Điểm báo ngày 07/6/2022

(CDC Hà Nam)
Khai trừ Đảng Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long và Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh; Dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng ở TP.HCM tiếp tục gia tăng; Hà Nội triển khai kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 4; Đề xuất ‘V2K’ thay cho ‘5K’ khi dịch COVID-19 đã được kiểm soát; Tăng cường kiểm tra nhằm ngăn chặn việc cấp giấy khám sức khỏe cho lái xe giả, cấp khống…
Khai trừ Đảng Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long và Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh
Hội nghị bất thường Ban Chấp hành Trung ương Đảng chiều 6-6 đã quyết định kỷ luật bằng hình thức khai trừ Đảng đối với hai ủy viên Trung ương là bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh.

Ngày 6-6, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã họp bất thường để xem xét, thi hành kỷ luật ông Chu Ngọc Anh – ủy viên Trung ương Đảng, phó bí thư Thành ủy, bí thư Ban cán sự đảng, chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, nguyên bí thư Ban cán sự đảng, nguyên bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ, và ông Nguyễn Thanh Long – ủy viên Trung ương Đảng, bí thư Ban cán sự đảng, bộ trưởng Bộ Y tế.

Sau khi xem xét đề nghị của Bộ Chính trị, căn cứ nội dung, tính chất, mức độ hậu quả, nguyên nhân vi phạm; theo quy định của Đảng về kỷ luật đảng viên vi phạm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định thi hành khai trừ ra khỏi Đảng ông Chu Ngọc Anh và ông Nguyễn Thanh Long.

Đồng thời yêu cầu các cơ quan chức năng khẩn trương xem xét, xử lý kỷ luật về hành chính theo đúng quy định đối với cá nhân đã bị kỷ luật đảng.

Bãi nhiệm

Ngày mai 7-6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng nhân dân TP Hà Nội sẽ xem xét tư cách đại biểu Quốc hội của ông Nguyễn Thanh Long và tư cách đại biểu Hội đồng nhân dân của ông Chu Ngọc Anh.

Với kỷ luật Đảng ở mức “kịch trần” là khai trừ, cả hai ông sẽ bị Quốc hội và Hội đồng nhân dân bãi nhiệm đại biểu Quốc hội và bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân. (Tuổi trẻ, trang 1; Sài gòn giải phóng; trang 1; An ninh Thủ đô, trang 5; Thanh niên, trang 1).

 

Dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng ở TP.HCM tiếp tục gia tăng
Ngày 6.6, theo báo cáo của Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), trong 5 tháng đầu năm 2022, TP ghi nhận 11.722 ca mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH), tăng 66,5% với cùng kỳ 2021 (7.039 ca).

Trong đó có 209 ca SXH nặng, tăng hơn 7 lần so với cùng kỳ 2021 (28 ca). Riêng trong tuần 22 (từ ngày 27.5 – 2.6), TP có 1.504 ca SXH, tăng 329 ca (28%) so với trung bình 4 tuần trước. Trong tuần 22 chưa ghi nhận thêm trường hợp tử vong do SXH. Như vậy, từ đầu năm đến nay TP có 7 ca SXH tử vong. Số ca bệnh SXH tiếp tục tăng cao ở hầu hết các quận, huyện, TP.Thủ Đức (trừ Q.10). Những phường, xã có số ca SXH tăng cao so với trung bình 4 tuần trước là P.5 (Q.8), P.Tân Thới Nhất (Q.12), xã Phước Vĩnh An (H.Củ Chi). Trong tuần 22 toàn TP cũng ghi nhận 111 ổ dịch SXH mới phát sinh ở 79 phường, xã thuộc 20/22 quận huyện, TP.Thủ Đức; giảm 10 ổ dịch mới so với tuần 21. Tổng số ổ dịch được xử lý phun hóa chất trong tuần là 223 và có 5 phường, xã xử lý ổ dịch diện rộng.

