Điểm báo ngày 07/3/2022

(CDC Hà Nam)
Đến lúc bỏ đếm số ca bệnh và xem Covid-19 là bệnh đặc hữu?; Để thuốc kháng virus Molnupiravir đến tay F0 kịp thời nhất; Hậu Covid-19 ở trẻ có thể do độc tố của vi rút; Bộ Y tế: Lúc này vẫn chưa thể coi Covid-19 là bệnh đặc hữu hay bệnh lưu hành…

 

Đến lúc bỏ đếm số ca bệnh và xem Covid-19 là bệnh đặc hữu?

Dịch bệnh Covid-19 đang gia tăng nhanh chóng với chủng gây bệnh chiếm ưu thế là Omicron. Theo các chuyên gia nhận định, số ca được báo cáo hằng ngày của ngành y tế chỉ là bề nổi của tảng băng, bởi còn rất nhiều ca bệnh không báo cáo và phía trước chưa biết chủng vi rút nào sẽ xuất hiện, và còn bao nhiêu đợt dịch nữa.

Như vậy, việc xem Covid-19 là bệnh đặc hữu (hiểu nôm na là bệnh lưu hành thông thường) và bỏ đếm số ca bệnh cần cân nhắc thấu đáo trên nhiều yếu tố. Đến nay dịch bệnh cơ bản đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước. Tất cả các địa phương đều đã chuyển sang trạng thái “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ.

Tuy vậy, số mắc mới có xu hướng gia tăng nhanh tại hầu hết các tỉnh, thành trong tháng qua (với khoảng 50.000 – 75.000 ca mỗi ngày, ngày cao nhất là hơn 142.000 ca). Số trường hợp mắc tăng nhiều hơn ở nhóm chưa tiêm vắc xin, nhất là nhóm dưới 12 tuổi (tháng 1 là 18,4% và tháng 2 là 24,3%). Số trường hợp nặng, nguy kịch bắt đầu có sự gia tăng 37,6% so với tháng trước. Số trường hợp tử vong trên dưới 100 ca mỗi ngày, hiện vẫn trong khả năng đáp ứng của hệ thống y tế.

Số ca nhiễm Covid-19 chưa phản ánh đúng bản chất dịch

Theo PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng (Trường ĐH Y Dược TP.HCM), nếu không phiền hà gì thì vẫn phải đếm số ca như hiện nay. Việc đếm số ca rất quan trọng vì nó là cơ sở dữ liệu cho phòng chống dịch, xử lý những tình huống kịp thời khi có sự xuất hiện biến chủng mới hoặc tình huống đặc biệt. Còn nếu thấy việc đếm số ca nặng nề quá thì bỏ. Nhưng về nguyên tắc dịch tễ học, các nước có hướng dẫn để bình thường mới, như Mỹ, họ yêu cầu đầu tiên là giám sát chặt chẽ dịch tễ.

“Nếu không công bố số ca là chưa phù hợp lắm. Tư duy che giấu ca bệnh với người dân là không đúng. Phải cho dân biết để dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Khi người dân không biết số ca bệnh và đột nhiên nhà nước có quy định hạn chế sinh hoạt của người dân, tăng giờ giới nghiêm thì sẽ dẫn đến sự phản ứng. Để cho dân biết, để dân đồng thuận và làm, nếu dân không biết thì sẽ không đồng thuận và không làm”, PGS-TS Đỗ Văn Dũng phân tích.

Còn theo bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ, nguyên Phó giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM, một số nước tiên tiến họ vẫn đếm số ca mỗi ngày để biết rõ tình trạng dịch tễ, nếu không đếm thì chứng tỏ là bất lực. Muốn bỏ đếm số ca thì Bộ Y tế phải lý giải và có chứng cứ khoa học để tham mưu cho Thủ tướng.

Trong khi đó, Bộ Y tế cũng đã đề xuất lên Thủ tướng, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia cho phép tạm dừng việc thông báo số ca nhiễm SARS-CoV-2 hằng ngày. Mặc dù chưa thể coi Covid-19 là bệnh lưu hành thông thường, nhưng Bộ Y tế đã có các đề xuất mới nhất “cởi mở” hơn trong ứng phó với dịch bệnh này.

Về lý do đưa ra đề xuất này, Bộ Y tế thông tin: “Tạm dừng việc thông báo số nhiễm SARS-CoV-2 hằng ngày để tránh gây hoang mang vì số ca nhiễm chỉ là 1 trong 8 chỉ số để đánh giá tình hình cấp độ dịch mà chưa phản ánh đúng bản chất tình hình dịch bệnh”. Theo đó, các địa phương sẽ chủ động đánh giá về mức độ dịch.

Lý giải về việc không thông tin ca mắc mới hằng ngày, một chuyên gia về y tế dự phòng giải thích: “Không thông tin về số ca mắc hằng ngày không có nghĩa là dừng xét nghiệm, vì đây vẫn là chỉ số cần thiết. Bộ Y tế thôi không thông báo ca mắc, nhưng mỗi địa phương vẫn duy trì việc xét nghiệm, thu thập số liệu, cùng với các yếu tố khác như: số ca nặng, khả năng đáp ứng dịch; bao phủ vắc xin… để đánh giá cấp độ dịch. Thay vì chỉ thông báo ca mắc mới, các địa phương có trách nhiệm công bố cấp độ dịch, để đảm bảo phản ánh đầy đủ về diễn biến dịch”.

Giai đoạn chuyển tiếp từ đại dịch sang lưu hành

Trước một số ý kiến cho rằng cần coi Covid-19 là “bệnh đặc hữu”, bệnh lưu hành thông thường như các bệnh lý chuyên khoa truyền nhiễm khác, Bộ Y tế đã có báo cáo lên Thủ tướng về vấn đề này.

