Điểm báo ngày 07/4/2022

(CDC Hà Nam)
Tiến độ tiêm mũi 3 chậm: Do tâm lý chủ quan!; Lưu ý sức khỏe tâm thần khi trẻ trở lại trường; Hội chứng sau mắc Covid-19: Hiểu đúng để cùng vượt qua; Cứu con mắt còn lại cho bệnh nhân “mặt quỷ”; Vắc xin vẫn hiệu quả với biến chủng tái tổ hợp

 

Tiến độ tiêm mũi 3 chậm: Do tâm lý chủ quan!

Theo yêu cầu của Chính phủ, cuối quý 1-2022 cả nước phải hoàn thành tiêm mũi 3 cho người trên 18 tuổi. Tuy nhiên dù đã bước sang quý 2, nhưng theo báo cáo Bộ Y tế, hiện chỉ có gần 50% người ở độ tuổi này được tiêm mũi 3. Vì sao? Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 vào ngày 4-4, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: “Việc tiêm vắc xin mũi thứ 3 dù rất nỗ lực nhưng chưa đạt tiến độ mong muốn”. Theo Bộ Y tế và chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn đến kết quả này.

“Đã có miễn dịch tự nhiên”!

Theo báo cáo Bộ Y tế, đến ngày 5-4 cả nước đã tiêm hơn 207 triệu liều vắc xin COVID-19. Tỉ lệ bao phủ mũi 1 vắc xin COVID-19 cho người trên 18 tuổi là gần 100% (hơn 71 triệu liều), mũi 2 đạt 99% (hơn 68 triệu liều) và mũi 3 đạt gần 50% (hơn 35 triệu liều).

Bộ Y tế từng nhiều lần gửi công văn “nhắc” các địa phương tăng tốc hơn nữa việc tiêm mũi 3 cho người đến lịch tiêm. Tuy nhiên, kết quả hiện nay chỉ mới đạt nửa chặng đường theo yêu cầu của Thủ tướng.

Lý giải điều này, Bộ Y tế nêu ra hai nguyên nhân. Thứ nhất là do số lượng người mắc COVID-19 tăng cao, trùng với thời điểm cần tiêm mũi 3, do đó có sự trì hoãn tiêm chủng.

Thứ hai, một bộ phận người dân đã tiêm 2 liều vắc xin sau khi mắc COVID-19 và bình phục có xu hướng không tiêm tiếp mũi 3 vì chủ quan cho rằng đã có miễn dịch tự nhiên sau khi mắc bệnh.

Phân tích thêm về những nguyên nhân khiến tỉ lệ tiêm vắc xin mũi 3 cả nước chưa đạt, TS Phạm Quang Thái – trưởng Văn phòng tiêm chủng mở rộng miền Bắc (Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương) – cho rằng ở nhóm người đã tiêm 2 mũi và khỏi bệnh COVID-19 họ có thể chọn không tiêm mũi 3 vì cho rằng đã có miễn dịch tự nhiên.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, có nhiều người chưa hề mắc COVID-19 nhưng vẫn trì hoãn tiêm mũi 3 khi cho rằng bệnh nhẹ, không đáng lo ngại.

“Đây chính là bộ phận có thể ảnh hưởng đến hoạt động phòng chống dịch, vì họ có thể nhiễm trong thời gian tới và có thể chuyển nặng. Các địa phương cần lưu tâm tăng cường, rà soát nhóm người này”, TS Thái nhấn mạnh.

Một nguyên nhân khách quan khác được TS Thái cho biết thêm là vào thời điểm cả nước triển khai đợt cao điểm tiêm vắc xin mũi 3 thì lại thiếu vắc xin và thiếu dung dịch pha vắc xin Pfizer. Tại thời điểm đó, theo hướng dẫn hiện hành, nhiều người chỉ có thể tiêm vắc xin Pfizer. Do đó nhiều người đã đến thời điểm để tiêm mũi 3 nhưng buộc phải trì hoãn.

“Thời điểm đó thiếu cục bộ vắc xin Moderna và dung dịch pha vắc xin Pfizer nên nhiều địa phương trên cả nước chưa sẵn sàng triển khai. Đến khi có vắc xin và dung môi thì một bộ phận người dân đã nhiễm COVID-19 và có quan điểm có miễn dịch tự nhiên nên không tiêm mũi 3 nữa”, ông Thái nói.

