Điểm báo ngày 02/8/2018

(CDC Hà Nam)

 

Nỗ lực giảm thời gian chờ khám, chữa bệnh; 392 cán bộ, đảng viên, người lao động tham gia hiến máu tình nguyện; Đình chỉ lưu hành thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng; Còn nhiều bất thường về chi phí khám chữa bệnh BHYT…

 

Nỗ lực giảm thời gian chờ khám, chữa bệnh

Tại các bệnh viện tuyến huyện, tỉnh, thời gian chờ khám bệnh đã rút ngắn khá nhiều so với trước đây. Nhưng ở bệnh viện tuyến trung ương, thời gian chờ vẫn còn dài, cho nên ngành y tế đã yêu cầu các bệnh viện thực hiện ngay những giải pháp cụ thể để rút ngắn thời gian chờ đợi của người bệnh.

Triển khai Ðề án giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013 – 2020 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã tập trung thực hiện đồng bộ nhiều nhóm giải pháp, trong đó có giảm quá tải khu vực ngoại trú bằng việc cải tiến quy trình khám bệnh. Toàn ngành thống nhất quy trình khám bệnh tại tất cả các bệnh viện đối với người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế và người bệnh khám, chữa bệnh theo yêu cầu theo quy trình cơ bản gồm 4 đến 8 bước (tùy theo tính chất của bệnh và yêu cầu của bác sĩ đối với các xét nghiệm hỗ trợ chẩn đoán), giảm khoảng 50% so với quy trình từ 10 đến 15 bước trước đây. Ðồng thời, cắt giảm một số thủ tục hành chính như: bệnh viện phải phô-tô giấy tờ cần thiết thay vì yêu cầu người bệnh phải tự phô tô; sau khi làm xét nghiệm, người bệnh không phải chờ để tự lấy kết quả xét nghiệm (trừ kết quả chẩn đoán hình ảnh); cắt giảm hai trong năm chữ ký trong phiếu thanh toán viện phí khi ra viện. Bộ Y tế cũng yêu cầu bệnh viện tăng số bàn khám để giảm số lượng khám trên mỗi bàn khám và giúp bác sĩ có thể tăng thời gian khám, tư vấn cho người bệnh.

Sau 5 năm thực hiện Quyết định 1313/QÐ-BYT hướng dẫn quy trình khám bệnh tại bệnh viện, các cơ sở y tế cũng đã tích cực triển khai nhiều hoạt động cải thiện môi trường khoa phòng, khu vực khám bệnh; cải tiến quy trình, rút ngắn thời gian chờ khám bệnh; thực hiện cải tiến môi trường vệ sinh chung của bệnh viện theo hướng khang trang, thuận tiện, tiện nghi, sạch đẹp hơn… Nhờ đó, kết quả khảo sát sự hài lòng cho thấy yếu tố hài lòng nhất của người bệnh là khả năng tiếp cận dịch vụ khám, chữa bệnh.

Báo cáo của Cục Quản lý chất lượng khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho thấy: thời gian khám lâm sàng chung của cả ba tuyến bình quân là 66,5 phút (giảm 53,5 phút); tuy nhiên thời gian chờ vẫn rất dài, với 45,4 phút. Khám lâm sàng theo hai kỹ thuật phối hợp cả xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh là 200 phút (giảm so với quy định 40 phút), tuy nhiên thời gian chờ là 92,6 phút… Bình quân giảm thời gian khám bệnh trên một lượt khám so với trước khi có cải tiến là 48,5 phút, qua đó tiết kiệm được tới hơn 27 triệu ngày công lao động mỗi năm.

Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, hiện nay tại các bệnh viện tuyến huyện, tỉnh, thời gian chờ khám của người dân đã giảm đi rất nhiều. Tuy nhiên, tại các bệnh viện tuyến trung ương, người bệnh vẫn phải chờ rất lâu. Người bệnh đi khám nhịn ăn sáng, xếp hàng lấy số từ 5 – 6 giờ sáng nhưng phải đến 8 – 9 giờ mới được khám. Những trường hợp phải làm thêm các xét nghiệm sinh hóa, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng… thì có thể kéo đến chiều. Chính vì vậy, người đứng đầu ngành y tế đưa ra mục tiêu: Không thể để người bệnh chờ khám cả buổi, bằng mọi giải pháp quyết liệt để người bệnh không phải đợi quá lâu. Các bệnh viện phải quyết tâm, phải đặt quyền lợi của người bệnh lên trước để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng giờ khám, bàn khám, khám sớm và có thể tính đến giải pháp khám sau 17 giờ và hẹn khám theo giờ.

Thống kê của nhiều bệnh viện, kể cả bệnh viện tuyến trung ương cho thấy, có tới 80% số người bệnh tới khám vào buổi sáng, trong khi buổi chiều lại vắng vẻ. Vì thế, giải pháp đơn giản nhất là hẹn thời gian khám bệnh. Ở nhiều nước trên thế giới đã thực hiện đặt lịch hẹn khám, khi họ đến khám chỉ cần chờ từ 5 đến 10 phút. Tuy nhiên, khi đã đặt lịch thì phải bố trí người khám cẩn thận, chu đáo, sau một lần sẽ thành thói quen, người bệnh đỡ phải chờ đợi. Với những người bệnh chỉ đến tái khám, không phải làm xét nghiệm thì nên chuyển sang buổi chiều.

Theo kinh nghiệm của nhiều nước, muốn giảm thời gian chờ khám bệnh, phải đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin. Người bệnh đặt lịch online; giới hạn số lượt khám bệnh từng ngày; thống kê sự tăng giảm số lượng người bệnh theo từng ngày để bố trí đội ngũ bác sĩ và đầu tư trang thiết bị vào những khu vực có nhu cầu. Ngoài ra, nên triển khai hệ thống thông báo tin nhắn SMS khi gần đến lượt khám của người bệnh. Giảm tối đa dùng giấy, tất cả thông tin đều được liên kết bằng hệ thống máy tính. Người bệnh khi khám sẽ được cấp mã số thông suốt trong suốt quá trình khám, chữa bệnh ở các bệnh viện.

Để rút ngắn thời gian chờ đợi, các bệnh viện cần cải cách hơn nữa các thủ tục hành chính, nhất là những hạn chế trong quy trình nhận diện thẻ bảo hiểm y tế; tăng cường dịch vụ đặt lịch khám qua điện thoại, có sự phối hợp tích cực của cơ quan bảo hiểm xã hội để quản lý người bệnh, hỗ trợ máy lấy số thứ tự cho một số bệnh viện.

Giải pháp về lâu dài mà ngành y tế cũng đang tích cực triển khai là nâng cao chất lượng y tế cơ sở để đưa người mắc các bệnh mạn tính như: tăng huyết áp, tiểu đường… về khám định kỳ, nhận thuốc tại tuyến y tế cơ sở, không cần phải lên tuyến trên, vừa tránh tình trạng quá tải, vừa giúp người bệnh không phải chờ lâu và giảm chi phí đi lại. (Nhân dân, trang 5).

392 cán bộ, đảng viên, người lao động tham gia hiến máu tình nguyện

Sáng 1/8, Đảng ủy Khối các Cơ quan tỉnh phối hợp với Trung tâm Huyết học – Truyền máu thuộc Bệnh viện Trung ương Huế tổ chức hội nghị hiến máu tình nguyện năm 2018.

Tham gia đợt hiến máu lần này có 392 cán bộ, đảng viên, người lao động đến từ 71 chi, đảng bộ trực thuộc Đảng bộ Khối các Cơ quan tỉnh tự nguyện đăng ký hiến máu.

Mỗi người tự nguyện hiến từ 250 đến 350ml máu. Đây là nghĩa cử cao đẹp của đông đảo cán bộ, đảng viên, người lao động trong khối.

Được biết, phong trào hiến máu tình nguyện được Đảng ủy Khối các Cơ quan tỉnh phát động và duy trì từ năm 2008 đến nay. (Nhân dân, trang 5).

