Điểm báo ngày 05/4/2022

(CDC Hà Nam)
Cấp hộ chiếu vắc xin điện tử toàn quốc từ ngày 15/4; Hộ chiếu vắc xin Covid-19 của Việt Nam được 17 quốc gia công nhận; Gia tăng sỏi mật, nguy hiểm giấu mặt; TP.HCM tìm giải pháp giữ chân nhân viên y tế

Cấp hộ chiếu vắc xin điện tử toàn quốc từ ngày 15/4

Bộ Y tế đề nghị các cơ sở tiêm chủng trên cả nước chuẩn bị các điều kiện cần thiết, triển khai ký số chứng nhận tiêm chủng COVID-19 để có thể tiến hành cấp hộ chiếu vắc xin cho người dân từ ngày 15/4.

Thông tin trên được đưa ra tại hội nghị trực tuyến hướng dẫn triển khai cấp hộ chiếu vắc xin và quán triệt việc bổ sung, xác thực thông tin tiêm chủng COVID-19 do Bộ Y tế tổ chức. Đại diện Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) cho biết đến nay, công tác chuẩn bị triển khai cấp hộ chiếu vắc xin cơ bản đã hoàn thành.

Người dân đã tiêm chủng, khai báo chính xác thông tin và đã được các cơ sở tiêm chủng nhập dữ liệu lên hệ thống tiêm chủng, xác thực đúng thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ được cấp hộ chiếu vắc xin mà không phải thực hiện thủ tục gì thêm. Hộ chiếu vắc xin sẽ được hiển thị trên ứng dụng Sổ Sức khỏe điện tử, PC-COVID hoặc tra cứu trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, đến thời điểm hiện tại, tỉ lệ bao phủ vắc xin COVID-19 tại Việt Nam đạt mức rất cao trong khu vực và quốc tế. Việt Nam hiện là 1 trong 6 nước có tỉ lệ bao phủ tiêm vắc xin cao nhất trên thế giới.

Thống kê trên Cổng thông tin tiêm chủng vắc xin COVID-19, đến nay cả nước đã tiêm hơn 206 triệu liều vắc xin. Tỉ lệ bao phủ vắc xin cho người từ 18 tuổi trở lên mũi 1 là gần 100%, mũi 2 là 99%, và tỉ lệ người đã tiêm mũi 3 đạt khoảng 50%. Đối với người từ 12 đến 17 tuổi, tỉ lệ mũi 1 là 99% và mũi 2 là 94%. Bộ Y tế và các địa phương cũng đang chuẩn bị để tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ từ 5 – dưới 12 tuổi trong đầu tháng 4.

Theo số liệu của Bộ Công an, tính đến ngày 30/3, Nền tảng Quản lý tiêm chủng COVID-19 đã gửi sang Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư 154 triệu mũi tiêm, còn hơn 41 triệu mũi chưa gửi (bao gồm các mũi tiêm chưa nhập và các mũi tiêm đã nhập nhưng thiếu thông tin cơ bản không thể gửi). Trong số 154 triệu mũi tiêm gửi sang đã xác thực đúng thông tin được hơn 112 triệu mũi tiêm, còn lại hơn 41 triệu mũi tiêm sai thông tin.

Trước băn khoăn của nhiều điểm cầu về việc hơn 41 triệu mũi tiêm sai thông tin, Đại tá Phùng Đức Thắng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) cho biết: “Giải pháp được đề ra để làm sạch dữ liệu, bổ sung mũi tiêm cũ là cơ sở tiêm chủng địa phương phải có trách nhiệm phối hợp với cơ quan công an bổ sung, xác minh, xác thực cũng như nhập dữ liệu lên hệ thống.

Về phía Bộ Y tế, Thứ trưởng Thuấn cho hay, Bộ Y tế đã có nhiều văn bản đôn đốc, chỉ đạo xử lý các vấn đề nêu trên nhưng kết quả thực hiện, xử lý chưa được cao và hoàn thành đúng tiến độ”.

