Điểm báo ngày 08/11/2019

(CDC Hà Nam)
Bát nháo phẫu thuật thẩm mỹ; Bạo hành “bủa vây” nhân viên y tế; Báo động thực trạng bộ máy tổ chức cán bộ dân số ở cơ sở; Nhiều quầy dược hoạt động truyền dịch trái phép; Cấy máy tạo nhịp tim không dây thành công cho bệnh nhân; Bác sĩ mũ nồi xanh ‘tuyên thệ’ ở Ba Đình; …

 

Cục An toàn thực phẩm được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất

Sáng nay, 7-11, Cục An toàn thực phẩm (ATTP) – Bộ Y tế đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm ngày thành lập (1999-2019) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất do Nhà nước trao tặng.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Bộ trưởng Bộ Y tế – Trưởng Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe Trung ương Nguyễn Thị Kim Tiến, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Trần Thị Trung Chiến, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế – nguyên Trưởng Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe Trung ương Nguyễn Quốc Triệu… tới dự.

Đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm, PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP cho biết, ngày 4-2-1999, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định về việc thành lập Cục Quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm trực thuộc Bộ Y tế – tiền thân của Cục ATTP ngày nay, mở ra một trang mới trong công tác quản lý chất lượng, VSATTP của nước ta.

Từ một đơn vị mới thành lập với hơn 30 cán bộ nhân viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị, điều kiện làm việc còn sơ sài nhưng vượt qua mọi khó khăn, tập thể Cục ATTP luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Trong 20 năm phát triển, Cục ATTP đã xây dựng và trình các cấp có thẩm quyền ban hành, hoàn thiện thể chế pháp luật phù hợp với yêu cầu thực tiễn quản lý ATTP của đất nước, đồng thời đáp ứng với xu thế hội nhập quốc tế.

Công tác thông tin truyền thông, giáo dục được đẩy mạnh giúp thay đổi nhận thức của người dân về vai trò của việc đảm bảo ATVSTP đối với sức khỏe con người cũng như sự phát triển kinh tế xã hội đất nước. Công tác thanh tra, kiểm nghiệm thực phẩm tiếp tục được quan tâm đầu tư, giúp ngăn chặn, xử lý nhiều vụ vi phạm về ATTP, góp phần làm cho thị trường thực phẩm an toàn hơn.

Đến nay, thực phẩm của Việt Nam đã xuất đi 190 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Nhiều vùng nông sản, thực phẩm an toàn, nhiều nhà máy sản xuất, chế biến thực phẩm hiện đại đã được chứng nhận, áp dụng thành công các phương thức quản lý tiên tiến trên thế giới.

Đặc biệt, hệ thống Chi cục VSATTP đã được thành lập ở tất cả tỉnh/ thành phố trong cả nước, với gần 2.000 cán bộ công tác trong lĩnh vực này. Một số tỉnh/ thành phố đã bắt đầu thí điểm triển khai mô hình Ban Quản lý ATTP…

PGS.TS Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục ATTP và TS Nguyễn Hùng Long – Phó Cục trưởng Cục ATTP được trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì. ThS Trần Việt Nga – Phó Cục trưởng Cục ATTP và TS Bùi Thị Hồng Nương – Chánh Văn phòng Cục ATTP được trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Nhiều cá nhân khác của Cục ATTP và một số Chi cục ATVSTP các tỉnh/ thành phố được Bộ Y tế tặng Bằng khen vì thành tích xuất sắc trong công tác.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá cao và biểu dương những kết quả mà Cục ATTP đã đạt được trong thời gian qua. Dù vậy, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, nhiệm vụ, thách thức đặt ra đối với công tác đảm bảo ATTP thời gian tới rất nặng nề, đòi hỏi Cục ATTP phải tiếp tục nỗ lực hơn nữa.

Trong đó, Bộ trưởng lưu ý: tiếp tục tham mưu hoàn thiện cơ chế chính sách, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm, tăng cường truyền thông giáo dục về ATTP, coi trọng hợp tác quốc tế… Đặc biệt, cần tiếp tục hoàn thiện bộ máy làm công tác đảm bảo ATTP ở các địa phương cho phù hợp với thực tiễn và đáp ứng nhu cầu phát triển ở thời kỳ mới. (An ninh Thủ đô, trang 6).

 

Nhiều quầy dược hoạt động truyền dịch trái phép

Dù chức năng chỉ được bán thuốc theo đơn kê của bác sĩ, nhưng các quầy dược ở vùng nông thôn tại tỉnh Đắk Lắk vẫn kiêm thêm dịch vụ khám, truyền dịch cho bệnh nhân. Các cơ sở này hoạt động công khai, nhưng các cơ quan chức năng vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn.

Sốt là… truyền dịch

Thời gian qua, bệnh sốt xuất huyết (SXH) bùng phát trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đắk Lắk cho biết, từ đầu năm đến cuối tháng 10-2019, có hơn 20.000 bệnh nhân bị SXH, trong đó 4 nạn nhân tử vong. Nguyên nhân tử vong do người bệnh chủ quan, thường đến các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân điều trị, lúc bệnh diễn biến xấu mới đến các cơ sở y tế thì đã quá muộn.

Qua tìm hiểu, ở nhiều vùng nông thôn của tỉnh Đắk Lắk, các quầy dược tư nhân lại kiêm luôn hoạt động khám chữa, điều trị bệnh. Trong thời điểm dịch SXH bùng phát mạnh, các cơ sở này điều trị cho bệnh nhân bằng biện pháp tiêm, truyền dịch…

Tại huyện Cư M’gar, chúng tôi đến 5 quầy dược tư nhân và ghi nhận có rất nhiều bệnh nhân đến khám với biểu hiện sốt và được nơi này điều trị bằng biện pháp truyền dịch. Trong vai người bệnh, chúng tôi đến cơ sở của bác sĩ C. tại thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar và gặp nhân viên ở quầy bán thuốc, khai “cơ thể có biểu hiện mệt mỏi”, liền được đề nghị truyền dịch.

Tại căn phòng phía sau quầy thuốc rộng tầm 20m2, được bố trí 6 giường, trong đó có 2 bệnh nhân đang nằm điều trị bằng phương pháp truyền dịch và họ cho biết có biểu hiện SXH nên tự đến cơ sở của bác sĩ C. điều trị.

Tại đây, một cô gái mặc thường phục, được cho là y tá của cơ sở này, hỏi lại chúng tôi tình hình bệnh, đo huyết áp rồi cắm kim truyền dịch vào tay bệnh nhân mà không chút do dự. Trong khi truyền dịch, chúng tôi chứng kiến nhiều người đưa con nhỏ vào phòng để được nữ y tá tiêm thuốc điều trị các bệnh khác.

Rời quầy thuốc này, chúng tôi tiếp tục ghi nhận ở một số quầy thuốc khác trên địa bàn thị trấn Quảng Phú cũng vô tư khám, điều trị và truyền dịch cho bệnh nhân, dù không có giấy phép hành nghề.

Khó kiểm soát?

Tại Phòng Y tế huyện Cư M’gar, khi chúng tôi phản ánh hàng loạt quầy dược trên địa bàn đang kiêm luôn khám chữa bệnh, truyền dịch cho bệnh nhân, ông Phạm Văn Thanh, Trưởng phòng Y tế huyện Cư M’gar, thừa nhận có một số cơ sở lén lút hoạt động.

Bác sĩ Lê Văn Thanh, Trưởng phòng Quản lý hành nghề y dược tư nhân, Sở Y tế Đắk Lắk, cho biết: “Những cơ sở tư nhân khám, điều trị cho bệnh nhân phải có giấy phép hoạt động và có quyết định phê duyệt danh mục kỹ thuật của Sở Y tế cấp thì mới được phép hành nghề. Những cơ sở không có các giấy phép hoạt động mà khám chữa bệnh là trái pháp luật”.

