Điểm báo ngày 06/9/2021

(CDC Hà Nam)

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đã giãn cách thì phải kiểm soát được dịch; Truy tặng Huân chương Lao động cho hai nhân viên y tế ở TP.HCM; Tín hiệu vui từ hai ‘tâm dịch’; TP.HCM: Phê bình nghiêm khắc những quận, huyện chậm phát túi thuốc cho F0; Lại gặp khó vì giấy đi đường; Thêm một Bệnh viện dã chiến ở TP.HCM

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đã giãn cách thì phải kiểm soát được dịch

Kết luận cuộc họp với 63 tỉnh, thành và 9.043 xã, phường trên cả nước về phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đã giãn cách xã hội thì phải kiểm soát được dịch, không để kéo dài mãi mà không có kết quả.

Chống dịch đang đi đúng hướng

Chiều 5/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 chủ trì cuộc họp trực tuyến toàn quốc của Ban Chỉ đạo với các địa phương. Cuộc họp được kết nối tới toàn bộ 63 tỉnh, thành phố, 705 quận, huyện, thị xã, 9.043 xã, phường, thị trấn trên cả nước, để đánh giá tình hình và triển khai các giải pháp trọng tâm phòng chống dịch thời gian tới. Phát biểu mở đầu cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, cuộc họp bàn về công tác phòng chống dịch nói chung nhưng tập trung vào trọng tâm là cấp xã, phường, thị trấn vì vừa qua chúng ta chuyển hướng phòng chống dịch theo phương châm mỗi xã, phường, thị trấn là một “pháo đài”, mỗi người dân là một “chiến sĩ”. Điều này rất phù hợp với hệ thống chính trị Việt Nam, vì người dân sống ở xã, phường, thị trấn; xã, phường, thị trấn là nơi gần dân nhất, hiểu dân nhất, tiếp xúc nhiều nhất, trực tiếp nhất với dân.

Báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết trong giai đoạn giãn cách xã hội và tăng cường thực hiện giãn cách xã hội từ 22/8 – 4/9 tại 23 địa phương đã ghi nhận 169.703 ca mắc COVID-19. Số ca mắc mới theo ngày tiếp tục tăng do đang thực hiện đợt cao điểm xét nghiệm tầm soát trên diện rộng. So với 1 tuần trước, 7/23 địa phương có số mắc mới trong tuần tăng, TP HCM tăng 9.835 ca (31%). Có 16 địa phương ghi nhận số mắc giảm so với tuần trước: Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang, Đồng Tháp, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Cần Thơ, Bà Rịa- Vũng Tàu, Phú Yên, Vĩnh Long, An Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Hậu Giang, Cà Mau. Trong đó, có 8 tỉnh: Hậu Giang, Kiên Giang, Trà Vinh, Đồng Nai, Đồng Tháp, Phú Yên, Vĩnh Long, Khánh Hòa, tỷ lệ nhiễm tại cộng đồng giảm liên tục trong 14 ngày qua. Từ những con số trên, Bộ trưởng Bộ Y tế đánh giá, công tác phòng, chống dịch đang đi đúng hướng, phù hợp với diễn biến tình hình và điều kiện thực tế của nước ta.

Ðã giãn cách thì phải kiểm soát được dịch bệnh

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Y tế, tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp, khó lường vì vậy vẫn phải tiếp tục cầu thị, khiêm tốn, lắng nghe, vừa làm vừa rút kinh nghiệm để bổ sung, hoàn thiện với tinh thần không cầu toàn, không nóng vội và phải tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả. Báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch cũng lưu ý vẫn còn một số địa phương như Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ… khi ban hành các quy định phòng, chống dịch theo thẩm quyền, nhất là vấn đề giao thông, lưu thông hàng hóa, chưa cân nhắc kỹ lưỡng một số mặt như cách làm, thời điểm thực hiện, việc đánh giá tác động và chuẩn bị truyền thông…nên gây bức xúc trong dư luận. Vì thế, Ban Chỉ đạo lưu ý các địa phương khi ban hành theo thẩm quyền các quy định về phòng, chống dịch, nhất là vấn đề giao thông, lưu thông hàng hóa, cần cân nhắc kỹ lưỡng cách làm, thời điểm thực hiện, đánh giá tác động, chuẩn bị truyền thông… phải bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch trên địa bàn. Trường hợp cần thiết báo cáo xin ý kiến Ban chỉ đạo Quốc gia.