Ông Đỗ Trường Duy, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin cho hay qua thực tế kiểm tra tại một số tỉnh còn một số cơ sở tiêm chủng chưa nắm được đầy đủ các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ Y tế trong quá trình triển khai Nền tảng Quản lý tiêm chủng COVID-19; công tác phối hợp giữa ngành y tế và công an địa phương ở một số nơi cũng chưa được chủ động, nhịp nhàng.

Chưa được cấp hộ chiếu vắc xin vì khai sai phải làm gì?

Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu y tế, Cục Công nghệ thông tin, ông Nguyễn Bá Hùng thông tin, hộ chiếu vắc xin phải kết hợp với giấy tờ định danh khác như chứng minh thư/căn cước công dân hay hộ chiếu để giúp định danh người sở hữu.

“Từ ngày 8/4, cơ sở tiêm chủng sẽ thực hiện chữ ký đối với các dữ liệu mũi tiêm đã có. Sau khi ký kết các dữ liệu cũ, cơ sở tiêm chủng nhập dữ liệu lên hệ thống và thực hiện ký số chứng nhận ngay trong ngày”, ông Hùng nói, đồng thời cho hay, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) sẽ thực hiện ký số tập trung trên hệ thống cấp chứng nhận về vắc xin COVID-19 điện tử vào cuối ngày.

Để được cấp hộ chiếu vắc xin, ông Hùng khuyến cáo người dân đã tiêm chủng và đã được Cơ sở tiêm chủng nhập dữ liệu lên hệ thống thì thông tin phải chính xác, được xác thực đúng với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Những trường hợp sai/thiếu thông tin tiêm chủng, người dân sẽ không được cấp hộ chiếu vắc xin. Người dân cần liên hệ với cơ sở tiêm chủng để bổ sung, cập nhật hoặc có thể phản ánh trên Cổng thông tin tiêm chủng tại địa chỉ https://tiemchungCOVID19.gov.vn. “Đối với những người vẫn chưa được cấp hộ chiếu vắc xin do thiếu hoặc sai thông tin, cần liên hệ với cơ sở tiêm chủng để được bổ sung, cập nhật”, ông Đỗ Trường Duy nhấn mạnh.

Theo Bộ Y tế, các cơ sở tiêm chủng trên cả nước đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết, triển khai ký số chứng nhận tiêm chủng COVID-19 bắt đầu từ ngày 8/4 để Bộ Y tế tiến hành cấp hộ chiếu vắc xin cho người dân dự kiến bắt đầu từ ngày 15/4 (Tiền phong, trang 10; Lao động, trang 2; Sài Gòn giải phóng, trang 7).

 

Hộ chiếu vắc xin Covid-19 của Việt Nam được 17 quốc gia công nhận

Trả lời Thanh Niên chiều 4.4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, từ sau khi Bộ Y tế ban hành mẫu hộ chiếu vắc xin Covid-19 của VN cuối năm 2021, Bộ Ngoại giao đã giới thiệu mẫu giấy tờ này với các cơ quan đại diện nước ngoài tại VN.

Các cơ quan này đã tích cực vận động nước sở tại chính thức công nhận hộ chiếu vắc xin của VN. Tới nay, VN đã công nhận hộ chiếu vắc xin Covid-19 lẫn nhau với 17 quốc gia, gồm: Mỹ, Anh và Bắc Ireland, Nhật Bản, Úc, Belarus, Ấn Độ, Philippines, Maldives, Palestine, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Sri Lanka, New Zealand, Singapore, Saint Lucia, Hàn Quốc và Campuchia.

Người mang hộ chiếu vắc xin của các nước nói trên vào VN sẽ được áp dụng các biện pháp y tế trong phòng, chống dịch Covid-19 như người đã tiêm vắc xin tại VN. Ngược lại, người VN mang hộ chiếu vắc xin tới 17 quốc gia nói trên cũng sẽ được áp dụng các biện pháp y tế như đối với người VN. Đại diện Bộ Ngoại giao cũng cho biết, việc công nhận này bao gồm việc miễn thủ tục chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự khi sử dụng giấy tờ này tại nước tiếp nhận.

