Điểm báo ngày 11/8/2020

(CDC Hà Nam)
4 Bệnh nhân tại Đà Nẵng khỏi COVID-19 được xuất viện; Hà Nội phấn đấu xét nghiệm cho người về từ Đà Nẵng xong trước ngày 20-8; Các nước đang bước vào làn sóng Covid-19 lần thứ 2 và bài học cho Việt Nam…

 

Tăng cường Công tác phòng, chống dịch covid-19

Thường trực Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Công văn số 1429-CV/TU ngày 8-8-2020 “Về việc bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong tổ chức đại hội của các đảng bộ trực thuộc Thành ủy”.

Thường trực Thành ủy yêu cầu các đơn vị chuẩn bị tổ chức đại hội đảng bộ cấp trên cơ sở phải thực hiện việc rà soát y tế với các đại biểu và thành phần tham gia đại hội, bảo đảm tất cả đại biểu và thành phần tham gia đại hội nếu đi về từ TP Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam hoặc các khu vực có dịch ngoài cộng đồng thì phải thực hiện xét nghiệm PCR và theo dõi tình hình sức khỏe. Trường hợp có nguy cơ cao, có các triệu chứng liên quan thì có thể cho phép vắng mặt tại đại hội. Thường trực Thành ủy yêu cầu, bên cạnh bảo đảm chất lượng, ban tổ chức đại hội phải bố trí việc giữ khoảng cách hợp lý, quy định và hướng dẫn việc bảo đảm an toàn, thực hiện vệ sinh, khử trùng và đo thân nhiệt, sát khuẩn các phương tiện, dụng cụ phục vụ đại hội; khử trùng khu vực diễn ra đại hội; hạn chế tối đa khách mời; không tổ chức văn nghệ, hoạt động chào mừng đại hội, tặng hoa… (Nhân dân, trang Hà Nội),

 

Việt Nam hỗ trợ công dân về nước

Trong hai ngày 9 và 10-8, các cơ quan chức năng Việt Nam, các cơ quan đại diện Việt Nam tại Ca-na-đa và Hàn Quốc, Hãng hàng không quốc gia Việt Nam đã phối hợp các cơ quan chức năng sở tại đưa hơn 300 công dân Việt Nam từ Ca-na-đa và Hàn Quốc về nước an toàn. Hành khách trên chuyến bay bao gồm trẻ em dưới 18 tuổi, người cao tuổi, người bị bệnh nặng, sinh viên đã hoàn thành khóa học không có nơi lưu trú, người lao động hết hạn thị thực và hợp đồng lao động, người đi du lịch bị kẹt lại và các trường hợp đặc biệt khó khăn khác.

Các Đại sứ quán Việt Nam tại Ca-na-đa và Hàn Quốc cử cán bộ trực tiếp đến sân bay phối hợp với hãng hàng không hỗ trợ công dân. Hãng hàng không quốc gia Việt Nam thực hiện nghiêm túc các biện pháp về an ninh, an toàn và vệ sinh dịch tễ trong suốt chuyến bay. Ngay sau khi hạ cánh xuống sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, những người tham gia chuyến bay được giám sát y tế, cách ly tập trung theo đúng quy định.

* Ngày 10-8, các cơ quan chức năng Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Các tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE) và Hãng hàng không Bamboo Airways đã phối hợp các cơ quan chức năng UAE đưa hơn 260 công dân Việt Nam về nước an toàn. Hành khách trên chuyến bay bao gồm trẻ em dưới 18 tuổi, người cao tuổi, người ốm đau, lao động hết hạn hợp đồng, không có nơi cư trú và các trường hợp đặc biệt khó khăn khác. Đại sứ quán Việt Nam tại UAE cử cán bộ trực tiếp hỗ trợ công dân tại sân bay. Hãng hàng không thực hiện nghiêm túc các biện pháp về an ninh, an toàn và vệ sinh dịch tễ trong suốt chuyến bay. Ngay sau khi hạ cánh xuống sân bay quốc tế Cần Thơ, những người tham gia chuyến bay được giám sát y tế và cách ly tập trung theo đúng quy định.

* Theo tin nước ngoài và TTXVN, Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) vừa công bố cuốn sách thứ hai về công trình nghiên cứu chung có tiêu đề “Thúc đẩy tiếp cận công nghệ y tế và sáng tạo: Mối liên hệ giữa y tế công cộng, sở hữu trí tuệ và thương mại”. Tổng Giám đốc WHO T.Ghê-brây-ê-xút kêu gọi dỡ bỏ mọi rào cản đối với khả năng tiếp cận công nghệ y tế, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 đáng báo động tại nhiều nơi trên thế giới.

* Theo thống kê trên trang worldometers.info, đến chiều 10-8, số ca mắc Covid-19 toàn thế giới đã chạm mốc 20 triệu người, trong đó hơn 734 nghìn người chết. Chỉ trong bốn ngày, thế giới có thêm một triệu ca bệnh, sau khi ghi nhận mốc 19 triệu ca hôm 6-8. Mỹ, Bra-xin, Ấn Độ, Nga và Nam Phi tiếp tục là những “điểm nóng” dịch bệnh, trong đó số ca nhiễm tại Mỹ là gần 5,2 triệu người, hơn 165.600 trường hợp chết.

* Chính quyền thủ đô Xơ-un của Hàn Quốc lo ngại nguy cơ bùng phát ổ dịch mới sau khi tám người tại khu chợ truyền thống lớn nhất ở Hàn Quốc Nam-đê-mun dương tính với Covid-19. Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho biết, đã phát hiện ba biến dị mới ở người bệnh mắc Covid-19 và báo cáo lên WHO.

* Nhật Bản ghi nhận thêm 1.344 ca nhiễm, nâng tổng số người mắc bệnh lên 46.783 ca, trong đó 1.040 ca chết. Thủ tướng Nhật Bản S.A-bê cam kết đẩy mạnh nỗ lực kiểm soát dịch bệnh để tránh phải ban bố thêm tình trạng khẩn cấp.

* Ấn Độ có số ca nhiễm và người chết do Covid-19 nhiều nhất châu Á. Gần đây, Ấn Độ liên tục ghi nhận số ca nhiễm mới ở mức hơn 60.000 trường hợp mỗi ngày.

* In-đô-nê-xi-a và Phi-li-pin đứng đầu Đông – Nam Á về số ca nhiễm và người chết do dịch bệnh. In-đô-nê-xi-a có 5.765 người chết do Covid-19, vượt xa con số 4.634 trường hợp chết tại Trung Quốc.

* Trung Quốc đại lục ghi nhận thêm 49 ca nhiễm, trong đó có 35 ca nhập cảnh, 14 ca lây nhiễm trong cộng đồng đều ở khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương.

* Giới chức tại bang Vích-to-ri-a, tâm điểm của đợt dịch Covid-19 thứ hai tại Ô-xtrây-li-a, cho biết, có 19 người tại bang này chết trong vòng 24 giờ. Nhiều bang khác của Ô-xtrây-li-a cũng thông báo số ca mắc và chết.

* Anh ghi nhận thêm 1.062 ca mắc, con số cao nhất từ cuối tháng 6, trong bối cảnh nhiều khu vực tại Anh gia tăng quan ngại bùng phát làn sóng Covid-19 thứ hai. Hy Lạp có 203 ca mắc mới, mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát.

* Tình hình dịch diễn biến phức tạp tại Trung Đông. Nhiều nước, trong đó có I-ran, I-rắc, A-rập Xê-út, Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục ghi nhận hơn 1.000 ca nhiễm mới một ngày. Nhiều nơi cảnh báo dịch chưa “đạt đỉnh”.

* Vê-nê-xu-ê-la gia hạn tình trạng báo động về dịch Covid-19 thêm 30 ngày và là lần gia hạn thứ năm. Dịch bệnh tiếp tục diễn biến xấu khiến chính phủ On-đu-rát quyết định kéo dài lệnh giới nghiêm tới ngày 23-8.

* An-giê-ri và Ma-rốc tái áp đặt các biện pháp hạn chế để ngăn chặn sự lây lan nhanh của dịch bệnh. Tại Ma-rốc, số ca nhiễm ở mức 1.000 ca/ngày, gấp nhiều lần so con số kỷ lục được ghi nhận trước thời điểm nới lỏng cách ly.  (Nhân dân, trang 8).

 

Hà Nội phấn đấu xét nghiệm cho người về từ Đà Nẵng xong trước ngày 20-8

Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cho biết, ngày 10-8, có thêm sáu người bệnh (người bệnh từ thứ 842 đến 847) mắc Covid-19, trong đó Quảng Nam một người, Đà Nẵng bốn người và một người được cách ly tập trung sau khi nhập cảnh. Tính đến 18 giờ ngày 10-8, cả nước có 847 người mắc Covid-19, trong đó số người mắc liên quan Đà Nẵng tính từ ngày 25-7 đến nay là 389 người.

* Cùng ngày, có thêm ba người bệnh Covid-19 chết (người bệnh thứ 430, nữ, 33 tuổi; phường Hải Châu II, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng; người bệnh thứ 737, nữ, 47 tuổi; quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng; người bệnh thứ 436, nam, 66 tuổi, Cẩm Lệ, Đà Nẵng). Tính đến 21 giờ ngày 10-8, cả nước có 14 người mắc Covid-19 chết. Trong ngày, có thêm bốn người bệnh (người bệnh thứ 423, 424, 441, 442) mắc Covid-19 điều trị tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng được công bố khỏi bệnh.

* Chiều 10-8, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Nguyễn Đức Chung cho biết, trong phiên họp của Thường trực Thành ủy sáng 10-8, lãnh đạo thành phố đánh giá, công tác tuyên truyền phòng, chống dịch hiện nay chưa đạt hiệu quả như đợt trước. Có nơi, có chỗ, người dân chưa thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang, khoảng cách phòng dịch. Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các đơn vị tiếp tục tuyên truyền vận động để mọi người dân đi Đà Nẵng về từ ngày 8-7 phải khai báo y tế; từ 15-7 phải lấy mẫu xét nghiệm PCR. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu CDC Hà Nội khẩn trương phối hợp các quận, huyện bảo đảm công suất xét nghiệm từ 10 nghìn đến 12 nghìn mẫu/ngày. Thành phố phấn đấu xét nghiệm xong cho hơn 75 nghìn người về từ Đà Nẵng trước ngày 20-8.

* Doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch Covid-19 tiếp tục được tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB và XH) vừa có Công văn số 2884 ngày 3-8 gửi Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, về việc tiếp tục tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trước đó, cuối tháng 7, BHXH Việt Nam đã gửi dự thảo văn bản hướng dẫn tiếp tục tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong đó, cụ thể như sau: Đối với doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 đã được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất thì tiếp tục được tạm dừng đóng vào hai quỹ này đến hết tháng 12-2020. Đối với doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, nay mới bảo đảm đủ điều kiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất (lần đầu) thì thực hiện theo các văn bản hướng dẫn dừng đóng vào hai quỹ nêu trên của BHXH Việt Nam đã ban hành. Thời gian tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất tối đa đến hết tháng 12-2020.

