Điểm báo ngày 25/9/2019

(CDC Hà Nam)

 25 bác sĩ tình nguyện về 16 huyện nghèo; Sợ đẻ!; Thanh tra đấu thầu thuốc, mua sắm thiết bị… ở Bộ Y tế; Vụ VN Pharma: Vì sao tòa triệu tập thứ trưởng Bộ Y tế?…

25 bác sĩ tình nguyện về 16 huyện nghèo

Ngày 24-9, tại trường Đại học Y Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức lễ bàn giao 25 bác sĩ trẻ vừa tốt nghiệp khóa đào tạo bác sĩ chuyên khoa cấp I khóa 5 trong tổng số 354 bác sĩ đang được đào tạo tại 3 trường đại học Y Hà Nội, trường đại học Y – Dược Huế và trường đại học Y – Dược Hải Phòng về 16 huyện nghèo trên cả nước công tác. Đây là hoạt động Dự án “Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn (ưu tiên 62 huyện nghèo)” của Bộ Y tế.

Dự án được Bộ Y tế quyết định triển khai thực hiện từ năm 2013 với mục tiêu tới năm 2020 sẽ đưa khoảng 300 đến 500 bác sĩ trẻ về công tác tại các địa bàn khó khăn trên cả nước. Hiện tại, Dự án đã, đang và sẽ đào tạo chuyên khoa I cho 354 bác sĩ thuộc 11 chuyên ngành (Nội, Ngoại, Sản, Nhi, Chẩn đoán hình ảnh, Xét nghiệm, Gây mê hồi sức, Hồi sức cấp cứu, Truyền nhiễm, Răng hàm mặt và Y học cổ truyền) trong thời gian 24 tháng. Sau đó, các bác sĩ tốt nghiệp sẽ công tác 3 năm (đối với nam) và 2 năm (đối với nữ) tại các huyện nghèo như đã đăng ký tình nguyện. Sau thời hạn trên, họ sẽ tiếp tục làm việc tại các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, nơi họ đã được xét tuyển đặc cách vào làm việc trước khi đi công tác tại các vùng khó khăn. Riêng đối với các bác sĩ được các huyện nghèo cử đi đào tạo sẽ công tác lâu dài tại bệnh viện/trung tâm y tế huyện nghèo.

Trong số 25 bác sĩ trẻ khóa 5 được bàn giao đợt này, có 15 bác sĩ là người dân tộc Mông, Thái, Tày, Mường và Nùng thuộc 8 chuyên ngành: Chẩn đoán hình ảnh, Gây mê hồi sức, Hồi sức cấp cứu, Ngoại, Nhi, Nội, Phụ sản và Y học cổ truyền, sẽ tình nguyện công tác về 16 huyện nghèo (như Sìn Hồ, Mù Cang Chải, Đồng Văn, Xín Mần, Tương Dương, Sốp Cộp…) thuộc 10 tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Bắc Giang, Bắc Kạn, Lai Châu, Lạng Sơn, Phú Thọ, Sơn La và Nghệ An.

Như vậy với 5 khóa bác sĩ trẻ đã tốt nghiệp, Dự án đã bàn giao 77 bác sĩ cho 37 huyện nghèo thuộc 13 tỉnh miền núi phía Bắc và miền Trung. Các bác sĩ này được đào tạo như bác sĩ nội trú, theo hướng “cầm tay chỉ việc”, bên cạnh đó, các trường còn  giao mỗi giảng viên trực tiếp hướng dẫn 1 học viên và có sự kiểm soát chặt chẽ kết quả đầu ra, bảo đảm khi ra trường họ có thể thực hiện tốt các kỹ thuật khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế tuyến huyện. (An ninh Thủ đô, trang 2; Nhân dân, trang 5).

 

Sợ đẻ!

Chưa lúc nào người dân TP.HCM lại “sợ đẻ” như hiện nay. Và quá trình này nếu vẫn tiếp diễn, theo các chuyên gia về dân số, sẽ là “thảm họa” trong tương lai.

Theo kết quả thống kê sơ bộ từ cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, dân số TP.HCM gần 9 triệu người, mật độ dân số 4.363 người/km2, cao nhất so với các tỉnh, TP trong cả nước. Và điều này đang là thách thức khi quy mô, mật độ dân số tiếp tục tăng và mức sinh có thể tiếp tục giảm sâu.

Tại sao các gia đình ngại sinh con?