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định công tác phòng, chống dịch đã và đang đi đúng hướng. Tuy nhiên kết quả chưa đạt được như mong muốn do khâu tổ chức thực hiện còn hạn chế. Từ đó, Thủ tướng lưu ý các địa phương, các xã, phường khi tiến hành giãn cách phải thực hiện nghiêm ngặt để ngăn chặn dịch. Bởi đã giãn cách, hy sinh phát triển kinh tế thì phải đạt kiểm soát được dịch bệnh, “không để giãn cách kéo dài, lai dai mãi mà không có kết quả” (Tiền phong, trang 3; Sài Gòn giải phóng, trang 2; Lao động, trang 2).

Truy tặng Huân chương Lao động cho hai nhân viên y tế ở TP.HCM

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ký quyết định truy tặng Huân chương Lao động hạng 3 cho hai nhân viên y tế có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống dịch COVID-19 tại TP.HCM. Đó là bác sĩ Trịnh Hữu Nhẫn, nguyên trưởng Trạm y tế xã Phước Lộc (huyện Nhà Bè) và điều dưỡng Trần Thị Phương Hằng, khoa hồi sức tích cực (Bệnh viện Nhân dân Gia Định) vì có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP.HCM.

Bác sĩ Trịnh Hữu Nhẫn có 40 năm hoạt động trong ngành y tế, bắt đầu công tác tại Trung tâm Y tế huyện Nhà Bè từ năm 1981. Trong đó có đến 38 năm gắn bó với Trạm y tế xã Phước Lộc. Trong quá trình tham gia phòng chống dịch, ông được phát hiện mắc COVID-19 từ giữa tháng 7 và mất vào ngày 4-8 sau 2 tuần điều trị hồi sức tích cực.

Điều dưỡng Trần Thị Phương Hằng công tác tại khoa hồi sức tích cực (Bệnh viện Nhân dân Gia Định) từ tháng 1-2003. Ngày 27-7-2021, Bệnh viện Nhân dân Gia Định chuyển đổi công năng khoa hồi sức tích cực chống độc thành khoa hồi sức COVID-19, điều dưỡng Hằng đã phải xa gia đình, xa hai con nhỏ, lưu trú tại khách sạn sau giờ làm việc căng thẳng.

Nữ điều dưỡng Hằng được xác định mắc COVID-19 ngày 31-7-2021, nhập viện điều trị ngày 1-8-2021 và qua đời ngày 13-8 (Tuổi trẻ, trang 5; Tiền phong, trang 2).

Tín hiệu vui từ hai ‘tâm dịch’

Nỗ lực thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp chống dịch của ngành y tế và cơ quan chức năng tại TPHCM và tỉnh Bình Dương đã mang lại những tín hiệu tích cực. Số ca mới mắc bệnh trong cộng đồng đang từng bước được kiểm soát, tình hình ca bệnh chuyển nặng, tử vong đang dần được khống chế.

TPHCM giữ vững “vùng xanh”

Tại cuộc họp báo về tình hình phòng chống dịch chiều 5/9, ông Phạm Đức Hải, Phó Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TPHCM cho biết, đến nay đã có 245.707 trường hợp mắc bệnh được phát hiện tại TPHCM và được Bộ Y tế công bố. Các bệnh viện trên địa bàn hiện đang điều trị 42.863 bệnh nhân, số ca tử vong cộng dồn từ đầu năm đến nay là 10.452 trường hợp.

Theo ông Hải, đợt bùng phát dịch lần thứ tư gây ra nhiều đau thương mất mát cho cộng đồng. Tuy nhiên, các giải pháp phòng chống dịch đang từng bước mang lại kết quả bước đầu cho thấy những tín hiệu khả quan. Hiện tại thành phố đã hoàn tất chiến dịch xét nghiệm lần thứ nhất tại các vùng có nguy cơ lây nhiễm cao kể từ ngày 23/8 đến nay với hơn 2 triệu mẫu xét nghiệm đã được thực hiện, trong đó có 3,6% số mẫu được xác định dương tính.