Gây lãng phí lớn vắc xin

Với tỉ lệ liều tiêm vắc xin mũi 1 và 2 trên cả nước hiện nay đã đạt gần 100%, theo TS Phạm Quang Thái, kết quả này giúp người bệnh phòng bệnh chuyển nặng, tử vong. Tuy nhiên để tăng độ an toàn, đặc biệt cho những người suy giảm miễn dịch, cao tuổi… thì cần tiêm mũi 3 kịp thời.

Thực tế đã có nhiều người tiêm mũi 2 nhưng khi nhiễm COVID-19 vẫn chuyển nặng, còn người dân tiêm đủ 3 mũi thì tỉ lệ chuyển nặng và tử vong rất thấp. Với những người suy giảm miễn dịch nên tiêm vắc xin mũi 4.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng – trưởng khoa y tế công cộng Trường đại học Y dược TP.HCM – cũng cho rằng tiêm mũi 3 rất cần thiết và quan trọng, giúp “củng cố” miễn dịch, đặc biệt giúp người bệnh ít chuyển nặng và nguy cơ chuyển nặng nếu nhiễm COVID-19. Do đó những người chưa tiêm mũi 3 và chưa nhiễm COVID-19 thì nên tiêm nhanh chóng.

“Dù khả năng miễn dịch chống lây nhiễm của mũi 3 sẽ giảm dần theo thời gian, nhưng khả năng miễn dịch chống lại bệnh nặng và tử vong lại bền vững. Thực tế có nhiều người tiêm mũi 3 vẫn nhiễm COVID-19 nhưng ít chuyển nặng. Ngược lại có người chưa tiêm đủ 3 mũi khi nhiễm thì chuyển nặng, thường gặp ở nhóm người nguy cơ cao”, ông Dũng lý giải.

Đối với người tiêm 2 mũi vắc xin và đã mắc COVID-19, TS Phạm Quang Thái khuyến cáo có thể tiêm mũi 3 ngay sau khỏi bệnh nhưng cũng có thể trì hoãn tiêm mũi 3 một thời gian vì cơ thể đã có miễn dịch nhất định sau nhiễm (kéo dài ít nhất 3 tháng).

Bên cạnh những người có được miễn dịch cao sau nhiễm, vẫn có những người miễn dịch ở mức thấp do đặc điểm cơ địa hoặc tình huống nhiễm cụ thể. Do đó, xét về mặt y tế cộng đồng, nếu số đông người dân trì hoãn tiêm mũi 3 thì vẫn sẽ có người không được bảo vệ bởi vắc xin và một lượng vắc xin không được sử dụng sẽ hết hạn từ đó gây lãng phí lớn (Tuổi trẻ, trang 12).

 

Lưu ý sức khỏe tâm thần khi trẻ trở lại trường

Sau 1 năm ở nhà học trực tuyến, giảm các tương tác với xã hội, lứa học sinh tiểu học và lớp 6 ở Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác bắt đầu quay trở lại trường học. Làm gì để trẻ có thể tránh được căng thẳng, bỡ ngỡ sau thời gian dài sống trong môi trường khép kín là vấn đề nhiều phụ huynh quan tâm.

Ba nhóm trẻ cần quan tâm

Các chuyên gia tâm lí có chung nhận định, đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi khá nhiều thói quen sinh hoạt có thể dẫn đến việc trẻ căng thẳng, lo lắng hoặc buồn bã quá mức, thói quen ăn ngủ không lành mạnh và khó tập trung chú ý. Thậm chí khiến trẻ dễ nổi nóng, gây hấn hoặc thất vọng, chán nản.

Tại khoa Khám bệnh (Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương) thời gian qua đã tiếp nhận nhiều trẻ vị thành niên đến khám các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Bác sĩ Trần Thị Sáu, khoa Khám bệnh cho biết, đa số các bệnh nhân đến khám đều chung một nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch bệnh và việc phải học trực tuyến thời gian dài.

Bác sĩ Nguyễn Viết Chung, khoa Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện E), Giảng viên Trường ĐH Y Dược – ĐH Quốc gia Hà Nội nêu quan điểm: “Không phải việc học ở nhà là tiêu cực. Chúng ta phải nhìn nhận luôn có 2 tình huống là những trẻ có tính tự giác, có mục tiêu rõ ràng trong việc học tập thì việc học trực tuyến hay trực tiếp không ảnh hưởng nhiều đến trẻ. Tuy nhiên, với một số học sinh gặp khó khi thích nghi xã hội, việc chuyển đột ngột từ hình thức học trực tuyến sang trực tiếp sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lí của các em”.

