Điểm báo ngày 07/7/2021

(CDC Hà Nam)
Cách ly F1 tại nhà như thế nào?; Tin tức Covid-19 tối 6.7: Cả nước ghi nhận 1.029 ca nhiễm mới, riêng TP.HCM 710 ca; Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh: Phòng, chống Covid-19, quyết liệt ngay từ đầu để giữ vững thành quả…

 

Cách ly F1 tại nhà như thế nào?

Sở Y tế TPHCM vừa có tờ trình gửi Thường trực UBND TPHCM, đề xuất thí điểm cách ly F1 tại nhà ở 8 quận, huyện thuộc nhóm có nguy cơ gồm: 3, 6, 7, 10, 11, Phú Nhuận, Nhà Bè và Cần Giờ, kể từ ngày 5-7-2021. Sau hai tuần thí điểm, ngành y tế sẽ đánh giá kết quả để xem xét mở rộng cho địa phương thuộc nhóm nguy cơ cao. Vậy, việc cách ly tại nhà thực hiện ra sao?

Trường hợp bị cách ly y tế tại nhà

Theo Sở Y tế TPHCM, đối tượng được đề xuất cách ly y tế tại nhà là các trường hợp F1 (tiếp xúc gần với ca bệnh) nhằm giảm áp lực cho các cơ sở cách ly, nhân viên viên y tế và các lực lượng chức năng khác. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), tính đến trưa 6-7, TPHCM đang thực hiện cách ly 37.142 trường hợp tại nhà, nơi lưu trú. Cũng theo HCDC, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, xuất hiện các chủng virus SARS-CoV-2 mới, có khả năng lây nhiễm nhanh trên diện rộng nên số trường hợp F1 rất lớn, khiến quá tải các cơ sở cách ly y tế tập trung.

Đối tượng áp dụng thí điểm là trường hợp F1, có mang khẩu trang y tế trong quá trình tiếp xúc, có kết quả xét nghiệm kháng nguyên nhanh âm tính (trong khi chờ xét nghiệm PCR) và thuộc một trong các nhóm: người tiếp xúc gần với ca F0 nhưng không thường xuyên; người làm việc cùng phòng với ca F0 nhưng vị trí làm việc cách xa trên 2m và không có sự tiếp xúc trực tiếp với ca F0; người tiếp xúc gần là người già trên 60 tuổi, trẻ em, thai phụ, người tàn tật… cần sự chăm sóc hỗ trợ. Đối tượng F1 đã được cách ly tập trung đủ 14 ngày và có kết quả xét nghiệm ngày thứ 14 âm tính, được chuyển từ cơ sở cách ly tập trung về cách ly tại nhà.

Không tiếp xúc người trong gia đình 

Việc cách ly F1 tại nhà phải thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại công văn ngày 27-6-2021. Người cách ly không ra khỏi phòng, không tiếp xúc người trong gia đình và vật nuôi. F1 luôn cài và bật ứng dụng khai báo y tế như VHD, Bluezone; tự đo thân nhiệt, tự theo dõi sức khỏe… Công tác lấy mẫu xét nghiệm trong thời gian cách ly được thực hiện ít nhất 5 lần vào ngày 1, 7, 14, 20 và 28 từ khi bắt đầu cách ly. Các trung tâm y tế tại địa phương thí điểm sẽ tổ chức xét nghiệm cho người cách ly.

Được theo dõi sức khỏe hàng ngày

Đối tượng F1 cách ly tại nhà hàng ngày sẽ được địa phương tiếp nhận thông tin và kiểm tra tình trạng sức khỏe, hỗ trợ đo thân nhiệt cho người cách ly, người chăm sóc, người nhà của người cách ly nếu họ không tự đo được; ghi chép kết quả giám sát vào phiếu theo dõi sức khỏe hàng ngày và thực hiện lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người cách ly, người chăm sóc, hỗ trợ và người ở cùng nhà theo quy định. Nếu người cách ly, người chăm sóc, hỗ trợ và người ở cùng nhà có kết quả xét nghiệm dương tính thì báo trung tâm y tế địa phương xử lý theo quy định.

Điều kiện khi cách ly tại nhà

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, khi cách ly F1 tại nhà, bắt buộc là nhà ở riêng lẻ (nhà biệt thự, nhà ở liền kề và nhà ở độc lập). Trước cửa nhà có biển cảnh báo nền đỏ, chữ vàng: “ĐỊA ĐIỂM CÁCH LY Y TẾ PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19”. Phải có phòng cách ly riêng, khép kín và tách biệt với khu sinh hoạt chung của gia đình. Nếu nhà có nhiều tầng thì sử dụng một tầng riêng biệt để thực hiện cách ly y tế. Cạnh phòng cách ly y tế phải có một phòng riêng để nhân viên y tế thực hiện việc khám, lấy mẫu, theo dõi sức khỏe (bố trí bàn, ghế, dung dịch sát khuẩn tay chứa ít nhất 60% cồn, thùng đựng chất thải lây nhiễm, thùng đựng chất thải sinh hoạt). Có dụng cụ đo thân nhiệt cá nhân trong phòng.

Trong phòng cách ly có thùng đựng chất thải màu vàng, có nắp đậy, mở bằng đạp chân, có lót túi màu vàng đựng chất thải lây nhiễm (khẩu trang, khăn, giấy lau mũi miệng), có dán nhãn “CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA SARS-CoV-2”; còn thùng đựng chất thải sinh hoạt cũng có nắp đậy, mở bằng đạp chân và có lót túi màu xanh. Không được dùng điều hòa trung tâm. Có thể dùng điều hòa riêng. Đảm bảo thông thoáng khí, tốt nhất nên thường xuyên mở cửa sổ. Có máy giặt hoặc xô, chậu đựng quần áo để người cách ly tự giặt. Có chổi, cây lau nhà, giẻ lau, 2 xô và dung dịch khử khuẩn hoặc chất tẩy rửa thông thường để người cách ly tự làm vệ sinh khử khuẩn phòng. Phòng cách ly phải được vệ sinh khử khuẩn hàng ngày.