Đình chỉ lưu hành thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng

Ngày 1/8, đại diện Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết Cục vừa có văn bản đình chỉ lưu hành thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ.

Theo đó, ở Thành phố Hồ Chí Minh, Cục Quản lý Dược yêu cầu đình chỉ thuốc viên nang cứng Fenbrat 200M (Fenofibrat micronised 200mg), số đăng ký VD-27136-17, số lô 0118, hạn dùng ngày 1/2/2021 do Công ty cổ phần dược phẩm và sinh học y tế sản xuất.  (Nhân dân, trang 5).

Còn nhiều bất thường về chi phí khám chữa bệnh BHYT

Ông Ðàm Hiếu Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Giám định bảo hiểm y tế (BHYT) và Thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam) cho biết: Qua thống kê, vẫn có tình trạng đề nghị thanh toán dịch vụ kỹ thuật cao bất thường.

Còn nhiều chi phí quá cao

Ông Ðàm Hiếu Trung cho hay, qua hệ thống giám định BHYT, trong nửa đầu năm xuất hiện dịch vụ kỹ thuật phẫu thuật viêm phúc mạc ruột thừa cao bất thường tại một số cơ sở y tế. Cụ thể, tại Bệnh viện tỉnh Vĩnh Phúc có 371/375 trường hợp phẫu thuật viêm phúc mạc ruột thừa; Bệnh viện huyện Krông Pắc (Ðắk Lắk) có 86/86 trường hợp; Trung tâm y tế xã Thuận An (Bình Dương) có 62/62 trường hợp;  Bệnh viện Lục Ngạn (Bắc Giang) có 147/147 trường hợp.

Tuy nhiên, kiểm tra hồ sơ bệnh án tại các cơ sở khám chữa bệnh lại cho kết quả khá “bất ngờ”. Tại Bệnh viện đa khoa huyện Krông Pắc, 100% bệnh án được kiểm tra không phải là viêm phúc mạc ruột thừa; tại Trung tâm y tế thị xã Thuận An, có 60/62 trường hợp không phải viêm phúc mạc ruột thừa; tại Bệnh viện đa khoa khu vực Lục Ngạn, có 18/75 trường hợp không phải viêm phúc mạc ruột thừa… “Viêm phúc mạng ruột thừa là biến chứng khi bệnh nhân bị viêm ruột thừa nhưng đến BV muộn. Mức giá thanh toán của dịch vụ phẫu thuật viêm ruột thừa đơn thuần là 1,4 triệu đồng, mức giá viêm phúc mạng ruột thừa cao gấp đôi (2,8 triệu đồng). Ngoài ra, còn nhiều dịch vụ khác phải đi kèm…”, ông Trung phân tích và cho biết thêm, sau khi kiểm tra, toàn bộ chi phí sai sót này đã bị BHXH các tỉnh từ chối thanh toán.

Bên cạnh đó, tỷ lệ chi phí tiền giường bệnh nội trú của các tỉnh Hậu Giang, Ðồng Tháp, Ðắk Nông, Cao Bằng cao so với tỷ lệ bình quân toàn quốc. Ðơn cử: Hậu Giang có tỷ lệ tiền giường nội trú/tổng chi nội trú là 55,24/117,64 tỷ đồng (chiếm 46,96%); Ðồng Tháp 123,50/293,57 tỷ đồng (chiếm 42,07%); Ðắk Nông 21,08/50,78 tỷ đồng (chiếm 41,51%); Cao Bằng 42,98/104,38 tỷ đồng (chiếm 41,18%). Trong khi đó, tỷ lệ bình quân toàn quốc là 8.739/33.159 tỷ đồng (chiếm 26,36%).

