Khoanh gọn, dập dịch ngay từ đầu
“Địa phương tập trung khoanh gọn, dập dịch ngay từ đầu, không để dịch lan rộng trên địa bàn. Tốc độ lấy mẫu phải đồng bộ với tốc độ xét nghiệm”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp trực tuyến với tỉnh Bình Dương về công tác phòng, chống dịch, sáng 30/6.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bình Dương lập 2 mũi xét nghiệm ngay từ sớm. Theo đó, mũi thứ nhất nhằm triển khai xét nghiệm sàng lọc, tầm soát đánh giá nguy cơ tại những khu vực an toàn, với địa điểm, tần suất hợp lý, trên cơ sở khuyến cáo của ngành Y tế; kết hợp hài hòa, hợp lý giữa triển khai xét nghiệm Realtime RT-PCR mẫu gộp và test kháng nguyên nhanh. Mũi thứ hai tập trung lực lượng lấy mẫu xét nghiệm để truy vết, đảm bảo trả kết quả chậm nhất trong vòng 24 giờ, tránh tình trạng trả kết quả xét nghiệm chậm; tốc độ lấy mẫu phải đồng bộ với tốc độ xét nghiệm; cập nhật kịp thời kết quả xét nghiệm để thông báo cho các địa phương liên quan truy vết ca bệnh.
Nhấn mạnh việc phải dựa trên các dữ liệu khoa học để khoanh vùng, cách ly, Phó Thủ tướng nêu rõ, trường hợp chưa khoanh được hẹp ngay, có thể khoanh vùng rộng để tập trung lấy mẫu xét nghiệm nhanh trong một vài ngày, từ đó, xác định được ổ dịch, nguồn lây; thu hẹp khu vực phong tỏa đúng trọng tâm, trọng điểm. Thực hiện thí điểm cách ly F1 tại nhà với quy mô phù hợp để chuẩn bị cho tình huống dịch bùng phát mạnh. Đặc biệt, tỉnh cần tăng cường tầm soát tại các bệnh viện, nhà thuốc, phòng khám, siết chặt công tác phòng, chống dịch tại các cơ sở điều trị, không để “bị thủng” tại đây.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu, tỉnh Bình Dương chủ động chia các khu vực theo mức độ dịch bệnh để có giải pháp phòng, chống dịch phù hợp. Siết lại tinh thần chống dịch trong trạng thái “bình thường mới”, toàn tỉnh tiến hành đồng bộ các biện pháp, trong đó, tập trung phòng, chống dịch tại những khu vực nguy cơ cao, các hoạt động tập trung đông người, dịch vụ giải trí, hoạt động không thiết yếu…
Khi công bố ổ dịch, Bình Dương cần kiểm soát chặt người di chuyển, nhất là công nhân làm việc trong các nhà máy, khu công nghiệp; tuyên truyền người dân thực hiện nghiêm thông điệp 5K; lên phương án tổ chức các dịch vụ thiết yếu hợp lý, đảm bảo an toàn dịch tễ.
Nguy cơ bùng dịch tại tỉnh Bình Dương rất lớn
Báo cáo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Lộc Hà cho biết, tại đợt dịch lần thứ 4, toàn tỉnh ghi nhận 326 ca mắc COVID-19, trong đó, 24 ca phát hiện qua khám bệnh tại các cơ sở y tế; trung bình ghi nhận từ 20-40 ca/ngày. Các ca mắc chủ yếu xuất hiện trong các khu nhà trọ, doanh nghiệp, khu công nghiệp. Bình Dương đang nỗ lực thực hiện phong tỏa, giãn cách khoanh vùng hợp lý; thường xuyên kiểm tra, tuyên truyền người dân thực hiện đúng quy định giãn cách xã hội.
Về năng lực cách ly y tế, Bình Dương có 34 cơ sở cách ly tập trung. Khi phát hiện ca mắc COVID-19 đầu tiên trong đợt này, Bình Dương đã chuẩn bị 5.000 chỗ cách ly tập trung. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch, tỉnh nâng cấp khả năng lên 10.000 người, tiếp tục mở rộng cách ly tập trung cho 30.000 người. Hiện Bình Dương có hơn 3.000 trường hợp F1, khoảng 8.000 trường hợp F2. Bên cạnh đó, toàn tỉnh hiện có 8 máy xét nghiệm Realtime RT-PCR, có khả năng xét nghiệm 5.000 mẫu đơn/ngày, tương đương 50.000 mẫu gộp/ngày. Xác định rõ trong thời điểm hiện nay, xét nghiệm diện rộng rất quan trọng nên Bình Dương đã tập trung chỉ đạo, có kế hoạch thành lập 450 đội lấy mẫu xét nghiệm trên 5 huyện, thị xã, thành phố, thực hiện trong 14 ngày. Dự kiến, số lượng lấy mẫu khoảng 1 triệu người (tương đương 100.000 mẫu gộp) để phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Liên quan đến công tác điều trị, Bình Dương đã tăng khả năng điều trị từ 250 giường lên 600 giường bệnh và đang mở rộng lên 1.000 giường. Qua 3 đợt, Bình Dương đã tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 cho hơn 40.000 người và chuẩn bị tiêm cho 20.000 người trong thời gian tới. “Nguồn dịch lây lan khó kiểm soát do đặc điểm của Bình Dương có rất nhiều nhà trọ đan xen với nhà máy ở trong và ngoài khu công nghiệp. Nguy cơ bùng dịch trên địa bàn rất lớn”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Lộc Hà nhận định.