Một lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk khẳng định, việc khám chữa bệnh, truyền dịch ở các cơ sở không phép là rất nguy hiểm. Nơi này thường không đảm bảo về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ y – bác sĩ, nên nếu xảy ra tai biến y khoa sẽ gây nguy hiểm khó lường cho người bệnh. Hàng năm, sở thường xuyên kiểm tra và xử phạt các quầy dược tư nhân hoạt động khám chữa bệnh trái phép.

“Những cơ sở dược tư nhân nào lén lút hoạt động khám chữa bệnh, nếu phát hiện chúng tôi sẽ xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Ngoài ra, quá trình điều trị bệnh, truyền dịch cho bệnh nhân, nếu gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị xử lý trách nhiệm hình sự, tước giấy phép hành nghề…”, vị lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk nhấn mạnh. (Sài Gòn giải phóng, trang 6).

 

Bạo hành “bủa vây” nhân viên y tế

Khi nữ điều dưỡng Khoa Phẫu thuật hàm mặt, tạo hình thẩm mỹ – BV Việt Đức lên đón bệnh nhân về khoa để chuẩn bị cho ca phẫu thuật, nhận thấy bệnh nhân có biểu hiện kích thích nên đã hỗ trợ cùng người nhà giữ bệnh nhân nằm trên giường bệnh.

Tuy nhiên, khi vừa quay đi, bệnh nhân bất ngờ vùng lên túm tóc, “lên gối” đánh nữ điều dưỡng. May mắn cú “lên gối” này không ảnh hưởng đến thai nhi của nữ điều dưỡng nhưng cũng khiến chị sưng tím trán và sợ hãi về tinh thần…

Bệnh nhân giật tóc, “lên gối” đánh nữ điều dưỡng

Chia sẻ với báo chí ngày 7/11, PGS.TS. Nguyễn Đức Chính – Trưởng khoa Phẫu thuật nhiễm khuẩn (BV Việt Đức) cho biết sự việc xảy ra tại BV Việt Đức lúc 16h45 phút chiều 4/11, sau 8 ngày bệnh nhân nhập viện vì chấn thương hàm mặt sau tai nạn giao thông. Khi nữ điều dưỡng trên hỗ trợ cùng người nhà giữ bệnh nhân nằm trên giường do anh này bị kích thích, xong việc cô đã bị chính bệnh nhân hành hung. Rất may mắn, khi bị đánh, theo phản xạ của người mang bầu, cô đã cúi thấp, lấy hai tay ôm bụng nên cú “lên gối” rất mạnh của bệnh nhân chỉ trúng vùng trán khiến nữ điều dưỡng sưng tím vùng trán, thai nhi không bị ảnh hưởng. Trước đó, được biết, nam bệnh nhân này đã “cà khịa” với nhân viên y tế và bảo vệ ở Trung tâm Phẫu thuật thần kinh cùng ngày.

Theo hồ sơ bệnh án, nam bệnh nhân L.T.D (35 tuổi, An Dương, Hải Phòng) sau khi được sơ cấp cứu tại BVĐK Kiến An và BV Việt Tiệp – Hải Phòng đã được chuyển lên BV Việt Đức vào ngày 27/10 do chấn thương nặng vùng hàm mặt sau tai nạn giao thông. Bệnh nhân được chẩn đoán tổn thương nặng vùng hàm mặt kèm theo chấn thương sọ não, chấn thương ngực kín, được theo dõi tại Trung tâm Phẫu thuật thần kinh (BV Việt Đức). Sau khi tiến hành hội chẩn, các bác sĩ quyết định phẫu thuật hàm mặt cho bệnh nhân, cử nữ điều dưỡng trên lên đón bệnh nhân về Khoa Phẫu thuật hàm mặt, tạo hình và thẩm mỹ để chuẩn bị cho ca phẫu thuật thì xảy ra sự việc trên.

Người nhà bệnh nhân cho biết, bệnh nhân có tiền sử dùng thuốc gây nghiện, có biểu hiện kích thích, khó chịu. Người nhà cũng đã xin lỗi nhân viên y tế về hành vi hành hung nhân viên y tế. “Mặc dù bệnh nhân có dấu hiệu ảo giác và sau khi hành hung nhân viên y tế nhưng với quan điểm vì người bệnh nên bệnh viện vẫn điều trị bệnh nhân đến cùng. Bệnh nhân vẫn được thực hiện ca mổ hàm mặt hôm 6/11 và chuyển xuống Khoa Phẫu thuật nhiễm khuẩn để theo dõi điều trị”, PGS.TS. Nguyễn Đức Chính cho biết.

Được biết, đối với trường hợp bệnh nhân này, BV đã phải mời bác sĩ chuyên khoa về điều trị nghiện chất của Viện Sức khỏe Tâm thần – BV Bạch Mai sang hội chẩn để phối hợp điều trị. Qua thăm khám cho thấy, hiện bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt nhưng vẫn còn ảo giác và cho biết có nghe tiếng nói thúc giục trong đầu. Vì thế, hiện bệnh nhân đang được điều trị ảo giác.

Theo PGS. Chính, sự việc này là một trong những áp lực, rủi ro mà nhân viên y tế phải đối mặt. Nhân viên y tế không chỉ bị áp lực về tinh thần mà còn về thể xác. “Đôi khi trong phòng khám, bệnh nhân đang xếp hàng trật tự, bỗng nhiên có người chen vào lớn tiếng đòi khám trước, đó cũng là một áp lực với nhân viên y tế. Thực tế, nhiều bác sĩ đã chịu đe dọa về tinh thần, ảnh hưởng về thể xác. Chính bản thân tôi có lần cũng đã đối mặt với tình huống bệnh nhân vác ghế đe dọa”, TS. Chính chia sẻ.

90% vụ bạo hành xảy ra khi nhân viên y tế đang cấp cứu, chăm sóc cho bệnh nhân

Liên quan đến vấn đề bạo hành nhân viên y tế, tại hội thảo Bảo vệ Blouse trắng diễn ra mới đây, ThS. Nguyễn Trọng Khoa – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh – Bộ Y tế cho biết, trên thế giới, nhân viên y tế bị bạo hành gấp 4 lần so với ngành nghề khác.

Tại Việt Nam, bạo hành trong ngành y tế có tỷ lệ cao, chiếm 25% tổng số bạo hành tại nơi làm việc. Chỉ từ năm 2010 đến tháng 5/2017, có 26 vụ việc điển hình về mất an ninh, trật tự BV trong đó năm 2014 có tới 7 vụ điển hình, trong đó có 2 trường hợp đã tử vong vì bị bạo hành. Đáng nói, hầu hết nhân viên y tế bị bạo hành ở thời điểm đang phục vụ người bệnh. Tới 90% vụ bạo hành xảy ra khi bác sĩ đang cấp cứu, chăm sóc cho bệnh nhân, 60% xảy ra khi thầy thuốc đang giải thích cho bệnh nhân, người nhà. 70% nạn nhân là bác sĩ, 15% là điều dưỡng. Đã có 2 trường hợp nhân viên ngành y tế tử vong do bạo hành của người nhà bệnh nhân là BS. Trần Văn Giàu – BVĐK Vũ Thư (Thái Bình) xảy ra vào năm 2012. Mới đây nhất, 1 nhân viên bảo vệ tại Trung tâm Y tế Quế Sơn (Quảng Nam) cũng đã tử vong trong khi ngăn cản vụ cãi nhau giữa người bệnh và người nhà.