Hộ chiếu vắc xin Covid-19 được công nhận lẫn nhau giữa VN và các quốc gia nói trên được hiểu là giấy chứng nhận tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 hoặc/và giấy xác nhận đã khỏi bệnh Covid-19. Hộ chiếu vắc xin Covid-19 được sử dụng để chứng minh lịch sử tiêm chủng, khỏi bệnh của cá nhân, không thay thế cho các giấy tờ có giá trị xuất, nhập cảnh khác như hộ chiếu, thị thực, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế, giấy thông hành, thẻ tạm trú, thẻ thường trú, giấy miễn thị thực… Hộ chiếu vắc xin Covid-19 nước ngoài được coi là hợp lệ và được sử dụng trực tiếp trên lãnh thổ VN nếu được công nhận chính thức hoặc tạm thời bởi Chính phủ VN.

Cũng theo bà Hằng, đến nay, VN vẫn đang tạm thời công nhận mẫu giấy chứng nhận tiêm vắc xin của 79 quốc gia, vùng lãnh thổ đã được giới thiệu chính thức đến Bộ Ngoại giao VN (bao gồm 17 quốc gia đã đàm phán công nhận hộ chiếu vắc xin lẫn nhau – PV). Theo danh sách được cập nhật trên cổng thông tin Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, các quốc gia, vùng lãnh thổ đang được VN công nhận tạm thời giấy chứng nhận tiêm vắc xin có Nga, Trung Quốc, Đài Loan, Đức, Bỉ, Tây Ban Nha, Đan Mạch, Ý, Úc, Thái Lan, Indonesia…

Công dân của 79 quốc gia, vùng lãnh thổ đã được công nhận mẫu giấy chứng nhận tiêm vắc xin Covid-19 nói trên khi tới VN cũng sẽ được áp dụng các biện pháp y tế như đối với người VN.

Tuy nhiên, theo hướng dẫn phòng, chống dịch đối với người nhập cảnh vào VN do Bộ Y tế ban hành ngày 15.3, người nhập cảnh về VN theo đường hàng không không cần phải có xác nhận đã tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 mà chỉ cần có chứng nhận xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. Cụ thể, theo hướng dẫn của Bộ Y tế, người nhập cảnh chỉ cần có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (trừ trường hợp trẻ em dưới 2 tuổi) trước khi xuất cảnh trong vòng 72 giờ nếu sử dụng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP hoặc trong vòng 24 giờ nếu sử dụng phương pháp xét nghiệm nhanh kháng nguyên với SARS-CoV-2; và được cơ quan có thẩm quyền của nước thực hiện xét nghiệm cấp chứng nhận. Trường hợp nào không có giấy chứng nhận thì có thể tiến hành xét nghiệm ngay tại sân bay.

Trên thực tế, hiện tại, ở một số quốc gia, giấy chứng nhận tiêm vắc xin Covid-19 cũng không phải là yêu cầu bắt buộc khi người nước ngoài nhập cảnh. Tuy nhiên, một số cơ sở kinh doanh, dịch vụ như nhà hàng, khách sạn, có thể yêu cầu giấy chứng nhận tiêm vắc xin đối với khách hàng. Theo bà Hằng, yêu cầu đối với hộ chiếu vắc xin ở các quốc gia có thể thay đổi tùy vào tình hình dịch bệnh ở các nước sở tại vào các thời điểm khác nhau. Do đó, hiện tại, các cơ quan chức năng của Bộ Ngoại giao vẫn đang tích cực đàm phán để các nước chính thức công nhận hộ chiếu vắc xin Covid-19 của VN (Thanh niên, trang 2).