Liên quan đến công tác cách ly, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn Trung tâm đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế cộng đồng Việt Nam nhấn mạnh, Bình Dương cần xác định đúng điểm nóng để tập trung ngăn chặn, tổ chức xét nghiệm sàng lọc hợp lý. “Nơi có nguy cơ cao phải làm rất chặt, phải “cửa đóng then cài”, không làm nửa vời; nên xây dựng các mô hình ngăn chặn phù hợp; dừng các dịch vụ không cần thiết như quán bar, karaoke, nhà hàng, hoạt động tập trung đông người…”, ông Phu nhấn mạnh. (Tiền phong, trang 15; Sức khỏe & Đời sống, trang 3).
Sẵn sàng làm chủ công nghệ sản xuất vắc-xin
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, hiện Việt Nam đã có một số đơn vị sẵn sàng nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin của một số tổ chức, một số công ty nước ngoài.
Theo đó, từ tháng 7 tới Công ty Vabiotech sẽ đóng ống, đóng gói vắc-xin Sputnik kết hợp chuyển giao công nghệ của Nga với công suất trước mắt khoảng 5 triệu liều/tháng. Vabiotech cũng đã ký biên bản ghi nhớ với Công ty ANZ của Nhật Bản.
“Đây là công ty đã thành công pha 2 với công nghệ hiện đại ADN. Sắp tới chúng tôi bàn với ANZ Nhật Bản và Vabiotech dự kiến sẽ khởi động pha 3 vào tháng 7 tới tại Việt Nam kết hợp với chuyển giao công nghệ. Nếu thuận lợi, chúng ta có thể thành công pha 3 trong 3-5 tháng. Như vậy, đây sẽ là vắc-xin đầu tiên được chuyển giao thành công tại Việt Nam”, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn thông tin.
Ngoài ra, Việt Nam đang bàn với Cuba về việc chuyển giao công nghệ, hợp tác cũng như nghiên cứu pha 3 với vắc-xin của Cuba. Ấn Độ, Trung Quốc cũng đang bàn bước đầu với Việt Nam về chuyển giao công nghệ. “Đặc biệt, có một tập đoàn lớn đã được Chính phủ giao để nhận chuyển giao công nghệ từ Hoa Kỳ. Tập đoàn này đang khẩn trương tiếp nhận, song song với việc xây dựng nhà máy kết hợp với họ thử nghiệm lâm sàng pha 3. Chúng tôi hy vọng cuối năm 2021, đầu năm 2022 có thể đưa sản phẩm vắc-xin vào thực tế”, lãnh đạo Bộ Y tế nói.
Theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, các công nghệ mới của nước ngoài, Việt Nam chưa làm quen nên chắc chắn phải mất một thời gian trong quá trình triển khai. Phải mất tối thiểu 5-6 tháng để xây dựng nhà xưởng cùng trang thiết bị. “Các nhà nghiên cứu về vắc-xin ở Việt Nam cũng đang thiếu. Tuy nhiên những tồn tại này sẽ sớm được khắc phục trong thời gian sớm nhất”, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết.
Một người có thể tiêm 2 loại vắc-xin
Về việc một người tiêm 2 mũi vắc-xin của 2 loại khác nhau có ảnh hưởng đến cơ thể, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết: “Một số nước ở châu Âu và Mỹ đã nghiên cứu cho thấy có thể dùng 2 loại vắc-xin ở 2 thời điểm tiêm khác nhau. Ví dụ trước mắt có thể dùng vắc-xin AstraZeneca, sau có thể dùng Pfizer và một số vắc-xin khác.
Qua nghiên cứu, tiêm vắc-xin khác hãng, khác dòng thì hiệu quả miễn dịch cao hơn. Số liệu ở Tây Ban Nha cho thấy, nếu tiêm mũi 1 là AstraZeneca, mũi 2 là Pfizer thì đáp ứng miễn dịch rất tốt, thậm chí tốt hơn khi tiêm cùng một loại”.
Đề nghị AstraZeneca chuyển cho Việt Nam 10 triệu liều vắc-xin
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa có cuộc làm việc với Tập đoàn AstraZeneca do ông Nitin Kapoor – Chủ tịch AstraZeneca tại các thị trường châu Á, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc AstraZeneca Việt Nam – làm trưởng đoàn, để thúc đẩy đưa vắc-xin phòng chống COVID-19 về Việt Nam nhiều nhất, sớm nhất có thể. Tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Công ty AstraZeneca quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để Việt Nam có được ít nhất 10 triệu liều vắc-xin phòng chống COVID-19 từ nay đến đầu tháng 8/2021. Thủ tướng cũng đề nghị phía AstraZeneca phối hợp chặt chẽ, thúc đẩy, giúp đỡ có hiệu quả việc sản xuất vắc-xin trong nước và giảm giá bán cho Việt Nam. (Tiền phong, trang 15).
Miền Trung căng mình chống dịch
Dù nhiều tỉnh, thành miền Trung đưa ra nhiều biện pháp kế hoạch phòng chống dịch Covid -19, nhưng ca nhiễm vẫn xuất hiện ngoài cộng đồng khiến công tác dập dịch gặp không ít khó khăn.
