Điểm báo ngày 03/5/2019

(CDC Hà Nam)
Địa phương kêu Bộ Y tế ‘ôm’ quá nhiều việc; Gần 10.000 ca cấp cứu tai nạn giao thông trong 5 ngày nghỉ lễ; Về trường hợp sản phụ tử vong: Thông tin từ BVÐK tỉnh Hà Tĩnh; Quan tâm đúng mức đến trạm y tế để dân được chăm sóc sức khỏe tốt nhất…

Địa phương kêu Bộ Y tế ‘ôm’ quá nhiều việc

Trong số những việc Bộ y tế đang “ôm”, nhiều ý kiến cho rằng hoàn toàn có thể phân cấp cho địa phương để tránh trì trệ, tốn kém. Ngày 2.5, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM khảo sát tình hình thực hiện luật Khám bệnh, chữa bệnh (KCB) trên địa bàn, sau 8 năm thực hiện (từ ngày 1.1.2011 – 31.12.2018).

Tăng thủ tục hành chính, kéo dài thời gian chờ đợi…

Tại buổi khảo sát, PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, đề nghị sửa đổi, bổ sung 22 điều trong luật KCB hiện hành. Trong đó, đáng lưu ý, theo đại diện Sở Y tế, căn cứ vào luật quy định thì Bộ Y tế đang “ôm” quá nhiều việc, trong đó có những việc rất… dễ.

Ông Thượng lấy ví dụ, với 1 kỹ thuật mới, các đơn vị muốn làm thì phải gửi ra để Bộ vào thẩm định là quá bất cập, trong khi TP không thiếu giáo sư đầu ngành thẩm định. Ngay việc cấp chứng chỉ hành nghề (CCHN) trên địa bàn cho một số đối tượng, cấp phép quảng cáo cũng gửi ra Bộ, làm tăng thủ tục hành chính, kéo dài thời gian chờ đợi.

“Việc áp dụng một số kỹ thuật mới tại bệnh viện (BV) gặp rất nhiều khó khăn. Như trong sản khoa có kỹ thuật có thể áp dụng ngay mà nếu không làm thì bệnh nhân ra nước ngoài. Như kỹ thuật điều trị truyền máu song thai, có thể làm 30 – 45 phút cứu sống song thai. Nhưng muốn làm kỹ thuật này thì thủ tục khó khăn, vướng thêm luật đấu thầu mua máy móc, trang thiết bị, thuốc kéo dài… Nên rất đau lòng khi thấy song thai tử vong khi vừa đặt chân đến nước ngoài. Có thể thay đổi để triển khai kỹ thuật mới và mua sắm trang thiết bị tinh gọn hơn cho ngành y tế”, bác sĩ (BS) Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Phó giám đốc BV Phụ sản Từ Dũ (TP.HCM), kiến nghị.

Đại diện một BV cũng thẳng thắn cho rằng: “Nếu một kỹ thuật mới mà ở TP.HCM có BV đi đầu về kỹ thuật này thì nên giao cho TP đánh giá, thẩm định, Bộ Y tế đừng có “ôm đồm”, nhằm giảm thời gian, giảm công việc Bộ Y tế đang ôm”.

Bức xúc tình trạng bác sĩ Trung Quốc vi phạm

Cũng theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, lâu nay người nước ngoài (chủ yếu là BS Trung Quốc) hoạt động KCB tại VN có những sai phạm, bị Sở Y tế TP phạt hành chính, đóng cửa. Tuy nhiên, hết thời hạn đóng cửa thì phòng khám (PK) hoạt động lại, Sở không thể rút CCHN của người nước ngoài, vì chứng chỉ này do Bộ Y tế cấp.

Còn theo đại diện BV Đại học Y Dược TP.HCM, hiện nay gần như không ai đánh giá, giám sát năng lực chuyên môn của BS Trung Quốc; không ai giám sát phác đồ, việc lạm dụng thuốc của họ, dẫn đến gây thiệt hại cho người bệnh về kinh tế, sức khỏe, tính mạng.

BS Nguyễn Bá Mỹ Nhi cũng bức xúc tình trạng gần đây có nhiều tai biến sản khoa đe dọa nghiêm trọng tính mạng người dân liên quan đến BS ở PK tư nhân, BS Trung Quốc. Các PK tư phá thai khi thai đã lớn; có trường hợp phá thai làm ruột thai phụ lòi ra ngoài, nếu không đến BV kịp thì sẽ tử vong do nhiễm trùng, nhiễm độc.

Theo BS Nhi, vừa qua Sở Y tế tập huấn, đào tạo về sản khoa cho BS Trung Quốc. Qua tập huấn thực tế cho thấy, các BS này còn phải học nhiều vì họ chưa nắm được căn bản. Qua các hồ sơ ở các PK có BS Trung Quốc gửi đến, gồm kết quả siêu âm, toa thuốc… thì thấy rõ ràng họ không có khả năng về lĩnh vực sản phụ khoa. Phác đồ triều trị không phù hợp với chẩn đoán, sử dụng nhiều thứ thuốc không phù hợp, lạm dụng kháng sinh dẫn đến một ca bệnh có chi phí từ 30 – 50 triệu đồng không đáng có.

“Thông qua đào tạo cho thấy trình độ của BS Trung Quốc hành nghề ở VN rất quan ngại, vì thế tai biến sản khoa xảy ra ở các PK này thời gian qua là dễ hiểu”, BS Nhi nói và cho rằng nhiều đồng nghiệp đề nghị cơ quan chức năng phải xử lý nghiêm với các BS Trung Quốc hành nghề sai phạm, không phép; cần có quy định nghiêm khắc trong luật KCB (sửa đổi, bổ sung). Nên chăng giao quyền cho y tế địa phương vừa thẩm định PK, cấp CCHN và giám sát những PK này thay cho Bộ.