Phải trang bị đầy đủ phương tiện phòng hộ cá nhân phòng, chống lây nhiễm (khẩu trang y tế, găng tay y tế, giày, kính bảo hộ, quần, áo) để người nhà sử dụng khi bắt buộc phải tiếp xúc gần với người cách ly. Bố trí bàn trước cửa phòng cách ly để cung cấp suất ăn riêng, nước uống và các nhu yếu phẩm khác cho người cách ly. Nghiêm cấm không được mang đồ dùng, vật dụng của người cách ly ra khỏi nhà.

Cách ly tại nhà nhưng phải đảm bảo 5K

PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết, theo quy định của Bộ Y tế, tất cả các trường hợp F1 phải được cách ly tập trung nhưng hiện nay, việc xuất hiện biến chủng có tốc độ lây nhiễm dịch Covid-19 rất nhanh, số ca mắc và F1 tăng rất cao, gây ra nguy cơ quá tải trong các khu cách ly tập trung. Cùng với việc không đủ chỗ cách ly, các yêu cầu về phục vụ sinh hoạt cho người cách ly cũng khó có thể đảm bảo. Hơn nữa, việc phòng bệnh, kiểm soát nhiễm khuẩn trong khu cách ly tập trung cũng là vấn đề lớn, thực tế đã có rất nhiều trường hợp lây nhiễm chéo trong khu cách ly tập trung.

Do vậy, việc cho TPHCM thực hiện thí điểm cách ly y tế tại nhà đối với các trường hợp F1 có đủ điều kiện là hợp lý trong bối cảnh dịch hiện nay tại TPHCM; nhưng việc làm này phải được thực hiện rất nghiêm túc, chặt chẽ theo các quy định, hướng dẫn 5K của ngành y tế. Trong đó, phải lưu ý tới việc phân loại các trường hợp liên quan ca mắc Covid-19 để đưa ra biện pháp cách ly phù hợp, vì nếu không thực hiện nghiêm, quản lý không tốt, những trường hợp F1 trở thành F0 có thể nhanh chóng lây cho người nhà và lan ra cộng đồng.

Làm sao để cách ly y tế tại nhà an toàn?

Theo Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, trước mắt TPHCM sẽ tổ chức thí điểm việc cách ly F1 tại nhà tại một số khu vực nhỏ để đảm bảo hiệu quả và đánh giá mức mức độ an toàn. Đồng thời, ngành y tế và chính quyền địa phương có hướng dẫn, tuyên truyền tới các trường hợp F1 thực hiện cách ly tại nhà và với người nhà của đối tượng này để đảm bảo việc cách ly được thực hiện an toàn, tránh lây nhiễm ra cộng đồng.

Quan trọng nhất là ý thức của người cách ly và những người xung quanh thực hiện nghiêm túc các khuyến cáo 5K của Bộ Y tế. Chính quyền địa phương cũng phải có các biện pháp kiểm tra giám sát chặt chẽ, kịp thời ngăn chặn, xử lý những vi phạm khi cách ly y tế ở nhà.

Bà VÕ THỊ CHÍNH, Phó Chủ tịch UBND quận 12: Giúp tâm lý người bị cách ly nhẹ nhàng hơn 
Cách ly F1 tại nhà giúp cho tâm lý người bị cách ly nhẹ nhàng hơn vì vẫn được ở chung với người thân. Đặc biệt, đối với những người có con nhỏ hoặc em bé, người lớn tuổi diện F1, việc cho cách ly tại nhà sẽ tạo điều kiện thuận lợi khi họ không phải thay đổi môi trường sống. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng đỡ phải chuẩn bị cơ sở vật chất để cách ly khi số ca F1 tăng lên.

Bà LÊ THỊ NGỌC DUNG, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân: Người tiêm đủ 2 mũi vaccine có thể cho cách ly tại nhà

Số lượng F1 trên địa bàn quận tăng mỗi ngày, hiện 2 khu cách ly của quận đã kín chỗ. Do đó, cách ly tại nhà các trường hợp F1 sẽ phù hợp hơn và người thân của họ ý thức được nguy cơ lây nhiễm mắc bệnh cao nên hợp tác hơn. Mặt khác, sớm xem xét cho người cách ly tự test nhanh theo hướng dẫn, sau khi kết thúc cách ly thì lấy mẫu xét nghiệm khẳng định PT-PCR để đảm bảo. Ngoài ra, những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine Covid-19 cũng có thể xem xét cho họ cách ly tại nhà. (Sài Gòn giải phóng, trang 3; Lao động, trang 3).

Tin tức Covid-19 tối 6.7: Cả nước ghi nhận 1.029 ca nhiễm mới, riêng TP.HCM 710 ca

Tin Covid-19 mới nhất tối 6.7, Bộ Y tế cho biết tại tổng số ca mắc Covid-19 trong ngày tại Việt Nam là 1.029 ca, riêng TP.HCM là 710 ca nhiễm.

Tin tức Covid-19 mới nhất tối 6.7, Bộ Y tế cho biết tính từ 12 giờ đến 18 giờ 30 ngày 6.7 có 504 ca mắc mới, trong đó 271 ca nhiễm tại TP.HCM. Các ca nhiễm được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa.

Như vậy, tổng số ca mắc Covid-19 trong ngày ở Việt Nam là 1.029 ca, riêng TP.HCM là 710 ca nhiễm. Trong ngày 6.7 cũng có 55 bệnh nhân khỏi bệnh.

Tính đến 18 giờ 30 ngày 6.7, Việt Nam có tổng cộng 20.183 ca mắc Covid-19 ghi nhận trong nước và 1.881 ca nhập cảnh. Số lượng ca mắc mới ghi nhận trong nước tính từ ngày 27.4 đến nay là 18.613 ca, trong đó có 5.303 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Tính từ 12 giờ đến 18 giờ cùng ngày, TP.HCM có thêm 271 ca nhiễm, là các trường hợp trong khu cách ly, khu vực đã được phong tỏa; 24 ca đang điều tra dịch tễ.