Theo ông Khoa, tại Việt Nam, việc xử lý bạo hành, gây hấn, xúc phạm nhân viên y tế còn quá nhẹ tay, chưa có chế tài xử phạt nặng nên tình trạng bạo hành  xảy ra rất phổ biến. Trong khi ở các nước, hành vi này có thể sẽ bị giam giữ.

Công đoàn ngành y tế cũng đề xuất sửa đổi Luật Hình sự để đảm bảo hành vi tấn công nhân viên y tế đang làm nhiệm vụ cũng phải chịu hình thức xử phạt tăng nặng và hình phạt có tính răn đe như khi tấn công các lực lượng thi hành công vụ khác…

Đánh giá về bệnh nghề nghiệp của nhân viên y tế, ông Doãn Ngọc Hải – Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường cho rằng, cán bộ y tế đối diện với nhiều yếu tố nguy cơ chứa mầm bệnh, stress nghề nghiệp, làm ca, trực đêm, gặp nhiều nguy cơ bị bạo hành khi tiếp xúc với người nhà bệnh nhân và bệnh nhân… Trong đó, các bệnh truyền nhiễm như viêm gan b, C, nhiễm HIV, bệnh leptospira có thể đe dọa nhân viên y tế bất cứ lúc nào. Nhiều nhân viên đã từng phải điều trị dự phòng lây nhiễm HIV do có nguy cơ khi cấp cứu người bệnh. Mới nhất là trường hợp của BS. Nguyễn Văn Hiếu tại Trung tâm y tế huyện Mường Nhé. Trong một tình huống cấp cứu bệnh nhân có HIV, BS. Nguyễn Văn Hiếu bị phơi nhiễm HIV. BS. Hiếu phải trải qua những tháng ngày đầy áp lực, căng thẳng điều trị phơi nhiễm HIV, rất may sau điều trị, kết quả xét nghiệm âm tính. (Sức khỏe & Đời sống, trang 1).

 

Ký kết hợp tác giữa Bộ Y tế và Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam

Chiều ngày 7/11, tại Bộ Y tế đã diễn ra Lễ Ký kết Chương trình phối hợp giữa Bộ Y tế và Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam trong công tác bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2019-2026.

Tới dự lễ ký kết có Bộ trưởng Bộ Y tế, Trưởng ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe Trung ương PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến,  nguyên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam Nguyễn Hồng Quân,  lãnh đạo các vụ, cục của Bộ Y tế cùng đại diện Hội người cao tuổi Việt Nam, Hội Thầy thuốc trẻ, Hội bác sĩ gia đình Việt Nam, Hội Dân số kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, Hội khuyến học Việt Nam, Hội thực phẩm chức năng Việt Nam….

Việc ký kết này nhằm hướng đến mục tiêu nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng để chủ động dự phòng các yếu tố nguy cơ phổ biến đối với sức khỏe nhằm phòng tránh bệnh tật, bảo vệ sức khỏe cho cá nhân, gia đình và cộng đồng. Tăng cường vận động thể lực, chế độ dinh dưỡng hợp lý để cải thiện tầm vóc và nâng cao sức khỏe cho người dân.Thực hiện chăm sóc sức khỏe tại tuyến cơ sở, góp phần giảm gánh nặng bệnh tật, tử vong và nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân.

Phát biểu tại lễ Ký kết, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng,  việc  chăm sóc sức khỏe cộng đồng đóng vai trò  quan trọng, trong đó có nhiều vấn đề như chế độ ăn uống thế nào là hợp lý để phòng chống bệnh, quản lý stress, phòng chống tác hại rượu bia, thuốc lá, các ảnh hưởng từ ô nhiễm môi trường…  Đây là nguyên nhân của 70%  các trường hợp  tử vong do các bệnh không lây nhiễm như cao huyết áp, tiểu đường, bệnh phổi tắc nghẽn, ung thư, rối loạn tâm thần…   Điều này phụ thuộc rất nhiều vào việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng và nâng cao sức khỏe.

Để thực hiện tốt chương trình phối hợp với  Bộ Y tế,  Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam sẽ chỉ đạo các cấp hội, các đơn vị thành viên tại các địa phương chủ động xây dựng ký kết và triển khai Chương trình phối hợp với các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế và các cấp trong ngành y tế. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

 

U xương lành có thể chuyển thành ác tính nếu chủ quan

Mới đây, trong cùng một ngày, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đã tiếp nhận  bệnh nhân nam ở độ tuổi trung niên nhập viện với hai khối u đầu trên xương đùi biến dạng cực lớn. Qua thăm khám thấy khối kích thước lớn bất thường, bờ nham nhở, cứng chắc, không rõ ranh giới, không di động, biến dạng và hạn chế vận động khớp háng phải. Nghi ngờ khối u chuyển dạng ác tính, PGS.Trần Trung Dũng, Phó Giám đốc bệnh viện, chỉ định sinh thiết chẩn đoán mô bệnh học. Kết quả chẩn đoán cho thấy đây là khối u sụn chuyển dạng ác tính ( Chondrosarcoma). Được biết bệnh nhân bị khối u trên vùng đầu xương đùi bên phải từ nhỏ và đã được chẩn đoán là u xương sụn. Do chủ quan nghĩ khối u lành tính, vô hại nên ông khá yên tâm khi sống chung với khối u này, thi thoảng đi khám để theo dõi. Tuy nhiên,  trong 2 năm gần đây, khối u bỗng phát triển rất nhanh khiến ông đau và phần hông bị biến dạng, vận động rất khó khăn. Đến lúc không chịu nổi nữa, ông mới tới bệnh viện để khám.

Theo ThS. Trần Sáng – Bác sĩ chuyên ngành Phẫu thuật Ung thư xương, khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện K3. ung thư xương là sự xuất hiện một khối u ác tính ở trong xương. Điều quan trọng, nguy cơ từ u xương lành chuyển sang dạng ác tính nếu như người bệnh không cảnh giác, chủ quan, không thăm khám thường xuyên có thể dẫn tới tàn tật hoặc tử vong. Đây có thể nói là diễn biến rất điển hình ở nhiều bệnh nhân có u xương dạng lành tính hiện nay ở Việt Nam. ((Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

 

Cấy máy tạo nhịp tim không dây thành công cho bệnh nhân

Viện Tim Mạch Việt Nam – Bệnh viện Bạch Mai vừa áp dụng thành công một kỹ thuật mới trong điều trị rối loạn nhịp tim: Đặt máy tạo nhịp tim không dây trực tiếp vào buồng tim cho bệnh nhân.