Trong khi đó, 5 tháng đầu năm 2022, TP ghi nhận 4.768 ca mắc bệnh tay chân miệng (TCM). Chỉ tính riêng trong tuần 22, TP ghi nhận thêm 977 ca TCM, tăng 159 ca (19,5%) so với trung bình 4 tuần trước đó. Số ca bệnh TCM tiếp tục tăng cao ở hầu hết các quận, huyện, TP.Thủ Đức (trừ Q.Gò Vấp và H.Hóc Môn). Những phường, xã có số ca TCM tăng cao so với trung bình 4 tuần trước là P.12 (Q.Tân Bình), P.Hiệp Bình Phước (TP.Thủ Đức), xã Vĩnh Lộc A (H.Bình Chánh). Trong tuần 22 toàn TP ghi nhận 21 ổ dịch TCM mới phát sinh tại 8 quận, huyện; tăng so với tuần 21 (20 ổ dịch). Số ổ dịch tích lũy đến tuần 22 năm 2022 là 47; tất cả đều được xử lý kịp thời. (Thanh niên, trang 2; Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

Hà Nội triển khai kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 4

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội vừa lên kế hoạch triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19, liều nhắc lại lần 2 (mũi 4) nhằm củng cố, tăng cường miễn dịch phòng COVID-19 cho người từ 50 tuổi trở lên; người từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng; người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với SARS-CoV-2 như cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu, công nhân, người làm việc trong các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố.

Trong trường hợp bố trí được nguồn vaccine có thể mở rộng đối tượng theo chỉ đạo của Bộ Y tế.

Thành phố đặt mục tiêu trên 95% đối tượng thuộc diện cần tiêm mũi nhắc lại lần 2 vaccine phòng COVID-19 sẽ được tiêm. Thời gian thực hiện từ tháng 6/2022; triển khai đồng loạt trên địa bàn toàn thành phố.

Thành phố sẽ tiêm chủng miễn phí cho tất cả đối tượng nêu trên theo hình thức tiêm chủng chiến dịch; tiêm ngay khi tiếp nhận vaccine từ Bộ Y tế (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương). Vaccine sử dụng để tiêm nhắc lại lần 2 (mũi 4) gồm: vaccine mRNA do hãng Pfizer sản xuất hoặc Moderna; vaccine cùng loại với mũi 3 (mũi nhắc lần 1).

Quảng Ninh: Hơn 368.000 người được tiêm vaccine mũi thứ 4

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội huy động sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị-xã hội, các ban, ngành, đoàn thể… trong đó, nòng cốt là lực lượng y tế cơ sở cùng các cơ sở y tế trong và ngoài công lập đóng trên địa bàn tham gia chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.

Các cấp cần chủ động cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí để tuyên truyền đến người dân về lợi ích, lịch tiêm chủng, tính an toàn của vaccine, các sự cố bất lợi sau tiêm; tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng truyền thông tại các đường dây nóng (của thành phố, của Ban Chỉ đạo các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn) và tổng đài trả lời tự động để tư vấn, hướng dẫn tiêm chủng cho nhân dân.

Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm rà soát, lập danh sách đối tượng cần tiêm chủng trên địa bàn; ứng dụng công nghệ thông tin trong điều tra đối tượng cần tiêm chủng, tổng hợp đối tượng cần tiêm, nhập thông tin đối tượng và mũi tiêm lên phần mềm tiêm chủng COVID-19.

Ủy ban nhân dân thành phố giao Sở Y tế là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo thành phố phòng, chống dịch COVID -19 chịu trách nhiệm hướng dẫn cụ thể cho các sở, ngành và đơn vị liên quan tổ chức triển khai chiến dịch này trên địa bàn./. (Tiền phong, trang 2).

 

Đề xuất ‘V2K’ thay cho ‘5K’ khi dịch COVID-19 đã được kiểm soát

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương thông tin, hiện Bộ đã đề xuất V2K (vaccine – khẩu trang – khử khuẩn) và đã lấy ý kiến các thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 và trình Chính phủ.

Tại buổi Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2022 diễn ra chiều 4/6, báo chí đã đặt câu hỏi cho Bộ Y tế về việc hiện nay dịch COVID-19 đã được kiểm soát thì tiêm vaccine mũi 3, mũi 4 có bắt buộc hay không và Bộ có sửa quy định “5K” hay không.