Trước đó, như tin tức Thanh Niên đã đưa, vào trưa 6.7, TP.HCM ghi nhận nhiều nhất với 209 ca nhiễm trong tổng số 248 ca trên cả nước. 209 ca nhiễm Covid-19 được ghi nhận tại TP.HCM gồm 163 ca là các trường hợp trong khu cách ly, khu vực đã được phong tỏa; 46 ca đang điều tra dịch tễ. Những ngày qua, tại TP.HCM mỗi ngày đều ghi nhận trên 400 ca nhiễm Covid-19. (Thanh niên, trang 2; Công an nhân dân, trang 1).

 

Phòng, chống dịch COVID-19 với tinh thần quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn, đoàn kết hơn

Ngày 6/7, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 177/TB-VPCP về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp trực tuyến với TP Hồ Chí Minh và 7 tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam về công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, tiếp tục phòng, chống dịch theo các kết luận, chỉ đạo của Thủ tướng trước đây, song với tinh thần quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn, đoàn kết hơn; mở thêm bệnh viện dã chiến nếu cần thiết; đẩy mạnh tiêm phòng như kế hoạch đề ra; hoàn toàn không có chuyện “buông” để có miễn dịch cộng đồng, sàng lọc người khỏe mạnh để cho sống như tin đồn vô căn cứ. Đối với lĩnh vực kinh tế, cần tập trung kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, không cực đoan, thái quá khiến nền kinh tế bị chấn thương, quay về giảm phát, gây tê liệt sản xuất kinh doanh.

Theo Thông báo, ngày 26 và 27/6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội tại TP Hồ Chí Minh, các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Văn phòng Chính phủ đã ban hành các Thông báo kết luận số 74/TB-VPCP, số 174/TB-VPCP và số 175/TB-VPCP  ngày 01 tháng 7 năm 2021.

Sáng 4/7, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với TP Hồ Chí Minh và 7 tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam về công tác phòng, chống dịch COVID-19. Tham dự cuộc họp tại điểm cầu trụ sở Chính phủ có: Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng các Bộ: Y tế, Ngoại giao, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động – Thương binh và Xã hội, Công Thương, Thông tin và Truyền Thông, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; đại diện lãnh đạo các bộ, cơ quan: Công an, Tài chính, Quốc phòng; Ban Tuyên giáo Trung ương; Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam; Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội.

Tại điểm cầu TP Hồ Chí Minh và các địa phương có: Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình; Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên; các đồng chí Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; Trưởng ban Ban chỉ đạo phòng, chống dịch, lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan, Trưởng ban Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất tỉnh, thành phố: TPố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang.

Sau khi nghe báo cáo của Bộ trưởng Bộ Y tế, ý kiến của các địa phương, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và phát biểu của các Phó Thủ tướng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận như sau:

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao các tỉnh trong tâm dịch lần này, nhất là TP Hồ Chí Minh, các lực lượng tuyến đầu, sự vào cuộc tích cực của Bộ Y tế với nhiều nỗ lực, phối hợp, chia sẻ trách nhiệm trong phòng, chống dịch. Đến nay, dịch bệnh ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ cơ bản đang được kiểm soát. Tuy nhiên, tình hình dịch COVID-19, nhất là tại TP Hồ Chí Minh vẫn đang diễn biến rất phức tạp, khó lường, đang tiếp tục lây lan nhanh sang một số địa phương lân cận, cần sớm có giải pháp, hành động quyết liệt, mạnh mẽ hơn để kịp thời kiềm chế, đẩy lùi và kiểm soát tình hình.

Trong chỉ đạo, điều hành, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia và Bộ Y tế đã trực tiếp làm việc và có nhiều văn bản kết luận, chỉ đạo gần đây nhất là cuộc họp của Thủ tướng Chính phủ với TP Hồ Chí Minh và 7 tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm các nội dung chỉ đạo còn phù hợp với tình hình hiện nay tại các Thông báo kết luận: số 74/TB-VPCP, số 174/TB-VPCP và số 175/TB-VPCP  ngày 01 tháng 7 năm 2021.

Tư tưởng chỉ đạo là hành động cần được tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm: càng khó khăn, phức tạp, càng phải đoàn kết, thống nhất và chia sẻ trách nhiệm. Công tác phòng, chống dịch COVID-19 hiện nay là chưa có tiền lệ, do vậy, vừa làm vừa điều chỉnh bổ sung, hoàn thiện; trên tinh thần đoàn kết, thống nhất, lắng nghe ý kiến của nhau để lãnh đạo các cấp có được các phương án hành động quyết liệt, hiệu quả hơn, phù hợp với diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh và điều kiện thực tế từng địa phương, cơ quan, đơn vị.

TP Hồ Chí Minh và Thủ đô Hà Nội là hai trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng, luôn được lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo trong công tác phòng, chống dịch. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia, các bộ, ngành ở Trung ương luôn sát cánh cùng hai địa bàn quan trọng này và các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để chỉ đạo, lãnh đạo, phối hợp, hướng dẫn và nhất là dập dịch hiệu quả. Thủ tướng Chính phủ phân công Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phối hợp cùng với Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình trực tiếp chỉ đạo công tác chống dịch ở TP Hồ Chí Minh. Bộ trưởng Bộ Y tế cần chủ động, phối hợp, hướng dẫn công tác chuyên môn hằng ngày với lãnh đạo các địa phương trong vùng.