Bộ Y tế cho biết được coi là “bệnh lưu hành” khi có một số tiêu chí cụ thể như: Có sự tồn tại thường xuyên tác nhân gây bệnh; tồn tại quần thể cảm nhiễm và ổ chứa tác nhân gây bệnh; bệnh dịch xảy ra ở một nhóm đối tượng cụ thể hoặc quần thể dân số trong địa bàn nhất định; tỷ lệ mắc bệnh có tính ổn định và có thể dự báo được.

Trong khi đó, với Covid-19, đến nay Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn coi bệnh dịch này trong tình trạng đại dịch và quan ngại tiếp tục có các biến thể không lường trước được của vi rút SARS-CoV-2. Nhiều nước trên thế giới vẫn có diễn biến dịch bệnh phức tạp, cần tiếp tục duy trì các hoạt động đáp ứng với đại dịch ở mức cao.

Ở VN, tuy tỷ lệ ca nặng, tử vong do Covid-19 đã giảm nhiều so với giai đoạn trước nhưng số tử vong ghi nhận hằng ngày vẫn ở mức cao, trên dưới

100 ca mỗi ngày. Con số tử vong do Covid-19 hiện vẫn cao hơn cả số tử vong cao điểm hằng năm do bệnh dại hoặc sốt xuất huyết, sởi (là những bệnh lưu hành có số tử vong cao hàng đầu trong các bệnh truyền nhiễm tại VN). Hiện các chuyên gia và các quốc gia vẫn đang thảo luận và đề xuất coi bệnh Covid-19 là bệnh lưu hành.

Theo lãnh đạo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cục này cũng đã trao đổi với các chuyên gia trong nước, các chuyên gia của WHO, Trung tâm dự phòng và kiểm soát bệnh tật Mỹ (USCDC) về nhận định đối với bệnh Covid-19 tại VN. Các đánh giá mới nhất cho rằng, tại VN, vi rút SARS-CoV-2 đã ghi nhận ở tất cả các tỉnh, thành trên cả nước và số trường hợp nhiễm vi rút SARS-CoV-2 cũng đã được báo cáo ghi nhận tại tất cả các tỉnh, thành; tuy vậy dịch bệnh Covid-19 tại VN vẫn đang trong giai đoạn chuyển tiếp giữa giai đoạn đại dịch sang giai đoạn “bệnh lưu hành”.

Trên cơ sở đó, Bộ Y tế cho rằng trong thời gian này, VN chưa nên coi dịch bệnh Covid-19 là “bệnh lưu hành”. Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với WHO cũng như các tổ chức quốc tế, quốc gia khác theo dõi tình hình dịch Covid-19 cũng như cập nhật sự biến đổi của vi rút SARS-CoV-2 để có thể tham mưu cho Thủ tướng quyết định coi bệnh Covid-19 là “bệnh lưu hành” khi thời điểm thích hợp.

Ai cần tiêm vắc xin Covid-19 mũi 4?

Theo PGS-TS Đỗ Văn Dũng, tiêm mũi 3 là đủ, bởi đa số các quốc gia khác cũng vậy (trừ khi có thông tin gì mới thì sẽ có phương án phù hợp). Các nước cũng không tiêm mũi 4 đại trà cho người dân, chỉ tiêm mũi 4 cho nhóm người có nguy cơ cao. Thay vì bỏ kinh phí mua vắc xin tiêm mũi 4 (mũi 4 chỉ tiêm cho người nhóm nguy cơ – PV), thì để kinh phí đó lo xây dựng hệ thống y tế, hệ thống giám sát dịch tễ, giám sát biến chủng mới sẽ quan trọng hơn.

Đề xuất không cách ly người nhập cảnh

Để đảm bảo nguồn nhân lực trong bối cảnh ca nhiễm (F0) tăng cao, theo kiến nghị mới nhất của Bộ Y tế, F0 và F1 đủ điều kiện sẽ vẫn đi làm. Trong đó, các ca F0 không triệu chứng, tự nguyện tham gia làm việc; các đơn vị, địa phương có thể xem xét bố trí thực hiện các công việc trực tuyến, không tiếp xúc trực tiếp với người xung quanh…

Đáng lưu ý, Bộ Y tế đề xuất không cách ly người nhập cảnh khi đủ điều kiện. Theo đó, người nhập cảnh có kết quả xét nghiệm âm tính thì được rời khỏi nơi lưu trú nhưng phải thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K và các biện pháp phòng chống dịch khác của địa phương. Nếu kết quả xét nghiệm dương tính thì phải báo cáo ngay cho cơ quan y tế địa phương để được hướng dẫn xử lý kịp thời theo quy định. Trẻ dưới 2 tuổi không bắt buộc phải xét nghiệm SARS-CoV-2, chưa được tiêm hoặc chưa từng bị nhiễm SARS-CoV-2 đều được tham gia các hoạt động ở ngoài nơi lưu trú cùng bố, mẹ, người thân. (Thanh niên, trang 5; Sài Gòn giải phóng, trang 7).

 

Để thuốc kháng virus Molnupiravir đến tay F0 kịp thời nhất

Nhiều bạn đọc đồng tình với đề xuất của BYT cho phép nhà thuốc được kê đơn thuốc kháng virus Molnupiravir. Bên cạnh đó, một số bạn đọc cũng góp ý để việc kiểm soát loại thuốc này trên thị trường một cách hiệu quả hơn…Như Thanh Niên đã thông tin, để đảm bảo việc người bệnh dễ dàng tiếp cận các thuốc kháng virus điều trị Covid-19 trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 tăng cao những ngày gần đây, đồng thời đảm bảo kiểm soát chặt chẽ theo tinh thần chỉ đạo của cấp trên, Bộ Y tế đề xuất, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ về việc cấp phát thuốc điều trị Covid-19 như sau:

Đối với việc cấp phát thuốc điều trị miễn phí: giao các địa phương, cơ sở y tế thực hiện mua sắm thuốc điều trị Covid-19 (trong đó có thuốc Molnupiravir đã được cấp phép lưu hành tại VN) theo quy định để đáp ứng kịp thời nhu cầu điều trị của đơn vị.

Đối với việc người dân tự chi trả: đối tượng áp dụng là tất cả bệnh nhân Covid-19 có nguyện vọng tự chi trả.