Cưới nhau từ năm 2016 đến nay, gia đình chị N.T.H. (32 tuổi, ngụ Q.Thủ Đức) vẫn duy trì mức sinh là 1 con. Dù gia đình rất mong muốn có thể sinh 2 hoặc 3 con nhưng giấc mơ này xem ra khó thực hiện ở TP.HCM, vốn đòi hỏi nhu cầu cuộc sống cao. Theo chị H., để sinh thêm được một người con đòi hỏi người làm cha mẹ ở TP.HCM phải đối mặt với rất nhiều rào cản về thời gian chăm sóc, giáo dục con, cuộc sống áp lực bận rộn và cuối cùng là chi phí.

“Có rất nhiều cặp vợ chồng sống ở TP.HCM là dân tỉnh lẻ. Họ không có ông bà nội, ngoại chia sẻ việc chăm sóc con cái, họ không thể thuê người chăm sóc bởi chi phí đắt đỏ. Nếu cả hai vợ chồng đều đi làm thì chắc chắn không còn thời gian nào để chăm sóc con, chưa kể việc giáo dục con không được như ý muốn nên không sinh thêm con” – chị H. chia sẻ.

Ngoài ra, chị H. cho rằng việc sợ đẻ còn xuất phát từ nhận thức và quan niệm sống của người phụ nữ đã có phần đổi khác so với các thế hệ trước. Họ biết quan tâm bản thân hơn như đi du lịch, làm đẹp, đầu tư cho công việc, gặp gỡ bạn bè…

Áp lực nhà ở, việc làm, chi phí sinh hoạt cao

Theo Chi cục Dân số – kế hoạch hóa gia đình TP.HCM, tổng tỉ suất sinh của TP.HCM năm 2018 là 1,33 con, hiện ở mức rất thấp so với mức sinh thay thế của cả nước là 2,10 con. Đối chiếu số liệu từ năm 2004 đến năm 2018 cho thấy tổng tỉ suất sinh của TP liên tục giảm (năm 2004 là 1,59 so với năm 2018 là 1,33). Xu hướng khôi phục theo hướng tăng xảy ra rất ít ở thời điểm năm 2008 (1,63) và năm 2013 (1,68).

Ông Phạm Chánh Trung, phó chi cục trưởng Chi cục Dân số – kế hoạch hóa gia đình TP.HCM, cho rằng có rất nhiều nguyên nhân, như áp lực của cuộc sống, xu hướng kết hôn muộn, sinh con muộn, sinh ít con, không muốn sinh con… Kế đến việc nuôi dạy, chăm sóc con cái hiện nay đòi hỏi rất nhiều chi phí như ăn uống, học hành, chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí…

Điều này dẫn tới tâm lý sợ tốn kém và nhu cầu sinh con của các gia đình đang có xu hướng giảm nhanh. Bên cạnh đó, tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, phát triển kinh tế cũng dẫn đến áp lực cho các gia đình trong tìm kiếm việc làm, nhà ở, chi phí sinh hoạt…

“Trình độ học vấn, điều kiện sống được cải thiện, lối sống theo trào lưu và tâm lý thích hưởng thụ cũng có tác động nhất định đến mức sinh thấp. Song song đó, tình trạng phá thai, tỉ lệ vô sinh nguyên phát, thứ phát có xu hướng gia tăng cũng là những yếu tố tác động khiến nhiều gia đình không thể sinh con” – ông Trung phân tích.

Nhiều hệ lụy

Vậy mức sinh thấp dẫn đến hệ lụy gì? Theo ông Trung, kinh nghiệm tại một số quốc gia có mức sinh thay thế thấp cho thấy khi mức sinh xuống rất thấp thì các chính sách khuyến sinh mặc dù có được đầu tư rất lớn hầu như không có tác động làm mức sinh tăng trở lại. Điều này sẽ gây bất lợi cho cơ cấu nhân khẩu học và sự phát triển kinh tế – xã hội của TP.HCM trong tương lai.

Bất lợi đầu tiên là già hóa dân số sẽ diễn ra rất nhanh. Điều này tạo ra áp lực ngày càng tăng đối với hệ thống an sinh xã hội dành cho người cao tuổi như lương hưu, bảo hiểm y tế, chế độ trợ cấp xã hội, chế độ chăm sóc sức khỏe, vui chơi, giải trí…

Kế đến là sự suy giảm về nguồn nhân lực, đặc biệt là lao động trẻ, làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế – xã hội của TP. Mặt khác, chi phí cho chính sách khuyến sinh sẽ gây áp lực cho nguồn ngân sách của TP, trong khi nguồn ngân sách này nên đầu tư cho việc nâng cao chất lượng dân số.

