Điểm báo ngày 06/10/2020

(CDC Hà Nam)
Xúc phạm danh dự người sinh con một bề bị phạt 500.000 đồng; Hiệu quả từ mô hình quản lý an toàn thực phẩm; Xây dựng xã hội an toàn phòng, chống dịch; Xóa khoảng cách chất lượng y tế…

 

Kiểm soát an toàn thực phẩm trong trường học

Bên cạnh việc nâng cao chất lượng dạy và học, thì công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) tại các bếp ăn bán trú trong các trường học trên địa bàn TP Hà Nội hiện đang được các trường học, cơ quan chuyên môn, và chính các bậc cha mẹ học sinh thường xuyên kiểm tra, giám sát để giảm nguy cơ ngộ độc thực phẩm.

Chúng tôi có mặt tại Trường tiểu học Tràng An (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), khi các nhân viên nhà bếp đang chế biến và chuẩn bị các suất ăn bữa trưa cho học sinh. Điều cảm nhận đầu tiên là khu bếp có không gian thoáng, mát và được thiết kế theo quy trình một chiều với đầy đủ trang thiết bị như hệ thống tủ đông lạnh bảo quản thực phẩm, tủ lưu mẫu thức ăn, bồn sục ô-dôn, bồn rửa, trang thiết bị phục vụ chế biến, đựng thức ăn… đều được làm bằng i-nốc. Đáng chú ý, nhà trường còn lắp đặt ca-mê-ra tại khu bếp để kiểm tra, giám sát toàn bộ quá trình chế biến thực phẩm và chia khẩu phần ăn cho từng học sinh. Cô giáo Trần Thị Bích Liên, Hiệu trưởng Trường tiểu học Tràng An cho biết: Hiện Nhà trường có 31 lớp, với tổng số 1.091 học sinh, trong đó có 1.089 học sinh ăn bán trú, cho nên công tác bảo đảm ATTP luôn được nhà trường đặt lên hàng đầu. Mặc dù Nhà trường đã ký hợp đồng với các cơ sở chuyên cung cấp thực phẩm có đầy đủ năng lực, cơ sở pháp lý được các cơ quan chức năng xác nhận, cấp phép theo quy định của pháp luật; nhưng Ban Giám hiệu vẫn thường xuyên kiểm tra định kỳ, đột xuất tại bếp ăn và các bữa ăn của học sinh. Đồng thời, công khai thực đơn, khẩu phần ăn của học sinh hằng ngày trên trang thông tin điện tử của Nhà trường để phụ huynh biết và giám sát. Hiện nay, để phòng, chống dịch Covid-19 tránh tập trung học sinh đông, Nhà trường đã đầu tư các xe đẩy cơm đến các lớp, trong đó có khay chứa thức ăn mặn, cơm, canh được bảo quản sạch sẽ, bảo đảm cho học sinh ăn uống tại lớp, cũng như thuận tiện trong việc quản lý, chia suất ăn cho học sinh… Tương tự tại Trường mầm non 10-10 (quận Hoàng Mai, Hà Nội), với 540 học sinh ăn bán trú, bên cạnh việc thực hiện nghiêm các quy định bảo đảm các điều kiện về ATTP trong trường học, Ban Giám hiệu, đại diện các bậc phụ huynh thường xuyên kiểm tra, theo dõi sát tất cả các công đoạn chế biến, bảo quản thực phẩm. Lên thực đơn mỗi bữa trong tuần nhằm bảo đảm cân đối, đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho trẻ, nhất là việc kết hợp nhiều loại thực phẩm, nhiều loại rau củ quả để tăng phần hấp dẫn cho mỗi bữa ăn của học sinh.

Với hai phân hiệu, nên Trường tiểu học Trần Phú (quận Hà Đông) không bố trí được bếp ăn bán trú trong trường, cho nên toàn bộ gần 1.700 suất ăn bán trú của học sinh hằng ngày thuộc hai phân hiệu đều được đơn vị cung cấp suất ăn chế biến từ bên ngoài rồi vận chuyển vào trường. Cô giáo Ngô Thị Hồng Lương, Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Phú cho biết: Do điều kiện cơ sở vật chất không cho phép, cho nên khi ký hợp đồng với đơn vị cung cấp suất ăn sẵn, Nhà trường đã yêu cầu đơn vị này thực hiện nghiêm các quy định về nguyên liệu, quy trình chế biến phải thuê mặt bằng gần trường chế biến các suất ăn, nhằm rút ngắn thời gian vận chuyển các suất ăn cho học sinh và thuận tiện cho công tác giám sát của Nhà trường, hội phụ huynh, trong khâu nhập nguyên liệu, quy trình chế biến, vận chuyển vào bất cứ thời điểm nào… Tuy nhiên, điều lo lắng nhất là vẫn còn không ít cha mẹ học sinh do điều kiện công việc thường phải đi làm sớm, thường mua thức ăn sáng tại các quán ven đường cho con mang vào trường, nguy cơ ngộ độc thực phẩm là rất lớn, Nhà trường rất khó kiểm soát được vấn đề này.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho biết, các trường học trên địa bàn TP Hà Nội có tổ chức ăn bán trú phải tiến hành rà soát hồ sơ năng lực của các đơn vị cung cấp thực phẩm, cung cấp suất ăn theo quy định của pháp luật; tăng cường kiểm soát nguồn thực phẩm chế biến bữa ăn học đường cho các em học sinh bảo đảm nguồn gốc, chất lượng và giàu chất dinh dưỡng. Thực hiện tốt việc lưu mẫu thức ăn, sổ kiểm thực ba bước theo quy định, việc làm này sẽ giúp truy xuất được nguồn thực phẩm khi cần thiết. Nhà trường phối hợp hội cha mẹ học sinh, ban giám sát ATTP, công đoàn, cán bộ y tế học đường… thường xuyên kiểm tra, giám sát thường xuyên, đột xuất nguồn gốc thực phẩm, khâu vệ sinh, chất lượng bữa ăn cho học sinh tại bếp ăn bán trú nhằm hạn chế tình trạng thực phẩm không bảo đảm vệ sinh, an toàn.

Hiệu trưởng Trường THCS Dương Nội (quận Hà Đông) Trần Thị Kim Oanh đề nghị chính quyền địa phương, ngành y tế tiếp tục hỗ trợ các trường đóng trên địa bàn kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các bếp ăn bán trú; tập huấn kiến thức về ATTP cho đội ngũ giáo viên; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên nhà trường, học sinh và cha mẹ học sinh về việc bảo đảm ATTP, phòng, chống ngộ độc thực phẩm. Chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng, nhất là ngành y tế, tăng cường hỗ trợ nhà trường trong kiểm soát nguồn gốc thực phẩm và các khâu, quy trình chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm trong các cơ sở giáo dục theo quy định; đồng thời xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm trong lĩnh vực ATTP theo quy định và thông báo kịp thời cho nhà trường và người dân được biết. (Nhân dân, trang 5).

