Báo cáo tại Hội nghị thượng đỉnh G20: “Chỉ số bao phủ dịch vụ y tế của Việt Nam cao hơn mức trung bình của thế giới”
Ngày 28.6, trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Osaka, Nhật Bản, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng tham dự Hội nghị Bộ trưởng Tài chính – Bộ trưởng Y tế G20 về chủ đề tài chính bền vững cho bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân (UHC). Đến nay, Việt Nam đã có 89% dân số tham gia bảo hiểm y tế, đạt chỉ số bao phủ dịch vụ y tế thiết yếu là 73 điểm (trên 100), cao hơn mức trung bình của khu vực Đông Nam Á (59) và toàn cầu (64).
Việt Nam đã có bài phát biểu tại Hội nghị chung Bộ trưởng Tài chính – Bộ trưởng Y tế G20, trong đó đánh giá cao sáng kiến hỗ trợ thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân để thiết lập một hệ thống quốc gia đảm bảo cho tất cả mọi người được sử dụng các dịch vụ y tế cơ bản có chất lượng mà không gặp khó khăn về tài chính. Sáng kiến này sẽ góp phần tăng cường an ninh y tế toàn cầu. Đây là nội dung quan trọng đối với các nước phát triển cũng như các nước đang phát triển, đặc biệt khi dân số trở nên già hóa tạo gánh nặng lên hệ thống cung cấp dịch vụ y tế và tài chính.
Việt Nam đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp tài chính y tế hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân trong 2 thập kỷ qua. Đặc biệt phải kể đến đó là trợ cấp toàn bộ chi phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, người già trên 80 tuổi và các đối tượng khó khăn ngay từ giai đoạn đầu, đồng thời với phát triển mạng lưới cơ sở y tế rộng khắp, tăng tiếp cận dịch vụ y tế. Hợp nhất các chương trình hỗ trợ tài chính cho khám chữa bệnh của Chính phủ vào một hệ thống bảo hiểm y tế duy nhất nhằm chia sẻ rủi ro.
Chính phủ Việt Nam tăng cường đầu tư và đẩy mạnh quá trình cơ cấu lại ngân sách nhà nước trong lĩnh vực y tế, ưu tiên bố trí ngân sách, bảo đảm tốc độ tăng chi cho y tế cao hơn tốc độ tăng chi ngân sách nhà nước. Tập trung ngân sách nhà nước cho y tế dự phòng, y tế cơ sở, bệnh viện ở vùng khó khăn, dành ít nhất 30% ngân sách y tế cho công tác y tế dự phòng.
Việt Nam đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực phát triển hệ thống y tế, đa dạng hóa các hình thức hợp tác công – tư. Các cơ sở y tế, chăm sóc người cao tuổi hoạt động không vì lợi nhuận được miễn, giảm thuế theo quy định của pháp luật. Về chính sách thuế đối với cơ sở xã hội hóa trong lĩnh vực y tế hiện đang được hưởng ưu đãi thuế ở mức cao nhất. Ngoài ra đối với những hàng hóa có hại cho sức khỏe như bia, rượu, thuốc lá thì bị điều tiết tăng dần theo lộ trình bởi chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt. Đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý và tổ chức hoạt động của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập.
Với những nỗ lực cải cách trên, đến nay, Việt Nam đã có 89% dân số tham gia bảo hiểm y tế, đạt chỉ số bao phủ dịch vụ y tế thiết yếu là 73 điểm (trên 100), cao hơn mức trung bình của khu vực Đông Nam Á (59) và toàn cầu (64). Mức độ bảo vệ tài chính cho người dân trong chăm sóc sức khỏe được cải thiện, chi tiêu y tế thảm họa trên 25% tổng chi tiêu hộ gia đình chỉ còn 1,8%, nghèo hóa do chi y tế đã gần như bị loại bỏ (1,3%). Bên cạnh đó, Việt Nam có chủ trương trình Quốc hội tăng độ tuổi lao động từ 60 lên 62 tuổi đối với nam và từ 55 lên 60 tuổi đối với nữ. Trên cơ sở đó, củng cố thêm nguồn lao động, giải quyết công ăn việc làm và chính sách bảo hiểm hưu trí cho người về hưu.