Ông Trung cho rằng: “Việc sinh con không còn là chuyện riêng của mỗi gia đình mà là sự tồn vong của một quốc gia. Việc sinh đẻ phù hợp, đảm bảo mức sinh hợp lý sẽ kéo dài được thời kỳ cơ cấu dân số vàng, làm chậm lại quá trình già hóa dân số”.

Lo lắng công thức 1-2-4

Theo ông Phạm Chánh Trung, nếu hôm nay “mỗi gia đình chỉ sinh 1 con” với công thức 4-2-1 (một đứa trẻ được chăm sóc bởi hai bố mẹ và bốn ông bà nội, ngoại) thì trong tương lai phải đối mặt với vấn đề mới “thảm họa” theo công thức ngược lại 1-2-4 (một đứa trẻ sẽ phải cùng lúc chăm sóc hai bố mẹ và bốn ông bà nội, ngoại). Vì những đứa trẻ ngày hôm nay được “chăm sóc” rất kỹ lưỡng bởi sáu người lớn sẽ thiếu khả năng, kỹ năng chăm sóc lại sáu người cao tuổi trong tương lai.

Vì sao TP.HCM, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ sợ đẻ?

Ở góc độ chuyên gia về dân số, nguyên phó tổng cục trưởng Tổng cục Dân số – kế hoạch hóa gia đình Nguyễn Văn Tân phân tích:

Muốn bền vững thị trường lao động và dân số, mỗi gia đình cần sinh đủ 2 con, trong khi TP.HCM mức sinh nhiều năm nay chỉ giữ ở mức 1,3-1,4 con, phát biểu của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân là hoàn toàn đúng.

TP.HCM có mật độ dân số đông, lối sống không khác nhiều so với các quốc gia phát triển, tỉ lệ dân số sống ở đô thị khoảng 80%, chi phí nuôi dạy con đắt đỏ, chưa kể các đặc thù như đường sá chật chội, không thể thả con tự đi học mà cha mẹ phải đưa đi, đó là những lý do khiến người ta sợ đẻ. Hơn nữa, đứa trẻ mới ra đời cũng làm thay đổi cuộc sống của gia đình, nên nhiều gia đình e ngại.

“Các mấu chốt phải là chăm sóc về sức khỏe, người dân, người lao động khỏe mạnh mới làm tốt được. Thứ 2 là chính sách về đào tạo, người lao động phải được đào tạo nghề, có tay nghề phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động. Bên cạnh đó là chính sách an sinh xã hội cho người lao động, đảm bảo lao động ở khu vực phi chính thức cũng có sự chuẩn bị cho tuổi già của mình, từng người có chuẩn bị cho cá nhân là cách bền vững nhất” – ông Tân nói.

Theo ông Tân, để tránh việc người dân ở TP.HCM, Đông và Tây Nam Bộ ngại sinh đẻ, cần quan tâm trước hết đến những vấn đề về quy hoạch, quản lý, trật tự đô thị, xây dựng cơ sở hạ tầng… để người dân thấy thoải mái, tận hưởng cuộc sống. Trong giai đoạn trước mắt, TP.HCM và các khu vực phụ cận có thể sử dụng lao động từ các vùng khác dịch chuyển đến.

Mức sinh con của Cần Thơ thấp

Theo Chi cục Dân số – kế hoạch hóa gia đình TP Cần Thơ, hiện nay TP Cần Thơ chưa có chính sách khuyến khích sinh con thứ 3 ở bất kỳ khu vực nào.

Theo công bố của Tổng cục Dân số về mức sinh thay thế của Cần Thơ đạt 2,01 con, nhưng năm 2018 số liệu điều tra của Cục Thống kê TP Cần Thơ thì mức sinh thay thế của Cần Thơ là 1,8 con, tỉ lệ giới tính khi sinh là 105 trai/100 gái.

Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Ngọc Đảnh – chi cục trưởng Chi cục Dân số – kế hoạch hóa gia đình TP Cần Thơ – cho biết chính sách dân số của thành phố chỉ điều chỉnh theo một số nghị định sửa đổi một số điều trong pháp lệnh dân số của Chính phủ (về một số người không vi phạm khi sinh con thứ 3), như: cặp vợ chồng sinh lần thứ nhất mà sinh từ 3 con trở lên, vợ chồng đã có 1 con đẻ nhưng sinh lần hai mà sinh 2 con trở lên; cặp vợ chồng sinh con thứ 3 trở lên trong trường hợp đã có 2 con đẻ nhưng 1 hoặc cả 2 bị dị tật, mắc bệnh hiểm nghèo (không mang tính di truyền); cặp vợ chồng đã sinh 2 con nhưng chỉ 1 con đẻ còn sống…

Ngoài ra, về vấn đề kế hoạch hóa gia đình, TP Cần Thơ chưa có chủ trương khuyến khích sinh con thứ 3, chỉ thay đổi thông điệp tuyên truyền “Mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con” và mục tiêu chính sách dân số TP Cần Thơ đến năm 2030 duy trì mức sinh thay thế là 2,1 con.

“Chỉ tiêu thực hiện các biện pháp tránh thai được giao theo từng năm, nhưng từ năm 2018 đến nay đã không còn giao chỉ tiêu về triệt sản và đình sản (ở cả nam và nữ)”, bà Đảnh nói.

Sóc Trăng: không cấm gia đình có điều kiện sinh con thứ ba

Ông Nguyễn Quốc Thống – chi cục trưởng Chi cục Dân số – kế hoạch hóa gia đình tỉnh Sóc Trăng – cho biết tỉ lệ tăng tự nhiên dân số của Sóc Trăng trong các năm qua dao động từ 0,9 – 1%. Theo ông Thống, tỉnh Sóc Trăng không khuyến cáo sinh con thứ ba, chỉ khuyến cáo sinh đủ hai con. Tuy nhiên, theo ông Thống, khu vực nông thôn còn xảy ra tình trạng sinh ba, sinh tư không chịu nghỉ. Một số trường hợp sinh nhiều con, không có điều kiện, tạo gánh nặng cho xã hội. Cũng có trường hợp sinh con nhiều, nuôi không nổi đành đem con cho người khác nuôi.

“Không khuyến khích, không khuyến cáo nhưng với những gia đình có điều kiện sinh con thứ ba, mình cũng không cấm”, ông Thống cho biết. (Tuổi trẻ, trang 14).

 

Thanh tra đấu thầu thuốc, mua sắm thiết bị… ở Bộ Y tế

Ngày 23-9, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức công bố quyết định của tổng Thanh tra Chính phủ về thanh tra việc sử dụng quỹ bảo hiểm y tế; mua sắm trang thiết bị y tế và vật tư tiêu hao; đấu thầu thuốc chữa bệnh tại Bộ Y tế, bảo hiểm y tế và một số bệnh viện thuộc Bộ Y tế cũng như tại một số sở Y tế địa phương.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm chủ trì buổi công bố. Cùng tham dự có Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, đại diện Bảo hiểm Xã hội Việt Nam; lãnh đạo một số cục, vụ thuộc Bộ Y tế; lãnh đạo một số bệnh viện trung ương thuộc Bộ Y tế. Đây là cuộc thanh tra theo ý kiến chỉ đạo của trưởng Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng. Theo quyết định, nội dung thanh tra gồm: Thanh tra việc sử dụng quỹ bảo hiểm; mua sắm trang thiết bị y tế và vật tư tiêu hao; đấu thầu thuốc chữa bệnh tại BYT Bảo hiểm xã hội Việt Nam và một số cơ sở khám chữa bệnh thuộc Bộ Y tế; kiểm tra, xác minh nội dung liên quan tại một số cơ sở y tế thuộc bộ, địa phương; thời kỳ thanh tra từ ngày 01-01-2014 đến ngày 31-12-2018 (khi cần thiết có thể xem xét trước hoặc sau thời kỳ này); thời hạn thanh tra là 80 ngày làm việc thực tế kể từ ngày, công bố quyết định thanh tra (không kể ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định). Đoàn thành tra gồm 16 thành viên do ông Vũ Đức Tâm, thanh tra viên cao cấp, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo khối kinh tế ngành (Vụ I – Thanh tra Chính phủ) làm trưởng đoànCũng theo Quyết định số 661/QĐ-TTCP về lập tổ giám sát hoạt động đoàn thanh tra theo Quyết định 656/QĐ-TTCP gồm bốn người do ông Hoàng Đức Quỳnh – Trưởng phòng Nghiệp vụ III, Vụ Giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra (Thanh tra Chính phủ) làm tổ trưởng. (Pháp luật TP HCM, trang 2).