 

Xây dựng xã hội an toàn phòng, chống dịch

Cho đến nay, nước ta đã kiểm soát được làn sóng dịch Covid-19 lần thứ hai. Tại Hà Nội, đã hơn 50 ngày nay, thành phố không ghi nhận ca mắc mới ngoài cộng đồng. Đây là thông tin rất phấn khởi, bởi những ngày tới thành phố tập trung tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 1010 năm Thăng Long – Hà Nội, 66 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, chào mừng Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ 17.

Tuy nhiên, đây cũng là lúc nhiều người có tâm lý chủ quan, lơi lỏng trong công tác phòng, chống dịch. Tình trạng một số người dân không đeo khẩu trang khi tham gia giao thông hoặc khi đi tập thể dục tại công viên, vườn hoa còn khá phổ biến. Tại các quán bar, vũ trường, nhà hàng ka-ra-ô-kê, mặc dù các quận tổ chức nhiều đoàn kiểm tra liên ngành, nhắc nhở các cơ sở chấp hành quy định phòng, chống dịch, tuy nhiên, các vi phạm về khoảng cách an toàn, không đeo khẩu trang… vẫn xảy ra khi vắng bóng lực lượng chức năng. Ý thức phòng, chống dịch của lãnh đạo một số quận, huyện chưa nghiêm túc. Tại cuộc họp giao ban trực tuyến ngày 30-9 giữa Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố Hà Nội với các quận, huyện, thị xã, sở, ngành, có sáu đơn vị gồm quận Hà Đông, các huyện Gia Lâm, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Ứng Hòa; Đông Anh đã không phân công lãnh đạo UBND quận, huyện dự họp, mà chỉ để Trưởng phòng Y tế báo cáo. Trước hiện tượng này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý đã nghiêm khắc phê bình và nhắc nhở các đơn vị phải duy trì nghiêm kỷ luật công vụ. Phó Chủ tịch UBND thành phố chỉ rõ, đây là biểu hiện của sự chủ quan trong phòng, chống dịch và phải rút kinh nghiệm ngay.

Hiện nay, trên thế giới đã có gần 35 triệu người mắc Covid-19 ở 215 quốc gia, vùng lãnh thổ, với hơn 1 triệu người chết. Theo nhận định của Bộ Y tế, nguy cơ dịch vẫn còn rất thường trực ở các địa phương. Chính vì vậy, công tác phòng, chống vẫn không được chủ quan, lơ là. Chúng ta cần kiểm soát, khống chế dịch bệnh thật tốt để tập trung phục hồi, phát triển kinh tế. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm biện pháp phòng, chống dịch. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, thành phố đã ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch. Thành phố quản lý tốt các khu cách ly tập trung; thực hiện đúng quy trình, quy định, quản lý chặt chẽ khi tiếp đón người nhập cảnh về khu cách ly. Tuy nhiên, các quận, huyện, thị xã cần thực hiện nghiêm công điện của Thủ tướng Chính phủ, theo tinh thần  lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể, kiểm tra, xử lý nghiêm. Trong đó, tập trung vào việc tất cả mọi người cần đeo khẩu trang nơi công cộng; hạn chế tổ chức sự kiện tập trung đông người. Các cơ quan, đơn vị phải có phương án phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Ngành y tế phải kiểm tra thường xuyên; thực hiện nghiêm quản lý người nhập cảnh ở các khu cách ly, không để lây chéo, lây lan ra ngoài cộng đồng. Thành phố đang triển khai xây dựng tiêu chí an toàn tại các đơn vị, cơ sở như: y tế, trường học, nhà máy, trụ sở, siêu thị, chợ, các cơ sở lưu trú… từ đó, hướng tới xây dựng một xã hội an toàn phòng, chống dịch để thực hiện hiệu quả mục tiêu kép. (Nhân dân, trang Hà Nội).

 

Xóa khoảng cách chất lượng y tế

Sau 6 tháng triển khai, với sự hỗ trợ của Viettel, hệ thống tư vấn, khám chữa bệnh từ xa (Telehealth) đã kết nối được hơn 1.100 cơ sở y tế trong cả nước, với nhiều điểm cầu ở vùng xa, vùng sâu, biên giới hải đảo… góp phần xóa nhòa khoảng cách về chất lượng y tế giữa tuyến trung ương và cơ sở, giúp người dân được thụ hưởng dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại cơ sở, giảm bớt phiền hà, tốn kém mỗi khi đau ốm.

Hiện thực hóa “thế giới phẳng” trong ngành y

Theo Bộ Y tế, dù chỉ mới có nửa năm triển khai thực hiện nhưng 4 bệnh viện hạng đặc biệt và 27 bệnh viện (BV) tuyến trên trong toàn quốc đã kết nối được với hơn 1.100 cơ sở y tế trong cả nước, trong đó nhiều cơ sở là bệnh viện tuyến huyện ở vùng sâu, vùng xa như Mường Nhé, Côn Đảo, Cô Tô. Đây là một con số mà khi triển khai Telehealth, các nước phát triển cũng phải mất nhiều năm.

Là đơn vị đầu tiên triển khai hệ thống Telehealth, PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội, cho biết, đến nay BV đã tổ chức được hơn 50 cuộc hội chẩn với trên 300 bệnh nhân được khám chữa bệnh từ xa và 162 BV đề xuất tham gia kết nối. Hiện nay, BV đang tổ chức định kỳ 1 tuần 2 buổi Telehealth (thứ ba và thứ năm).

Mỗi buổi sẽ có trung bình 8-10 bệnh nhân nặng được tham gia hội chẩn trực tuyến. “Đây là giai đoạn 1 đề án – giai đoạn khám chữa bệnh trực tuyến để nâng cao hiểu biết của các bác sĩ tuyến dưới. Ở giai đoạn 2, chúng tôi sẽ mở các phòng khám ở BV địa phương có kết nối với các bác sĩ tại BV. Giai đoạn 3 là khám trực tiếp tại gia đình bệnh nhân với dụng cụ khám chữa bệnh từ xa”, PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu thông tin.