Với cơ sở được bán lẻ thuốc (nhà thuốc, quầy thuốc): thẩm quyền kê đơn thuốc kháng virus là người phụ trách chuyên môn về dược tại nhà thuốc, quầy thuốc được phép kê đơn cho bệnh nhân hoặc người mua thuốc kháng virus Covid-19.

Quy định kê đơn cho người bệnh mắc Covid-19 (F0) căn cứ trên xác nhận từ cơ sở y tế (bao gồm cơ sở xét nghiệm, cơ sở khám chữa bệnh, trạm y tế) có dương tính với SARS-CoV-2 (kể cả xét nghiệm PCR hoặc test nhanh). Người bệnh tự quay clip quá trình thực hiện test kháng thể tại nhà gửi cho người phụ trách chuyên môn về dược tại nhà thuốc, quầy thuốc để chứng minh kết quả test dương tính.

Người phụ trách chuyên môn về dược tại cơ sở bán lẻ thuốc căn cứ vào kết quả xét nghiệm, xác định được ít nhất 1 nguy cơ chuyển nặng của bệnh nhân.

Người mua thuốc hoặc bệnh nhân phải ký cam kết, trong đó có các thông tin về người bệnh, ngày test, kết quả test, việc sử dụng thuốc theo mẫu (kèm theo), kèm bản sao chứng minh nhân dân (CMND) hoặc căn cước công dân (CCCD) của người bệnh.

Ủng hộ đề xuất

“Tôi hoàn toàn ủng hộ đề xuất của Bộ Y tế về việc cho phép nhà thuốc được kê đơn thuốc kháng virus Molnupiravir, để thuốc này được tới tay F0 sớm nhất. Nên nhớ, hiện là thời điểm ca mắc Covid-19 đang tăng cao, hệ thống y tế có nơi quá tải, không thể thực hiện hiệu quả việc kê đơn thuốc, bán thuốc theo đơn cho người bệnh theo quy định. Hơn nữa, quy định của Bộ Y tế khá chặt chẽ. Hy vọng sẽ có sự phối hợp giữa ngành y tế, nhà thuốc và người mua thuốc để thuốc tới tay F0 nhanh nhất, phục vụ điều trị hiệu quả nhất”, bạn đọc (BĐ) Nguyen Toi bày tỏ.

Nhiều BĐ cũng đồng tình với ý kiến này. BĐ Hoa Trinh cho biết: “Thế là phải rồi, không mắc Covid-19 thì có ai tự dưng đi mua thuốc này về uống?”. BĐ Văn Mẫn cũng cho rằng: “Tôi nghĩ Bộ Y tế nên có hướng dẫn thật cụ thể và đầy đủ cho các nhà thuốc để các dược sĩ thực hiện an toàn. Tôi ủng hộ đề xuất này, vì cứu người như cứu hỏa, không nên chậm trễ!”.

Cần làm chặt chẽ, an toàn

Cũng có một số BĐ bày tỏ lo lắng, như BĐ NVH cho rằng: “Không nên cho phép dược sĩ làm nhiệm vụ của bác sĩ”, hay BĐ Anh Dung Nguyen nêu vấn đề: “Nhà thuốc được kê đơn cho bệnh nhân, có lẽ chỉ có ở nước ta?”… Trong khi đó, BĐ Hoàng Hà bày tỏ tin tưởng: “Bác sĩ là bác sĩ, dược sĩ là dược sĩ, bình thường không nên đá “lộn sân”. Tuy nhiên, trong trường hợp đặc biệt như hiện nay, ai cũng biết nếu F0 tiếp cận thuốc sớm thì việc điều trị sẽ rất hiệu quả, nên có thể cho dược sĩ kê đơn. Vấn đề là “bổ sung” phần “bác sĩ” ở những dược sĩ này bằng những hướng dẫn quan trọng của ngành y tế. Tôi nghĩ là làm được”.

BĐ Anh lái tàu họ Nhạc góp ý thêm: “Sao không hướng dẫn rõ ràng, dễ hiểu để người mua tự sử dụng, còn trong trường hợp chưa rõ thì nhờ nhà thuốc tư vấn cho đơn giản. Thực tế ai không mắc bệnh mà lại dùng thuốc này, trừ con buôn gom hàng thôi. Và để tránh con buôn gom hàng thì bắt buộc nhà thuốc chỉ bán cho người mua khi xuất trình CCCD và mỗi CCCD chỉ bán 1 liều, cuối ngày nhà thuốc tổng hợp báo cáo cho cơ quan được chỉ định”. (Thanh niên, trang 9).

 

Hậu Covid-19 ở trẻ có thể do độc tố của vi rút

Hầu hết các trẻ mắc COvid -19 đều nhẹ và phục hồi nhanh hơn người lớn. Tuy nhiên, một số ít trẻ có triệu chứng hậu Covid-19 ở các mức độ. Sự tồn tại của vi rút và độc tố của chúng có thể là tác nhânVề triệu chứng hậu Covid-19 ở trẻ, PGS-TS-BS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư (Hà Nội), cho biết trẻ thường có biểu hiện: sốt nhẹ, khó thở, ho kéo dài, mệt mỏi, đau cơ, tim đập nhanh, nổi ban đỏ hoặc xung huyết giác mạc. Trẻ có thể bị ảnh hưởng trí nhớ, khả năng tập trung tư tưởng và rối loạn giấc ngủ. Trẻ cũng có thể có rối loạn tiêu hóa như nôn, đau bụng, tiêu chảy; có thể gặp dấu hiệu sốc, rối loạn đông máu, tổn thương thận cấp…

BS Minh Điển chia sẻ: “Nếu trẻ được chẩn đoán sớm, phát hiện sớm và điều trị đúng, kịp thời thì diễn tiến thường thuận lợi, trẻ phục hồi tốt”.