Tại công văn trả lời, Bộ LĐ-TB và XH nhất trí với dự thảo của BHXH Việt Nam, đồng thời lưu ý, BHXH Việt Nam cân nhắc sử dụng từ “người sử dụng lao động” thay cho “doanh nghiệp”, nhằm tránh thu hẹp đối tượng, phạm vi được áp dụng chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Theo BHXH Việt Nam, tính đến ngày 1-7, số đơn vị đã nộp hồ sơ được phê duyệt tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là 1.519 đơn vị, tương ứng với 130.794 lao động và ước số tiền khoảng 475 tỷ đồng. (Nhân dân, trang 8).

 

Các nước đang bước vào làn sóng Covid-19 lần thứ 2 và bài học cho Việt Nam

Dịch Covid-19 đang gia tăng lây nhiễm mạnh mẽ trên toàn cầu, ở các châu lục với mức độ và các giai đoạn khác nhau. Xảy ra từ tháng 1-2020 tại Trung Quốc, đến nay, dịch Covid-19 đã lan ra 213 nước, với quy mô và tốc độ chưa từng có. Ngày 10-1-2020, có người chết đầu tiên vì Covid-19 tại Vũ Hán, ngày 2-4-2020, có 204 nước bị nhiễm Covid-19, một triệu người bị nhiễm và 53,1 nghìn người chết. Ba tháng sau, ngày 3-7-2020, số người bị nhiễm Covid-19 là 11 triệu người và số người chết là 532,8 nghìn người. Dự báo ngày 11-8-2020, sẽ có hơn 20 triệu người nhiễm Covid-19 trên thế giới. Vi-rút Co-ro-na chủng mới (gọi là SARS-CoV-2) đã phải cần đến 92 ngày để lây lan đến một triệu người nhiễm đầu tiên trên toàn thế giới, song chỉ cần 13 ngày là lây thêm một triệu người và bây giờ chỉ cần bốn ngày có thêm một triệu người nhiễm Covid-19 trên thế giới.

Châu Mỹ với 53 nước, khoảng 1.014 triệu dân, là lục địa có số người nhiễm Covid-19 nhiều nhất thế giới, với 10.612.762 người nhiễm, 388.022 người chết và 3.875.705 người đang điều trị ở các bệnh viện. Đến nay, sau 200 ngày Covid-19 lây nhiễm ở châu Mỹ, số người nhiễm và người đang điều trị tiếp tục tăng, chưa biết khi nào mới giảm. Cứ một triệu dân thì có hơn 10.000 người nhiễm, 3.800 người đang điều trị và gần 400 người chết.

Châu Âu với 49 nước và 831 triệu dân, có số người nhiễm bằng một phần ba châu Mỹ, với 3.246.696 người nhiễm, 211.426 người chết và 491.216 người đang điều trị ở bệnh viện, song mức độ lây nhiễm đã chậm lại. Gần đây, việc lây nhiễm có chiều hướng tăng trở lại. Số người đang điều trị tăng lên và cứ một triệu dân thì có hơn 3.900 người nhiễm, gần 600 người đang điều trị và 260 người chết.

Châu Á với 48 nước, 4.490 triệu dân, có số người nhiễm cao hơn châu Âu và xu hướng lây nhiễm vẫn tiếp tục tăng mạnh, tương tự ở châu Mỹ, với 4.624.742 người nhiễm, 100.876 người chết và 1.083.137 người đang điều trị ở các bệnh viện. Cứ một triệu dân thì có hơn 1.000 người nhiễm, hơn 200 người đang điều trị và 22 người chết.

Châu Phi với 57 nước, 1.886 triệu dân, có quá trình lây nhiễm chậm hơn châu Á 25 ngày, mức độ lây nhiễm rất nhanh, với 1.025.464 người nhiễm, 22.553 người chết và 295.034 người đang điều trị ở các bệnh viện. Cứ một triệu dân thì có 785 người nhiễm, 226 người đang điều trị và 17 người chết. Đáng lưu ý, dường như châu Phi đã đạt đỉnh dịch vào ngày 26-7-2020 với số người nhiễm đang điều trị là 338.154 người, sau đó giảm dần.

Châu Đại Dương chỉ với sáu nước và 40 triệu dân, là châu lục duy nhất việc lây nhiễm đã đạt đỉnh và qua làn sóng lây nhiễm thứ nhất, đang bắt đầu bước vào làn sóng thứ 2. Khi làn sóng lây nhiễm thứ nhất đạt đỉnh, ngày 5-4-2020, tổng số người nhiễm là 6.571 người và số người đang điều trị là 5.826 người. Đến ngày 15-6, số người đang được điều trị chỉ còn 381 người, thấp hơn ngưỡng an toàn dịch của châu Đại Dương là 402 người. Tuy nhiên, do cuối tháng 6-2020, Ô-xtrây-li-a nới lỏng kiểm soát, mở lại hoạt động kinh tế quá mức, nên lây nhiễm lại tăng. Từ đầu tháng 7-2020, châu Đại Dương bước vào làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ 2. Số người đang điều trị hơn 8.800 người, cao hơn 52% số người được điều trị khi làn sóng thứ nhất đạt đỉnh.

Tại Nhật Bản, dịch Covid-19 đã đạt đỉnh vào ngày 29-4-2020 với 11.443 người đang điều trị. Ngày 5-6-2020, số người đang điều trị còn 1.248 người, đạt ngưỡng an toàn dịch của Nhật Bản là 1.264 người (ngày 21-6-2020 chỉ còn 770 người đang điều trị). Tuy nhiên, do mở cửa lại các hoạt động thương mại, ngày 5-7-2020, Nhật Bản đã bước vào làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ 2. Đến nay, sau hơn một tháng, số người đang điều trị là 12.629 người, gấp 1,1 lần đỉnh dịch lần thứ nhất và chưa thể dự báo lúc nào làn sóng lây nhiễm thứ 2 sẽ đạt đỉnh dịch.

Hồng Công (Trung Quốc) đã đạt đỉnh dịch vào ngày 9-4-2020, với 936 người nhiễm và 696 người đang điều trị ở các bệnh viện. Ngày 10-5-2020, số người đang điều trị chỉ còn 74 người, dưới ngưỡng an toàn dịch là 75 người (ngày 21-5-2020 còn 26 người đang điều trị), Hồng Công đã đạt ngưỡng an toàn dịch sau 109 ngày. Tuy nhiên, do nới lỏng kiểm soát và các hoạt động tụ tập đông người tiếp diễn, cho nên sau 44 ngày, số người đang điều trị lại tăng vượt ngưỡng an toàn dịch, Hồng Công bước vào làn sóng lây nhiễm Covid-19 lần thứ 2. Ngày 2-8-2020, đã có 1.519 người đang điều trị, gấp 2,2 lần số người điều trị khi đạt đỉnh dịch lần thứ nhất. Đến ngày 7-8-2020, đã có 3.939 người nhiễm, số người đang điều trị giảm còn 1.273 người, Hồng Công vừa qua đỉnh dịch lần thứ 2, chưa biết bao giờ trở lại trạng thái an toàn dịch.

Ô-xtrây-li-a đã đạt đỉnh dịch vào ngày 4-4-2020, với 5.550 người nhiễm, 4.935 người đang điều trị. Ngày 15-6-2020, còn 380 người đang điều trị, cao hơn một chút ngưỡng an toàn dịch của Ô-xtrây-li-a là 252 người đang điều trị. Tuy nhiên, do từ giữa tháng 6-2020 Ô-xtrây-li-a nới lỏng kiểm soát, mở cửa lại các hoạt động kinh tế khi chưa đạt ngưỡng an toàn dịch làm cho dịch bùng phát trở lại. Ô-xtrây-li-a bước vào làn sóng lây nhiễm Covid-19 lần thứ 2. Đến ngày 7-8-2020 đã có 8.686 người đang điều trị ở các bệnh viện, gấp 1,76 lần khi dịch đạt đỉnh lần thứ nhất. Chưa có dấu hiệu cho thấy khi nào dịch đạt đỉnh lần 2 và khi nào đạt mức an toàn dịch.

I-xra-en đã đạt đỉnh dịch vào ngày 15-4-2020, 12.501 người nhiễm, 9.808 người đang điều trị. Ngày 28-5-2020, giảm còn 1.909 người đang điều trị, nhưng vẫn cao gấp 22,5 lần ngưỡng an toàn dịch (85 người). Tuy nhiên, do I-xra-en sớm nới lỏng kiểm soát từ cuối tháng 5-2020 nên dịch lại bùng phát. Ngày 27-7-2020, số người đang điều trị là 36.378 người, gấp 3,7 lần đỉnh dịch của làn sóng thứ nhất. Hiện, lây nhiễm của làn sóng thứ 2 đang giảm dần, song chưa biết bao giờ đạt ngưỡng an toàn dịch.

Cam-pu-chia có người bị lây nhiễm đầu tiên ngày 28-1-2020. Với dân số 16,7 triệu người, ngưỡng an toàn dịch của Cam-pu-chia là 167 người bị nhiễm đang được điều trị. Thời điểm cao nhất Cam-pu-chia chỉ có 88 người bị nhiễm đang được điều trị, sau đó giảm dần. Tức là Cam-pu-chia có làn sóng lây nhiễm lần thứ nhất, đạt đỉnh ngày 26-3-2020, song chưa có dịch. Từ ngày 3-5-2020 đến 26-6-2020, số người đang điều trị không quá ba người. Tuy nhiên, từ 27-6-2020, số người nhiễm mới tăng nhanh, đến ngày 25-7-2020 có 82 người đang điều trị, bằng 93% khi đạt đỉnh làn sóng lây nhiễm lần thứ nhất. Do đó, Cam-pu-chia đang bước vào làn sóng lây nhiễm lần thứ 2 và đã đạt đỉnh vào ngày 25-7- 2020. Hiện, số người đang điều trị còn 29 người.