Bác sĩ Chung cho biết trong 2 năm đại dịch, số lượng trẻ đến khám bệnh về sức khỏe tâm thần khá đông sau mỗi đợt giãn cách, đặc biệt khi trẻ quay lại trường học. Thực tế khám chữa bệnh tại khoa Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện E) có 3 nhóm học sinh cần phải được quan tâm đến sức khỏe tâm thần khi trở lại trường. Đó là những trẻ có sẵn tình trạng nghiện game, việc học trực tuyến tạo điều kiện cho trẻ chơi game nhiều hơn, nhiều trẻ bỏ bê việc học chỉ tập trung vào game. Do vậy khi quay trở lại trường học, trẻ không chịu đi học, liên tục trốn học để chơi game. Khi bị ép trẻ sẽ có hành vi không phù hợp tại lớp học như bỏ làm bài, làm việc riêng trên lớp, nói chuyện riêng, chống đối giáo viên…

Tiếp đó là những trẻ hay có xu hướng bị bắt nạt tại trường, những trẻ có tính cách nhút nhát, ngoại hình không được tốt (quá mập, thấp bé), hay trẻ có vấn đề về nhận dạng giới tính, khó giao tiếp, tiếp xúc với người khác… Với những trường hợp này cha mẹ và nhà trường cần hết sức lưu ý. Ngoài ra còn có nhóm trẻ bị rối loạn sự thích ứng, trở nên căng thẳng lo lắng, mất ngủ khi đi học.

Dấu hiệu nhận biết

Bác sĩ Chung lưu ý người lớn nên để ý những dấu hiệu bất thường ở trẻ như cứ đi học là có biểu hiện mệt, đau bụng, chóng mặt. “Đây chính là những phản ứng lại với stress, lo âu. Trẻ thường có giấc ngủ kém, hay bị mơ, gặp ác mộng… Tình trạng này kéo dài khiến trẻ không tập trung vào việc học và có thể gây một số bệnh lí về tâm thần như rối loạn lo âu, trầm cảm…”, bác sĩ Chung cho hay.

TS Đỗ Minh Loan, Trưởng khoa Sức khỏe vị thành niên (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, căng thẳng trong học tập, không đáp ứng sự kì vọng của gia đình, hoặc kì vọng quá cao với bản thân, khối lượng bài vở nhiều, mất cân bằng giữa học tập và nghỉ ngơi thư giãn, thiếu sự động viên, khích lệ của các thầy cô giáo, môi trường học đường bất ổn, gặp trở ngại trong các mối quan hệ tình cảm… là những yếu tố nguy cơ gây ra rối loạn tâm thần ở trẻ em.

Các chuyên gia cũng chỉ ra những nguy cơ mà trẻ phải đối mặt khi trở lại trường như tình trạng lôi kéo, sử dụng chất kích thích, hay tình trạng bị lạm dụng về thể chất, lời nói, cảm xúc nên cha mẹ cần hết sức chú ý và đồng hành cùng trẻ trong giai đoạn này. Đặc biệt, cha mẹ cần gần gũi để thấu hiểu tâm tư của con thay vì la mắng, áp đặt.

“Khi trẻ có các dấu hiệu như mất ngủ, lo âu, đau bụng, chóng mặt, buồn nôn… tất cả mọi thứ liên quan đến áp lực học tập, buồn chán, chậm chạp, ít nói cần cho trẻ đi khám ngay để có những biện pháp can thiệp kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra”, bác sĩ Chung lưu ý (Tiền phong, trang 4).

 

Hội chứng sau mắc Covid-19: Hiểu đúng để cùng vượt qua

Ngày 6-4, Báo SGGP tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề “Thích ứng an toàn sau mắc Covid-19” với sự tham gia của nhiều chuyên gia để giải đáp các băn khoăn, thắc mắc của bạn đọc. Các chuyên gia cho rằng, di chứng hậu Covid-19 gây ra nhiều hệ lụy, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, đừng vì quá lo lắng mà ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý và tự ý thực hiện các cận lâm sàng; mua, sử dụng nhiều loại thuốc, thực phẩm chức năng khi chưa có chỉ định của bác sĩ, dẫn đến lãng phí tiền bạc, ảnh hưởng sức khỏe. Nhiều nỗi lo sau mắc Covid-19

Gửi câu hỏi sớm nhất về Báo SGGP Online, bạn đọc Hà Văn Phú, huyện Hóc Môn, TPHCM, hỏi: “Vợ tôi có thai 6 tháng và mắc Covid-19, nay đã khỏi nhưng vẫn ho nhiều, liệu có ảnh hưởng đến quá trình mang thai, làm sinh non hay không?”.

