Điểm báo ngày 06/5/2020

(CDC Hà Nam)
Các đối tượng trong vụ nâng khống giá máy xét nghiệm nộp lại tiền;19 ngày liên tiếp không có ca mắc mới trong cộng đồng; Người bệnh COVID-19 tái dương tính không lây nhiễm cho cộng đồng; Những cuộc can gián bất thành; Nhiều ổ bệnh sốt xuất huyết ở TP.HCM

Các đối tượng trong vụ nâng khống giá máy xét nghiệm nộp lại tiền

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ, chiều 5/5, các phóng viên đặt ra nhiều câu hỏi cho đại diện Bộ Công an về những vụ việc “nóng” xảy ra gần đây như vụ án Đường “Nhuệ” ở Thái Bình, việc mua máy xét nghiệm phòng chống dịch ở nhiều địa phương có mức giá cao bất thường…

Trong cuộc họp, các phóng viên đề nghị đại diện Bộ Công an thông tin thêm về sai phạm xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội trong việc nâng khống giá máy xét nghiệm COVID-19. Ngoài Hà Nội, Bộ Công an có kế hoạch mở rộng điều tra ra các địa phương khác trong việc mua sắm thiết bị y tế phòng, chống dịch COVID-19 hay không?

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết, đối với vụ việc xảy ra ở CDC Hà Nội, Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam 6 bị can, cho tại ngoại 1 bị can. Bước đầu điều tra cho thấy, các đối tượng câu kết với công ty thông đồng, nâng khống giá máy lên gấp 3 lần. Đến nay, các đối tượng bước đầu đã thừa nhận hành vi này và tự nguyện khắc phục hậu quả, nộp lại số tiền.

Ngoài ra, qua nắm tình hình ở các địa phương, Bộ Công an đã tham mưu cho Thủ tướng, và Thủ tướng cũng đã chỉ đạo Bộ Y tế yêu cầu các địa phương có báo cáo về việc mua sắm trang thiết bị y tế phòng, chống dịch. Đồng thời, thanh tra các gói thầu mua sắm thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, nhất là mua sắm máy thở…

“Khi thanh tra Bộ Y tế hoặc thanh tra các tỉnh thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì chúng tôi sẽ tiếp nhận, xử lý theo quy định”, Thứ trưởng Bộ Công an nói (Tiền phong, trang 3).

 

19 ngày liên tiếp không có ca mắc mới trong cộng đồng

Chiều tối 5-5, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cho biết, trong ngày, cả nước tiếp tục không ghi nhận người mắc mới dịch Covid-19 và là 19 ngày liên tiếp Việt Nam không có ca mắc mới do lây nhiễm trong cộng đồng.

Hiện nay, số ca mắc Covid-19 ở Việt Nam vẫn là 271 trường hợp, trong đó có 131 ca mắc được cách ly ngay sau khi nhập cảnh.

Trong ngày, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã công bố 11 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại đây khỏi bệnh.

Trong số này có nữ bệnh nhân thứ 161 (88 tuổi, ở Văn Lâm, Hưng Yên) là bệnh nhân Covid-19 cao tuổi nhất tại nước ta và từng nhiều lần nguy kịch nhưng vẫn được điều trị khỏi bệnh.

TS Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết, khi nhập viện, bệnh nhân này được tiên lượng nặng do tuổi cao, có bệnh nền. Quá trình chăm sóc bệnh nhân rất căng thẳng, nhiều bác sĩ đầu ngành được huy động, hội chẩn liên tục để tìm phương án điều trị tối ưu nhất.

Đến nay bệnh nhân thứ 161 đã 3 lần xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2; đã tỉnh táo, nói chuyện tốt, liệt nửa người trái, dấu hiệu sinh tồn ổn định, ăn uống được, tai biến đã chữa ổn định. Do bệnh nhân 161 đã khỏi bệnh Covid-19 nên sau khi công bố khỏi bệnh, bệnh nhân sẽ được chuyển tới Bệnh viện Bạch Mai để tiếp tục điều trị phục hồi chức năng.

Theo Tiểu ban điều trị, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, tối cùng ngày, cả nước đã có 232/271 bệnh nhân Covid-19 được điều trị khỏi bệnh (chiếm 86%); 39 bệnh nhân Covid-19 còn lại đang được điều trị tại một số cơ sở y tế, trong đó 21 trường hợp đã có hơn 1 lần xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.