Việt Nam với dân số 96,5 triệu người, ngưỡng an toàn dịch là 970 người đang điều trị. Cũng như Cam-pu-chia, từ khi có người nhiễm Covid-19 đầu tiên (ngày 23-1-2020), lúc cao nhất Việt Nam chỉ có 178 người nhiễm đang được điều trị, sau đó giảm dần. Tức là Việt Nam có làn sóng lây nhiễm thứ nhất, đạt đỉnh ngày 30-3-2020, song chưa có dịch. Ngày 18-6-2020, cả nước chỉ còn 10 người nhiễm đang được điều trị tại các bệnh viện. Tuy nhiên, sau hơn một tháng, từ ngày 22-7-2020, số ca nhiễm mới tăng mạnh, ngày 7-8-2020 có 384 người đang được điều trị, gấp 2,16 lần đỉnh lây nhiễm của làn sóng thứ nhất. Việt Nam đã bước vào làn sóng lây nhiễm thứ 2. Sau 190 ngày có lây nhiễm Covid-19 mà không có người nào bị chết, chỉ 11 ngày từ ngày 31-7 đến 21 giờ ngày 10-8-2020 đã có 14 người chết. Hiện, chưa dự báo được khi nào thì làn sóng lây nhiễm Covid-19 lần thứ 2 ở Việt Nam đạt đỉnh. Với tổng số người đã nhiễm đến ngày 10-8-2020 là 847 người ta thấy có khả năng khoảng từ ngày 15 đến 20-8-2020 sẽ có 1.000 người nhiễm và khoảng 500 người nhiễm đang điều trị ở các bệnh viện. Tức là tổng số người đang được điều trị có nguy cơ gấp gần ba lần đỉnh lây nhiễm của làn sóng thứ nhất và 10 người chết, chỉ trong bảy ngày. Làn sóng lây nhiễm Covid-19 lần thứ 2 ở Việt Nam có thể nghiêm trọng hơn lần thứ nhất rất nhiều.

Từ thực tế xuất hiện làn sóng Covid-19 thứ 2 ở Nhật Bản, Hồng Công, Ô-xtrây-li-a và I-xra-en, ta nhận thấy ở cuối làn sóng thứ nhất, mặc dù số người đang điều trị đã giảm, song chưa đạt ngưỡng an toàn dịch của nước đó, các nước Ô-xtrây-li-a, I-xra-en đã nới lỏng kiểm soát (không đeo khẩu trang, tụ tập đông người), mở lại các hoạt động dịch vụ xã hội, làm lây nhiễm lại bùng phát. Người lây nhiễm là số người đã nhiễm đang sống trong đất nước. Còn tại Nhật Bản và Hồng Công, ở cuối làn sóng thứ nhất, mặc dù số người nhiễm còn ít, dưới mức an toàn dịch, song do nới lỏng kiểm soát dịch (không đeo khẩu trang), tụ tập đông người (mở cửa trường học, biểu tình), mở cửa các dịch vụ xã hội hoặc có thể do lây nhiễm từ người nước ngoài (quân đội Mỹ đóng quân ở Nhật Bản) mà lây nhiễm gia tăng, bùng phát thành dịch, làn sóng nhiễm thứ 2.

Việt Nam đã kiểm soát lây nhiễm trong cộng đồng rất tốt, do đã phát hiện kịp thời các ca nhiễm F0 từ nước ngoài về và F1 từ trong nước, cách ly triệt để tất cả các ca F0, F1, F2, cho nên cùng với các biện pháp khác như đeo khẩu trang, giãn cách xã hội, sát khuẩn, đã giữ cho số người lây nhiễm phải điều trị rất thấp. Trước ngày 20-7-2020, Việt Nam đã trải qua gần 100 ngày không có lây nhiễm trong cộng đồng, còn người từ nước ngoài về Việt Nam luôn được cách ly triệt để, an toàn dịch. Việc từ ngày 22-7-2020 xuất hiện hàng loạt ca lây nhiễm tại Đà Nẵng và từ đó lan sang các địa phương khác có nghĩa là F0 do đợt lây nhiễm ở Đà Nẵng phải là từ nước ngoài vào, qua việc nhập cảnh trái phép đường bộ. Chỉ riêng tháng 7-2020, tại Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh đã có hàng trăm người nhập cảnh trái phép bằng đường bộ từ một nước đã có dịch Covid-19. Đây chính là yếu tố hoàn toàn khác việc hình thành làn sóng nhiễm Covid-19 lần thứ nhất. Từ các F0 từ nước ngoài không được kiểm soát vào Việt Nam đã làm phát sinh hàng loạt F1 dương tính và tạo ra bùng phát lây nhiễm tại Việt Nam từ ngày 22-7 đến nay.

Làn sóng nhiễm Covid-19 lần thứ 2 ở Việt Nam, với tâm điểm là Đà Nẵng là sự khác biệt rất lớn về quy mô và tính chất so với làn sóng lần thứ nhất. Chỉ sau 17 ngày số ca nhiễm mới phải điều trị là 384, hơn gấp hai lần đỉnh dịch lần thứ nhất là 178 ca mà vẫn chưa đạt đỉnh dịch lần 2. Đã có 14 người chết, trong khi trước ngày 22-7-2020 không có ca nào. Khi làn sóng lần thứ nhất đạt đỉnh chỉ có 178 người được điều trị, tỷ lệ là 1,8 người/một triệu dân, trong khi lần này, tại Đà Nẵng, tỷ lệ người điều trị là 150 người/một triệu dân, gấp 15 lần ngưỡng an toàn dịch là 10 người điều trị/một triệu dân. Tuy nhiên, xét về tổng thể quốc gia và so sánh với trạng thái dịch ở các châu lục hiện nay, Việt Nam là nước có mức độ lây nhiễm rất thấp. Mức độ lây nhiễm trong cộng đồng ở Việt Nam là 9 người/một triệu dân, chưa bằng một phần hai mức lây nhiễm khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố đại dịch toàn cầu ngày 11-3-2020, còn so với các châu lục khác, từ 550 người/một triệu dân đến 10.000/một triệu dân thì quá nhỏ bé. Với 4,5 người đang điều trị/một triệu dân thì trạng thái lây nhiễm của Việt Nam chỉ bằng gần một phần hai trạng thái thế giới khi công bố dịch (10 người/một triệu dân). Xét về tỷ lệ chết trên một triệu dân thì của Việt Nam là 0,12 người, rất thấp so với thế giới ngày 11-3-2020 (0,6 người chết/một triệu dân). Tóm lại, về tổng thể, Việt Nam có mức độ lây nhiễm rất thấp so với thế giới và chưa phải là nước có dịch Covid-19.

Tuy nhiên, khi Việt Nam bước vào làn sóng nhiễm Covid-19 lần thứ hai, từ 22-7-2020, tình hình đã rất khác và đã hình thành một tâm dịch của cả nước là Quảng Nam – Đà Nẵng. Với 132 người đã nhiễm/một triệu dân, 124 người đang được điều trị ở bệnh viện/một triệu dân, 4,16 người chết/một triệu dân thì Quảng Nam – Đà Nẵng đã trở thành vùng dịch thật sự. Tỷ lệ người nhiễm/một triệu dân đã gấp 6,5 lần tỷ lệ khi WHO công bố dịch, tỷ lệ số người đang điều trị/một triệu dân gấp 12 lần và tỷ lệ người chết/một triệu dân gấp gần bảy lần. Số người đang được điều trị ở Quảng Nam – Đà Nẵng chiếm 75% số người của cả nước (327/435), số người chết chiếm 100%. Trong khi đất nước Việt Nam chưa có dịch Covid-19 thì Quảng Nam – Đà Nẵng đã là vùng dịch có mức độ phát triển tương đối cao. Đây là tình huống không xảy ra tại làn sóng nhiễm Covid-19 lần thứ nhất tại Việt Nam. Để dập dịch tại Quảng Nam – Đà Nẵng và tiếp tục giữ cho Việt Nam là nước không có dịch, thái độ và phương pháp phòng, chống dịch của chúng ta với Quảng Nam – Đà Nẵng và các địa phương khác phải được bổ sung so với giai đoạn làn sóng lây nhiễm lần thứ nhất.

Ngay từ tháng 1-2020, Đảng và Chính phủ đã có chỉ đạo kịp thời, quyết liệt, người dân và chính quyền các địa phương đã hưởng ứng mạnh mẽ. Đây là những bài học hết sức quý giá cần tiếp tục phát huy. Từ kết quả phòng, chống dịch ở Hồng Công, I-xra-en và Cam-pu-chia đã qua đỉnh làn sóng lây nhiễm lần 2, chúng ta thấy thời gian từ đỉnh làn sóng lây nhiễm lần thứ nhất tới lần thứ 2 là khoảng 3,5 đến 4 tháng, còn ở các nước chưa đạt đỉnh làn sóng thứ 2 là Nhật Bản và Ô-xtrây-li-a thì thời gian đã qua từ đỉnh làn sóng lần thứ nhất cũng là 3,5 đến 4 tháng. Hiện, chúng ta đã qua hơn bốn tháng từ khi đạt đỉnh làn sóng lần thứ nhất (30-3-2020). Như vậy, nếu chúng ta quyết liệt dập dịch ở Quảng Nam – Đà Nẵng và phòng dịch ở các địa phương khác thì khoảng từ hai đến ba tuần nữa, có thể ngăn chặn được đáng kể lây nhiễm trong cộng đồng, làn sóng thứ 2 đạt đỉnh khoảng cuối tháng 8 đến đầu tháng 9-2020. Sau đó mức độ lây nhiễm sẽ giảm dần.

Từ bài học phòng dịch Covid-19 thành công của Việt Nam thời gian trước tháng 7-2020 và bài học phòng, chống dịch thành công và không thành công ở các nước, chúng ta hoàn toàn có thể dập dịch thành công ở Quảng Nam – Đà Nẵng và phòng dịch thành công ở các địa phương khác trên cơ sở các phương châm và giải pháp như sau: Thứ nhất, phương châm phòng, chống dịch theo yêu cầu của dịch tễ học: Chủ động phòng dịch sớm; phát hiện kịp thời; cách ly triệt để; điều trị hiệu quả. Thứ hai, phương châm phòng dịch theo yêu cầu tổ chức thực hiện: Nhiệm vụ tại chỗ; chỉ huy tại chỗ; lực lượng con người tại chỗ; phương tiện tại chỗ; hậu cần tại chỗ. Thứ ba, phương châm phòng dịch theo yêu cầu phát huy sức mạnh tổng hợp của xã hội Việt Nam: Đảng lãnh đạo và chịu trách nhiệm cao nhất, Nhà nước chỉ đạo và chịu trách nhiệm trực tiếp trước Dân, trước Đảng; toàn hệ thống chính trị vào cuộc, phát huy truyền thống đoàn kết, nhân ái, kiên cường của người Việt Nam; mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi gia đình là một tổ chiến đấu, mỗi quận, huyện là một pháo đài vững chắc phòng, chống dịch.