Mới đây, Viện Tim mạch Việt Nam (VTMVN) đã tiếp nhận bệnh nhân nam 75 tuổi vào viện vì nhiễm trùng máy tạo nhịp. Cách đây hơn 1 năm bệnh nhân đã bị những cơn ngất và nhịp tim rất chậm được chẩn đoán là bloc nhĩ thất hoàn toàn. Bệnh nhân đã được cấy máy tạo nhịp 2 buồng tim thông thường với 2 dây điện cực ở nhĩ phải và thất phải. Bệnh nhân đã cải thiện triệu chứng nhiều, không còn những cơn ngất, sức khỏe hồi phục dần dần. Tuy nhiên, trước hai tuần nhập viện vùng ngực trái vị trí cấy máy tạo nhịp ở dưới da sưng nề đỏ, đau rát nhiều và chảy mủ lộ máy tạo nhịp làm bệnh nhân rất khó chịu và mệt mỏi. Sau khi được tiếp nhận vào VTM các bác sĩ đã nhanh chóng chẩn đoán bệnh nhân bị biến chứng nhiễm trùng máy tạo nhịp và biện pháp điều trị duy nhất là phải tháo bỏ máy cũ và điều trị tình trạng nhiễm trùng toàn thân. Như vậy, với bệnh nhân này nếu rút bỏ máy tạo nhịp ra, lại xuất hiện nhịp tim chậm, bloc nhĩ thất hoàn toàn sẽ nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân. Mặt khác, nếu sau khi loại bỏ máy cũ sẽ phải cấy máy tạo nhịp mới với các dây điện cực đưa vào buồng tim ở vị trí khác so với vị trí ban đầu, tiên lượng nguy cơ nhiễm trùng máy tạo nhịp thứ hai rất cao. Đứng trước thực tế như vậy, các bác sĩ VTMVN đã lựa chọn giải pháp tháo bỏ máy tạo nhịp cũ và 2 dây điện cực đã nhiễm trùng, cắt lọc và điều trị kháng sinh ổ máy cũ dưới cơ ngực trái, đồng thời đặt máy tạo nhịp tạm thời ngoài da hỗ trợ tim co bóp đảm bảo huyết động cho bệnh nhân. Sau hai tuần điều trị tình trạng nhiễm trùng đã được kiểm soát, ổ máy cũ đã sạch, các bác sĩ đã quyết định cấy máy tạo nhịp không dây vào thẳng buồng thất phải để tạo nhịp vĩnh viễn cho bệnh nhân, đảm bảo cho tim bệnh nhân hoạt động gần như bình thường và sẽ tránh được nguy cơ nhiễm trùng tái phát ổ máy tạo nhịp dưới da.

Đây là loại máy có kích thước rất nhỏ, chỉ như viên thuốc con nhộng và trọng lượng chỉ có 2g nhẹ hơn tới 93% so với máy tạo nhịp tim thông thường (28g). Loại máy này sẽ nằm toàn bộ trong buồng thất phải của bệnh nhân, được đưa vào trong buồng thất phải bằng ống thông từ tĩnh mạch đùi. Loại máy này cho phép tạo nhịp tim cho bệnh nhân trong thời gian có thể đến 12 năm. Máy mới được Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) cấp duyệt năm 2016.

Với sự giúp đỡ về mặt kỹ thuật của BS. Zulkeflee Muhammad từ Trung tâm Tim mạch quốc gia Malaysia, các bác sĩ Việt Nam đã đặt thành công máy tạo nhịp tim không dây đầu tiên tại VTMVN. Sau khi đặt máy, nhịp tim của bệnh nhân đã ổn định và xuất viện sau 1 ngày. Sự thành công bước đầu này đã mở ra một trang mới với sự phát triển không ngừng của khoa học kỹ thuật trên thế giới và từng bước làm chủ kỹ thuật và triển khai áp dụng công. (Sức khỏe & Đời sống, trang 4).

 

Phẫu thuật thành công khối u não hiểm hiếm gặp

Các bác sĩ Khoa Phẫu thuật Thần kinh – Cột sống – Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (ĐH Y HN) vừa thực hiện thành công ca phẫu thuật lấy khối u dây thần kinh V rất hiếm gặp với độ khó cao. Hiện tại, tình trạng bệnh nhân đã ổn định và phục hồi rất tốt sau mổ.

U lành, nhưng cực kỳ nguy hiểm và hiếm gặp

Bệnh viện ĐH Y HN tiếp nhận bệnh nhân N.B.N. (20 tuổi) trong tình trạng thường xuyên bị tê và đau nửa mặt bên phải, cơn đau thường khởi phát đột ngột, nóng bỏng, dạng giống điện giật. Ban đầu tình trạng này chỉ xảy ra 1 lần/tuần nhưng tần suất ngày càng tăng lên kèm theo cơn đau kéo dài và dữ dội hơn.

Kết quả khám và chẩn đoán hình ảnh tại Bệnh viện ĐH Y HN xác định bệnh nhân có khối u dây thần kinh số V hiếm gặp. Dây thần kinh V là một dây thần kinh hỗn hợp thực hiện cả hai chức năng vừa cảm giác vừa vận động. Về vận động, nó chi phối động tác nhai. Về cảm giác, do dây V được hợp thành từ 3 nhánh thần kinh là V1 – V2 – V3, mỗi nhánh nhỏ này cảm giác cho một phần của nửa mặt (do đó dây V còn gọi là dây thần kinh tam thoa hay dây thần kinh sinh ba) nên dây V chi phối cảm giác của nửa mặt cùng bên. Khối u này ngoài việc làm ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng của dây V như đau nửa mặt còn gây chèn ép các dây thần kinh III, IV, VI, gây ảnh hưởng đến chức năng của các dây vận động nhãn cầu.

ThS.BS Hoàng Minh Tân – Khoa Phẫu thuật Thần kinh – Cột sống – Bệnh viện ĐH Y HN đánh giá, mặc dù là u lành, nhưng đây là một ca tương đối khó. Khối u của bệnh nhân khá lớn, lại nằm ở vị trí nền sọ giữa rất khó tiếp cận. Xung quanh khối u là các dây thần kinh và mạch máu lớn. Trong quá trình phẫu thuật, chỉ một sai sót nhỏ cũng có thể khiến bệnh nhân bị tổn thương đến não, hoàn toàn không thể cứu sống bệnh nhân. Đây là vị trí nguy hiểm dễ gây biến chứng nghiêm trọng cho bệnh nhân nếu kinh nghiệm chuyên môn của phẫu thuật viên không vững.

Mặt khác, sử dụng phương pháp xạ trị với khối u này rất ít tác dụng, lại làm tổn thương các cấu trúc lành xung quanh, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới chức năng thần kinh và chất lượng sống của bệnh nhân sau này.

Nếu không điều trị kịp thời, khối u ngày càng to đè vùng chức năng mô não, làm tăng áp lực nội sọ, khiến tình trạng đau và tê nửa mặt ngày càng nhiều. Nguy cơ tiếp theo là biến chứng mờ mắt, rối loạn cảm giác,… nặng hơn có thể khiến bệnh nhân hôn mê, thậm chí tử vong.

Cuộc phẫu thuật cam go, cẩn trọng tuyệt đối

Phẫu thuật u não vốn là một trong những phẫu thuật khó, nhiều nguy cơ xảy ra bởi chỉ cần sơ xảy một sơ suất nhỏ có thể chạm vào các dây thần kinh gây hậu quả nặng nề cho bệnh nhân. Để phẫu thuật được khối u này cần nhiều trang thiết bị như kính vi phẫu, hệ thống định vị thần kinh và dụng cụ vi phẫu,… Hệ thống định vị giúp bác sĩ xác định vị trí khối u so với vị trí của hộp sọ, định vị chính xác đường rạch da, đường mở xương sọ, xác định rõ ràng ranh giới giữa khối u với tổ chức não lành tính. Từ đó có thể lấy bỏ khối u theo cách ít xâm lấn nhất, bằng đường gần nhất. Thiết bị định vị giúp hạn chế tối đa tổn thương não trong khi mổ, nhất là với những khối u nằm ở vị trí rất khó tiếp cận như bệnh nhân này. Kính vi phẫu giúp nhìn rõ hơn vị trí khối u, các điểm tiếp giáp xung quanh tránh nguy cơ chạm phải gây chảy máu không cầm được. Bệnh nhân cũng được theo dõi, kiểm soát bằng các thiết bị, máy móc hiện đại để đảm bảo an toàn trong suốt hơn 4 tiếng diễn ra phẫu thuật.

Cuối cùng, với sự nỗ lực hết sức của toàn kíp mổ, cuộc phẫu thuật đã diễn ra thuận lợi, toàn bộ khối u đã được lấy ra gọn gàng, bảo tồn nguyên vẹn chức năng các dây thần kinh, vùng não quan trọng.