Trong khi đó, tại BV Ung bướu TPHCM, thông qua hệ thống Telehealth của BV kết nối với các BV tuyến dưới, các bác sĩ đã hội chẩn, tư vấn được nhiều bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo mà không cần phải chuyển lên tuyến trên. Theo TS-BS Diệp Bảo Tuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TPHCM, từ khi khai trương hệ thống (ngày 16-9) đến nay, đều đặn mỗi tuần BV tư vấn, thăm khám hội chẩn từ xa cho 2 bệnh nhân nặng. Hiện các tỉnh thành tham gia chính trong đề án bệnh viện vệ tinh của BV Ung bướu bao gồm: Đà Nẵng, Nha Trang, Đồng Nai, Lâm Đồng, Cần Thơ, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau. Bệnh viện cũng kết nối với nhiều trung tâm ung bướu hàng đầu trên thế giới và các BV trên cả nước khi có nhu cầu tư vấn, hội chẩn. “Khi ứng dụng Telehealth vào việc khám chữa bệnh, mỗi bệnh nhân đều được xem xét kỹ lưỡng, đem đến nhiều lợi ích như giảm bớt can thiệp không cần thiết cho người bệnh, xem xét tình trạng bệnh có cần chuyển tuyến hay không, đặc biệt là hạn chế tai biến y khoa, sai sót y tế. Bởi trong nhiều trường hợp tiên lượng nặng hoặc cần cấp cứu khẩn việc vận chuyển hoặc sai sót, nhầm lẫn khi chẩn đoán, ra y lệnh có thể khiến người bệnh diễn biến nặng, thậm chí mất mạng. Đối với nhóm bệnh nhân khó, phức tạp, các chuyên gia lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm… sẽ tham gia hội chẩn để giúp các bác sĩ tuyến dưới hiểu rõ nhất về tình trạng bệnh”, bác sĩ Diệp Bảo Tuấn nói thêm.

Hiện nay, qua hệ thống Telehealth, BV Nhi Trung ương đã kết nối được gần 170 điểm cầu ở khu vực phía Bắc; đồng thời BV cũng kết nối với nhiều trung tâm nhi khoa hàng đầu trên thế giới. Tại BV Nhi đồng 1 TPHCM, đến nay đã có 56 đơn vị từ các tỉnh thuộc ĐBSCL, Tây Nguyên, duyên hải miền Trung, Đông Nam bộ đăng ký tham gia mạng lưới khám chữa bệnh từ xa với BV Nhi đồng 1. Với việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác khám chữa bệnh từ xa đã giúp đội ngũ chuyên gia đầu ngành và các BV xích lại gần nhau hơn, góp phần nâng cao năng lực chuyên môn của các BV tuyến dưới. Với sự thành công của đề án này, hy vọng người dân từ vùng sâu vùng xa sẽ có cơ hội được tiếp cận với dịch vụ y tế chuyên sâu của tuyến trên mà không phải vất vả lên tận các thành phố trung tâm.

Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ

Trước việc nhanh chóng thực hiện được hơn 1.100 điểm kết nối Telehealth, PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), nêu rõ, Telehealth sẽ là giải pháp quan trọng cho việc giúp ngành y tế ở Việt Nam phát triển đồng bộ trong tương lai, mang lại rất nhiều hiệu quả to lớn cho cả người bệnh và thầy thuốc, nhất là với tuyến cơ sở. Tuy nhiên, theo một số lãnh đạo BV, để Telehealth có thể duy trì và giúp ngành y tế phát triển đồng bộ, ngành y tế cần quyết liệt tháo gỡ nhiều vấn đề.

“Chúng ta chưa sửa đổi được Luật Khám chữa bệnh, nên việc ký đơn thuốc từ xa đang bị vướng mắc. Bác sĩ tuyến trên hay bác sĩ tuyến dưới tham gia hội chẩn qua Telehealth ký đơn thuốc và ai phải chịu trách nhiệm. Do đó cần phải làm rõ điều này để không chỉ bác sĩ tuyến dưới mà cả bác sĩ tuyến trên cũng cảm thấy yên tâm làm việc. Bên cạnh đó, việc triển khai Telehealth hiện nay, các BV cũng đang làm không công, bởi chưa có nguồn thu từ hoạt động này. Do đó, Bộ Y tế cần sớm tìm cách để các cơ quan bảo hiểm được quyền tham gia vào thanh toán chi phí loại hình khám chữa bệnh này”, PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội, nhìn nhận.

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Hoàng Việt, Phó Giám đốc BV Đa khoa tỉnh Đồng Tháp, lợi ích của việc khám chữa bệnh từ xa là rất rõ, tuy nhiên hiện đường truyền chưa làm nhuyễn, chưa có thường xuyên nên kết nối chập chờn, không liên tục. Ngoài ra, khó khăn của đơn vị gặp phải là việc kết nối với nhau trao đổi giờ giấc làm việc, chẳng hạn, BV tuyến huyện muốn hội chẩn một ca bệnh nào đó lên trên tuyến tỉnh cùng một chuyên khoa nào đó, thì cùng thời gian ấy, bác sĩ không có ở BV hoặc bận công tác (như đang mổ hay công việc khác), nên cần phải có thời gian trước để kết nối. Giả sử có những trường hợp khẩn cấp cần ngay chuyên khoa đó thì cũng không có kết nối liền được, do con người đang hoạt động công tác tại đơn vị mình.

“Thời chúng tôi học là “nhìn, sờ, gõ, nghe” thì mới khám cho bệnh nhân được. Nhưng các thầy lão thành bây giờ nghe cái này thì cũng hơi dị ứng, thay vì phải nhìn bệnh nhân, giờ phải nhìn qua màn hình nên đôi lúc không thực tế bằng nhìn trực tiếp bệnh nhân. Sờ thì cảm giác tay mình sờ vào bụng bệnh nhân đau ra sao, để chẩn đoán phần nào tính chất của bệnh, nhưng giờ mình không sờ được. Để khắc phục được những thiếu sót này thì phải đồng nhất về chuyên môn. Nghĩa là đồng nhất từ tuyến dưới đến tuyến trên, tức là người dưới phải trung thực, làm với khả năng rõ ràng, để bác sĩ tuyến trên hiểu được cách khám của họ thiếu phần nào nhằm bổ sung, đưa ra cách khám chính xác”, bác sĩ Nguyễn Hoàng Việt cho hay. (Sài Gòn giải phóng, trang 4).

 

Ca mắc mới Covid-19 là người nhập cảnh đã được cách ly

Chiều tối 5-10,  Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng chống dịch Covid-19 cho biết, trong ngày, cả nước đã ghi nhận thêm 1 ca mắc Covid-19 (ca bệnh thứ 1.097) là ca nhập cảnh từ Pháp tới sân bay Nội Bài (Hà Nội). Bệnh nhân được cách ly điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.

Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng chống dịch Covid-19 cho biết, trong ngày, cả nước đã ghi nhận thêm 1 ca mắc Covid-19 (ca bệnh thứ 1.097) là ca nhập cảnh từ Pháp tới sân bay Nội Bài

Trong tổng số 1.097 người mắc Covid-19 có 691 ca mắc do lây nhiễm trong nước. Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25-7 đến nay là 551 ca. Cả nước tiếp tục trải qua 33 ngày không có ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng. Về tình hình điều trị, trong ngày, Việt Nam có thêm 2 bệnh nhân Covid-19 được công bố khỏi bệnh. Như vậy, đến nay Việt Nam đã có 1.022 bệnh nhân Covid-19 được điều trị khỏi bệnh và 10 bệnh nhân âm tính với virus SARS-CoV-2. Số bệnh nhân Covid-19 tử vong ở nước ta đến nay vẫn là 35 ca.