Theo đó có thể xác định, nhiệm vụ tại chỗ hiện nay là: Dập dịch tại Quảng Nam – Đà Nẵng, cách ly Quảng Nam – Đà Nẵng với các địa phương khác từ hai đến ba tuần tới. Kiểm soát gắt gao nhất biên giới đường bộ của Việt Nam, kiên quyết không để xảy ra nhập cảnh trái phép trong sáu tháng tới. Các địa phương về địa lý giáp ranh với Quảng Nam – Đà Nẵng là địa phương có nguy cơ dịch cao, triển khai các giải pháp phù hợp (Thừa Thiên Huế, Kon Tum, Quảng Ngãi). Các tỉnh, thành phố khác, tùy mức độ giao lưu về con người với Quảng Nam – Đà Nẵng trong một tháng qua mà triển khai các biện pháp phòng dịch phù hợp theo ba phương châm phòng dịch đã nêu trên. Bộ Y tế nên là đầu mối đấu thầu tập trung toàn bộ trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc cho phòng dịch cả nước và dập dịch ở Quảng Nam – Đà Nẵng. Các tỉnh, thành phố đặt hàng, Bộ Y tế cung ứng nhanh, bảo đảm chất lượng. Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 nên đưa ra dự báo diễn biến lây lan Covid-19 ở nước ta ba ngày và một tuần một lần và xác định các biện pháp cần triển khai trong cả nước, ở các ngành và các địa phương. (Nhân dân, trang 8).

Cùng chủ đề Báo Sài Gòn giải phóng, trang 1: “Dịch Covid-19 trên thế giới: Các nước đang bước vào làn sóng Covid-19 lần thứ 2 và bài học cho Việt Nam”; Tuổi trẻ, trang 8: “Làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ 2: Những bài học lớn cho Việt Nam”.

 

Công bố thêm 6 ca mắc Covid-19 mới, cả nước có 847 bệnh nhân

18h chiều nay, 10-8, Bộ Y tế công bố thêm 6 ca mắc Covid-19 mới, trong đó có 01 ca ở Quảng Nam, 04 ca ở Đà Nẵng và 01 ca nhập cảnh tại TP. Hồ Chí Minh.

Trong 6 ca mắc Covid-19 mới được Bộ Y tế công bố chiều nay có một bé trai 8 tuổi và một người mới từ Hoa Kỳ về, nhập cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất TP HCM. Cụ thể:

– CA BỆNH 842 (BN842): Bệnh nhân nam, 8 tuổi, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Bệnh nhân là cháu ngoại của BN774.

– CA BỆNH 843 (BN843): Bệnh nhân nữ, 65 tuổi, quận Thanh Khê, Tp. Đà Nẵng, là vợ của BN800. Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật thành phố Đà Nẵng lấy mẫu xét nghiệm, kết quả ngày 10/8/2020 là dương tính với SARS-CoV-2. Hiện tại bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Trung tâm y tế quận Thanh Khê.

– CA BỆNH 844 (BN844): Bệnh nhân nữ, 31 tuổi, quận Cẩm Lệ, Tp. Đà Nẵng.

– CA BỆNH 845 (BN845): Bệnh nhân nữ, 28 tuổi, quận Hải Châu, Tp. Đà Nẵng.

BN844, BN845 là nhân viên y tế tại Bệnh viện Đà Nẵng. Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật thành phố Đà Nẵng lấy mẫu xét nghiệm, kết quả ngày 10/8/2020 là dương tính với SARS-CoV-2. Hiện tại bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng.

– CA BỆNH 846 (BN846): Bệnh nhân nam, 17 tuổi, quận Thanh Khê, Đà Nẵng (đang điều tra dịch tễ bổ sung).

– CA BỆNH 847 (BN847): Bệnh nhân nam, 44 tuổi. Ngày 04/8/2020 từ đảo Guam (Hoa Kỳ) trên chuyến bay OAE423 nhập cảnh sân bay Tân Sơn Nhất, được cách ly tập trung ngay sau khi nhập cảnh. Kết quả xét nghiệm mẫu lần 2 ngày 09/8/2020 là dương tính với SARS- CoV-2. Hiện tại bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi.

Như vậy, tính đến 18h chiều nay, cả nước ghi nhận 847 ca Covid-19, trong đó có 318 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay. Số lượng ca mắc mới liên quan đến Đà Nẵng tính từ ngày 25-7 đến nay là 389 trường hợp. (An ninh Thủ đô, trang 4).

Cùng chủ đề Báo Sài Gòn giải phóng, trang 7: “Số ca mắc mới Covid-19 tăng lên 847 người”.

 

Không mải kinh doanh, “quên” phòng dịch

Tình hình dịch Covid-19 hiện đang diễn biến phức tạp. Thế nhưng, trong khi cả hệ thống chính trị của Thủ đô đang vào cuộc quyết liệt để ngăn chặn dịch bệnh lây lan thì nhiều nhà hàng, quán bia tại nội thành lại coi nhẹ việc phòng, chống dịch. Vì thế, cần có các giải pháp mạnh tay từ chính quyền cơ sở để các nơi này không thể vì mải kinh doanh mà lơ là phòng, chống dịch.

Chưa chú trọng công tác phòng, chống dịch

Khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới cho thấy, trong các ngày 7 và 8-8, dù buổi trưa hay chiều tối, các quán bia ở nhiều quận đều khá đông khách.

Tại quận Thanh Xuân, quán bia hơi cá giò Viễn Đông (83 Vũ Trọng Phụng) khách đông kín, các bàn kê san sát nhau; bia hơi Thượng Hải (231 Nguyễn Trãi) đông khách cả ở phòng chung và phòng riêng đặt trước; bia hơi Hải Hói (99 Ngụy Như Kon Tum) cũng tấp nập khách. Tương tự, quán Hải Xồm (86 Lê Trọng Tấn) và các quán bia xung quanh sân bóng VSA Lê Trọng Tấn cũng thu hút khá nhiều người đến ăn uống sau khi đá bóng.

Tại các quận Hà Đông, Đống Đa, Nam Từ Liêm, Hai Bà Trưng…, nhiều nhà hàng, quán bia cũng chưa chú trọng công tác phòng, chống dịch Covid-19. Cụ thể, các quán bia hơi tại quận Đống Đa như bà Đạt số 6 Thái Thịnh; bia hơi đường tàu 2A Khâm Thiên, 138 Lê Duẩn… khá đông khách, nhưng không bảo đảm giãn cách tối thiểu 1m giữa các khách ngồi như khuyến cáo. Còn tại quận Nam Từ Liêm, các quán bia Thu Hằng (18 Lê Đức Thọ), Kim Oanh (65 Hồ Tùng Mậu) dù có trang bị nước rửa tay sát khuẩn cho khách ngay ở ngoài cửa ra vào nhưng lượng khách thực hiện sát khuẩn tay rất ít và nhân viên cũng không hề nhắc nhở. Đây cũng là tình trạng chung ở nhiều nhà hàng, quán bia mà phóng viên Báo Hànộimới ghi nhận.

Anh Nguyễn Tiến Linh, khách uống bia tại một quán bia trên đường Lê Đức Thọ nói: “Thực tế, nhân viên của quán cũng không nhắc phải rửa tay sát khuẩn cũng như ngồi cách nhau ít nhất 1m để bảo đảm an toàn phòng dịch. Còn các khách hàng thì không phải ai cũng có ý thức tự bảo vệ mình”.

Chị Nguyễn Hồng Minh (phường Phố Huế, quận Hai Bà Trưng) cho biết, quán bia Hương Hải bày bàn ghế phục vụ khách ngay trên sân tập thể Nguyễn Công Trứ. Khách ngồi uống bia hàng tiếng đồng hồ, lại san sát nhau tại địa điểm sân chung này nên sẽ tăng nguy cơ tiếp xúc đông người, ảnh hưởng đến an toàn của bản thân và cộng đồng.

Tăng cường tuyên truyền, xử nghiêm nếu tái phạm

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các nhà hàng, quán bia lại là những địa điểm tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng rất cao, nên cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp chính quyền địa phương để cụ thể hóa các chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố, Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 thành phố về phòng, chống dịch.

Về vấn đề này, ông Phạm Hồng Thái, Phó Chủ tịch UBND phường Khương Mai (quận Thanh Xuân) cho biết, UBND phường đã yêu cầu các nhà hàng ăn, quán bia hơi trên địa bàn thực hiện đo thân nhiệt, bố trí dung dịch sát khuẩn, đề nghị khách giữ khoảng cách tiếp xúc… Tuy nhiên, tại các thời điểm đông khách, nhiều nhà hàng, quán bia đã bỏ qua hoặc xao nhãng các quy định về phòng, chống dịch. Để khắc phục tình trạng này, chúng tôi dự kiến từ ngày 11-8 sẽ huy động gấp đôi lực lượng chức năng so với tuần qua để tăng cường nhắc nhở, tuyên truyền liên tục đối với khách hàng cũng như chủ nhà hàng. Nếu chủ nhà hàng, quán bia nào vẫn vi phạm sẽ xử lý nghiêm.

Còn theo Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Trần Thanh Long, quận đã yêu cầu các UBND phường bố trí lực lượng chức năng thường xuyên nhắc nhở các cơ sở kinh doanh trong đó có nhà hàng, quán bia thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch, đặc biệt là các nhà hàng, quán bia trên địa bàn còn lơ là phòng, chống dịch đã được phóng viên Báo Hànộimới ghi nhận và phản ánh… Với những cơ sở không thực hiện nghiêm, vi phạm liên tục về quy định phòng, chống dịch sẽ lập biên bản xử phạt hành chính.

Tương tự, Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Trịnh Thị Dung thông tin, UBND quận đã yêu cầu các phường tập trung tuyên truyền tới các nhà hàng, quán ăn, đặc biệt là các quán bia phải sắp xếp và nhắc nhở khách hàng ngồi giãn cách tối thiểu 1m theo quy định, trang bị nước sát khuẩn tay cho khách. Đồng thời, yêu cầu các hộ kinh doanh ký cam kết bảo đảm phòng, chống dịch. Đặc biệt, từ ngày 10-8, các phường chỉ đạo lực lượng công an, dân phòng tuần tra, đọc thông báo bằng loa nhắc nhở tại cửa các quán bia để chủ quán và khách tuân thủ quy định phòng, chống dịch. Sau khi nhắc nhở, nếu chủ quán và nhân viên không thực hiện nghiêm, lực lượng chức năng sẽ tiến hành phạt hành chính.

Dịch Covid-19 có thể phát tán từ mọi nơi trong đó có nhà hàng, quán bia – những nơi đông người, khách hàng dễ “quên” thực hiện các nguyên tắc phòng, chống dịch. Vì vậy, chỉ có sự kiên quyết, kiên trì của chính quyền địa phương cùng sự nghiêm túc từ phía chủ nhà hàng, quán bia; ý thức tự giác của khách hàng mới có thể tạo nên sự an toàn trước dịch bệnh đồng thời vẫn duy trì được hoạt động kinh doanh. (Hà Nội mới, trang 8).

 

Cán bộ, chiến sỹ Bộ Tư lệnh Cảnh vệ hiến máu tình nguyện

Ngày 10/8, tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Bộ Công an đã phối hợp cùng Trung tâm hiến máu nhân đạo TP Hồ Chí Minh tổ chức chương trình Hiến máu tình nguyện với chủ để “Giọt Hồng chiến sỹ Cảnh vệ miền Nam”.