Theo số liệu trên Hệ thống giám định, tính đến 30/6, tỷ lệ sử dụng Quỹ BHYT trên toàn quốc so với dự toán cả năm là 51,97%. Có một số tỉnh có tỷ lệ sử dụng Quỹ BHYT cao so với dự toán cả năm, như: Quảng Ninh 57,63%; Khánh Hòa 56,86%; Tiền Giang 56,65%; Ðồng Tháp 56,39% và Bạc Liêu 56,36%…

Ðánh giá tình hình liên thông dữ liệu khám chữa bệnh BHYT vẫn chưa đạt yêu cầu, ông Trung cho biết, việc các cơ sở y tế chậm chuyển dữ liệu sẽ ảnh hưởng đến đánh giá dự toán, phân tích dữ liệu và không đúng theo quy định của Bộ Y tế tại Thông tư 48. Trong tháng 7/2018, tỷ lệ gửi hồ sơ đúng ngày của toàn quốc là 74,54%, trong đó 5 tỉnh có tỷ lệ thấp nhất là: Hà Nội 35,49%; Quảng Nam 46,72%; Thái Nguyên 47,49%; TPHCM 52,81%; Nam Ðịnh 53,37%…

Khởi sắc giảm nợ đọng

Theo báo cáo của Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam, ước đến 31/7, toàn quốc có 13,94 triệu người tham gia BHXH bắt buộc; 230.00 người tham gia BHXH tự nguyện; 11,89 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp; 81,69 triệu người tham gia BHYT (đạt tỷ lệ bao phủ 87,2% dân số). Lũy kế đến hết tháng 7/2018, toàn ngành thu 178.823 tỷ đồng (đạt 54,2% kế hoạch cả năm).

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Ðào Việt Ánh cho biết, bên cạnh kết quả thu đạt nhiều khả quan, tỷ lệ nợ BHXH, BHYT cũng giảm mạnh. Hiện nợ BHXH còn 7.200 tỷ đồng (bằng 3,6% số phải thu). Theo ông Ánh, đây là lần đầu tiên trong nhiều năm qua số nợ giảm dưới 5% số phải thu.

Nhiều giải pháp tăng thu, giảm nợ đã được BHXH Việt Nam chỉ đạo BHXH các địa phương triển khai quyết liệt và đồng bộ. Ngoài việc cử cán bộ chuyên quản thu trực tiếp đôn đốc các đơn vị, doanh nghiệp, cơ quan BHXH còn đẩy mạnh hoạt động thanh tra, xử phạt các đơn vị vi phạm theo quy định của Luật BHXH; công khai danh tính đơn vị nợ đọng BHXH, BHYT trên các phương tiện thông tin đại chúng…

Song song với các giải pháp đốc thu, quyền lợi của người tham gia BHXH, BHYT cũng được đảm bảo kịp thời. Trong 7 tháng đầu năm, toàn ngành đã giải quyết 69.206 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng; 456.898 người hưởng trợ cấp 1 lần; 5.753.418 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản. Cả nước đã có 100,16 triệu lượt người khám chữa bệnh được quỹ BHYT chi trả, với mức chi khoảng 55.837 tỷ đồng. Ngành BHXH phối hợp với ngành LÐ-TB&XH giải quyết cho 373.887 người hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp và 18.986 người hưởng kinh phí hỗ trợ học nghề…

Theo BHXH Việt Nam, trong 7 tháng đầu năm, BHXH Việt Nam đã thanh, kiểm tra hơn 8.100 đơn vị và phát hiện hàng loạt các sai phạm trong việc đóng các chế độ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp. Qua thanh kiểm tra phát hiện hơn 17.786 người lao động chưa được đóng, đóng thiếu BHXH, số tiền truy đóng hơn 40 tỷ đồng. Trước khi thanh kiểm tra, các doanh nghiệp nợ BHXH hơn 1.146 tỷ đồng, nhưng ngay khi biết bị thanh kiểm tra, các doanh nghiệp đã trả hơn 661 tỷ đồng. Ðồng thời, cơ quan BHXH cũng ban hành 364 quyết định xử phạt hành chính với số tiền hơn 11,2 tỷ đồng, hiện đã thu hơn 2,9 tỷ đồng. (Tiền phong, trang 12).

