Điểm báo ngày 04/6/2021

(CDC Hà Nam)
Sau tiêm vắc-xin COVID-19: Không cần kiêng nhưng phải theo dõi; TPHCM xét nghiệm cho toàn bộ công nhân; Bác sĩ “du-túp-bơ”; TPHCM: Công chức, viên chức làm việc tại nhà trong đợt cao điểm phòng chống dịch Covid-19; Tiếp tục hỗ trợ các địa phương ứng phó dịch Covid-19; Bộ Khoa học Công nghệ nghiên cứu 2 phương pháp xét nghiệm COVID-19 mới

Sau tiêm vắc-xin COVID-19: Không cần kiêng nhưng phải theo dõi

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, các triệu chứng thường gặp sau tiêm chủng như đau, đỏ hoặc sưng ở vị trí tiêm, sốt nhẹ, đau mỏi toàn thân, đau đầu hoặc cảm thấy không khỏe… là những phản ứng thông thường, dấu hiệu hệ thống miễn dịch đang phản ứng với các kháng nguyên được đưa vào cơ thể và hệ thống miễn dịch đang chuẩn bị để “chiến đấu”. Đó là phản ứng phổ biến, nhưng thường kéo dài không quá 2 hoặc 3 ngày và sau đó người được tiêm cảm thấy hoàn toàn ổn.

Những phản ứng thông thường sau tiêm

PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư (NIHE) cho biết, phản ứng sau tiêm vắc-xin COVID-19 phổ biến (chiếm từ 10%) gồm: đau đầu, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, nhạy cảm đau, nóng tại vị trí tiêm, ngứa, mệt mỏi, bồn chồn, sốt. Trong đó, rất phổ biến là sốt nhẹ và phổ biến là sốt từ 38 độ C, ớn lạnh. Phản ứng phổ biến nữa (chiếm tỷ lệ từ 1% đến dưới 10%) gồm: người tiêm có sưng và đỏ tại vị trí tiêm. Ngoài ra, phản ứng nghiêm trọng là sốc phản vệ, phản ứng quá mẫn muộn… Đến nay, WHO chưa có dữ liệu và chưa có bằng chứng về trường hợp phản ứng nghiêm trọng liên quan đến vắc-xin này.

TS Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng miền Bắc, Phó Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (NIHE) hướng dẫn: Sau khi về nhà, người được tiêm chủng cần tự theo dõi sức khỏe ít nhất 2 ngày; để ý đến các dấu hiệu sưng, nóng, đỏ tại vị trí tiêm; tuyệt đối không tự đắp bất cứ thứ gì vào nơi tiêm với mong muốn giảm sưng đau. Cần theo dõi thân nhiệt, cặp nhiệt độ khi sốt, sử dụng thuốc hạ sốt đúng liều lượng và theo dõi đáp ứng với thuốc hạ sốt. Nếu phát hiện bất thường như: sốt cao trên 39 độ C, khó hạ nhiệt độ, sốt kéo dài hơn 24 giờ; co giật; phát ban; tinh thần khó chịu, vật vã, lừ đừ, khó thở hoặc biểu hiện bất thường khác, cần đến ngay cơ sở y tế.

TS Thái lưu ý, những người có bệnh nền, sau tiêm vắc-xin COVID-19 càng cần cẩn trọng trong giám sát sức khỏe và nên cung cấp cho cán bộ y tế các phản ứng sau tiêm, giúp cơ quan y tế đánh giá đúng về đặc điểm của vắc-xin, kịp thời có những điều chỉnh cần thiết. “Riêng với vắc-xin AstraZeneca thì chúng tôi ghi nhận phản ứng như sốt hoặc sưng đau tại chỗ là khá phổ biến. Khoảng 50% người có dấu hiệu sốt và khoảng 20% người phải dùng hạ sốt. Những trường hợp đau tại chỗ trên 50% nhưng sưng đau kéo dài gặp số ít hơn. Chúng tôi nhận định những trường hợp phản ứng hầu hết đều ở trong giới hạn thông thường và tỷ lệ này đã được hãng thông báo cho chúng tôi trước khi tiêm chủng”, TS Thái nói.

Lưu ý những phản ứng nặng

PGS.TS Đào Xuân Cơ, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) khuyến cáo: “Các phản ứng nặng sau tiêm chủng khởi đầu có thể chỉ là phản ứng nhẹ như: sổ mũi, ngạt mũi, khàn tiếng nhưng sau đó thể diễn biến nặng hơn (khó thở), cần được xử trí cấp cứu. Ngoài ra, cần lưu ý các phản ứng phản vệ, xảy ra rất nhanh chóng, chỉ dưới 5 phút, thậm chí chưa kịp rút mũi tiêm”. Các phản ứng dị ứng đường hô hấp (khó thở) và tuần hoàn (tăng nhịp tim; tăng, giảm huyết áp) là phản ứng nặng, cần xử trí rất nhanh chóng, tính bằng phút, thậm chí từng giây. Do đó, tại mỗi điểm tiêm, các xe tiêm lưu động phải có đầy đủ điều kiện cấp cứu, có hộp chống sốc.

“Với bất cứ một vắc-xin nào cũng có thể thấy sẽ có đáp ứng về miễn dịch cơ thể. Khác với những vắc-xin trước đây là đưa kháng nguyên vào cơ thể tạo ra miễn dịch chống lại bệnh. Nguyên lý của loại vắc-xin COVID-19 là sử dụng một loại virus làm vật trung gian mang vật liệu di truyền. Từ đó cơ thể sẽ điều động các tế bào miễn dịch tới tiêu diệt, nhận diện và sinh ra kháng thể. Với công nghệ mới này, đáp ứng miễn dịch sẽ rất mạnh và khả năng tạo kháng thể tốt nhưng đi kèm với nó là phản ứng sau tiêm chủng cũng sẽ nhiều hơn một chút”, TS Thái nói.