 

Vụ VN Pharma: Vì sao tòa triệu tập thứ trưởng Bộ Y tế?

Có hẳn một quy trình kiểm duyệt chặt chẽ nhưng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) vẫn để VN Pharma nhập thuốc chống ung thư giả về Việt Nam…

Theo dự kiến, hôm nay (24-9) TATPHCM mở phiên sơ thẩm lần 2 vụ án mua bán thuốc ung thư giả xảy ra tại Công ty CP VN (VN Pharma). Các bị cáo bị thay đổi tội danh từ buôn lậu sang buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, theo đúng như nhiều bài phân tích trước đây của báo Pháp Luật TP.HCM.

Tòa triệu tập cả thứ trưởng Bộ Y tế

Bị cáo Nguyễn Minh Hùng (SN 1978, cựu chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty VN Pharma), Võ Mạnh Cường (SN 1978, cựu giám đốc Công ty TNHH Thương mại Hàng hải quốc tế H&C) và 10 đồng phạm khác bị truy tố theo khoản 4 Điều 157 BLHS 1999 (có khung hình phạt từ 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình).

HĐXX triệu tập gần 200 người tham gia tố tụng khác gồm người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người làm chứng (kể cả thành viên hội đồng giám định Bộ Y tế, Viện Kiểm nghiệm thuốc TP.HCM, Cục Quản lý dược – Bộ Y tế)…

Đáng chú ý, trong những người được tòa triệu tập đó có ông Trương Quốc Cường, hiện là thứ trưởng Bộ Y tế (thời điểm vụ án xảy ra ông Cường là cục trưởng Cục Quản lý dược). Có lẽ vì vậy mà tại phiên tòa lần này – khi giai đoạn hai của vụ án chưa được điều tra, truy tố, xét xử – ông Cường bị tòa triệu tập.

Qua ba cửa thẩm định, cục trưởng ký duyệt

Theo cáo trạng mới nhất, Công ty cổ phần VN Pharma được thành lập từ tháng 10-2011 do Hùng làm chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc. Từ năm 2012, Hùng nhận thấy thị trường có nhu cầu về thuốc chữa trị ung thư nên đã bàn với Võ Mạnh Cường (đại diện cho Công ty Helix Canada tại Việt Nam) nhập khẩu loại thuốc chữa ung thư là H-Capita 500 mg về Việt Nam.

Do thiếu một số giấy tờ về tiêu chuẩn thuốc mà phía công ty ở Canada không cung cấp được nên Hùng đã chỉ đạo nhân viên làm giả các giấy tờ nêu trên. Sau khi làm giả các giấy tờ, Hùng chỉ đạo cấp dưới trình hồ sơ lên Cục Quản lý dược xin cấp phép.

Trên cơ sở hồ sơ của Công ty VN Pharma, Cục Quản lý dược đã thành lập tổ thẩm định do ông Nguyễn Tất Đạt (khi đó là trưởng Phòng quản lý kinh doanh dược) làm tổ trưởng gồm ba nhóm.

Nhóm thẩm định tiêu chuẩn chất lượng và phương pháp kiểm nghiệm có hai người do chuyên gia Đặng Trần Phương Hồng (cán bộ Viện Kiểm nghiệm thuốc trung ương) làm nhóm trưởng; nhóm thẩm định dược lý lâm sàng gồm chuyên gia Đỗ Minh Hùng (Phó phòng Đăng ký thuốc, Cục Quản lý dược) và Hoàng Kim Huyền (Trưởng bộ môn Dược lâm sàng, ĐH Dược Hà Nội) thẩm định.

Nhóm thẩm định pháp lý hồ sơ do ông Phan Công Chiến (Phó phòng Quản lý kinh doanh dược) làm trưởng nhóm và hai chuyên gia Lê Thúy Hương (cán bộ Cục Quản lý dược), Lâm Thanh Nghị (cán bộ Cục Quản lý dược) thẩm định.