Ngoài ra, các đại biểu cho rằng cần có quy định cụ thể về tiêu chuẩn người phiên dịch cho BS Trung Quốc hành nghề tại VN. Thực tế hiện nay xảy ra tình trạng phiên dịch không hiểu và diễn đạt đúng, đủ ý của BS với người bệnh, gây ra nhiều hệ lụy.

Tại buổi khảo sát, các đại biểu đề nghị cần đưa vào luật KCB quy định việc hành hung BS là chống người thi hành công vụ; quy định cụ thể về người nuôi bệnh; quy định về cấp CCHN cho dược sĩ lâm sàng, kỹ sư sinh học… làm việc tại BV và đào tạo liên tục cho người đã được cấp CCHN; cho phép BS được hành nghề mọi nơi trên đất nước VN với mọi thời gian; tính đúng tính đủ viện phí trong bối cảnh BV tự chủ; quy định về tai biến y khoa, bồi thường tai biến, bảo hiểm trách nhiệm… (Thanh niên, trang 22).

 

Gần 10.000 ca cấp cứu tai nạn giao thông trong 5 ngày nghỉ lễ

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, trong kỳ nghỉ lễ 5 ngày từ 27/4 – 1/5/2019, hệ thống y tế đã khám, cấp cứu 9.798 trường hợp tai nạn giao thông.

Ghi nhận tại BV Việt Đức trong 5 ngày nghỉ lễ cũng cho thấy, mỗi ngày trung bình BV Việt Đức cấp cứu khoảng 150 trường hợp, trong đó 120 ca cấp cứu do tai nạn và 60% trong tổng số bệnh nhân này cấp cứu do tai nạn giao thông. BV Việt Đức đã phải thêm bàn mổ phục vụ công tác cấp cứu bệnh nhân…

Người  tử vong, người chấn thương sọ não vì sử dụng rượu/bia

Khoa Cấp cứu BV Việt Đức sáng ngày 1/5/2019 nườm nượp bệnh nhân được chuyển đến từ các cơ sở y tế tuyến trước trong tình trạng nặng vì các nguyên nhân khác nhau, trong đó, thống kê cho thấy số ca nhập viện do tai nạn giao thông có tỷ lệ gia tăng.

Trong số này có bệnh nhân B.N.L. (35 tuổi, ở xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Hà Nội) trong tình trạng chấn thương sọ não, chấn thương gan, gãy xương mũi. Chia sẻ với chúng tôi trong tâm trạng lo lắng, mẹ bệnh nhân L. cho biết, đêm 30/4, anh L. có đi liên hoan với bạn bè và sử dụng rượu bia, trên đường lái xe về nhà đã tự ngã dẫn đến chấn thương. Kết quả xét nghiệm phát hiện nồng độ cồn trong máu của bệnh nhân L. lên tới 215mg/dl, cao gấp nhiều lần mức cho phép.

Một trường hợp khác cũng được chuyển từ Hà Tĩnh đến BV Việt Đức rạng sáng ngày 1/5 trong tình trạng đa chấn thương do tự ngã khi đang trên đường đi làm về. Hiện bệnh nhân này cũng đang được theo dõi chấn thương sọ não.

Trước đó, rạng sáng 29/4, 2 người nước ngoài (khoảng dưới 30 tuổi) được chuyển đến BV Việt Đức trong tình trạng đa chấn thương, trong đó 1 người được xác định tử vong trước khi vào viện, người còn lại dù được tích cực cấp cứu nhưng đã tử vong sau đó.

Thông tin ban đầu cho biết, 2 nạn nhân này uống bia rượu rồi tham gia giao đông, khi đang lưu thông trên đường phố Hà Nội bất ngờ đâm vào xe ôtô dừng đỗ ven đường dẫn đến tai nạn nghiêm trọng.

BS. Bùi Trung Nghĩa cho biết, trung bình mỗi ngày nghỉ lễ, bệnh viện cấp cứu cho khoảng 150 trường hợp, trong đó 120 ca cấp cứu do tai nạn và 60% trong tổng số bệnh nhân này cấp cứu do tai nạn giao thông. Tuy số cấp cứu BV Việt Đức tiếp nhận trong dịp nghỉ lễ năm nay không tăng so với ngày bình thường nhưng lại tăng số trường hợp chấn thương nặng, đa chấn thương. Trong số 90% trường hợp cấp cứu do tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt có khoảng 30-40 trường hợp nghi ngờ có nồng độ cồn được chỉ định xét nghiệm. Khi cấp cứu những bệnh nhân có nồng độ cồn trong máu cao là một khó khăn lớn đối với y, bác sĩ. Bởi lẽ cùng một mức độ thương tổn, nhưng với bệnh nhân uống rượu bia thì việc hồi sức cấp cứu trở nên khó khăn hơn rất nhiều.

Trong dịp nghỉ lễ, tại Khoa Cấp cứu A9 BV Bạch Mai, trung bình mỗi ngày cấp cứu 150 bệnh nhân nặng, không tăng so với ngày thường, trong đó 50% số ca chuyển tuyến; các ca bệnh chủ yếu là tim mạch, huyết áp, hô hấp, tai biến mạch máu não, sốc nhiễm khuẩn, đột quỵ, xuất huyết tiêu hóa do liên quan đến rượu, suy gan thận cấp. Riêng số ca đột quỵ nhiều hơn ở người cao tuổi mắc bệnh lý mạn tính do ảnh hưởng thời tiết.