Theo các chuyên gia, một ưu điểm nữa của vắc-xin là đáp ứng miễn dịch rất tốt và khi đáp ứng miễn dịch tốt thì đi kèm theo đó những phản ứng, thấy rõ nhất là sốt. Những vắc-xin tạo ra miễn dịch mạnh cho đến thời điểm hiện tại tất cả đều có tỷ lệ sốt cao hơn so với những vắc-xin mà không có bất cứ đáp ứng gì về mặt miễn dịch. Với các vắc-xin có miễn dịch mạnh mẽ đều có đặc điểm chung như vậy.

Vắc-xin có hiệu lực sau mũi tiêm đầu tiên 3-4 tuần

Vắc-xin của AstraZeneca đã được chứng minh là dung nạp tốt và hiệu quả trong việc ngăn ngừa COVID-19 có biểu hiện triệu chứng. Sau khi tiêm liều đầu tiên, vắc-xin có hiệu lực bảo vệ 76% trong 90 ngày và hiệu lực bảo vệ suy giảm không đáng kể trong khoảng thời gian này. Hiệu lực vắc-xin sau khi tiêm nhắc liều thứ hai đạt được cao hơn nếu kéo dài khoảng cách so với liều số một; đạt 81% khi khoảng cách giữa hai liều tiêm kéo dài đến 12 tuần trở lên.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam đối với vắc-xin AstraZeneca, mỗi người cần tiêm 2 mũi. Thời gian tiêm cách nhau tối thiểu 21 ngày. Sau khi tiêm, không cần kiêng nhưng cần theo dõi, nếu có sự khác thường về sức khỏe thì báo ngay cho cơ sở y tế. Một số nghiên cứu đánh giá cho thấy, sau tiêm mũi 1 vắc-xin COVID-19 của AstraZeneca từ 3 – 4 tuần, một tỷ lệ nhất định người được tiêm có kháng thể, được bảo vệ.

PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết, vắc-xin COVID-19 mới đưa vào sử dụng, cần thêm thời gian đánh giá hiệu lực sau tiêm, nồng độ kháng thể đủ bảo vệ cơ thể trước virus sẽ duy trì trong bao lâu. “Sau tiêm vắc-xin, chưa hẳn đã có miễn dịch ngay hoặc đề phòng biến thể của virus không bị tác động nên chúng ta vẫn phải áp dụng biện pháp phòng bệnh có hiệu quả như thực hiện nguyên tắc 5K” (Tiền phong, trang 4).

 

TPHCM xét nghiệm cho toàn bộ công nhân

TPHCM đang triển khai lấy mẫu xét nghiệm tầm soát cho toàn bộ công nhân làm việc ở Khu chế xuất, Khu Công nghiệp và Khu Công nghệ cao. Ngày 3/6, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, đơn vị này vừa phối hợp với Ban Quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp TPHCM và UBND quận 7, tiến hành lấy mẫu xét nghiệm tầm soát COVID -19 đợt 1 người lao động đang làm việc tại Khu chế xuất Tân Thuận.

Khu chế xuất Tân Thuận có khoảng 168 doanh nghiệp đang hoạt động với khoảng 56.000 lao động trong nước và trên 500 lao động nước ngoài. Trong đợt này, ngành Y tế sẽ tiến hành lấy mẫu tầm soát cho 30.259 lao động, bao gồm cả nhân viên hành chính, công nhân làm việc ca đêm của 22 công ty.

Để cùng một lúc lấy số lượng lớn mẫu xét nghiệm cho công nhân, nhiều đơn vị trên địa bàn TPHCM đã cử các đoàn nhân viên y tế để hỗ trợ. Trong đêm 2/6, nhân viên y tế chia thành nhiều tổ để lấy mẫu xét nghiệm ở các công ty trong Khu chế xuất Tân Thuận. Đến sáng 3/6, công tác lấy mẫu xét nghiệm cho hơn 30.000 công nhân đã hoàn thành. Các mẫu dịch tễ sẽ chuyển về đơn vị được cấp phép để xét nghiệm sàng lọc. Trước đó, trong đêm 1/6, HCDC và các Trung tâm Y tế địa phương cũng đã phối hợp tiến hành lấy mẫu xét nghiệm tầm soát COVID-19 cho hơn 25.000 công nhân làm việc tại Khu Công nghệ cao, TP Thủ Đức.

Theo công đoàn các khu chế xuất và khu công nghiệp TPHCM, có khoảng 280.000 công nhân đang làm việc trong các khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao sẽ được lấy mẫu xét nghiệm tầm soát dịch COVID-19. Trước mắt, những công ty có số lượng công nhân lớn sẽ được ưu tiên lấy mẫu trước.

Theo HCDC, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn TPHCM vẫn diễn biến phức tạp. Đặc biệt, sau khi phát hiện một số trường hợp làm việc trong khu công nghiệp mắc COVID-19 khiến hàng trăm người làm cùng phải cách ly, theo dõi. Việc tiến hành lấy mẫu tầm soát cho toàn bộ công nhân làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao là điều cấp thiết để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát âm thầm trong cộng đồng.