TS-BS Lê Thị Thu Hương, Trưởng khoa Nội hô hấp cơ xương khớp, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, trả lời: Ho là một phản xạ tự nhiên để làm sạch bụi, đờm và các chất kích thích khác nhằm bảo vệ đường thở và phổi. Trong khi hồi phục sau mắc Covid-19, nhiều bệnh nhân có thể tiếp tục ho thêm một thời gian mới hết. Nếu ho khan mà không có các triệu chứng gì khác, nên uống đủ nước ấm, có thể thực hành các kỹ thuật kiểm soát cơn ho như nuốt những ngụm nước nhỏ, dùng kẹo ngậm ho thảo dược (loại có thể dùng được cho phụ nữ có thai)… “Tuy nhiên, do bạn đang có thai, việc ho nhiều có thể ảnh hưởng đến em bé, bạn nên thu xếp để gặp bác sĩ tư vấn, khám sớm”, TS-BS Lê Thị Thu Hương lưu ý.

Theo BS CK2 Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, sau khi mắc Covid-19, người dân nên theo dõi sức khỏe định kỳ, nếu có triệu chứng bất thường thì nên đến bác sĩ để được tư vấn, thăm khám, chẩn đoán phù hợp. Bên cạnh đó, cần thường xuyên luyện tập thể dục thể thao, có chế độ dinh dưỡng hợp lý, thay đổi lối sống lành mạnh để hạn chế di chứng sau mắc Covid-19. “Các triệu chứng mất ngủ, bứt rứt, ăn không ngon cũng thường bắt gặp ở bệnh nhân sau mắc Covid-19, do đó cần thay đổi lối sống, chế độ luyện tập, chế độ dinh dưỡng. Nếu không cải thiện thì nên đến thăm khám tại các cơ sở y tế có chuyên khoa để được chẩn đoán phù hợp”, bác sĩ Nguyễn Thanh Phong thông tin.

Giải đáp thắc mắc của bạn đọc về việc khi nào cần thăm khám sau mắc Covid-19, TS-BS Nguyễn Anh Dũng, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hội chứng sau  mắc Covid-19 xảy ra ở những cá thể có tiền sử được xác định hoặc nghi ngờ nhiễm virus SARS-CoV-2, thường sau 3 tháng kể từ khi khởi phát triệu chứng của Covid-19, kéo dài ít nhất 2 tháng và không thể giải thích được bằng một chẩn đoán khác. Các triệu chứng phổ biến bao gồm: mệt mỏi, khó thở, rối loạn nhận thức cũng như các triệu chứng khác ảnh hưởng đến hoạt động thường ngày.

Theo TS-BS Nguyễn Anh Dũng, có một tỷ lệ người bệnh sau khi mắc Covid-19 bị di chứng với nhiều mức độ nặng nhẹ khác nhau, còn lại đa số trường hợp sẽ khỏi và không để lại di chứng. Cụ thể có các nhóm: nhóm nguy cơ cao phát triển tình trạng sau mắc Covid-19 (lớn tuổi, bệnh nền, Covid-19 cấp nặng khi nằm viện); nhóm bệnh nhân xuất hiện triệu chứng mới, hay còn dai dẳng sau khi khỏi Covid-19; và nhóm người sau khi khỏi Covid-19 không có triệu chứng gì (vẫn học tập, lao động, sinh hoạt bình thường, không ảnh hưởng chất lượng cuộc sống; không thuộc nhóm những người nguy cơ thì không cần khám sau mắc Covid-19).