Đại tá Phạm Văn Hùng, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, cho biết: Hoạt động ý nghĩa này nhằm hưởng ứng Thư của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Thư của đồng chí Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an gửi nhân dân và cán bộ, chiến sỹ hưởng ứng ngày “Toàn dân hiến máu tình nguyện”; thiết thực chào mừng 75 năm Ngày truyền thống CAND Việt Nam, 15 năm Ngày Hội toàn dân bảo vệ ANTQ và chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, nhiệm kỳ 2020 – 2025…

Được biết, hoạt động trên còn mang ý nghĩa sâu sắc hơn trong đợt cao điểm mà toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta cùng nhau chung sức phòng chống, đẩy lùi dịch bệnh COVID-19. Chương trình đã thu hút gần 200 cán bộ, chiến sỹ tham gia hiến máu, góp phần bổ sung vào nguồn máu dự trữ kịp thời cứu giúp người bệnh có hoàn cảnh khó khăn. (Công an Nhân dân, trang 1).

 

Hiệu quả khi áp dụng gộp mẫu thực hiện xét nghiệm RT-PCR để phát hiện SARS-CoV-2

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh- Phó Trưởng Tiểu ban điều trị – Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biết, trước tình hình diễn biến dịch phức tạp của dịch COVID-19, F0 mất dấu, nguy cơ dịch lây lan rộng, trong khi nguồn lực xét nghiệm còn hạn chế Cục quản lý Khám, chữa bệnh đã sớm đề xuất trình lãnh đạo Bộ Y tế phương pháp xét nghiệm gộp mẫu (pool) để xét nghiệm Realtime RT-PCR phát hiện virus SARS-CoV-2.

“Việc gộp mẫu giúp tiếp kiệm nguồn lực, cho kết quả nhanh, giúp đẩy nhanh xét nghiệm sàng lọc, phát hiện sớm khối lượng lớn các ca bệnh nghi ngờ, các đối tượng tiếp xúc F1 và những người nguy cơ để hạn chế tình hình lây lan trong cộng đồng và hạn chế tình trạng tử vong. Đây cũng là phương thức được nhiều nước áp dụng trong đó có CDC Hoa Kỳ”- PGS.TS Lương Ngọc Khuê nhấm mạnh.

Tăng năng lực xét nghiệm để sàng lọc nhanh chóng số lượng người cần được xét nghiệm và vẫn bảo đảm độ tin cậy

Phương pháp xét nghiệm gộp mẫu (pool) là phương thức xét nghiệm lấy một phần của mỗi trong các mẫu để đưa vào gộp và tách chiết, xét nghiệm, phần còn lại của các mẫu được bảo quản để xét nghiệm riêng rẽ lại lần 2 nếu xét nghiệm mẫu gộp dương tính.

Việc gộp mẫu có ý nghĩa lớn nhất là: tăng năng lực xét nghiệm để sàng lọc nhanh chóng số lượng người cần được xét nghiệm trong khi vẫn bảo đảm độ tin cậy, qua đó có các biện pháp phòng dịch sớm, kịp thời; đồng thời tiết kiệm được nhân lực, các vật tư xét nghiệm cho phòng chống dịch dự kiến còn kéo dài.

Ngày 01/8/2020 Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đã báo cáo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đề xuất giải pháp tăng cường, đẩy mạnh xét nghiệm SARS-CoV-2 đặc biệt là khả năng áp dụng xét nghiệm sàng lọc cho người không có triệu chứng.

Tại Tờ trình Quyền Bộ trưởng ngày 03/8/2020, GS.TS Nguyễn Thanh Long đã nhất trí về chủ trương và giao Cục Quản lý Khám, chữa bệnh chủ trì với các đơn vị liên quan để họp bàn về vấn đề này để áp dụng trong trường hợp cần xét nghiệm lượng mẫu lớn, diện rộng, thời gian trả kết quả phải nhanh, đảm bảo quy trình chặt chẽ, khoa học.

Song song với việc trình lãnh đạo Bộ Y tế, ngày5/8/2020, Đà Nẵng áp dụng phương pháp xét nghiệm gộp mẫu đối với một số khu vực cộng đồng dân cứ có số lượng mẫu xét nghiệm lớn (bỏ nhiều mẫu vào ống xét nghiệm để cho ra xét nghiệm gộp), phương pháp này cho ra kết quả nhanh hơn rất nhiều so với xét nghiệm từng mẫu…; là cách để Đà Nẵng đẩy nhan tốc độ xét nghiệm nhằm phát  hiện bệnh nhân COVID-19 trong cộng đồng; trong khi các điều kiện xét nghiệm cũ chưa đủ nguồn lực.

Nhận thức được tầm quan trọng và ý nghĩa của phương pháp gộp mẫu (pool) thực hiện xét nghiệm Realtime RT-PCR để phát hiện virus SARS-CoV-2, nhận thấy cần phải sớm ban hành quy trình gộp mẫu đảm bảo khoa học, chặt chẽ, cách đây vài ngày, tại Cục Quản lý Khám chữa bệnh đã diễn ra cuộc họp Hội đồng Chuyên môn xem xét áp dụng phương pháp pháp xét nghiệm gộp mẫu (pool) để xét nghiệm SAR-COV2.

Đại biểu tham dự là các chuyên gia hàng đầu trong nước về gộp mẫu như GS.TS Nguyễn Anh Trí- Đại biểu Quốc hội, Nguyên Viện trưởng Viện Huyết học truyền máu Trung ương, GS.TS Phan Trọng Lân- Viện trưởng Viện Pasteur Tp Hồ Chí Minh, Viện Pasteur Nha Trang, lãnh đạo các bệnh viện Huyết học và Truyền máu, Trưởng khoa Huyết học, vi sinh các bệnh viện trung ương, bệnh viện Bạch Mai, Phổi trung ương, kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm và các chuyên gia quốc tế từ WHO, CDC Hoa Kỳ để thống nhất sớm ban hành quy trình và áp dung thống nhất trong cả nước nhưng vẫn phải bảo đảm chất lượng kết quả xét nghiệm.

Tại cuộc họp, Đại diện của WHO cho biết ủng hộ chiến lược gộp mẫu của Việt Nam và cần thay đổi theo tỷ lệ mắc của Việt Nam. Phương thức gộp mẫu tùy thuộc vào nguồn lực mỗi quốc gia, mỗi phòng xét nghiệm.

Thế giới đã có nhiều nước thực hiện

Hiện Bộ Y tế đã cho phép thực hiện phương pháp gộp mẫu (pool) thực hiện xét nghiệm Realtime RT-PCR để phát hiện virus SARS-CoV-2. Đây được coi là đề xuất đột phá của Cục quản lý Khám, chữa bệnh và sự thống nhất ủng hộ của Lãnh đạo Bộ Y tế  trong bối cảnh việc xét nghiệm đang phải tiếp tục mở rộng đối với các đối tượng nguy cơ.

Trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu chứng tỏ hiệu quả của phương pháp gộp mẫu (pool) thực hiện xét nghiệm Realtime RT-PCR để phát hiện vi rút SARS-CoV-2, cụ thể như:

Ngày 15/6/2020, Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, thông qua WHO Châu Âu cũng đã tổ chức Hội thảo trực tuyến chia sẻ kinh nghiệm của Trung tâm truyền máu Frankfurt, Đức về dùng phương pháp Pool để xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR

Gần đây, ngày 23/7/2020, Trung tâm dự phòng và kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ CDC Hoa Kỳ đã ban hành tài liệu Hướng dẫn tạm thời sử dụng phương pháp Pool để làm xét nghiệm PCR chẩn đoán, sàng lọc, giám sát SARS-CoV-2.

FDA Hoa Kỳ cũng đã cấp phép cho vài loại sinh phẩm để dùng pool chẩn đoán SARS-CoV-2.

Tại Việt Nam, thực hiện Thông tư số 26/2013-TT-BYT về Hoạt động truyền máu, hiện tại các Trung tâm truyền máu lớn đang thực hiện kỹ thuật pool trong nhiều năm nay để sàng lọc các mầm bệnh trong túi máu là HIV, HBV, HBC gan…, đặc biệt Trung tâm máu quốc gia và Trung tâm truyền máu thuộc BV Truyền máu- Huyết học TP Hồ Chí Minh là hệ thống xét nghiệm PCR  tự động công suất lớn.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho biết thêm, một ví dụ điển điển hình là tại Israen đã áp dụng thực hiện phương pháp xét nghiệm gộp mẫu, họ đã chứng minh khi xét nghiệm 184 mẫu bệnh phẩm, gộp 8 mẫu trong 1 lần làm xét nghiệm để so sánh với 184 lần làm riêng lẻ, kết quả cho thấy không có sự khác biệt ý nghĩa; qua thực tế xét nghiệm 26.576 mẫu bệnh phẩm, Israel đã phát hiện ra 31 bệnh nhân COVID-19 không có triệu chứng, chứng minh chiến lược xét nghiệp gộp mẫu 8 giúp tăng công xuất xét nghiệm lên 7,3 lần, trong khi vẫn duy trì ở độ nhạy ở mức cao.

Nghiên cứu tại Hoa Kỳ chứng tỏ hiệu quả của phương pháp này cụ thể như: nếu “tỷ lệ hiện mắc COVID-19 trong cộng đồng dưới 10% thì làm xét nghiệm pool sẽ tiết kiệm được gần 69% năng lực xét nghiệm”, hơn nữa thời gian trả kết quả sẽ giảm xuống rất nhiều và làm được số lượng mẫu rất lớn cho cả một nhóm người, khu vực hay địa bàn. Ngoài ra, Singpore và Bắc Kinh cũng đã áp dụng việc gộp mẫu để xét nghiệm. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

Cùng chủ đề Báo Tiền phong, trang 3: “Phương pháp xét nghiệm mới giúp phát hiện sớm ca bệnh”.

 

Sống trong khu phong tỏa

Phía sau những hàng rào sắt, bên trong khu phong tỏa xung quanh 3 bệnh viện lớn tại Đà Nẵng, người dân dần quen với nhịp sống im lìm sau cánh cửa. Và ở đó cũng không thiếu những câu chuyện chan chứa nghĩa tình…

 “Nội bất xuất”

Lui tới nhiều lần trên đường Quang Trung nhưng ít khi tôi để ý trụ sở UBND P.Thạch Thang (Q.Hải Châu) nằm ở đoạn nào. Thế nên khi chạy đến hàng rào sắt, mới hay “đầu não” của chính quyền đã nằm lọt thỏm trong khu phong tỏa. Để có nơi làm việc, ngay khi nhận lệnh phong tỏa 3 bệnh viện (BV) cùng các khu dân cư lân cận ngày 27.8, ông Trần Thế Sơn, Chủ tịch UBND phường, đã chỉ đạo cán bộ khẩn cấp di dời tài liệu, máy móc… về nhà cộng đồng khu dân cư Tân Hòa 1. Vậy là “sở chỉ huy tiền phương” mọc lên trong khu phố nhỏ vừa là nơi chỉ đạo chống “giặc” Covid-19 vừa kịp thời xử lý các công việc hành chính khác.