“Các địa phương đang hỏa tốc thực hiện xét nghiệm lần thứ hai để nhanh chóng bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, ở đợt xét nghiệm lần thứ hai, số ca bệnh được phát hiện đã giảm xuống còn 2,7%”- ông Hải nói và cho biết, chiến dịch tiêm chủng vắc- xin ngừa COVID-19 cho cộng đồng đang được đẩy mạnh. Đến nay, thành phố đã thực hiện được gần 6,5 triệu liều vắc- xin cho người dân, cơ bản hoàn thành chích ngừa mũi thứ nhất, đang tập trung đẩy nhanh tiến độ chích mũi thứ hai để sớm đạt được miễn dịch cộng đồng.

Theo Sở Y tế TPHCM, hiện thành phố đã tổ chức các trạm y tế lưu động để chăm sóc, theo dõi sức khỏe F0 khi điều trị, chăm sóc tại nhà. Khi xét nghiệm test nhanh và phát hiện F0, các trạm y tế lưu động đang nắm bắt thông tin nhanh và xử lý kịp thời, góp phần giảm tải cho bệnh viện. Triển khai phát các túi thuốc cho F0 chăm sóc, điều trị tại nhà cho hơn 84.000 trường hợp cách ly tại nhà ngay khi phát hiện bệnh.

BS Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM cho biết, cuộc chiến chống dịch đang có những tín hiệu vui, kể từ khi thành phố triển khai túi thuốc C (thuốc kháng virus Molnupiravir). Hiện đã có hơn 5.000 liều thuốc kháng virus Molnupiravir được cấp phát cho F0, bước đầu cho thấy thuốc kháng virus đang phát huy hiệu quả trong việc giảm số ca bệnh diễn tiến nặng trong cộng đồng từ đó giảm số người phải nhập viện điều trị, góp phần từng bước kéo giảm tử vong.

Đến nay, thành phố đã có 2 quận huyện là Củ Chi và Quận 7 công bố kiểm soát được dịch. Ban chỉ đạo chống dịch thành phố cho biết, đây là kết quả đáng mừng từ thành quả hợp tác chung tay chống dịch của cộng đồng và chính quyền thành phố. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh còn những diễn biến khó lường, thời gian tới, các địa phương đã kiểm soát được dịch sẽ tiếp tục tăng cường các phương án hạn chế tối đa nguy cơ dịch xâm nhập, lây lan, bảo vệ vùng xanh trên bản đồ COVID-19.

Bình Dương sẽ cho người đã tiêm vắc- xin được ra đường

Mặc dù ca mắc COVID-19 vẫn ở mức 4 con số nhưng số bệnh nhân xuất viện về nhà ở Bình Dương mỗi ngày cao hơn ca mắc mới. Địa phương này đang tính việc cho người đã tiêm vắc- xin được ra đường để tham gia lao động sản xuất bình thường, miễn sao những người này phải tuân thủ nguyên tắc 5K của Bộ Y tế.

Tính đến ngày 5/9, tỉnh Bình Dương ghi nhận 128.893 ca mắc COVID-19 (tính từ đợt dịch thứ tư đến nay), trong đó có 1.059 ca tử vong và hơn 74.000 bệnh nhân xuất viện về nhà. Số ca mắc COVID-19 ở Bình Dương đang có xu hướng giảm dần.

Cụ thể, vào ngày 30/8, Bình Dương ghi nhận đến 6.050 ca. Liên tục 3 ngày sau đó, địa phương này ghi nhận số ca mắc giảm dần dao động từ 3 đến 4.000 ca. Ngày 3/9, Bình Dương ghi nhận 3.676 ca và ngày 4/9, ghi nhận 2.485 ca mắc COVID-19. Các ca F0 ở Bình Dương được ghi nhận chủ yếu ở khu vực đang bị “đông cứng, khóa chặt”. Ngoài việc số ca mắc tiếp tục giảm dần, Bình Dương có số bệnh nhân xuất viện dao động từ 2 đến 3.000 người mỗi ngày, số bệnh nhân xuất viện cũng cao hơn ca mắc mới trong 3 ngày liên tiếp tại đây. Để đạt mục tiêu đến ngày 15/9 đưa tỉnh trở lại trạng thái “bình thường mới”, Bình Dương đang đẩy nhanh tiến độ triển khai 2 chiến dịch “thần tốc xét nghiệm” và “thần tốc tiêm vắc- xin”. Song song với xét nghiệm, Bình Dương đang triển khai tiêm vắc- xin để miễn dịch cho người dân. Đến nay, địa phương đã tiêm 1.063.054 liều vắc- xin (gồm 1.017.741 mũi 1 và 45.313 mũi 2). Tỉnh Bình Dương đang triển khai tiêm 1 triệu liều vắc-xin Vero Cell của Sinopharm đã được phân bổ. Tính đến sáng 5/9, tỉnh Bình Dương đã tiêm gần 300.000 liều vắc- xin Vero Cell cho người dân. Bình Dương đặt ra chỉ tiêu phấn đấu tiêm 250.000 liều/ngày.

PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu – Giám đốc Bệnh viện Hồi sức cấp cứu bệnh nhân COVID-19 tại Bình Dương cho biết, những người sau khi tiêm ngừa vắc- xin 15 ngày sẽ hình thành kháng thể giúp bảo vệ sức khỏe không bị nhiễm bệnh một phần, trường hợp có nhiễm bệnh cũng hạn chế bị diễn biến nặng. Cũng theo ông Hiếu, để giảm tải cho các bệnh viện dã chiến thu dung điều trị F0 thể nhẹ, các trường hợp bệnh nhân trước đó đã có cách ly tại các địa phương, khi chuyển tiếp đến bệnh viện dã chiến có thời gian từ 7 ngày trở lên sẽ được xét nghiệm, nếu kết quả âm tính sẽ cho bệnh nhân xuất viện về nơi cư trú tiếp tục thực hiện cách ly, theo dõi sức khỏe theo quy định.

Ngày 5/9, đại diện Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Dương cho biết, Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương đã giao ngành y tế phối hợp với các đơn vị có liên quan nghiên cứu, tham mưu về phương án cho người dân được ra đường đối với trường hợp đã được tiêm 2 mũi vắc- xin và 1 mũi sau khi đã tiêm được 20 ngày. “Với phương châm vắc- xin tốt nhất là vắc- xin được tiêm sớm nhất. Do đó, chúng tôi đang thần tốc tiêm vắc-xin cho người dân. Đối với người lao động phải đảm bảo 100% được tiêm vắc-xin nhằm tránh đứt gãy chuỗi sản xuất”, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi nói (Tiền phong, trang 4).

TP.HCM: Phê bình nghiêm khắc những quận, huyện chậm phát túi thuốc cho F0

Ngày 5-9, Sở Y tế TP.HCM đã có văn bản gửi đến chủ tịch UBND quận, huyện và TP Thủ Đức, trung tâm y tế quận, huyện, TP Thủ Đức về việc cấp phát túi thuốc cho bệnh nhân COVID-19 điều trị tại nhà.

Sở Y tế cho biết, sau khi ban hành công văn về việc phân bổ túi thuốc A, B cho bệnh nhân F0 điều trị bệnh COVID-19 tại nhà, sở này đã chuẩn bị 150.000 túi thuốc A và B, Bộ Y tế cấp 16.000 túi thuốc C (thuốc kháng virus Molnupiravir) và đã phân bổ vượt so với số bệnh nhân F0 do quận, huyện và TP Thủ Đức báo cáo.

Tuy nhiên, qua kết quả kiểm tra, giám sát về hoạt động chăm sóc, quản lý người F0 đang cách ly tại nhà và báo cáo số liệu cấp phát túi thuốc đến bệnh nhân F0 chậm, do đó, còn nhiều bệnh nhân F0 chưa được nhận túi thuốc, gây bức xúc cho người bệnh.

Để đảm bảo bệnh nhân F0 điều trị tại nhà được tiếp cận túi thuốc điều trị kịp thời, giảm trường hợp chuyển nặng, Sở Y tế đề nghị chủ tịch UBND các quận, huyện, thành phố chỉ đạo các bên liên quan khẩn trương rà soát và cấp phát túi thuốc cho bệnh nhân F0, tuyệt đối không để bất kỳ trường hợp bệnh nhân F0 điều trị tại nhà bị thiếu thuốc.

Đồng thời, Sở Y tế cho biết sẽ nghiêm khắc phê bình những trung tâm y tế, trạm y tế chậm triển khai đưa túi thuốc đến cho người bệnh (Tuổi trẻ, trang 4).

Lại gặp khó vì giấy đi đường

Mặc dù ngày 6/9, dự kiến có 6 nhóm đối tượng được lực lượng chức năng xét duyệt hồ sơ, cấp giấy đi đường. Thế nhưng do quá gấp gáp,chưa biết xoay xở ra sao, nhiều doanh nghiệp (DN) xác định tạm nghỉ đến khi có hướng dẫn cụ thể.