Nhiều bệnh viện bị phong tỏa, ngưng nhận bệnh nhân

Ngày 3/6, Sở Y tế TPHCM cho biết, thành phố hiện có 4 bệnh viện, 2 phòng khám đang tạm ngưng khám bệnh ngoại trú vì có người mắc COVID-19 đến khám và 2 bệnh viện bị phong tỏa vì có nhân viên y tế mắc COVID-19. Trong đó, 4 bệnh viện và 2 phòng khám tạm thời ngưng hoạt động khám bệnh ngoại trú do có người bệnh mắc COVID-19 trước đó đến khám bệnh tại Khoa khám bệnh gồm: Bệnh viện quận Bình Thạnh, Bệnh viện Phụ sản Mê Kông, Bệnh viện Tâm Thần (cơ sở Lê Minh Xuân) và Bệnh viện quận Gò Vấp; phòng khám đa khoa Trần Diệp Khanh và phòng khám đa khoa Xóm Mới ở quận Gò Vấp. Hai bệnh viện đang phong tỏa do phát hiện nhân viên của bệnh viện mắc COVID-19 là Bệnh viện quận Tân Phú (2 nhân viên) và Bệnh viện Đa khoa Nam Sài Gòn (1 nhân viên).

Sở Y tế TPHCM yêu cầu các bệnh viện phải chấn chỉnh toàn diện công tác khai báo y tế, khám sàng lọc, cách ly, vận chuyển bệnh nhân đến khu cách ly điều trị. Các bệnh viện phải diễn tập tình huống có ca nghi ngờ, ca mắc COVID-19 đến khám bệnh để tránh tình trạng bị động, dẫn đến bệnh viện, phòng khám phải tạm ngưng hoạt động (Tiền phong, trang 4).

 

Bác sĩ “du-túp-bơ”

Hết giờ làm việc tại bệnh viện, bác sĩ Nguyễn Viết Tân trở về căn nhà nhỏ của mình để nghiên cứu, sản xuất các video cung cấp kiến thức, hướng dẫn bài tập vật lý trị liệu phục vụ cộng đồng. Những video của anh ngắn gọn, gần gũi, giúp ích nhiều trong cuộc sống. Những người yêu mến đặt biệt danh cho anh là bác sĩ “du-túp-bơ”. Trẻ hóa cách tiếp cận

Tốt nghiệp bác sĩ đa khoa năm 2012, có niềm đam mê với y học thể thao, bác sĩ Nguyễn Viết Tân đăng ký học chuyên sâu về chấn thương chỉnh hình và xin đầu quân về bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối của thành phố – Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM.

Suốt 4 năm, chàng bác sĩ trẻ chấp nhận làm việc không lương, theo chân các bác sĩ đàn anh phụ mổ, khám bệnh với quyết tâm trở thành bác sĩ chuyên khoa về chấn thương chỉnh hình. Với nỗ lực không mệt mỏi, năm 2017, bác sĩ Nguyễn Viết Tân chính thức được đứng trong hàng ngũ của Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM và lần lượt “săn” được các khóa đào tạo chuyên sâu ngắn hạn tại Australia, Mỹ. Trở về Việt Nam, hành trang Tân mang theo không chỉ có kiến thức chuyên môn mà còn thêm cả ý tưởng thành lập kênh YouTube cung cấp kiến thức cho người dân.

“Ở nước ngoài, bệnh nhân chấn thương chỉnh hình rất chú trọng đến việc tập vật lý trị liệu sau phẫu thuật. Đây cũng là yếu tố quan trọng quyết định thành công của ca phẫu thuật và đa số đều phục hồi tốt. Trong khi đó, người dân Việt Nam gần như không để ý đến việc này. Thậm chí vì nhiều lý do, họ “quên” luôn cả việc tái khám định kỳ, phó mặc mọi thứ cho số phận”, Tân băn khoăn.

Thế nhưng, công việc của một bác sĩ tại bệnh viện tuyến cuối TPHCM – nơi có số lượng bệnh nhân rất đông – khiến bác sĩ trẻ Nguyễn Viết Tân không có cơ hội hướng dẫn từng người bệnh, thế là anh nảy ra ý tưởng xây dựng kênh YouTube hướng dẫn người dân tự tập tại nhà, cung cấp thêm các kiến thức về bệnh lý cơ xương khớp cho họ. Và thế là Khớp Việt Official ra đời. Sau thời gian mày mò tìm hiểu, những video đầu tiên của Khớp Việt Official được đăng tải. Viết Tân cho biết, anh tìm hiểu rất kỹ các video triệu views (lượt xem) của những tên tuổi lớn trên thế giới trong lĩnh vực y khoa và biến nó thành những kiến thức gần gũi, thông dụng để người dân ai cũng hiểu được, làm theo được.

Để có được những video đầu tiên, bác sĩ trẻ Nguyễn Viết Tân đã phải bỏ ra rất nhiều công sức. Đầu tiên, anh mua sắm một số dụng cụ cần thiết cho việc quay video và các mô hình cơ xương khớp, biến một căn phòng trong nhà thành phim trường thu nhỏ để thực hiện video. “Lần đầu tiên làm video hướng dẫn, chỉ một đoạn quay ngắn mình đã phải làm đi làm lại nhiều lần và mất hàng giờ để hoàn thành. Khi sản phẩm được đăng tải, nhận được nhiều bình luận, mình có thêm động lực để làm tiếp các video khác”, bác sĩ Tân nhớ lại.

Cứ thế, hết giờ làm việc tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM, bác sĩ Viết Tân lại trở về căn nhà nhỏ của mình tích cực sản xuất video phục vụ cộng đồng. May mắn là vợ của anh thấu hiểu ý tưởng của chồng, chị cũng là một trong những “trợ thủ” đắc lực của anh trong quá trình sản xuất các video.