Theo biên bản thẩm định của Cục Quản lý dược, các chuyên gia đều đánh giá hồ sơ của VN Pharma đạt yêu cầu. Ba chuyên gia khác gồm Nguyễn Thị Xuân Hòa, Hoàng Thanh Mai và Nguyễn Diệu Hà có tên trong danh sách nhưng không tham gia thẩm định nên không đánh giá và ký tên. Ông Đạt sau đó đề nghị duyệt nhập đơn hàng của VN Pharma.

Từ kết quả thẩm định của các nhóm và đề xuất của tổ trưởng Đạt, ngày 20-12-2013, ông Trương Quốc Cường (Cục trưởng Cục Quản lý dược) ký công văn đồng ý cho Công ty VN Pharma nhập khẩu 200.000 hộp thuốc H-Capita 500mg Caplet.

Bộ Y tế kịp thời phát hiện, nếu không…

Kết quả điều tra xác định trong hồ sơ đề nghị cấp phép nhập khẩu thuốc H-Capita của Công ty VN Pharma nộp cho Cục Quản lý dược có một số nội dung sai giữa FSC, tiêu chuẩn chất lượng, phương pháp kiểm nghiệm và hướng dẫn sử dụng. Tuy nhiên, các chuyên gia thẩm định vẫn lập biên bản thẩm định đánh giá hồ sơ đạt và đề xuất ông Cường ký Công văn số 22113/QLD-KD ngày 30-12-2013 cho Công ty VN Pharma nhập khẩu 200.000 hộp thuốc H-Capita 500 mg Caplet.

Sau khi VN Pharma nhập khẩu gần 9.300 hộp thuốc H-Capita, Cục Quản lý dược phát hiện lô thuốc không đạt chất lượng, lô thuốc này không phải của Công ty Helix Canada. Bộ Y tế sau đó thanh tra VN Pharma, niêm phong toàn bộ lô hàng.

Về chất lượng của lô thuốc H-Capita, Kết luận giám định số 31 ngày 22-4-2015 của Hội đồng giám định Bộ Y tế đã kết luận: “Lô thuốc có nhãn mác thuốc H-Capita 500 mg Caplet có chứa 97,5% hoạt chất Capecitabine là thuốc kém chất lượng, không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người”.

Kiểm tra các chỉ tiêu về mô tả màu sắc viên thực tế không giống với màu sắc viên theo yêu cầu trong tiêu chuẩn cơ sở, không đạt yêu cầu chất lượng tiêu chuẩn. Kiểm tra tờ hướng dẫn sử dụng, nhãn vỉ thuốc, nhãn hộp thuốc H-Capita 500 mg Caplet có một số chi tiết không đúng với tờ hướng dẫn sử dụng, nhãn vỉ thuốc, nhãn hộp thuốc thiết kế trong hồ sơ đơn hàng nhập khẩu thuốc thành phẩm chưa có số đăng ký đã được Cục Quản lý dược phê duyệt.

Khởi tố vụ án thiếu trách nhiệm tại Cục Quản lý dược

Ngày 26-3-2019, VKSND Tối cao có văn bản yêu cầu CQĐT Bộ Công an khởi tố vụ án thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, liên quan đến trách nhiệm của cán bộ, chuyên gia thẩm định cấp giấy phép đối với hồ sơ đơn hàng nhập khẩu thuốc H-Capita của VN Pharma.

CQĐT đã tiến hành điều tra, xác minh để làm rõ trách nhiệm của các cá nhân có liên quan nhưng căn cứ tài liệu điều tra, đến nay CQĐT nhận thấy chưa đủ căn cứ để khởi tố vụ án hình sự, cần phải tiếp tục xem xét. Do đã hết thời hạn điều tra, CQĐT tách ra để xem xét, xử lý sau…

Mới đây nhất, Thanh tra Chính phủ cũng đã có thông báo kết luận thanh tra việc cấp giấy phép nhập khẩu, giấy đăng ký lưu hành đối với 10 loại thuốc của Công ty Helix, cấp giấy phép hoạt động cho Công ty Helix và việc trúng các gói thầu cung cấp thuốc cho các bệnh viện của Công ty cổ phần VN Pharma.

Theo đó, Thanh tra Chính phủ đã chuyển kết luận thanh tra đến Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an để có thêm thông tin, tài liệu phục vụ cho công tác điều tra liên quan đến việc Công ty cổ phần VN Pharma nhập khẩu thuốc, bán thuốc H-Capita để xử lý theo thẩm quyền mà Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đang tiến hành.