 

Ấn tượng những ca chuyển tạng ghép xuyên Việt

 qua lời kể người trong cuộc

Không chỉ ghi dấu ấn là nước đầu tiên trên thế giới sử dụng hàng không dân dụng vận chuyển tạng ghép cho người bệnh hiểm nghèo, đến nay, Việt Nam đã có 5 ca vận chuyển tạng xuyên Việt thành công. Với những người trực tiếp tham gia, mỗi ca là một ấn tượng đậm nét…

Chia sẻ trước báo chí về kỷ niệm trong những chuyến vận chuyển tạng xuyên Việt này, PGS.TS Nguyễn Hữu Ước, Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch lồng ngực – Bệnh viện Việt Đức kể, mỗi một ca vận chuyển tạng ghép tim xuyên Việt là một dấu ấn đọng lại rất nhiều cảm xúc với những người trong cuộc. Có những chuyến bay vận chuyển tạng, để kịp đảm bảo thời gian, kíp bác sĩ còn không kịp ăn sau những ca phẫu thuật kéo dài để lấy tạng hiến trước đó, rồi tranh thủ ăn bánh mỳ trên đường vận chuyển tạng từ TP.HCM ra Hà Nội.

“Ngay ở ca vận chuyển tạng xuyên Việt đầu tiên, kíp bác sĩ của Bệnh viện Việt Đức đã hội chẩn rất lâu, động viên nhau vì chuẩn bị làm điều không tưởng. Bởi chặng đường vận chuyển quá xa, không chủ động được thời gian đi lại. Rồi khi lên máy bay phải tính toán ngồi đâu, quả tim để đâu cho đảm bảo an toàn, làm sao để bảo quản tạng,…” – PGS Nguyễn Hữu Ước kể.

Lo toan, rồi khó khăn là không nhỏ. Nhưng rồi tự các y bác sĩ lại động viên nhau rằng, mình làm việc vì cái tâm nên phải cố gắng hết sức để vượt qua những khó khăn ban đầu ấy.

“Trước một trận đánh lớn, chúng tôi phải thiết kế hết. Chúng tôi ghi các bước thực hiện vào một tờ giấy, ai thực hiện. Đến khi sự việc diễn ra, mọi người cứ theo phân công mà thực hiện” – PGS.TS Ước nói thêm.

Chị Dư Thị Ngọc Thu – cán bộ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh) cũng là một người cũng từng tham gia trực tiếp vào một ca vận chuyển tạng xuyên Việt từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh để ghép kịp thời cho người bệnh hiểm nghèo. Chị Thu chia sẻ, trong lần đầu tiên ôm thùng đựng tạng lên sân bay từ Hà Nội vào Bệnh viện Chợ Rẫy, kíp ý bác sĩ trong đoàn ai cũng rất lo lắng.

Theo chị Thu, tại các nước tiên tiến, họ vận chuyển tạng bằng máy bay chuyên dụng trong điều kiện không lo hủy chuyến, thùng bảo quản tạng an toàn nhưng cũng chỉ dám đi 500km. Còn ca đầu tiên này vận chuyển bằng máy bay dân dụng, chặng đường dài gần 2.000km.

“Chúng tôi sợ nhất là hủy chuyến, chậm chuyến khi vận chuyển quả tim của người hiến từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh. Rất may, nhờ sự nỗ lực của các bên, sự hỗ trợ của hãng hàng không quốc gia mà các chuyến bay chở tạng đến nơi an toàn” – chị Thu kể lại.

Còn chị Đặng Hồng Vân, tiếp viên hàng không Vietnam Airlines – người từng tham gia vận chuyển tạng xuyên Việt kể, khi được thông báo trên chuyên bay của mình có vận chuyển tạng của người chết não hiến tặng, tổ bay hôm đó đều rất bất ngờ và lo lắng vì phải tìm phương án hỗ trợ bác sĩ để vận chuyển mô tạng an toàn nhất. Bản thân chị Vân đã chuẩn bị một đoạn dây dài để néo thùng tạng nhằm tránh xô đổ nếu không may máy bay rung lắc khi đi vào vùng thời tiết xấu. Trên chuyến bay, hình ảnh nữ tiếp viên thường xuyên kiểm tra lại dây néo một chiếc thùng đựng tạng người khiến nhiều hành khách chứng kiến xúc động.