Không kịp xin giấy đi đường

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, một DN trông giữ phương tiện trên địa bàn quận Hoàn Kiếm cho biết, từ sáng 5/9 khi Công an Hà Nội có thông báo về quy trình xét duyệt, cấp giấy đi đường, thẻ đi mua hàng thiết yếu tại vùng 1 (vùng đỏ) phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19, DN này đã hỏi khắp nơi để xác định mình thuộc nhóm đối tượng nào. Đến chiều cùng ngày, DN cho biết vẫn chưa thực hiện được thủ tục xin cấp giấy đi đường, do đó đến ngày 6/9 chưa biết cho nhân viên đi thực hiện công việc ra sao. Bà Hoàng Dương (doanh nghiệp sản xuất thực phẩm có trụ sở tại phường Bồ Đề, quận Long Biên) cho biết, đến chiều 5/9, cơ sở sản xuất của bà vẫn chưa biết thủ tục liên quan việc cấp giấy đi đường theo quy định mới của thành phố Hà Nội. Công an phường dù trao đổi thông tin thường xuyên với phía doanh nghiệp nhưng đến nay chưa có hướng dẫn cụ thể nào.

Theo lãnh đạo DN này, đơn vị đang phải xin giấy đi đường theo 2 hướng riêng. Khối thứ nhất là văn phòng, sản xuất. Khối này phải xin xác nhận từ cảnh sát khu vực thuộc Công an phường. Khối thứ hai là các nhân viên giao hàng (shipper), phải xin xác nhận từ Sở Công Thương Hà Nội. Đối với khối shipper, DN đang thực hiện theo mẫu cũ gửi lên Sở Công Thương Hà Nội. Sở này đã có tin nhắn xác nhận hồ sơ và chuyển cho Sở Giao thông Vận tải (GTVT). Tuy nhiên đến nay DN vẫn chưa nhận được phản hồi của Sở GTVT Hà Nội và cũng không có đầu mối của Sở GTVT để kiểm tra tiến độ. “Theo quy trình này thì gần như DN sẽ không được cấp giấy đi đường vào ngày 6/9, chúng tôi đã thông báo cho nhân viên tạm nghỉ để chờ thông tin”, bà Dương nói.

Ông H (đại diện một DN tại quận Đống Đa) cho biết, từ sáng 5/9, ông và cả nhân viên đi hỏi khắp nơi để tìm hiểu về việc xin cấp giấy đi đường. Thực tế, ngay việc nhận định DN ở nhóm 2 hay nhóm 6 để xin phép cũng đã “đau đầu”. Bên cạnh đó, ông H cho biết, chính quyền yêu cầu 3 mẫu đăng ký gồm: Công văn đề nghị; Phương án sử dụng lao động; Phương án phòng chống dịch. Thế nhưng chỉ có 2 mẫu đầu tiên, mẫu phương án phòng chống dịch DN đang… tra google để tìm hiểu. DN này cũng đang xác định tùy tình hình có thể phải đóng cửa cả 3 chuỗi cửa hàng nếu không xin kịp giấy đi đường mẫu mới.

Thiếu hướng dẫn cụ thể

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong về điều kiện di chuyển giữa 3 phân vùng phòng chống dịch ở Hà Nội, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho rằng, nguyên tắc nêu ra là phải thực hiện “vùng nào di chuyển ở vùng đó, không trộn lẫn” để phòng chống dịch COVID-19. “Chỉ 6 nhóm đối tượng đủ điều kiện cấp giấy đi đường được đi xuyên vùng. Các shipper cũng chỉ hoạt động theo vùng, đó mới là làm chặt và đúng để phòng, chống dịch COVID-19”, ông Tuấn nêu. Đại diện lãnh đạo quận Hoàn Kiếm cho biết, quận là địa bàn thuộc “vùng 1”, việc kiểm soát đi lại sẽ thực hiện theo quy định chung của cả phân vùng 1, thực hiện tại các chốt cửa ngõ vùng, trường hợp nào đủ điều kiện qua các chốt trực đồng nghĩa đủ điều kiện hoạt động trên địa bàn quận.