Đà Nẵng vỡ kế hoạch “hồi sức”
Trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 này, lực lượng chức năng của TP.Đà Nẵng đã nhiều lần khẩn cấp bao vây, dập dịch gây tốn kém nhiều thời gian, nhân lực, vật lực…
Khi ngành du lịch TP.Đà Nẵng cùng nhiều ngành nghề khác đang kỳ vọng sẽ có cuộc “hồi sức” trong mùa hè thì kể từ ngày 3.5, ca nhiễm Covid-19 đầu tiên xuất hiện trong cộng đồng khiến mọi hoạt động phải dừng lại. Hàng loạt dịch vụ, hàng quán… vừa lấy lại sinh khí đã phải đóng cửa. Ngày 15.6, sau 28 ngày không có ca mắc Covid-19 trong cộng đồng, Đà Nẵng đã tính tới việc nới lỏng các hoạt động ở “nấc thứ 2” (cho nối lại tuyến vận tải Quảng Nam – Đà Nẵng và hoạt động dạy học).
Tuy nhiên, kế hoạch này phải “xếp lại” bởi 3 ngày sau đó (18.6), phát hiện nhân viên bảo vệ tại Công ty nhựa Duy Tân nhiễm Covid-19 vì tiếp xúc với ca nhiễm đến từ vùng dịch TP.HCM. Từ đó, TP tiếp tục truy ra hàng chục ca F1 nhiễm Covid-19, phong tỏa khu tam giác đường Lê Duẩn – Hoàng Hoa Thám – Lý Thái Tổ (hơn 2.000 người dân), hoạt động buôn bán lại bị ảnh hưởng nặng nề vì “lệnh” cấm bán tại chỗ. Mới đây, chiều 29.6, qua xét nghiệm sàng lọc tại Bệnh viện (BV) Đà Nẵng, một người chăm sóc bệnh nặng tại khoa nội thận – nội tiết lại phát hiện dương tính với Covid-19. Sau khi xuất hiện trở lại ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, các trạm kiểm dịch ở cửa ngõ TP.Đà Nẵng bắt buộc kiểm tra 100% phương tiện qua trạm, và diễn biến này dẫn đến ùn tắc vào giờ cao điểm (6 giờ 30 – 8 giờ và 16 – 18 giờ) hằng ngày.
Ở địa bàn giáp ranh phía nam, ông Mai Văn Mười, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, cho hay: “Quảng Nam thành lập 35 đội cơ động, thường trực ngày đêm, sẵn sàng hỗ trợ kịp thời cho các địa phương trong việc truy vết, phong tỏa khi phát hiện ca bệnh”.
Dịch lan nhanh ở các tỉnh trung Trung bộ
Chỉ trong vòng một tuần, tại các tỉnh trung Trung bộ, dịch Covid-19 khởi phát và lan nhanh, đến nay đã có gần 170 người mắc bệnh. Cụ thể, tính đến 17 giờ ngày 30.6, tổng số ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng ở tỉnh Phú Yên là 104 ca, trong đó TP.Tuy Hòa 66 ca, H.Sơn Hòa 31 ca, TX.Đông Hòa 3 ca, H.Tuy An 1 ca và H.Sông Hinh 3 ca. Dịch Covid-19 khởi phát từ ngày 23.6, nguồn lây nhiễm từ bệnh nhân (BN) 12190 là tài xế xe tải chở hàng từ TP.HCM đi Đà Nẵng. Từ thông tin trên, Ban Chỉ đạo phòng dịch Covid-19 tỉnh Phú Yên truy vết phát hiện ra 8 ca mắc Covid-19 trên địa bàn tỉnh này. Tính đến 8 giờ sáng 30.6, toàn tỉnh Phú Yên có 93 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng, trong đó: TP.Tuy Hòa 63 ca, H.Sơn Hòa 26 ca, TX.Đông Hòa 3 ca, H.Tuy An 1 ca.
Trước diễn biến dịch phức tạp, tỉnh Phú Yên đã thực hiện giãn cách toàn tỉnh theo chỉ thị 15 của Thủ tướng từ 0 giờ ngày 27.6. UBND TP.Tuy Hòa cũng quyết định tạm dừng hoạt động chợ Tuy Hòa từ 16 giờ chiều 28.6. Nhiều khu dân cư ở các huyện, thị: Đông Hòa, Sơn Hòa, Tuy An đã bị phong tỏa cách ly theo chỉ thị 16 của Thủ tướng. Ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho biết đã có văn bản đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ test nhanh, đồng thời yêu cầu các địa phương vận động toàn dân khai báo y tế.
Tính đến sáng 30.6, tỉnh Quảng Ngãi ghi nhận thêm 10 ca dương tính Covid-19, nâng tổng số ca mắc Covid-19 trên địa bàn lên 72 người, tất cả đều ở TX.Đức Phổ. Số mắc Covid-19 này chỉ sau 5 ngày phát hiện ca đầu tiên, đó là BN 14442, tài xế lái xe chở hàng đông lạnh, được phát hiện dương tính Covid-19 ở tỉnh Nghệ An ngày 25.6. Ngày 26.6, xã Phổ Châu (TX.Đức Phổ) ghi nhận 6 ca mắc Covid-19, các ngày tiếp theo là 9 ca, 19 ca, 21 ca và ngày 30.6 là 10 ca.