TPHCM: Ứng phó tai biến khi tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ nhỏ

Ngày 4/4, UBND TPHCM đã ban hành kế hoạch tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi trên địa bàn. Thành phố yêu cầu các đơn vị có liên quan phải sẵn sàng phương án ứng phó với những rủi ro tai biến có thể xảy ra trong và sau quá trình tiêm chủng để đảm bảo an toàn cho trẻ.

Theo đó, tất cả trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi sinh sống, học tập trên địa bàn thành phố sẽ bước vào chiến dịch tiêm chủng ngay sau khi được Bộ Y tế cung ứng vắc xin. Dự kiến, số lượng trẻ cần tiêm là 898.537 trẻ, trong đó có 885.730 trẻ đi học và 12.807 trẻ đang nuôi dưỡng ở cơ sở bảo trợ xã hội và trẻ chưa đi học.

Những trẻ đi học sẽ tiêm tại trường học hoặc tại điểm tiêm được cơ sở giáo dục và y tế địa phương phối hợp quyết định, đảm bảo an toàn tiêm chủng và phòng, chống dịch bệnh. Những trẻ không đi học sẽ tiêm tại điểm tiêm chủng cố định hoặc lưu động trên địa bàn do các địa phương quyết định.

Nhóm trẻ đang điều trị nội trú tại các bệnh viện sẽ được tiêm ngay tại bệnh viện (kể cả trẻ có địa chỉ cư trú tại tỉnh, thành khác). Dự kiến, chiến dịch tiêm cho trẻ sẽ bắt đầu vào giữa tháng 4/2022 và phấn đấu hoàn thành trước tháng 9/2022. Thành phố yêu cầu các đơn vị liên quan hoàn tất việc lập danh sách, tổ chức nhập liệu trước khi bắt đầu tiêm cho trẻ. Phụ huynh và người giám hộ của trẻ sẽ được cung cấp thông tin về tác dụng, lợi ích của việc sử dụng vắc xin và giải thích những phản ứng có thể gặp sau tiêm chủng.

Để đảm bảo an toàn cho trẻ, UBND TPHCM yêu cầu Trung tâm Cấp cứu 115 là đầu mối chịu trách nhiệm phối hợp với các bệnh viện trên địa bàn đảm bảo công tác cấp cứu tại các điểm tiêm. Theo đó, xe cấp cứu với đầy đủ phương tiện, trang thiết bị cấp cứu, thuốc cấp cứu phải túc trực thường xuyên, đảm bảo việc cấp cứu tại chỗ và vận chuyển bệnh nhân đến bệnh viện gần nhất. Trường hợp có sự cố bất lợi sau tiêm xe cấp cứu phải tiếp cận trong vòng 3 đến 5 phút sau khi nhận được thông báo.

Ngoài ra, tại tất cả các điểm tiêm chủng chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ hộp thuốc cấp cứu phản vệ và trang thiết bị cấp cứu phù hợp. Xây dựng phương án, quy trình phối hợp giữa điểm tiêm và cơ sở khám chữa bệnh gần nhất để đảm bảo xử trí cấp cứu cho các trường hợp sự cố sau tiêm trong buổi tiêm chủng cần nhập viện.

Bên cạnh đó, thành phố yêu cầu các đơn vị liên quan, giám sát xử trí sự cố bất lợi sau tiêm chủng cho trẻ để chủ động phát hiện và xử trí kịp thời cho trẻ, đặc biệt là trường hợp tai biến nặng (Tiền phong, trang 14; Sài Gòn giải phóng, trang 7).

 

Gia tăng sỏi mật, nguy hiểm giấu mặt

Sỏi mật là căn bệnh phổ biến hiện nay và có chiều hướng gia tăng tại nước ta. Căn nguyên gây ra bệnh sỏi túi mật chủ yếu do ảnh hưởng của lối sống và chế độ ăn uống mất cân đối. Đáng lo ngại, hiện nay, nhiều người vẫn chủ quan khi có tới 80% bệnh nhân bị sỏi mật có biến chứng, mới đi khám bệnh.