Liên quan tới diễn biến dịch Covid-19 ở Hà Nội, vào 0 giờ ngày 6-5, UBND huyện Mê Linh công bố dỡ phong tỏa, kết thúc cách ly y tế thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, nơi xem là ổ dịch Covid-19 lớn nhất tại Hà Nội khi có tới 13 ca mắc.

Ông Tạ Quang Thái, Chủ tịch UBND xã Mê Linh, cho biết, sau khi bị cách ly phong tỏa, ổ dịch thôn Hạ Lôi đến nay cơ bản được kiểm soát do trong suốt quá trình thực hiện cách ly, người dân tự giác chấp hành nghiêm túc quy định về phòng chống dịch (Sài Gòn giải phóng, trang 7). 

 

Người bệnh COVID-19 tái dương tính không lây nhiễm cho cộng đồng

“Người bệnh tái dương tính COVID-19 không lây nhiễm” – ông Nguyễn Văn Kính, chuyên gia cao cấp, nguyên giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, khẳng định.

Hiện Bộ Y tế có quy định tất cả bệnh nhân tái dương tính phải được tiếp nhận, cách ly, điều trị như bệnh nhân mới.

Theo ông Kính, COVID-19 khác với bệnh SARS 2003 và nhiều bệnh khác; bệnh SARS, MERS-CoV bệnh nhân khỏi là hết virus, virus cũng chỉ tồn tại một thời gian ngắn.

“COVID-19 bản chất cũng là virus corona giống hai bệnh kể trên, nhưng tính đột biến của virus này đa dạng, không ổn định như SARS và MERS-CoV, thế giới cần nhiều thời gian để nghiên cứu về sinh bệnh học và miễn dịch của virus này”- ông Kính nói.

Và một trong những bất thường của COVID-19 là làn sóng tái dương tính ở bệnh nhân COVID-19 đã được công bố khỏi bệnh xuất hiện. Việt Nam ghi nhận 14-15 bệnh nhân tái dương tính, Hàn Quốc 260 bệnh nhân…

“Ở người tái dương tính không có bất cứ dấu hiệu lâm sàng nào, người đó có biểu hiện hoàn toàn khỏe mạnh, nhưng khi làm xét nghiệm lần cuối có kết quả tái dương tính” – ông Kính mô tả.

Ông Kính cho biết bản chất của xét nghiệm COVID-19 hiện nay là dùng kỹ thuật Realtime PCR có độ nhạy rất cao (98%).

“Việt Nam hiện là một trong số ít ỏi các quốc gia có thể nuôi cấy, phân lập virus này, nên tất cả các ca tái dương tính quay lại chúng tôi theo dõi đều chuyển nuôi cấy, phân lập tại Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương. Tất cả các trường hợp đều có kết quả virus không mọc lại. Kết quả này cho thấy việc xét nghiệm dương tính chỉ là phát hiện cái xác, mảnh của virus, là kết quả của quá trình thải loại. Theo dõi dịch tễ tại Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản… đều không có lây nhiễm cho người nào, kể cả khi họ về cộng đồng cách ly, hoặc có tiếp xúc với người thân cũng không ghi nhận lây nhiễm” – ông Kính nói (Tuổi trẻ, trang 14).

 

Bệnh nhân điều trị dài ngày nhất

Ngày 5-5 là ngày thứ 43 của bệnh nhân 137 – anh Đ.V.B. ở bệnh viện, đây có thể coi là bệnh nhân có thời gian điều trị, cách ly dài nhất ở Việt Nam. Anh B. cho biết anh từ Đức về Việt Nam và được đi cách ly tại Hà Nội, ngày thứ 9 của đợt cách ly anh có dấu hiệu ho, sốt, hơi đau vùng thắt lưng, xét nghiệm cho thấy dương tính với virus corona.

“Tôi bị lây nhiễm từ người cùng phòng trong thời gian cách ly, ngày 23-3 tôi được chuyển vào Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương điều trị, đến 7-4 được công bố khỏi bệnh lần 1, được cách ly tiếp tại bệnh viện 14 ngày đến 21-4. Ngày 22-4 tôi được về quê thì chiều 23-4 ôtô của bệnh viện lại đón tôi quay lại vì kết quả xét nghiệm tái dương tính” – anh B. cho biết.

Vậy là anh B. tiếp tục trở lại bệnh viện. Anh được làm liên tiếp 3 xét nghiệm trong ngày 24-4, xét nghiệm cứ “chập chờn” nên anh được giữ lại theo dõi. Vì là bệnh nhân dương tính, anh được cách ly riêng một phòng để theo dõi.