Trao đổi với phóng viên báo SK&ĐS, mẹ của bệnh nhân N. cho biết, hiện nay tình trạng của bệnh nhân phục hồi rất tốt, bệnh nhân đã được ra viện. Nhân đây, bà cũng gửi lời cảm ơn sâu sắc tới đội ngũ y bác sĩ BV ĐH Y HN đã hết lòng chăm sóc và điều trị cho con mình. (Sức khỏe & Đời sống, trang 4).

 

Bác sĩ mũ nồi xanh ‘tuyên thệ’ ở Ba Đình

Sáng 7/11, tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Cục Gìn giữ hòa bình (GGHB) Việt Nam tổ chức lễ hứa quyết tâm trước khi triển khai Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 (BVDC2.2) lên đường tới Nam Sudan làm nhiệm vụ.

Đại diện cho cán bộ, y bác sĩ BVDC2.2, trung tá Võ Văn Hiển, Giám đốc BVDC2.2 hứa với Chủ tịch Hồ Chí Minh: Tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và Nhân dân. Đoàn kết, dân chủ, quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đảm bảo đơn vị an toàn về mọi mặt. Tích cực làm tốt công tác tuyên truyền về chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước cũng như chủ trương, quan điểm tham gia hoạt động GGHB Liên Hợp Quốc của Việt Nam; bằng các hành động thiết thực làm lan tỏa phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” đến với bạn bè quốc tế…

Trước khi thực hiện lễ hứa quyết tâm và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, đại diện các đơn vị cùng 70 cán bộ, y bác sĩ của BVDC2.2 đã dâng hương tưởng niệm tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ ở đường Bắc Sơn.

Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, Cục trưởng Cục GGHB Việt Nam cho biết: Sau 5 năm, Việt Nam đã cử được 40 lượt sĩ quan tham gia hoạt động GGHB Liên Hợp Quốc với hình thức cá nhân tại 2 Phái bộ Nam Sudan (UNMISS) và Cộng hòa Trung Phi (MINUSCA)… Trong 27 lượt sĩ quan đã kết thúc nhiệm kỳ công tác về nước, tất cả đều hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ, an toàn tuyệt đối. Trong đó có 7 sĩ quan được Liên Hợp Quốc đánh giá là hoàn thành xuất sắc và đặc biệt xuất sắc, chiếm 25,9%.

Với đội hình đơn vị, sau 4 năm chuẩn bị, tháng 10/2018, BVDC2.1 của Việt Nam với 63 cán bộ, nhân viên, y bác sĩ đã triển khai thành công, an toàn đến Bentiu, Nam Sudan. Đến nay, sau một năm hoạt động, BVDC2.1 đã tiếp nhận khám, điều trị cho trên 1.800 bệnh nhân, xử lý thành công nhiều ca cấp cứu y tế phức tạp, yêu cầu đòi hỏi trình độ chuyên môn cao. Sau 2 năm nỗ lực chuẩn bị, đến nay BVDC2.2 chuẩn bị lên đường thực hiện nhiệm vụ thay thế BVDC2.1 tại Bentiu, Nam Sudan.

“Ở cả 2 hình thức cá nhân và đơn vị, các nữ quân nhân của Việt Nam đều tham gia với tỷ lệ cao và đều đảm bảo hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ; khẳng định được phẩm chất, năng lực và để lại hình ảnh ấn tượng về phụ nữ Việt Nam, phụ nữ Quân đội trong môi trường hoạt động đối ngoại đa phương hết sức đặc thù của Liên Hợp Quốc”, Thiếu tướng Phụng nói. (Tiền phong, trang 7).

 

Những chuyến xe ‘0 đồng’

Đó là những chuyến xe đong đầy tình người của hai chàng trai ở quận Bình Tân (TPHCM), chở miễn phí những bệnh nhân nghèo, những trẻ em xấu số thuộc gia đình nghèo từ bệnh viện trở về quê nhà.

Không thể không làm!

Mới đầu tháng 11 mà lịch chạy xe của anh Nguyễn Hoàng Nhật (35 tuổi, ở quận Bình Tân, TPHCM) đã kín mít các ngày. Gần như chẳng có ngày nào anh Nhật được nghỉ ở nhà. “Chở giúp những người có hoàn cảnh khó khăn đang nằm ở bệnh viện về quê, tôi đã làm được 2 năm nay rồi. Tôi không giàu có gì, nhưng thấy có những người còn nghèo khổ hơn mình nên cầm lòng không đặng. Mình chỉ làm được trong khả năng thôi”, anh Nhật trải lòng.

Dù nắng hay mưa, ngày hay đêm, chỉ cần người ta gọi là anh đều có mặt. Cách đây không lâu, phòng Công tác xã hội của Bệnh viện Nhi đồng 1 thông báo có một người đàn ông ôm đứa con sơ sinh đã mất định tự tử vì không còn tiền thuê xe đưa thi thể con về quê, còn người vợ đang nằm bệnh viện không có tiền thuốc men. Nghe đến đó, anh Nhật liền lên đường, hú còi xuyên đêm đưa cha con người đàn ông tội nghiệp về Tây Nguyên.

Hay mới đây, có người nhờ anh đưa một bệnh nhân đang hấp hối từ Bệnh viện Chợ Rẫy về Trà Vinh với giá 2,2 triệu đồng. Sau chuyến hành trình hơn 120km, đến nơi, anh Nhật sững sờ khi thấy căn chòi lá của gia đình, thậm chí không có cả chiếc giường, cái ghế. Gia đình họ vay mượn hàng xóm, gom góp được 2,2 triệu đồng đủ trả tiền xe. Cầm nắm tiền lẻ nhăn nhúm mà mắt đỏ hoe, anh Nhật liền móc hết tiền túi cộng với tiền xe dúi lại hết cho người nhà.

Khi nhắc đến những chuyến xe miễn phí đưa người xấu số từ bệnh viện về nơi an nghỉ, nhiều người thường nhớ đến Võ Thanh Nghị (29 tuổi, ở quận Bình Tân, TPHCM). Đối tượng mà Nghị thường giúp đỡ đa phần đều là trẻ em thuộc gia đình nghèo. Nghị bảo, có bé bệnh ngay từ lúc mới sinh, có bé nằm ròng rã nhiều tháng trời tại bệnh viện. Cha mẹ bỏ công việc, bán hết ruộng vườn nhà cửa chạy chữa chỉ mong con được sống. Thế nhưng con vẫn ra đi. “Có người nghèo quá, muốn đưa con về quê mà chẳng còn đồng nào; rồi nhà xe kiêng kị, họ mua đá lạnh bỏ bé vào thùng mút, lên tàu hỏa mang về… Những hình ảnh đó cứ ám ảnh tôi”, Nghị nói.

Ban đầu, Nghị làm từ thiện chỉ vì muốn được đi đây đi đó. Sau khi học xong, về ổn định với công việc ở công ty của gia đình, Nghị thường theo chân anh em bạn bè đi phát quà, hỗ trợ người dân khó khăn ở khắp nơi. “Một công đôi việc, vừa trải nghiệm vừa giúp được cho nhiều người. Nhưng càng làm, mình càng thấy quá nhiều những hoàn cảnh khốn cùng. Mình luôn trăn trở, nếu không được giúp, họ sẽ ra sao? Nhất là từ lúc hỗ trợ bệnh nhi đã mất, mình càng nhận ra không thể không làm”, Nghị chia sẻ.