Cùng ngày, đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, trường hợp anh Nguyễn Văn D. (23 tuổi, ở Quốc Oai, Hà Nội) đã tham gia chuyến bay NH 898 từ Nội Bài (Hà Nội) đi Narita (Nhật Bản) ngày 30-9. Tại sân bay Narita, khi xét nghiệm nhập cảnh, anh D. có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19. Phía Nhật Bản đã tiến hành làm xét nghiệm Realtime PCR cho anh D. và đang chờ kết quả.

Hiện sức khỏe của anh D. ổn định. Trước thông tin này, lực lượng y tế huyện Quốc Oai đã tiến hành khử khuẩn môi trường tại khu vực anh D. sinh sống, đồng thời tiến hành điều tra các trường hợp tiếp xúc gần. Cụ thể, có tất cả 9 trường hợp F1, F2 và là những người thân trong gia đình bệnh nhân. Hiện cả 9 trường hợp này đều âm tính với virus SARS-CoV-2. Theo điều tra dịch tễ, anh D. không tiếp xúc với người mắc Covid-19, không có liên quan đến các vùng dịch trước khi đi Nhật Bản.

Tin từ Bộ Ngoại giao cho biết, ngày 5-10, các cơ quan chức năng Việt Nam và các cơ quan chức năng Đài Loan đã phối hợp thực hiện 2 chuyến bay chở hơn 350 công dân Việt Nam từ Đài Loan về nước. (Sài Gòn giải phóng, trang 7).

Cùng chủ đề Báo Nhân dân, trang 8: “Thêm một ca mắc Covid-19 mới được cách ly ngay khi nhập cảnh”; Thanh niên, trang 3: “Chuyên gia Pháp mắc Covid-19 sau 15 ngày nhập cảnh”; Sức khỏe & Đời sống, trang 2: “Chuyên gia Pháp nhập cảnh mắc COVID-19, Việt Nam có 1.097 bệnh nhân”; Tiền phong, trang 4: “Nữ chuyên gia người Pháp mắc Covid-19”.

 

Sử dụng thuốc khác thay thế thuốc Phenobarbital điều trị bệnh tay chân miệng

Chiều 5-10, trước thông tin thuốc Phenobarbital bị gián đoạn, Sở Y tế TPHCM cho biết, trong tình hình không có thuốc như hiện nay, các bệnh viện có thể sử dụng các thuốc khác hiện có trên thị trường như Diazepam, Midazolam… để thay thế cho Phenobarbital trong thời gian chờ đợi các doanh nghiệp dược Việt Nam tìm nguồn cung ứng từ các nước khác.

Trước đó, Báo SGGP số ra ngày 26-9 có bài viết Điều trị tay chân miệng gặp khó, phản ánh tình trạng các bệnh viện chuyên khoa nhi trên địa bàn TPHCM hết thuốc Phenobarbital, thuốc hướng thần có tác dụng chống co giật, điều trị các trường hợp bệnh tay chân miệng nặng, do Hàn Quốc sản xuất và Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương CPC1 nhập khẩu và phân phối. Sở Y tế TPHCM đã có công văn kiến nghị Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) hỗ trợ tìm nguồn cung ứng thuốc và công ty nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu Phenobarbital điều trị của các bệnh viện.

Tuy nhiên, theo thông báo từ Cục Quản lý Dược, nhà sản xuất Daihan Pharm Co., Ltd không tiếp tục sản xuất thuốc Danotan. Cục Quản lý Dược đã có văn bản đề nghị các công ty nhập khẩu thuốc liên hệ đối tác nước ngoài tìm nguồn cung ứng thuốc thay thế nhưng hiện nay vẫn chưa tìm được nhà cung cấp mới.

Hiện Cục Quản lý Dược đã chỉ đạo các doanh nghiệp nhập khẩu tích cực tìm nguồn cung ứng mới Phenobarbital 100mg/ml và các bệnh viện chủ động sử dụng các thuốc chống co giật khác để điều trị thay thế. Sở Y tế TPHCM yêu cầu hội đồng thuốc và điều trị của các bệnh viện chuyên khoa nhi trên địa bàn TPHCM có hướng dẫn cụ thể về việc sử dụng thuốc thay thế Phenobarbital trong chống co giật ở trẻ em mắc bệnh tay chân miệng thể nặng trong giai đoạn hiện nay. (Sài Gòn giải phóng, trang 7).

Cùng chủ đề Báo Thanh niên, trang 3: “TP.HCM thông tin về tình hình thuốc điều trị tay chân miệng”.

 

WHO cảnh báo 10% dân số thế giới có thể mắc Covid-19

Ngày 5-10, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo thế giới đang bước vào một giai đoạn khó khăn khi ước tính sẽ có khoảng 10% dân số toàn cầu mắc Covid-19. Tỷ lệ này không đồng đều giữa các quốc gia, giữa vùng nông thôn và thành thị hay giữa các nhóm dân số.

Cảnh báo được đưa ra trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều nước trên thế giới. Tại thủ đô Paris của Pháp, kể từ hôm nay (ngày 6-10), các quán bar và quán cà phê cũng như tại các vùng phụ cận sẽ phải đóng cửa trong vòng 2 tuần nhằm ngăn chặn đại dịch lây lan.

Cùng lúc, lãnh đạo ngành y tế của Ireland đã khuyến nghị chính phủ nước này áp dụng phong tỏa toàn quốc lần thứ hai, kéo dài 4 tuần. (Sài Gòn giải phóng, trang 8).

 

Nữ bệnh nhân ở Lâm Đồng bị vỡ túi ngực

Bệnh nhân nữ đặt túi ngực nhập lậu, kém chất lượng tại một thẩm mỹ viện ở TP.HCM và xảy ra bị vỡ túi ngực, biến chứng nguy hiểm.

Ngày 5.10, tiến sĩ – bác sĩ (TS.BS) Nguyễn Phan Tú Dung, Giám đốc Bệnh viện JW (TP.HCM), cho biết ông vừa tiếp nhận nữ bệnh nhân B.T.A (49 tuổi, ngụ tại TP.Đà Lạt, Lâm Đồng) trong tình trạng bị vỡ túi ngực, quầng vú bị thâm tím, ngứa, silicon công nghiệp tuôn trào dính chặt vào các mô, tuyến ngực và tràn ra hố nách.

Chị A. cho biết từng nâng ngực tại một thẩm mỹ viện nhỏ ở TP.HCM cách đây 14 năm. Khi đó, bác sĩ thực hiện chỉ giới thiệu rất mập mờ về thông tin túi ngực. Tất cả những gì chị được nghe là “túi ngực hiện đại nhất của Pháp”. Chị A. đã quyết định bỏ ra 2.500 USD để đặt túi ngực.

3 năm qua, chị A. thấy xung quanh đầu ti xuất hiện nhiều vết thâm tím, vùng khoang ngực ngứa âm ỉ, khó chịu. Nhưng chị A. không đi khám vì cho rằng đây là vấn đề da liễu bình thường.