Ngày 5-5, sau 11 ngày cách ly đợt 2, anh B. được công bố khỏi bệnh lần 2, nhưng anh phải tiếp tục cách ly thêm 14 ngày tới.

Như vậy anh đã có 9 ngày cách ly trước khi dương tính, 43 ngày điều trị, cách ly tại bệnh viện và 14 ngày cách ly sắp tới. Nếu mọi việc ổn, anh B. sẽ có tổng cộng 66 ngày vừa điều trị, vừa cách ly (Tuổi trẻ, trang 14).

 

Những cuộc can gián bất thành

Nhìn ông Doãn Hữu Long gục đầu khóc sùi sụt, tôi thầm hy vọng ông đang ân hận về việc đã đặt bút ký các quyết định sai trái trong cuộc đấu thầu thuốc 2014-2015, dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng xảy ra với tính mạng bệnh nhân. Đáng tiếc, tia hy vọng nhỏ nhoi ấy chẳng bao lâu sau đã tắt hẳn…

Vào “guồng”, phải theo?

Việc 2 người khác giới ngồi cách nhau không xa trong căn phòng vắng vẻ phía sau khoảng sân rợp bóng cây của nhà hàng Ea Nao lúc gần 11 giờ trưa, trong khi người đàn ông gục đầu khóc mãi, là cảnh tượng quá dễ bị hiểu nhầm. Với tôi, là tình huống bi hài khó quên. Thật ngang trái vì địa điểm vốn chỉ phù hợp cho những đôi lứa hò hẹn này, lại được chính ông Giám đốc Sở Y tế chọn để giãi bày tâm tư cùng nữ nhà báo không nhân nhượng trước những hành vi sai trái của ông.

Với cá tính tôi chưa từng thích nghe tiếng khóc, huống hồ là tiếng khóc đàn ông! Tiếng khóc của người mà trước đó tôi chỉ biết về những điều không mấy tốt đẹp. Im nghe hồi lâu trong lúc máy ghi âm vẫn quay, tôi đành nhẹ nhàng nhắc: Anh ạ, tôi tới đây có phải để nghe anh khóc đâu?

Bình tĩnh lại, ông Giám đốc Sở Y tế, vị “tư lệnh” ngành Y có hơn 6.000 cán bộ nhân viên thuộc quyền bắt đầu nói. Ông xin lỗi vì không ngăn được nước mắt khi nhớ về làng quê nghèo khổ của mình. Với quê hương, gia tộc, ông là niềm tự hào, là đứa con thành đạt, nên rất sợ bị báo chí đăng bài phê phán. Ông công nhận cuộc đấu thầu thuốc vừa qua có một số khâu thực hiện không đúng các quy định. Lý do thì nhiều. Theo lời ông giải thích: Phần vì ông từ vị trí Giám đốc Bệnh viện thành phố Buôn Ma Thuột được nhấc thẳng lên ghế Giám đốc Sở hồi tháng 2/2014, tới nay mới hơn năm rưỡi, chưa quen hết việc; Phần vì “vào guồng” rồi mới thấy nhiều chuyện phải lệ thuộc ý người khác, không dễ để tự quyết được.

“Lệ thuộc ý người khác”, là ý ai? Vì sao phải lệ thuộc? Tôi hỏi. Ông ngắc ngứ hồi lâu, cẩn trọng bước ra cửa nhìn quanh rồi trở vào thì thầm “Nhà báo nên chú ý chi tiết này: Ông Nguyễn Hữu Thông đã ngồi ở vị trí Trưởng phòng Tài chính Kế toán quá lâu, 4 nhiệm kỳ rồi, gấp đôi thời gian so với quy định. Mình chỉ nhắc vậy thôi. Còn tùy nhà báo cứ tìm hiểu thêm.”

Có thể dừng, hay hoãn đăng không?

Tôi đang viết bài thì phải tiếp 2 lượt khách lần đầu đến Văn phòng Đại diện báo Tiền Phong khu vực Tây Nguyên. Tới trước là bác sĩ Bùi Trường Phong-Lúc bấy giờ là Phó giám đốc Sở Y tế, kiêm Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, đã điện thoại xin gặp. BS Trường Phong hỏi tôi: Chị có thể ngưng hoặc tạm hoãn cuộc điều tra này lại đến sau khi Tỉnh ủy tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh được không? Lý do: Y tế tỉnh nhà chưa từng có Tỉnh ủy viên. Bác sĩ Doãn Hữu Long đang là ứng cử viên trong kỳ Đại hội sắp tới.