Bán nhà mua xe

Không ít người nghe chuyện của anh Nhật liền cho rằng anh bị khùng, đang có nhà cửa đàng hoàng thì ra ở trọ, còn nhà thì đem bán để mua xe chở người miễn phí. “Lúc tôi bắt đầu công việc này thì chỉ có một chiếc xe cấp cứu thôi. Tôi nghĩ, mình có nhà cao cửa rộng để làm gì, lỡ chết có đem theo được không? Trong khi ngoài kia còn bao nhiêu người cần giúp đỡ. Thế là tôi bàn với vợ bán nhà mua xe giúp người. Vợ đồng ý và còn hỗ trợ tôi rất nhiều trong việc nhận bệnh nhân, xác minh trường hợp khó khăn”, anh Nhật cười hiền lành, nói.

Biết tới nghĩa cử cao đẹp của anh Nhật, nhiều tài xế đã tình nguyện đồng hành cùng anh trên những chuyến xe miễn phí. Trong đó có cả các mạnh thường quân đến hỗ trợ quan tài, tặng thêm tiền cho những gia cảnh nghèo khó.

Trò chuyện với phóng viên, cả anh Nhật và Nghị đều không muốn kể nhiều về những chuyến xe tử tế ấy. Với họ, điều mong mỏi nhất là làm sao có thêm nhiều người cùng chung tay, ngày càng thêm nhiều chuyến xe “0 đồng” đến được với những người khó khăn.

“Có những lần số ca cần giúp đỡ dồn dập, vợ chồng mình mệt đến nỗi muốn buông bỏ. Nhưng cứ nhớ đến ánh mắt bừng sáng của họ khi nhận được chuyến xe trở về giữa cùng cực tuyệt vọng, mình lại thấy đây là việc phải làm. Chuyến xe như chiếc phao cuối cùng cho họ bấu víu, tụi mình làm sao buông được. Chúng tôi không bỏ qua bất cứ một trường hợp nào cần đến, chỉ cần họ chịu chờ thì chúng tôi sẽ tới”, anh Nhật quả quyết. (Tiền phong, trang 7).

 

Báo động thực trạng bộ máy tổ chức cán bộ dân số ở cơ sở

Không đủ biên chế, thiếu nhân lực, ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ về công tác dân số trong tình hình mới, đặc biệt là trong việc thực hiện các mục tiêu Nghị quyết 21-NQ/TW đề ra – Đây đang là một trong những vấn đề “nóng” của tổ chức bộ máy làm dân số ở cơ sở, ảnh hưởng đến kết quả hoạt động và tâm tư của cán bộ làm công tác dân số.

Chuyển Chi cục DS-KHHGĐ thành Phòng Dân số là không đúng chủ trương

Theo báo cáo của các tỉnh, thành phố tính đến thời điểm 31/5/2019, số lượng công chức làm việc tại Chi cục DS-KHHGĐ (sau khi thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-TW) có tổng số biên chế được giao của 63 Chi cục DS-KHHGĐ là 1.113 biên chế, bình quân là 17,7 biên chế/Chi cục. Tổng số người làm việc hiện có là 1.051 (trong đó có 797 công chức, 114 viên chức và 140 hợp đồng lao động), bình quân 16,7 người/Chi cục.

Ông Lê Văn Hợi, Vụ Trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Tổng cục Dân số cho biết: Hầu hết các Chi cục Dân số đang ổn định mô hình theo Thông tư liên tịch 51/2015/TTLT-BYT-BNV của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ. Tuy nhiên, hiện nay có 5 tỉnh đang dưới 10 biên chế là: Kiên Giang, Tây Ninh, Ninh Bình, Sơn La và Vĩnh Phúc. Trong đó, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Sơn La là đơn vị duy nhất có con dấu nhưng không có tài khoản. Ở Kiên Giang thì số cán bộ làm việc ở Chi cục bị điều chuyển để làm công việc khác, còn 6 cán bộ. Được biết, một số địa phương khác đã sử dụng biên chế được giao cho Chi cục DS-KHHGĐ để tuyển dụng cho đơn vị khác.

Với số biên chế dưới 10 người, đặc biệt có nơi chỉ còn 6 người, rõ ràng các Chi cục trên không có được nhân lực cần thiết, tối thiểu cho hoạt động của Chi cục; gây không ít ảnh hưởng đến kết quả hoạt động cũng như các chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra. Nhất là trong tình hình công tác dân số hiện nay đang rất nhiều vấn đề nóng, đòi hỏi phải đáp ứng được nhiệm vụ, trọng trách lớn mà Nghị quyết 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới yêu cầu: Chuyển trọng tâm từ Dân số – kế hoạch hóa gia đình sang Dân số và Phát triển. “Đề nghị các địa phương trên bổ sung, trả lại biên chế, đủ nhân lực cho hoạt động của các Chi cục nói trên”, ông Lê Văn Hợi nói.

Không chỉ bị “lấy mất” biên chế cho đơn vị khác khiến số cán bộ của Chi cục không đủ mức bình quân được giao (17 người) như 5 tỉnh nói trên, một số địa phương còn dự định chuyển Chi cục DS-KHHGĐ thành Phòng Dân số trực thuộc Sở Y tế. Điển hình là tỉnh Tây Ninh đã có Quyết định số 27/2019/QĐ-UBND ngày 23/7/2019 có hiệu lực kể từ ngày 2/8/2019, theo đó chuyển Chi cục DS-KHHGĐ thành Phòng Dân số thuộc Sở Y tế. Ngày 21/8/2019, Bộ Y tế đã có công văn 4839/CV-BYT đề nghị UBND tỉnh Tây Ninh giữ nguyên Chi cục DS-KHHGĐ.

Tỉnh Bình Thuận, Phú Yên cũng đã xây dựng đề án chuyển Chi cục DS-KHHGĐ thành Phòng Dân số thuộc Sở Y tế. Sau khi Bộ Y tế có văn bản gửi UBND tỉnh và các Sở ngành có liên quan đề nghị giữ nguyên hệ thống tổ chức DS-KHHGĐ, đến nay 2 tỉnh trên đã dừng không xây dựng đề án sáp nhập và để Chi cục DS-KHHGĐ là đơn vị độc lập.

Theo các chuyên gia, việc đưa Chi cục DS-KHHGĐ thành một phòng của Sở Y tế là không đúng với Thông tư liên tịch số 51/2015 giữa Bộ Y tế – Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Y tế thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Do đó, trong thời gian tới, cần giữ nguyên Chi cục DS-KHHGĐ thuộc Sở Y tế theo Thông tư liên tịch số 51 trước khi có những quy định mới.

Khó khăn chồng chất

Cuối tháng 10 vừa qua, Đoàn công tác của Bộ Y tế do ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số làm Trưởng đoàn,đã có cuộc làm việc về nội dung kiểm tra, giám sát thực hiện Chương trình mục tiêu Y tế – Dân số từ năm 2016-2019 với 2 tỉnh Lâm Đồng và Đắk Nông.

Tại Lâm Đồng, ông Đinh Đức Thọ, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho hay, về định mức biên chế cấp chi cục, trước đây tỉnh có 18 biên chế, sau khi thực hiện lộ trình tinh giản biên chế, con số được giao cho Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Lâm Đồng là 15 công chức. Tuy nhiên hiện nay tỉnh chỉ mới có 13 công chức.

Lâm Đồng đã thực hiện việc sáp nhập Trung tâm DS-KHHGĐ tuyến huyện, thành phố, thị xã về Trung tâm Y tế cùng cấp, thành lập Phòng Kế hoạch – Nghiệp vụ dân số hoặc Phòng Dân số. Tuy nhiên, tỉnh Lâm Đồng chưa có quyết định hướng dẫn chức năng nhiệm vụ hoạt động, chưa thành lập Phòng Dân số như đại đa số các tỉnh, thành khác đã thực hiện. “Sáp nhập rồi, công tác giao ban chuyên môn, cập nhật số liệu thống kê chuyên ngành rất khó”, ông Thọ nói. Lâm Đồng có 2.516 cộng tác viên dân số, mức độ biến động hàng năm đội ngũ này lên tới 20-25%. Chính điều này đã gây ra nhiều khó khăn trong công tác, hàng năm tỉnh phải bố trí nguồn kinh phí lớn để đào tạo và đào tạo lại cho nhóm cộng tác viên mới.