Mong nhiều người tiếp cận kiến thức y khoa

“Xin chào các bạn, hôm nay mình sẽ chia sẻ những sai lầm thường gặp khi bị bong gân, nhiều kinh nghiệm dân gian như bóp dầu, bóp rượu, đắp lá, chườm hột gà… được truyền miệng nhưng lại không có cơ sở khoa học. Những biện pháp này có thể khiến cho phần bị bong gân trở nên sưng tấy hơn và hậu quả là phải nhập viện để điều trị. Và sau đây, mình sẽ chia sẻ một vài cách xử lý đơn giản nhưng vô cùng hiệu quả khi bị bong gân” – Đây là một trong những video có nhiều lượt xem của bác sĩ Nguyễn Viết Tân trên kênh Khớp Việt Official.

Khi chúng tôi hỏi tại sao làm video này, bác sĩ Tân cho biết, công tác tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, anh bắt gặp nhiều trường hợp người dân mắc bệnh cơ xương khớp đã tự bó bằng các loại thuốc nam, thuốc bắc và để lại hậu quả nặng nề, bác sĩ phải xử lý những hậu quả đó. Vì thế, anh quyết định làm video này để người dân có thêm kiến thức, tránh mắc phải sai lầm như nhiều người trước đó và có thể giúp họ tự xử lý ở nhà mà vẫn mang lại hiệu quả.

Đơn giản, dễ hiểu, thông dụng, dễ thực hiện theo là nhận xét của nhiều người về các video trên Khớp Việt Official. Để thu hút người xem, mỗi video được bác sĩ Nguyễn Viết Tân giới hạn trong khoảng 10-15 phút. Bên cạnh đó, Viết Tân chèn thêm các hình ảnh minh họa, video hướng dẫn thực tế để người xem không bị nhàm chán. Dù mới chỉ 6 tháng ngắn ngủi làm video hướng dẫn cộng đồng nhưng bác sĩ trẻ Nguyễn Viết Tân đã được nhiều người chú ý và đặt cho biệt danh bác sĩ “du-túp-bơ”.

Đến nay kênh Khớp Việt Official đã có hơn 40 video chất lượng, có những video đạt hơn 600.000 lượt xem. Nổi bật là video lý giải về hiện tượng ông Võ Hoàng Yên chữa khỏi đau lưng cho ca sĩ T.V. Bằng kiến thức y khoa sâu rộng của mình, bác sĩ Nguyễn Viết Tân đã lý giải cho người dân hiểu về hiện tượng các điểm đau trên cơ thể chính là do các nhóm cơ co cụm lại và nhô lên. Khi được massage nhẹ nhàng, các nhóm cơ này sẽ tự động tản ra chứ không phải là hiện tượng kỳ bí, lạ lùng. Từ video này, nhiều người đã được “khai thông” thêm về kiến thức y khoa và không còn quá mù quáng tin tưởng vào các phương pháp chữa trị chưa được kiểm chứng.

“Mình sản xuất video không phải với mục đích kiếm tiền mà chỉ nhằm cung cấp cho cộng đồng những thông tin, bài tập hữu ích cho họ. Thêm nhiều lượt xem có nghĩa là thêm nhiều người được tiếp cận với các kiến thức y khoa đúng đắn”, bác sĩ Viết Tân bày tỏ.

Nói về ước mơ của mình, bác sĩ Nguyễn Viết Tân cho biết, anh đang nung nấu ý định mời thêm các chuyên gia ở lĩnh vực khác để có thể cung cấp thêm nhiều thông tin thiết thực cho bệnh nhân. Khi được hỏi về lý do không “chạy sô” ở các phòng mổ, phòng mạch ngoài giờ để kiếm tiền, bác sĩ Nguyễn Viết Tân cười hiền: “Mình thấy cuộc sống của mình bây giờ đang rất ổn, rất đầy đủ, không nhất thiết phải kiếm quá nhiều tiền. Là một bác sĩ, mình có thể chỉ khám chữa bệnh cho vài chục người một ngày, nhưng 1 video của mình có thể giúp hàng ngàn người tiếp cận kiến thức y khoa đúng đắn thì đó là điều nên làm. Và niềm vui của mình chỉ nhỏ bé như vậy thôi” (Sài Gòn giải phóng, trang 7).

 

TPHCM: Công chức, viên chức làm việc tại nhà trong đợt cao điểm phòng chống dịch Covid-19

Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm về việc cán bộ, công chức, viên chức, người lao động lây nhiễm dịch bệnh do không chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch Covid-19 tại công sở. Chiều 3-6, Văn phòng UBND TPHCM thông tin về việc thay đổi phương thức làm việc của cơ quan, đơn vị Nhà nước đảm bảo phù hợp trong đợt cao điểm phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TPHCM.

Theo đó, nhằm thực hiện các biện pháp phù hợp trong đợt cao điểm kiểm soát dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TPHCM, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong chỉ đạo Thủ trưởng các sở, ban, ngành TP, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện, phường, xã, thị trấn thay đổi phương thức làm việc của cơ quan, đơn vị đảm bảo phù hợp trong đợt cao điểm phòng, chống dịch trên địa bàn TPHCM.

Cụ thể, các cơ quan, đơn vị Nhà nước thực hiện nghiêm các yêu cầu của UBND TPHCM tại Công văn số 1737/UBND-VX ngày 28-5-2021 và Công văn số 1749/UBND-VX ngày 30-5-2021 về việc triển khai tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TPHCM.

Theo đó, tại trụ sở các cơ quan, đơn vị Nhà nước bố trí không quá 1/2 số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà đối với các nhiệm vụ được phân công.

Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tùy theo điều kiện, tính chất hoạt động của cơ quan, đơn vị bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phù hợp.

Đối với các đơn vị đặc thù trực thuộc UBND TPHCM, sở, ban, ngành và UBND TP Thủ Đức, quận, huyện, Thủ trưởng các đơn vị này, báo cáo nhu cầu bố trí cán bộ, công chức, người lao động công tác tại đơn vị cho Sở Nội vụ TPHCM để tổng hợp, báo cáo UBND TPHCM xem xét, quyết định.

Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm về việc cán bộ, công chức, viên chức, người lao động lây nhiễm dịch bệnh do không chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch Covid-19 tại công sở.

Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm phân công, giao việc cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc tại nhà sử dụng công nghệ thông tin trong cao điểm công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Chịu trách nhiệm quản lý cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thông qua kết quả công việc.

Lưu ý không để công việc bị đình trệ, nhất là các công việc có thời hạn, thời hiệu theo quy định của pháp luật và các dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Kết quả hoàn thành tiến độ và chất lượng công việc được phân công tại nhà là cơ sở quan trọng để đánh giá, phân loại theo hiệu quả công việc đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại quý II-2021 và thời gian tiếp theo đến khi có thông báo mới.

Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc tại nhà có trách nhiệm thường xuyên cập nhật tình hình công việc của cơ quan, đơn vị và báo cáo tiến độ, kết quả công việc cho người đứng đầu trực tiếp thông qua sử dụng công nghệ thông tin. Mở điện thoại di động 24/24 giờ, chấp hành nghiêm túc sự phân công công tác của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, hoàn thành đúng tiến độ được giao. Không di chuyển ra khỏi nhà nếu không thật sự cần thiết và chịu trách nhiệm về việc không chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch Covid-19.

Tạm dừng các đoàn thanh tra, kiểm tra chưa cần thiết; trường hợp cần thiết thanh tra, kiểm tra phải hạn chế số lượng người tham gia; tạm dừng công tác tiếp công dân trực tiếp tại trụ sở cơ quan, đơn vị.

Đối với công tác tiếp nhận, xử lý và trả kết quả hồ sơ thủ tục hành chính các cơ quan, đơn vị tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục trên tinh thần phục vụ yêu cầu của cá nhân, tổ chức; đảm bảo sự công bằng, công khai, minh bạch và tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo quy định.

Theo đó, trường hợp các thủ tục hành chính đã được cơ quan, đơn vị cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, cơ quan, đơn vị đã phối hợp với các đơn vị bưu chính công ích để tiếp nhận và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả hồ sơ thủ tục hành chính theo hình thức trực tuyến, qua dịch vụ bưu chính công ích.

Trường hợp đặc biệt, cấp bách mà cá nhân, tổ chức có yêu cầu nộp trực tiếp, tiếp nhận trực tiếp và khuyến khích trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính thông qua dịch vụ bưu chính.

Văn phòng UBND TPHCM hướng dẫn danh mục thủ tục hành chính đặc biệt, cấp bách được tiếp nhận trực tiếp. Trả kết quả giải quyết đối với những hồ sơ thủ tục hành chính được tiếp nhận trước ngày 3-6-2021, cơ quan, đơn vị chủ động thông tin việc trả kết quả qua dịch vụ bưu chính đến cá nhân, tổ chức để phối hợp thực hiện (trừ trường hợp quy định pháp luật bắt buộc cá nhân, tổ chức phải trực tiếp nhận kết quả).

Khuyến khích các cơ quan, đơn vị chủ động phối hợp với các đơn vị bưu điện và các đơn vị, doanh nghiệp khác trả kết quả không thu phí qua bưu chính (theo hình thức văn thư đi) hoặc các hình thức chuyển trả đảm bảo khác cho cá nhân, tổ chức. Trường hợp cá nhân, tổ chức đến trực tiếp trụ sở để nhận kết quả thì cơ quan, đơn vị vẫn thực hiện trả kết quả.

Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị quán triệt, phổ biến, tuyên truyền mục đích, ý nghĩa việc tổ chức làm việc tại nhà và công khai việc tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính và danh mục thủ tục hành chính đặc biệt, cấp bách được tiếp nhận trực tiếp tại trụ sở cơ quan, đơn vị, trên trang thông tin điện tử, các phần mềm ứng dụng trực tuyến khác (các app) của cơ quan, đơn vị (nếu có).

Đối với các công ty, doanh nghiệp, tập đoàn (bao gồm cả các công ty có vốn đầu tư nước ngoài), Chủ tịch UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện, phường, xã, thị trấn chịu trách nhiệm rà soát, theo dõi, yêu cầu các công ty, doanh nghiệp, tập đoàn, bao gồm cả các công ty có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn quản lý thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19. Khuyến khích hạn chế tối đa hoạt động trực tiếp, chuyển sang hình thức làm việc trực tuyến, chỉ đến trụ sở giải quyết các công việc thật sự cần thiết.

Các trường hợp đặc biệt áp dụng tại quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc, quận 12 thực hiện giãn cách xã hội. Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trực thuộc các sở, ban, ngành TP, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện, UBND các phường, xã, thị trấn khác đang cư trú trên địa bàn quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc, quận 12 thực hiện các nội dung theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ và Công văn số 1749/UBND-VX ngày 30-5-2021 của UBND TPHCM.

Thủ trưởng đơn vị phân công, giao việc và tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được làm việc tại nhà.

Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thực hiện các công việc có tính chất quan trọng, đặc thù không thể làm việc tại nhà: phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 của cơ quan y tế theo quy định và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị xem xét bố trí nơi lưu trú tạm thời phù hợp ngoài địa bàn quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc, quận 12.

Các cơ quan, đơn vị Nhà nước có trụ sở trên địa bàn quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc, quận 12 (bao gồm UBND quận Gò Vấp, UBND các phường trực thuộc UBND quận Gò Vấp và UBND phường Thạnh Lộc, quận 12) bố trí tối đa không quá 1/3 số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, đơn vị làm việc tại trụ sở để giải quyết các công việc theo chức năng, nhiệm vụ (không bao gồm lực lượng phòng, chống dịch bệnh Covid-19 được huy động). Đảm bảo thực hiện nghiêm việc khai báo y tế trên tokhaiyte.vn khi ra vào địa bàn quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc, quận 12 theo quy định.