Chuyên gia nhi khoa khuyến cáo, với trẻ đã từng mắc Covid-19 hoặc nghi ngờ (có nhiều trẻ mắc Covid-19 nhưng không được phát hiện), các gia đình không được chủ quan, sau khi trẻ âm tính 2 – 6 tuần, nếu có biểu hiện như trên cần cho trẻ đi khám điều trị sớm.

“Hiện nay chúng ta đã có những đơn vị thăm khám hậu Covid-19. Người bệnh sau nhiễm Covid-19 vài tuần, vài tháng khi xuất hiện những triệu chứng bất thường thì cần đi khám để chẩn đoán điều trị. Riêng với trẻ em, hậu Covid-19 có thể xuất hiện hội chứng viêm đa hệ thống, tổn thương tim, phổi, thận, mạch máu… Vì vậy, khi các cháu xuất hiện những tình trạng như đỏ da, khó thở, mệt mỏi thì phải đưa con đi khám xem có mắc hội chứng viêm đa hệ thống hay không”, TS Trần Minh Điển lưu ý.

Có thể còn nhiều thay đổi về triệu chứng

Bệnh viện Nhi T.Ư vừa qua đã ghi nhận những trẻ đến khám hậu Covid-19. Dễ gặp là những em bé đã khỏi bệnh nhưng tình trạng ho vẫn dai dẳng. Trong đó, có bệnh nhi nhập viện trong tình trạng khó thở, sốt cao liên tục, sốt rét run, ho, chảy nước mũi, nôn, mắt phù nề, viêm kết mạc. Gần 2 tháng sau khi khỏi Covid-19, trẻ sốt cao trên 39 độ kèm co giật. Qua thăm khám, trẻ được chẩn đoán mắc hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C).

Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư chia sẻ hiện tại hậu Covid-19 vẫn là vấn đề còn mới và cần nghiên cứu thêm. Do đó, có thể còn nhiều thay đổi về các triệu chứng, cách theo dõi, phác đồ điều trị bệnh trong thời gian tới.

Làm thế nào ngăn ngừa hậu Covid-19?

Theo khuyến cáo của Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư, hiện tỷ lệ mắc Covid-19 ở trẻ em đang có xu hướng gia tăng, do đó cách tốt nhất để ngăn ngừa hội chứng hậu Covid-19 là tiêm vắc xin phòng bệnh, ngăn ngừa nhiễm bệnh.

“Trong thời gian tới, tiêm vắc xin vẫn là khuyến cáo hàng đầu, chúng ta tập trung cho nhóm nguy cơ và nhóm yếu thế, đặc biệt là trẻ em trong độ tuổi được tiêm chủng. Nếu trẻ được tiêm chủng đầy đủ thì các biến chứng của bệnh sẽ giảm đi. Đồng thời tiếp tục tuân thủ 5K, khuyến khích trẻ hoạt động thể chất hợp lý và bổ sung dinh dưỡng đầy đủ”, TS Minh Điển cho biết.

Hiện nay, việc lây nhiễm biến chủng Omicron nhiều hơn ở trẻ em đặc biệt chưa tiêm chủng. Vì vậy, tiêm chủng cho trẻ nhỏ giúp hạn chế lây nhiễm và giảm lây nhiễm cho những người trong gia đình, nhất là người già, có bệnh nền.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hậu Covid-19 là sau khi khỏi bệnh Covid-19, triệu chứng của người nhiễm Covid-19 có thể kéo dài hoặc xuất hiện những triệu chứng mới. Căn nguyên của vấn đề này có thể liên quan đến vi rút, độc tố của vi rút, cũng như tình trạng vi rút còn tồn tại ở trong cơ thể, ngoài ra còn do chu trình hóa học bị ảnh hưởng, do biểu hiện của vấn đề đáp ứng miễn dịch…

Cha mẹ cần cho trẻ tiêm phòng ngay khi được phép của Chính phủ, Bộ Y tế; thực hiện 5K đầy đủ; tăng cường sức đề kháng cho trẻ như bổ sung dinh dưỡng, tập luyện thể chất, tránh thừa cân béo phì; kiểm soát tốt các bệnh mãn tính; tránh để trẻ bị nhiễm lạnh; đảm bảo thông khí tốt trong môi trường sống, học tập. (Thanh niên, trang 15).

 

Bộ Y tế: Lúc này vẫn chưa thể coi Covid-19 là bệnh đặc hữu hay bệnh lưu hành

Trước ý kiến của một số chuyên gia về việc đã đến lúc coi Covid-19 là một loại bệnh đặc hữu hay bệnh lưu hành chứ không phải bệnh dịch, Bộ Y tế cho rằng, hiện nước ta vẫn đang trong giai đoạn chuyển tiếp…

Theo Bộ Y tế, “bệnh đặc hữu” là sự xuất hiện một cách ổn định của bệnh dịch hoặc tác nhân gây bệnh trong một khu vực địa lý hoặc nhóm quần thể dân số nhất định; hoặc còn hướng đến một tỷ lệ mắc bệnh thường gặp của một bệnh dịch trong một khu vực hoặc quần thể dân số nhất định.

Bệnh lưu hành khi có một số tiêu chí cụ thể như sau: Có sự tồn tại thường xuyên tác nhân gây bệnh; tồn tại quần thể cảm nhiễm và ổ chứa tác nhân gây bệnh; bệnh dịch xảy ra ở một nhóm đối tượng cụ thể hoặc quần thể dân số trong địa bàn nhất định; tỷ lệ mắc bệnh có tính ổn định và có thể dự báo được.

Bộ Y tế nhấn mạnh, đến nay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn coi Covid-19 trong tình trạng đại dịch và quan ngại tiếp tục có các biến thể không lường trước được của virus SARSCoV-2. Nhiều nước trên thế giới vẫn có diễn biến dịch bệnh phức tạp, cần tiếp tục duy trì các hoạt động đáp ứng với đại dịch ở mức cao.