Tại Đắk Nông, ThS.BS Nguyễn Xuân Lâm, Chi cục trưởng Chi cục Dân số tỉnh cho biết, chủ trương sáp nhập các đơn vị trong công tác y tế, dân số được tỉnh Đắk Nông thực hiện nghiêm túc. Tuy nhiên, qua theo dõi, giám sát từ công tác dân số lại nảy sinh một số vấn đề tồn tại, đặc biệt trong công tác tổ chức cán bộ. “Công tác dân số trong tình hình mới được khẳng định bao gồm nhiều vấn đề, nhưng với công tác cán bộ hiện nay, rất nhiều vấn đề tâm tư” – ông Lâm nói.

Tâm lý hoang mang, thiếu ổn định xảy ra ở các cấp từ Chi cục xuống cơ sở. Tại cấp Chi cục, trước đây có 12 biên chế thì hiện nay con số này chỉ còn 10 người. “Số lượng này không đủ để thành lập một đơn vị hành chính theo quy định. Nguy cơ không tồn tại Chi cục Dân số là rất cao”, ông Lâm nói. Cũng tại cấp Chi cục, vì không đủ biên chế để bố trí đơn vị cấp phòng nên rất khó khăn trong chỉ đạo công việc. Trước đây, trong Chi cục có 3 phòng chuyên môn thì nay, chỉ có lãnh đạo Chi cục Dân số và các chuyên viên, việc phân công nhiệm vụ gặp nhiều khó khăn.

Đối với cấp huyện, từ tháng 10/2018, 8/8 Trung tâm DS-KHHGĐ huyện, thị xã tại Đắk Nông đã sáp nhập về Trung tâm Y tế cùng cấp. Trong đó, có 7 đơn vị trở thành Khoa Dân số – Phát triển, 1 đơn vị thành lập Khoa Chăm sóc sức khoẻ sinh sản – Dân số (thị xã Gia Nghĩa). Theo Đề án đưa Trung tâm Dân số về Trung tâm Y tế của Sở Y tế, các đơn vị phải bố trí 5 cán bộ phụ trách công tác dân số nhưng thực tế trong số 8 khoa mới, hầu hết mới có 4 cán bộ làm công tác dân số, cá biệt có địa phương chỉ có 2 cán bộ. Thêm vào đó, trong số 4 cán bộ dân số tại các Khoa (Dân số – Phát triển hay Chăm sóc sức khoẻ sinh sản – Dân số), theo ông Lâm, nếu giữ nguyên nhân lực cũ thì tốt, còn nếu được điều chuyển từ nơi khác đến thì không phù hợp chuyên môn dân số vì họ chưa được đào tạo.

Ở tuyến xã, tại 71 trạm y tế xã, phường bố trí đủ cán bộ chuyên trách dân số. Trong số này, một ít xã điều chuyển cán bộ dân số sang nhiệm vụ khác, bố trí nhân lực mới chưa được đào tạo phụ trách công tác dân số xã thay thế. Ngoài ra, vì thuộc quản lý của Trạm Y tế xã, cán bộ dân số vừa phải trực chuyên môn từ 1-3 ngày/tuần, thời gian dành cho đi cơ sở bị hạn chế, vừa phải đảm nhiệm từ 2-6 chương trình y tế khác (tiêm chủng,…) tại trạm y tế xã.

Với cộng tác viên dân số thôn bản, ông Lâm chia sẻ thực tế, từ 1.126 cộng tác viên dân số thôn, bản của 71 xã, phường, thị trấn, đến nay chỉ còn 787 người. Hầu hết họ là nhân viên y tế thôn bản kiêm thêm công việc dân số với mức hỗ trợ hàng tháng là 70.000 đồng/người. Mức hỗ trợ này quá thấp nên họ không “mặn mà” với công tác dân số cơ sở.

Đề nghị các địa phương ổn định tổ chức bộ máy làm công tác dân số

Chia sẻ với những khó khăn trong công tác tổ chức cán bộ tại 2 tỉnh này, ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số nhấn mạnh, Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng ban hành (tháng 10/2017) đã chuyển hướng trọng tâm công tác dân số từ KHHGĐ sang dân số và phát triển. Nội dung công tác dân số không chỉ tập trung vào quy mô dân số như trước kia mà đã mở rộng ra cả cơ cấu, chất lượng, phân bố dân cư. Với những nhiệm vụ nặng nề như thế, nguồn nhân lực lại đứng trước những thách thức khi liên tục biến động, cắt giảm tại địa phương. Đây là bài toán khó đặt ra cho ngành Y tế, Dân số.

Vì thế, Tổng cục Dân số đề nghị Sở Y tế và các sở, ban, ngành liên quan tại các địa phương tiếp tục tạo điều kiện, hỗ trợ hơn nữa để ổn định tổ chức bộ máy, giữ vững phát huy thành quả đã đạt được. Tập trung hơn nữa vào công tác đào tạo, tập huấn, nâng cao trình độ cán bộ làm công tác dân số ở địa phương. Giữ nguyên tổ chức Chi cục DS-KHHGĐ thuộc Sở Y tế theo Thông tư liên tịch số 51/2015/TTLT-BYT-BNV ngày 11/12/2015 của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ về việc “Hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Y tế thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Phòng Y tế thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh” đến khi có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh lại.

Ngoài ra, Tổng cục Dân số cũng đề nghị 2 tỉnh Lâm Đồng và Đắk Nông tuyển dụng đủ số lượng cán bộ làm công tác DS-KHHGĐ theo vị trí việc làm đã được phê duyệt và tuyển dụng đủ biên chế đã được giao, đúng theo Thông tư của Bộ Y tế quy định. Đối với lực lượng cộng tác viên dân số, Tổng cục trưởng Nguyễn Doãn Tú dẫn lời Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam về việc các địa phương cần phải giữ vững đội ngũ này, bởi đây là lực lượng gần dân, bám dân nhất và là người trực tiếp triển khai tuyên truyền, vận động người dân thực hiện đường lối chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về dân số. (Gia đình & Xã hội, trang 1).

 

Chất lượng khám, chữa bệnh: Yếu tố quan trọng bảo đảm tỷ lệ bao phủ BHYT tăng cao

Năm 2009, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 38 về “Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới” (gọi tắt là Chỉ thị 38). Sau 10 năm, công tác này đạt nhiều kết quả khả quan, được ghi nhận.

10 năm, tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế tăng từ 46% lên gần 90%

Bảo hiểm y tế (BHYT) là một chính sách xã hội quan trọng, mang ý nghĩa nhân đạo và có tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc, được Đảng và Nhà nước ta hết sức coi trọng và luôn luôn đề cao trong hệ thống chính sách an sinh xã hội.

Chỉ thị 38 năm 2009 chỉ rõ, sau gần 17 năm hoạt động, số người tham gia BHYT đã tăng từ 5,6% dân số vào năm 1993 lên 46% dân số vào năm 2008. Đến tháng 10/2019, thông tin từ Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (BHXH Việt Nam) cho biết, cả nước đã có khoảng 85,2 triệu người tham gia, đạt tỷ lệ bao phủ 89,8% dân số.