Ông Sơn kể khi phát hiện ổ dịch tại BV Đà Nẵng, ngành y tế đã kịp thời làm xét nghiệm cho gần 1.500 nhân khẩu tại 8 tổ dân cư trong khu vực phong tỏa. “Xét nghiệm lần 1, tất cả đều âm tính. Nhưng dịch bệnh vẫn diễn biến rất khó lường…”, ông nói. Thoạt đầu ông cũng hơi dè dặt khi tiếp xúc chúng tôi. Nhưng khi biết tôi đã được ngành chức năng lấy mẫu xét nghiệm và có kết luận âm tính, ông yên tâm hơn. “Anh thông cảm, lúc dịch dã này, không nắm được thông tin dịch tễ của mỗi cá nhân thì rất khó để vào ra khu vực này”, ông Sơn phân trần.

Ông Sơn lo lắng cũng phải, khi nhiều ngày qua Đà Nẵng liên tiếp ghi nhận ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. Chỉ một sơ suất nhỏ có thể khiến một cộng đồng bị đe dọa, công sức chống dịch của tập thể có khi đổ sông đổ biển. Bởi vậy, để được vào khu phong tỏa, tôi phải mang đồ bảo hộ, khẩu trang, kính chống bắn giọt… đúng quy định mới được sự đồng ý. Nhưng chưa hết, để được vào bên trong, cán bộ phải dùng xe chuyên dụng có lắp phù hiệu do Công an TP.Đà Nẵng cung cấp. Lực lượng liên ngành tại mỗi cửa ngõ khi nhận diện đúng phương tiện chống dịch mới cho xe “thông chốt”.

Người ở trong khu phong tỏa cũng vậy, chỉ được ra ngoài khi có sự đồng ý của cấp trên, trong những trường hợp khẩn cấp. “Ở đây không có từ “nếu muốn”. Không phải muốn là xin ra ngoài, bởi có xin cũng nhận được cái lắc đầu mà thôi”, ông Nguyễn Chí Lý, Phó chủ tịch UBND P.Thạch Thang, Trưởng ban Phòng, chống Covid-19 phường, nói. Tất cả xe từ khu phong tỏa trở ra đều phải quay về một đầu mối nơi có lực lượng y tế đang túc trực. Mỗi xe dừng ít nhất 5 phút để phun sát khuẩn trước khi “ra với cộng đồng”.

Đổi thay thói quen

Các tuyến phố Đà Nẵng những ngày này thưa thớt người qua lại. Ở khu vực “ngũ giác phong tỏa” khép bởi các tuyến đường Nguyễn Thị Minh Khai, Hải Phòng, Ông Ích Khiêm, Quang Trung, Đống Đa. Sáng qua 10.8 khi chúng tôi tìm đến, còn ngót 15 giờ khu dân cư này mới được chính thức gỡ phong tỏa (từ 0 giờ hôm nay 11.8), khung cảnh lại càng quạnh vắng. Nhà nhà đóng cửa im ỉm. Những chiếc ô tô đỗ bên đường lá rụng phủ đầy. Trong khu phong tỏa, không còn cảnh người dân cười nói với nhau, những ông bạn già sớm hôm trà nước, đánh cờ… Giờ ai cũng giữ khoảng cách.

Ông Lê Vinh, Tổ công tác Covid-19, bảo đó là “khoảng cách an toàn”. Hễ bước chân ra khỏi nhà là ông sát khuẩn tay, mang khẩu trang, đeo kính chống bắn giọt… Từ ngày khu phố bị phong tỏa, ông gia nhập tổ kiểm soát sức khỏe cộng đồng. Cứ sáng sớm hoặc đầu giờ chiều, ông lại đi khắp tổ 32 để gọi người dân ra đo nhiệt độ cơ thể. Dịch bệnh bùng phát, ông cũng điều chỉnh thói quen, rèn luyện sức khỏe nhiều hơn, dậy sớm hơn để góp sức mình vào việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Ông Đoàn Văn Ánh, Tổ trưởng tổ 32, góp chuyện: “Nòng cốt của tổ là 4 người nhưng hiện tổ có 9 người. Năm người khác đã gác lại việc nhà để tham gia cùng chúng tôi đi giám sát sức khỏe từng người dân”.

Đang dở câu chuyện, thấy một đám trẻ nhỏ tuy được người lớn dắt ra ngoài “đổi gió” nhưng lại túm tụm thành nhóm, ông Ánh liền nhắc nhở giữ khoảng cách. Mẹ của 2 cháu nhỏ trong đám trẻ, một nữ nhân viên khách sạn, cho biết mới đi làm không lâu sau đợt dịch đầu năm, giờ lại phải nghỉ vì dịch tái bùng phát và xác định sẽ thất nghiệp dài dài. “Thôi thì tình hình chung của nhiều người. Ở nhà làm bảo mẫu cho đám trẻ thấy chúng khỏe mạnh là vui rồi. Nhất là khi nghe tin cả khu phong tỏa có kết quả âm tính là thở phào nhẹ nhõm… Chờ ngày gỡ phong tỏa khu phố, tôi sẽ tự đi chợ mua cái gì ngon cho cả nhà cùng ăn”, chị này nói.

Nỗi niềm ở xóm chạy thận

Cùng một khu phong tỏa, nhưng nhiều người không có đến một ai thân quen tại Đà Nẵng để nhờ mua bó rau hay con cá tươi… Họ là người nhà của bệnh nhân (BN) chạy thận kinh niên ở kiệt 144 Hải Phòng. Ở trạng thái bình thường, người chăm BN chạy thận vốn đã có nhiều tâm sự. Nay bị phong tỏa, họ càng thêm nhiều nỗi ưu tư…

“Ngồi đây mà cứ như ngồi trên đống lửa, không biết con gái chạy thận trong BV Đà Nẵng giờ sức khỏe ra sao”, bà Phạm Thị Dung (48 tuổi, trú tại Duy Vinh, H.Duy Xuyên, Quảng Nam) thở dài. Gần 10 năm qua, bà chưa bao giờ rời xa con gái là Phạm Thị Ái Vân (28 tuổi, suy thận mạn) lâu như trong đợt này, từ khi BV Đà Nẵng phong tỏa hôm 28.7. Bên trong BN cách ly hoàn toàn, bên ngoài người nhà thất thểu về lại căn trọ.

Ngày ngày, đếm thời gian mà lòng bà Dung cứ như lửa đốt. Bởi Quảng Nam dịch Covid-19 đã tràn về. Người chồng ở quê làm “thợ đụng” cũng bó gối, không làm gì ra tiền. Cậu con trai thứ 2 ra Đà Nẵng học nghề nấu ăn không kịp trở về nên chấp nhận cảnh bám lại phòng trọ cùng mẹ. Nghĩ cảnh tiền trọ 4 triệu đồng/tháng sắp đến hạn nộp, chồng ở quê không biết xoay được tiền để chuyển ra, mắt bà ngấn lệ. “Mừng nhất là nghe cái Vân nó báo ra đã xét nghiệm 2 lần âm tính với vi rút rồi. Chứ nó yếu lắm, nhỡ không may dính vào Covid-19 thì không biết nó sẽ ra sao nữa”, bà thở dài.

Khi bị phong tỏa, xóm chạy thận này cũng là nơi tá túc của nhiều người nhà BN khác. Nhà trọ số 208 ở gác 2 chỉ chừng 20 m2 nhưng kê đến 2 chiếc giường cho 4 người. Lúc tôi đến, vợ chồng ông Lê Văn Thái (50 tuổi, ngụ xã A Ting, H.Đông Giang, Quảng Nam) đang loay hoay nấu bữa trưa. Khuấy đôi đũa vào nồi canh lõng bõng nước, ông Thái nói: “Hết chỗ rau này thì lại ăn tạm cái gì đó qua bữa thôi”. Ông kể đây là số rau xanh được UBND P.Thạch Thang hỗ trợ. Ở Đà Nẵng, vợ chồng ông không quen ai nên cũng chẳng nhờ ai đi chợ được. Khi khu phố chưa bị phong tỏa, ông là một thợ hồ ngày ngày cặm cụi ở các công trình kiếm tiền để lo cho vợ mình là bà Nguyễn Thị Bích Sương chạy thận.

Đợt điều trị của bà Sương kết thúc cách đây 1 tháng nhưng vợ chồng ông không dám về quê, vì lo lỡ bà Sương chuyển nặng thì không kịp trở tay. “Dịch xảy ra, tui lo thon thót vì không biết mình có nhiễm bệnh hay không. Khi nghe có kết quả âm tính, tui mừng rơi nước mắt. 10 năm nay, ổng đã khổ quá rồi. Tui mà nhiễm Covid-19 không biết ổng cực đến mức nào nữa… Mấy hôm nay, không làm gì được, ổng không đêm nào ngủ”, bà Sương rưng rưng.

Ông Lý Hàng Xuyên (47 tuổi, ngụ Quế Phong, H.Quế Sơn, Quảng Nam) cũng có “thâm niên” 10 năm chăm vợ chạy thận. Trước khi dịch bệnh xảy ra, ông làm chân giữ xe cho BV Đà Nẵng. Khi BV bị phong tỏa, ông mất việc. Chị Nguyễn Thị Dung (39 tuổi, vợ ông) nay đang phải cách ly ở một nơi khác. “Những ngày ở lại đây, nhờ phường quan tâm nên cũng bớt lo miếng ăn. Chỉ lo dịch kéo dài, suốt ngày trong phòng trọ này thì lấy đâu ra tiền. Hết dịch, vợ tôi vẫn phải tiếp tục chạy thận mà!”, ông Xuyên buồn giọng. (Thanh niên, trang 13).

 

Hà Nội: Xét nghiệm PCR gặp khó do thiếu vật tư

Trong cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Hà Nội chiều 10/8, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội cho hay nguồn cung cấp vật tư xét nghiệm đang gặp nhiều khó khăn.

Tại cuộc họp, lãnh đạo quận Bắc Từ Liêm cho biết, quận có 5.560 người về từ Đà Nẵng, trong đó 4.441 người về từ 15/7. “Chúng tôi đã lấy mẫu RT-PCR 550 trường hợp, còn cần thêm 3.890 bộ xét nghiệm, đề nghị thành phố cung cấp”, Chủ tịch quận Bắc Từ Liêm nói.  Trong khi đó, đại diện quận Nam Từ Liêm cho biết, mới chỉ lấy mẫu xét nghiệm PCR 536 trường hợp; số người còn chờ lấy mẫu lên tới 4.217.