Trả lời tại buổi họp báo về vấn đề trên, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho rằng, theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm quy định tại các Khoản 1, 2, 3 Điều 29 về sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế bắt buộc thì: Người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch và đến vùng có dịch bắt buộc phải sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế đối với các bệnh có vaccine, sinh phẩm y tế phòng bệnh;

Trẻ em, phụ nữ có thai phải sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế bắt buộc đối với các bệnh truyền nhiễm thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng; Cha, mẹ hoặc người giám hộ của trẻ em và mọi người dân có trách nhiệm thực hiện yêu cầu của cơ sở y tế có thẩm quyền trong việc sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế bắt buộc.

Theo Khoản 2 Điều 30 Bộ trưởng Bộ Y tế có trách nhiệm: Ban hành danh mục bệnh truyền nhiễm phải sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế bắt buộc quy định tại Khoản 1 Điều 29; Tổ chức triển khai Chương trình tiêm chủng mở rộng và quy định danh mục bệnh truyền nhiễm phải sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế bắt buộc, độ tuổi trẻ em thuộc đối tượng của Chương trình tiêm chủng mở rộng quy định tại Khoản 2 Điều 29; Quy định phạm vi và đối tượng phải sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế bắt buộc tuỳ theo tình hình dịch; Quy định việc sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế quy định tại Khoản 3 Điều 27 của Luật này; điều kiện của cơ sở y tế quy định tại Khoản 4 Điều 27.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh: “Căn cứ vào những quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, ngày 17/10/2017, Bộ Y tế đã ban hành danh mục bệnh truyền nhiễm, phạm vi và đối tượng phải sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế bắt buộc”.

Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh thêm, ngày 1/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 447 về việc công bố dịch COVID-19, và là dịch bệnh truyền nhiễm nhóm A có nguy cơ đại dịch toàn cầu trên phạm vi toàn quốc.

Tuy nhiên, hiện nay COVID-19 chưa được cập nhật vào danh mục bệnh truyền nhiễm phải sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế bắt buộc cũng như độ tuổi trẻ em thuộc đối tượng của chương trình tiêm chủng mở rộng chưa có quy định phạm vi và đối tượng phải sử dụng vaccine và sinh phẩm y tế bắt buộc theo tình hình dịch với một số lý do sau:

Thứ nhất, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo nên triển khai tiêm vaccine tự nguyện, hơn là bắt buộc.

Thứ hai, việc sử dụng vaccine phòng chống dịch COVID-19 trên thế giới hầu như là tự nguyện, chỉ có một số quốc gia bắt buộc tiêm vaccine với một số đối tượng như công nhân, cảnh sát, quân đội… và chưa bắt buộc tiêm vaccine với trẻ em 5-12 tuổi.

Thứ ba, các vaccine phòng COVID-19 vẫn đang trong quá trình tổng hợp theo dõi về hiệu quả của sử dụng vaccine.

Căn cứ vào quy định hiện hành và các lý do nêu trên tại thời điểm hiện nay, việc tiêm vaccine cho trẻ 5-12 tuổi chưa có đủ cơ sở xác định là bắt buộc.

“Sáng nay, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế sẽ làm việc với Bộ Tư pháp, các đơn vị liên quan để xem xét vấn đề này. Về việc có sửa quy định 5K hay không, từ khi bùng phát dịch COVID-19, thông điệp 5K đã được sử dụng rất hiệu quả, góp phần rất lớn trong công tác phòng, chống dịch. Tuy nhiên, hiện nay Bộ Y tế đã tham mưu tạm dừng việc khai báo y tế, không bắt buộc hạn chế tập trung đông người và giữ khoảng cách. Như vậy, thực chất chỉ còn thực hiện khẩu trang – khử khuẩn”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cho biết.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cho rằng: “Hiện nay, việc tiêm vaccine phòng COVID-19 đúng lịch, đủ liều là rất quan trọng để đảm bảo phòng bệnh. Bộ Y tế đã đề xuất V2K (vaccine – khẩu trang – khử khuẩn) và đã lấy ý kiến các thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 và trình Chính phủ. Tuy nhiên trong dự thảo, Bộ Y tế cũng nêu rõ thông điệp 5K vẫn sẽ được sử dụng nếu xuất hiện biến chủng mới gây ảnh hưởng đến sức khoẻ nhân dân”. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