Trong nước, tuy tỷ lệ bệnh nặng, tử vong đã giảm nhiều so với giai đoạn trước nhưng số tử vong ghi nhận hàng ngày vẫn ở mức cao trên dưới 100 trường hợp mỗi ngày, cao hơn cả số tử vong cao điểm hàng năm do bệnh Dại hoặc Sốt xuất huyết, Sởi (là những bệnh lưu hành có số tử vong cao hàng đầu trong các bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam).

Trước ý kiến của các chuyên gia và các quốc gia đề xuất coi bệnh Covid-19 là bệnh lưu hành, Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế đã trao đổi với các chuyên gia trong nước, các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới, Trung tâm Dự phòng và kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (USCDC).

Cùng đó, trên cơ sở diễn biến bệnh Covid-19 tại Việt Nam, Bộ Y tế cho rằng, dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn chuyển tiếp giữa giai đoạn đại dịch sang giai đoạn “bệnh lưu hành”.

Tỷ lệ mắc bệnh Covid-19 chưa ổn định và có sự khác biệt rất lớn giữa các địa phương, đặc biệt giữa các tỉnh, thành phố đã từng có tỷ lệ mắc cao trước đo và những tỉnh, thành phố mới có sự gia tăng mạnh trong thời gian gần đây. Số trường hợp tử vong theo ngày vẫn còn rất cao.

Mặt khác, virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi và ghi nhận các biến thể mới như Alpha, Delta, Omicron; kể cả trong các biến thể cũng liên tục xuất hiện các biến thể phụ, ví dụ biến thể Omicron đã ghi nhận các biến thể phụ BA.1, BA.2, BA.3 và các biến thể này có thể né được miễn dịch, gây tái nhiễm; do đó tỷ lệ mắc tại các quần thể cảm nhiễm là rất khó xác định và chưa có tính ổn định.

“Như vậy, trong thời gian này, Việt Nam chưa nên coi dịch bệnh Covid-19 là bệnh lưu hành” – Bộ Y tế khẳng định.

Cũng theo Bộ Y tế, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới và các tổ chức quốc tế, quốc gia khác, theo dõi tình hình dịch Covid-19 cũng như cập nhật sự biến đổi của virus SARS-CoV-2 để có thể tham mưu Thủ tướng Chính phủ quyết định coi bệnh Covid-19 là “bệnh lưu hành” khi thời điểm thích hợp. (An ninh Thủ đô, trang 4, Tiền phong, trang 2).

 

Thực hư thông tin Bộ Y tế đề xuất cho F0 đi làm trong thời gian đang cách ly?

Bộ Y tế vừa có ý kiến liên quan đến việc đề xuất đi làm cho trường hợp F0, F1 đang trong thời gian cách ly. Vậy thực hư đề xuất này ra sao? Trong báo cáo của Bộ Y tế gửi Chính phủ ngày 5-3 có nêu, hiện có những người nhiễm SARS-CoV-2 (F0) không có triệu chứng đang trong thời gian cách ly (07 ngày kể từ ngày xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 và chưa có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính), tự nguyện tham gia làm việc.

Thực tế là với số mắc tăng cao trong thời gian gần đây, nhiều cơ quan, đơn vị đặc biệt là khối bệnh viện, cơ sở y tế đã phải cho phép F0 không triệu chứng, chỉ số virus thấp về mức không còn nguy cơ lây nhiễm (CT > 30) đi làm trở lại do thiếu nhân lực.

Về việc này, Bộ Y tế kiến nghị các đơn vị, địa phương có thể xem xét bố trí thực hiện các công việc trực tuyến, không tiếp xúc trực tiếp với người xung quanh; hoặc được phép tham gia hỗ trợ chăm sóc, theo dõi, điều trị người nhiễm SARS-CoV-2 trong gia đình, cơ sở lưu trú hoặc tại các cơ sở điều trị bệnh Covid-19 phù hợp với nhiệm vụ được giao, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và thực hiện nghiêm Thông điệp 5K.

Đối với những người được bố trí thực hiện các công việc tại các cơ sở điều trị bệnh Covid-19 phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng hộ theo quy định, thường xuyên theo dõi sức khỏe, xét nghiệm SARS-CoV-2; không được chăm sóc hoặc tiếp xúc với những người bệnh bị suy giảm miễn dịch hoặc có nguy cơ cao (người có bệnh nền, phụ nữ mang thai, người trên 50 tuổi).

Người bệnh F0 đang trong thời gian cách ly tự nguyện đi làm được phép di chuyển bằng phương tiện cá nhân đi thẳng từ nơi cách ly đến khu vực làm việc được bố trí sẵn và ngược lại.

Trong quá trình di chuyển không được tiếp xúc với người xung quanh; thực hiện nghiêm Thông điệp 5K, đặc biệt là đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, không tiếp xúc gần với người xung quanh trong quá trình làm việc và thực hiện các biện pháp khử khuẩn, phòng ngừa lây nhiễm.

Còn đối với những trường hợp F1 đang trong thời gian cách ly (những người chưa tiêm đủ liều hoặc chưa tiêm vaccine phòng Covid-19) tham gia làm việc, Bộ Y tế đề xuất cần đảm bảo các yêu cầu sau:

Được phép tham gia các công việc cấp bách của đơn vị, địa phương mình thông qua các hình thức làm việc trực tuyến hoặc trực tiếp. Trong trường hợp làm việc trực tiếp, cơ sở làm việc phải bố trí, thiết lập khu vực làm việc dành riêng cho các trường hợp là F1, đảm bảo khoảng cách làm việc, không tập trung đông người và thoáng khí để giảm nguy cơ lây nhiễm.

F1 đang trong thời gian cách ly nếu tham gia làm việc được phép di chuyển bằng phương tiện cá nhân đi thẳng từ nơi cách ly đến khu vực làm việc được bố trí sẵn và ngược lại.

Trong quá trình di chuyển không được tiếp xúc với người xung quanh; thực hiện nghiêm Thông điệp 5K, đặc biệt là đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, không tiếp xúc gần với người xung quanh trong quá trình làm việc và thực hiện các biện pháp khử khuẩn, phòng ngừa lây nhiễm. (An ninh Thủ đô, trang 4,Tuổi trẻ, trang 18).

