Điểm báo ngày 03/12/2021

(CDC Hà Nam)
Phải sản xuất được vaccine phòng COVID-19 trong nước sớm nhất, đảm bảo khoa học, an toàn, hiệu quả; Tăng cường rà soát công tác tiêm vaccine; quản lý, điều trị người nhiễm Covid-19; Phải kiên trì thực hiện ”thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”…

 

Tích cực điều trị F0 tại nhà

Những ngày gần đây, do số lượng người mắc Covid-19 (F0) tăng cao, nhiều tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long đã triển khai điều trị tại nhà cho những trường hợp không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Quá trình triển khai đã bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc cần khắc phục để phát huy hiệu quả của phương thức điều trị, thích ứng an toàn với dịch bệnh.

Triển khai điều trị tại nhà, người bệnh được phát thuốc, tư vấn, theo dõi chăm sóc tại chính gia đình mình, sinh hoạt hầu như không bị đảo lộn, tâm lý thoải mái hơn điều trị tập trung nên khá thuận lợi, hiệu quả.

Giảm tải cho hệ thống y tế

An Giang là địa phương sớm chủ động thí điểm điều trị F0 tại nhà và mang lại hiệu quả tích cực, cho nên từ đầu tháng 12, tỉnh đã triển khai điều trị F0 tại nhà cho hơn 2.000 bệnh nhân. Chị N.T.T, ngụ phường Mỹ Bình, TP Long Xuyên là F0 không triệu chứng đủ điều kiện cách ly, điều trị tại nhà và sau 7 ngày điều trị, tình trạng sức khỏe của chị T. ổn định, kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 nên chị rất phấn khởi… và tiếp tục liệu trình điều trị thêm 7 ngày, sau đó kết quả cũng âm tính, chị hoàn thành cách ly và trở lại cuộc sống bình thường.

Tương tự, ông P.V.T ngụ phường Mỹ Long, TP Long Xuyên bị nhiễm Covid-19 triệu chứng nhẹ nên được cách ly, điều trị tại nhà trong phòng riêng, bảo đảm không tiếp xúc người thân. Ông T. tuân thủ các chỉ dẫn của y bác sĩ và đến ngày thứ 5 khi tự test cho kết quả âm tính, các y bác sĩ làm xét nghiệm PCR cho ông và người nhà đều cho kết quả âm tính, sau 7 ngày cách ly tiếp kết quả xét nghiệm PCR lại âm tính nên ông T. hoàn thành cách ly.

Giám đốc Sở Y tế An Giang, Trần Quang Hiền cho biết, những F0 đủ điều kiện cách ly điều trị tại nhà đều được trạm y tế lưu động cấp các túi thuốc điều trị Covid-19. Ngoài ra, mỗi trạm y tế xã, phường đều trang bị sẵn các bình oxy, máy thở, máy đo nồng độ oxy trong máu (SpO2) để hỗ trợ kịp thời F0 khi chuyển biến bệnh. Nhờ vậy, bước đầu việc điều trị F0 tại nhà cho thấy hiệu quả rất tốt, chỉ có số ít trường hợp bệnh có dấu hiệu nặng lên, nhưng cũng ở mức trung bình, từ đó giảm hẳn tình trạng lây nhiễm chéo nếu như đưa các F0 này vào trong khu cách ly tập trung.

Tỉnh Đồng Tháp chưa thực hiện điều trị F0 tại nhà trên diện rộng mà đang thực hiện thí điểm điều trị 2 giai đoạn cho hơn 1.400 người bệnh theo “quy trình 7-7” (7 ngày điều trị tập trung và 7 ngày điều trị tại nhà) để giảm tải áp lực điều trị tại bệnh viện. Chủ tịch UBND thành phố Hồng Ngự, Phạm Tấn Đạt cho biết: Hiện nay, thành phố đang thực hiện điều trị gần 300 trường hợp nhiễm Covid-19 tại nhà. Có một số trường hợp gia đình đủ điều kiện cách ly tại nhà dạng không có triệu chứng hoặc chỉ số CT (tải lượng vi-rút trong cơ thể) trên 30; một số trường hợp điều trị 7 ngày tại cơ sở điều trị tập trung, tiếp tục về cách ly điều trị 7 ngày tại nhà. Thuận lợi trong điều trị F0 tại nhà là phần lớn bà con yên tâm sinh hoạt tại nhà vì cảm thấy thoải mái hơn. Tuy nhiên, có tình trạng F0 điều trị tại nhà nhưng không ý thức, có đi ra ngoài, vi phạm cam kết điều trị tại nhà…

TP Cần Thơ đang điều trị tại nhà cho gần 11 nghìn F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Định kỳ, các F0 này được cán bộ ở trạm y tế, đội y tế lưu động thăm hỏi diễn biến bệnh, tư vấn cách điều trị, cấp phát thuốc, lấy mẫu xét nghiệm… Các trạm y tế lưu động có trang bị máy thở, bình oxy, máy đo SpO2, phương tiện cấp cứu để kịp thời chuyển tuyến khi người bệnh tại nhà có diễn biến xấu. Theo Sở Y tế TP Cần Thơ, những tuần gần đây, khoảng 90% số ca mắc Covid-19 đều không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ nên điều trị tại nhà là phù hợp với người bệnh và giảm áp lực cho ngành y tế.

Tuy nhiên, do F0 tăng nhanh với hơn 10 nghìn ca, dẫn đến hệ thống y tế của thành phố quá tải ở các tuyến, nhất là tuyến cơ sở. Vì vậy, trong công tác điều trị F0 tại nhà đôi lúc các y, bác sĩ chưa kịp thời tư vấn cho người bệnh, chậm trễ trong cấp phát thuốc, lúng túng trong việc chuyển tuyến đối với người điều trị tại nhà khi cần cấp cứu hay chuyển viện…

Gỡ khó cho điều trị F0 tại nhà

Cũng theo đánh giá của Sở Y tế Cần Thơ, việc thí điểm điều trị bằng thuốc đặc trị Molnupiravir cho F0 có tải lượng vi-rút cao tại nhà đến nay chỉ có 3/9 quận, huyện triển khai với 94 liều trong tổng số 1.882 liều đã nhận từ Bộ Y tế (sau 1 tuần) do năng lực xét nghiệm hạn chế, chậm trả kết quả PCR nên không thể điều trị người bị nhiễm trong ngày đầu như khuyến cáo của Bộ Y tế; ngành y tế TP Cần Thơ chậm trễ trong tư vấn, điều trị loại thuốc này cho người dân tại nhà. Giám đốc Trung tâm Y tế quận Ninh Kiều, Nguyễn Minh Thắng cho biết: Ninh Kiều có hơn 1.200 F0 đang điều trị tại nhà và khoảng 1.000 F1 đang cách ly y tế tại nhà gây áp lực lớn đến tuyến y tế cơ sở.

Dù có thêm đội y tế lưu động hỗ trợ nhưng công việc tuyến cơ sở luôn quá tải, không có lực lượng thay thế một khi lực lượng này nhiễm bệnh. Do quá tải nên việc truy vết F1, F2 rất hạn chế vì không đủ thời gian, nhân lực. Đây là nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến dịch bệnh có thể bùng phát, kéo dài. Do đó, ngành y tế rất cần hỗ trợ thêm về nhân lực, trang thiết bị, phương tiện cấp cứu cho tuyến y tế cơ sở để bảo đảm có thể đảm đương công việc trong thời gian tới…

TP Cần Thơ thành lập 62 đội y tế lưu động từ sự hỗ trợ của Trường đại học Y dược Cần Thơ, Quân khu 9 nhưng nhân lực này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. TP Cần Thơ tuyển 500 bác sĩ và 1.000 tình nguyện viên tham gia mạng lưới Thầy thuốc đồng hành cùng với Đội thầy thuốc trẻ tình nguyện Cần Thơ tham gia tư vấn, điều trị cho F0 tại nhà. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Cần Thơ, Phạm Văn Hiểu yêu cầu: Ngành y tế, lãnh đạo các quận, huyện cần chấn chỉnh những biểu hiện chủ quan, lơ là của một số địa phương, đơn vị chậm phát thuốc, tư vấn, theo dõi F0 điều trị tại nhà để người bệnh không lo lắng quá mức, làm mất niềm tin của người dân; củng cố các trạm, đội y tế lưu động hoạt động thực chất, phân công công việc rõ ràng, trách nhiệm, hiệu quả; phối hợp nhịp nhàng trong việc chuyển tuyến các F0 điều trị tại nhà khi bệnh có diễn tiến nặng để hạn chế đến mức thấp nhất trường hợp tử vong. Ngành y tế cần chủ động, nhanh chóng điều trị bằng thuốc đặc trị Molnupiravir cho F0 tại nhà để rút ngắn thời gian điều trị, bệnh nhân sớm khỏi bệnh, giảm áp lực cho ngành y tế và công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn.

Cũng do nguồn nhân lực, trang thiết bị y tế cơ sở còn nhiều hạn chế nên một số tỉnh như Sóc Trăng, Cà Mau hạn chế số lượng F0 điều trị tại nhà, chưa triển khai trên toàn tỉnh dù số ca F0 ngày càng tăng cao.

Để có thể điều trị F0 tại nhà hiệu quả, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, Nguyễn Minh Luân yêu cầu ngành y tế và các địa phương trong tỉnh phải cấp thuốc uống cho người bệnh điều trị tại nhà nhanh chóng, kịp thời; thường xuyên thăm hỏi, động viên, để có biện pháp điều trị, hướng dẫn kịp thời, phù hợp. Trong tình hình F0 điều trị tại nhà có khả năng tăng cao thời gian tới, trong khi chờ bổ sung thêm nhân lực thì lực lượng y tế cơ sở và tình nguyện viên tăng thêm thời gian làm việc. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần đặc biệt quan tâm hơn nữa đến chính sách hỗ trợ, động viên tinh thần đối với đội ngũ y tế, nhất là đội ngũ tình nguyện viên; bảo đảm đúng, đủ, kịp thời, không bỏ sót chế độ theo quy định.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, Lê Quốc Phong đề nghị các địa phương trong tỉnh không nên lo sợ quá mức mà không triển khai điều trị F0 tại nhà vì số lượng F0 có thể sẽ còn tăng cao trong thời gian tới và đây là biện pháp thích ứng linh hoạt với dịch bệnh trong giai đoạn này. Khi điều trị F0 tại nhà, ngành y tế, các địa phương chủ động phối hợp tốt, cấp phát thuốc, tư vấn, hướng dẫn kịp thời; thường xuyên theo dõi sức khỏe người bệnh, tuyệt đối không để người dân chuyển bệnh nặng mà không được cấp cứu, chuyển tuyến kịp thời dẫn đến tử vong và gia tăng áp lực cho tuyến trên.  (Nhân dân, trang 8)

 

Tăng cường rà soát công tác tiêm vaccine; quản lý, điều trị người nhiễm Covid-19

Ngày 2/12, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 1662/CĐ-TTg về việc tăng cường rà soát công tác tiêm vaccine; quản lý, điều trị người bị nhiễm Covid-19. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế chỉ đạo, hướng dẫn; UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức tiêm vaccine cho toàn bộ người dân trong độ tuổi được chỉ định.

Đặc biệt lưu ý những người cao tuổi, người có bệnh nền; chỉ đạo các bệnh viện phối hợp hệ thống y tế dự phòng để tiêm an toàn, nhanh nhất; triển khai khẩn trương việc tiêm mũi bổ sung, tăng cường.

Bộ Y tế phân bổ ngay thuốc kháng virus dạng viên để các tỉnh, thành phố tổ chức cấp phát cho tất cả người bị nhiễm virus uống ngay sau khi được xác định dương tính; khẩn trương hoàn thiện các thủ tục cấp phép, công tác mua sắm bảo đảm đủ thuốc điều trị; tăng cường lực lượng cho các địa phương có yêu cầu. Các tỉnh, thành phố chỉ đạo triển khai hệ thống theo dõi, quản lý sức khỏe cho tất cả người bị nhiễm Covid-19; không để xảy ra tình trạng người bệnh không liên hệ được với cơ sở y tế, không được phát thuốc điều trị ngay…

Ngày 2/12, Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 13.698 ca nhiễm mới, gồm 21 ca nhập cảnh và 13.677 ca ghi nhận trong nước tại 60 tỉnh, thành phố. Trong ngày có 13.258 người mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh và 210 ca tử vong tại 22 tỉnh, thành phố.

Bộ Y tế cho biết, đến nay, Việt Nam tiếp nhận hơn 147,5 triệu liều vaccine phòng Covid-19, cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế đã phân bổ 94 đợt với tổng số hơn 138,1 triệu liều, còn khoảng 9,4 triệu liều mới tiếp nhận, đang tiến hành các thủ tục để kiểm định chất lượng, xuất xưởng, dự kiến phân bổ trong tuần tới. Tính đến chiều 2/12, cả nước đã tiêm hơn 125,2 triệu liều vaccine phòng Covid-19.