Từ 12 giờ ngày 26.6, tỉnh Quảng Ngãi đã quyết định áp dụng biện pháp phong tỏa, cách ly xã hội theo chỉ thị 16 đối với P.Phổ Thạnh và xã Phổ Châu của TX.Đức Phổ; đồng thời giãn cách xã hội theo chỉ thị 15 đối với TX.Đức Phổ và TP.Quảng Ngãi.
Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho biết dịch đang lây lan nhanh thì phải tăng tốc xét nghiệm sàng lọc nhanh. Theo chỉ đạo này, những ngày qua, ngành y tế Quảng Ngãi đã điều động 60 nhân viên, cán bộ ngày đêm tăng cường công tác truy vết, tăng tốc xét nghiệm sàng lọc Covid-19 trong cộng đồng đối với 33.000 dân ở xã Phổ Châu và P.Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ), trong đó có hôm, ngành y tế đi xuống tận từng nhà dân ở khu cách ly theo Chỉ thị 16 để test nhanh cho từng người.
Từ ngày 28 – 30.6, tỉnh Bình Định ghi nhận 4 trường hợp dương tính với Covid-19 tại TX.Hoài Nhơn. Từ 12 giờ ngày 30.6, UBND TX.Hoài Nhơn tạm thời thực hiện các biện pháp cách ly xã hội theo chỉ thị số 16 đối với các phường Tam Quan Bắc, Tam Quan Nam, Tam Quan và Hoài Hảo. UBND TX.Hoài Nhơn cũng đã thành lập 17 tổ tại 17 xã, phường để đi truy vết nhanh F1, F2. “Ngay sáng 28.6, khi phát hiện ca F0 đầu tiên trên địa bàn, TX.Hoài Nhơn đã khẩn trương khoanh vùng, thực hiện phong tỏa tạm thời, truy vết khẩn trương F1 để đưa vào khu cách ly tập trung, truy vết nhanh F2 để ra quyết định cách ly tại nhà. Hiện đã truy vết được 310 trường hợp F1, 1.320 trường hợp F2. Ngay trong đêm 29.6, chúng tôi tiến hành lấy mẫu test nhanh, đáng mừng là 100% F2 đã có kết quả âm tính”, ông Trần Hữu Thảo, Phó chủ tịch UBND TX.Hoài Nhơn, cho hay. (Thanh niên, trang 1).
TP.HCM phấn đấu lấy mẫu xét nghiệm 1 triệu mẫu gộp/ngày
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong vừa ban hành kế hoạch tổ chức đợt cao điểm kiểm soát tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn TP từ ngày 29.6 – 10.7. Trong các nhiệm vụ trọng tâm, UBND TP chỉ đạo ưu tiên xét nghiệm kiểm tra theo chuỗi tiếp xúc gần, có nguy cơ lây nhiễm cao với phương châm “thần tốc, có trọng tâm, trọng điểm” có kết quả trong vòng 12 giờ để nhanh chóng tầm soát các ca nhiễm. Tại các khu cách ly, khu phong tỏa, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm hằng ngày. Phấn đấu thực hiện 1 triệu mẫu gộp/ngày. UBND TP chỉ đạo lấy mẫu và xét nghiệm ở các KCX, KCN, KCNC trả kết quả nhanh (dưới 12 giờ). Tổ chức triển khai tự test nhanh Covid-19 cho công nhân, trong đó khuyến khích các doanh nghiệp tự chi trả chi phí mua test nhanh và xét nghiệm cho người lao động (NLĐ) 1 lần/tuần. Đối với chợ đầu mối, chợ truyền thống, nếu không đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch thì UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện phối hợp Sở Công thương tạm dừng hoạt động. Về cách ly, UBND TP giao sở, ngành liên quan tổ chức thí điểm cách ly F1 tại nhà theo hướng dẫn của Bộ Y tế, giao Sở Y tế chỉ đạo HCDC tham mưu thí điểm ở một số khu vực, hoàn thành kế hoạch trình UBND TP trước ngày 3.7. Giao Tổ công tác đàm phán và mua vắc xin Covid-19 để đẩy nhanh tiến độ, chậm nhất trong cuối quý 3/2021 phải tiếp nhận lô vắc xin đầu tiên.
Cùng ngày 30.6, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Bình Dương ghi nhận 81 ca dương tính, nâng tổng số ca nhiễm trên địa bàn lên 425 ca, trong đó Công ty TNHH Wanek (KCN VN – Singapore 2, TP.Thủ Dầu Một) có 99 ca đa số đều là công nhân. Theo CDC Bình Dương, trong số 81 ca dương tính mới được phát hiện, phần lớn là công nhân Công ty Wanek và đều tập trung ở khu nhà Tám Riềng (P.Tân Hiệp, TX.Tân Uyên).
Trong khi đó tại Đồng Nai, liên quan ổ dịch từ chợ đầu mối Hóc Môn (TP.HCM), ngày 30.6, Đồng Nai phát hiện thêm 11 ca dương tính với Covid-19 (đều ngụ xã Gia Tân 3, H.Thống Nhất), nâng tổng số ca liên quan đến ổ dịch chợ đầu mối Hóc Môn là 26. NLĐ ở TP.HCM, Bình Dương đến Đồng Nai phải có chứng nhận xét nghiệm âm tính
* Theo quy định do UBND tỉnh Đồng Nai ký ngày 29.6, về việc từ 0 giờ ngày 5.7, NLĐ làm việc tại Đồng Nai, nhưng sống ở TP.HCM, Bình Dương và ngược lại phải có giấy kết quả xét nghiệm âm tính.