Ngoài ra, gần đây chị còn bị những cơn đau co thắt nên ngày 4.10 đã xuống TP.HCM kiểm tra.

“Qua thăm khám lâm sàng, ngực bên phải của bệnh nhân biến dạng hẳn so với bên trái, kèm triệu chứng vùng da quầng vú thâm đen, cơn ngứa lan rộng từ đầu ti kéo đến hố nách”, TS.BS Tú Dung nói. BS nghi ngờ túi ngực có vấn đề nên chỉ định bệnh nhân chụp MRI (cộng hưởng từ) ngay lập tức để đánh giá chính xác.

Kết quả chụp MRI cho thấy, túi ngực bên phải của bệnh nhân đã vỡ, khiến silicon từ túi ngực trào ra ngoài, thẩm thấu vào các mô, tuyến và lớp biểu bì da, thậm chí tràn ra hố nách phải khiến bệnh nhân luôn trong tình trạng đau nhức, ngứa ngáy vô cùng. Còn túi ngực bên trái bị móp biến dạng và vùng ngực có dấu hiệu co thắt bao xơ.

Các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật khẩn cấp tháo túi ngực và nạo vét các mảnh silicon công nghiệp đang dính chặt ở các mô tuyến ngực, cho bệnh nhân.

Kết quả phẫu thuật cũng cho thấy tình trạng túi ngực bên phải của bệnh nhân bị vỡ hoàn toàn. Dịch nhầy màu vàng chảy nham nhở và loang lổ khắp khoang ngực, gây nên tình trạng nhớp dính như đầm lầy. Màu gel chảy ra có màu ngả vàng, khác hoàn toàn với gel túi ngực bình thường có màu trong suốt. Các bác sĩ vét sạch từng chút các mảnh silicon công nghiệp dính chặt trong các thớ thịt của bệnh nhân, bơm rửa và làm sạch toàn bộ ổ dịch trong ngực để tránh nguy cơ viêm mô tuyến ngực và ung thư vú.

Còn túi ngực bên trái bị móp méo, xơ cứng và xảy ra tình trạng co thắt bao xơ cũng được lấy ra. Trên 2 túi ngực có dòng chữ PIP.

Hiện sức khỏe chị A. sau phẫu thuật đã ổn định và được tiếp tục tiêm truyền kháng sinh trong 1 tuần để ngăn ngừa nhiễm trùng.

Theo TS.BS Tú Dung, đây không phải là trường hợp đầu tiên xảy ra biến chứng nguy hiểm do nâng ngực bằng túi ngực PIP kém chất lượng và làm tại thẩm mỹ viện. Tuy nhiên, vẫn còn một số cơ sở thẩm mỹ nhập “chui” nguồn hàng này với mức giá rẻ. (Thanh niên, trang 5).

 

Xúc phạm danh dự người sinh con một bề bị phạt 500.000 đồng

Từ 15-11 tới đây, cá nhân có lời nói hoặc hành động xúc phạm danh dự, nhân phẩm người sinh con một bề (sinh toàn con trai hay toàn con gái) sẽ bị phạt từ 200.000 – 500.000 đồng.

Một trong những điểm mới tại Nghị định 117/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong trong lĩnh vực y tế sẽ có hiệu lực từ 15-11 tới đây là dành 1 mục với 7 chương để quy định hành vi phạm về dân số, mức xử phạt các hành vi được nâng lên.

Đáng chú ý, tại Điều 101 quy định mức phạt tiền từ 200.000-500.000 đồng đối với hành vi: có lời nói hoặc hành động xúc phạm danh dự, nhân phẩm người sử dụng biện pháp tránh thai hoặc người sinh toàn con trai hay sinh toàn con gái.

Mức phạt tiền được tăng lên từ 3.000.000-5.000.000 đồng đối với hành vi đe dọa dùng vũ lực, uy hiếp tinh thần để ép buộc người khác phải mang thai; phải sinh thêm con khi họ đã sinh toàn con trai hay sinh toàn con gái.

Đặc biệt, hành vi dùng vũ lực để ép buộc người khác phải mang thai, phải sinh thêm con khi họ đã sinh toàn con trai hoặc sinh toàn con gái có mức phạt tiền từ 7.000.000-10.000.000 đồng.

Cũng liên quan đến việc lựa chọn giới tính thai nhi, điều 100 Nghị định 117 đưa ra mức phạt 3.000.000-5.000.000 đồng đối với hành vi loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính của người mang thai mà không bị ép buộc phải loại bỏ thai nhi.

Phạt tiền từ 5.000.000-7.000.000 đồng đối với hành vi dụ dỗ, lôi kéo người mang thai loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính.

Phạt tiền từ 7.000.000-10.000.000 đồng đối với hành vi đe dọa dùng vũ lực, uy hiếp tinh thần để ép buộc người mang thai loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính. (An ninh Thủ đô, trang 9).

 

Giải Nobel Y học 2020 vinh danh phát hiện virus viêm gan C

Nobel Y học 2020 đã gọi tên 3 nhà khoa học Harvey J. Alter, Michael Houghton và Charles M. Rice về những phát hiện có ảnh hưởng sâu xa dẫn đến việc xác định một loại virus mới, virus viêm gan C.

Giải Nobel đầu tiên của mùa giải Nobel 2020 được trao cho 3 nhà khoa học trong lĩnh vực y học đã có đóng góp quyết định trong cuộc chiến chống lại bệnh viêm gan lây truyền qua đường máu, một vấn đề sức khỏe toàn cầu gây ra xơ gan và ung thư gan ở nhiều người trên thế giới, Ủy ban giải thưởng Nobel công bố trên Twitter ngày 5.10.

Theo đó, nhà khoa học Michael Houghton – được trao giải Nobel Y học năm 2020 – đã sử dụng một chiến lược chưa được thử nghiệm để phân lập bộ gene của virus mới được đặt tên là virus viêm gan C. Trong khi đó, nhà khoa học Charles M. Rice cung cấp bằng chứng cuối cùng cho thấy chỉ riêng virus viêm gan C có thể gây ra bệnh viêm gan.

Việc công bố giải Nobel Y học 2020 diễn ra vào lúc 11h30 sáng ngày 5.10, giờ địa phương, (tức 16h30, giờ Hà Nội) tại Viện Karolinska tại Solna, Stockholm, Thụy Điển.

Mùa giải Nobel 2020 bắt đầu với những bước đột phá trong lĩnh vực y học được vinh danh ngày 5.10. Giải thưởng Nobel Y học được công bố trong bối cảnh thế giới đang chống chọi với đại dịch tồi tệ nhất trong 1 thế kỷ.

Tiếp sau giải Nobel Y học, Nobel vật lý, hóa học, văn học và giải Nobel hòa bình lần lượt sẽ được trao vào ngày 6-9.10. Riêng giải Nobel kinh tế sẽ được trao vào ngày 12.10 tới.