Đối với số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc lực lượng tham gia phòng, chống dịch Covid-19 các cấp, cán bộ chiến sĩ lực lượng công an, quân sự, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm phân công, bố trí phù hợp với yêu cầu công tác.

UBND TPHCM yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành TP, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện, Chủ tịch UBND các phường, xã, thị trấn khẩn trương, nghiêm túc triển khai thực hiện cho đến khi có thông báo mới của UBND TPHCM (Sài Gòn giải phóng, trang 7). 

 

Tiếp tục hỗ trợ các địa phương ứng phó dịch Covid-19

Ngày 3-6, đồng chí Ðinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, công tác tổ chức kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2021-2022 tại Hà Nội phải có những kịch bản cụ thể bảo đảm an toàn cho thí sinh và tổ chức thành công kỳ thi. Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo xây dựng kịch bản tổng thể và kịch bản cụ thể đối với từng điểm thi; bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, cả bên trong và bên ngoài điểm thi; có phương án xử lý từng tình huống như phát hiện ca dương tính, ca nghi nhiễm với Covid-19, thí sinh có biểu hiện ho, sốt… Phòng thi phải bảo đảm các điều kiện an toàn phòng dịch nhất là thông thoáng, bảo đảm khoảng cách giữa các thí sinh; tổ chức kiểm tra y tế, khử khuẩn, diệt khuẩn trước và sau giờ thi; bố trí phòng thi dự phòng ở mỗi điểm thi và các điểm thi dự phòng, có hội đồng thi dự phòng…

Cùng ngày, tại cuộc họp trực tuyến với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các quận, huyện, thị xã, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng yêu cầu các địa phương, đơn vị cần siết chặt quản lý, không để lây nhiễm chéo trong các khu cách ly tập trung; quản lý chặt người đi từ vùng dịch có diễn biến phức tạp như: Bắc Ninh, Bắc Giang, TP Hồ Chí Minh.

Ðoàn công tác do đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư T.Ư Ðảng, Trưởng Ban Dân vận T.Ư dẫn đầu đến thăm, làm việc, hỗ trợ tỉnh Bắc Ninh trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tại buổi làm việc, đồng chí Bùi Thị Minh Hoài chia sẻ với những khó khăn, vất vả mà Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Ninh thời gian qua; đồng thời đánh giá cao sự vào cuộc, lãnh đạo, chỉ đạo, quyết liệt từ tỉnh đến cơ sở của Bắc Ninh sớm đưa ra các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HÐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026, thực hiện “mục tiêu kép” của Chính phủ…

Nhân dịp này, Trưởng Ban Dân vận T.Ư và đoàn công tác trao tặng lực lượng chống dịch tỉnh Bắc Ninh số tiền mặt và hàng hóa trị giá hơn 3,5 tỷ đồng; Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ủng hộ cán bộ, hội viên, phụ nữ tỉnh Bắc Ninh số quà tặng giá trị hơn 1,7 tỷ đồng; Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tặng lực lượng phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Bắc Ninh số quà trị giá hơn 1,5 tỷ đồng.

Trong ngày, nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trực tiếp đến Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam đóng góp kinh phí cho Quỹ vắc-xin phòng Covid-19; hỗ trợ trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ cho công tác phòng chống dịch Covid-19 tại hai “điểm nóng” Bắc Ninh, Bắc Giang. Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực đã tiếp nhận ủng hộ từ Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (500 triệu đồng); Câu lạc bộ doanh nhân Thanh Hóa tại TP Hồ Chí Minh (500 nghìn khẩu trang bốn lớp trị giá 400 triệu đồng cho tỉnh Bắc Giang; 250 nghìn khẩu trang trị giá 200 triệu đồng cho tỉnh Bắc Ninh); Công ty TNHH dịch vụ và phát triển thương mại Nhật Linh (200 triệu đồng); Công ty Babylons Group (100 triệu đồng); Công ty TNHH điện tử tin học EI (100 triệu đồng); Hội truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh (50 triệu đồng và 10 nghìn khẩu trang). Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Thuận đã tiếp nhận hơn 26,12 tỷ ủng hộ từ các đơn vị, tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Sóc Trăng tiếp nhận hơn sáu tỷ đồng. Bộ Chỉ huy BÐBP tỉnh Tây Ninh vừa trao hơn 1,1 tỷ đồng tiền hỗ trợ cho cán bộ, chiến sĩ thuộc các lực lượng đang làm nhiệm vụ quản lý bảo vệ biên giới và phòng chống dịch Covid- 19, tại 159 điểm chốt dã chiến nằm trên địa bàn năm huyện, thị xã biên giới của Tây Ninh. Ðoàn công tác Petrolimex Nghệ An vừa trao 200 triệu đồng tới Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An; Petrolimex Tuyên Quang tiếp tục ủng hộ lần hai với số tiền 70 triệu đồng để ủng hộ công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh; Petrolimex Hà Nội đã trích từ Quỹ an sinh xã hội số tiền 110 triệu đồng để Chi nhánh xăng dầu Vĩnh Phúc tham gia, ủng hộ công tác phòng chống dịch trên địa bàn tỉnh. Công đoàn Y tế Việt Nam và đại diện các đơn vị, tổ chức đã đến thăm động viên Bộ phận Thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại Bắc Ninh và Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh. Ðoàn đã trao gần 100 nghìn khẩu trang, hai thùng găng tay y tế, 30 máy thở, tiền mặt cho lực lượng cán bộ y tế làm nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn… Ngày 3-6, lãnh đạo tỉnh Phú Thọ tổ chức gặp mặt, động viên, biểu dương 84 cán bộ ngành y tế Phú Thọ lên hỗ trợ tỉnh Bắc Giang phòng, chống dịch. Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh cũng tổ chức lễ xuất quân đợt hai đoàn thầy thuốc tình nguyện hỗ trợ tỉnh Bắc Giang, gồm 20 y, bác sĩ. Trước đó, tỉnh Quảng Ninh đã cử 200 cán bộ, nhân viên y tế của Bệnh viện Việt Nam – Thụy Ðiển Uông Bí lên đường chi viện cho tỉnh Bắc Giang. Ngành y tế tỉnh Lạng Sơn và Trường cao đẳng y tế Lạng Sơn tổ chức lễ ra quân cho hơn 100 tình nguyện viên là các bác sĩ, kỹ thuật viên xét nghiệm, điều dưỡng, y sĩ lên đường hỗ trợ huyện Hữu Lũng phòng, chống dịch Covid-19. Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid – 19, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã hoàn thành lắp đặt hơn 2.400 ca-mê-ra giám sát cho 150 cơ sở cách ly tập trung tại 32 tỉnh, thành phố. VNPT cũng bố trí đội ngũ giám sát, vận hành và hỗ trợ tại từng địa phương, theo các tiêu chuẩn dịch vụ chặt chẽ. Bên cạnh đó, nhằm ứng phó những yêu cầu mới của công tác phòng, chống dịch, VNPT cũng đang đầu tư hệ thống hạ tầng để đáp ứng kết nối 10 nghìn ca-mê-ra giám sát tại các khu cách ly. Trường đại học Sao Ðỏ ở TP Chí Linh (Hải Dương) vừa nghiên cứu, chế tạo, lắp đặt và đưa vào sử dụng trạm khử khuẩn tự động xe cơ giới đường bộ tại ba chốt cấp tỉnh trên quốc lộ 18 và đường cao tốc Hà Nội, Hải Phòng. Trạm khử khuẩn có thể hoạt động suốt 24 giờ trong cả điều kiện thời tiết nắng, mưa. Các loại ô-tô khi đi qua trạm không phải dừng mà vẫn lăn bánh từ từ với vận tốc 5 km/giờ, không gây ùn tắc giao thông.