Ngày 30.6, trả lời Thanh Niên, bác sĩ Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, cho biết xét nghiệm bằng phương pháp nào, tỉnh nào cũng được. Người dân xét nghiệm bằng test nhanh tại các cơ sở y tế, hoặc bằng phương pháp PCR và có thể xét nghiệm mẫu gộp để tiết kiệm chi phí. Đồng thời, lưu ý giấy xét nghiệm chỉ có giá trị trong 7 ngày và kết quả xét nghiệm ở các cơ sở y tế mới có giá trị.
Về quy định này, theo một cán bộ Trung tâm y tế TP.Thủ Đức (TP.HCM) thì lâu nay, trong chiến dịch xét nghiệm giám sát cộng đồng (hoặc xét nghiệm trong khu cách ly, phong tỏa), các quận vẫn cấp giấy xét nghiệm âm tính cho người dân có nhu cầu, nhất là người cần thiết để nộp cho các công ty như yêu cầu của Đồng Nai. Người được xét nghiệm cộng đồng ở phường nào thì đăng ký nhận kết quả ở phường đó, sau đó trung tâm y tế sẽ cấp giấy xét nghiệm (nếu âm tính). Tuy nhiên, vị này nhìn nhận hiện việc cấp giấy có khó khăn là do số lượng xét nghiệm cộng đồng tại TP.HCM đông, kết quả hơi chậm. Nếu người dân muốn làm nhanh thì đến các bệnh viện, có thể làm test nhanh hoặc RT-PCR, song cứ mỗi tuần làm 1 lần sẽ rất tốn kém cho người dân, nhất là công nhân. (Thanh niên, trang 2).
Bổ sung 7.650 tỉ đồng để mua 61 triệu liều vắc xin
Thủ tướng vừa ký ban hành Quyết định số 1022/QĐ-TTg ngày 30.6.2021 về bổ sung kinh phí cho Bộ Y tế để mua và sử dụng 61 triệu liều vắc xin phòng Covid-19.
Theo đó, hơn 7.650 tỉ đồng được bổ sung cho Bộ Y tế để mua và sử dụng 61 triệu liều vắc xin phòng Covid-19, trong đó 30 triệu liều của Công ty cổ phần vắc xin Việt Nam, do AstraZeneca sản xuất và 31 triệu liều do Pfizer sản xuất, như đề nghị của Bộ Tài chính và Bộ Y tế.
Tập đoàn AstraZeneca sẽ chuyển 8 triệu liều vắc xin cho Việt Nam
Tối 29.6, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã làm việc gấp với Tập đoàn AstraZeneca do ông Nitin Kapoor, Chủ tịch AstraZeneca tại các thị trường châu Á, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc AstraZeneca Việt Nam, làm trưởng đoàn, để thúc đẩy việc đưa vắc xin phòng Covid-19 về Việt Nam nhiều nhất, sớm nhất có thể; phối hợp, giúp đỡ, hỗ trợ nghiên cứu sản xuất, công nhận vắc xin trong nước; nghiên cứu giảm giá bán vắc xin cho Việt Nam để thực hiện chiến lược vắc xin trong hoàn cảnh còn nhiều khó khăn…
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Công ty AstraZeneca quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để Việt Nam có ít nhất 10 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 từ nay đến đầu tháng 8.2021 để thực hiện chiến lược vắc xin và tiêm miễn phí cho người dân, kịp thời, an toàn, hiệu quả.
Ông Nitin Kapoor hứa sẽ báo cáo Công ty AstraZeneca để ưu tiên và cố gắng thuyết phục chuyển cho Việt Nam ít nhất 8 triệu liều vắc xin ngay trong tháng 7 và đầu tháng 8.2021. Ông ghi nhận và cam kết sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền của AstraZeneca để nghiên cứu ưu tiên giảm giá bán vắc xin cho Việt Nam tốt nhất có thể. (Thanh niên, trang 3; Tuổi trẻ, trang 3; Sài Gòn giải phóng, trang 9).
Sở Y tế TP.HCM khó khăn khi tiếp cận nguồn vắc xin Covid-19
Sở Y tế TP.HCM cho biết tiếp cận nguồn vắc xin Covid-19 gặp nhiều khó khăn, nhất là nguồn cung ứng uy tín, đảm bảo nguồn gốc và chất lượng. Ngày 30.6, Sở Y tế cho biết vừa báo cáo UBND TP.HCM về việc tiếp cận các nguồn vắc xin phòng Covid-19. Theo đó, qua làm việc với các doanh nghiệp thì việc tiếp cận nguồn vắc xin Covid-19 gặp nhiều khó khăn, nhất là nguồn cung ứng uy tín, đảm bảo nguồn gốc và chất lượng.
Thông qua các đối tác, một số đơn vị đã liên hệ để đàm phán mua vắc xin, nhưng nhà sản xuất, nhà phân phối chỉ làm việc với các tổ chức do Chính phủ chỉ định. Bên cạnh đó, nguồn cung vắc xin đang khan hiếm, thời hạn dùng vắc xin ngắn nên nếu không kịp thời đặt hàng, lượng vắc xin dự kiến cung ứng cho TP sẽ được chuyển giao cho các thị trường khác.