2.900 trường hợp bị tai nạn giao thông nhập viện theo dõi, điều trị nội trú
Sáng 2/5, PGS.TS. Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế cho biết, theo báo cáo chưa đầy đủ của 40 sở y tế và một số BV Trung ương, số liệu cấp cứu, khám chữa bệnh trong dịp nghỉ lễ kéo dài 5 ngày từ 27/4-1/5/2019 cho thấy, tổng số người bệnh khám, cấp cứu các nguyên nhân là 273.876 trường hợp. Trong đó, tổng số người bệnh nhập viện điều trị nội trú là 67.796 trường hợp.

Về số liệu tình hình cấp cứu do tai nạn giao thông trong 5 ngày nghỉ lễ, đã có 9.798 trường hợp khám, cấp cứu tai nạn giao thông. Số tử vong tại BV, trước khi đến BV và tiên lượng tử vong xin về là 52 trường hợp.

Báo cáo của Cục Quản lý khám chữa bệnh cũng thông tin, trong đợt nghỉ lễ này Sở Y tế TP. Cần Thơ đã huy động các cơ sở y tế trên địa bàn tham gia cấp cứu thảm họa, tai nạn hàng loạt sự cố rò rỉ khí ga làm lạnh NH3 trong khu vực nhà xưởng của Công ty SeaVina (Khu công nghiệp Trà Nóc, TP. Cần Thơ) làm 25 công nhân bị ngộ độc. Hiện có 4 bệnh nhân đang được điều trị tại các BV, 2 ca rất nặng (phù phổi cấp, tổn thương phổi) được điều trị tại BV Chợ Rẫy, các bệnh nhân còn lại đã ổn định ra viện. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

Về trường hợp sản phụ tử vong: Thông tin từ BVÐK tỉnh Hà Tĩnh

BVĐK tỉnh Hà Tĩnh vừa có báo cáo chính thức gửi Sở Y tế về trường hợp tử vong của sản phụ Nguyễn Thị H. 36 tuổi, mang thai lần 3, được gia đình đưa đến viện hôm 30/4/2019.

Theo đó,7 giờ ngày 30/4/2019 sản phụ vào Khoa Sản trong tình trạng: tỉnh, da niêm mạc hồng, không phù, tim T1, T2 đều rõ, phổi không nghe ran, cơn co tử cung thưa nhẹ, cổ tử cung hở, ối còn, tim thai cơ bản 140 lần/phút. Bệnh nhân được chỉ định thực hiện các cận lâm sàng (xét nghiệm, siêu âm thai…), theo dõi tim thai và cơn co tử cung.

Đến 8h30 ngày 30/04/2019: Sản phụ tỉnh, da niêm mạc hồng, không phù, huyết động ổn định, tim phổi bình thường, cơn co tử cung thưa nhẹ, cổ tử cung hở, ối còn, tim thai cơ bản 140 – 150 lần/phút. Kết quả siêu âm: Thai đủ tháng phát triển bình thường. Bác sĩ trực tiếp tục chỉ định theo dõi chuyển dạ đẻ qua đường âm đạo và tư vấn các nguy cơ xẩy ra trong quá trình chuyển dạ.

10 giờ 30 cùng ngày: Sản phụ tỉnh, da niêm mạc hồng, không phù, tim T1, T2 đều rõ, phổi không nghe ran, cơn co tử cung tần số 2, cổ tử cung hở, ối còn, tim thai cơ bản 140 lần/phút – 150 lần/phút. Lúc này, bác sĩ tư vấn cho gia đình về chuyên môn bệnh nhân có chỉ định theo dõi đẻ đường âm đạo, các nguy cơ có thể xảy ra trong quá trình theo dõi và chuyển dạ, gia đình có yêu cầu phẫu thuật hay không? Nhưng chồng sản phụ đã lựa chọn tiếp tục theo dõi đẻ đường âm đạo.

Đến 13h 20 phút: Sản phụ đột ngột xuất hiện khó thở, tím môi và mặt, co giật toàn thân, mạch không bắt được, huyết áp không đo được. Tiến hành hồi sức tại chỗ bằng bóp bóng có ôxy qua mask, đặt nội khí quản bóp bóng có ôxy qua NKQ, tiêm adrenalin 1mg  x 1 ống tiêm tĩnh mạch, seduxen 10mg x 1 ống tiêm bắp, dung dịch natriclorid 0,9% x 1.000ml truyền TM thành dòng. Đồng thời kíp trực đã báo cáo BSCKII Trương Huy Hưng trực lãnh đạo bệnh viện, mời các khoa Hồi sức tích cực, Gây mê hồi sức, BSCKII Nguyễn Thị Thúy – Trưởng khoa Sản, ThS.BS. Nguyễn Văn Diệu – BS. Nguyễn Thị Huyền Anh trực thường trú hội chẩn xử trí cấp cứu tại chỗ. Chẩn đoán khi hội chẩn: Trụy mạch – Theo dõi tắc mạch ối/ Thai đủ tháng chuyển sinh con thứ ba, ối vỡ sớm. Sau khi xử trí cấp cứu, tình trạng sản phụ lơ mơ, da xanh niêm mạc kém hồng, tím môi và đầu chi, mạch 80 lần/phút, huyết áp 120/80mmHg, bóp bóng qua ống nội khí quản, tim thai 120 lần/phút. Sản phụ có chỉ định chuyển Khoa Gây mê hồi sức mổ cấp cứu theo ý kiến hội chẩn.

13 giờ 30 phút: sản phụ đến Khoa Gây mê hồi sức trong tình trạng: Lơ mơ, kích thích, da xanh niêm mạc nhợt, nhịp nhanh xoang 120 lần/phút, huyết áp 120/70 mmHg, SpO2 90%, bóp bóng qua ống nội khí quản, phổi thông khí rõ 2 bên, tiến hành gây mê chuẩn bị mổ lấy thai. Kíp phẫu thuật tiến hành mổ lấy thai, lấy ra 1 bé trai.