 

Thận trọng dùng thuốc khi trẻ mắc Covid-19

Những ngày gần đây, số ca mắc Covid-19 tại Hà Nội tăng cao, nên tỷ lệ mắc ở trẻ em cũng có xu hướng gia tăng. Do lo ngại biến chứng khi trẻ mắc Covid-19, nhiều phụ huynh đã tìm mua các loại thuốc, thực phẩm chức năng, xông hơi… để tự điều trị, tăng sức đề kháng cho con. Để tránh những hậu quả khôn lường đối với sức khỏe của trẻ em mắc Covid-19, người dân cần thận trọng trong quá trình sử dụng thuốc. Những sai lầm nguy hiểm

Khi con trai học lớp 4 có kết quả test nhanh dương tính với vi rút SARS-CoV-2, chị Nguyễn Thanh Hà (phường Ngọc Lâm, quận Long Biên) đã vội vàng tìm mua thuốc điều trị Covid-19. Lên mạng xã hội tham khảo các hội, nhóm, chị Hà còn được mách bảo mua thêm các loại thuốc kháng viêm, kháng sinh, thực phẩm chức năng, vitamin tăng cường sức đề kháng… Trước “ma trận” đến chục loại thuốc và thực phẩm chức năng sau khi mua về, chị Hà cũng bấn loạn không biết dùng như thế nào cho đúng.

Bác sĩ Đào Trường Giang (Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn) cho biết, việc mua tích trữ, hay sử dụng thuốc tùy tiện khi trẻ mắc Covid-19 hiện nay khá phổ biến. Thậm chí, các bà mẹ lên mạng tìm đơn thuốc, nghe ai mách gì uống nấy. Có nhiều phụ huynh nhắn tin hỏi bác sĩ, trong nhà hiện có tới 6-7 loại thuốc, nhưng không biết cho con uống loại gì trước, loại gì sau. Họ còn mua cả những loại thuốc “xách tay” từ nước ngoài không rõ thành phần, có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ.

“Có những cha mẹ tự ý cho trẻ sử dụng thuốc kháng sinh, các loại thuốc kháng viêm có chứa Corticoid ngay sau khi phát hiện con mình mắc Covid-19. Thuốc Corticoid hiệu quả nhanh trong vấn đề này, nhưng ngược lại có nhiều tác dụng phụ, có thể dẫn tới những hậu quả lâu dài cho trẻ, như: Loãng xương, giảm sức đề kháng, yếu cơ, tim mạch…”, bác sĩ Đào Trường Giang phân tích.

Nhiều phụ huynh còn cho rằng, thực phẩm chức năng, thuốc bổ, thảo dược hay xông mũi, họng… hoàn toàn lành tính, sử dụng nhiều cũng không ảnh hưởng. Tuy nhiên, bác sĩ Đào Trường Giang khẳng định, bất cứ loại thuốc nào, kể cả thuốc bổ khi đưa vào cơ thể cũng có thể gây ra tác dụng phụ. Hơn nữa, việc dùng nhiều loại cùng một lúc cũng có thể gây ra các tương tác, biến chứng rất khó kiểm soát. Mới đây, một bé gái 6 tuổi mắc Covid-19 đã bị dị ứng nặng phải nhập viện, mà nguyên nhân nghi ngờ do uống thuốc tăng cường sức đề kháng “xách tay” được bán trên mạng.

Thạc sĩ, bác sĩ Lê Văn Đán, Phụ trách khoa Nội tổng hợp – đơn vị hiện đang đảm nhận điều trị bệnh nhân Covid-19 của Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho rằng, sức đề kháng là nội tại trong một cơ thể. Sức đề kháng mạnh lên là do ăn uống đủ chất, ngủ đủ giấc, tập luyện thể dục, thể thao… Không thể “nhồi nhét” thuốc bổ, thực phẩm chức năng trong ngày một ngày hai mà tăng được sức đề kháng. Do đó, người dân không nên tin theo những loại thuốc bổ, thực phẩm chức năng được quảng cáo và rao bán trên thị trường, nhất là những sản phẩm không rõ nguồn gốc. Bởi, đã có những trường hợp phải nhập viện do uống quá nhiều thuốc bổ gây suy thận, suy gan, thậm chí phải lọc máu.

Không tự ý dùng thuốc kháng vi rút, kháng sinh, kháng viêm…

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, trong Quyết định số 528/QĐ-BYT về việc ban hành “Hướng dẫn chăm sóc tại nhà đối với trẻ mắc Covid-19”, Bộ Y tế đặc biệt lưu ý các phụ huynh không tự ý dùng thuốc kháng vi rút, kháng sinh, kháng viêm… cho trẻ mắc Covid-19 chăm sóc ở nhà khi chưa có chỉ định của nhân viên y tế và không xông cho trẻ em. Khi trẻ bị ho có thể dùng các thuốc giảm ho (ưu tiên các thuốc từ thảo mộc). Khi trẻ bị ngạt mũi, xổ mũi thì xịt rửa mũi, nhỏ mũi bằng dung dịch Natriclorua 0,9%. Nếu trẻ xuất hiện tiêu chảy, thì sử dụng men vi sinh, men tiêu hóa. Với trẻ đang được sử dụng các thuốc điều trị bệnh nền theo đơn ngoại trú, thì tiếp tục sử dụng theo hướng dẫn.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng khuyến cáo: Khi nhiệt độ trẻ > 38,5 độ C nên dùng Paracetamol liều 10-15mg/kg/lần (uống hoặc đặt hậu môn, nếu trẻ còn sốt có thể lặp lại, mỗi lần cách tối thiểu 4-6 giờ (tổng liều thuốc không quá 60mg/kg/ngày). Ngoài ra, cho trẻ dùng thuốc cân bằng điện giải khi mất nước (do sốt cao, tiêu chảy, mệt mỏi). Nên khuyến khích trẻ uống nhiều nước, có thể sử dụng nước trái cây hoặc Oresol và tuyệt đối không cho trẻ sử dụng các dung dịch nước ngọt công nghiệp để bù nước…