Ngoài ra, giá cả vắc xin không được công bố chính thức cũng như chưa có cơ chế rõ ràng cho hợp tác công – tư và xã hội hóa việc tiêm chủng vắc xin Covid-19. Các tổ chức có nhu cầu tiêm vắc xin cho nhân viên của doanh nghiệp thành viên nhưng không thuộc đối tượng ưu tiên nên đang vướng mắc trong nguồn kinh phí thực hiện.
Do vậy, các đơn vị đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế có hướng dẫn cụ thể về hợp tác, chia sẻ số lượng vắc xin; cơ chế mua vắc xin tiêm chủng cho các tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu và tổ chức tiêm dịch vụ vắc xin nếu khả thi.
Sở Y tế đã xây dựng dự thảo trình UBND TP.HCM phát hành thư giới thiệu cho các đơn vị có nhu cầu để làm đối tác đàm phán với nhà sản xuất, nhà phân phối về các vấn đề liên quan đến mua vắc xin. Trước đó, TP.HCM được các doanh nghiệp tài trợ, giới thiệu hàng chục triệu liều vắc xin Covid-19.
Ở một diễn biến khác, tính đến 21 giờ ngày 30.6, TP.HCM tiêm được 838.394 liều vắc xin Covid-19. Trong đó có gần 526.125 người được tiêm ở các điểm tiêm cộng đồng, 312.269 người tiêm ở khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao. Đã có hơn 111.000 người hoãn tiêm sau khám sàng lọc và 781 người có phản ứng sau tiêm 30 phút. (Thanh niên, trang 3).
Đừng quá e dè, sợ hãi khi cần tiêm vaccine, vì dịch Covid-19 vẫn lẩn khuất đâu đó!
Quê tôi. Tỉnh Nghệ An. Một vùng quê ven biển vốn bình yên. Đại dịch Covid-19 hoành hành. Một ca dương tính xuất hiện. Làng quê bỗng trở nên xáo trộn hơn bao giờ hết!..
Chuyện ở quê tôi
Trước đó, khi Hà Nội trở thành một trong những địa phương xuất hiện nhiều ổ dịch, có lúc phải thực hiện giãn cách xã hội, người quê tôi ở Thủ đô vẫn hay nói vui với nhau rằng, hay là mình sơ tán về quê, nuôi cá và trồng thêm rau.
Người ở quê thỉnh thoảng lại gọi điện thoại ra cho con cái sau những lời hỏi han cũng não nề buông những tiếng thở dài, kiểu như thương chúng mày quá, dịch dã thế này biết bao giờ cho xong! Nguồn lương thực, thực phẩm từ quê bằng mọi cách đã được đưa về phố, đến với từng căn nhà đang mòn mỏi chống dịch.
Những lúc dịch căng thẳng nhất, những người quê chưa bao giờ nghĩ đến việc quê mình lại có ca dương tính, dù rằng loa truyền thanh xã vẫn phát đi các bản tin về tình hình dịch bệnh, kêu gọi người dân phải phòng dịch chống bệnh nghiêm cẩn. Nhưng dù thế nào đi nữa, dịch vẫn ở đâu đó ngoài kia, người dân quê nghĩ vậy…
Ca dương tính đầu tiên ở quê tôi được loa xã phát đi lúc 11h đêm. Hệ thống phòng, chống dịch Covid-19 bắt đầu được kích hoạt, liền sau đó là rào chắn được dựng lên, nhiều khu vực bị phong tỏa, và mới đây nhất, toàn xã đã trở thành một thành trì bất khả xâm phạm với các xã còn lại. Dịch không còn trên tivi hay loa phường, loa xã nữa, dịch đã hiển hiện ngay trên quê hương mình.
Rõ ràng, đại dịch Covid-19 không phân biệt bất kỳ ai, không loại trừ làng – xã – phường – phố hay quốc gia nào. Nó vẫn lượn lờ đâu đó ngoài kia và có thể chễm chệ xuất hiện ngay trên bất cứ cơ thể nào, dù có bệnh lý nền hay không. Tất cả chỉ phụ thuộc phần nhiều ở ý thức phòng dịch của mọi người.
Chuyện ở một chung cư mới của Hà Nội
Nơi tôi đang sống, một chung cư mới của Hà Nội. Vì là chung cư mới, lượng cư dân đổ về vẫn chưa đông, không có cảnh tấp nập ở hành lang hay thang máy. Có vẻ bởi thế mà cư dân chưa nghiêm túc thực hiện khuyến cáo “5K” của Bộ Y tế.
Có lần, khi bước vào thang máy, tôi chứng kiến một gia đình 5 người đủ thế hệ cười nói xôn xao nhưng không ai đeo khẩu trang. Tôi bày tỏ ý kiến của mình vào nhóm cư dân một cách khá nhẹ nhàng – dí dỏm rằng: Bằng mắt thường, tôi có thể nhận ra 5 người và 1 con chó chẳng ai đeo khẩu trang cả. Sau ý kiến đó, có cư dân nói lại: “Biết đâu họ đã tiêm vaccine Covid-19 rồi thì sao”. Hôm đó, đội tuyển Việt Nam đang có trận đấu ở vòng loại World Cup. Tôi dẫn chứng: “Các cổ động viên Việt Nam đi cổ vũ phải có kết quả xét nghiệm âm tính Covid-19 bằng RT-PCR, không quá 48 tiếng trước trận đấu; phải bảo đảm giãn cách theo quy định, không được rời chỗ ngồi trừ những trường hợp cần thiết; khán giả phải được tiêm vaccine Covid-19. Quy định chặt chẽ là thế, nhưng trên khán đài cổ động viên cũng phải đeo khẩu trang”.