Sản phụ thở máy, mạch 120 lần/phút, huyết áp 120/80mmHg, tử cung co tốt, âm đạo ra ít máu sẫm màu, sonde thành bụng không ra máu, sonde bàng quang ra dịch nâu, vết mổ thành bụng ra ít dịch hồng, tiếp tục theo dõi và sử dụng kháng sinh, tăng co tử cung theo ý kiến hội chẩn.

15h cùng ngày: Sản phụ an thần, thở máy, mạch 120 lần/phút, huyết áp 90/60mmHg, SpO2 100%, da niêm mạc nhợt nhạt, dẫn lưu bàng quang ra nhiều máu, dẫn lưu thành bụng ra nhiều máu không đông. Xử trí thêm: Truyền tĩnh mạch dung dịch gelofusine 500ml.

15h15: sản phụ thở máy, hôn mê, mạch 120 lần/phút, huyết áp 90/60mmHg, tử cung ngang rốn, bụng không trướng, dẫn lưu bàng quang và dẫn lưu thành bụng ra nhiều máu, âm đạo  ra  máu loãng không đông lượng vừa, chảy máu mũi.

Các bác sĩ cho chỉ định các xét nghiệm: Tổng phân tích tế bào máu. Đông máu cơ bản, sinh hóa máu. Đồng thời xin ý kiến GS.TS. Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế: Tiếp tục tiến hành hồi sức tích cực, truyền máu. Phẫu thuật cắt tử cung nếu điều kiện sản phụ cho phép.

15h 30 phút, hội chẩn toàn viện với chẩn đoán: Rối loạn đông máu – sốc mất máu/ Hậu phẫu lấy thai – Theo dõi thuyên tắc mạch ối. Hội đồng đã chỉ định: Hồi sức tích cực, truyền máu tươi toàn phần, truyền huyết tương tươi đông lạnh. Giải thích tình trạng nặng cho gia đình sản phụ. Xem xét cắt tử cung nếu điều kiện sản phụ cho phép.

Nhưng rất bất ngờ, 15h35 phút, sản phụ đột ngột xuất hiện ngừng tim, mạch rời rạc, khó bắt, huyết áp không đo được. Tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn: Bóp bóng qua nội khí quản, ép tim ngoài lồng ngực, adrenalin tĩnh mạch 1 ống/ 3 phút.

16h 5 phút: Sau cấp cứu ngừng tuần hoàn 30 phút tim đập trở lại. Tiếp tục cho sản phụ thở máy, duy trì adrenalin qua bơm tiêm điện. Tiến hành hội chẩn toàn viện lần hai, chẩn đoán khi hội chẩn: Sau cấp cứu ngừng tuần hoàn/ Rối loạn đông máu – sốc mất máu/ Hậu phẫu lấy thai – Theo dõi tắc mạch ối. Giải thích tình trạng nặng của sản phụ cho người nhà, tiên lượng tử vong.

16h 15: Sản phụ lại xuất hiện ngừng tim lần 2, mạch không bắt được, huyết áp không đo được. Tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn: Bóp bóng qua nội khí quản, ép tim ngoài lồng ngực , tiêm arenalin tĩnh mạch 1 ống trong 3 phút.

17h 20: Sau cấp cứu ngừng tuần hoàn 60 phút không hiệu quả, xác định sản phụ tử vong.

Chẩn đoán tử vong: Sốc mất máu, rối loạn đông máu/ Hậu phẫu lấy thai con thứ 3 – Theo dõi thuyên tắc mạch ối.

Đối với trường hợp này, lãnh đạo BVĐK tỉnh Hà Tĩnh, cho biết: BV chia sẻ nỗi đau, mất mát lớn của gia đình. Sản phụ vào viện được tiếp đón khẩn trương. Khám toàn diện, chẩn đoán đúng, phù hợp triệu chứng, điều trị đúng.

Trong quá trình theo dõi kíp trực đã tư vấn các nguy cơ xảy ra trong quá trình chuyển dạ, điều trị hoặc phẫu thuật.

Sản phụ đã được chẩn đoán, điều trị, cấp cứu kịp thời, nhanh chóng khi có diễn biến xảy ra. Bệnh viện đã tổ chức hội chẩn toàn viện, hội chẩn lãnh đạo, liên khoa để thống nhất chẩn đoán, xử trí và điều trị, nhưng do bệnh quá nặng nên không qua khỏi. Đây là một trong 5 tai biến sản khoa rất nặng, bất khả kháng, diễn biến nhanh, tỷ lệ tử vong cao và không lường trước được.

Theo tin chúng tôi mới nhận, hiện nay cháu bé đã được chuyển lên tuyến trên và đang điều trị tại Khoa sơ sinh Bệnh viện Nhi Trung ương với chẩn đoán tim bẩm sinh: còn ống thông động mạch. (Sức khỏe & Đời sống, trang 6).

 

Quan tâm đúng mức đến trạm y tế để dân được chăm sóc sức khỏe tốt nhất

Y tế cơ sở (YTCS) được xác định là cột sống của ngành y tế, giữ vai trò quan trọng trong thực hiện mục tiêu bao phủ khám chữa bệnh (KCB) ban đầu cho người dân.

Nhiều năm nay, ngành y tế Đồng Nai không ngừng chú trọng nâng cao chất lượng cho y tế cơ sở nhằm phục vụ tốt cho nhu cầu KCB của nhân dân. Tuy nhiên tại các trạm y tế vẫn gặp nhiều khó khăn cần tháo gỡ.