Liên quan đến lối sống

Khoa Phẫu thuật gan, mật (Bệnh viện Việt Đức) thường xuyên tiếp nhận nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng khá muộn với lượng sỏi được hình thành trong cơ thể lên tới hàng chục, thậm chí cả trăm viên. Trao đổi với phóng viên, bệnh nhân T.N.H. (62 tuổi, ở Kim Sơn, Ninh Bình) cho biết: “Trước đây, tôi thỉnh thoảng bị đau quặn bụng vào ban đêm và nôn ói, nhưng cứ nghĩ là do ăn uống và dạ dày. Gần đây, cơn đau xảy ra nhiều hơn và chủ yếu ở hạ sườn phải. Sau khi tới bệnh viện khám, được các bác siêu âm, chẩn đoán bị viêm túi mật do sỏi và được chỉ định phẫu thuật nội soi, cắt bỏ túi mật. Sau phẫu thuật, các bác sĩ đã lấy ra được hơn 50 viên sỏi và hiện nay sức khỏe đã ổn hơn nhiều”.

Theo TS Đỗ Tuấn Anh, Trưởng khoa Phẫu thuật gan, mật (Bệnh viện Việt Đức), mỗi năm khoa khám cho khoảng 3.000 người mắc các bệnh lý về gan, mật và thực hiện gần 1.600 ca phẫu thuật, trong đó có tới hơn 1.000 ca liên quan đến bệnh lý sỏi mật. “Tỷ lệ người dân mắc sỏi mật rất cao, 90% các bệnh lý về sỏi đường mật trong và ngoài gan có liên quan bệnh lý về tụy và gan. Các ca bệnh đến khám tại bệnh viện liên quan tới bệnh lý này hầu hết đều ở giai đoạn muộn”, TS Đỗ Tuấn Anh chia sẻ và cảnh báo về tình trạng nhiều người chủ quan với bệnh sỏi mật. Đa số người tới khi phát hiện triệu chứng của bệnh, tức là có biến chứng rồi mới tới cơ sở y tế.

Trong khi đó, qua khảo sát, hiện nay, số người mắc sỏi mật ở nước ta đang có chiều hướng gia tăng. Trong đó, người dân ở nông thôn mắc sỏi mật phần lớn do nhiễm ký sinh trùng từ tập quán trồng hoa màu dùng phân sống để tưới. Hoặc trẻ ở nông thôn, do vệ sinh không bảo đảm nên nhiễm giun chui lên đường mật gây nhiễm trùng, tạo thành sỏi trong mật. Tuy nhiên, nguy cơ sỏi mật do ký sinh trùng càng ngày càng ít, do người dân đã biết tẩy giun định kỳ, ăn chín uống sôi. Trong khi đó, sỏi mật do cholesterol lại thường gặp hơn, tập trung nhiều ở khu vực thành thị, do chế độ ăn nhiều chất béo, lối sống hạn chế vận động dẫn tới tích sỏi cholesterol ở trong mật. Ngoài ra, nếu trước đây bệnh sỏi mật hay gặp ở tuổi trung niên thì nay đang có xu hướng gặp ở người trẻ, người béo phì do liên quan đến rối loạn chuyển hóa lipid và đái tháo đường.

Nhiều biến chứng

Theo các bác sĩ, có 2 loại sỏi mật là sỏi cholesterol và sỏi sắc tố mật. Khoảng 80% sỏi mật chủ yếu là do lượng cholesterol ở trong dịch mật gia tăng quá mức, vượt quá khả năng hòa tan của muối mật; 20% còn lại có thể gặp sỏi sắc tố mật liên quan đến nồng độ cao bất thường của sắc tố mật bilirubin. Mặc dù căn bệnh này không quá nguy hiểm nhưng lại diễn biến thầm lặng và nếu không được phát hiện, điều trị sớm thì không chỉ gây đau đớn, khó chịu cho bệnh nhân mà còn gây nhiều biến chứng nguy hiểm.