Ngày 2/12, Bộ Y tế tổ chức lễ tiếp nhận vaccine, vật tư y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Bộ Y tế đã tiếp nhận 500 nghìn liều vaccine phòng Covid-19 AstraZeneca của Chính phủ Argentina tặng Chính phủ Việt Nam; 10.500 sản phẩm AIRism (gồm khẩu trang AIRism và lớp áo AIRism mặc bên trong) do Công ty TNHH Uniqlo Việt Nam hỗ trợ; 9,7 triệu ống dung dịch tiêm BFS-Natri Clorid, do Công ty cổ phần Dược phẩm CPC1 Hà Nội hỗ trợ; năm triệu khẩu trang FFP2 do Tập đoàn RAAS Group hỗ trợ; hai hệ thống PCR, 2 máy tách chiết xuất, kèm theo 23 nghìn bộ lấy mẫu và 500 bộ quần áo bảo hộ do Tổ chức Chăm sóc sức khỏe quốc tế Hàn Quốc viện trợ.

Thực hiện quyết định của Bộ Y tế, ngày 2/12, Bệnh viện Bạch Mai cử đoàn công tác gồm 9 bác sĩ, điều dưỡng các chuyên ngành hồi sức, cấp cứu, truyền nhiễm lên đường để hỗ trợ An Giang cấp cứu, điều trị các bệnh nhân Covid-19 nặng.Cùng ngày, đoàn cán bộ y tế gồm 50 bác sĩ, điều dưỡng của TP Hải Phòng lên đường vào hỗ trợ Tây Ninh phòng, chống dịch Covid-19.

Đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn dẫn đầu đã làm việc với tỉnh An Giang về tình hình phòng, chống dịch Covid-19, công tác tiêm vaccine. Thứ trưởng đề nghị tỉnh tạo điều kiện để người nhiễm Covid-19 cách ly, điều trị tại nhà được tiếp cận các dịch vụ y tế, điều trị hiệu quả. Thiết lập các bệnh viện, cơ sở điều trị kết nối trong cự ly gần để khi người bị nhiễm Covid-19 chuyển nặng từ tầng 2 lên tầng 3 nhanh chóng hơn.

Ngày 2/12, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội ký ban hành Công điện số 26/CĐ-UBND về việc triển khai các biện pháp cấp bách thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong tình hình mới. Theo đó, yêu cầu các cấp, ngành tăng cường các biện pháp chống dịch. Sở Y tế khẩn trương hướng dẫn danh mục các loại thuốc, phương pháp điều trị và xử lý các tình huống với các F0 đủ điều kiện điều trị tại nhà theo quy định; phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông triển khai phần mềm quản lý thu dung, điều trị F0 tại các cơ sở thu dung, cơ sở y tế và tại nhà.

Thành phố yêu cầu các quận, huyện, thị xã khẩn trương phối hợp các đơn vị mở rộng các cơ sở cách ly tập trung, cách ly tự nguyện; phối hợp Sở Y tế triển khai ngay các cơ sở thu dung, điều trị người nhiễm Covid-19 thể nhẹ, không triệu chứng theo mô hình trạm y tế lưu động, mỗi phường, xã, thị trấn có bình quân ít nhất 150 giường bệnh. Tiếp tục đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine, nhất là tiêm mũi 2 cho những người hơn 50 tuổi; tiếp tục thực hiện kế hoạch tiêm cho trẻ em. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội cho biết, trong ngày 2/12, Hà Nội ghi nhận 509 ca mắc Covid-19, trong đó tại cộng đồng 233 ca, số còn lại ghi nhận tại khu cách ly và khu phong tỏa. Đây là ngày ghi nhận số ca mắc trên địa bàn thành phố cao nhất từ trước đến nay. Tính từ đợt dịch thứ 4, TP Hà Nội ghi nhận 11.575 ca mắc, trong đó có 4.672 ca ghi nhận tại cộng đồng.

Ngày 2/12, UBND thành phố Hà Nội có Công văn số 4322/UBND-KGVX chấp thuận đề nghị của Sở Giáo dục và Đào tạo tại Tờ trình 4095/TTr-SGDĐT ngày 26/11 về việc tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh một số khối tại các quận, huyện, thị xã. Theo đó, tại các xã, phường, thị trấn của 30 quận, huyện, thị xã có dịch Covid-19 ở cấp độ 1, cấp độ 2; trong 14 ngày tính đến ngày 30/11 không có các ca F0 trong cộng đồng, cho phép học sinh khối lớp 10, 11, 12 các trường THPT và các trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên trở lại trường học.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa cho biết, đến trưa ngày 2/12, sau khi tiêm 56.766 liều vaccine phòng Covid-19 cho trẻ, có nhiều trẻ xuất hiện các biểu hiện phản ứng thông thường như: Sưng, đau chỗ tiêm, buồn nôn, chóng mặt thoáng qua, trong đó có 17 trẻ phản ứng nặng. Tất cả gặp phản ứng sau tiêm chủng đã ổn định sức khỏe, trong đó có 17 trẻ em đang được theo dõi tại bệnh viện các địa phương, còn lại tiếp tục theo dõi tại nhà.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện nay các địa phương khá linh hoạt trong việc tổ chức dạy học khi dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Hiện cả nước có chín địa phương tổ chức dạy học trực tiếp, bao gồm: Bắc Kạn, Cao Bằng, Hòa Bình, Kon Tum, Lai Châu, Ninh Bình, Thanh Hóa, Yên Bái, Hà Giang; có 34 tỉnh, thành phố kết hợp dạy học trực tiếp, trực tuyến và qua truyền hình; 20 tỉnh, thành phố còn lại đang tổ chức dạy học trực tuyến và qua truyền hình.

UBND tỉnh Kiên Giang vừa nâng đánh giá cấp độ dịch Covid-19 trên phạm vi tỉnh từ cấp 2 lên cấp 3, nguy cơ cao (mầu cam). Trong hơn một tháng qua, mỗi ngày tỉnh Kiên Giang đều có hơn 300 ca mắc mới, đến nay số ca mắc trong tỉnh đã vượt 21 nghìn ca. Sở Y tế tỉnh Kiên Giang đang tổ chức 2 đoàn kiểm tra nhằm đánh giá thực tế công tác phòng, chống dịch. (Nhân dân, trang 3)

 

Phải kiên trì thực hiện ”thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”

Ngày 2-12, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 năm 2021 để đánh giá tình hình phát triển kinh tế – xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2021; dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2022.

Dự phiên họp còn có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Phạm Bình Minh, Lê Minh Khái, Vũ Đức Đam; bộ trưởng các bộ, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ. Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, đại diện Văn phòng Trung ương Đảng, một số ủy ban của Quốc hội cùng dự phiên họp.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, tháng 11-2021, đất nước có nhiều sự kiện, như kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV; nhiều hoạt động đối ngoại quan trọng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; Chính phủ đang khẩn trương xây dựng nhiều đề án để trình Bộ Chính trị.

Đặc biệt, sau gần 2 tháng thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP, hiện nay, tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc; kinh tế dần phục hồi, có những khởi sắc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, những ngày qua, tình hình mưa lũ ở các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên diễn biến phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng. Thủ tướng Chính phủ gửi lời chia buồn sâu sắc tới các gia đình có người thiệt mạng; chia sẻ với những mất mát, khó khăn của Đảng bộ, chính quyền và người dân các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung Bộ do mưa lũ.

Thủ tướng yêu cầu các ngành, địa phương thực hiện nghiêm Công điện số 1659/CĐ-TTg về việc tập trung ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại phiên họp cho biết, trong tháng 11, các bộ, cơ quan, địa phương đã quán triệt nghiêm, thực hiện quyết liệt, hiệu quả Nghị quyết 128/NQ-CP, nắm chắc tình hình, chủ động phương án phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, đời sống xã hội.

Nhờ đó, tình hình kinh tế – xã hội tháng 11 tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát ở mức thấp; các cân đối lớn được bảo đảm. Tính chung 11 tháng, chỉ số CPI chỉ tăng 1,84% so với cùng kỳ, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, tăng trưởng tín dụng đạt 10,10% so với cuối năm 2020; tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất cho vay thấp để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.

Cân đối ngân sách nhà nước bảo đảm. Thu ngân sách nhà nước 11 tháng tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2020, bằng 103,4% dự toán năm, đáp ứng nhu cầu chi phòng, chống dịch, khắc phục hậu quả thiên tai và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Đã thực hiện miễn, giảm, gia hạn nộp thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất cho gần 120 nghìn doanh nghiệp, 20 nghìn hộ, cá nhân kinh doanh với tổng số tiền khoảng 118,76 nghìn tỷ đồng, trong đó miễn, giảm 25,93 nghìn tỷ đồng.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sản xuất công nghiệp phục hồi tại hầu hết các địa phương, nhất là khu vực phía Nam. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) cả nước tháng 11 tăng 5,5% so với tháng trước; tính chung 11 tháng tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2020. Sau khi ban hành hướng dẫn và triển khai thí điểm mở cửa du lịch quốc tế, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng 42,4% so với tháng trước. Số doanh nghiệp thành lập mới tăng 44,6% so với tháng trước, vốn đăng ký tăng 38%, lao động tăng 30,2%, đặc biệt là tại các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 15,2% so với tháng trước. Vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm trong 11 tháng tăng 11% so với cùng kỳ, cho thấy kỳ vọng của nhà đầu tư nước ngoài vào khả năng phục hồi của nền kinh tế.

Trong tháng 11, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; xem xét, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của 42 hiệp hội, doanh nghiệp.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm, tăng cường. Đã triển khai nhiều giải pháp an sinh xã hội, chăm lo, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, khắc phục hậu quả thiên tai. Tính đến ngày 23-11, đã hỗ trợ hơn 28 triệu đối tượng theo Nghị quyết 68/NQ-CP, tổng kinh phí 28,4 nghìn tỷ đồng; xuất cấp 153,4 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia; tổ chức kiểm tra việc thực hiện chính sách hỗ trợ tại các địa phương.

Công tác phòng, chống dịch bệnh, tiêm vắc xin, điều trị bệnh nhân tiếp tục được triển khai quyết liệt; tích cực tìm kiếm, mua, nghiên cứu và tiêm vắc xin, thuốc điều trị, vật tư y tế. Tính đến ngày 29-11, đã tiêm 122,2 triệu liều; tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc xin là 94,3% dân số từ 18 tuổi trở lên, trong đó tiêm đủ 2 liều vắc xin là 69,6%; đẩy nhanh triển khai tiêm vắc xin cho người dưới 18 tuổi.

An ninh, trật tự, an toàn, an dân, quốc phòng được giữ vững; hoạt động đối ngoại được đẩy mạnh. Đã tham dự thành công nhiều sự kiện ngoại giao quan trọng như Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; đẩy mạnh ngoại giao vắc xin.

Tại phiên họp, các đại biểu tập trung thảo luận về tình hình phát triển kinh tế – xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2021; về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế – xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2022. Trong đó tập trung vào công tác phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế.

Theo đó, các đại biểu khẳng định, sự chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ý nghĩa quan trọng của việc chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch theo Nghị quyết 128/NQ-CP; niềm tin của doanh nghiệp vào khả năng phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội.

Trên cơ sở phân tích các mặt trong bối cảnh chung tình hình quốc tế và trong nước, nhất là khi biến chủng Omicron đang khiến dịch Covid-19 nguy hiểm hơn, các đại biểu cho rằng, trong tháng 12-2021 và năm 2022 cần tiếp tục thực hiện đồng bộ, thống nhất, kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tại Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 12-8-2021 của Chính phủ; thực hiện nghiêm, nhất quán Nghị quyết 128/NQ-CP và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Y tế, triển khai các giải pháp “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với dịch Covid-19”.