Việt Nam mong muốn các nước G20 tiếp tục thúc đẩy tăng cường hợp tác đa phương và hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan tài chính và y tế, cùng với sự hỗ trợ tích cực của các tổ chức quốc tế để đảm bảo an ninh y tế quốc gia, khu vực và toàn cầu.
Vào ngày 1.7, trong khuôn khổ chương trình hoạt động của Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Nhật Bản, Việt Nam sẽ ký Biên bản hợp tác (Memorandum of Cooperation/MOC) với Văn phòng nội các Nhật Bản; Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản và Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản. Tại Hội đàm cấp cao ở Tokyo ngày 1.7, sẽ diễn ra Lễ trao Biên bản hợp tác giữa Bộ trưởng Y tế Việt Nam Nguyễn Thị Kim Tiến với ông Umeda Kunio, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam (đại diện cho 3 cơ quan phía Nhật Bản) dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. (Sức khỏe & Đời sống, trang 16).
Nhân ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam 1-7: hơn 20 ca bệnh hiểm nghèo được BHYT chi trẻ 1-3 tỷ đồng/bệnh nhân
Trong danh sách những bệnh nhân được hưởng bảo hiểm y tế (BHYT) chi phí cao nhất từ năm 2018 đến nay, có đến hơn 20 trường hợp được BHYT chỉ trả từ trên 1 tỷ đến 3 tỷ đồng…
Phao cứu sinh của người bệnh
Có thể kể ra những bệnh nhân được hưởng BHYT chi phí cao nhất thời gian gần đây như: bệnh nhân Đào Văn Hoan (sinh 1992, Thái Nguyên) được BHYT chi trả gần 2,96 tỷ đồng; bệnh nhi Hoàng Minh Vũ (sinh 2010, Lạng Sơn) được BHYT chi trả trên 2,93 tỷ đồng; bệnh nhân Nguyễn Bạch Nhật (sinh 1956, Hưng Yên) được BHYT chi trả 2,37 tỷ đồng…
Đó là những bệnh nhân thuộc nhóm đối tượng được hưởng BHYT 100%. Ngay cả với những bệnh nhân phải đồng chi trả, nhiều trường hợp cũng được BHYT đồng chi trả rất lớn, như: bệnh nhân Lương Huy Hoàng (sinh 2004, Hải Phòng) có tổng chi phí điều trị là 1,8 tỷ đồng, được BHYT chi trả tới gần 1,65 tỷ đồng; bệnh nhân Phạm Thị Nguyệt (sinh 1974, Hà Nội) tổng chi phí điều trị gần 1,6 tỷ đồng, được BHYT chi trả 1,58 tỷ đồng…
Ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, tính đến tháng 5-2019, cả nước có 84,5 triệu người dân tham gia BHYT, tương đương 89% dân số.
Đáng chú ý, diện bao phủ BHYT đã tập trung vào các nhóm yếu thế, như nhóm người lao động đã tham gia BHYT đạt hơn 90%; nhóm hưu trí, mất sức lao động, bảo trợ xã hội đạt 100%; nhóm được ngân sách Nhà nước hỗ trợ như hộ cận nghèo, học sinh, sinh viên có tỷ lệ tham gia xấp xỉ 100%.
Đặc biệt, từ khi thực hiện Luật BHYT sửa đổi năm 2014 thì đến tháng 5-2019, nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình đã đạt trên 17 triệu người. “Đây là con số thể hiện sự quyết tâm cao độ của cả hệ thống chính trị cũng như là sự quan tâm người dân trong quá trình tham gia BHYT” – ông Sơn nhấn mạnh.
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng cho rằng, sau 27 năm thực hiện chính sách BHYT, việc tham gia BHYT được đánh giá là một trong những giải pháp giúp người dân có “phao cứu sinh” thoát khỏi bệnh hiểm nghèo.
