11/2020, mức phạt tiền tối đa đối với hành vi VPHC về khám bệnh, chữa bệnh, dược, mỹ phẩm và trang thiết bị y tế là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức.

Theo Nghị định, phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền bệnh dịch tại vùng có dịch; không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp cấm kinh doanh, sử dụng loại thực phẩm là trung gian truyền bệnh; không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng.

Bên cạnh đó, phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Không thực hiện quyết định kiểm tra, giám sát, xử lý y tế trước khi ra vào vùng có dịch thuộc nhóm A; đưa ra khỏi vùng có dịch thuộc nhóm A những vật phẩm, động vật, thực vật, thực phẩm và hàng hóa khác có khả năng lây truyền bệnh dịch; không thực hiện quyết định buộc tiêu hủy động vật, thực phẩm, thực vật và các vật khác là trung gian truyền bệnh thuộc nhóm A.

Ngoài ra, phạt tiền từ 30-40 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Không thực hiện yêu cầu kiểm tra và xử lý y tế đối với phương tiện vận tải trước khi ra khỏi vùng có dịch trong tình trạng khẩn cấp về dịch;

không thực hiện quyết định cấm tập trung đông người tại vùng đã được ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch; đưa người, phương tiện không có nhiệm vụ vào ổ dịch tại vùng đã được ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch;

không thực hiện quyết định buộc tiêu hủy động vật, thực phẩm, thực vật và các vật khác có nguy cơ làm lây lan bệnh dịch sang người tại vùng đã được ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/11/2020. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

Cùng chủ đề Báo Gia đình & Xã hội, trang 2: “Vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế có thể bị phạt tới 200 triệu đồng”; An ninh Thủ đô, trang 4: “Phạt tới 40 triệu đồng nếu tập chung đông người tại vùng dịch”.

 

Việt Nam có cơ hội tiếp cận sớm vắc-xin COVID-19

Việt Nam là một trong 42 quốc gia có thể sản xuất vắc-xin trên thế giới và đang thúc đẩy nhanh quá trình nghiên cứu để có vắc-xin ‘Made in Viet Nam’.

Ngày 30/9, tại Hội thảo giới thiệu vắc-xin phòng chống COVID-19 do Bộ Y tế, tổ chức PATH và Ðại sứ quán Anh tại Hà Nội tổ chức, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Việt Nam là một trong 42 quốc gia có thể sản xuất vắc-xin trên thế giới và đang thúc đẩy nhanh quá trình nghiên cứu để có vắc-xin “Made in Viet Nam”.

Theo thông tin của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến ngày 24/9, có 187 loại vắc-xin COVID-19 đang được triển khai nghiên cứu trên toàn thế giới, trong đó có 38 vắc-xin đang trong quá trình thử nghiệm lâm sàng, 149 loại đang trong quá trình nghiên cứu tiền lâm sàng.

Ông Long cho biết, Việt Nam là một trong 92 quốc gia tham gia chương trình “Giải pháp tiếp cận vắc-xin COVID-19 toàn cầu” (COVAX Facility) và được GAVI COVAX AMC cam kết hỗ trợ. Mục tiêu là cung ứng 2 tỷ liều vắc-xin cho các quốc gia vào cuối năm 2021 với khoảng 20% dân số các quốc gia thành viên của COVAX Facility. Vì thế, Việt Nam sẽ có cơ hội được tiếp cận và được cung ứng sớm các vắc-xin trong danh mục của COVAX AMC.

Hiện 4 nhà sản xuất vắc-xin COVID-19 tại Việt Nam đang nỗ lực, tập trung các nguồn lực nghiên cứu, sản xuất vắc-xin phòng COVID-19. Dự kiến, năm 2021 sẽ có ít nhất một nhà sản xuất thử nghiệm lâm sàng giai đoạn II, III (thử nghiệm lâm sàng trên người theo quy mô) tại Việt Nam. Ngoài hai nguồn cung ứng vắc-xin có thể có (COVAX Facility và vắc-xin sản xuất trong nước), Việt Nam cũng tích cực tìm kiếm các nguồn khác thông qua tiếp cận, trao đổi trực tiếp với các nhà sản xuất nước ngoài.