Tại Đồng Nai, YTCS được bao phủ rộng khắp 11 huyện, thị xã, trong đó có 171 trạm y tế được trang bị giường cấp cứu và 855 giường lưu bệnh. Để đáp ứng nhu cầu KCB ban đầu cho người dân, trong những năm qua, ngành y tế đã quan tâm đầu tư xây mới, nâng cấp cơ sở vật chất cho các trạm. Theo đó, trong giai đoạn 2011-2017, đã có 32 trạm y tế được đầu tư xây mới với kinh phí đầu tư từ 5-7 tỷ đồng/trạm. Theo kế hoạch, giai đoạn 2019 – 2025, tỉnh Đồng Nai có nhu cầu xây mới trên nền các trạm cũ, bổ sung trang thiết bị y tế cho 77 trạm y tế và 60 trạm y tế ở giai đoạn 2026-2030. Nguồn kinh phí được lấy từ nguồn ngân sách chi thường xuyên và các nguồn hợp pháp khác.

Song song đầu tư xây mới, ngành y tế còn bổ sung bộ trang thiết bị y tế hiện đại cho 82 trạm y tế có bác sĩ như máy siêu âm, máy đo điện tim, máy sinh hóa và huyết học, máy xét nghiệm nước tiểu… Đây không chỉ là mong muốn của người dân mà còn là nguyện vọng của các y bác sĩ làm việc tại trạm y tế để có thể nâng cao chất lượng KCB, phục vụ tốt hơn cho nhân dân.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc đầu tư, hoàn thiện mạng lưới YTCS hiện vẫn đang có nhiều khó khăn cần được tháo gỡ. Nhiều trạm y tế không đủ nguồn nhân lực, thu nhập của đội ngũ y bác sĩ công tác tại trạm còn khá thấp, cơ sở vật chất, trang thiết bị mặc dù có đầu tư, nâng cấp và xây dựng liên tục nhưng với 171 trạm nằm rải rác, mỗi năm xây mới xong trạm này, trạm khác đã xuống cấp…

BS. Phan Văn Huyên, Giám đốc Bệnh viện ĐKKV Long Khánh cho biết, một số trạm y tế hiện nay vẫn còn đang trong tình trạng thiếu trang thiết bị y tế, thuốc men. Trong khi đó, người dân đến khám tại cơ sở y tế luôn mong muốn được khám và làm đầy đủ các xét nghiệm. Bất cập này làm mất lòng tin của người dân vào trạm y tế, dẫn đến tình trạng quá tải cho tuyến trên.

Do đó, ngoài vấn đề chuyên môn và thuốc men, trong thời gian tới, Bệnh viện ĐKKV Long Khánh sẽ tăng cường hỗ trợ các trạm y tế trên địa bàn thị xã về chuyên môn cận lâm sàng và xét nghiệm. Đồng thời, thực hiện xã hội hóa các trạm để có những bước hỗ trợ thiết thực, hiệu quả.

Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, Phan Huy Anh Vũ chia sẻ giải pháp hữu hiệu để gỡ khó cho YTCS: “Chúng ta phải đổi mới cơ chế để tạo thu nhập ổn định cho cán bộ, nhân viên trạm yên tâm công tác. Bên cạnh đó, đầu tư nhiều hơn cho YTCS từ vật chất bằng cách xây hàng loạt trạm đủ chuẩn, trang bị đủ trang thiết bị, quan trọng nhất là phải đào tạo, tập huấn cho cán bộ, nhân viên y tế trạm để phục vụ tốt công tác KCB cho nhân dân. Ngành sẽ tiếp tục khảo sát, nắm bắt tình hình thực tế về cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc, đội ngũ nguồn nhân lực, đời sống của bác sĩ, nhân viên, từ đó tìm giải pháp nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng KCB ở các trạm y tế”.

Nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân ngày càng cao, mô hình bệnh tật hiện nay cũng có nhiều thay đổi, YTCS lại là nơi đầu tiên người dân có thể tiếp cận khi ốm đau. Bên cạnh đó, YTCS còn tham gia công tác phòng chống dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu. Do đó, nâng cao chất lượng KCB cho YTCS là đoi hỏi cấp thiết, cần được ưu tiên để công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được thực hiện một cách hiệu quả. (Sức khỏe & Đời sống, trang 6).

 

Hỗ trợ người dân chủ động tiếp cận thông tin về quá trình đóng – hưởng BHXH, BHYT

BHXH Việt Nam triển khai dịch vụ tin nhắn thông báo, tra cứu quá trình đóng, hưởng, giải quyết hồ sơ BHXH, BHYT, Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).

Đây là một trong những dịch vụ thuộc “Hệ sinh thái 4.0 ngành BHXH” nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, bảo vệ quyền lợi người tham gia BHXH, BHYT. Chúng tôi đã trao đổi với Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn về những lợi ích người dân được hưởng từ hệ thống này.

PV: Là dịch vụ được rất nhiều người dân, người lao động mong muốn, xin ông cho biết chi tiết về phương thức tin nhắn tra cứu này?

Ông Phạm Lương Sơn: Dịch vụ tin nhắn thông báo, tra cứu quá trình đóng, hưởng, giải quyết hồ sơ BHXH, BHYT, BHTN là hệ thống tương tác đa phương tiện giữa người dân và doanh nghiệp (DN) với cơ quan BHXH. Hệ thống nằm trong chương trình ứng dụng CNTT, hiện đại hóa ngành BHXH, được BHXH Việt Nam lên kế hoạch, thực hiện thời gian qua, đến nay đã chính thức đi vào hoạt động. Theo đó, 2 loại hình tin nhắn được triển khai là: “Tin nhắn thương hiệu BHXH Việt Nam” cho cơ quan BHXH và “Tin nhắn theo cú pháp” cho đơn vị, cá nhân.