Bám sát và căn cứ tình hình cụ thể, chỉ đạo và hướng dẫn về chuyên môn của Trung ương, TP Hồ Chí Minh và 7 địa phương cần chủ động, linh hoạt điều chỉnh cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo phù hợp, hiệu quả trong phòng, chống dịch, bảo đảm huy động tối đa sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia công tác phòng, chống dịch, nhất là tại cơ sở. Cần kịp thời rút kinh nghiệm phòng, chống dịch thời gian qua, nhất là bài học kinh nghiệm thực tiễn để làm tốt hơn nữa, hiệu quả hơn nữa, với các biện pháp mạnh mẽ hơn nữa trong công tác phòng, chống dịch để trên cơ sở đó giữ vững và thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Trường hợp còn diễn biến phức tạp thì Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân và Bí thư cấp ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp phải trực tiếp làm Trưởng ban Ban chỉ đạo công tác phòng, chống dịch, nhất là tại cơ sở.

Về phương châm tổ chức triển khai thực hiện

Thứ nhất, nhất quán, kiên trì phương châm “chống dịch như chống giặc”. Lãnh đạo thành phố cần bám sát diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn để quyết định mức độ ưu tiên trong tổ chức, thực hiện mục tiêu kép. Trong điều kiện hiện nay, phải tập trung ưu tiên cho chống dịch bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết, với các quyết định mạnh hơn khi áp dụng Chỉ thị số 15, Chỉ thị số 16 và chịu trách nhiệm về các quyết định của mình.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thay mặt Thủ tướng Chính phủ lãnh đạo cụ thể. TP Hố Chí Minh là trung tâm kinh tế của cả nước với nhiều khu công nghiệp, nhà máy sản xuất lớn, việc quyết định áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch quyết liệt có thể làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất nên cần được cân nhắc, thận trọng và xem xét thứ tự ưu tiên; tuy nhiên, khi cần thiết và nhất là trong lúc này, tính mạng và sức khỏe của nhân dân vẫn luôn phải là trên hết, trước hết. Ban Chỉ đạo Quốc gia và các địa phương phối hợp chặt chẽ để kịp thời quyết định áp dụng các biện pháp phù hợp, mạnh mẽ, cần thiết và hiệu quả nhất cho mục tiêu phòng, chống dịch trên phạm vi rộng, chặt chẽ hơn kể cả toàn thành phố; kể cả các giải pháp mạnh như: tiếp tục giãn cách xã hội, phong tỏa rộng, cách ly chặt chẽ, thần tốc xét nghiệm, sàng lọc nhanh chóng các ca F0 để cách ly điều trị, nhất là những nơi đang diễn biến phức tạp, khó kiểm soát như chợ đầu mối, khu công nghiệp và khu tập trung đông người.

Thứ hai, kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa các biện pháp truyền thống và hiện đại, giữa phân tán và tập trung; hết sức linh hoạt trong phòng, chống dịch COVID-19 để sử dụng hiệu quả sức mạnh tổng lực nhằm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.

Thứ ba, các địa phương chủ động bổ sung lực lượng tham gia tuyến đầu chống dịch. Bộ Y tế cần hỗ trợ, bổ sung lực lượng tư vấn, hướng dẫn xét nghiệm, điều trị và nhân lực, vật lực trực tiếp tham gia phòng, chống dịch. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cần huy động nhân lực trong lực lượng công an, quân đội (nhất là Quân khu 7, cảnh sát cơ động, các trường đại học, cao đẳng trong quân đội, công an) và một số địa phương đã có kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch như Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Giang, Hải Dương, Quảng Ninh… hỗ trợ cả nhân lực, vật lực cho các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nhất là TP Hồ Chí Minh.

Về phương pháp triển khai thực hiện

Tiếp tục triển khai có hiệu quả các biện pháp đã được Ban Chỉ đạo Quốc gia, Bộ Y tế hướng dẫn theo tinh thần “chống dịch như chống giặc” để có các giải pháp phù hợp, cần thiết lúc này phải có biện pháp mạnh mẽ hơn, kịp thời hơn, hiệu quả hơn khi thực hiện Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 về giãn cách xã hội, phong tỏa, cách ly… và căn cứ vào tình hình thực tế có thể bổ sung các biện pháp mạnh mẽ, phù hợp, hiệu quả. Có thể áp dụng cơ chế chịu trách nhiệm tập thể trong mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm để kịp thời phục vụ phòng, chống dịch (nếu có vướng mắc về quy định, cơ chế, chính sách…)

Bảo đảm mục tiêu kép là nhiệm vụ nhất quán nhưng bảo đảm tính mạng và sức khỏe của nhân dân là nhiệm vụ hàng đầu trong lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường. Lãnh đạo các cấp, nhất là người đứng đầu, căn cứ tình hình dịch bệnh và điều kiện cụ thể của từng địa phương để lựa chọn thứ tự ưu tiên phòng, chống dịch hoặc phát triển kinh tế – xã hội hoặc đồng thời cả hai để triển khai cho phù hợp, hiệu quả. Tình hình dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh đang diễn biến phức tạp, số ca nhiễm mới tăng nhanh, cần kịp thời có các giải pháp quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn.

Đẩy mạnh phân công, phân cấp, phân quyền đi đối với cá thể hóa trách nhiệm cá nhân ở từng cấp, từng ngành để chống dịch có hiệu quả hơn. Thực hiện “4 tại chỗ” ở mức cao hơn, để không bị động khi dịch bệnh tăng lên, diễn biến phức tạp ở nhiều nơi trong một tỉnh và ở nhiều tỉnh trong vùng; với phương châm tháo gỡ vướng mắc và điều kiện bảo đảm chống dịch là “3 không”: Không nói thiếu kinh phí, phương tiện, vật tư y tế, sinh phẩm…; không nói thiếu nhân lực; không nói thiếu quy định và cơ chế, chính sách.

Căn cứ tình hình thực tế để xác định việc giãn cách, phong tỏa, cách ly cho phù hợp, hiệu quả. Giãn cách trên diện rộng, phong tỏa ở diện hẹp, nhưng phải giám sát rất chặt chẽ, nghiêm túc. Khi đã phong tỏa, kể cả diện rộng, thì phải thần tốc xét nghiệm, nhanh chóng phát hiện và kịp thời đưa F0 ra khỏi khu vực phong tỏa, không để lây chéo.