Hạn chế lạm dụng thuốc 

Bác sĩ Hà Tấn Lộc, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn, cho biết, không phải ai cũng có triệu chứng sau khi mắc Covid-19 cần phải đi khám, do đó nên hạn chế lạm dụng thăm khám để tránh lãng phí và tốn kém. Trả lời câu hỏi của một bạn đọc ngụ quận 12 là sau khi mắc Covid-19 học hành không vô, làm việc không suy nghĩ được ý tưởng gì; bác sĩ Tấn Lộc cho rằng, có thể bạn đang gặp phải vấn đề stress sau mắc Covid-19. Do đó có thể cải thiện tình trạng này bằng các biện pháp như tập thở, tập thiền sẽ giúp tịnh tâm, thư giãn tinh thần; tạm thời hạn chế bớt công việc; dành thời gian thư giãn nhiều hơn sau giai đoạn nhiễm bệnh cấp tính để cơ thể dần hồi phục.

Liên quan đến việc sử dụng nhiều loại thực phẩm chức năng, thuốc ho cho người sau mắc Covid-19, bác sĩ Hà Tấn Lộc cho rằng, khi cơ thể thiếu chất mới phải cần bổ sung, nếu người sau mắc Covid-19 vẫn ăn uống được bình thường mà trong chế độ ăn đã đầy đủ cân bằng dinh dưỡng rồi thì không cần thiết phải bổ sung từ các thực phẩm chức năng; vì khi bổ sung quá mức, cơ thể không hấp thu được cũng đào thải ra. Bên cạnh đó, việc dùng bừa bãi thực phẩm chức năng nếu không đảm bảo chất lượng có thể ảnh hưởng xấu đến gan và thận. Đối với thuốc ho thì nếu người sau mắc Covid-19 không còn triệu chứng ho nữa, không cần thiết phải sử dụng; nếu tình trạng ho kéo dài thì có thể khám kiểm tra để tránh bỏ sót những vấn đề sức khỏe tiềm ẩn.

Đối với bạn đọc đặt câu hỏi vì công việc phải thức khuya dậy sớm, khiến hay chóng mặt, hay quên, đi thang máy thấy chếnh choáng như bay, bác sĩ Nguyễn Thanh Phong khuyên, cần thay đổi lối sống, tập thể dục thể thao, có chế độ dinh dưỡng phù hợp. Nếu tình trạng không suy giảm, cần đi thăm khám bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn, thăm khám, điều trị phù hợp.

Một trường hợp bạn đọc cho biết, có biểu hiện mất trí nhớ tạm thời sau khi mắc Covid-19, có cần đi khám, điều trị sau Covid-19? Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong cho rằng, đây là triệu chứng gặp phải ở một số người sau khi mắc Covid-19. Do đó, nếu triệu chứng kéo dài nên đến cơ sở y tế khám chuyên khoa hậu Covid-19 để được thăm khám phù hợp. “Việc sử dụng thuốc cần theo chỉ định bác sĩ để tránh tác dụng phụ không mong muốn. Hiện nay, có rất nhiều thuốc và thực phẩm chức năng  quảng cáo tốt cho những người sau mắc Covid-19. Do đó, người dân cần được thăm khám và hướng dẫn dùng thuốc từ chuyên gia y tế”, bác sĩ Nguyễn Thanh Phong khuyến cáo (Sài Gòn giải phóng, trang 4).

 

Cứu con mắt còn lại cho bệnh nhân “mặt quỷ”

Gần 11 năm sau khi bị nổ mắt phải, con mắt còn lại cũng dần rơi vào mù lòa, nam bệnh nhân đã tìm đến cầu cứu bác sĩ với hy vọng sẽ giữ lại một phần thị lực. Sau cuộc phẫu thuật căng thẳng, các bác sĩ đã giúp bệnh nhân thoát khỏi khối u, bảo tồn thị lực mắt trái.

Đó là trường hợp của bệnh nhân Đặng Tòn Pu (31 tuổi, ngụ tại tỉnh Đắk Lắk) vừa được tiếp nhận, điều trị tại Bệnh viện JW TPHCM. Thời điểm nhập viện, bệnh nhân bị khối u làm biến dạng khuôn mặt, khối u che kín cả hai hốc mắt. Pu cho biết, năm 12 tuổi anh thường xuyên phải đối mặt với những cơn đau đầu, mắt và mặt bắt đầu biến dạng vì khối u.