Hơn nữa, tiêm vaccine không có nghĩa là miễn nhiễm hoàn toàn với Covid-19, phải có thời gian để vaccine phát huy hiệu quả và cũng phải tiêm đủ các mũi tiêm thì cá nhân đó mới đảm bảo được kháng thể trước dịch. Bởi thế, dù đã tiêm vaccine thì cũng nên thực hiện đầy đủ khuyến cáo “5K”, trong đó có việc đeo khẩu trang. Ý kiến đó của tôi được nhiều cư dân đồng tình và ghi nhận.
Đó là câu chuyện trong một cộng đồng nhỏ, nhỏ như khu dân cư. Đến một xã hội rộng hơn phạm vi một cơ quan, một tỉnh thành hay là trên cả nước, luôn luôn tồn tại. Mỗi người đều có những suy nghĩ chủ quan của riêng mình, tôn trọng ý kiến khác nhưng có những ý kiến cần được tranh luận, làm rõ và được thuyết phục chứng minh một cách hợp lý để tiệm cận hơn với cái đúng nhất.
Chuyện khi đi tiêm vaccine
Ngay cả việc tiêm vaccine Covid-19 cũng nhận được những ý kiến nhiều chiều. Có người sẵn sàng đi tiêm vaccine, nhưng cũng có người tỏ ra e dè, sợ hãi trước mũi tiêm này và viện cớ trì hoãn, chờ loại thuốc khác. Ai cũng có cái lý của mình.
Tôi là người đã tiêm một mũi vaccine, tôi cũng đứng về nhóm những người ủng hộ chủ trương này. Ở những đợt dịch trước, khi Việt Nam là ngôi sao đang lên trong phòng, chống dịch Covid-19, chúng ta có quyền tự hào bởi những gì chúng ta đã làm được. Khi số lượng người tử vong vì dịch bệnh ở các quốc gia, kể cả những nước phát triển tăng càng nhiều, chúng ta càng tự hào vì Việt Nam vẫn kiểm soát được dịch bệnh. Trong khi, nhiều Thủ đô, nhiều quốc gia phải cách ly xã hội thì các tỉnh, thành ở nước ta, người dân vẫn được tự do đi lại, duy trì hoạt động.
Nhưng nay, khi Việt Nam đang vất vả ở “làn sóng” thứ 4 của dịch bệnh, nhiều người dân đang phải dè sẻn thu nhập của mình ủng hộ Quỹ vaccine thì những trận bóng ở Vòng chung kết Euro 2020 (hoãn từ 2020 đến 2021 mới tổ chức được cũng vì lý do dịch bệnh) đã tràn ngập người trên khán đài, phần lớn chẳng cần phải đeo khẩu trang. Y như hình ảnh thời trước khi có dịch vậy.
Dĩ nhiên, để có được không khí ấy, nhiều người đã phải thiệt mạng vì dịch, nhưng giờ đây, với hiệu quả của vaccine, nhiều quốc gia đã trở lại cuộc sống bình thường, đạt được miễn dịch cộng đồng.
Tiêm hay không tiêm vaccine Covid-19 ở nước ta chưa phải là một yêu cầu bắt buộc, tuy nhiên, để đạt được miễn dịch cộng đồng, không còn cách nào khác là đại đa số người dân đều phải được tiêm vaccine. Lựa chọn của mỗi cá nhân trước tiêm vaccine Covid-19 cũng là một cách chung tay cùng cả nước để hướng tới một Việt Nam không còn Covid-19. (An ninh Thủ đô, trang 1).
Hà Nội rà soát các cơ sở y tế có số tiền khám chữa bệnh BHYT tăng bất thường
Tính đến ngày 30/6, tổng số tiền các bệnh viện đề nghị cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) Hà Nội thanh toán cho bệnh nhân bảo hiểm y tế (BHYT) vào khoảng 8.532,9 tỷ đồng… Ngày 30-6, thông tin từ BHXH TP Hà Nội thông tin, Ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam (1-7) năm nay có chủ đề “Thực hiện BHYT toàn dân góp phần nâng cao sức khỏe, đẩy lùi dịch bệnh Covid-19”.
Trong đợt cao điểm này, BHXH TP Hà Nội đang chú trọng đánh giá tình hình chi phí khám chữa bệnh và sử dụng nguồn kinh phí chi khám chữa bệnh BHYT của các cơ sở y tế trên địa bàn.
Đặc biệt, tập trung xác định các chỉ số gia tăng bất thường để thông báo, cảnh báo cho các cơ sở y tế kịp thời rà soát điều chỉnh, đồng thời thông tin để các sở, ngành liên quan kịp thời có các giải pháp chỉ đạo xử lý.
Số liệu cập nhật đến ngày 30-6 cho thấy, số người tham gia BHYT trên địa bàn Hà Nội là 7.300.029 người, tăng 60.935 người so với tháng 12/2020, tăng 327.593 người so với cùng kỳ năm 2020; tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 90.1% dân số (chỉ tiêu giao năm 2021 là 91,5%).