Lấy hệ thống chính trị cơ sở làm nền tảng, là những “pháo đài” chống dịch quan trọng, có tính quyết định để “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”. Phát huy vai trò, trách nhiệm của lực lượng công an cấp xã chính quy cùng với các lực lượng khác và tổ (chống) COVID cộng đồng, dưới sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền cùng cấp thực hiện hiệu quả công tác rà soát kỹ người nhiễm, nghi nhiễm. Quán triệt tinh thần chủ động, tích cực, linh hoạt với phương châm: xã lo cho xã, huyện lo cho huyện, tỉnh lo cho tỉnh; cấp trên phải lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ, điều phối, hướng dẫn, chỉ đạo giải quyết khẩn trương những khó khăn, vướng mắc phát sinh của cấp dưới, đồng thời phát huy tính sáng tạo, linh hoạt, chủ động của cấp dưới.

Các cấp cần bám sát các quy định chung, quy định có tính nguyên tắc của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo, các cơ quan chuyên môn để linh hoạt, vận dụng sáng tạo, bổ sung các quy định cụ thể phù hợp với điều kiện của địa phương, cơ quan, đơn vị mình. Trên cùng một địa bàn cần giao một đầu mối chỉ đạo chung, bảo đảm công tác phối hợp giữa các lực lượng kịp thời, thống nhất, hiệu quả.

Thực hiện nghiêm yêu cầu “5K + vaccine” và kết hợp ứng dụng công nghệ chặt chẽ, rộng rãi trong phòng, chống dịch. 

Bộ Y tế cần khẩn trương hoàn thiện quy định, tiêu chuẩn, tiêu chí, điều kiện, quy trình và tổ chức hướng dẫn thí điểm thực hiện tự xét nghiệm, tự cách ly tại nhà trên tinh thần tự nguyện, bảo đảm kịp thời nhưng tuyệt đối an toàn, hiệu quả.

TP Hồ Chí Minh và các địa phương liên quan càn tích cực trao đổi thống nhất các biện pháp quản lý người, phương tiện đi, đến từ vùng có dịch, bảo đảm nguyễn tắc yêu cầu phòng, chống dịch cao nhất nhưng không để ách tắc các hoạt động vận tải, giao thương và tuyệt đối không để lây lan dịch bệnh từ địa phương này sang địa phương khác, từ khu vực này sang khu vực khác.

Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Công an nghiên cứu các hướng tuyến, phân luồng giao thông, quy định thời gian cụ thể, rõ ràng cho phương tiện giao thông để không gây ra tình trạng ách tắc, bảo đảm duy trì ổn định vận tải hàng hóa và hành khách, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch.

Bộ Công Thương chỉ đạo tăng cường bảo đảm các hoạt động thương mại, cung ứng hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu, bảo đảm không đứt gãy chuỗi sản xuất, kinh doanh và an toàn chống dịch.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các địa phương, nhất là các địa phương đang có dịch diễn biến phức tạp, tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông bảo đảm an toàn chống dịch, không để xảy ra lây lan dịch bệnh, thực hiện khách quan, thuận lợi nhất cho học sinh và gia đình học sinh; chỗ nào an toàn, thuận lợi mới cho thi, chỗ nào chưa an toàn thì có kế hoạch lùi, hoãn hoặc có biện pháp phù hợp, hiệu quả.

Các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình tích cực tháo gỡ, khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng, chống dịch và phát triển kinh tế – xã hội tại TP Hồ Chí Minh và 7 tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam theo tinh thần “3 không”; chỉ đạo ngành dọc chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị các cấp tổ chức thực hiện và chủ động điều chỉnh việc thực hiện các nhiệm vụ được giao và mục tiêu kép một cách hiệu quả.

Về hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách: Công tác phòng, chống dịch chưa có tiền lệ, vì vậy cần phải dựa vào và bám sát tình hình thực tiễn với tinh thần: cái gì đã rõ, đã “chín” được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình ủng hộ thì luật hóa thành các quy định để thực hiện; những gì quy định đã vượt quá, hoặc chưa có quy định thì các cấp, các ngành, các địa phương mạnh dạn làm thí điểm, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, kỷ luật trong phòng, chống dịch; xử lý kỷ luật nghiêm minh những tổ chức, đơn vị, cá nhân sai phạm và để xảy ra sai phạm trong thực thi nhiệm vụ, chấp hành quy định, pháp luật; phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, đồng thời biểu dương, động viên, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân làm tốt, có thành tích trong phòng, chống dịch hiệu quả.

Về chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn trong đại dịch COVID-19: Các địa phương căn cứ vào quy định trong Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ để chủ động, linh hoạt, sáng tạo, vận dụng hiệu quả các chính sách hỗ trợ; bảo đảm sát với tình hình phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương mình và nhanh chóng đến được các đối tượng cần hỗ trợ.

Về chiến lược vaccine: Chính phủ đã chỉ đạo đa dạng các kênh để tiếp cận các nguồn vaccine nhằm có được vaccine sớm nhất, nhiều nhất có thể để tiêm chủng mở rộng miễn phí cho nhân dân. Tuy vậy, trong bối cảnh nguồn cung còn khan hiếm ít nhất đến hết tháng 9/2021, nguồn tiếp cận vaccine còn nhiều có khăn, khuyến khích các địa phương chủ động, linh hoạt tiếp cận các nguồn cung vaccine trong điều kiện có thể; đồng thời, Bộ Y tế phải giữ vai trò nguyên tắc về quản lý nhà nước và là đầu mối kiểm tra, kiểm soát chất lượng vaccine, cấp phép, thực hiện lưu giữ và quản lý vaccine bảo đảm an toàn; tổ chức thực hiện tiêm phòng miễn phí cho người dân kịp thời, nhanh chóng, bảo đảm an toàn, hiệu quả, tránh tiêu cực, lãng phí, vi phạm pháp luật.