Ngoài ra, để đảm bảo kịp thời đưa vào sử dụng vắc-xin COVID-19 Bộ Y tế đang xây dựng kế hoạch tiếp nhận, bảo quản, vận chuyển và sử dụng vắc-xin COVID-19, trong đó mong muốn có thể sử dụng vắc-xin COVID-19 cho toàn bộ người dân Việt Nam.

Tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Phát triển Anh Dominic Raab phát biểu: “Việc hợp tác giữa các nhà khoa học của Anh và Việt Nam sẽ bảo vệ công dân của hai nước, đồng thời ngăn chặn làn sóng thứ hai của dịch bệnh trên toàn cầu đang đe dọa đến tất cả chúng ta. Vương quốc Anh đang nỗ lực góp phần vào công cuộc đẩy lùi đại dịch COVID-19 trên toàn thế giới”. (Tiền phong, trang 4).

Cùng chủ đề Báo Sức khỏe & Đời sống, trang 3: “Việt Nam đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất trong nước và nỗ lực tìm nguồn cung vắc-xin Covid-19”; An ninh Thủ đô, trang 1: “Việt Nam có thể nhập vaccine phòng Covid-19 của Anh”.

 

Phẫu thuật cứu bệnh nhi bị thoát vị não chẩm hiếm gặp

Ngày 30-9, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho hay vừa cấp cứu thành công một bé sơ sinh có khối thoát vị não chẩm kích thước ‘khủng’, to bằng 2/3 đầu của bệnh nhi.

Trước đó ngày 9-9, bệnh viện tiếp nhận bé S.H. (22 ngày tuổi, ngụ huyện Cẩm Mỹ) nhập viện trong tình trạng tỉnh táo, da hồng hào nhưng không thể nằm ngửa, sau đầu có khối u lớn vùng chẩm. Sức khỏe bệnh nhi yếu do mới sinh nên các bác sĩ quyết định chờ tình trạng của bé tốt lên mới phẫu thuật.

Tuy nhiên, một ngày sau khi nhập viện, bệnh nhi bắt đầu có triệu chứng khó thở, mệt và xuất hiện những cơn ngưng thở. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi có khối thoát vị não chẩm kích thước lớn và chỉ định phẫu thuật khẩn cấp.

Kíp mổ đã sử dụng kính vi phẫu để thực hiện việc cắt khối thoát vị não chẩm, sau đó phẫu thuật tạo hình màng cứng cho bệnh nhi. Sau hơn 2 giờ, ca mổ đã thành công. Đến nay, sức khỏe của bệnh nhi đã qua cơn nguy kịch, ăn tốt, thở tốt, sức khỏe dần ổn định và có thể xuất viện vào tuần tới.

Bác sĩ Nguyễn Văn Toàn, khoa chấn thương chỉnh hình – bỏng Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, cho biết thoát vị não vùng chẩm là trường hợp rất hiếm gặp. Điểm khó nhất của ca mổ trên là quá trình gây mê cho bệnh nhi. Ngoài ra, việc phải mổ khi bệnh nhi nằm sấp nghiêng không thuận lợi cho thao tác của bác sĩ.

Theo bác sĩ Toàn, nếu không được phẫu thuật kịp thời thì khối thoát vị sẽ giãn to, gây nguy cơ nhiễm trùng và ảnh hưởng tới tính mạng bệnh nhi. Với bệnh lý này, mặc dù phẫu thuật thành công nhưng về sau bệnh nhi vẫn có thể gặp những cơn ngưng thở do tổn thương não, tuổi đời rút ngắn và có nguy cơ bị đầu nước (đầu bị ứ nước).

Bác sĩ Toàn cho hay bệnh lý này có thể phát hiện thông qua siêu âm trong quá trình mang thai. Song đây là bệnh lý hiếm gặp, dễ bị bỏ qua trong quá trình siêu âm. Do đó, sản phụ nên chú ý bổ sung dưỡng chất cần thiết cho cơ thể và thường xuyên đi khám tầm soát để sớm phát hiện bệnh và có hướng điều trị hợp lý. (Tuổi trẻ, trang 4).

Bài viết liên quan

Điểm báo Ngày 25/12/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 12/8/2021

CDC Hà Nam

Việt Nam ghi nhận 121 ca mắc COVID-19

Ngọc Nga

Để lại bình luận