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính điểm lại một số kết quả mà Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực đạt được trong tháng 11-2021 và những tháng vừa qua; bày tỏ đồng tình với các nhận định, ý kiến phát biểu của các đại biểu tại phiên họp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tháng 11, ngoài nhiệm vụ thường xuyên, Chính phủ tiếp tục tập trung xây dựng thể chế, ban hành 12 văn bản quy phạm; trình Quốc hội 54 văn bản và tham gia trả lời, giải trình chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ hai của Quốc hội; tham gia, đóng góp vào thành công của Hội nghị văn hóa toàn quốc; thực hiện nhiều hoạt động đối ngoại và đạt kết quả mong muốn…

Theo Thủ tướng, nhìn tổng thể hiện nay, cả nước kiểm soát được dịch bệnh để khôi phục, phát triển kinh tế – xã hội. Nhờ đó, kinh tế vĩ mô ổn định; các cân đối lớn được đảm bảo; xuất, nhập khẩu tăng khá, trong đó xuất siêu trở lại; năng lượng, lương thực, thực phẩm ổn định; thị trường lao động được phục hồi; một số tồn đọng được xử lý tích cực; một số công trình trọng điểm được thúc đẩy, hoàn thiện, trong đó có tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông; an sinh xã hội được đảm bảo; văn hóa được giữ gìn, phát huy, nhất là sau Hội nghị văn hóa toàn quốc; an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; đối ngoại được mở rộng; xây dựng Đảng, hệ thống chính trị được chú trọng, tăng cường…

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng chỉ ra một số hạn chế như: Dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp và dự báo còn diễn biến phức tạp hơn trước do nguy cơ xâm nhập biến chủng Omicron; số ca mắc và tử vong do Covid-19 có xu hướng tăng. Kinh tế – xã hội vẫn tiềm ẩn bất ổn như nguy cơ lạm phát, nợ công, chứng khoán, bất động sản, giải ngân vốn đầu tư công. An ninh, quốc phòng còn nhiều thách thức…

Nguyên nhân thành công trước hết là nhờ sự lãnh đạo của Đảng mà trực tiếp là các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã triển khai thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng; sự nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân, doanh nghiệp… Bên cạnh đó vẫn còn những hạn chế là do một bộ phận vẫn chủ quan, lơ là với dịch Covid-19; khâu thực hiện các biện pháp chống dịch vẫn có nơi còn yếu…

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nắm chắc, dự báo tốt tình hình, đặc biệt là về dịch Covid-19; kiên trì thực hiện “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” theo Nghị quyết 128/NQ-CP.

Thủ tướng nhấn mạnh, phải có kế hoạch cụ thể, chi tiết và triển khai tiêm vắc xin an toàn, hợp lý, hiệu quả, phấn đấu đến hết năm, cơ bản tiêm đủ 2 mũi cho người từ 18 tuổi trở lên; tiếp tục triển khai tiêm vắc xin cho trẻ em, tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên; phải rà soát lại các quy trình và việc thực hiện trong quá trình tiêm chủng, không để xảy ra các sự cố đáng tiếc.

Đặc biệt, tiếp tục nâng cao ý thức của người dân trong phòng, chống dịch; người dân phải vừa là trung tâm, vừa là chủ thể trong phòng, chống dịch; thực hiện nghiêm công thức “5K + vắc xin, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức người dân + các biện pháp khác”.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành tập trung cao độ cho giải ngân vốn đầu tư công; tiếp tục hoàn thiện các thể chế chuẩn bị cho kỳ họp Quốc hội sắp tới; nỗ lực để đưa học sinh trở lại trường học một cách an toàn, hiệu quả; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, phục vụ tốt người dân, doanh nghiệp; thực hiện đảm bảo an sinh, xã hội, nhất là các đối tượng yếu thế; chuẩn bị các điều kiện để nhân dân đón Tết vui tươi, an toàn, lành mạnh…

Về những nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện xây dựng Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch Covid-19 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội để trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm.

Đối với kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2022, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục hoàn thiện, trên nguyên tắc các mục tiêu phải sát với thực tế; hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, môi trường; hài hòa, hợp lý giữa công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ… Đặc biệt, kế hoạch phát triển phải căn cứ vào các Nghị quyết của Trung ương và Quốc hội, trong đó có 3 đột phá chiến lược.

Trong đó phải tìm ra động lực phát triển mới, ưu tiên hoàn thiện thể chế; tập trung cho chuyển đổi số; ứng phó biến đổi khí hậu; giữ môi trường đối ngoại hòa bình, ổn định chính trị để thu hút đầu tư; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; hoàn thiện xây dựng chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành… gắn với đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, trong đó có phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. (Hà Nội mới, trang 1)

Cùng chủ đề Báo Nhân dân, trang 3: “Kiểm soát dịch bệnh để thúc đẩy phát triển kinh tế”; Sài Gòn giải phóng, trang 1: “Kiên trì thực hiện chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả COVID-19”; Lao động, trang 2 : “Kiên trì thực hiện “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19””; Công an Nhân dân, trang 1: “Phải kiên trì thực hiện “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19””

 

Bảo đảm mỗi phường, xã, thị trấn có ít nhất 150 giường điều trị bệnh nhân Covid-19

Tối 2-12, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký ban hành Công điện số 26/CĐ-UBND về việc triển khai các biện pháp cấp bách thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong tình hình mới.

Theo dự báo, số ca nhiễm sẽ tiếp tục tăng nhanh khi các hoạt động kinh tế – xã hội, giao thương hàng hóa và di chuyển của người dân từ các địa phương trên cả nước về thành phố trong những tháng cuối năm tăng cao. Do đó, thành phố cần triển khai ngay những biện pháp cấp bách thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Theo dõi tình hình dịch do biến chủng Omicron gây ra trên thế giới, bám sát chủ trương, chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ nhằm tổ chức các hoạt động kinh tế – xã hội trên địa bàn và đảm bảo an toàn tối đa cho nhân dân Thủ đô, thực hiện Thông báo kết luận của Thường trực Thành ủy số 581-TB/TU ngày 1-12-2021, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu thủ trưởng, giám đốc các sở, ban, ngành thành phố, các đồng chí Trưởng ban Chỉ đạo, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã tập trung triển khai một số nội dung sau:

Bám sát diễn biến dịch do biến chủng Omicron gây ra

Sở Y tế tiếp tục chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch do biến chủng Omicron gây ra; trên cơ sở khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và hướng dẫn của Bộ Y tế, khẩn trương chuẩn bị các phương án về vắc xin, thuốc điều trị và các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với biến chủng mới.

Hướng dẫn các quận, huyện, thị xã tăng cường triển khai, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc xin bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả; tăng cường lực lượng, vật tư, trang thiết bị y tế cho các địa phương có diễn biến dịch phức tạp và chủ động triển khai các biện pháp phù hợp điều trị sớm các trường hợp nhiễm mới để hạn chế thấp nhất các trường hợp chuyển bệnh nặng, tử vong.

Khẩn trương triển khai và hướng dẫn các đơn vị liên quan thực hiện Quyết định số 5525/QĐ-BYT ngày 1-12-2021 của Bộ Y tế về ban hành hướng dẫn phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2 và định hướng xử trí, cách ly, điều trị.

Trên cơ sở phương án cách ly, theo dõi, khám và điều trị tại nhà đối với người nhiễm Covid-19 (đảm bảo các điều kiện theo chỉ đạo của Bộ Y tế), hướng dẫn danh mục các loại thuốc, phương pháp điều trị và xử lý các tình huống khi điều trị tại nhà; xây dựng quy trình, phổ biến rộng rãi đến toàn bộ người dân để sẵn sàng chuẩn bị trong mọi tình huống, hoàn thành trước ngày 5-12-2021.

Phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông triển khai phần mềm quản lý việc thu dung, điều trị F0 tại các cơ sở thu dung, cơ sở y tế và tại nhà, hoàn thành trước ngày 4-12-2021 để triển khai trên toàn địa bàn thành phố.

Chỉ đạo tăng cường phân luồng các bệnh viện của thành phố, hệ thống y tế ngoài công lập, các cơ sở xét nghiệm đáp ứng đủ tiêu chuẩn của Bộ Y tế về các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn để triển khai phương án đáp ứng thu dung điều trị và cách ly, quản lý, theo dõi, khám và điều trị người nhiễm Covid-19 theo Kế hoạch của UBND thành phố, hoàn thành chậm nhất trong ngày 5-12-2021.

Chịu trách nhiệm chuyên môn trong việc điều trị, phân tuyến và xử lý khi số ca bệnh tăng cao, kiểm soát đối với các ca bệnh chuyển tầng điều trị, thường xuyên báo cáo và cập nhật tình hình điều trị F0 trên địa bàn thành phố, báo cáo Ban Chỉ đạo thành phố, UBND thành phố, Thành ủy chậm nhất vào 18h30 hằng ngày.

Triển khai phương án mở rộng các cơ sở cách ly tập trung

Đối với các đồng chí Trưởng ban Chỉ đạo, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo Ban Chỉ đạo, Chủ tịch UBND các phường, xã, thị trấn và các lực lượng chức năng tại cơ sở khẩn trương phối hợp các đơn vị liên quan triển khai phương án mở rộng các cơ sở cách ly tập trung, cách ly tự nguyện tại các cơ sở lưu trú và cách ly tại nhà đối với các trường hợp F1 trên địa bàn 30 quận, huyện, thị xã đảm bảo điều kiện theo quy định. Tổ chức rút kinh nghiệm; nhân rộng những cách làm hiệu quả trên từng địa bàn quận, huyện, thị xã.

Khẩn trương phối hợp Sở Y tế triển khai ngay các cơ sở thu dung, điều trị người nhiễm Covid-19 thể nhẹ, không triệu chứng theo mô hình Trạm Y tế lưu động theo Phương án 263/PA-UBND ngày 23-11-2021 của UBND thành phố, đảm bảo mỗi phường, xã, thị trấn có bình quân ít nhất 150 giường bệnh (yêu cầu hoàn thành trong ngày 2-12-2021).

Căn cứ hướng dẫn của Sở Y tế, liên hệ và phối hợp với các cơ sở y tế ngoài công lập trên địa bàn, xây dựng phương án và phân công lực lượng phối hợp cùng hệ thống y tế cơ sở tổ chức việc lấy mẫu xét nghiệm theo quy định, hoàn thành trong ngày 5-12-2021. Khẩn trương triển khai phương án cách ly, quản lý, theo dõi, khám và điều trị người nhiễm Covid-19 tại nhà theo Kế hoạch của UBND thành phố.

Phối hợp Bộ Tư lệnh Thủ đô, Sở Giao thông – Vận tải triển khai vận chuyển các trường hợp F1 đến các cơ sở cách ly tập trung của thành phố chậm nhất 12 tiếng sau khi có kết quả xét nghiệm của cơ quan y tế và quyết định của chính quyền địa phương. Phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Y tế triển khai phần mềm quản lý việc thu dung, điều trị F0 tại các cơ sở y tế và tại nhà; phần mềm, ứng dụng quản lý F1 tại nhà.

Tổ chức điều phối việc chuyển mẫu xét nghiệm đến các cơ sở xét nghiệm theo hướng dẫn của Sở Y tế trong thời gian ngắn nhất để đáp ứng diễn biến dịch bệnh. Chủ động trao đổi, phối hợp Sở Giao thông – Vận tải để có phương án khi điều kiện trang thiết bị chưa đủ khả năng đáp ứng theo yêu cầu công tác phòng, chống dịch, hoàn thành chậm nhất trong ngày 5-12-2021.

Phổ biến, đăng thông tin công khai trên Cổng điện tử của quận, huyện, thị xã và tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, truyền thanh cơ sở về các phương án: Tổ chức cách ly F1 tại nhà; phương án cách ly, quản lý, theo dõi, khám và điều trị người nhiễm Covid-19 tại nhà theo Kế hoạch của UBND thành phố, danh mục các thuốc điều trị, phương pháp theo dõi sức khỏe và khi điều trị tại nhà, các phương án khi cần chuyển điều trị tại các cơ sở y tế tuyến quận, huyện và thành phố để người dân chủ động chuẩn bị các phương án.

Chủ động rà soát danh mục các trang thiết bị y tế tại tuyến cơ sở và cấp quận, huyện, thị xã theo khả năng của địa phương; tổ chức mua sắm và trang bị đầy đủ trang thiết bị, vật tư y tế và thuốc điều trị, oxy y tế tại các tuyến cơ sở đáp ứng với các kịch bản dịch bệnh.

Tiếp tục đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin, đặc biệt là tiêm mũi 2 với người trên 50 tuổi; tiếp tục thực hiện kế hoạch tiêm cho trẻ em theo lộ trình hạ dần độ tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế từ 12-14 tuổi. Tích cực tổ chức tiêm lưu động, đặc biệt để tiếp cận các đối tượng nguy cơ cao (người lớn tuổi, có bệnh nền), khó di chuyển; bảo đảm về thuốc điều trị, trang thiết bị y tế.

Tiếp tục thực hiện điều tra, truy vết thần tốc; việc khoanh vùng, cách ly được thực hiện trên phạm vi hẹp nhất có thể, tiếp tục thực hiện thông điệp “5K” và đề cao ý thức phòng, chống dịch của người dân. Thực hiện nới lỏng, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, mở cửa lại nền kinh tế có lộ trình và ở những nơi an toàn, có đủ điều kiện.

Tham mưu phương án cho học sinh trở lại trường

Đối với Sở Giáo dục và Đào tạo, chủ trì phối hợp Sở Y tế tổ chức kiểm tra, hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã (xã/phường/thị trấn) trong công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại các cơ sở giáo dục đào tạo trên địa bàn thành phố. Tiếp tục tham mưu, báo cáo UBND thành phố về việc cho học sinh trở lại trường, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh và giáo viên; sẵn sàng phương án xử lý các tình huống phát sinh.