Quận Thanh Xuân cũng mới lấy mẫu 493 trường hợp (kết quả 102 âm tính, còn lại đang chờ); còn thiếu khoảng 4.500 mẫu. Quận Cầu Giấy có hơn 6.000 người về từ Đà Nẵng, trong khi cũng chỉ mới lấy mẫu 390 trường hợp. Hà Đông lấy được 500 mẫu/7414 trường hợp về từ 15/7 đến nay. Lãnh đạo huyện Hoài Đức cũng đề nghị cấp thêm khoảng 1.900 bộ xét nghiệm RT-PCR.

Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền cho biết, thành phố đã vận động tài trợ được 30.000 que và ống lấy mẫu phục vụ xét nghiệm RT-PCR, còn lại hơn 40.000 bộ, Bộ Y tế sẽ chịu trách nhiệm hỗ trợ thành phố. Thành phố sẽ làm việc với Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư về số lượng thiết bị này theo chỉ đạo từ Bộ Y tế.

Theo Phó Giám đốc Phụ trách CDC Hà Nội Trương Quang Việt, hiện số mẫu xét nghiệm đã chuyển cho các bệnh viện T.Ư là 7.668. Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận 6.531 mẫu, kết quả 2.672 âm tính, còn lại đang chờ; Viện Nhi T.Ư 324/324 mẫu âm tính; Viện Nhiệt đới T.Ư 30/30 mẫu âm tính.

Ông Việt cho biết, từ 7/8, đã nhận tài trợ 9.000 bộ kit xét nghiệm, ống lấy mẫu từ Bệnh viện Tâm Anh, thêm 500 bộ kit của một nhà tài trợ khác. “Hôm nay có thêm thông báo sẽ nhận 20.000 phương tiện lấy mẫu từ Bệnh viện Hồng Ngọc, đã nhận được 5.000 và cấp phát cho các quận, huyện để phục vụ lấy mẫu”, ông Việt nói.

Theo lãnh đạo CDC Hà Nội, hiện, đơn vị đang đặt lịch làm việc với Học viện Quân y, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư về vật tư phục vụ xét nghiệm RT-PCR. Việc mua sắm cũng đã hoàn thiện các thủ tục, chờ xin ý kiến Sở Y tế và UBND thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, theo đánh giá, khả năng cung cấp các vật tư y tế phục vụ xét nghiệm là khó khăn. Ông Việt cho biết, có 3 đơn vị cung ứng các ống xét nghiệm này.

Một đơn vị ở TPHCM, vận chuyển ra Hà Nội mất 2 ngày. Đơn vị thứ hai là Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, phải đáp ứng nhiều nơi. Nơi thứ ba là Trung tâm sản xuất của Học viện Quân y cũng đang rất khó khăn. Về việc này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý nói, Sở Y tế và CDC cần làm việc với các đơn vị của Bộ Y tế để có đủ các ống, môi trường, que lấy mẫu. “Nếu mỗi ngày chỉ lấy được 4.000 – 5.000 mẫu thì không kịp tiến độ”, ông Quý nói.

Phải đạt 10 – 12 nghìn mẫu/ngày

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung nói, công tác phòng chống dịch còn kéo dài. Vì thế, cần quán triệt tinh thần thực hiện nhiệm vụ kép, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, xã hội. Theo ông Chung, hiện nay, theo đánh giá của Thường trực Thành ủy, công tác tuyên truyền chưa đủ độ, dưới cơ sở còn chưa thực hiện quyết liệt như đợt trước. Vẫn còn tình trạng người dân ra đường không đeo khẩu trang; việc quản lý người cách ly tại nhà vẫn chưa được chặt chẽ.

Vì thế, ông Chung yêu cầu tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân trở về từ Đà Nẵng từ ngày 8/7 khai báo y tế. Những người về từ ngày 15/7 phải xét nghiệm RT-PCR. “Tiến độ đang bị chậm do thiếu que lấy mẫu và ống vận chuyển, bảo quản. CDC nhận được bao nhiêu cần chuyển ngay cho các quận huyện để lấy mẫu, đạt được 10 – 12 nghìn mẫu/ngày, bởi vì năng lực xét nghiệm của T.Ư vượt qua con số này”, ông Chung nói.

Không bị xử phạt, người dân thờ ơ với dịch

Nhiều quán bia, trà đá ở Hà Nội vẫn hoạt động; khách hàng tấp nập, không đeo khẩu trang. Trong các chung cư, dân cũng lơ là. Trong khi đó, lực lượng chức năng địa phương hành động chưa rõ nét, thiếu quyết liệt trong kiểm tra, xử lý.

Theo khảo sát của PV Tiền Phong, tại các tuyến phố Ngô Thì Nhậm (Hà Đông), Trung Kính (Cầu Giấy), Nguyễn Trãi (Thanh Xuân)… nhiều quán trà đá, hàng nước vỉa hè vẫn hoạt động. 17h30 chiều 7/8, các quán trà đá, thịt xiên xung quanh chung cư CT1, CT2 đường Ngô Thì Nhậm, phường Hà Cầu (Hà Đông) gần 50 người ngồi uống nước, nói chuyện rôm rả. Cách đó không xa, tại quán trà đá trên đường Ngô Đình Mẫn, phường La Khê tập trung khá đông khách uống nước, ngay cạnh đó là bàn cờ tướng, nhiều người đứng, ngồi chụm đầu xem thi đấu, đa số không đeo khẩu trang.

7h00 sáng 8/8, tại ngõ 193 đường Trung Kính, nơi được biết đến với hàng chục quán cà phê, nước giải khát có rất đông người. Tại quận Thanh Xuân, Đống Đa các cửa hàng ăn uống cũng khá đông đúc, hầu hết không quan tâm đến việc giữ khoảng cách an toàn.

Bà Nguyễn Thị Mơ, chủ quán trà đá tại đường Ngô Thì Nhậm, quận Hà Đông cho biết, thu nhập của cả gia đình đều dựa vào quán trà đá và nhiều người vẫn đến uống nước nên cố gắng bán được ngày nào hay ngày đó. “Dịch bệnh phức tạp ở Đà Nẵng còn Hà Nội chưa xuất hiện nhiều nên vẫn bán. Nếu chính quyền nhắc nhở và xử phạt thì tôi lại đóng cửa”, bà Mơ nói thêm. (Tiền phong, trang 2).

 

Miền Trung tăng tốc xét nghiệm COVID-19

Hiện các tỉnh, thành khu vực Miền Trung đã có thể tự chủ việc xét nghiệm COVID-19, kể cả xét nghiệm khẳng định. Đặc biệt, phương pháp xét nghiệm gộp được tập trung lấy mẫu tại các khu dân cư xuất hiện các ca nhiễm COVID-19 nhằm nhanh chóng khoanh vùng, truy vết và tăng năng lực xét nghiệm cộng đồng, rút ngắn thời gian truy vết tìm ca dương tính, có thể “chạy” sớm, “chạy” trước sự lây lan của dịch trong cộng đồng…

Đà Nẵng xét nghiệm gộp nhiều mẫu

Đến sáng 10.8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.Đà Nẵng (CDC) đã xét nghiệm được hơn 39.700 mẫu bệnh phẩm, phát hiện 269 ca dương tính với virus SARS-CoV-2. Hiện, trung bình mỗi ngày đơn vị có thể thực hiện được gần 5.000 mẫu, tăng đáng kể so với trước đây.

Từ ngày 7.8, CDC Đà Nẵng bắt đầu thực hiện công tác xét nghiệm gộp. Tuy nhiên, việc lấy mẫu dịch hầu họng được phân theo các nhóm đối tượng cụ thể, có nguy cơ giống nhau. Có trường hợp lấy từ 3 đến 5 người trong 1 gia đình, sau đó cho vào chung 1 ống xét nghiệm riêng. Nếu mẫu này cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2, từng thành viên trong nhóm đó sẽ được lấy mẫu riêng để xét nghiệm khẳng định.

Việc xét nghiệm gộp giúp tiết kiệm hóa chất xét nghiệm. Đặc biệt, phương pháp xét nghiệm gộp được tập trung lấy mẫu tại các khu dân cư xuất hiện các ca nhiễm COVID-19 nhằm nhanh chóng khoanh vùng, truy vết và tăng năng lực xét nghiệm cộng đồng, rút ngắn thời gian truy vết tìm ca dương tính. Riêng đối với những trường hợp nghi nhiễm hoặc có tiếp xúc gần với bệnh nhân mắc COVID-19 (F1) vẫn được lấy mẫu xét nghiệm độc lập.

Theo CDC Đà Nẵng, thực hiện xét nghiệm gộp sẽ tiết kiệm được sinh phẩm, số mẫu sẽ giảm xuống còn 1/3, tốc độ xét nghiệm được nhanh hơn và số lượng người cũng sẽ được nhanh hơn. Hiện CDC Đà Nẵng đã lấy hơn 15.000 mẫu bệnh phẩm theo hình thức gộp mẫu cho các đối tượng cộng đồng nguy cơ cao, đối tượng F1 đang được cách ly tập trung, mới phát hiện 1 cá nhân dương tính với virus SARS-CoV-2. Nếu thuận lợi trong tổ chức lấy mẫu cũng như đưa vào xét nghiệm thì Đà Nẵng mỗi ngày có thể lấy 5.000 đến 7.000 mẫu.

Hiện CDC Đà Nẵng có 13 máy xét nghiệm Realtime RT-PCR với hơn 460 cán bộ, nhân viên. Trong đó, có nhiều chuyên gia từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tăng cường vào hỗ trợ nên việc phân tích, xét nghiệm mẫu rất nhanh và chính xác. Chính vì vậy, việc ngưng nhận xét nghiệm COVID-19 của Viện Pasteur Nha Trang chưa ảnh hưởng lớn đến công tác xét nghiệm, truy vết dịch COVID-19 tại Đà Nẵng.

Khánh Hòa, Quảng Nam chủ động xét nghiệm COVID-19

Chiều 10.8, ông Huỳnh Văn Dõng, Giám đốc CDC Khánh Hòa cho biết, đơn vị vừa tiếp nhận 1 máy xét nghiệm COVID-19 và kit do các đơn vị hỗ trợ. Trước mắt đáp ứng đủ nhu cầu xét nghiệm COVID-19 cho những trường hợp nghi ngờ trên địa bàn. Đơn vị cũng đang thực hiện theo quy trình chào giá cạnh tranh để bổ sung thêm. Hiện thủ tục đang thực hiện bước đầu tiên nên không bị ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch hiện nay.

Theo lãnh đạo Sở Y tế, tỉnh đang hoàn tất lắp đặt 2 máy xét nghiệm COVID-19 tại CDC Khánh Hòa, Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Công suất hoạt động của các máy đạt khoảng 800 mẫu xét nghiệm/ngày. Các đơn vị đang chung tay hỗ trợ tỉnh các bộ kit xét nghiệm, Sở cũng giao các đơn vị chủ động mua các trang thiết bị hóa sinh phẩm đủ đáp ứng nhu cầu.