Nói về thành tích vận chuyển tạng xuyên Việt, PGS.TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, Việt Nam đã ghi dấu ấn lịch sử là nước đầu tiên trên thế giới sử dụng hàng không dân dụng để vận chuyển tạng hàng nghìn cây số cứu sống nhiều người bệnh hiểm nghèo.

“Đây là sự kiện thế giới, các nước trong khu vực đều ngạc nhiên vì họ không hiểu tại sao Việt Nam lại tổ chức được hệ thống hoàn hảo như thế để bảo đảm được giờ giấc, bảo quản được thời gian tạng tối ưu…” – PGS.TS Phạm Như Hiệp chia sẻ. (An ninh Thủ đô, trang 15).

Bảo đảm sức khỏe người bệnh từ bếp ăn bệnh viện

Trong tháng 7-2018, các đoàn kiểm tra của Sở Y tế Hà Nội, Chi cục An toàn, vệ sinh thực phẩm Hà Nội đã kiểm tra hơn 40 bếp ăn tập thể của các bệnh viện tuyến trung ương và thành phố trên địa bàn. Qua kiểm tra cho thấy, nhiều bếp ăn của bệnh viện đã tuân thủ đầy đủ các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, song vẫn còn nơi chưa bảo đảm theo nguyên tắc một chiều, thiếu dụng cụ che chắn côn trùng, khu vực chế biến sắp xếp lộn xộn…Vẫn tồn tại vi phạm…

Bếp ăn Bệnh viện Đa khoa Đông Anh hoạt động từ tháng 11-2017 do Công ty cổ phần Đầu tư thương mại và sản xuất Đức Tiến đảm nhận. Tại đây, trung bình cung cấp từ 300 đến 500 suất ăn/ngày cho cán bộ, nhân viên bệnh viện, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở đấu thầu bếp ăn đã xuất trình đầy đủ hồ sơ pháp lý.

Tuy nhiên, khi kiểm tra trên thực tế, khu vực bếp sắp xếp chưa gọn gàng, chưa tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm. Hệ thống thoát nước kém khiến nước ứ đọng trên mặt sàn, khu vực tập kết rác ngay cửa khu tiếp nhận thực phẩm, dụng cụ vệ sinh sàn nhà bếp để không đúng nơi quy định, thực phẩm sống – chín để lẫn lộn dù đã có tủ bảo quản riêng. Thêm vào đó, cửa sổ khu bếp và tủ đựng bát đĩa không trang bị lưới che chắn côn trùng. Đoàn kiểm tra đã xét nghiệm tinh bột bám trên bát đĩa được lấy ngẫu nhiên, kết quả 3/10 mẫu không đạt tiêu chuẩn.

Còn tại Bệnh viện Đa khoa Sóc Sơn, bếp ăn tập thể được Khoa Dinh dưỡng của bệnh viện phụ trách. Tại đây, Khoa Dinh dưỡng có trách nhiệm chăm lo, phục vụ ăn uống cho người bệnh nội trú, người nhà người bệnh và cán bộ, viên chức của bệnh viện bảo đảm về số lượng, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là quản lý chặt chẽ chế độ ăn uống theo từng bệnh lý. Thế nhưng, do khu vực bếp có diện tích chật hẹp, nên mặc dù tuân thủ theo nguyên tắc một chiều, song khu vực sơ chế đồ sống và đồ chín còn gần nhau, nền nhà bếp trơn trượt, thiếu các lưới chắn côn trùng tại các cửa sổ…

Theo đánh giá của ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, dinh dưỡng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình điều trị bệnh. Vì vậy, quy trình chế biến thức ăn tại bệnh viện phải bảo đảm tuyệt đối an toàn. Kết thúc mỗi buổi kiểm tra, đoàn kiểm tra đều yêu cầu các đơn vị có những lỗi vi phạm khẩn trương khắc phục. Mặt khác, đoàn kiểm tra cũng yêu cầu bệnh viện giám sát quá trình khắc phục vi phạm của đơn vị phụ trách bếp ăn. Nếu đơn vị cố tình không thực hiện sẽ kiên quyết xử lý hoặc chấm dứt hợp đồng.