Đối với Sở Giao thông – Vận tải, chỉ đạo các đơn vị vận tải của thành phố bố trí, sắp xếp các phương tiện vận chuyển F1 tới các cơ sở cách ly tập trung của thành phố do Bộ Tư lệnh Thủ đô chủ trì điều phối và nhu cầu của các quận, huyện, thị xã.

Đối với Sở Thông tin và Truyền thông, chủ trì, phối hợp Sở Y tế triển khai phần mềm, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý và điều trị người nhiễm SARS-CoV-2 thể nhẹ và không triệu chứng tại các cơ sở y tế và tại nhà (đối với các trường hợp đủ điều kiện về cơ sở vật chất); tổ chức tập huấn cho toàn bộ chính quyền cấp quận, huyện, thị xã và đến cấp xã, phường, thị trấn và các cơ quan, đơn vị có liên quan để triển khai ngay, hoàn thành chậm nhất trong ngày 5-12-2021. (Hà Nội mới, trang 7)

 

Không nên “dễ dãi” khi mua thực phẩm online

Do tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nên nhu cầu mua thực phẩm trực tuyến (online) qua các trang mạng ngày càng trở nên phổ biến, nhất là các loại thực phẩm tươi sống, như: Thịt, cá, rau, củ… Chính vì vậy, các cá nhân kinh doanh thực phẩm thông qua các trang mạng xã hội càng nhiều. Tuy nhiên, có không ít người kinh doanh theo hình thức tự phát, không có giấy phép kinh doanh cũng như không có giấy chứng nhận về an toàn thực phẩm, do đó người dân không nên “dễ dãi” khi mua sắm thực phẩm online.

Chất lượng sản phẩm khác với lời quảng cáo

Với từ khóa “thực phẩm online” chỉ mất 0,72 giây tìm kiếm đã cho ra 121 triệu kết quả trên trang công cụ tìm kiếm Google. Người tiêu dùng chỉ cần gõ thực phẩm mình cần tìm kiếm, hàng loạt “gian hàng ảo” hiện ra với đầy đủ mức giá cả, gọi điện, gửi tin nhắn đặt hàng, thông báo địa chỉ giao hàng cho nơi bán rồi… ung dung ngồi ở nhà chờ đồ mang đến.

Ngoài ra, trên những trang bán hàng thực phẩm online, khách hàng sẽ nhận được vô số hình ảnh sản phẩm trông vô cùng bắt mắt, kèm theo giá của sản phẩm là những lời quảng cáo “có cánh”. Điều giống nhau là người bán hàng nào cũng quảng cáo chất lượng bảo đảm, nếu thêm chữ “đồ nhà trồng”, “quà quê” thì càng thêm tính thuyết phục. Thế nhưng, thực tế lại khác xa với những lời quảng cáo.

Thời gian qua, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nên gia đình chị Nguyễn Thanh Hà (ở phường Ngọc Lâm, quận Long Biên) chỉ đặt mua thực phẩm trên các trang mạng xã hội. “Việc đặt hàng trên các trang mạng xã hội rất thuận tiện, chỉ cần chọn những sản phẩm muốn mua thì lập tức có người mang đến tận nhà. Điều đó đã giúp tôi hạn chế việc phải đi lại, phải tiếp xúc với đám đông và phòng nguy cơ lây nhiễm bệnh. Tuy nhiên, trên trang bán hàng online, người bán giới thiệu sản phẩm rất tươi ngon, nhưng đến khi nhận hàng thì không như mong muốn”, chị Nguyễn Thanh Hà chia sẻ.

Từ thực tế kiểm tra, giám sát, Ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh từng đưa ra cảnh báo, các sản phẩm bán qua mạng thường không kèm theo chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và hợp pháp theo quy định pháp luật hiện hành. Việc mua bán diễn ra theo hình thức thỏa thuận giữa các bên, nên rất khó cho công tác quản lý. Những sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc giả mạo nguồn gốc xuất xứ có thể tiềm ẩn nguy cơ chứa chất cấm, tồn dư kháng sinh, thuốc kích thích tăng trưởng, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật… gây bệnh cho người sử dụng.

Xuất phát từ thực tế công tác quản lý an toàn thực phẩm tại địa phương, theo Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Phạm Xuân Tài, thực phẩm không bảo đảm an toàn xuất phát từ các cơ sở, cá nhân kinh doanh online. Tuy nhiên, công tác kiểm soát chất lượng thực phẩm trong giai đoạn này gặp nhiều khó khăn. Lý do là lực lượng quản lý tập trung vào công tác phòng, chống dịch, nên việc kiểm tra không được tiến hành thường xuyên. Thêm vào đó, việc kinh doanh online tự phát, nên chủ cơ sở không đăng ký kinh doanh; địa chỉ đơn vị kinh doanh thường xuyên thay đổi; thậm chí phạm vi kinh doanh ngoài địa bàn quận và phường; nguồn cung cấp thực phẩm khó kiểm soát… Trong khi đó, ý thức của người kinh doanh còn thấp, việc vận chuyển hàng hóa không bảo đảm…

Nâng cao nhận thức của người dân

Bình thường khi đi chợ dân sinh, mọi hoạt động mua bán đều được người mua e dè hay lựa chọn một cách kỹ càng. Thế nhưng, mua thực phẩm online thì người tiêu dùng lại tỏ ra khá “dễ dãi” khi lựa chọn, hầu hết họ lựa chọn thực phẩm được chụp và đưa lên mạng theo cảm tính là chính. Chính vì vậy, nhiều người đã phải ôm “quả đắng” khi mua phải thực phẩm trên mạng ở những cửa hàng online không có uy tín.

Bác sĩ Lê Thị Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng quốc gia) lưu ý, thực phẩm bán online chủ yếu được chế biến tại hộ gia đình. Với quy mô chế biến nhỏ lẻ, không chịu sự quản lý của cơ quan có thẩm quyền, thực phẩm được bán online tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc. Hơn nữa, với phương thức sản xuất thủ công, nhỏ lẻ, nhiều hộ chế biến thực phẩm không đủ trang thiết bị để bảo quản, không đủ kiến thức về dinh dưỡng…, chưa kể đến sự hạn chế trong việc kiểm soát chất lượng thực phẩm đầu vào…

Theo Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh Phạm Khánh Phong Lan, để tránh mua phải thực phẩm không bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, trước tiên cần nâng cao nhận thức mua hàng online cho người dân. Khi tìm hiểu để mua sản phẩm, người dân cần xem xét cửa hàng đó có uy tín, có thể đặt hàng ít để kiểm tra chất lượng trước, chứ không hoàn toàn đặt toàn bộ. Dù mua bán online hay mua bán trực tiếp thì cơ sở cũng phải được thẩm tra, thẩm định, đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi mua sắm trực tuyến, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đưa ra khuyến cáo, người tiêu dùng chỉ nên mua hàng tại những website đã đăng ký hoặc thông báo với Bộ Công Thương. Các website phải cung cấp đầy đủ các thông tin như: Thông tin về chủ sở hữu website (tên đơn vị bán hàng, địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế…); Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm; thông tin về điều kiện giao dịch chung như: Đổi trả hàng và hoàn tiền, chính sách giao nhận, vận chuyển, thanh toán, bảo mật thông tin cá nhân người tiêu dùng.

Cũng theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), nếu mua hàng qua các mạng xã hội cần phải tìm hiểu kỹ các đánh giá của người mua trước, tìm hiểu kỹ thông tin về người bán, xem xét về vấn đề nguồn gốc rõ ràng, được cơ quan quản lý kiểm tra về an toàn thực phẩm. Tuyệt đối không nên mua ở những trang mạng không có thông tin người bán và không có địa chỉ rõ ràng, hoặc khi hỏi thông tin thì cố tình giấu địa chỉ bán hàng, chỉ nhận đặt hàng qua tin nhắn, chỉ bán hàng online. (Hà Nội mới, trang 5)

 

Còn nhiều vi phạm trong phòng, chống dịch

Trong khi các ca dương tính tại cộng đồng ngày càng gia tăng, khảo sát thực tế của phóng viên Báo Hànộimới ngày 2-12 trên địa bàn Hà Nội cho thấy, ý thức người dân vẫn rất chủ quan, coi thường dịch bệnh nguy hiểm. Nhiều hàng quán vẫn đông khách, đón quá số khách quy định, không quét mã QR, không thực hiện “5K”. Điều này đòi hỏi các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương phải tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm.

Còn nhiều vi phạm

Khảo sát một số tuyến phố trên địa bàn quận Ba Đình ngày 2-12, như các phố Trúc Bạch, Phó Đức Chính, Yên Ninh (thuộc phường Trúc Bạch); Giảng Võ, Trần Huy Liệu, Văn Cao (phường Giảng Võ)…, các cửa hàng kinh doanh, ăn uống trang bị đầy đủ thiết bị phòng, chống dịch. Tuy nhiên, vẫn còn một số hàng quán chưa tuân thủ nghiêm quy định.

Theo Chủ tịch UBND phường Trúc Bạch Nguyễn Dân Huy, từ ngày 1-11 đến nay, UBND phường Trúc Bạch đã xử phạt 3 trường hợp không thực hiện quy định phòng, chống dịch, tổng số phạt 7 triệu đồng, đồng thời đề xuất UBND quận Ba Đình xử phạt 1 trường hợp 15 triệu đồng. Để ngăn chặn các hành vi vi phạm, UBND phường đã yêu cầu các tổ công tác kiểm tra các tuyến phố nhiều lần trong ngày, nhất là vào giờ cao điểm, để kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm.

Tương tự, tại một số tuyến phố khác như Nguyễn Khắc Nhu, Hoè Nhai (phường Nguyễn Trung Trực); phố Trần Phú, Tôn Thất Thiệp (phường Điện Biên) vẫn tồn tại tình trạng quán ăn, trà đá kê bàn ghế ra vỉa hè cho khách ngồi đông, không thực hiện giãn cách. Đặc biệt, tại phố Tôn Thất Thiệp còn tồn tại chợ “cóc” tràn ra vỉa hè và lòng đường. Khu chợ này có nhiều hàng ăn uống, tập trung đông người và khách ngồi không giữ khoảng cách.

Ngày 2-12, khảo sát trên địa bàn quận Hoàng Mai cho thấy, tại các phường tập trung nhiều nhà chung cư như Đại Kim, Hoàng Liệt, Hoàng Văn Thụ…, người dân khi ra ngoài đều đeo khẩu trang, nhưng việc giữ khoảng cách, quét mã QR khi đến các hàng quán, chung cư… không được thực hiện nghiêm. Nhiều nhà hàng, quán ăn trên phố Trương Định (phường Giáp Bát), Hoàng Mai (phường Hoàng Văn Thụ)… không có vách ngăn, không trang bị nước sát khuẩn tay cho khách, nhưng đến nay chưa bị kiểm tra, xử lý vi phạm.

Tương tự, trên địa bàn phường Hoàng Liệt…, một số quán trước đây bán bia hơi nay đã thành nhà hàng, khách ngồi vượt quá 50% công suất, song không thấy lực lượng phòng, chống dịch đến kiểm tra, nhắc nhở. Theo Phó Chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt Tạ Văn Hải, sở dĩ đến thời điểm này UBND phường chưa xử lý vi phạm phòng, chống dịch với các cơ sở kinh doanh là bởi hiện nay phường chỉ kiểm tra việc dán mã QR và đóng cửa trước 21h nên chưa phát hiện vi phạm. Cũng theo ông Hải, nếu sau 3 lần nhắc nhở, cơ sở kinh doanh nào không chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch, UBND phường sẽ xử lý theo quy định.

Việc lơ là, chủ quan trước tình hình dịch bệnh còn xuất hiện ở các chợ dân sinh trên địa bàn phường Đại Kim, Hoàng Văn Thụ. Tại đây, nhiều hộ kinh doanh chưa có tấm chắn, để khách tự do chen lấn mua hàng, dừng đỗ phương tiện bừa bãi dưới lòng đường.

Duy trì kiểm tra thường xuyên và đột xuất

Khảo sát trên địa bàn quận Hai Bà Trưng cho thấy, còn nhiều người dân chưa chấp hành nghiêm quy định “5K”. Phó Chủ tịch UBND phường Bạch Mai (quận Hai Bà Trưng) Nguyễn Quang Anh cho biết, lực lượng chức năng thường xuyên đi kiểm tra, nhắc nhở người dân cũng như các hộ kinh doanh thực hiện đúng quy định. Đối với những trường hợp cố tình vi phạm, lực lượng chức năng phường sẽ xử lý nghiêm.