“Tin nhắn thương hiệu BHXH Việt Nam” được thực hiện bởi cơ quan BHXH trong các trường hợp: Gửi thông báo tới đại diện DN sau khi DN nộp tiền tham gia BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động; Tự động thông báo ngừng đóng BHXH đến người lao động khi DN báo giảm, không tiếp tục tham gia BHXH cho người lao động; Gửi tin nhắn thông báo cho đơn vị/cá nhân nộp hồ sơ cho cơ quan BHXH và khi cơ quan BHXH giải quyết xong hồ sơ; Thông báo cho người tham gia BHXH tự nguyện khi phương thức đóng đã đăng ký gần hết hạn; Thông báo cho người tham gia BHYT hộ gia đình trước khi thẻ BHYT hết giá trị sử dụng 30 ngày.

Đặc biệt, “Tin nhắn theo cú pháp” dành cho các cá nhân, đơn vị tự tra cứu quá trình tham gia chính sách BHXH, BHYT, BHTN của mình bằng cách soạn tin nhắn theo mẫu gửi đến số tổng đài 8079.

PV: Có thể thấy, rất nhiều thông tin trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN được thông báo, chia sẻ qua dịch vụ này, ông đánh giá thế nào về những lợi ích mà nó mang lại?

Ông Phạm Lương Sơn: Dịch vụ tin nhắn thông báo, tra cứu quá trình đóng, hưởng, giải quyết hồ sơ BHXH, BHYT, BHTN đem đến sự kết nối thông tin, giải quyết chế độ chính sách giữa các cá nhân, đơn vị với cơ quan BHXH trở nên thuận lợi, nhanh chóng và chính xác hơn. Đây là điều rất cần thiết giúp người dân, người lao động chủ động hơn trong việc nắm bắt, cập nhật thông tin quá trình tham gia, thụ hưởng các chính sách BHXH, BHYT, BHTN; từ đó, cùng với cơ quan BHXH đấu tranh, tố giác, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động. Khi triển khai dịch vụ tin nhắn này, người lao động sẽ biết ngay các thay đổi về đóng – hưởng BHXH, BHYT, BHTN của mình, nếu sai có thể phản hồi ngay lập tức tới đơn vị sử dụng lao động, cơ quan BHXH và các cơ quan chức năng.

Với đơn vị sử dụng lao động, dịch vụ tin nhắn thông báo, tra cứu sẽ giúp ích lớn cho đội ngũ làm công tác BHXH, BHYT, BHTN tại đơn vị trong việc quản lý đóng nộp, tăng giảm lao động, tiếp nhận, giải quyết hồ sơ; từ đó, giúp DN tiết kiệm được rất nhiều thời gian, chi phí, nhân lực cho những công việc này.

Về phía cơ quan BHXH, dịch vụ này sẽ góp phần quan trọng vào công tác quản lý, cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ khi có thể tiếp cận tốt nhất đến từng đơn vị sử dụng lao động, từng người tham gia BHXH, BHYT.

PV: Được biết, BHXH Việt Nam đang triển khai “Hệ sinh thái 4.0 ngành BHXH”, vậy ngoài dịch vụ tin nhắn tra cứu, thời gian tới còn có những ứng dụng, dịch vụ gì được triển khai để tạo thuận lợi cho người tham gia BHXH, BHYT, thưa ông?

Ông Phạm Lương Sơn: Những năm qua, công tác ứng dụng CNTT được BHXH Việt Nam đặc biệt quan tâm, thể hiện qua việc xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung toàn ngành; Hệ thống cấp số định danh quản lý người tham gia BHXH, BHYT, BHTN thống nhất trên phạm vi toàn quốc… Đến nay, BHXH Việt Nam đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3. Năm 2018, có hơn 47 triệu hồ sơ trong lĩnh vực BHXH, BHYT được thực hiện qua giao dịch điện tử… Toàn bộ ứng dụng CNTT ngành BHXH đã được triển khai theo kiến trúc Chính phủ điện tử được xây dựng theo Khung kiến trúc Chính phủ điện tử do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành.

Trên nền tảng đó, ngành BHXH đang khẩn trương xây dựng “Hệ sinh thái 4.0 ngành BHXH” phục vụ người dân và doanh nghiệp với các dịch vụ tiện ích, hiện đại. Ngoài dịch vụ tin nhắn tra cứu đã đi vào hoạt động, thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ triển khai tiếp: Dịch vụ thanh toán trực tuyến; Ứng dụng BHXH trên thiết bị di động; Hệ thống Chatbot hỗ trợ khách hàng (trả lời chính sách BHXH, BHYT tự động bằng trí tuệ nhân tạo, tăng tính tương tác cao với người tham gia, cung cấp thông tin đóng, hưởng BHXH, BHYT và dự tính mức hưởng nhằm phục vụ người dân tốt hơn); Phân tích, khai thác dữ liệu trên hệ thống dữ liệu tập trung (BigData); Thiết lập Fanpage truyền thông trên hệ thống mạng xã hội…

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông! (Sức khỏe & Đời sống, trang 6).

Nhiều căn bệnh nghiêm trọng do hút thuốc lá thụ động

Các kết quả nghiên cứu cho thấy, hút thuốc lá thụ động cũng chịu những hậu quả nghiêm trọng như người hút thuốc lá trực tiếp. Không khó để bắt gặp hình ảnh những ông bố hút thuốc lá trong gia đình có trẻ em và phụ nữ, đàn ông hút thuốc ở quán nhậu, nơi công cộng. Họ vô tư nhả khói khiến nhiều người xung quanh phải nhăn mặt khó chịu. Những người hít phải khói thuốc lá từ người khác được gọi là hút thuốc thụ động.