Bộ Y tế khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn, tổ chức tập huấn triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19, bảo đảm an toàn, kịp thời, hiệu quả; tổ chức đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm và tổ chức triển khai cẩn trọng, theo quy trình chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật.

Tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp đồng tình ủng hộ, chia sẻ, tích cực và tự giác hợp tác, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là việc thực hiện các biện pháp mạnh khi cần thiết về phong tỏa, giãn cách, cách ly.

Chính phủ kêu gọi sự ủng hộ cảm thông và ủng hộ của nhân dân nếu phải áp dụng các biện pháp khoanh vùng, giãn cách, phong tỏa, cách ly trên diện rộng để xử lý triệt để sự lây lan của dịch bệnh vì sức khỏe cộng đồng và sự phát triển của đất nước.

Trong trường hợp TP Hồ Chí Minh và các địa phương khác trong vùng phải tiến hành phong tỏa, giãn cách, cách ly trên diện rộng thì các Bộ: Y tế, Công Thương, Giao thông vận tải và các bộ ngành có liên quan phải có kịch bản cụ thể để xử lý các vấn đề, như: phân luồng giao thông, lưu thông hàng hóa, cũng ứng vật tư và nhu yếu phẩm, tiếp nhận và điều trị bệnh nhân…, để không làm xáo trộn lớn đến đến cuộc sống của người dân.

Thủ tướng giao Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh làm việc cụ thể ngay với các tỉnh lân cận để thống nhất triển khai biện pháp quản lý chặt chẽ người ra, vào thành phố vừa bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch có hiệu quả, vừa bảo đảm lưu thông hàng hóa; báo cáo với  Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chậm nhất trong ngày 6/7/2021 để chỉ đạo thống nhất.

Về các kiến nghị, đề xuất của các địa phương nêu ra tại Hội nghị hôm nay: có các nội dung đã được các bộ xử lý, hướng dẫn; những nội dung chưa đủ  cơ sở, thời gian xử lý, đề nghị các địa phương có văn bản gửi các bộ, ngành để khẩn trương nghiên cứu, xử lý theo đúng thẩm quyền, chức năng và nhiệm vụ được giao; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo ngay với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để xử lý, xem xét quyết định. (Công an nhân dân, trang 1).

 

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh: Phòng, chống Covid-19, quyết liệt ngay từ đầu để giữ vững thành quả

Trao đổi với báo chí về các biện pháp chỉ đạo khống chế các ổ dịch mới phát sinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh nhấn mạnh, quan điểm của thành phố là phải thực hiện mọi biện pháp một cách quyết liệt, triệt để ngay từ đầu. Có như thế, thành phố mới giữ vững được thành quả, mới có điều kiện để duy trì tăng trưởng và bảo đảm an sinh xã hội.

Giữ vững thành quả chống dịch

Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh, trước đợt bùng phát dịch từ cuối tháng 4/2021, Hà Nội đã tập trung cao độ, huy động mọi nguồn lực, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, nên đã từng bước khống chế, kiểm soát dịch bệnh, đem lại an toàn cho cộng đồng. 6 tháng đầu năm, Hà Nội đạt mức tăng trưởng kinh tế gần 6%; thu ngân sách đạt 124.800 tỷ đồng, bằng 53% dự toán Trung ương giao. Vừa qua, thành phố đã nới lỏng hoạt động một số dịch vụ, tạo điều kiện cho tiếp tục phục hồi và phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, thành quả quan trọng này đang bị đe doạ; vì sau 9 ngày không có ca Covid-19 cộng đồng, trong hai ngày 5 và 6/7, Hà Nội đã ghi nhận 10 ca dương tính với SARS-CoV-2 tại huyện Đông Anh, huyện Mỹ Đức và quận Hoàng Mai.

Trước tình thế cấp bách này, Chủ tịch UBND thành phố đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương phải tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Trung ương và thành phố về công tác phòng chống dịch, kiên quyết không để dịch bệnh lây lan, bùng phát ra cộng đồng. Cả hệ thống chính trị, cán bộ và nhân dân toàn thành phố phát huy cao độ tinh thần đoàn kết, thống nhất, quán triệt chỉ đạo của đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng là “phải làm tất cả để đẩy lùi dịch Covid-19” và “người Hà Nội không thể thua “giặc” Covid-19”.

Cảnh báo về tình trạng chủ quan, không tuân thủ quy định phòng, chống dịch đang diễn ra khá phổ biến, đồng chí Chu Ngọc Anh cho rằng, nhiều cửa hàng dịch vụ được thành phố nới lỏng, cho hoạt động trở lại nhưng không thực hiện đúng yêu cầu, quy định về điều kiện an toàn phòng, chống dịch Covid-19. Đây là những việc làm không chỉ tạo nguy cơ mất an toàn đối với người dân, chủ hộ kinh doanh mà còn đối với cả cộng đồng, nhất là trong bối cảnh mới phát sinh ca bệnh trong cộng đồng hiện nay. Trước thực trạng đó, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu Công an thành phố, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các lực lượng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, siết chặt kỷ luật, kỷ cương; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thường trực Thành ủy và đồng chí Bí thư Thành ủy: Nới lỏng các dịch vụ, nhưng không buông lỏng việc kiểm tra, giám sát thực hiện các quy định phòng, chống dịch. Tất cả phải được thực hiện đồng bộ để bảo đảm giữ vững thành quả phòng, chống dịch thời gian qua. Đây là điều kiện tiên quyết để thành phố không phải thực hiện các quy định kiểm soát chặt chẽ trở lại, tạo điều kiện cho phục hồi và phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

Cũng theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố, các cấp, các ngành tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm vì cộng đồng của cán bộ và nhân dân trong phòng, chống dịch bệnh. Sở Y tế tiếp tục tổ chức lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc tại những khu vực, cơ sở có nguy cơ; xét nghiệm cho người về từ vùng dịch; lấy mẫu xét nghiệm bảo đảm nhanh nhất theo công thức 4-6 (sau 4h có ca dương tính phải lấy xong mẫu xét nghiệm, sau 6h nhận mẫu phải trả kết quả xét nghiệm).

Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh: “Các cấp các ngành, các đơn vị phải thường trực 24/24 và 7 ngày/tuần, luôn luôn sẵn sàng để có thể kích hoạt các biện pháp bao vây khoanh vùng xử lý dịch bệnh”.

Đồng chí Chu Ngọc Anh cũng yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã; đặc biệt là UBND quận Hoàng Mai, huyện Đông Anh, huyện Mỹ Đức; Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội theo chức năng, nhiệm vụ và thực tế tình hình địa bàn tập trung cao độ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 với phương châm “4 tại chỗ”.

Bảo đảm tuyệt đối an toàn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021

Đối với nhiệm vụ quan trọng trước mắt là tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) quốc gia năm 2021, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh lưu ý yêu cầu UBND các cấp thành phố phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, vào cuộc với quyết tâm chính trị cao nhất; tổ chức kỳ thi bảo đảm an toàn tuyệt đối và thành công tốt đẹp. Từng điểm thi phải đặt ra các tình huống bất thường và sẵn sàng các kịch bản ứng khó, bảo đảm không bị động bất ngờ trong mọi tình huống; bảo đảm tuyệt đối an toàn vòng trong, vòng ngoài; trước, trong và sau kỳ thi. Cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia tổ chức kỳ thi khi phát hiện những thí sinh có biểu hiện nhiễm SARS-CoV-2 phải thật bình tĩnh xử lý theo hướng dẫn của cơ quan y tế, giữ kỷ luật phát ngôn, không được gây tâm lý hoang mang cho những người xung quanh, đặc biệt là thí sinh.

Chủ tịch UBND thành phố mong muốn, mỗi phụ huynh học sinh không chỉ tự giác mà còn làm gương cho con em, nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về công tác phòng, chống dịch. Mỗi thí sinh chủ động, tự giác thực hiện các quy định phòng, chống dịch, nhất là thông điệp “5K”; nắm chắc và thực hiện đúng quy chế thi.

Gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến các thí sinh tham dự kỳ thi, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh chúc các em có sức khoẻ tốt, vững vàng, tự tin bước vào kỳ thi, hoàn thành các bài thi với điểm số cao nhất, đạt được mục tiêu của mình đề ra. Đồng chí tin tưởng, với nỗ lực và sự vào cuộc trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhất là các cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành Giáo dục và Đào tạo, sự đồng hành của phụ huynh và quyết tâm của các thí sinh, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 trên địa bàn Hà Nội sẽ diễn ra thành công, để lại những dấu ấn tốt đẹp. (Hà Nội mới, trang 1).

 

Hà Nội trao tặng thành phố Hồ Chí Minh hệ thống xét nghiệm Covid-19 tự động hiện đại

Ngày 6-7, lễ trao tặng hệ thống xét nghiệm PCR tự động, máy tách chiết và test chẩn đoán Covid-19 là quà của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội tặng ngành Y tế thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (thành phố Hồ Chí Minh)

Tham dự buổi lễ, về phía Thủ đô Hà Nội, có Tiến sĩ Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội. Về phía thành phố Hồ Chí Minh có bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh và bác sĩ Chuyên khoa II Võ Đức Chiến, Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (đơn vị được tiếp nhận hệ thống này).

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Trần Thị Nhị Hà nhấn mạnh, đợt dịch Covid-19 lần thứ tư đang diễn biến phức tạp tại thành phố Hồ Chí Minh với sự lây lan nhanh của vi rút biến chủng Delta. Để chia sẻ khó khăn với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội tặng ngành Y tế thành phố hệ thống xét nghiệm PCR tự động 72 giếng cùng với máy tách chiết tự động 96 giếng và test chẩn đoán Covid-19. Đây là tấm lòng của người dân Thủ đô gửi tới thành phố mang tên Bác, góp phần để thành phố tăng công suất xét nghiệm sàng lọc, sớm khoanh vùng và chặt đứt các chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng.

“Chúng tôi tin tưởng rằng với sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng bộ, chính quyền; với sự đồng lòng của các tầng lớp nhân dân thành phố và với sự vào cuộc đồng bộ của ngành Y tế thành phố Hồ Chí Minh trong công cuộc phòng, chống dịch Covid-19, thành phố Hồ Chí Minh sẽ sớm khống chế được dịch bệnh”, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà nói.

Phát biểu tại lễ tiếp nhận, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hoài Nam thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố trân trọng cảm ơn tấm lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân cùng ngành Y tế Thủ đô Hà Nội đã gửi tặng món quà rất ý nghĩa vào thời điểm thành phố đã có hơn 6.900 ca Covid-19. Công suất xét nghiệm PCR hiện tại của thành phố Hồ Chí Minh là hơn 10.500 mẫu đơn/ngày.

Với sự trợ giúp kịp thời của Thủ đô Hà Nội cùng sự tham gia của các bệnh viện Trung ương, bệnh viện bộ, ngành và khối y tế tư nhân, thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu sớm tăng công suất xét nghiệm lên 500.000 mẫu/ngày.

Hệ thống xét nghiệm hiện đại này sẽ được đặt tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, giúp tăng công suất xét nghiệm sàng lọc Covid-19 cho thành phố Hồ Chí Minh, trong bối cảnh thành phố đang triển khai xét nghiệm sàng lọc diện rộng trong cộng đồng, với mục tiêu có ít nhất 5 triệu người dân thành phố Hồ Chí Minh được xét nghiệm Covid-19.

Về phía đơn vị tiếp nhận, bác sĩ Chuyên khoa II Võ Đức Chiến, Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, cho biết, bệnh viện đang có 2 hệ thống xét nghiệm.