Trước phản ánh thực tế về tình trạng chủ quan trong công tác phòng, chống dịch, Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Nguyễn Quang Trung cho biết, UBND quận luôn duy trì việc kiểm tra thường xuyên và đột xuất để nhắc nhở người dân chấp hành nghiêm các quy định của Trung ương và thành phố trong công tác phòng, chống dịch. Cùng với đó, quận duy trì công tác phòng, chống dịch tại 34 cơ quan, đơn vị, bệnh viện, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại. Từ đầu năm đến nay, quận đã xử phạt hơn 6,6 tỷ đồng với 5.384 trường hợp vi phạm phòng, chống dịch.

“Lực lượng chức năng quận sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc, hướng dẫn người dân triển khai thực hiện các quy định về phòng, chống dịch. Đồng thời chỉ đạo lực lượng chức năng 18 phường xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm”, ông Nguyễn Quang Trung nhấn mạnh.

Tính từ ngày 29-10 đến nay, trên địa bàn huyện Hoài Đức ghi nhận 168 ca mắc mới tại 17/20 xã, trong đó có 89 ca mắc tại cộng đồng. Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Trung Thuận khẳng định, trước diễn biến phức tạp này, toàn huyện tập trung cao cho công tác phòng, chống dịch. Huyện cũng yêu cầu các xã, thị trấn, lực lượng chức năng không được chủ quan, mất cảnh giác, thỏa mãn với những kết quả đạt được.

Đồng thời, huyện Hoài Đức tiếp tục triển khai các giải pháp quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả nhằm xử lý nghiêm những hành vi vi phạm; tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn, yêu cầu đóng cửa khi không bảo đảm các tiêu chí an toàn phòng, chống dịch Covid-19.

Xác định chợ sẽ là nơi tập trung đông người, có nguy cơ cao lây lan dịch bệnh trong cộng đồng nên UBND huyện Thanh Trì chỉ đạo ban quản lý các chợ tăng cường kiểm tra, kiểm soát, tuyên truyền nhắc nhở tiểu thương và người dân đến mua hàng bảo đảm công tác phòng, chống dịch. Tại xã Tứ Hiệp, ban quản lý chợ thường xuyên tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh trong chợ, kiểm tra nhắc nhở tiểu thương và người dân thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch. Ngay từ cổng vào, chợ đã bố trí các cụm panô nhắc nhở người dân vào chợ phải đeo khẩu trang, khai báo y tế và bố trí nước sát khuẩn, đặt nhiều điểm quét mã QR.

“Xã đã phân công đoàn viên, thanh niên hằng ngày có mặt tại chợ để hỗ trợ cho tiểu thương và người dân vào chợ trong việc cài đặt và cách quét mã QR. Ngoài ra, ban quản lý chợ phun tiêu độc khử trùng vào cuối buổi chợ”, Phó Chủ tịch UBND xã Tứ Hiệp Nguyễn Trung Kiên cho biết.

Quan sát tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, chợ dân sinh thuộc địa bàn các xã, thị trấn: Đại Nghĩa, An Mỹ, Tuy Lai, Bột Xuyên, Phúc Lâm… của huyện Mỹ Đức, phóng viên nhận thấy khá thưa vắng khách. Song tại các chợ dân sinh như: Thượng (xã Tuy Lai), Bóp (xã Bột Xuyên), Ba Thá (Phúc Lâm)…, nhiều tiểu thương chưa tạo vách ngăn giọt bắn. Người mua và bán hàng chưa nghiêm túc chấp hành quy định về khoảng cách trong quá trình mua bán. “Do chỉ phục vụ nội bộ người dân trong thôn nên một số người chủ quan trong giữ khoảng cách…”, chị Nguyễn Thị Lài, người dân thôn Lai Tảo (xã Bột Xuyên) cho biết.

Nhận được phản ánh của phóng viên, Chủ tịch UBND xã Bột Xuyên Trần Xuân Hải đã chỉ đạo lực lượng công an xã lập tức kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm. Đồng thời, giao tổ Covid-19 cộng đồng thường xuyên tuyên truyền, giám sát người dân nghiêm túc thực hiện các quy định phòng, chống dịch, nhất là thực hiện quy định “5K”. (Hà Nội mới, trang 7)

 

Lần đầu tiên, Hà Nội ghi nhận hơn 500 ca Covid-19 trong 24 giờ

Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính từ 18h ngày 1-12 đến 18h ngày 2-12, trên địa bàn thành phố ghi nhận 509 ca Covid-19, trong đó có 233 ca tại cộng đồng, 198 ca tại khu cách ly và 78 ca tại khu phong tỏa.

Như vậy, sau 2 ngày liên tiếp ghi nhận hơn 460 ca/ngày, hôm nay, Hà Nội đã thiết lập kỷ lục mới với số ca mắc hơn 500 ca/ngày. 509 bệnh nhân mới này được phân bố tại 191 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã: Đống Đa (75), Gia Lâm (45), Ba Đình (41), Thanh Xuân (30), Nam Từ Liêm (25), Hà Đông (23), Hoàn Kiếm (23), Sóc Sơn (20), Thường Tín (19), Chương Mỹ (17), Tây Hồ (17), Hai Bà Trưng (16), Hoài Đức (16), Thanh Oai (16), Bắc Từ Liêm (15), Hoàng Mai (15), Mỹ Đức (15), Đan Phượng (14), Mê Linh (12), Thanh Trì (10), Long Biên, Quốc Oai, Phú Xuyên (5), Phúc Thọ (5), Ba Vì (4), Cầu Giấy (4), Đông Anh (4), Ứng Hòa (4), Thạch Thất (2), Sơn Tây (1).

Riêng 233 ca cộng đồng được phân bố tại 118 xã phường thuộc 29/30 quận huyện: Đống Đa (52), Gia Lâm (20), Sóc Sơn (15), Thanh Xuân (14), Hà Đông (12), Bắc Từ Liêm (11), Hoài Đức (11), Thường Tín (10), Ba Đình (9), Thanh Trì (9), Mỹ Đức, Hoàn Kiếm (7), Nam Từ Liêm (7), Chương Mỹ (6), Đan Phượng (6), Phúc Thọ (5), Thanh Oai (5), Hai Bà Trưng (4), Quốc Oai (4), Hoàng Mai (3), Mê Linh (3), Tây Hồ (3), Long Biên (2), Ứng Hòa (2), Ba Vì (1), Cầu Giấy (1), Đông Anh(1), Thạch Thất (1), Sơn Tây (1).

Trong 24 giờ qua, những địa bàn ghi nhận nhiều ca mắc trong cộng đồng là phường Ô Chợ Dừa, phường Thịnh Quang, phường Phương Liên, phường Trung Liệt, phường Thổ Quan (quận Đống Đa); xã Đa Tốn, xã Yên Thường (huyện Gia Lâm); xã Phú Cường (huyện Sóc Sơn); xã Tuy Lai (huyện Mỹ Đức); phường Khương Trung, phường Nhân Chính (quận Thanh Xuân); xã Thắng Lợi (huyện Thường Tín); xã Đại Áng, xã Tân Triều (huyện Thanh Trì), phường Hà Cầu (quận Hà Đông); phường Liễu Giai (quận Ba Đình)…

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27-4 đến nay) là 11.575 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng là 4.672 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 6.903 ca. (Hà Nội mới, trang 7)

 

4 nhóm nguy cơ nhiễm COVID-19

Theo hướng dẫn mới ban hành, Bộ Y tế phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2 theo 4 nhóm nguy cơ (theo bảng màu đỏ – cam – vàng và xanh), đồng thời định hướng xử trí, cách li, điều trị. Quy định được áp dụng trên cả nước.

Trong phân loại nguy cơ người nhiễm có 4 loại. Cụ thể, nguy cơ thấp (màu xanh): tuổi từ 3 tháng trở lên đến dưới 49 tuổi và chưa phát hiện bệnh lí nền, đã tiêm đủ liều vắc xin sức khoẻ chưa có dấu hiệu bất thường và SpO2 từ 97% trở lên. Đối với nhóm này được chăm sóc tại nhà riêng (đủ điều kiện theo quy định). Trạm y tế, nhân viên y tế, tình nguyện viên… theo dõi, quản lí người nhiễm, phát hiện sớm dấu hiệu chuyển tầng cao hơn. Cùng với đó, hỗ trợ tâm lí, dinh dưỡng, vận động, theo dõi sức khoẻ liên tục, đánh giá nguy cơ. Đồng thời, cung cấp gói chăm sóc tại nhà (thuốc kháng virus, vitamin, nhu yếu phẩm…).

Nguy cơ trung bình (màu vàng): từ 50-64 tuổi, chưa phát hiện bệnh lí nền và đã tiêm đủ liều vắc xin; tuổi từ 3 tháng đến dưới 49 tuổi và chưa tiêm đủ liều vắc xin; có dấu hiệu như: sốt, ho, đau họng, khó thở nhẹ… và SpO2 từ 97% trở lên. Nhóm này điều trị tại bệnh viện, cơ sở thu dung điều trị COVID-19 (tầng 1). Nếu cơ sở điều trị tầng 1 của địa phương quá tải, có thể xem xét điều trị tại cộng đồng. Theo hướng dẫn, với nhóm nguy cơ trung bình cần theo dõi sát sao, phát hiện sớm dấu hiệu thay đổi cần nhập viện ngay hoặc chuyển tầng cao hơn. Việc điều trị bằng thuốc kháng virus; điều trị triệu chứng như: hạ sốt, giảm đau, giảm ho cùng với nâng cao thể trạng, dinh dưỡng, vật lí trị liệu, hỗ trợ tâm lí…

Nguy cơ cao (màu cam): tuổi từ 65 trở lên và đã tiêm đủ liều vắc xin; mắc bệnh lí nền và đã tiêm đủ liều vắc xin; từ 50-64 tuổi, chưa phát hiện bệnh lí nền và chưa tiêm đủ liều vắc xin; phụ nữ có thai, vừa sinh con dưới 42 ngày; trẻ em từ dưới 3 tháng tuổi; SpO2 từ 94%-96%. Với nhóm này điều trị tại Bệnh viện thu dung điều trị COVID-19 (tầng 2). Theo dõi phát hiện sớm dấu hiệu chuyển tầng cao hơn; điều trị thuốc kháng virus, dinh dưỡng, điều trị dự phòng thuốc chống đông, bảo đảm sẵn sàng hỗ trợ ô xy và dùng thuốc chống viêm khi suy hô hấp; theo dõi điều trị kết hợp bệnh lí nền.

Nguy cơ rất cao (màu đỏ): tuổi từ 65 trở lên và chưa tiêm đủ liều vắc xin; mắc bệnh lí nền và chưa tiêm đủ liều vắc xin; có tình trạng cấp cứu; SpO2 dưới 94%. Nhóm này điều trị tại Bệnh viện thu dung điều trị COVID-19 (tầng 2,3); Trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 (căn cứ theo chỉ định của bác sĩ và số giường bệnh). Với nhóm nguy cơ rất cao, việc điều trị tập trung hỗ trợ thở: thở oxy, thở HFNC, thở máy, ECMO (thiết bị tim, phổi nhân tạo), hỗ trợ các cơ quan suy chức năng (chạy thận, lọc máu, trợ tim, vận mạch…). Đồng thời, điều trị chống viêm, chống đông, kháng sinh, vật lí trị liệu, phục hồi chức năng, phòng ngừa biến chứng… Theo dõi điều trị kết hợp bệnh lí nền, chuyển tầng điều trị thấp hơn nếu đáp ứng điều trị.

7 nguyên tắc điều trị F0

Cũng tại hướng dẫn, Bộ Y tế đề cập đến 7 nguyên tắc điều trị F0, trong đó theo dõi, chăm sóc các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 không triệu chứng và các ca bệnh nhẹ ngay tại nhà (nếu đủ điều kiện). Tập trung điều trị tốt ngay tại tầng 1, tầng 2 cho người bệnh, tăng cường năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực các ca bệnh nặng ở tầng trên.

Mỗi cơ sở thu dung bố trí ít nhất 2 tầng điều trị và bảo đảm tỉ lệ giường bệnh hồi sức tích cực theo phân tầng điều trị. Cùng với đó, tăng cường kết nối, hội chẩn, tư vấn điều trị từ xa, tầng trên chỉ đạo tuyến cho tầng dưới để điều trị hiệu quả ngay tại tầng dưới. “Cộng đồng, y tế tuyến cơ sở và các bệnh viện thu dung, điều trị COVID-19 thực hiện nghiêm việc phân loại nguy cơ; tuy nhiên căn cứ trên tình trạng lâm sàng của người bệnh và tính sẵn có của giường bệnh, cơ sở y tế (bác sĩ điều trị) có quyền quyết định chuyển người bệnh vào loại giường bệnh phù hợp với thực tế”, Bộ Y tế lưu ý.