Liên quan tới việc nhiều phụ huynh tìm mua các loại viên xông mũi để điều trị Covid-19 cho con, bác sĩ Đào Trường Giang (Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn) khuyến cáo, không nên sử dụng viên xông cho trẻ. Có trường hợp đã uống nhầm viên xông thảo dược, thay vì bỏ vào nước sôi xông như hướng dẫn. Đặc biệt, khi sử dụng cho trẻ em, phải thận trọng để không gây bỏng, xảy ra các tai nạn đáng tiếc. Điều lo ngại nhất trong điều trị Covid-19 là thiếu ô xy do phổi không trao đổi được. Việc xông mũi họng quá nhiều lần trong ngày, khiến phổi hít phải nhiều hơi nước sẽ làm tăng nguy cơ này, gây khó chịu cho trẻ.

Hãy cài đặt Ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia (PC-Covid) để khai báo y tế, bảo vệ mình và bảo vệ mọi người:

Bước 1: Truy cập vào trang https://pccovid.gov.vn/ hoặc tải trực tiếp từ App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về ứng dụng sẽ yêu cầu nhập số điện thoại để nhận mã OTP kích hoạt. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2 mét đã sử dụng PC-Covid, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc. Khai báo y tế khi có các dấu hiệu như ho, sốt, mất vị giác… hoặc có liên quan, tiếp xúc người nghi nhiễm Covid-19. Luôn luôn quét mã QR nơi bạn đến. (Hà Nội mới, trang 5).

 

Bộ Y tế lí giải nguyên nhân giá kit test tăng

Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế cho biết, ngày 23/2, Bộ Y tế (Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế) đã làm việc với các đơn vị sản xuất, nhập khẩu mặt hàng test kit xét nghiệm COVID-19 để trao đổi trực tiếp, nắm bắt tình hình về giá cả và khả năng cung ứng đối với hàng hóa.
Nguyên nhân chính là do nguồn cung hàng hóa bị thiếu do các nước sản xuất chính là Hàn Quốc, Trung Quốc hiện đang hạn chế xuất khẩu.

Các đơn vị, cá nhân bán lẻ tranh thủ nhu cầu cao và thiếu hàng hóa để tăng giá, nhưng nhìn chung giá sinh phẩm có xu hướng giảm, Bộ Y tế đang tiếp tục làm việc với các Bộ, ngành để có phương án trình Chính phủ sau khi xác định cụ thể về danh mục và phương án bình ổn giá trang thiết bị y tế phòng, chống dịch.

Tính đến ngày 4/3, Bộ Y tế đã cấp phép 169 trang thiết bị y tế, sinh phẩm chẩn đoán in vitro xét nghiệm SARS-CoV-2, có 14 sản phẩm sản xuất trong nước và 155 sản phẩm nhập khẩu (gồm 56 sản phẩm xét nghiệm vật liệu di truyền, 83 sản phẩm xét nghiệm kháng nguyên SARS-CoV-2 và 30 sản phẩm xét nghiệm kháng thể kháng SARS-CoV-2). (Công an nhân dân, trang 1).

 

Trữ thuốc điều trị COVID-19 trong nhà: Cẩn thận kẻo rước họa vào thân

Số ca mắc COVID-19 gia tăng tại TPHCM, nhiều người dân đã tự ý đi mua thuốc kháng virus COVID-19 về trữ “phòng hờ” khi có nhiễm xảy ra. Tuy nhiên, theo các chuyên gia và nhà quản lý, điều này không chỉ ảnh hưởng đến việc nguồn thuốc bán cho người thực sự cần, mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe…

Tâm lý mua thuốc dự trữ và tự ý  sử dụng rất nguy hiểm

Sinh sống và làm việc tại TPHCM nhiều năm, chị N.T.P (quận Phú Nhuận, TPHCM) có bố mẹ già ở quê, dịch bệnh bùng phát nên chị P. vô cùng lo lắng cho sức khỏe của bố mẹ mình. Khi nghe chia sẻ của bạn bè về việc mua thuốc “phòng hờ” cho bố mẹ, chị P. đã mua 2 hộp thuốc Molravir 400mg, dạng hộp 20 viên nang cứng về cho bố mẹ sử dụng nếu không may nhiễm bệnh.

“Dịch bệnh căng thẳng, không lường trước điều gì nên tôi quyết định mua cho bố mẹ. Giá ngoài các tiệm thuốc là 260.000 đồng/hộp/20 viên, tôi mua ở địa chỉ bạn giới thiệu giá 290.000 đồng/hộp/20 viên, có đắt hơn xíu nhưng không cần chứng minh theo quy định bắt buộc của Bộ Y tế là phải có giấy xác nhận F0, kê đơn bác sĩ mới được mua”, chị P. chia sẻ.

Cùng chung suy nghĩ với chị P, chị P.T.D (TP.Thủ Đức, TPHCM) công việc hằng ngày đi ra ngoài tiếp xúc với rất nhiều người nên khả năng lây nhiễm cao, do đó chị D. đã chủ động tìm mua thuốc trên các trang mạng xã hội để dự trữ sẵn trong nhà.

“Tôi nghĩ việc mua thuốc để sẵn trong nhà 1-2 hộp trong giai đoạn này giúp tôi yên tâm hơn, mặc dù biết là thuốc có những tác dụng phụ chưa nghiên cứu ra hết nhưng thấy nhiều người có sẵn trong nhà nên mình cũng cố gắng tìm mua”, chị D. chia sẻ.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia dịch tễ việc này vô cùng nguy hiểm, không hợp lý. Nếu người dân tự ý mua và sử dụng thì người đầu tiên bị ảnh hưởng chính là họ.

Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) nhấn mạnh: Thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir là thuốc mới, được cấp phép có điều kiện, là thuốc kê đơn, cần tiếp tục theo dõi về chất lượng, hiệu quả, an toàn của thuốc trong quá trình lưu hành. Việc sử dụng thuốc có hoạt chất Molnupiravir cần phải có sự thăm khám, kê đơn và hướng dẫn của bác sĩ, nhân viên y tế.