Kiểm soát chi phí, ngăn chặn trục lợi quỹ BHYT
Ngày BHYT Việt Nam năm nay (1-7-2019) sẽ đánh dấu cột mốc kỷ niệm 10 năm thực hiện Ngày BHYT Việt Nam. Đánh giá lại chặng được 10 năm vừa qua, Bộ Y tế khẳng định, ngoài diện bao phủ BHYT tăng rõ rệt thì quyền lợi của người bệnh BHYT cũng tương đối toàn diện và ngày càng được mở rộng.
Đặc biệt, chất lượng khám chữa bệnh BHYT được nâng cao, ở hầu hết cơ sở y tế không còn tình trạng phân biệt giữa người bệnh BHYT với người bệnh khám dịch vụ như trước.
Về cân đối thu chi quỹ BHYT, năm 2009, mức đóng BHYT được tăng lên từ 3% lên 4,5%, quỹ BHYT đã có kết dư (đến 2015 quỹ kết dư khoảng 52.000 tỷ đồng).
Từ năm 2016 có điều chỉnh giá dịch vụ y tế, nhu cầu khám chữa bệnh tăng và các dịch vụ kỹ thuật mới, thuốc mới được quỹ BHYT chi trả nhưng quỹ BHYT vẫn đảm bảo cân đối thu- chi do có nguồn kết dư và nguồn quỹ dự phòng.
Dự kiến trong một vài năm tới chưa cần điều chỉnh mức đóng BHYT, do đó chưa tác động đến nguồn ngân sách nhà nước (hỗ trợ đóng cho tối tượng ưu đãi xã hội, đối tượng khó khăn) cũng như chưa tác động đến nguồn thu của các doanh nghiệp và người lao động” – BHXH Việt Nam nhấn mạnh.
Trên địa bàn Hà Nội, ông Nguyễn Đức Hòa, Giám đốc BHXH Hà Nội cho biết, đến nay, toàn thành phố đã có khoảng 6,7 triệu người tham gia BHYT, tăng 312.125 người so với cùng kỳ năm 2018 và đạt tỷ lệ bao phủ 87,2% dân số.
Trong 6 tháng đầu năm 2019, đã có 5,6 triệu lượt người dân Thủ đô khám chữa bệnh BHYT; với chi phí đề nghị cơ quan BHXH thanh toán lên tới trên 8.680 tỷ đồng, bằng 51,53% dự toán được giao, vượt dự toán 258,3 tỷ đồng…
Theo BHXH TP Hà Nội, việc chi BHYT trên địa bàn thành phố vượt dự toán 1,53% ở 6 tháng đầu năm 2019 có nhiều nguyên nhân. Trong đó, ngoài số lượt người khám chữa bệnh BHYT tăng, danh mục dịch vụ kỹ thuật được BHYT thanh toán ngày càng mở rộng, cũng không loại trừ có nguyên nhân có sự trục lợi quỹ BHYT từ người bệnh và cơ sở y tế.
Vì thế, thành phố sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp quyết liệt để kiểm soát chi phí khám chữa bệnh BHYT, đặc biệt là phát hiện, ngăn chặn và xử lý tình trạng trục lợi quỹ BHYT trong thời gian tới. (An ninh thủ đô, trang 7).
Người dân phải được dùng thực phẩm an toàn như hàng xuất khẩu
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh đã đến lúc đặt ra yêu cầu về việc người dân phải được dùng thực phẩm sạch, an toàn như hàng xuất khẩu. Phát biểu tại chương trình, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam – Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm cho rằng điều đầu tiên là ý thức cộng đồng về an toàn thực phẩm, từ người sản xuất, kinh doanh đến người tiêu dùng chuyển biến rất tốt. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, đã đến lúc cần làm sao để tất cả người dân Việt Nam được tiêu thụ thực phẩm sạch, an toàn như hàng xuất khẩu… (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).