Do hoàn cảnh khó khăn, mẹ mất sớm lại bị cha bỏ rơi nên Pu không có điều kiện đến bệnh viện chữa trị. Theo thời gian, khối u phát triển ngày càng lớn khiến anh mang gương “mặt quỷ” không dám tiếp xúc, hòa nhập xã hội vì những lời dị nghị của nhiều người. Năm 20 tuổi, khối u bên mặt phải phát triển quá lớn xâm lấn và làm nổ con mắt bên phải của bệnh nhân. Từ đó đến nay, người bệnh chấp nhận sống chung với những cơn đau, thị lực của mắt trái mất dần. Thông qua giới thiệu và hướng dẫn của các bác sĩ tại địa phương, Pu đã đến TPHCM cầu cứu sự giúp đỡ. “Tôi biết việc phẫu thuật cho mình là rất khó và rủi ro cao nhưng dù có 1% cơ hội tôi cũng chấp nhận để giữ con mắt còn lại với hy vọng có thể tự lo được cho mình”.

Sau khi thăm khám cho bệnh nhân, TS.BS Nguyễn Phan Tú Dung, Giám đốc Bệnh viện JW cho biết: “Khối u ở mặt người bệnh đã phát triển phì đại, mặt trái có kích thước khoảng 15x10cm, khối u nửa mặt phải khoảng 10×10 cm. Toàn bộ khối u kéo sụp xuống cả hai mắt, gây chèn ép hốc mắt, sụp mí hoàn toàn, và tiềm ẩn nguy cơ nhiễm trùng não. Để nhìn được ánh sáng, bệnh nhân phải đưa tay kéo khối u lên nhưng chỉ mở được khoảng 0,5cm, tầm nhìn mờ ảo giới hạn ở khoảng cách 2m”.

Các kết quả kiểm tra và xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân bị u sợi thần kinh, khối u đã xâm lấn hốc mắt, ăn vào kết mạc và phần rìa giác mạc trong tình trạng căng tức. Nếu không can thiệp, con mắt còn lại của bệnh nhân sẽ bị vỡ gây mù vĩnh viễn. Sau hội chẩn, ngày 6/4 các bác sĩ quyết định thực hiện cuộc phẫu thuật miễn phí cho bệnh nhân.

Trong quá trình phẫu thuật, ê kíp ghi nhận nhãn cầu mắt phải của bệnh nhân đã tiêu biến hoàn toàn nhưng mắt trái vẫn còn nguyên vẹn. Suốt 5 giờ căng thẳng trong phòng mổ, ê kíp đã bóc tách thành công khối u ở hai bên mặt cho bệnh nhân, bảo tồn được cơ vòng, dây thần kinh thị giác, tạo hình thẩm mỹ lại khuôn mặt cho người bệnh.

“Ca phẫu thuật trải qua rất nhiều thách thức, đặc biệt khi khối u mắt ở vị trí quá hiểm dễ nổ tung và mù vĩnh viễn. Khối u ở mặt, nơi tập trung mạng lưới thần kinh chằng chịt là thách thức lớn đối với ê kíp. Chúng tôi đã thở phào khi có thể giúp Pu tìm lại ánh sáng cuối của đời mình sau 19 năm chịu cảnh tối tăm” – TS.BS Tú Dung nói (Tiền phong, trang 15).

 

Vắc xin vẫn hiệu quả với biến chủng tái tổ hợp

Trước biến chủng COVID-19 tái tổ hợp – gồm XD, XE, XF – đã xuất hiện ở châu Âu, trong đó biến chủng XE được cho là có khả năng lây truyền cao hơn so với biến thể BA.2, TS Phạm Quang Thái cho hay hiện Việt Nam chưa ghi nhận biến chủng này.

Tuy nhiên, với sự giao thương quốc tế đã sôi động như hiện nay thì biến chủng mới này sớm muộn cũng sẽ có mặt ở nước ta.

“Khi độ phủ vắc xin tốt, dù có lây nhiễm nhưng không có tình trạng chuyển nặng, hệ thống y tế không bị quá tải thì vẫn ổn”, ông Thái nói.

Bên cạnh tiếp tục đẩy mạnh tiêm vắc xin mũi 3, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương tiêm vắc xin cho trẻ em từ 5 – 11 tuổi, tiêm vét với trẻ em 12 – 17 tuổi và nhóm người chỉ định. Đồng thời luôn sẵn sàng kịch bản để chủ động ứng phó với các làn sóng dịch có thể xảy ra (Tuổi trẻ, trang 12).

Ngọc Nga

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 20/4/2022

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 21/7/2022

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 24/9/2019

CDC Hà Nam