TS Đỗ Tuấn Anh cho biết, đối với người bị sỏi mật, nếu không được điều trị sớm có thể dẫn tới biến chứng viêm túi mật gây đau đớn và sốt cao. Bên cạnh đó có thể bị tắc nghẽn ống tụy do các viên sỏi mật chèn ép, lâu dần có thể gây viêm tụy. Biến chứng này gây đau bụng dữ dội và cần phải nhập viện để xử lý. Nguy hiểm hơn, bệnh nhân bị sỏi mật có nguy cơ mắc ung thư túi mật cao hơn người bình thường.

Mặc dù vậy, nhưng theo các bác sĩ, bệnh sỏi mật phát hiện khá đơn giản qua siêu âm và làm một số xét nghiệm cận lâm sàng. Nếu người dân thấy đau bụng, đặc biệt đau vùng gan, sốt, trong cơn sốt có rét run, có dấu hiệu vàng da… cần phải đến cơ sở y tế thăm khám. Nếu người dân chủ quan, không khám định kỳ khi có sỏi thì rất dễ gặp nhiều biến chứng nguy hiểm. Hiện nay, phương pháp thông thường nhất xử lý sỏi mật là phẫu thuật.

Còn phương pháp tán sỏi qua da chỉ áp dụng với trường hợp bị sỏi túi mật vì sỏi túi mật thường cứng nên khi dùng xung sóng tán dễ vỡ hơn. Trong khi đó, với sỏi đường mật, tán sỏi ngoài cơ thể rất khó do cấu tạo đường mật hẹp, gấp khúc nên khó thành công. Hơn nữa, với sỏi đường mật, khi tán ngoài cơ thể thì khả năng cao gây tổn thương nhu mô gan, tụ máu, chảy máu đường mật, chảy máu trong gan do dùng xung sóng. Do đó, phương pháp chính là phẫu thuật, hoặc làm thủ thuật lấy sỏi qua nội soi ngược dòng.

Để phòng ngừa bệnh sỏi mật, các bác sĩ khuyến cáo người dân cần có chế độ ăn uống lành mạnh, ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ; ăn uống điều độ, đúng giờ và tuyệt đối không nên bỏ bữa hoặc nhịn ăn thường xuyên vì có thể làm tăng nguy cơ mắc sỏi mật. Cùng với đó, cần duy trì cân nặng ổn định và thường xuyên vận động, rèn luyện thể chất để bảo vệ sức khỏe của bản thân (Sài Gòn giải phóng, trang 4).

 

TP.HCM tìm giải pháp giữ chân nhân viên y tế

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM chiều 4-4, bà Lê Thiện Quỳnh Như – phó chánh văn phòng Sở Y tế – cho biết trong tuần qua sở có nhận được phản ánh về sự việc nhiều nhân viên y tế của Bệnh viện TP Thủ Đức xin nghỉ việc vì mức lương giảm 50%.

Theo bà Như, hằng năm các cơ sở y tế công lập đều có tình trạng nhân viên y tế xin nghỉ việc, với rất nhiều lý do khác nhau. Có người nghỉ do nhà xa, môi trường làm việc không phù hợp, trong đó có nguyên nhân thu nhập chưa như mong đợi.

“Qua đợt dịch thì thu nhập của y bác sĩ các bệnh viện, cơ sở y tế cũng sụt giảm, việc nhân viên y tế nghỉ việc là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, ngành y tế cũng đang tập trung tham mưu các chính sách để hỗ trợ cho nhân viên y tế, đặc biệt là tuyến cơ sở”, bà Như chia sẻ.

Phó chánh văn phòng Sở Y tế thông tin thêm, trong 3 tháng đầu năm 2022, toàn ngành có 400 nhân viên y tế xin nghỉ việc. Trong tuần này HĐND TP sẽ họp và thông qua một số chính sách hỗ trợ cho nhân viên y tế (Tuổi trẻ, trang 4).

Ngọc Nga

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 18/5/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 01/3/2022

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 4/4/2019

CDC Hà Nam