Bộ Công thương có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo các cơ quan liên quan bổ sung nhóm đối tượng là người lao động tại các hệ thống phân phối bán lẻ hàng hóa thiết yếu, tại các chợ truyền thống… vào nhóm đối tượng do ngân sách nhà nước hỗ trợ được ưu tiên tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có văn bản yêu cầu Chủ tịch HÐQT/HÐTV, Tổng giám đốc/Giám đốc các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD); Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố khẩn trương triển khai các biện pháp tăng cường phòng, chống và tháo gỡ khó khăn do tác động của dịch Covid-19. Riêng đối với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tại các tỉnh, thành phố đang thực hiện cách ly, phong tỏa (Bắc Giang, Bắc Ninh, TP Hồ Chí Minh…) chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn khẩn trương rà soát, phối hợp chính quyền địa phương đánh giá tình hình khó khăn, thiệt hại để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (Nhân dân, trang 8).

 

Bộ Khoa học Công nghệ nghiên cứu 2 phương pháp xét nghiệm COVID-19 mới

Đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, đang tiến hành nghiên cứu, trao đổi với các đơn vị liên quan về 2 phương pháp xét nghiệm COVID-19 mới. Ngày 3.6, trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Trịnh Thanh Hùng – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế – kĩ thuật (Bộ Khoa học và Công nghệ) – cho hay, trong thời gian qua, phía bộ vẫn thường xuyên cập nhật tình hình khoa học công nghệ tại các nước. Trên thực tế, hầu hết phương pháp xét nghiệm vẫn tập trung ở các phương pháp mà Việt Nam đang sử dụng.

“Chúng tôi cũng chủ động trao đổi, tìm kiếm các phương pháp xét nghiệm mới ở cả trong và ngoài nước. Hiện tại, có 2 đơn vị có phương pháp xét nghiệm mới đang trao đổi là sử dụng hơi thở và dùng trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, tính khả thi còn phải xem xét, sẽ mất từ 5 – 6 tháng để kiểm tra” – ông Trịnh Thanh Hùng nói.

Ông Hùng cũng dẫn ra một vài nước có cách thức, phương pháp xét nghiệm mới nhưng chưa phải phổ biến như xét nghiệm hơi thở ở Mỹ hay Singapore chưa được cơ quan chức năng sở tại cấp phép hoặc chỉ cấp phép tạm thời.

Trước đó, ngày 2.6, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 có họp trực tuyến với UBND TP.HCM và hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang về công tác phòng, chống dịch.

Tại cuộc này, Ban Chỉ đạo đã yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn trương thúc đẩy các nhóm nghiên cứu công nghệ kết hợp để thúc đẩy các phương pháp, thiết bị xét nghiệm mới, đang được thử nghiệm, bởi việc lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc tầm soát diện rộng hiện nay vô cùng vất vả và tốn kém (Lao động, trang 7)

 

Cải tiến công nghệ, chế tạo bộ đồ bảo hộ chống dịch COVID-19

Từ đầu dịch COVID-19 tới nay, nhiều nghiên cứu, sáng kiến cho công tác phòng, chống dịch, đặc biệt, nhiều thiết bị chống dịch đã được cải tiến, đảm bảo tốt hơn. Không chỉ ứng dụng khoa học công nghệ trong việc phòng dịch, rà soát dịch bệnh trong cộng đồng… mà những thiết bị phục vụ xét nghiệm nhanh, đồ bảo hộ cho nhân viên y tế và tuyến đầu chống dịch COVID-19 cũng liên tục được cải tiến, phát triển cho phù hợp với tình hình thực tế.