Tăng cường quản lý nguồn gốc thực phẩm

Khó khăn lớn nhất đối với việc quản lý các bếp ăn tập thể nói chung và bếp ăn bệnh viện nói riêng, đó là vấn đề truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Vậy, việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại các bếp ăn bệnh viện được tiến hành như thế nào?

Về vấn đề này, bà Hoàng Thị Minh Thu, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn, vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho rằng, các thực phẩm đưa vào bếp ăn bệnh viện nói riêng và bếp ăn tập thể nói chung phải bảo đảm đầy đủ các tiêu chí, đó là có nguồn gốc rõ ràng, có hợp đồng mua bán giữa nơi tiếp nhận và nơi cung cấp thực phẩm, giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm của đơn vị cung cấp, có hóa đơn mua bán hằng ngày. Nếu là sản phẩm động vật phải có giấy kiểm dịch thú y. Còn với sản phẩm bao gói sẵn phải có bản công bố tiêu chuẩn chứng minh sự an toàn…

“Qua kiểm tra, nếu phát hiện sản phẩm có nghi ngờ xảy ra ngộ độc thực phẩm, cơ quan chức năng sẽ tạm thời đình chỉ sản phẩm để truy xuất nguồn gốc. Trách nhiệm chính để xảy ra các sai phạm trong vấn đề an toàn thực phẩm cũng như để xảy ra ngộ độc thực phẩm là cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, tiếp đến là xem xét trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước và các đoàn thể…” – bà Hoàng Thị Minh Thu cho biết.

Cũng theo bà Hoàng Thị Minh Thu, dinh dưỡng bệnh viện đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình phục hồi sức khỏe của người bệnh. Vì vậy, qua mỗi đợt kiểm tra, Sở Y tế Hà Nội, Chi cục An toàn, vệ sinh thực phẩm Hà Nội đều yêu cầu các đơn vị y tế tích cực đầu tư cơ sở vật chất cho hoạt động dinh dưỡng tại bệnh viện; bổ sung dụng cụ chuyên dụng như: Dụng cụ bảo quản và chế biến thực phẩm, dụng cụ bảo quản thức ăn, dụng cụ lưu mẫu thức ăn, hệ thống rửa, bảo quản dụng cụ; phương tiện vận chuyển suất ăn tới người bệnh và cả bộ dụng cụ xét nghiệm nhanh về an toàn thực phẩm…

Để quản lý chất lượng an toàn thực phẩm của bếp ăn, theo bà Hoàng Thị Minh Thu, cùng với sự vào cuộc của cơ quan chức năng, hằng ngày, phòng điều dưỡng, khoa dinh dưỡng của bệnh viện cần kiểm tra chất lượng thực phẩm tươi sống, kiểm tra thức ăn chín; đồng thời ghi nhận ý kiến của bệnh nhân về các suất ăn sau mỗi cuộc họp hội đồng người bệnh để trao đổi với nhà bếp.

Cùng với đó, tại các bệnh viện sẽ xây dựng các tài liệu truyền thông về dinh dưỡng, tiết chế, an toàn thực phẩm và phổ biến cho người bệnh, người nhà người bệnh và nhân viên y tế trong bệnh viện; tổ chức giáo dục sức khỏe và hướng dẫn cho người bệnh, người nhà người bệnh thực hiện chế độ ăn và an toàn thực phẩm. (Hà Nội mới, trang 5).

Theo T5g

 

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 11/5/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 04/8/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 28/8/2018

admin

Để lại bình luận