Ngày 18-9, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an cho biết đang tiếp tục điều tra các hành vi sai phạm liên quan đến vụ án buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh xảy ra tại Công ty VN Pharma ở TP.HCM và các tỉnh, TP khác.

Căn cứ kết quả điều tra, CQĐT đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) và các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc thẩm định, xét duyệt, cấp phép và cho thông quan nhập khẩu đối với các thuốc chữa bệnh mang nhãn mác Công ty Helix Canada và nhãn mác Công ty Health 2000 Canada.  (Pháp luật TP HCM, trang 6; Lao động, trang 4; Tiền phong, trang 11).

 

Bộ Y tế yêu cầu Bệnh viện TW Huế kiểm tra xử lý thông tin cán bộ y tế hành hung nữ thực tập sinh

Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) vừa có văn bản gửi Bệnh viện đa khoa Trung ương Huế đề nghị kiểm tra, xử lý thông tin cán bộ y tế hành hung nữ thực tập sinh và yêu cầu bệnh viện tăng cường tuyên truyền giáo dục, chỉ đạo các đơn vị thường xuyên tổ chức tập huấn về quy tắc ứng xử đạo đức nghề nghiệp của cán bộ y tế. Theo công văn số 5566/BYT- TCCB do PGS.TS Nguyễn Tuấn Hưng – Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế ký ban hành cho biết những ngày qua trên một số trang thông tin điện tử có thông tin về việc 1 nam bác sĩ phòng khám nổi tiếng bị tố đánh nữ thực tập sinh trẻ làm điều dưỡng phải nhập viện.

Để thực hiện nghiêm túc Thông tư 07/2014/TT-BYT quy định về quy tắc ứng xử của công chức, viên chức, người lao động tại các cơ sở y tế, Bộ Y tế đề nghị Bệnh viện đa khoa Trung ương Huế tăng cường tuyên truyền giáo dục, chỉ đạo các đơn vị thường xuyên tổ chức tập huấn về quy tắc ứng xử đạo đức nghề nghiệp của cán bộ y tế.

Bộ Y tế cũng yêu cầu Bệnh viện kiểm tra nội dung thông tin mà các báo điện tử đã đưa tin, đồng thời chỉ đạo đơn vị tổ chức kiểm tra, đánh giá mức độ vi phạm, xử lý nghiêm tập thể cá nhân vi phạm (nếu có) theo quy định; báo cáo kết quả kiểm tra xử lý về Bộ Y tế và sớm thông tin cho các cơ quan thông tin đại chúng

Thông tin từ Bệnh viện Trung ương Huế nơi bác sĩ P. công tác cho biết sau khi có thông tin trên, bác sĩ P. đã bị bệnh viện đình chỉ công tác để phục vụ xác minh vụ việc. Hiện bác sĩ này cũng đã nộp đơn xin thôi việc. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

 

Từ ngày 1/10 sẽ thí điểm 6 thủ tục hành chính mới của Bộ Y tế trên Cơ chế một cửa quốc gia

Ngày 24/9, đại diện Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) cho biết, theo kế hoạch, 6 thủ tục hành chính mới của Bộ Y tế trong lĩnh vực an toàn thực phẩm và môi trường y tế thuộc Cục An toàn thực phẩm và Cục Quản lý môi trường y tế sẽ được thí điểm thực hiện trên Cơ chế một cửa quốc gia (NSW) từ ngày 1/10/2019… (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

 

Xây dựng “Hệ sinh thái 4.0” phục vụ người tham gia BHXH, BHYT

Những năm qua, công tác ứng dụng công nghệ thông tin được Bảo hiểm xã hội Việt Nam đặc biệt quan tâm, thể hiện qua việc xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung toàn ngành; hệ thống cấp số định danh quản lý người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp thống nhất trên phạm vi toàn quốc… Với những nỗ lực không ngừng, năm 2019 là năm thứ hai liên tiếp Bảo hiểm xã hội Việt Nam giữ vị trí đứng đầu về ứng dụng công nghệ thông tin trong nhóm các cơ quan thuộc Chính phủ.

Hiện nay, nhằm phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp tham gia, ngành Bảo hiểm xã hội đang khẩn trương xây dựng “Hệ sinh thái 4.0 ngành Bảo hiểm xã hội” phục vụ người dân và doanh nghiệp với các dịch vụ tiện ích, hiện đại… (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

T5g.org.vn

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 26/5/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 19/3/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 22/4/2021

CDC Hà Nam

Để lại bình luận