Năm nay, đại dịch COVID-19 đã hướng sự chú ý của toàn cầu tới hoạt động nghiên cứu, AFP nhận định. “Đại dịch là một cuộc khủng hoảng lớn đối với nhân loại, nhưng nó cho thấy khoa học quan trọng như thế nào” – người đứng đầu Quỹ Nobel Lars Heikensten nói. Dự kiến không có giải thưởng nào được trao trong năm nay cho công trình liên quan trực tiếp đến virus Corona mới vì nghiên cứu đoạt giải Nobel thường mất nhiều năm để được xác minh.

Tiến sĩ Erling Norrby – cựu thư ký thường trực của Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển, đồng thời là một nhà virus học – cho hay: “Phải mất thời gian trước khi một giải thưởng có thể chín muồi, tôi sẽ nói ít nhất 10 năm trước khi bạn có thể hiểu hết tác động của một phát hiện”.

Việc lựa chọn người trao giải của các ủy ban giải thưởng Nobel trong các lĩnh vực được giữ bí mật, tên của những người được đề cử không được tiết lộ trong suốt 50 năm.

Trước khi giải Nobel Y học chính thức được công bố, đài phát thanh công cộng Thụy Điển SR và nhật báo lớn nhất của đất nước Dagens Nyheter đều nhận định, Nobel Y học 2020 công bố ngày 5.10 có thể thuộc về nhà khoa học người Australia gốc Pháp Jacques Miller và nhà khoa học người Mỹ Max Cooper cho những khám phá của họ về tế bào T và tế bào B trong những năm 1960, dẫn đến những đột phá trong nghiên cứu ung thư và virus. Hai nhà khoa học này cũng từng thắng giải Lasker danh giá tại Mỹ vào năm 2019.

Ứng viên được dự đoán đạt giải Nobel Y học 2020 cũng được cho là nhà di truyền học người Mỹ gốc Lebanon Huda Zoghbi cho phát hiện ra đột biến gene dẫn đến hội chứng rối loạn não bộ mang tên Hội chứng Rett, cả SR và Dagens Nyheter đều cho biết.

Riêng Dagens Nyheter cũng hé lộ, nhà khoa học người Mỹ Mary-Claire King – người đã phát hiện ra gene BRCA1 chịu trách nhiệm cho một dạng di truyền của bệnh ung thư vú – cùng nhà nghiên cứu Ralf Bartenschlager của Đức và 2 nhà nghiên cứu người Mỹ Charles Rice và Michael Sofia – đã nỗ lực trong việc chữa bệnh viêm gan C – có khả năng được giải Nobel Y học 2020. Nhà nghiên cứu Ralf Bartenschlager, Charles Rice và Michael Sofia là chủ nhân của giải thưởng Lasker năm 2016.

Hai cái tên được nhắc đến thường xuyên khác là Emmanuelle Charpentier của Pháp và Jennifer Doudna của Mỹ, nhờ kỹ thuật chỉnh sửa gene được gọi là công cụ cắt ADN CRISPR-Cas9, được xem như một loại “kéo” di truyền dùng để cắt bỏ một gene đột biến trong phôi thai người và thay thế nó bằng một phiên bản đã sửa chữa.

Nhà khoa học người Mỹ gốc Trung Quốc Feng Zhang cũng tuyên bố đã khám phá ra kỹ thuật này, có thể đủ điều kiện cho cả giải thưởng y học và hóa học.

Nobel Y học 2020 cũng được dự đoán có khả năng thuộc về nhà miễn dịch học Marc Feldmann của Australia và nhà nghiên cứu người Anh gốc Ấn Độ Ravinder Maini cho nghiên cứu về bệnh viêm khớp dạng thấp và bác sĩ ung thư học người Mỹ Dennis Slamon cho nghiên cứu về ung thư vú và thuốc điều trị Herceptin. (Lao động, trang 1).

Cùng chủ đề Báo Sức khỏe & Đời sống, trang 16: “Nobel Y học 2020: Xướng tên nhà khoa học phát hiện virus viêm gan C”; Tuổi trẻ, trang 19: “Nobel Y sinh 2020: Vinh danh phát hiện virus viêm gan C”.

 

Điểm chuẩn các trường khối ngành y dược, cao nhất là ngành y đa khoa với 28,9 điểm

Đến thời điểm này, cơ bản các trường thuộc khối ngành y dược đã công bố điểm chuẩn năm học 2020-2021. Theo đó, các ngành y đa khoa và răng hàm mặt cùng với dược học vẫn là những ngành học có điểm chuẩn cao, trong đó cao nhất đến thời điểm này thuộc về ngành y đa khoa của Trường Đại học Y Hà Nội với điểm chuẩn là 28,9

Trường Đại học Y Hà Nội đã công bố điểm chuẩn trúng tuyển cho 7 ngành đào tạo của trường. Theo đó, ngành có điểm cao nhất thuộc về Y khoa là 28,9 điểm, ngành Răng Hàm Mặt lấy 28,65 điểm, Y khoa; ngành láy điểm thấp nhất là Điều dưỡng (Phân hiệu Thanh Hóa) 22,4 điểm.

Mức điểm này cao hơn năm ngoái 2,15 điểm. Nếu đăng ký học ngành Y khoa phân hiệu Thanh Hóa, thí sinh chỉ cần đạt 27,65 thay vì mức 28,9.

Năm nay, trường Đại học Y Hà Nội tuyển 1.120 chỉ tiêu, trong đó có 25% chi tiêu tuyển thẳng. Tại phân hiệu Thanh Hóa, trường có tuyển thêm ngành Điều dưỡng 70 chỉ tiêu.

Ngoài công bố điểm chuẩn, Đại học Y Hà Nội còn công bố số thí sinh trúng tuyển. Có 1.238 em là tân sinh viên năm nay, nhiều hơn 38 em so với chỉ tiêu.

Ngày 8/10 là thời gian nhập học của các thí sinh  trúng tuyển ngành Y khoa và diện tuyển thẳng. Ngày 9/10, các thí sinh trúng tuyển ngành Y học Cổ truyền, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Điều dưỡng, Khúc xạ nhãn khoa.

Các thí sinh trong tuyển ngành Y học dự phòng, Răng Hàm Mặt, Y tế công cộng, Dinh dưỡng và các thí sinh trúng tuyển các ngành ở Phân hiệu Thanh Hóa sẽ nhập học vào ngày 10/10.

Đại học Dược Hà Nội công bố điểm chuẩn cho hai ngành đào tạo là Dược học và Hóa dược. Theo đó, Dược học có điểm trúng tuyển 26,9, tiêu chí phụ Hóa 9,25, Toán 9,4 và nguyện vọng 3. Điểm chuẩn Hóa dược 26,6, tiêu chí phụ Hóa 9,25, Toán 8,6 và nguyện vọng 2. Năm học 2020-2021, trường tuyển sinh 760 sinh viên, trong đó dự kiến 530 chỉ tiêu tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Năm ngoái, Đại học Dược Hà Nội lấy 24,5 điểm và có xét tiêu chí phụ là điểm Hóa và Toán.