“Với sự bổ sung hệ thống thứ ba hiện đại này, chúng tôi sẽ tăng được công suất xét nghiệm, cùng với ngành Y tế thành phố Hồ Chí Minh tăng tốc độ xử lý các ổ dịch, sớm khống chế dịch Covid-19. Được nhận món quà ý nghĩa của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội, chúng tôi sẽ sử dụng hệ thống xét nghiệm mới này một cách tốt nhất, giúp thành phố sớm khống chế được dịch bệnh”, bác sĩ Chuyên khoa II Võ Đức Chiến khẳng định.

Tính đến sáng 6-7, thành phố Hồ Chí Minh đã phát hiện hơn 6.900 ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng. Số ca nhiễm xuất hiện tại 306/312 xã, phường, thị trấn tại 22/22 quận, huyện, thành phố.

350 cán bộ, giảng viên và sinh viên y khoa Hà Nội vào Bình Dương chống dịch

Ngày 6-7, 350 cán bộ, giảng viên và sinh viên y khoa của Trường Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội với 100% thành viên xung phong, tình nguyện lên đường đã vào Bình Dương để tham gia chống dịch Covid-19.

Nhằm vận chuyển nhanh nhất đoàn công tác của Trường Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Vietnam Airlines đã bố trí riêng một chuyến bay khai thác bằng máy bay lớn nhất của hãng là Boeing 787-10 Dreamliner. Chuyến bay khởi hành từ Hà Nội lúc 9h ngày 6-7 và hạ cánh an toàn tại sân bay Tân Sơn Nhất (thành phố Hồ Chí Minh) lúc 11h cùng ngày. Sau khi hạ cánh, đoàn tiếp tục di chuyển đến Bình Dương để tham gia công tác truy vết và lấy mẫu xét nghiệm. (Hà Nội mới, trang 1).

 

PGS.TS Trần Đắc Phu: Có giấy xét nghiệm COVID-19 vẫn phải thực hiện nghiêm thông điệp 5K

Sau khi xét nghiệm, người dân không thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, vẫn có khả năng nhiễm SARS-CoV-2 như bình thường

Trước tình trạng một số người dân có kết quả xét nghiệm COVID-19 nhưng chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch, bên lề cuộc họp trực tuyến giữa Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng, chống dịch COVID-19 với lãnh đạo TP Hồ Chí Minh, ngày 6/7, PGS.TS Trần Đắc Phu, Chuyên gia cố vấn ở Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam đã trao đổi với báo chí về vấn đề này; đồng thời khẳng định, dù có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, người dân vẫn phải thực hiện nghiêm thông điệp 5K.

Sau khi xét nghiệm, người dân không thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, vẫn có khả năng nhiễm SARS-CoV-2 như bình thường

Giấy xét nghiệm COVID-19 có giá trị chứng nhận, tại thời điểm thực hiện xét nghiệm, người được xét nghiệm cơ bản không nhiễm SARS-CoV-2.

Đồng thời còn khẳng định, họ không phải là nguồn bệnh lây sang người khác. Nói là cơ bản xác định bởi, với trường hợp mới mắc COVID-19 trong 1-2 ngày đầu, việc xét nghiệm chưa thể phát hiện ra ngay. Chưa kể những trường hợp làm giả, giấy xét nghiệm hoàn toàn không có giá trị.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Giấy xét nghiệm này chỉ có giá trị về mặt thời điểm, bởi sau khi xét nghiệm, người dân không thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, vẫn có khả năng nhiễm SARS-CoV-2 như bình thường và trở thành nguồn lây lan dịch bệnh cho cộng đồng. Đặc biệt, với hoạt động đi lại, lưu thông đường dài, dù có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, người dân vẫn phải thực hiện nghiêm thông điệp 5K. Trong đó, các biện pháp quan trọng nhất là thường xuyên đeo khẩu trang, không tụ tập đông người và chủ động khai báo y tế. Đến nay, khi dịch đã lây lan trong cộng đồng, bất kỳ ai cũng có thể là F0.

Do vậy, trước nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, việc hạn chế tiếp xúc đông người không chỉ góp phần bảo vệ sức khỏe bản thân mà còn hạn chế lây nhiễm ra cộng đồng. Đối với việc khai báo y tế, trong trường hợp người dân có tiếp xúc với F0, các lực lượng sẽ ngay lập tức truy vết, khoanh vùng, dập dịch kịp thời.

Các lực lượng chức năng không nên vì giấy xét nghiệm âm tính mà chủ quan, lơ là trong việc thực hiện các biện pháp giám sát y tế

Trả lời câu hỏi, trước tình trạng một số người có kết quả xét nghiệm COVID-19 chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch, ông khuyến cáo những giải pháp cần thiết gì để đảm bảo an toàn trong quá trình di chuyển của người dân và hoạt động giao thương giữa các địa phương? PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh:

Trong bối cảnh giãn cách xã hội mà vẫn tập trung đông người khi tiêm chủng hay lấy mẫu xét nghiệm là không ổn. Trên thực tế, hiện đã có tình trạng người lái xe xếp hàng, tập trung đông người để lấy mẫu xét nghiệm, khai báo y tế…; tạo thành nguy cơ lây nhiễm giữa lái xe này với lái xe khác nếu chẳng may có ca F0.

Để đảm bảo an toàn trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, cần sự vào cuộc, kiểm tra và giám sát của chính quyền, các lực lượng chức năng để tổ chức đúng kỹ thuật, đúng quy định phòng, chống dịch.

Các lực lượng chức năng không nên vì giấy xét nghiệm âm tính mà chủ quan, lơ là trong việc thực hiện các biện pháp giám sát y tế.

Trong 72 giờ sau khi có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, trong hành trình di chuyển, người có giấy chứng nhận tham gia các phương tiện giao thông vẫn phải thực hiện nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế: Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế, để hạn chế lây nhiễm. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 01/10/2021

Ngọc Nga

Điểm báo ngày 22/3/2019

CDC Hà Nam

COVID-19: Cập nhật mới nhất đến 08h00 ngày 14/2/2020

Ngọc Nga

Để lại bình luận