Tăng cường kiểm tra nhằm ngăn chặn việc cấp giấy khám sức khỏe cho lái xe giả, cấp khống
Bộ Y tế đề nghị các đơn vị được giao nhiệm vụ tăng cường kiểm tra hoạt động khám sức khỏe đối với người lái xe thuộc thẩm quyền quản lý nhằm ngăn chặn và hạn chế việc cấp giấy khám sức khỏe giả, cấp khống giấy khám sức khỏe…

Bộ Y tế vừa có văn bản gửi Bộ Công an, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Giao thông vận tải, Sở Y tế các tỉnh, thành; các bệnh viện, viện trực thuộc Bộ, Bệnh viện trực thuộc trường Đại học về tăng cường quản lý nhà nước với công tác khám sức khỏe.

Theo Công văn, để tiếp tục chấn chỉnh hoạt động khám sức khỏe, Bộ Y tế đề nghị các Bộ, ngành kiểm tra, thanh tra các cơ sở thực hiện khám sức khỏe thuộc Ngành quản lý.

Đồng thời, chấn chỉnh, xử lý theo các mức độ đối với các thiếu sót, tồn tại phát hiện trong quá trình thanh, kiểm tra. Các cơ quan, tổ chức, khi tiếp nhận hồ sơ có giấy khám sức khỏe, nếu có nghi ngờ cần phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để kịp thời xử lý.

Đặc biệt, Cục Y tế Bộ Công an, Cục Y tế Giao thông vận tải, Sở Y tế tỉnh, thành phố được giao nhiệm vụ tăng cường kiểm tra hoạt động khám sức khỏe đối với người lái xe thuộc thẩm quyền quản lý nhằm ngăn chặn và hạn chế việc cấp giấy khám sức khỏe giả, cấp khống giấy khám sức khỏe.

Chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh đủ điều kiện khám sức khỏe thuộc quyền quản lý phối hợp cung cấp thông tin của cán bộ được giao đầu mối phụ trách công tác khám sức khỏe, thông tin về bác sĩ thực hiện khám sức khỏe người lái xe (Họ và tên, chữ ký đăng ký …) liên quan đến vụ việc cần xác minh khi được đề nghị.

Phối hợp với chính quyền địa phương, công an sở tại trong hoạt động thông tin truyền thông, xử lý đối với các trường hợp làm giả giấy khám sức khỏe, cố tình làm trái các quy định của pháp luật trong lĩnh vực khám và cấp giấy khám sức khỏe.

Yêu cầu cơ sở khám chữa bệnh đủ điều kiện khám sức khỏe thuộc quyền quản lý tăng cường chất lượng trong công tác khám sức khỏe người lái xe, chú trọng các chuyên khoa như mắt, tâm thần, cơ xương khớp.

Đối với các Bệnh viện, Viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế, Bệnh viện thuộc Trường Đại học; Y tế Bộ ngành, Bộ Y tế yêu cầu tăng cường quản lý công tác khám sức khỏe và cấp giấy khám sức khoẻ, kiểm tra, thanh tra công tác khám sức khỏe và phối hợp chặt chẽ với chính quyền trong việc xử lý, giải quyết các trường hợp vi phạm về khám sức khỏe như giấy khám sức khỏe giả, cấp giấy khám sức khỏe khi không có người khám.

Theo Bộ Y tế, trước đó, để thực hiện chức năng quản lý nhà nước của Bộ Y tế trong lĩnh vực khám sức khỏe, trong những năm qua, Bộ Y tế đã chủ trì và phối hợp với các Bộ, ngành liên quan ban hành nhiều Thông tư quy định, hướng dẫn về hoạt động khám sức khỏe của nhiều ngành nghề, nhiều nhóm đối tượng như khám sức khỏe đi làm, đi học, lái xe, lái tàu, phi công, thuyền viên, khám tuyển nghĩa vụ quân sự… (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

Trọng Đoàn

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 08/7/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 14/11/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 25/10/2019

CDC Hà Nam