Các kết quả nghiên cứu cho thấy, hút thuốc lá thụ động cũng chịu những hậu quả nghiêm trọng như người hút thuốc lá trực tiếp.

Chị Hoàng Mai ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội than phiền: “Nhà chật, trẻ con ngồi chơi ở phòng khách, trong khi đó chồng tôi lại thường xuyên ngồi ở bàn uống nước hút thuốc lá. Tôi đã nhắc anh ấy không hút thuốc khi có con ở bên cạnh thì anh ấy phản ứng là anh hút mới độc, chứ con hít khói thì không sao. Chỉ đến khi một người bạn của anh sinh sống ở Singapore về chơi, mỗi khi hút thuốc, người bạn này kéo chồng tôi ra cửa nhà để không ảnh hưởng đến các cháu, vậy là anh ấy mới hiểu ra và có ý thức tránh để con hít phải khói thuốc”.

Những người đàn ông nghiện thuốc lá có suy nghĩ giống như chồng chị Hoàng Mai không phải là ít. Bởi thế, việc tác động hàng ngày lên ý thức của họ là vô cùng cần thiết để đảm bảo một môi trường trong sạch cho không chỉ trẻ em mà người lớn cũng cần. Đặc biệt, ở những nơi công cộng như trường học, bệnh viện, bến xe… là nơi tập trung đông người càng cần đến ý thức bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong khói thuốc lá có khoảng 7.000 chất hóa học, trong đó có 70 chất được xếp vào loại gây ung thư. Khói thuốc lá vẫn có thể tồn tại trong không khí ngay cả khi không nhìn thấy hoặc ngửi thấy được.

Người không hút thuốc nếu thường xuyên hít phải khói thuốc lá cũng chịu những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe giống như những người hút thuốc lá trực tiếp, như nguy cơ mắc ung thư phổi, nhiễm trùng đường hô hấp, các bệnh về tim mạch. Nguy cơ mắc bệnh động mạch vành ở những người hút thuốc thụ động cao hơn 25-30% so với những người không hít phải khói thuốc.

Mỗi năm, trên thế giới có 600 nghìn ca tử vong do hút thuốc thụ động, trong đó 64% là phụ nữ. Đáng sợ hơn, một trong những nguyên nhân gây ra các bệnh viêm đường hô hấp, viêm tai giữa, hen, ung thư máu… ở trẻ em là khói thuốc lá.

Điều đáng mừng là sau nhiều năm nỗ lực truyền thông và đưa các quy định của pháp luật về phòng chống tác hại của thuốc lá vào thực tế, tình trạng người dân phải hút thuốc lá thụ động đã giảm.

Theo Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế), tỷ lệ hút thuốc lá thụ động giảm đáng kể ở hầu hết các địa điểm công cộng như: Bệnh viện, trường học, nhà hàng, trên các phương tiện giao thông công cộng.

Đây là một trong những điểm nhấn quan trọng trong kết quả hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá của Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá, thể hiện qua điều tra toàn cầu về tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành năm 2015 (GAST 2015).

Kết quả này là sự kết hợp của nhiều biện pháp phòng chống tác hại của thuốc lá hiệu quả, là nỗ lực của công tác phối hợp liên ngành và sự ủng hộ của các cơ quan truyền thông và các tổ chức phòng, chống tác hại thuốc lá trong nước và quốc tế.

Người dân có quyền được sống, làm việc trong môi trường không có khói thuốc lá

Điều 7 Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá quy định: Công dân có quyền được sống, làm việc trong môi trường không có khói thuốc lá. Yêu cầu người hút thuốc lá không hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá. Vận động, tuyên truyền người khác không sử dụng thuốc lá, cai nghiện thuốc lá. Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý người có hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá. Phản ánh hoặc tố cáo cơ quan, người có thẩm quyền xử lý hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá. (Công an nhân dân, trang 7).

 

Sẽ “trục xuất” bác sĩ nước ngoài về nước nếu vi phạm Luật Khám bệnh, chữa bệnh

Hiện nay các quy định vẫn đang rất nghiêm với bác sĩ Việt Nam, còn bác sĩ nước ngoài lại không có biện pháp gì. Các quy định nên mang tính răn đe hơn, thẳng tay rút chứng chỉ hành nghề khi bác sĩ nước ngoài vi phạm lần thứ 2,… Sáng 2-5, Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM do ông Phan Nguyễn Như Khuê và bà Văn Thị Bạch Tuyết chủ trì đã có buổi làm việc với đại diện Sở Y tế và các cơ sở y tế trên địa bàn về việc khảo sát về tình hình thực hiện Luật Khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn TP.

Theo ông Tăng Chí Thượng – Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, thời gian qua, tình trạng các bác sĩ nước ngoài, đặc biệt là bác sĩ mang quốc tịch Trung Quốc hành nghề trên địa bàn TPHCM vi phạm Luật Khám bệnh, chữa bệnh (KCB) đã diễn ra rất phổ biến, như: hành nghề không có chứng chỉ hành nghề, lập hồ sơ bệnh án nhưng không ghi chéo đầy đủ theo quy định của pháp luật, cung cấp dịch vụ KCB vượt quá phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động, hoạt động không có biển hiệu, không đeo biển tên trong quá trình KCB…

Mặc dù Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát, xử phạt, tuy nhiên mức độ xử phạt chỉ ở phần ngọn và các cơ sở vi phạm vẫn tái phạm nhiều lần. Thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề là do Bộ Y tế cấp chứ không phải là Sở Y tế. Chính vì vậy, khi phát hiện các bác sĩ nước ngoài vi phạm các quy định về Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Sở Y tế chỉ được xử phạt hành chính và không thể rút chứng chỉ hành nghề, bởi vậy vẫn còn kẽ hở cho đối tượng tái diễn vi phạm.