Trường Đại học Y Dược – ĐH Thái Nguyên vừa công bố điểm chuẩn năm 2020. Điểm chuẩn năm nay dao động trong khoảng từ 20,9 đến 26,4 điểm. Ngành Y khoa có điểm trúng tuyển cao nhất là 26,40. Năm 2020, Trường Đại học Y Dược – ĐH Thái Nguyên tuyển thí sinh trong cả nước các ngành: Y khoa, Răng hàm mặt, Y học dự phòng…. Trong đó, ngành Y Khoa có chỉ tiêu nhiều nhất là 420 chỉ tiêu.

Học viện Y Dược học cổ truyền có điểm trúng tuyển cao nhất là 26,1 (ngành Y khoa). Ngành Y học cổ truyền điểm chuẩn là 24,15. Ngành Dược học điểm chuẩn 25,00.

Khoa Y- Dược (Đại học Quốc gia Hà Nội), điểm chuẩn ngành y đa khoa là 28, 35; ngành dược là 26,7 điểm; ngành răng hàm mặt là 27,2 điểm; ngành điều dưỡng là 24,9 điểm; Kỹ thuật xét nghiệm y hoc là 25,55 điểm; kỹ thuật hình ảnh là 25,15 điểm

Đại học Y Dược Thái Bình lấy điểm chuẩn 16-27,15. Trong đó Y khoa tiếp tục có điểm chuẩn cao nhất, kế đó là Dược học 25,75 và Điều dưỡng 24,4. Y tế công cộng lấy điểm thấp nhất – 16, kém Y khoa đến 11,15 điểm.

Đại học Y Dược Thái Bình tuyển 800 chỉ tiêu theo kết qủa thi tốt nghiệp THPT và 140 em theo hình thức khác. Điểm trúng tuyển năm ngoái là 18-24,6 điểm.

Đại học Y Dược Hải Phòng, tổ hợp B00 (Toán, Hóa, Sinh) của ngành Y khoa có điểm chuẩn cao nhất – 27, ngành Răng Hàm Mặt cao thứ hai với 26,8 điểm. Ngành Y học dự phòng có điểm trúng tuyển thấp nhất trong 10 ngành tuyển sinh, 21,4, các ngành còn lại tập trung 22-24.

Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương vừa công bố điểm chuẩn theo phương thức xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Theo đó, điểm chuẩn của ba ngành Kỹ thuật Hình ảnh y học, Kỹ thuật Phục hồi chức năng, Điều dưỡng là 19 điểm, bằng mức điểm sàn được Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.

Y khoa có điểm chuẩn cao nhất của Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương với 26,1, kế đó là Kỹ thuật Xét nghiệm y học.

Theo thông báo sáng 5/10 của Ban Tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng, điểm trúng tuyển vào Học viện Quân Y năm nay dao động từ 23,35 – 28,65, trong đó với thí sinh nữ miền Bắc điểm chuẩn cao nhất ở mức  28,65 (tiêu chí phụ kèm theo nếu thí sinh nữ thi khối A là điểm môn Toán >= 9,4; đối với khối B, điểm thi môn Sinh >= 8,5)

Trường Đại học Y Dược điểm trúng tuyển cao nhất trong khối Đại học Huế với từ 19,75 cho đến 27,55 (ngành Y khoa).

Khoa Y- Đại học Đà Nẵng điểm chuẩn là 26,5; chuyên ngành răng hàm mặt điểm chuẩn là 26,45; điều dưỡng là 19,7 điểm; chuyên ngành dược khối A là 25,35 điểm; khối B là 25,75 điểm

Tại khu vực phía Nam, nhiều trường cũng đã công bố mức điểm trúng tuyển.

Điểm chuẩn của Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (Thành phố Hồ Chí Minh) dao động từ 19 đến 27,55.

Theo đó, Ngành Răng Hàm Mặt dành cho thí sinh có hộ khẩu ngoài Thành phố Hồ Chí Minh có điểm chuẩn cao nhất 27,55 – tăng 2,4 so với năm ngoái. Ngành điểm chuẩn cao kế tiếp là ngành Y khoa dành cho thí sinh hộ khẩu ngoài TPHCM với 27,5 điểm.

Ngành điểm chuẩn thấp nhất là Y tế công cộng: 20,4 điểm (dành cho thí sinh hộ khẩu Thành phố Hồ Chí Minh) và 19 điểm (dành cho thí sinh hộ khẩu ngoài Thành phố Hồ Chí Minh).

Tất cả ngành ở Đại học Y dược Cần Thơ tăng 1-2 điểm so với năm ngoái, cao nhất Y khoa 26,95, thấp nhất Y tế công cộng 19, theo công bố sáng 5/10.

Ở cùng một ngành, điểm trúng tuyển theo hệ đại trà cao hơn 1 so với điểm trúng tuyển xét theo nhu cầu xã hội. Điểm trúng tuyển theo nhu cầu xã hội là diện thí sinh được các tỉnh, đơn vị đặt hàng đào tạo với trường.

Theo phương án tuyển sinh, Đại học Y Dược Cần Thơ tuyển 1.480 chỉ tiêu ở 9 ngành: Y khoa, Y học dự phòng, Y học cổ truyền, Răng Hàm Mặt (6 năm), Dược học (5 năm), Điều dưỡng, Kỹ thuật xét nghiệm, Y tế công cộng (4 năm) và Hộ sinh. So với năm ngoái, chỉ tiêu tăng nhưng không đáng kể.

Đại học Y Dược Cần Thơ tuyển sinh cả nước nhưng dành 85% xét tuyển khu vực đồng bằng sông Cửu Long. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

Bổ xung danh mục kỹ thuật áp dụng trong hội chẩn, tư vấn khám chữa bệnh từ xa

Bộ Y tế vừa có Quyết định 4128/QĐ-BYT về việc Ban hành tạm thời bổ sung danh mục kỹ thuật áp dụng trong hội chẩn, tư vấn khám, chữa bệnh từ xa.

Các danh mục kỹ thuật này được áp dụng tạm thời tại tất cả các cơ sở khám bệnh chữa bệnh có đăng ký thực hiện hội chẩn, tư vấn khám chữa bệnh từ xa.

Theo Bộ Y tế, khám, chữa bệnh từ xa giúp người dân tiếp cận với dịch vụ y tế nhanh chóng, thuận lợi, ít tốn kém, an toàn, không cần phải đến bệnh viện khi chưa thực sự cần thiết, giảm tập trung đông bệnh nhân tại các cơ sở y tế nhất là khi có dịch bệnh,hạn chế chuyển tuyến, giảm quá tải tại bệnh viện tuyến trên; tạo được lòng tin của người dân với chất lượng khám chữa bệnh của y tế cơ sở nói riêng và toàn hệ thống y tế nói chung.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh khám, chữa bệnh từ xa mang đến cơ hội tiếp cận chuyên môn cao hơn cho cán bộ y tế tại các cơ sở y tế tuyến dưới, từng bước nâng cao chất lượng chuyên môn của đội ngũ cán bộ y tế cơ sở và từng cơ sở khám, chữa bệnh tuyến dưới.