Còn theo bác sĩ Nguyễn Duy Tùng, thành viên Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành khuyến cáo, thuốc trị COVID-19, đặc biệt thuốc kháng virus đều là những thuốc mới được nghiên cứu. Vì vậy, các đặc tính của thuốc cũng như các tác dụng và độc tính vẫn cần tiếp tục theo dõi, nghiên cứu trong thời gian tới.

Về thuốc kháng virus Molnupiravir, đây là thuốc có cơ chế gây đột biến, làm gián đoạn sao chép RNA dẫn đến ức chế sự nhân lên của virus. Thuốc này không được khuyến cáo cho phụ nữ mang thai vì nguy cơ gây dị tật bẩm sinh. Vì không biết liệu Molnupiravir có thể ảnh hưởng đến tinh trùng hay không, FDA khuyến cáo nam giới nên sử dụng các biện pháp tránh thai khi quan hệ tình dục ít nhất ba tháng sau liều cuối cùng.

“Xé rào” bán thuốc

Theo quy định của Bộ Y tế về quy trình bán thuốc Molnupiravir tại các nhà thuốc trên cả nước, người dân nếu muốn mua được thuốc cần phải tuân thủ các điều kiện như: Có toa thuốc chỉ định của bác sĩ hoặc giấy chứng nhận đang điều trị F0 của y tế địa phương. Tuy nhiên, vẫn có hệ thống nhà thuốc “xé rào” bán cho người dân bằng cách chấp nhận cho người dân được mua thuốc bằng việc quay lại clip bệnh nhân test dương tính hoặc không ít nơi bán qua mạng, thị trường chợ đen hoạt động nhộn nhịn không cần kiểm tra điều kiện F0 như quy định của ngành Y tế.

Trong buổi tập huấn trực tuyến với hơn 6.500 nhà thuốc trên địa bàn TPHCM mới đây, nhiều nhà thuốc cũng bày tỏ khó khăn việc bán thuốc cho người dân khi không chứng minh được là F0 cần mua thuốc.

Dược sĩ Nguyễn Thị Kim Anh, Phó Chủ tịch Hội Dược học, Chủ tịch Chi hội dược nhà thuốc thành phố đề xuất nên cho các nhà thuốc được tham gia vào quá trình tư vấn, cấp phát thuốc, bởi trong đại dịch vừa qua, bản thân các nhà thuốc đã tư vấn, tiếp xúc nhiều bệnh nhân nên nhiều dược sĩ có thể đảm nhận được việc bán thuốc cho bệnh nhân chưa được bác sĩ kê đơn.

Đồng thời, hiện nay, TP vẫn chưa có quy định cụ thể những bác sĩ chuyên khoa nào được kê đơn nên đề nghị thành phố hướng dẫn cụ thể.

Cũng trong buổi tập huấn, ông Nguyễn Hoài Nam – Phó Giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh: “Trong thời gian tới, yêu cầu tăng cường lấy mẫu, giám sát chất lượng thuốc, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra ngăn chặn với thuốc nhập lậu, thuốc giả, bán thuốc đúng quy định và không niêm yết giá. Trong thời gian qua chúng tôi kiểm tra thì nhiều cơ sở không niêm yết giá nên cần điều chỉnh công khai niêm yết giá. Nếu có yếu tố hình sự sẽ được chuyển qua cơ quan điều tra theo quy định của pháp luật”.

Theo Bộ Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (USCDC) đã khuyến cáo về F1 chưa tiêm chủng đầy đủ ở nhà ít nhất 5 ngày, Malaysia cũng yêu cầu thời gian cách ly 5 ngày (đã tiêm vaccine đủ mũi), cách ly 7 ngày (chưa tiêm vaccine đủ mũi).

Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo việc cách ly có thể được rút ngắn xuống còn 7 ngày đối với một nhân viên y tế tiếp xúc không có triệu chứng và xét nghiệm âm tính vào ngày thứ 7 hoặc 10 ngày sau khi phơi nhiễm mà không cần xét nghiệm.

Ngoài ra, khi hệ thống y tế đang phải chịu áp lực rất lớn vì lượng bệnh nhân quá cao và khi nhiều nhân viên y tế nghỉ việc do phơi nhiễm hoặc nhiễm trùng, thì những nhân viên y tế đã từng bị phơi nhiễm nguy cơ cao nhưng đã được tiêm nhắc lại hoặc đã khỏi bệnh SARS-CoV-2 trong vòng 90 ngày có thể tiếp tục hoạt động mà không cần cách ly nếu không có triệu chứng.

Theo Bộ Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (USCDC) đã khuyến cáo về F1 chưa tiêm chủng đầy đủ ở nhà ít nhất 5 ngày, Malaysia cũng yêu cầu thời gian cách ly 5 ngày (đã tiêm vaccine đủ mũi), cách ly 7 ngày (chưa tiêm vaccine đủ mũi).

Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo việc cách ly có thể được rút ngắn xuống còn 7 ngày đối với một nhân viên y tế tiếp xúc không có triệu chứng và xét nghiệm âm tính vào ngày thứ 7 hoặc 10 ngày sau khi phơi nhiễm mà không cần xét nghiệm.

Ngoài ra, khi hệ thống y tế đang phải chịu áp lực rất lớn vì lượng bệnh nhân quá cao và khi nhiều nhân viên y tế nghỉ việc do phơi nhiễm hoặc nhiễm trùng, thì những nhân viên y tế đã từng bị phơi nhiễm nguy cơ cao nhưng đã được tiêm nhắc lại hoặc đã khỏi bệnh SARS-CoV-2 trong vòng 90 ngày có thể tiếp tục hoạt động mà không cần cách ly nếu không có triệu chứng. (Lao động, trang 4).

Quản Trọng Đoàn

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 10/6/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 01/12/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 28/11/2018

Ngọc Nga