Tìm cách làm mát cho bộ đồ bảo hộ kín mít

Mới đây, câu chuyện nhiều nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ tham gia lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 bị ngất dưới thời tiết nắng nóng trong tâm dịch Bắc Giang, hay tại Quế Võ (Bắc Ninh) cũng đã từng xảy ra tình trạng nhân viên y tế huyện Quế Võ bị ngất khi đang lấy mẫu xét nghiệm cho người dân trên địa bàn khiến nhiều người không khỏi xúc động. Hay những hình ảnh nhân viên y tế, y bác sĩ sau khi mặc bộ đồ bảo hộ kiệt sức, nằm thở sau thời gian dài làm việc trên nền nhà, cầu thang… khiến nhiều người không cầm được lòng trước sự vất vả của những người đang ở tuyến đầu chống dịch.

Và từ đó, sáng kiến tìm cách làm mát bộ đồ bảo hộ cho nhân viên chống dịch đã ngay lập tức được nghiên cứu và đưa vào ứng dụng.

Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường – Bộ Y tế đã đưa ra giải pháp để chống nóng bằng việc thiết kế thêm quạt hút gió và lọc không khí làm mát khi lực lượng phòng dịch phải mặc đồ bảo hộ. Những thiết bị lắp ghép “đính kèm” để làm mát như quạt gió, pin sạc… rất đơn giản và dễ tạo gió cho người mặc bớt nóng nực.

Theo PGS-TS Doãn Ngọc Hải – Viện trưởng Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường – Bộ Y tế – đơn vị đã chế tạo ra thiết bị cấp khí sạch, làm mát để trang bị cho những người phải mang các bộ bảo hộ đặc biệt, trong môi trường khắc nghiệt do nhiệt độ cao. Thiết bị này có quạt đeo cá nhân, giúp đưa không khí bên ngoài vào phía trong bộ bảo hộ. Không khí này đã được lọc sạch qua hệ thống màng đặc biệt và cân bằng nhiệt độ, đảm bảo an toàn phòng, chống lây nhiễm.

“Hiện tại viện mới chỉ có một số lượng nhỏ sản xuất thử nghiệm. Chúng tôi là viện nghiên cứu nên không có kinh phí sản xuất và mong muốn có đơn vị hợp tác, tài trợ cho sản xuất, hoặc tiếp nhận chuyển giao để có thể sản xuất số lượng đủ lớn, tăng cường cho vùng dịch”- ông Hải chia sẻ.

Đây cũng không phải lần đầu tiên, những thiết bị bảo hộ, thiết bị phục vụ phòng, chống dịch đã được cải tiến để phục vụ cho lực lượng phục vụ chống dịch.

Trước đó, việc cải tiến bộ áo quần bảo hộ của TS Trương Thanh Tùng – Giảng viên trẻ (31 tuổi, từ Mỹ trở về công tác tại Viện Nghiên cứu tiên tiến Phenikaa (PIAS), Trường Đại học Phenikaa (Hà Nội) đã được đưa vào ứng dụng. Bộ đồ bảo hộ được may thêm 2 túi chứa nước và ống dẫn vào mặt trong của bộ quần áo bảo hộ với dây truyền nước có van một chiều để hút nước lên miệng. Đặc biệt, bộ đồ bảo hộ có viền caosu ôm lấy cơ thể và 3 đến 5 lớp vải bảo hộ. Sau mỗi lần đi vệ sinh, một lớp váy sẽ được bóc ra. Việc cải tiến bộ đồ bảo hộ này giúp các nhân viên y tế giảm đi khổ cực khi phải mặc đồ bảo hộ “trùm kín người”…

Hay từ chiếc mũ cách ly kín mít những người có nguy cơ cao hay phải đeo, một nhóm 3 học sinh Đỗ Trọng Minh Đức; Trần Nguyễn Khánh An; Nguyễn Hoàng Phúc đã cải tiến ra chiếc “Mũ cách ly di động”. Đây là chiếc mũ bảo hộ che kín đường hô hấp, được bơm không khí liên tục qua một màng lọc virus, làm cho virus không thể lây xuyên qua mũ bảo hộ trong khi đội.

Cần sự chung tay để đẩy lùi dịch bệnh

PGS-TS Doãn Ngọc Hải cho hay: Đối với các nhân viên y tế và lực lượng tuyến đầu chống dịch, khi ở những vùng nguy cơ cao hay tiếp xúc với người mắc COVID-19 thì phải đeo khẩu trang, đeo đồ bảo hộ, kính chống giọt bắn để bị lây nhiễm…

Ông Hải cũng cho biết, Viện đang nghiên cứu về các kiốt cho đội ngũ cán bộ y tế làm việc để giải quyết vấn đề làm mát cho nhân viên y tế và hạn chế phải mặc đồ bảo hộ, có thể đưa tay ra bên ngoài làm việc, không bị ảnh hưởng phía bên trong cũng đang được thiết kế.

Cùng trao đổi về việc này, PGS-TS Bùi Thị An – Uỷ viên Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khoá XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng nhìn nhận, trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, chúng ta đã thấy được những nỗ lực, những sáng kiến về các giải pháp công nghệ giúp đẩy lùi dịch bệnh.

“Có thể thấy đây chính là sự chung sức, đồng lòng, trách nhiệm của các đơn vị cùng tham gia đẩy lùi dịch bệnh – PGS-TS Bùi Thị An nói (Lao động, trang 7).

Bùi Anh Đức tổng hợp

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 08/12/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 01/3/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 07/1/2019

CDC Hà Nam

Để lại bình luận