Trước đó, ngày 31/7, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 3646 về tiêu chí phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2 trong bối cảnh các ca COVID-19 đang tăng nhanh tại TPHCM và các tỉnh phía Nam. Tuy nhiên, hiện nay, việc áp dụng phân loại nguy cơ và xử trí, cách li, chuyển viện điều trị thiếu nhất quán giữa các địa phương đang làm ảnh hưởng đến hiệu quả phòng, chống dịch. Vì vậy, việc chỉnh sửa tiêu chí phân loại nguy cơ và định hướng xử trí, cách li, điều trị phù hợp với tình hình mới để thống nhất áp dụng tại tất cả các tỉnh, thành phố trên toàn quốc. (Tiền phong, trang 1)

 

Phân bổ thuốc kháng virus cho người nhiễm COVID-19

Theo hướng dẫn mới ban hành, Bộ Y tế phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2 theo 4 nhóm nguy cơ (theo bảng màu đỏ – cam – vàng và xanh), đồng thời định hướng xử trí, cách li, điều trị. Quy định đ

Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam vừa ký công điện 1662 về việc tăng cường rà soát công tác tiêm vắc xin; quản lý, điều trị người bị nhiễm COVID-19. Theo công điện, những ngày gần đây, số ca mắc, số ca tử vong do COVID-19 có xu hướng gia tăng. Trong các nguyên nhân, có bất cập trong quản lý, hỗ trợ, điều trị người bị nhiễm COVID-19; dù đã đủ vắc xin nhưng vẫn còn một số lượng đáng kể người già, người có bệnh nền chưa được tiêm, có nguy cơ tử vong cao nếu nhiễm bệnh.

Vì thế, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế chỉ đạo, hướng dẫn; UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức tiêm vắc xin cho toàn bộ người dân trong độ tuổi được chỉ định, đặc biệt lưu ý những người cao tuổi, người có bệnh nền; chỉ đạo các bệnh viện phối hợp với hệ thống y tế dự phòng để tiêm an toàn, nhanh nhất. Triển khai khẩn trương việc tiêm mũi bổ sung, tăng cường. Bộ Y tế phân bổ ngay thuốc kháng virus dạng viên để các tỉnh, thành phố tổ chức cấp phát cho tất cả những người bị nhiễm uống ngay sau khi được xác định dương tính. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo triển khai hệ thống theo dõi, quản lý sức khỏe cho tất cả những người bị nhiễm virus; không để xảy ra tình trạng người nhiễm virus không liên hệ được với cơ sở y tế, không được phát thuốc điều trị ngay. (Tiền phong, trang 5)

 

Vì sao nhân viên y tế nghỉ việc hàng loạt?

Từ đầu năm 2021 đến nay, TPHCM có gần 1.000 nhân viên y tế nghỉ việc và xu hướng nghỉ việc trong lĩnh vực y tế tiếp tục gia tăng. Rất nhiều yếu tố khác nhau đã tác động đến quyết định thôi việc của những người nơi tuyến đầu chống dịch, trong đó có áp lực công việc, thu nhập, khủng hoảng tâm lý.

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai – Chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM cho biết, 10 tháng đầu năm 2021, số nhân viên xin nghỉ việc trong lĩnh vực y tế là 968 trường hợp. Dựa trên đơn thư, các trường hợp xin nghỉ do hoàn cảnh gia đình hoặc yếu tố cá nhân.

Tuy nhiên, phía sau lá đơn xin thôi việc là những trăn trở, nghẹn ngào của các chiến sĩ áo trắng một thời quên mình nơi tuyến đầu chống dịch. Chị Nguyễn Thị Thu, điều dưỡng từng công tác tại Bệnh viện huyện Củ Chi chia sẻ: “Nhân sự không đủ, chúng tôi phải làm việc 24/7, cứ 2 tuần mới được xoay tua nghỉ một lần.

Bệnh nhân đông nên nhân viên y tế phải trực cả ngày lẫn đêm trong căng thẳng lo lắng có thể bị lây nhiễm bất kỳ lúc nào. Tôi rơi vào rối loạn giấc ngủ, rối loạn kinh nguyệt, sức khỏe và tinh thần đều sụt giảm. Trong khi đó, tổng thu nhập mỗi tháng chỉ được khoảng 8 triệu đồng. Tôi đã cố cho đến khi dịch tạm lắng và xin nghỉ việc để chuyển sang lĩnh vực thẩm mỹ”.

Một trường hợp khác là bác sĩ Trương Thanh Q. (xin ẩn danh) từng công tác một bệnh viện tại TPHCM, nói: “Tôi nghỉ việc không phải vì thu nhập thấp, bởi các khoản hỗ trợ chống dịch vẫn được lãnh đều. Tuy nhiên, mỗi đêm nhắm mắt tôi lại thấy hình ảnh bệnh nhân không thể qua khỏi vì COVID-19.

Trong thời gian dài tôi phải sống trong tình trạng căng thẳng, mệt mỏi cả thể xác lẫn tâm thần; phần vì áp lực công việc trong cuộc chiến chống dịch, phần vì sự ám ảnh khiến tôi khó tập trung vào công việc và luôn có cảm giác bất an. Tôi cần phải nghỉ ngơi và có thể sẽ chọn nghề khác sau khi lấy lại những thăng bằng cho bản thân”.

Trong khi đó nhân viên y tế tuyến cơ sở đang đuối sức. BS Phạm Văn Nghĩa-Trưởng trạm y tế xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, nói: “Trên địa bàn có khoảng 100.000 dân nhưng chỉ có 9 nhân viên y tế. Chúng tôi đang phối hợp với lực lượng trạm y tế lưu động chăm sóc cho gần 850 F0. Công việc rất vất vả, quá tải, tất cả anh em phải làm ngày làm đêm nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu. Ai cũng mệt mỏi nhưng thu nhập của anh em chỉ khoảng 6 đến 7 triệu/tháng. Thu nhập không tương xứng với công việc nên xu hướng anh em muốn nghỉ việc nhiều”.

“Giai đoạn căng thẳng nhất của dịch bệnh, chúng tôi đã xông pha đi chiến đấu gần như không màng danh lợi và cũng chẳng nghĩ đến nguy hiểm của bản thân, gia đình. Tuy nhiên, qua đợt dịch, anh em bắt đầu có biểu hiện mệt mỏi, sức lực hao mòn. Hơn lúc nào hết giai đoạn này rất cần sự động viên chia sẻ để xốc lại tinh thần cho lực lượng y tế”, BS Trần Văn Sóng-Phó giám đốc Bệnh viện Nhân Dân 115, chia sẻ.

Để nhân viên y tế vững tâm công tác, thời gian qua, Sở Y tế TPHCM đã đẩy nhanh tiến độ chi trả các chế độ chính sách hỗ trợ, động viên lực lượng tuyến đầu tham gia phòng chống dịch COVID-19 theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố. Theo BS Nguyễn Hoài Nam – Phó giám đốc Sở Y tế, đến nay hầu hết lực lượng tham gia phòng chống dịch đều đã nhận được sự hỗ trợ với tổng số tiền gần 338 tỷ đồng.

Theo TS tâm lý Lê Minh Công – Phó Trưởng khoa Công tác xã hội, Trường Ðại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Ðại học Quốc gia TPHCM, nhân viên y tế là những người có nguy cơ cao nhất phải đối mặt với rối loạn tâm thần trong dịch COVID-19. Nhiều dữ liệu cho thấy, nhân viên y tế xuất hiện các triệu chứng ám ảnh, né tránh trong thời gian rất dài, bởi tình trạng kiệt sức và thường xuyên đối diện với sự khốc liệt của dịch bệnh. Nhân viên y tế đang là những người cần được hỗ trợ, nâng đỡ về sức khỏe tâm thần. (Tiền phong, trang 4)

 

Vì sao F0 ở miền Tây tăng nhanh?

Mặc dù độ phủ vắc xin mũi 2 tại hầu hết các địa phương khu vực miền Tây Nam bộ đã đạt trên 80% tổng số người từ 18 tuổi trở lên, nhưng hiện dịch Covid-19 vẫn tiếp tục lan nhanh tại khu vực này. Trong 3 ngày (từ 29.11 đến 1.12), mỗi ngày các tỉnh thành ĐBSCL đều ghi nhận trung bình 5.700 ca nhiễm mới, cao gấp 2,5 lần so với tuần đầu tháng 11.

F0 gia tăng mỗi ngày

TP.Cần Thơ hiện có số ca mắc Covid-19 cao nhất miền Tây với trên dưới 1.000 ca/ngày, gấp 5,5 lần so với hồi đầu tháng 11. Đặc biệt, trưa 2.12, Cần Thơ ghi nhận thêm 1.201 ca F0 mới, nâng tổng số F0 lũy kế từ ngày 8.7 đến nay lên gần 28.500 ca. Chỉ trong 1 tuần lễ (từ ngày 25.11 – 1.12), Cần Thơ ghi nhận đến hơn 8.000 ca nhiễm mới và đã có 203 bệnh nhân (BN) tử vong.

Còn ông Trần Văn Khải, Phó giám đốc Sở Y tế Sóc Trăng, cho biết liên tục trong nhiều ngày qua, mỗi ngày tỉnh này đều ghi nhận trên 700 ca F0; trong đó hơn một nửa phát hiện qua lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc trong cộng đồng. Tính từ ngày 27.4 đến nay, tỉnh Sóc Trăng có tổng cộng 18.726 ca F0, trong đó có 11.289 ca khỏi bệnh, xuất viện; 108 ca tử vong; hiện còn 7.329 ca đang điều trị tại các cơ sở y tế.

Chiều 2.12, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 cấp tỉnh, Sở Y tế Bến Tre công bố số ca nhiễm thống kê từ ngày 23.11 – 2.12 (10 ngày) là 3.682 ca, chiếm đến 73,1% tổng số ca nhiễm ghi nhận trong hơn 5 tháng kể từ ngày tỉnh này bùng phát dịch (4.7).

Trong tuần qua, số ca nhiễm Covid-19 của tỉnh Cà Mau cũng liên tục tăng cao, với 500 ca/ngày. Đến nay, Cà Mau ghi nhận tổng cộng 10.219 ca F0; trong khi hồi đầu tháng 10, toàn tỉnh có chưa tới 300 ca F0.

Tại Vĩnh Long, tính từ ngày 30.11 đến sáng 2.12 cũng đã ghi nhận 1.594 F0, trong đó có đến 1.181 ca được ghi nhận trong cộng đồng và 413 ca chuyển từ F1 thành F0 khi được cách ly trước đó, nâng tổng số ca mắc Covid-19 của tỉnh vượt mốc 12.000 ca.

Người dân còn chủ quan, chưa thực hiện nghiêm 5K

Giải thích về lý do số ca nhiễm tăng cao, BS CK2 Phạm Phú Trường Giang, Phó giám đốc Sở Y tế Cần Thơ, cho rằng F0 tăng nhanh là khó tránh khỏi khi người dân đi lại thoải mái, cùng với ý thức thực hiện 5K đang bị xem nhẹ và việc sàng lọc được triển khai rộng.

Phân tích nguyên nhân bùng dịch và số ca nhiễm trong cộng đồng tăng cao, UBND tỉnh Cà Mau cho rằng do từ đầu tháng 10, trên 35.000 người dân Cà Mau từ các tỉnh, thành có dịch tự phát về quê; qua xét nghiệm có đến 904 ca F0 (chiếm 48,24% số ca nhiễm). Đặc biệt thời gian qua, một số khu phong tỏa chưa được quản lý chặt, còn xảy ra tình trạng người trong khu phong tỏa tiếp xúc, lây chéo cho nhau. Ngoài ra, một số người dân vẫn còn chủ quan trong việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, không thực hiện tốt thông điệp 5K, chưa tuân thủ nghiêm các biện pháp cách ly y tế tại nhà, dẫn đến tình trạng lây nhiễm chéo cho gia đình và các hộ xung quanh. Nhiều F0 được phát hiện có liên quan đến việc tham dự các đám, tiệc tập trung đông người, làm tăng nguy cơ lây ra cộng đồng.

Theo ông Văn Công Minh, Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Long, việc số ca F0 liên tục tăng cao ở tỉnh này thời gian qua chủ yếu từ các công nhân đi làm ngoài tỉnh về. Cụ thể, tại TX.Bình Minh, người lao động làm việc ở TP.Cần Thơ về được phát hiện nhiễm nhiều nhất, khiến TX.Bình Minh chuyển thành vùng đỏ. Các ổ dịch tập trung tại địa bàn đông dân cư, lây nhiễm thứ phát ngoài cộng đồng, nhất là tại các địa phương có mật độ dân cư cao, giao thương, đi lại lớn và nhiều người dân trở về từ địa phương có dịch nhưng chưa thực hiện nghiêm biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.