Đây là một trong những vướng mắc mà Sở Y tế TPHCM và nhiều bệnh viện (BV) đã không ít lần kiến nghị, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có hướng xử lý phù hợp.

Để xử lý triệt để tình trạng trên, PGS.TS Tăng Chí Thượng cho rằng, trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh cần phải quy định cụ thể, chứng chỉ hành nghề phải có thời hạn. Bởi nếu cấp vô thời hạn sẽ làm sản sinh tư tưởng các bác sĩ không chịu đào sâu, phát triển chuyên môn. Vấn đề này áp dụng chung cho cả bác sĩ nước ngoài và cả Việt Nam…

“Hiện nay các quy định vẫn đang rất nghiêm với bác sĩ Việt Nam, còn bác sĩ nước ngoài lại không có biện pháp gì. Bởi vậy, sau khi xử phạt đâu lại vào đó. Các quy định nên mang tính răn đe hơn, thẳng tay rút chứng chỉ hành nghề khi bác sĩ nước ngoài vi phạm lần thứ 2, buộc cá nhân đó trở về nước của họ”- PGS.TS Tăng Chí Thượng đề xuất.

Cũng trong buổi khảo sát nhiều ý kiến về sự bất hợp lý của các quy định, điều khoản Luật Khám bệnh, chữa bệnh, các văn bản luật và dưới luật: Xếp hạng bệnh viện; Tổ chức bộ máy, quản lý bệnh viện với cơ chế tự chủ; quy định bảo mật thông tin người bệnh; thu giá dịch vụ bệnh viện; quy định cấp phép KCB nhân đạo,… cũng đã được đại diện các bệnh viện từ cấp Trung ương đến cấp quận huyện đưa ra.

Ghi nhận và tổng hợp những ý kiến mà các đại diện các bệnh viện đề xuất, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM Văn Thị Bạch Tuyết cho biết, đây sẽ là những ý kiến đóng góp quý báu để Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM góp ý cho Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi sẽ được trình trong Kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khóa XIV diễn ra vào tháng 10-2019.

“Thời gian qua, BV Từ Dũ liên tục nhận được những trường hợp tai biến sản khoa do các phòng khám có bác sĩ Trung Quốc gây ra. Theo quy định, tuyến phòng khám tư nhân không được thực hiện thủ thuật phá thai khi thai quá lớn nhưng thực tế một số phòng khám Trung Quốc phá thai khi thai đã 13-14 tuần, thậm chí 18 tuần và không ít lần gây ra tai biến khiến bệnh nhân bị thủng ruột, kéo cả ruột già ra ngoài. Những trường hợp này nếu không được cấp cứu kịp thời thì bệnh nhân sẽ chết vì thủng ruột gây viêm phúc mạc, nhiễm trùng nhiễm độc” (Lao động, trang 1).

Cứu sống bệnh nhân chấn thương sọ não khi đá bóng

Các bác sĩ BVĐK tỉnh Quảng Ninh mới đây đã cấp cứu thành công một trường hợp chấn thương sọ não, vỡ xương sọ, rách màng não nguy kịch do va chạm mạnh vùng đầu khi chơi bóng đá.

Bệnh nhân là anh N.T.B., 40 tuổi, phường Cẩm Trung, TP. Cẩm Phả. Gia đình anh B. cho biết: Khi lao ra bắt bóng, đầu anh B. bất ngờ va đập mạnh vào đầu gối của cầu thủ đối phương. Cú va chạm khiến anh choáng váng, vùng đầu sưng đau nhưng vẫn còn tỉnh táo nên đã nghĩ rằng không nghiêm trọng, chỉ cần nghỉ ngơi là sẽ thuyên giảm. Tuy nhiên khi về đến nhà cơn đau đầu càng dữ dội, xuất hiện cảm giác nôn khan, choáng váng nên gia đình lập tức đưa vào viện cấp cứu.

Kết quả thăm khám, chụp cắt lớp vi tính cho thấy bệnh nhân bị chấn thương sọ não: vỡ xương sọ, rách màng não, chảy máu não… Nhận thấy đây là trường hợp chấn thương sọ não khá phức tạp, các bác sĩ chuyên ngành phẫu thuật thần kinh cột sống đã nhanh chóng hội chẩn và lập tức quyết định mổ cấp cứu ngay trong đêm để xử trí kịp thời tình trạng chấn thương, tránh để lại di chứng nặng nề về sau cho người bệnh.

Kíp phẫu thuật tiến hành bộc lộ vùng não bị chấn thương. Nhận thấy tình trạng lõm sọ, xương sọ bị lún vỡ gây rách màng cứng, xuất huyết não nghiêm trọng, các phẫu thuật viên giàu kinh nghiệm đã tiến hành mổ xuyên đêm lấy máu tụ trong não và phần não dập, tạo hình lại hộp sọ và màng não cho người bệnh. Sau 5 ngày phẫu thuật, bệnh nhân tỉnh táo, sức khỏe phục hồi tích cực, nói chuyện giao tiếp bình thường, ăn uống đi lại nhẹ nhàng. (Sức khỏe & Đời sống, trang 6).

Bài viết liên quan

Bản tin công tác phòng, chống dịch sáng ngày 01/11/2021

Ngọc Nga

100% mẫu đã lấy đều được thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 22/12/2020

CDC Hà Nam

Để lại bình luận