Hiện nay, theo văn bản của Sở GTVT Hà Nội, phương án đưa ra chỉ tổ chức phân luồng giao thông đối với người và phương tiện “được phép mới ra đường” và di chuyển từ vùng 1 (vùng đỏ) ra vào vùng 2 (vùng cam), vùng 3 (vùng xanh) và ngược lại thông qua 21 chốt cứng của liên ngành. Người và phương tiện không thuộc đối tượng được phép ra đường không lưu thông qua các chốt. Cụ thể, người và phương tiện từ vùng 1 muốn ra vào vùng 2 lưu thông qua 6 chốt kiểm soát, gồm: Cầu Thăng Long, Cầu Nhật Tân, Cầu Long Biên, Cầu Chương Dương, Cầu Vĩnh Tuy, Cầu Thanh Trì. Đối với người và phương tiện tham gia giao thông (thuộc đối tượng “được phép mới ra đường”) đi từ vùng 1 ra vào vùng 3 và ngược lại thông qua các chốt: Cống Liên Mạc, cầu Diễn, cầu Xuân Phương, cầu Ngà, cầu sông Đáy, cầu An Lạc, cầu 72II, cầu Cù Sơn, cầu Tân Phú, cầu Mai Lĩnh, Ngã ba đê Tả Đáy, cầu Thạch Bích, cầu Khe Tang, cầu Qua, cầu Quán Gánh, Ngã ba đê Hữu Hồng – trạm bơm Hồng Vân.

Một đại diện lãnh đạo huyện thuộc phân vùng 2 cho biết, Ban Thường vụ huyện ủy chiều 5/9 đã họp, cho ý kiến về các quy định, điều kiện cần thiết đối với người từ các nơi khác vào địa bàn huyện. Riêng với công dân của huyện, những trường hợp đang tạm trú trên địa bàn huyện, đề xuất các chốt trực trên địa bàn chỉ kiểm tra chứng minh thư/căn cước công dân. Với những người liên quan yếu tố dịch bệnh trên địa bàn huyện (nếu có) sẽ có thêm các quy định khác, đảm bảo an toàn cho cộng đồng. “Các DN sẽ được sản xuất, vì thành phố phân vùng để tạo điều kiện cho vùng 2 có thể hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, việc kiểm soát hoạt động thế nào cần tiếp tục bàn bạc, thống nhất (Tiền phong, trang 5).

Thêm một Bệnh viện dã chiến ở TP.HCM

Sáng 5-9, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tham dự lễ khai trương Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm 5G thuộc Học viện Quân y điều trị bệnh nhân COVID-19 mức độ nặng tại quận 6, TP.HCM.

Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm 5G đặt tại Phân viện phía Nam Viện Y học cổ truyền Quân đội với quy mô 300 giường, trong đó có 50 giường hồi sức, 200 giường điều trị bệnh nhân nặng, 50 giường điều trị bệnh nhân vừa có nguy cơ chuyển nặng.

Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm 5G kết hợp 2 bệnh viện đầu ngành của quân đội về y học hiện đại (Bệnh viện Quân y 103) và y học cổ truyền (Viện Y học cổ truyền Quân đội), do đó có điều kiện áp dụng các biện pháp phối hợp tốt giữa y học cổ truyền và y học hiện đại với phục hồi chức năng trong điều trị bệnh nhân COVID-19.

Gửi lời cảm ơn các tổ chức, cá nhân đã góp công, góp sức để có được bệnh viện dã chiến trong thời gian rất ngắn, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng mỗi một bệnh viện ra đời sẽ thêm hy vọng, niềm tin giữ lại cuộc sống cho nhiều người, nhiều gia đình. Nhiệm vụ chống dịch được trang bị thêm một vũ khí.

Bệnh viện nằm ở địa bàn quận 6, sẵn sàng đón tiếp bệnh nhân ở địa bàn quận 6 và các quận lân cận sẽ giúp cho mục tiêu khống chế dịch bệnh ở khu vực này và trên địa bàn toàn thành phố đạt được đúng tiến độ.

Ông Đam cũng đánh giá quận 6 có nhiều sáng kiến, nỗ lực thời gian vừa qua. Đây là một địa bàn thiếu cơ sở tại chỗ để chăm sóc bệnh nhân COVID-19, nhất là ở những tầng trên.

“Lực lượng quân đội có nhiều đóng góp, hy sinh cho công tác phòng chống dịch, từ những ngày đầu tiên chống dịch với hàng nghìn chốt biên phòng kiểm soát dịch ở biên giới và suốt hơn 500 ngày qua, nhiều lực lượng đã vào cuộc, vì nhân dân chiến đấu, vì nhân dân phục vụ, vì nhân dân quên mình.