Tăng cường hỗ trợ điều trị F0 nhẹ tại nhà

“May mắn là tới giờ, tỷ lệ tiêm vắc xin của Cần Thơ đã khá cao (hơn 90% số người trong độ tuổi đã tiêm đủ 2 mũi) nên F0 đa phần không có triệu chứng, ít triệu chứng”, ông Phạm Phú Trường Giang chia sẻ. Theo Sở Y tế Cần Thơ, đến trưa 2.12, số F0 đang điều trị tại nhà ở Cần Thơ là 11.402 người. Phó chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè cho rằng F0 điều trị tại nhà tăng nhanh đã khiến một số xã/phường quá tải, dẫn tới việc chăm sóc không kịp thời. Ngoài ra, việc phối hợp vận chuyển F0 cần chuyển viện một số nơi còn lúng túng; cấp phát thuốc cho F0 tại nhà còn chậm và thiếu… Ông Phạm Phú Trường Giang cho hay TP cũng đã kích hoạt 83 trạm y tế lưu động và thành lập thêm 62 đội y tế lưu động hỗ trợ (gồm bác sĩ và sinh viên của Trường ĐH Y Dược Cần Thơ); phân bổ 10.530 túi thuốc A (gồm thuốc giảm đau, hạ sốt, thuốc bổ sung vitamin và khẩu trang), 6.930 gói thuốc B và 980 túi thuốc Đông Tây y kết hợp cho các trạm y tế để phục vụ, điều trị F0 tại nhà. “Các đội lưu động cấp cứu ngoại viện cũng được tăng cường, trong đó Quân khu 9 hỗ trợ thêm 5 đội, nếu địa phương nào đuối, các đội lưu động trên sẽ được đưa về hỗ trợ”, ông Giang nói và cho biết thêm, khác với TP.HCM trước đó, nhờ tiêm vắc xin, các ca nhiễm ở Cần Thơ có triệu chứng rất nhẹ nên nhu cầu về ô xy không đáng ngại. Hiện chỉ có mười mấy ca F0 điều trị tại nhà cần thở ô xy.

Sở Y tế Vĩnh Long dự báo trong thời gian tới, trên địa bàn tỉnh bình quân phát sinh từ 400 – 600 ca F0 mới/ngày; trong đó có khoảng 380 – 580 ca F0 không triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ, chỉ có khoảng 4% F0 mức độ vừa, nặng và rất nặng. Vĩnh Long cũng đã xây dựng 107 trạm y tế lưu động chăm sóc và điều trị F0, F1 tại nhà. Mỗi trạm y tế lưu động, trạm y tế quản lý, chăm sóc tốt nhất 50 – 100 F0 và sẽ điều chỉnh tăng giảm số trạm này tùy tình hình thực tế. Hiện toàn tỉnh chỉ có 4.900 giường bệnh chuyên sơ cấp cứu, hồi sức tích cực, điều trị BN mắc Covid-19 theo mô hình tháp 3 tầng, trong đó có khu cấp cứu và hồi sức tích cực (ICU) của tỉnh là 220 giường.

Trong buổi làm việc với các quận, huyện về phòng chống Covid-19, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Lê Quang Mạnh cho rằng từ việc mỗi ngày có 1 – 2 ca tử vong thì ngày 30.11, TP đã có 11 ca tử vong trong ngày là một trạng thái báo động. “Các cấp độ dịch không còn băn khoăn mức 3 hay 4 mà phải xác định ở mức cao nhất, nặng nề nhất, nguy hiểm nhất, vì vậy việc phòng, chống dịch là ưu tiên nhất, hơn các việc khác. Phải ưu tiên trên hết để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân”, ông Mạnh nói và thông tin, Cần Thơ đã thống nhất chủ trương chuyển cơ sở cách ly trước đây hơn 7.000 chỗ làm nơi tiếp nhận những trường hợp F0 không có điều kiện cách ly tại nhà, trang bị thuốc gói C, các thiết bị đo, đặc biệt máy đo nồng độ ô xy SpO2, và bình ô xy.

Để ứng phó tình hình dịch gia tăng, Sở Y tế TP.Cần Thơ cũng đã đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ trang thiết bị y tế và nhân lực cho 100 giường bệnh hồi sức tích cực tại Bệnh viện Y học cổ truyền, Bệnh viện đa khoa TP.Cần Thơ và Bệnh viện Lao và bệnh phổi để đảm bảo năng lực tiếp nhận BN nặng, nguy kịch trên địa bàn. Ngoài ra, Cần Thơ cũng đề nghị Bộ Y tế, Cục Quản lý dược xem xét sớm cấp số đăng ký cho thuốc Molnupiravir 400 để Công ty CP Dược Hậu Giang có thể triển khai sản xuất phục vụ điều trị BN mắc Covid-19. “Tuy nhiên, cái đáng lo nhất hiện nay là tầng 3, tức là những ca chuyển biến nặng. TP đang phải củng cố lại để tránh quá tải. Hiện số BN nằm ở tầng 3 của Cần Thơ là 310 ca; trong đó 156 trường hợp nặng, nguy kịch”, ông Phạm Phú Trường Giang thông tin.

Cũng tại Cần Thơ, Trung tâm điều trị Covid-19 quốc gia tại Bệnh viện đa khoa T.Ư Cần Thơ cũng đang triển khai 100 giường điều trị cho các BN nguy kịch từ các tỉnh miền Tây chuyển về. Hiện có 71 ca bệnh nặng ở TP.Cần Thơ và các tỉnh Đồng Tháp, Hậu Giang, Sóc Trăng đang được điều trị tại đây. Trong số các ca đang điều trị, có 1 ca phải chạy ECMO (tim phổi nhân tạo); 3 ca lọc máu liên tục và 32 ca thở máy. Năng lực thu dung điều trị thở máy của trung tâm này khoảng 40 – 50 ca. (Thanh niên, trang 4)

 

Khẩn trương tiêm mũi bổ sung, tăng cường

Hôm qua (2.12), Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký công điện của Thủ tướng về việc tăng cường rà soát công tác tiêm vắc xin; quản lý, điều trị người bị nhiễm Covid-19, trước tình trạng những ngày gần đây số ca mắc, số ca tử vong do Covid-19 có xu hướng gia tăng.

Công điện yêu cầu Bộ Y tế chỉ đạo, hướng dẫn; UBND tỉnh, TP trực thuộc T.Ư tổ chức viêm vắc xin cho toàn bộ người dân trong độ tuổi được chỉ định. Đặc biệt lưu ý những người cao tuổi, người có bệnh nền; chỉ đạo các bệnh viện phối hợp với hệ thống y tế dự phòng để tiêm an toàn, nhanh nhất; triển khai khẩn trương việc tiêm mũi bổ sung, tăng cường.

Bộ Y tế phân bổ ngay thuốc kháng vi rút dạng viên để các tỉnh, TP tổ chức cấp phát cho tất cả những người bị nhiễm vi rút uống ngay sau khi được xác định dương tính. Các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư chỉ đạo triển khai hệ thống theo dõi, quản lý sức khỏe cho tất cả những người bị nhiễm vi rút; không để xảy ra tình trạng người nhiễm vi rút không liên hệ được với cơ sở y tế, không được phát thuốc điều trị ngay. Bộ Y tế khẩn trương hoàn thiện các thủ tục cấp phép, công tác mua sắm bảo đảm đủ thuốc điều trị; tổ chức tăng cường lực lượng cho các địa phương có yêu cầu. (Thanh niên, trang 5)

Cùng chủ đề Báo Sài Gòn giải phóng, trang 7: “Triển khai tiêm vaccine covid-19 mũi 3 trong tháng 12”

 

Hỗ trợ nhân lực y tế cho ĐBSCL

Ngày 2.12, Bệnh viện Bạch Mai đã cử đoàn công tác gồm 9 bác sĩ, điều dưỡng các chuyên ngành hồi sức, cấp cứu, truyền nhiễm lên đường để hỗ trợ tỉnh An Giang cấp cứu, điều trị các bệnh nhân Covid-19 nặng.

Làm việc về công tác phòng chống dịch tại An Giang sáng 2.12, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đề nghị tỉnh tập trung giám sát dịch tễ đối với những người có triệu chứng đến khám tại các cơ sở y tế và các nơi tập trung đông người, đặc biệt tại các nhà máy, xí nghiệp đông công nhân. Đối với công tác điều trị, cần chủ động việc quản lý F0 tại nhà, tiếp cận các loại thuốc điều trị F0 như Molnupiravir, Avigan; xây dựng liên kết tốt hơn giữa các tầng điều trị, có thể tính đến việc kết hợp tầng 2 và tầng 3, phát triển mô hình cơ sở điều trị đa tầng để tối ưu hóa trang thiết bị và nhân viên y tế; xây dựng mô hình đảm bảo công tác chuyển tuyến của bệnh nhân được thuận lợi.

An Giang đang nhận được sự hỗ trợ về nhân lực điều trị của Bệnh viện (BV) Bạch Mai và 2 BV của TP.HCM, trong đó nhóm chuyên gia của BV Bạch Mai vừa hỗ trợ điều trị vừa tập huấn các kỹ thuật hồi sức tích cực hiện đại.

Trước đó, làm việc tại Cần Thơ, Thứ trưởng Sơn nhìn nhận số lượng ca mắc Covid-19 mới tại Cần Thơ gần đây là mối quan ngại lớn của Chính phủ và ngành y tế. Việc tăng ca nhiễm đã được tiên liệu trước. Tuy nhiên, khi đã tiến hành bao phủ vắc xin với tỷ lệ cao và có thuốc đặc trị thì phải giảm tỷ lệ bệnh nhân nhập viện, giảm ca trở nặng và ca tử vong.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho rằng các tỉnh phía nam vẫn cần phát hiện F0 để kịp thời chăm sóc điều trị, ngăn chặn nguy cơ trở nặng và tử vong; các địa phương cần xây dựng kế hoạch xét nghiệm phù hợp với tình hình, đồng thời duy trì hệ thống quản lý F0 tại nhà và hệ thống điều trị hiệu quả. Tăng cường giám sát dịch tại các địa bàn, khu vực đông người, sớm tách F0 khỏi cộng đồng.

Các BV phải an toàn, các khoa có bệnh nhân dễ bị tổn thương phải theo dõi, tầm soát cao hơn. “Nhân viên y tế cũng cần được ưu tiên tầm soát để đảm bảo an toàn điều trị bệnh nhân”, Thứ trưởng Sơn lưu ý. Đồng thời, các tỉnh cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân có triệu chứng bệnh thông báo cho y tế cơ sở để được hỗ trợ, kể cả trong trường hợp không phát hiện mắc Covid-19.

Bộ Y tế nhận định số ca mắc cộng đồng đang tăng ở nhiều địa phương, có thể sẽ có nhiều chuỗi lây nhiễm và tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Bộ Y tế cho biết trong tháng 12, nguồn vắc xin về nhiều (khoảng 63,5 triệu liều) và sẽ được phân bổ cho các địa phương để tiêm đủ liều cơ bản cho người từ 18 tuổi trở lên và trẻ em từ 12 – 17 tuổi. Riêng với các tỉnh phía nam, đến hết tháng 11, khoảng 60,3 triệu liều đã được phân bổ. (Thanh niên, trang 4)

 

17 học sinh phản ứng nặng sau tiêm vắc xin Covid-19 sức khỏe đã ổn định

Chiều 2.12, thông tin từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa cho biết từ ngày 30.11 đến trưa 2.12, tất cả 27 huyện, thị, TP trên địa bàn tỉnh đã đồng loạt tiêm vắc xin Pfizer mũi 1 cho trẻ từ 15 – 17 tuổi.

Trong quá trình tiêm, một số địa phương đã ghi nhận có trẻ bị phản ứng sau tiêm, trong đó có 17 trẻ em phản ứng nặng. Cụ thể, tại H.Vĩnh Lộc có 5 em, H.Hậu Lộc 3 em, TX.Nghi Sơn 3 em, H.Hà Trung 2 em, TX.Bỉm Sơn 2 em, H.Thạch Thành và H.Cẩm Thủy mỗi huyện 1 em.

Đến chiều 2.12, sức khỏe của 17 trường hợp trên đã ổn định và đang được theo dõi tại bệnh viện. Trước đó, vào ngày 1.12, tại H.Hoằng Hóa đã có 86 trường hợp phản ứng sau tiêm ở thể thông thường, phải nhập viện theo dõi. Hiện sức khỏe 86 em này đã ổn định và được xuất viện về nhà.

Như Thanh Niên đã thông tin, ngày 1.12, Thanh Hóa triển khai tiêm 117.000 liều vắc xin Pfizer cho trẻ từ 12 – 17 tuổi trong tỉnh. Đến chiều 2.12, các địa phương đã sử dụng 56.766 liều. (Thanh niên, trang 5)

 

Phân luồng bệnh viện để sàng lọc, điều trị F0

Ngày 2-12, Sở Y tế TPHCM có văn bản khẩn gửi các cơ sở y tế thực hiện nghiêm việc tổ chức phân luồng, sàng lọc các trường hợp nghi nhiễm để phát hiện ca bệnh.