Tròn 20 năm trước, BS Bùi Trường Phong khi còn là Trưởng khoa Sản Bệnh viện Đa khoa tỉnh từng bị tôi “điểm danh” cùng nhiều đồng nghiệp khác về những sai sót nghiệp vụ, y đức trong loạt bài điều tra “Phải làm gì để chữa bệnh cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh?”. Sau khi báo Tiền Phong đăng bài, Tỉnh ủy chỉ đạo tổ chức bỏ phiếu lấy ý kiến cán bộ nhân viên toàn bệnh viện về loạt bài này.

Cuộc bỏ phiếu công khai, dân chủ cho ra kết quả: 60% phiếu công nhận báo Tiền Phong hoàn toàn đúng; 20% cho rằng có đúng có sai; 20% còn lại là phiếu trắng. Những con số tự nói lên đa số cán bộ nhân viên Bệnh viện cũng thấy phải thay đổi. Thành quả đáng khích lệ nhất, hầu như tất cả những vị bác sĩ, kỹ thuật viên bị kỷ luật, kiểm điểm, khiển trách bởi loạt bài đó đều cầu thị nhận lỗi, sửa sai, cống hiến tốt hơn cho ngành, và giữa chúng tôi hình thành mối quan hệ tôn trọng, hỗ trợ lẫn nhau.

Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên bác sĩ Bùi Trường Phong thân chinh đến Văn phòng báo Tiền Phong, và lại đến để đặt ra một đề nghị “khó xử” như thế. Tôi hỏi ông nghĩ sao về việc mới đây thôi, giữa ông, giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh với BS Doãn Hữu Long – Giám đốc Bệnh viện TP Buôn Ma Thuột còn là đối thủ trong cuộc “chạy đua” vào vị trí Giám đốc Sở.

Bác sĩ Bùi Trường Phong thở dài, nói ông có biết, có nghe cả. Nhưng nhiều anh em đang hy vọng có tiếng nói ngành Y trong tỉnh ủy, thì quyền lợi của ngành và cán bộ nhân viên Y tế sẽ tốt hơn. Vì lợi ích chung, ông bỏ qua những hiềm khích trước đây, mong báo Tiền Phong nể tình. Tôi lắc đầu, hỏi sao anh không nghĩ rằng nếu điều tra cho thấy Giám đốc Sở trong sạch, thì việc ông Long được bầu vào tỉnh ủy càng xứng đáng. Còn ngược lại, thì ông Long vào tỉnh ủy chỉ càng gây hại lớn hơn. Chính vì vậy, loạt bài điều tra này càng cần đăng trước Đại hội vì quyền lợi của cả triệu dân tỉnh Đắk Lắk.

Tiếp đó, là anh em ông Vương Đình Hoàng, giám đốc Công ty TNHH Dược phẩm Hoàng Vũ, một trong những “sân sau” về cung ứng thuốc và vật tư cho Sở Y tế Đắk Lắk qua nhiều nhiệm kỳ lãnh đạo. Để có cuộc gặp này, anh vợ ông Vương Đình Hoàng vốn là nhà giáo, đã nhờ thầy giáo cũ của tôi điện thoại “Em yên tâm, các anh ấy biết em là người thế nào, nên không dám có ý gì khác. Chỉ gặp để giãi bày, hiểu nhau thôi”- Thầy tôi bảo.

Trong cuộc gặp gỡ mà đôi bên rất kiệm lời, cẩn trọng, anh em ông Hoàng thăm dò nếu tôi không ngưng, thì loạt bài sẽ đăng trên báo Tiền Phong có liên quan, ảnh hưởng gì tới Công ty TNHH Dược phẩm Hoàng Vũ. “Báo chí chống tiêu cực tham nhũng trước tiên để làm trong sạch hệ thống công quyền. Các anh là doanh nghiệp tư nhân, không sai chẳng có gì phải sợ. Còn nếu sai, nên tự giác khắc phục, đừng tiếp tay cho những cán bộ tha hóa, biến chất. Đừng để chuyện bé xé ra to!”- Tôi trả lời (Tiền phong, trang 15).

 

Nhiều ổ bệnh sốt xuất huyết ở TP.HCM

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết tuần qua, TP ghi nhận có 65 trường hợp bệnh mắc SXH. Như vậy, tổng số ca mắc sốt xuất huyết tính từ đầu năm đến nay là 6.478 trường hợp, giảm 70,1% so với cùng kỳ năm 2019 (21.631 ca), không có trường hợp tử vong.