Trong khi đó, số lượt khám chữa bệnh BHYT là 4.858.364 lượt với chi phí bệnh viện đề nghị cơ quan BHXH thanh toán cho bệnh nhân BHYT khoảng 8.532,9 tỷ đồng bằng 45,4% dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao.
BHXH TP Hà Nội yêu cầu tổ chức công tác giám định chi phí khám chữa bệnh BHYT chặt chẽ; tăng cường công tác giám định theo các chuyên đề qua phân tích dữ liệu và cảnh báo của BHXH Việt Nam, kiên quyết từ chối thanh toán các chi phí không đúng quy định.
Mặt khác, BHXH TP Hà Nội sẽ tăng cường kiểm tra bệnh nhân nội trú trong giờ và ngoài giờ hành chính. Trường hợp phát hiện trục lợi và lạm dụng quỹ BHYT qua công tác kiểm tra, công tác giám định, sẽ báo cáo và chuyển cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.
Cũng theo BHXH TP Hà Nội, từ ngày 1-6 vừa qua, thành phố đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám chữa bệnh BHYT, người dân được sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID – BHXH số để khám, chữa bệnh thay thế cho thẻ BHYT bằng giấy.
Vì vậy, cần tăng cường triển khai cài đặt ứng dụng VssID cho người tham gia BHYT, nhân viên y tế và bệnh nhân để minh bạch thông tin về chi phí khám chữa bệnh BHYT, giúp người tham gia BHYT biết và tự giám sát chi phí khám chữa bệnh BHYT của mình. (An ninh Thủ đô, trang 4).
1 triệu liều vaccine Nhật Bản tặng Việt Nam sẽ về làm 2 đợt vào đầu tháng 7
Theo tin từ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật đã công bố nước này sẽ tiếp tục tặng Việt Nam thêm 1 triệu liều vắc xin AstraZeneca sau lô 1 triệu liều đã đến Việt Nam hôm 16.6.
Cụ thể, tại buổi họp báo hôm nay, 25.6, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản Motegi Toshimitsu đã công bố Nhật Bản sẽ tiếp tục cung cấp miễn phí cho Việt Nam khoảng 1 triệu liều vắc xin AstraZeneca.
Cùng với lô vắc xin do Nhật Bản cung cấp ngày 16.6 vừa qua, số lượng vắc xin do Nhật Bản cung cấp cho Việt Nam đến thời điểm này là khoảng 2 triệu liều.
Theo Đại sứ quán, việc Nhật Bản cung cấp vắc xin cho Việt Nam là minh chứng cho tình hữu nghị giữa hai nước. “Chúng ta hãy nắm chặt tay nhau để cùng vượt qua đại dịch Covid-19”, thông tin từ Đại sứ quán cho biết thêm.
Trước đó, hôm 15.6, tại buổi tiếp Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gửi lời cảm ơn chân thành tới Thủ tướng Suga, Chính phủ và nhân dân Nhật Bản về quyết định tặng Việt Nam 1 triệu liều vắc xin và nỗ lực khẩn trương để đưa vắc xin về Việt Nam trong ngày 16.6.
Đây là món quà quý báu, kịp thời, là nghĩa cử cao đẹp thể hiện sự cảm thông, chia sẻ lẫn nhau khi khó khăn, thể hiện tình hữu nghị giữa Chính phủ và nhân dân hai nước, theo Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Thủ tướng cũng đề nghị Chính phủ và các cơ quan liên quan của Nhật Bản tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong việc phòng chống và đẩy lùi đại dịch, hỗ trợ chuyển giao công nghệ và sản xuất vắc xin cho Việt Nam.
Trong điều kiện dịch bệnh còn nhiều diễn biến phức tạp, Thủ tướng đề nghị Đại sứ Yamada có ý kiến với Chính phủ, các cơ quan có thẩm quyền và các doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục thúc đẩy thương mại hai chiều, nhất là việc tạo điều kiện cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có thế mạnh như hàng nông thủy, hải sản, trái cây theo mùa vụ như vải thiều, xoài, nhãn… được vào thị trường Nhật Bản nhiều hơn, kể cả bằng giao dịch thương mại điện tử.
Thủ tướng kêu gọi các nhà đầu tư Nhật Bản tiếp tục đầu tư vào Việt Nam, nhất là đầu tư vào hạ tầng và các lĩnh vực Nhật Bản có thế mạnh và Việt Nam có tiềm năng.
Thủ tướng cũng mong Chính phủ Nhật Bản tạo điều kiện để 450.000 người Việt đang sống tại Nhật Bản có cuộc sống an toàn, ổn định, đóng góp vào thúc đẩy quan hệ giữa hai nước; đề nghị Nhật Bản xem xét tiếp nhận các thực tập sinh Việt Nam, nhất là những người có visa đang chờ sang Nhật Bản; sớm nối lại các chuyến bay thương mại khi điều kiện cho phép; mong muốn thúc đẩy mạnh mẽ việc thực hiện các hiệp định kinh tế mà hai bên đã ký kết đi vào thực chất, hiệu quả hơn.
Tại buổi tiếp này, Đại sứ Yamada Takio khẳng định cam kết hợp tác mạnh mẽ của Chính phủ Nhật Bản với Việt Nam, cho rằng Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư tốt nhất với các doanh nghiệp và nhà đầu tư Nhật Bản. Đại sứ sẽ chuyển ngay thông điệp và những ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Chính phủ và Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide. (Công an nhân dân, trang 1).