Với những lợi ích, hiệu quả hoạt động khám, chữa bệnh từ xa mang lại, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã chủ động, tích cực phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Quốc phòng và Tập đoàn Viettel để xây dựng và triển khai Đề án Khám, chữa bệnh từ xa. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

 

Hiệu quả từ mô hình quản lý an toàn thực phẩm

Bảo đảm an toàn thực phẩm để phòng ngừa ngộ độc và các bệnh lây truyền qua thực phẩm có ý nghĩa rất quan trọng trong sự phát triển kinh tế, xã hội. Vì vậy, quận Long Biên (Hà Nội) luôn chú trọng đẩy mạnh, nhân rộng hiệu quả từ mô hình quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn quận. Song, điều đó cũng đặt ra những khó khăn, thách thức mà ngành Y tế quận cần tháo gỡ, vượt qua để mô hình này hoạt động hiệu quả hơn.

Ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm

Ngay sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát ở giai đoạn 2, quận Long Biên đã triển khai ngay các nhiệm vụ xây dựng và duy trì các mô hình điểm về quản lý an toàn thực phẩm, đặc biệt là tập trung triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn, ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm trên địa bàn; tích cực chỉ đạo, giám sát việc tạm dừng toàn bộ lễ hội; hạn chế tổ chức bữa cỗ tập trung đông người để phòng, chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

Theo kết quả các đợt kiểm tra, công tác vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm trên địa bàn quận Long Biên được quan tâm đúng mức với 100% hộ kinh doanh đã cam kết về an toàn thực phẩm; 95% hàng ăn chín có tủ kính; 90% các hộ kinh doanh rau có giá đỡ cao hơn mặt đất tối thiểu 15cm; hơn 90% số hộ kinh doanh thực phẩm tươi sống có mặt bàn bày bán bảo đảm vệ sinh… Mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm bữa cỗ đông người được các phường duy trì tốt, số bữa cỗ tập trung đông người giảm do yêu cầu giãn cách phòng, chống dịch. 121/121 bữa cỗ tập trung đông người tổ chức tại các hộ gia đình được tư vấn, giám sát về an toàn thực phẩm, sử dụng thực phẩm rõ nguồn gốc, bảo đảm vệ sinh, an toàn trong chế biến, bảo quản.

Theo Trưởng phòng Y tế quận Long Biên Lương Thị Minh Nguyệt, thời gian qua, quận tập trung triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm phục vụ Đại hội đại biểu Đảng bộ quận Long Biên nhiệm kỳ 2020-2025, kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học quốc gia, chuẩn bị khai giảng năm học mới. Đặc biệt, từ cuối tháng 8-2020, Phòng Y tế quận tập trung triển khai các biện pháp ngăn ngừa ngộ độc do sử dụng pate Minh Chay và các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm phục vụ Tết Trung thu năm 2020…

Cùng với đó, đẩy mạnh hiệu quả từ mô hình quản lý an toàn thực phẩm, bao gồm tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát; nâng cao năng lực tự quản lý an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể trường học; kiểm soát an toàn thực phẩm bữa cỗ tập trung đông người; hệ thống cảnh báo nhanh về an toàn thực phẩm và mô hình điểm của quận: “Bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố ở tuyến phố hoạt động đêm”.

Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND phường Ngọc Lâm, cho biết: “Từ khi phố ẩm thực tổ 27 phường Ngọc Lâm được gắn biển “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát” đến nay, hằng tháng, hằng quý phường phối hợp với Phòng Y tế, Trung tâm Y tế quận tổ chức kiểm tra, thanh tra, giám sát lần lượt các cơ sở và nhắc nhở, xử lý những cơ sở chưa thực hiện tốt. Các cơ sở kinh doanh trên tuyến phố bắt buộc phải ký hợp đồng với cơ sở cung cấp thực phẩm và những cơ sở này phải bảo đảm các điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định”.

Nhờ phát huy tốt các mô hình quản lý an toàn thực phẩm, tình hình chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có nhiều chuyển biến rõ rệt nên trên địa bàn quận đã không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào.

Những vướng mắc cần tháo gỡ

Trưởng phòng Y tế quận Long Biên Lương Thị Minh Nguyệt cho biết, mặc dù thời gian qua công tác bảo đảm an toàn thực phẩm của quận được làm tốt, song vẫn còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động kiểm tra an toàn thực phẩm bị gián đoạn, chưa được triển khai theo đúng kế hoạch.

“Do một số cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố có quy mô nhỏ nên mức độ đầu tư về trang thiết bị, dụng cụ còn hạn chế. Bên cạnh đó, việc cập nhật phiếu giao nhận thực phẩm chưa được tiến hành thường xuyên; việc ghi chép về nguồn gốc nguyên liệu chưa đầy đủ; việc hướng dẫn, kiểm tra, giám sát còn khó khăn do chủ cơ sở thường xuyên vắng mặt, chỉ tiếp cận được với nhân viên bán hàng. Một số cơ sở kinh doanh vào buổi tối và đêm…, khiến công tác quản lý gặp rất nhiều khó khăn”, bà Lương Thị Minh Nguyệt thông tin.

Cũng theo bà Lương Thị Minh Nguyệt, để việc triển khai, duy trì và nhân rộng mô hình “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát” đạt hiệu quả cao nhất, cần tăng cường triển khai các mô hình về an toàn thực phẩm nhằm bảo đảm hoàn thành các mục tiêu trước tháng 12-2020. Duy trì công tác điều tra, giám sát ngộ độc thực phẩm, kịp thời xử lý các sự cố về an toàn thực phẩm (nếu có).

Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên Đinh Thị Thu Hương khẳng định, để mô hình “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát” thu được hiệu quả cao nhất, đồng thời giảm thiểu nguy cơ ngộ độc thực phẩm, cần có sự phối hợp chặt chẽ của lực lượng trật tự đô thị, công an trong đôn đốc, giám sát các cơ sở thực hiện các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường trong quá trình kinh doanh, đặc biệt các cơ sở hoạt động đêm.

“Cần phát huy vai trò tích cực của báo chí trong đưa tin về các cơ sở thực hiện tốt, nhận diện các cơ sở có vi phạm. Cùng với đó, cần tiếp tục quan tâm hơn tới việc tổ chức đào tạo, tập huấn, hướng dẫn nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác bảo đảm an toàn thực phẩm từ cấp quận, phường và tổ dân phố…, nhằm tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh trong việc cung cấp thực phẩm an toàn”, bà Đinh Thu Hương nhấn mạnh. (Hà Nội mới, trang 5).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 04/8/2020

CDC Hà Nam

COVID-19, Cập nhật lúc 8h30 ngày 18-2-2020

Ngọc Nga

Điểm báo ngày 05/6/2019

CDC Hà Nam

Để lại bình luận