Cũng trong tuần qua, TP ghi nhận thêm 6 ổ bệnh nhỏ sốt xuất huyết mới phát sinh ở 7 phường, xã thuộc 4/24 quận, huyện, tăng 2 ổ bệnh mới so với tuần trước. Tuy vậy, số liệu người mắc sốt xuất huyết tuần qua giảm 43,8% so với trung bình 4 tuần trước (116 ca).

Hiện ngành y tế đã xử lý phun hóa chất, diệt loăng quăng tại các ổ bệnh và những điểm nguy cơ tại 15 phường, xã thuộc 5/24 quận, huyện.

TP.HCM và các tỉnh phía Nam đang chuẩn bị bước vào mùa mưa. Đây là thời tiết thuận lợi để bùng phát dịch sốt xuất huyết, do đó người dân cần nâng cao ý thức trong việc phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết, không chủ quan, lơ là ngay cả khi các trường hợp mắc bệnh đang giảm.

Ngoài ra, các bệnh truyền nhiễm khác như sởi, tay chân miệng… cũng có xu hướng giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, phụ huynh cần chú ý phòng ngừa bệnh tay chân miệng khi học sinh đã trở lại trường học.

Trước đó, ông Nguyễn Hữu Hưng – phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM – yêu cầu trung tâm y tế 24 quận, huyện không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 đến các dịch bệnh khác sắp vào mùa như sốt xuất huyết, tay chân miệng… tránh xảy ra tình trạng dịch chồng dịch (Tuổi trẻ, trang 14).

 

Sinh đủ hai con có thể được hỗ trợ chi phí giáo dục và mua nhà ở xã hội

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định số 588 phê duyệt “Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030”, trong đó đặt mục tiêu tới năm 2030, tăng 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh thấp và duy trì kết quả sinh ở những tỉnh, thành phố đã đạt mức sinh thay thế 2-2,2 con.

Để đạt được mục tiêu này, Thủ tướng đề ra nhiều biện pháp cụ thể, trong đó, yêu cầu sửa đổi các quy định không còn phù hợp với mục tiêu duy trì vững chắc mức sinh thay thế, đặc biệt là các quy định xử lý vi phạm chính sách dân số hiện hành.

Thủ tướng cũng yêu cầu đề xuất ban hành quy định về việc đề cao tính tiên phong, gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên trong việc sinh đủ 2 con. Đối với địa phương đã đạt mức sinh thay thế và có mức sinh thấp, cần rà soát, bãi bỏ các chính sách khuyến khích sinh ít con. Từng bước ban hành, thực hiện các chính sách khuyến khích sinh đủ 2 con.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu chính quyền địa phương nghiên cứu, ban hành các biện pháp hỗ trợ các cặp vợ chồng sinh đủ hai con. Cụ thể là hỗ trợ tư vấn, cung cấp dịch vụ hôn nhân và gia đình. Phát triển các câu lạc bộ kết bạn trăm năm, hỗ trợ nam, nữ thanh niên kết bạn; tư vấn sức khỏe trước khi kết hôn; khuyến khích nam, nữ kết hôn trước 30 tuổi và sớm sinh con.

Hỗ trợ phụ nữ khi mang thai, sinh con và sinh đủ hai con như tư vấn, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em bao gồm: sàng lọc vô sinh, sàng lọc trước sinh và sau sinh; phòng chống suy dinh dương; tạo điều kiện trở lại nơi làm việc cho phụ nữ sau khi sinh con; giảm thuế thu nhập cá nhân; miễn giảm các khoản đóng góp công tích theo hộ gia đình.

Một chính sách nổi bật nữa cũng được Thủ tướng nêu ra là hỗ trợ các cặp vợ chồng sinh đủ hai con mua nhà ở xã hội, thuê nhà ở, ưu tiền vào các trường công lập, hỗ trợ chi phí giáo dục trẻ em.

Đặc biệt, theo quyết định, Thủ tướng yêu cầu từng bước thí điểm các biện pháp tăng trách nhiêm đóng góp xã hội, cộng đồng đối với những trường hợp cá nhân không muốn kết hôn hoặc kết hôn quá muộn (Tiền phong, trang 3).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 05/9/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 17/10/2018

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 30/10/2020

CDC Hà Nam

Để lại bình luận