Bệnh viện Quân y 87 cũng đang trang bị máy xét nghiệm COVID-19 và hỗ trợ của Viện Pasteur Nha Trang, lượng mẫu được xét nghiệm ở tỉnh thời gian tới sẽ được nhiều và nhanh. Theo chỉ đạo mới nhất của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa ông Nguyễn Đắc Tài,  trong tuần này Khánh Hòa sẽ tổ chức thực hiện lấy mẫu xét nghiệm tất cả các trường hợp F1, F2 và người địa phương trở về từ vùng dịch.

Tại Quảng Nam, sau khi được Viện Pasteur Nha Trang công nhận được phép xét nghiệm khẳng định các mẫu bệnh nghi nhiễm SARS-CoV-2, việc xét nghiệm vẫn đảm bảo duy trì thực hiện tốt trong thời gian đến. Ông Trần Văn Kiệm – Giám đốc CDC Quảng Nam cho biết, hiện sinh phẩm hóa chất để phục vụ cho việc xét nghiệm COVID-19 vẫn diễn ra bình thường.

“Quảng Nam được phép khẳng định các đối tượng SARS-CoV-2, và tỉnh cũng nơi có nhiều ca nhiễm và trường hợp F1, F2 nhiều nên việc xét nghiệm rất cần thiết. Nhưng hiện nay, các sinh phẩm hóa chất được Bộ Y tế hỗ trợ nên vẫn đủ để địa phương xét nghiệm và chưa cần thiết phải mua”- ông Kiệm nói.

Ông Nguyễn Văn Hai – Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam cho biết, với thực tế hiện nay, Quảng Nam đảm bảo công tác xét nghiệm ở địa bàn tỉnh. Và đánh giá tình hình nếu thiếu thì mới đề xuất mua để đảm bảo thực hiện xét nghiệm liên tục.

Theo Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Quảng Nam, từ ngày 27.7 đến tối 9.8, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã triển khai thực hiện hơn 14.700 mẫu xét nghiệm, trong đó, 72 mẫu dương tính, 8.439 mẫu âm tính, hơn 6.200 mẫu đang chờ kết quả. (Lao động, trang 1).

Cùng chủ đề Báo Nông thôn Ngày nay, trang 2: “Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp: Tăng tốc xét nghiệm truy vết ”; Tuổi trẻ, trang 6: “Đẩy nhanh truy vết Covid-19 nhờ xét nghiệm nhóm”; An ninh Thủ đô, trang 4: “Nâng cao năng lực xét nghiệm Covid-19 tại tâm dịch Đà Nẵng”.

 

Đà Nẵng chưa phong toả toàn thành phố

Mở rộng việc lấy mẫu xét nghiệm tại nhiều khu dân cư để sớm phát hiện người mắc COVID-19, tập trung truy vết nhanh, cách ly những người tiếp xúc gần (F1), đồng thời tính toán phương án siết chặt quản lý di chuyển của người dân là những gì Đà Nẵng đang kiểm soát dịch bệnh. Theo đó, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng cho rằng, chưa tới mức phải phong toả thành phố.

Siết chặt quản lý, người dân chỉ ra ngoài “khi thật cần thiết”

Ngày 10.8, tại buổi làm việc với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng, ông Huỳnh Đức Thơ – Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng cho biết, để kiểm soát việc đi lại của người dân trong lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp, thành phố đang tính toán mỗi gia đình chỉ đi chợ 2 hoặc 3 ngày 1 lần.

Ông Thơ nêu rõ: “Thời gian tới Đà Nẵng sẽ tiếp tục siết chặt lại vấn đề giãn cách xã hội. Trong đó, nhận thấy việc họp chợ khá đông người nên chúng tôi đang tính đến biện pháp quản lý người dân đi chợ. Nhiều nhất là 2 đến 3 ngày, người dân được đi chợ một lần”.

Trao đổi về nội dung này, Sở Công thương Đà Nẵng cho biết đang lấy ý kiến các quận huyện về phương án hạn chế người dân đi chợ.

Theo kế hoạch, UBND các quận, huyện tổ chức triển khai phân chia tần suất đi chợ của người dân trên địa bàn theo phương án mỗi hộ gia đình sẽ được phát 10 phiếu vào chợ/1 tháng. UBND các phường, xã sẽ in ấn phiếu vào chợ theo màu sắc khác nhau để phân biệt ngày, gửi đến các hộ gia đình trên địa bàn. Phiếu vào chợ chỉ có giá trị sử dụng 1 lần/ngày/1 chợ bất kỳ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và các Ban quản lý (BQL) chợ sẽ thu phiếu khi người dân vào chợ. Các ban quản lý  chợ có trách nhiệm lưu phiếu theo ngày để phục vụ cho quá trình điều tra dịch tễ khi cần thiết. Thời gian thực hiện từ 0h ngày 15.8 đến khi có thông báo mới.

Chưa cần phong toả thành phố

Cũng tại buổi làm việc về công tác xét nghiệm, ông Tôn Thất Thạnh – Giám đốc CDC Đà Nẵng cho biết, hiện nay trong 269 ca mắc COVID-19 thì có 11 ca có thể xem là mắc trong cộng đồng. Cơ quan chức năng đang phối hợp với ngành Y tế điều tra, xem xét các ca trên có liên quan đến ca bệnh nào, nhóm cộng đồng nào không để truy vết, khoanh vùng.

Bên cạnh đó, qua chủ động xét nghiệm 30.000 mẫu bệnh phẩm trong cộng đồng, CDC Đà Nẵng phát hiện 1 đến 2 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. “Với những con số trên có thể cho thấy, Đà Nẵng đang kiểm soát dịch tốt, chưa đến mức phải thực hiện phong toả toàn thành phố” – ông Thạnh chia sẻ.

Đồng thuận với ý kiến này, Chủ tịch UBND Đà Nẵng nhận định, trong cộng đồng vẫn có người mang bệnh và dù ít hay nhiều cũng không được chủ quan. Tuy nhiên, việc có những đề xuất phong toả thành phố lúc này là chưa cần thiết.

Ông Thơ cho rằng, muốn làm bất kỳ điều gì cũng phải tính toán kỹ lưỡng và có những con số rõ ràng. Dựa trên số liệu của CDC cho thấy Đà Nẵng đang kiểm soát dịch bệnh thì nên tiếp tục theo hướng xét nghiệm mở rộng, truy vết, khoanh vùng.

“Dù vậy, trong những ngày tới nếu tình hình diễn biến khác đi thì chúng ta sẽ tiếp tục đưa ra các biện pháp mạnh hơn nữa. Người dân cần chấp hành tốt thời gian cách ly xã hội, chuẩn bị tâm thế sẵn sàng nếu có diễn biến xấu, có thể phong toả. Hiện nay một số bộ phận dân cư cục bộ đã phong toả rồi nhưng đóng cửa thành phố thì lại rất khác, bởi theo quy định, phong toả phải thực hiện 28 ngày, từ bến cảng sân bay khu công nghiệp…. đều phải đóng cửa thì thì tình hình kinh tế xã hội rất khó khăn” – ông Thơ cho hay. (Lao động, trang 3).

Cùng chủ đề Tuổi trẻ, trang 5: “Sẽ có phương án hạn chế người dân đi chợ”; “Đà Nẵng “sơ tán” Trung tâm Hành chính”.

 

4 Bệnh nhân tại Đà Nẵng khỏi COVID-19 được xuất viện

Ngày 10.8, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng đã cho xuất viện 4 bệnh nhân mắc COVID-19 bao gồm các bệnh nhân 423, BN 424, BN 441, BN 442. Trong đó, có 3 bệnh nhân ở Đà Nẵng và 1 bệnh nhân ở Quảng Ngãi. Bác sĩ Lê Thành Phúc – Giám đốc Bệnh viện Phổi Đà Nẵng cho biết, 4 BN xuất viện đều đúng quy định của Bộ Y tế, đều có kết quả xét nghiệm sau điều trị ít nhất 3 lần âm tính với SARS-CoV-2 liên tục trong 4 giờ đồng hồ. Sau khi xuất viện, các bệnh nhân tiếp tục cách ly 14 ngày tại nhà hoặc nơi cư trú dưới sự theo dõi của CDC tại địa phương hoặc chính quyền địa phương.

Bác sĩ Trần Thanh Linh – Phó trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy – Bác sĩ điều trị trực tiếp cho các bệnh nhân chia sẻ, đây là niềm vui lớn của tất cả các nhân viên y tế. “Chúng tôi như được tiếp thêm rất nhiều động lực để tiếp tục điều trị cho các BN tiếp theo, đặc biệt là các bệnh nhân nặng đang điều trị tại đây và những cơ sở điều trị khác” – bác sĩ Linh chia sẻ.

Tính đến ngày 10.8, tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng hiện đang điều trị cho 58 bệnh nhân, trong đó, 8 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm lần 1 âm tính với SARS-CoV-2. 5 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính lần 2, 4 bệnh nhân có kết quả âm tính lần 3 và 2 bệnh nhân có kết quả âm tính lần 1. Tại Trung tâm y tế huyện Hoà Vang đang điều trị cho 184 bệnh nhân mắc COVID-19, trong số này đã có 11 bệnh nhân âm tính lần 1. (Lao động, trang 3).

Cùng chủ đề Báo Tuổi trẻ, trang 6: “4 bệnh nhân COVID-19 tại Đà Nẵng xuất viện”.

 

Giữa đỉnh dịch nhưng không thể mua máy xét nghiệm COVID-19

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch ngày 7.8 đã yêu cầu các địa phương phải đảm bảo có đủ vật tư, sinh phẩm phục vụ xét nghiệm, không để thiếu và chậm thực hiện xét nghiệm.

Đây là một yêu cầu bắt buộc khi Chính phủ xác định xét nghiệm là chìa khoá để khống chế, kiểm soát dịch bệnh.

Nhưng rồi, như Phó Chủ tịch tỉnh Nguyễn Đắc Tài từng nói “rất là khó”. Khó không chỉ ở việc không tìm được đơn vị thẩm định giá mà chẳng hạn 4.000 kit xét nghiệm có giá 2,7 tỉ, nhưng theo quy định, trên 1 tỉ là phải đấu thầu hoặc chào hàng cạnh tranh khiến thủ tục không thể nhanh được.

Vụ CDC Hà Nội giúp chúng ta nhìn thấy cả những khe hở, những thiếu sót. Trong khi đó, sự bế tắc ở Khánh Hoà hôm nay cho thấy cái thiếu trong các quy định. Những cái thiếu cần được bổ sung khẩn cấp, bởi nó đang tạo ra một sự thật khó tin: Không mua được máy, dù giữa đỉnh dịch. (Lao động, trang 3) .

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 22/2/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 9/9/2021

CDC Hà Nam

COVID-19: Cập nhật mới nhất đến 08h00 ngày 14/2/2020

Ngọc Nga

Để lại bình luận