Tôi rất trân trọng đội ngũ y bác sĩ, các nhà khoa học quân đội ngay từ những ngày đầu đã tham gia nghiên cứu kit thử nghiệm, vắc xin, nghiên cứu về virus SARS-CoV-2 và những giải pháp chống lại nó.

Đến ngày hôm nay lực lượng quân đội là một phần không thể thiếu trong lực lượng trực tiếp chống dịch”, Phó thủ tướng phát biểu.

Ông Đam mong rằng toàn xã hội, tất cả các lực lượng, dù là công hay tư, chúng ta phải bước qua tất cả những ràng buộc, kể cả cơ chế, kể cả trong suy nghĩ để làm sao kiểm soát, dập được dịch, sớm nhất đem lại cuộc sống bình thường mới cho nhân dân.

Ông gửi lời cảm ơn các tướng lĩnh quân đội, chiến sĩ và các lực lượng, cảm ơn các thầy thuốc và các lực lượng đang tiếp tục quên mình để chống dịch (Tuổi trẻ, trang 5; Sài Gòn giải phóng trang 7).

Trước 15/9, Hà Nội, TPHCM phải hoàn thành tiêm mũi 1 vắc xin

Không giới hạn số lượng người tiêm trong mỗi buổi tiêm chủng, giảm bớt thủ tục hành chính, phát huy tối đa năng lực tiêm của các điểm tiêm chủng; yêu cầu các cơ sở tiêm chủng sử dụng ứng dụng nền tảng Hồ sơ sức khỏe điện tử để quản lý và theo dõi tiến độ tiêm chủng. Trên đây là yêu cầu của Bộ Y tế tại công điện số 1316/CĐ-BYT gửi Chủ tịch UBND TPHCM, Hà Nội, tỉnh Bình Dương, Long An và Đồng Nai về việc đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin COVID-19.

Đến nay, TP HCM, tỉnh Long An và Bình Dương đã được phân bổ vắc xin đủ để bao phủ mũi thứ nhất cho 100% người từ 18 tuổi trở lên. Để đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, tại công điện do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long ký ban hành, Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trên tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện một số nội dung.

Cụ thể:

Tổ chức tiêm chủng cho tất cả các trường hợp từ 18 tuổi trở lên (bao gồm cả phụ nữ có thai) sinh sống và làm việc trên địa bàn theo Nghị quyết 21/NQ-CP ngày 26/2/2021 của Chính phủ; các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 3355/QĐ-BYT ngày 8/7/2021 của Bộ Y tế và hoàn thành tiêm chủng mũi 1 cho toàn bộ người dân trên 18 tuổi trước 15/9/2021; tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian.

Huy động tối đa các lực lượng tham gia tiêm chủng bao gồm cả y tế nhà nước và tư nhân, các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh, y tế các ngành,…; tổ chức tiêm tại các cơ sở cố định và bố trí nhiều điểm tiêm chủng lưu động tại các khu dân cư, cơ quan, đơn vị; không giới hạn số lượng người tiêm trong mỗi buổi tiêm chủng, giảm bớt thủ tục hành chính, phát huy tối đa năng lực tiêm của các điểm tiêm chủng. Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở tiêm chủng sử dụng ứng dụng nền tảng Hồ sơ sức khỏe điện tử để quản lý và theo dõi tiến độ tiêm chủng.

Cũng tại công điện, Bộ Y tế đề nghị 5 địa phương này hướng dẫn người dân điền phiếu đồng ý tham gia tiêm chủng, phiếu sàng lọc trên nền tảng Hồ sơ sức khỏe điện tử hoặc trên bản giấy, thực hiện khai báo y tế trước khi tham gia tiêm chủng; thông báo thời gian và địa điểm tiêm để người dân đến tiêm đầy đủ, đúng giờ và không tập trung đông người tại một thời điểm; sắp xếp thời gian theo dõi sau tiêm chủng phù hợp (Tiền phong, trang 4).

Mậu Ngọ tổng hợp

Bài viết liên quan

Tăng quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế

Ngọc Nga

75% người bệnh sa sút trí tuệ không được chẩn đoán kịp thời

Ngọc Nga

Điểm báo ngày 16/7/2018

admin

Để lại bình luận