Bên cạnh đó, quản lý chặt chẽ, tránh lây nhiễm chéo trong cơ sở khám chữa bệnh (KCB); sẵn sàng thu dung, tiếp nhận, điều trị người mắc Covid-19 thích ứng với tình hình mới.

Sở Y tế đề nghị các bệnh viện (BV): Củng cố và chuyển đổi khu cách ly thành đơn vị Covid-19 để sẵn sàng thu dung, điều trị người mắc Covid-19 (đảm bảo giường bệnh có oxy, thuốc, trang thiết bị y tế…). Đảm bảo mỗi đơn vị Covid-19 có số giường tối thiểu bằng 10% tổng số giường của cả BV (chưa bao gồm số giường của khoa/đơn vị Hồi sức Covid-19); khuyến khích các BV chuyên khoa nhi, nhiễm và BV đa khoa hạng 1 thành lập khoa Covid-19.

Hình thành đơn vị Hồi sức Covid-19 trực thuộc khoa Hồi sức tích cực chống độc để sẵn sàng tiếp nhận điều trị người bệnh nặng, nguy kịch khi đến KCB hoặc do tuyến dưới chuyển đến; khuyến khích các BV thành lập khoa Hồi sức Covid-19. Tất cả bệnh viện tăng cường phối hợp và sẵn sàng tiếp nhận người bệnh khi nhận được yêu cầu chuyển viện của các BV điều trị Covid-19.

Theo Sở Y tế TPHCM, các BV: Bệnh nhiệt đới, Trưng Vương, An Bình, huyện Củ Chi tiếp tục nhiệm vụ chuyên thu dung điều trị Covid-19. Các BV đã tách đôi (có khối nhà riêng biệt, có cổng và lối đi riêng) để thực hiện nhiệm vụ điều trị Covid-19 bao gồm: BV Quân Dân y miền Đông, Phạm Ngọc Thạch, Từ Dũ, Hùng Vương, Nguyễn Tri Phương, Nhi đồng thành phố tiếp tục nhiệm vụ chuyên thu dung điều trị Covid-19 ở phần dành cho Covid-19. Tổng quy mô giường bệnh của các BV chuyển đổi công năng chuyên tiếp nhận điều trị Covid-19 khoảng 4.300 giường.

Hiện đã có 8 BV dã chiến thành phố ngừng hoạt động để bàn giao cơ sở hạ tầng cho cơ quan chủ quản nhằm phục hồi lại chức năng ban đầu. Trước tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, 13 BV dã chiến còn lại vẫn tiếp tục duy trì hoạt động với tổng quy mô giường bệnh khoảng 22.000 giường.

Ngoài ra, mỗi địa bàn quận huyện sẽ duy trì phát triển thêm BV dã chiến (tầng 2) hoặc cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 (tầng 1). Hiện có 16 bệnh viện dã chiến quận huyện, TP Thủ Đức với quy mô khoảng 8.000 giường; 65 cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 với quy mô khoảng 9.000 giường.

Ngoài các BV của thành phố được phân công là BV tuyến cuối trong thu dung điều trị Covid-19 (BV Bệnh nhiệt đới, Nhân dân Gia Định, Nhân dân 115), Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng), BV dã chiến điều trị Covid-19 Phước Lộc (Bộ Công an), các BV Trung ương được Bộ Y tế phân công tham gia hỗ trợ chuyên môn hồi sức tích cực Covid-19 trên địa bàn thành phố là: BV Chợ Rẫy, Thống Nhất, Đại học Y Dược TPHCM, Trung ương Huế. Tổng số giường tại các BV tầng 3 hiện nay khoảng 2.300 giường. (Sài Gòn giải phóng, trang 7)

 

Phải sản xuất được vaccine phòng COVID-19 trong nước sớm nhất, đảm bảo khoa học, an toàn, hiệu quả

Kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là phải sản xuất cho được vaccine phòng COVID-19 trong thời gian sớm nhất, nhưng phải đảm bảo khoa học, an toàn, hiệu quả.

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 321/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp về nhập khẩu và sản xuất vaccine, thuốc điều trị COVID-19.

Thông báo nêu rõ, hiện nay, chúng ta vẫn đang cơ bản kiểm soát được dịch bệnh COVID-19 trên phạm vi cả nước; chuyển sang thực hiện chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Theo dự báo chuyên môn, dịch bệnh COVID-19 còn tiếp tục diễn biến rất phức tạp, thực tiễn phòng, chống dịch ở Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế cho thấy tiêm vaccine là một trong những giải pháp căn cơ, quyết định trong kiểm soát dịch COVID-19.

Quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là phải sản xuất cho được vaccine phòng COVID-19 trong thời gian sớm nhất, nhưng phải đảm bảo khoa học, an toàn, hiệu quả theo quy trình, thủ tục hành chính rút gọn. Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương các cơ quan, đơn vị, nhà khoa học, chuyên gia và các doanh nghiệp đã tham gia tích cực vào hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine và thuốc điều trị COVID-19 trong thời gian qua.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế, các cơ quan, đơn vị chuyên môn phải thực sự công tâm, công khai, minh bạch khách quan, khoa học trong quá trình thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao; đặt lợi ích quốc gia dân tộc và tính mạng, sức khỏe người dân lên trên hết, trước hết; dứt khoát không được để xảy ra hai khuynh hướng “nóng vội, chủ quan”, hoặc “trì trệ, tiêu cực, cản trở”.

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương rà soát, hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý, bổ sung các cơ chế, chính sách cần thiết để hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất vaccine, sinh phẩm, trang thiết bị, thuốc điều trị COVID-19 trong nước; vấn đề thuộc thẩm quyền của cấp nào thì đề xuất cấp đó tháo gỡ trên tinh thần tôn trọng, bám sát thực tiễn; nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

Xử lý, đề xuất giải quyết ngay các vướng mắc trong quá trình nghiên cứu, chuyển giao, tổ chức sản xuất vaccine, sinh phẩm, trang thiết bị, thuốc điều trị COVID-19, không để kéo dài, ách tắc cho các đơn vị nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất.

Các nhà nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine, sinh phẩm, trang thiết bị, thuốc điều trị COVID-19 cũng phải công tâm, cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời, khách quan, trung thực, tất cả vì sức khỏe, tính mạng của người dân, của cộng đồng, vì danh dự để nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine, thuốc, sinh phẩm… an toàn, hiệu quả và phối hợp vô tư, chặt chẽ với các nhà quản lý để tháo gỡ khó khăn, đề nghị hỗ trợ giúp đỡ mọi mặt, như cơ chế chính sách, quy trình, quy định thủ tục rút gọn, tài chính…

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác truyền thông, bảo đảm công khai, minh bạch, trung thực, khách quan; không để dư luận xã hội hiểu lầm vì không đủ thông tin và không để các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc, chống phá…

Khẩn trương tiếp thu ý kiến của đại biểu dự họp, ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam để hoàn thiện Kế hoạch mua và sử dụng vaccine phòng COVID-19, trong đó lưu ý có ý kiến đề xuất chính thức về nhập khẩu, mua vaccine sản xuất trong nước; việc tiêm vaccine mũi bổ sung; phương án tiêm trộn; phương án tiêm, việc lựa chọn loại vaccine và số lượng vaccine cần mua để tiêm cho trẻ em dưới 18 tuổi; xử lý các lô vaccine được các doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất; bảo đảm an toàn, hiệu quả, khoa học và phù hợp với kế hoạch tổng thể mua và sử dụng vaccine; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 5/12/2021. (Sức khỏe & Đời sống, trang 1)

 

Hà Nội lên phương án đón học sinh trở lại trường từ 6-12

Hiệu trưởng các trường THPT Hà Nội đang lên phương án với kế hoạch ưu tiên học sinh từ lớp 10-12 tại xã phường thị trấn của 30 quận huyện thị xã mức độ dịch cấp độ 1, 2 đi học trở lại từ 6-12.

Ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết Sở đã có văn bản trình UBND TP về việc cho học sinh THPT và trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên trở lại trường từ ngày 6/12. Ngày 2/12, UBND TP đã có văn bản số 4322/UBND-KGVX đồng ý với tờ trình của Sở GDĐT Hà Nội về việc tiếp tục tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh một số khối lớp tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn.

Trước đó, ngày 30/11, Sở cũng đã có cuộc họp với lãnh đạo các cơ sở giáo dục để quán triệt các nội dung chuẩn bị đón học sinh trở lại trường khi được lãnh đạo Thành phố quyết định.

Theo đó, các trường trước hết phải đạt các tiêu chí về yêu cầu an toàn trong phòng chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn liên ngành của Sở GD-ĐT và Sở Y tế ban hành tháng 10/2021

Cùng với đó, các trường phải đáp ứng một số nguyên tắc cơ bản như: giáo viên chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine chỉ được dạy trực tuyến, không tổ chức ăn bán trú, căn tin trong trường, học sinh tự mang theo nước uống cá nhân. Các trường cũng chỉ dạy học trực tiếp một buổi mỗi ngày…

Ông Phạm Xuân Tiến cũng cho hay Sở GD-ĐT và Sở Y tế đang xây dựng văn bản hướng dẫn liên ngành về phương án phòng chống dịch khi có trường hợp F0, F1, F2 hoặc nghi ngờ F0 trong trường học… Ví dụ, khi phát hiện có F0 trong trường học sẽ phải kích hoạt ngay các phương án phòng chống dịch; phong tỏa tạm thời khu vực có liên quan đến F0 tùy thuộc mức độ di chuyển của F0; diện phong tỏa có thể toàn bộ trường học hoặc từng tầng/khu vực học, làm việc, phòng học có liên quan F0…

“Mặc dù chưa có quyết định chính thức về việc học sinh sẽ đi học trực tiếp vào ngày 6/12 nhưng nhà trường vẫn chủ động tất cả điều kiện về cơ sở vật chất, phương án dạy học trực tiếp, trực tuyến cùng các điều kiện xử lý các tình huống phát sinh nếu có F0, F1 tại trường khi học sinh đi học trở lại vào tuần tới”- bà Nguyễn Thị Hiền, Hiệu trưởng trường THPT Kim Liên cho biết.

Theo Hiệu trưởng trường THPT Kim Liên, hiện nhà trường đã thực hiện tiêm vaccine phòng Covid-19 cho 2.043 em trên tổng số 2.104 học sinh toàn trường. Giáo viên cũng đã tiêm đủ hai mũi.

“Để dạy học trực tiếp, nhà trường đã lên phương án triển khai kết hợp giữa dạy học trực tiếp và trực tuyến ở cả 3 khối.

Trong đó, quan trọng nhất hiện nay là cần xây dựng phương án đảm bảo cơ sở vật chất, trang bị máy tính kết nối internet có webcam để giáo viên vừa dạy trực tiếp trên lớp vừa đảm bảo học sinh không đủ điều kiện đến trường như thuộc diện cách ly y tế, thuộc vùng dịch… nhà vẫn theo dõi bài giảng của giáo viên qua các ứng dụng để không gián đoạn học tập”- bà Hiền chia sẻ.

Cũng theo Hiệu trưởng này, công tác phòng chống dịch đã được Sở Y tế và Sở GD-ĐT Hà Nội quy định rõ quy trình xử lý các tình huống phòng chống dịch khi có F0 ở trường.

Nhà trường chỉ cần thực hiện đúng quy định là sẽ đảm bảo biện pháp an toàn phòng chống dịch khi đón học sinh trở lại trường học trực tiếp. Hiện nhà trường đang chờ thành phố, chính quyền địa phương, cơ quan y tế quyết định trường nào đủ điều kiện hoạt động trở lại do phụ thuộc vào thực tế tình hình dịch bệnh tại địa bàn dân cư.

Cho biết về kế hoạch của trường THPT Yên Hoà, quận Cầu Giấy, bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng trường này cho biết, trong khi chờ quyết định và hướng dẫn cụ thể của UBND TP và Sở GD-ĐT, nhà trường đã xây dựng dự phòng tất cả các phương án.

Trong đó, có kế hoạch dạy học chi tiết cho việc toàn bộ học sinh của cả lớp 10, 11 và lớp 12 được trở lại trường. Đặc biệt, nhà trường có kế hoạch ưu tiên một số lớp đầu cấp và cuối cấp đến trường học trực tiếp… (An ninh Thủ đô, trang 6)

Cùng chủ đề Báo Công an Nhân dân, trang 1: “Hà Nội xây dựng kịch bản ứng phó với tình huống có F0 trong trường học”; Tuổi trẻ, trang 2: “Thí điểm học sinh lớp 1,9,12 đến trường: Chuẩn bị thật kỹ”.

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 13/8/2018

admin

Điểm báo ngày 13/4/2021

CDC Hà Nam

Phê duyệt Chiến lược Quốc gia về Phòng, chống kháng thuốc tại Việt Nam

Ngọc Nga