Tỷ lệ này đã vượt gần 10% so với chỉ tiêu trong Nghị quyết 68 và vượt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1167/QÐ-TTg là 1,7% (Thủ tướng giao năm 2019 đạt tỷ lệ 88,1%). Trong đó, có 22 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ BHYT ước hơn 90% dân số; 12 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ từ 88,1 đến dưới 90% và 29 địa phương đạt tỷ lệ bao phủ BHYT dưới 88,1%. Người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi và các đối tượng chính sách xã hội đã được Nhà nước hỗ trợ toàn bộ mức đóng BHYT. Vụ Bảo hiểm Y tế (Bộ Y tế) cho biết, với kết quả này, mục tiêu đến năm 2020 có trên 90,7% dân số tham gia BHYT là hoàn toàn có khả năng thực hiện được và phấn đấu tới năm 2025 có trên 95% dân số có bảo hiểm y tế theo mục tiêu mà Nghị quyết 20-NQ/TW đã đề ra.…

Hiện nay còn gần 11% dân số (tương đương 10 triệu người) chưa tham gia BHYT. Nhóm chưa tham gia chủ yếu là đối tượng thuộc nhóm tham gia theo hộ gia đình, hộ gia đình làm nông lâm ngư nghiệp có mức sống trung bình, người lao động trong một số doanh nghiệp tư nhân và sinh viên.

Tổ chức tốt việc khám bệnh, chữa bệnh BHYT, quản lý tốt Quỹ BHYT

Đây là hai trong 6 nội dung quan trọng trong Chỉ thị số 38. Nhận định của Bộ Y tế qua theo dõi 10 năm thực hiện Chỉ thị 38 cho thấy nhìn chung, quyền lợi về khám chữa bệnh BHYT tương đối toàn diện và ngày càng được mở rộng. Danh mục thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật được sử dụng theo năng lực chuyên môn, tuyến chuyên môn kỹ thuật vừa để đảm bảo quyền lợi của người có thẻ khi đến cơ sở y tế, vừa là yêu cầu nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật của cơ sở y tế.

“Việc tiếp cận dịch vụ khám chữa bệnh của người tham gia BHYT ngày càng thuận lợi”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay. Từ năm 2015, đối tượng người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng khó khăn, người sống ở xã đảo, huyện đảo khi khám chữa bệnh trái tuyến tại tuyến tỉnh, tuyến Trung ương được hưởng đầy đủ quyền lợi. Từ năm 2016, người tham gia BHYT khi khám chữa bệnh trái tuyến tại các cơ sở tuyến, xã tuyến huyện trong tỉnh và bệnh viện tuyến huyện trên toàn quốc được hưởng quyền lợi như khám chữa bệnh đúng tuyến (thông tuyến huyện).

Cũng theo Bộ Y tế, từ năm 2009, mức đóng được tăng lên từ 3% lên 4,5%, quỹ BHYT đã có kết dư. Từ 2016, có điều chỉnh giá dịch vụ y tế, nhu cầu khám chữa bệnh tăng và các dịch vụ kỹ thuật mới, thuốc mới được quỹ bảo hiểm chi trả nhưng quỹ BHYT vẫn đảm bảo cân đối thu – chi do có nguồn kết dư và nguồn quỹ dự phòng. Dự kiến trong một vài năm tới chưa cần điều chỉnh mức đóng BHYT, do đó chưa tác động đến nguồn ngân sách Nhà nước, cũng như chưa tác động đến nguồn thu của các doanh nghiệp và người lao động.

Cùng với ngân sách Nhà nước dành cho y tế, BHYT đã tạo ra nguồn tài chính công quan trọng cho việc khám chữa bệnh. Nguồn chi từ quỹ BHYT đang trở thành nguồn thu chủ yếu của các bệnh viện, nhất là bệnh viện tuyến huyện (trên 80%).

Một trong những yếu tố bảo đảm cho tỷ lệ bao phủ BHYT tăng cao là chất lượng khám, chữa bệnh BHYT ngày càng được nâng cao, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh, nhất là tại y tế tuyến cơ sở. Bộ Y tế đã chỉ đạo triển khai hàng loạt các biện pháp đổi mới nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT; cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người bệnh. Đổi mới về mặt quan điểm lấy người bệnh làm trung tâm; đổi mới về quản lý, đổi mới về cách làm và đổi mới về phương pháp kiểm tra, đánh giá bệnh viện hàng năm.

Cụ thể, Bộ Y tế ban hành Chương trình Hành động Quốc gia nâng cao năng lực quản lý chất lượng khám chữa bệnh theo Quyết định số 4276/QĐ-BYT ngày 14/10/2015 nhằm triển khai tổng thể và đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện năm 2013 (thí điểm) và năm 2016 (chính thức) được Bộ Y tế ban hành, làm căn cứ cho các bệnh viện triển khai nhiều giải pháp, đề án nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ trên quan điểm lấy người bệnh làm trung tâm và từng bước cải thiện chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh. Các Đề án giảm tải, bác sĩ gia đình được triển khai. Tháng 8/2019, Bộ Y tế ban hành Thông tư hướng dẫn thí điểm hoạt động y học gia đình, mở rộng hành lang để bác sĩ, nhân lực y tế giỏi tham gia mạng lưới này, thu hút người dân có BHYT khám, chăm sóc sức khỏe từ cơ sở. Tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến Trung ương, tuyến cuối của Hà Nội, TP HCM cũng được cải thiện đáng kể, những chuyên khoa quá tải hàng đầu, như: Ung bướu, tim mạch, chấn thương chỉnh hình, sản, nhi… đều có xu hướng giảm. Tại Bệnh viện Bạch Mai có công suất sử dụng giường bệnh là 168% (năm 2011) giảm xuống còn 112% (năm 2018); Bệnh viện K có công suất sử dụng giường bệnh là 249% (năm 2011) còn 98% (năm 2018)… (Gia đình & Xã hội, trang 7).

 

Vẫn còn tâm lý nể nang khi đánh giá chất lượng bệnh viện

Ngày 5/11, tại TP Hồ Chí Minh Cục quản lý khám, chữa bệnh và Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế tổ chức hội nghị “Hướng dẫn kiểm tra, đánh giá chất lượng bệnh viện và khảo sát hài lòng người bệnh, nhân viên y tế năm 2019”.

Theo Cục quản lý khám chữa bệnh, năm 2018, điểm đánh giá chất lượng bệnh viện trên toàn quốc đã đạt trên mức 3. Xếp cao nhất là nhóm các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế với điểm trung bình đạt 3,85 điểm, thấp nhất là nhóm các bệnh viện tuyến quận/huyện đạt 2,98 điểm.

Kết quả khảo sát hài lòng người bệnh nội trú năm 2018 tại 1.290 đơn vị đạt 80,61%. Các bệnh viện tư nhân, bệnh viện tuyến Trung ương có tỷ lệ hài lòng người bệnh nội trú cao hơn so với các tuyến bệnh viện khác với tỷ lệ lần lượt là 89%, 87,02%. Bệnh viện bộ, ngành có tỷ lệ hài lòng người bệnh thấp nhất 70,26%.

Tuy nhiên, theo Phó Cục trưởng, Cục quản lý khám chữa bệnh Nguyễn Trọng Khoa, qua thực tiễn đánh giá chất lượng các bệnh viện những năm qua cho thấy có một số Sở Y tế thực hiện đánh giá chưa đạt đúng tiêu chí. Đánh giá chất lượng bệnh viện chỉ trong một buổi thì không thể đánh giá một cách nghiêm túc, khách quan hết 83 tiêu chí. Đặc biệt, vẫn còn tâm lý nể nang khi đánh giá, làm mất đi ý nghĩa của công tác đánh giá chất lượng.

Có 4 lỗi mà các bệnh viện có thể gặp phải khi tự kiểm tra đánh giá gồm: bệnh viện che giấu sai phạm; bệnh viện chưa thực hiện công việc hoặc không có sản phẩm, bằng chứng đã nêu trong các tiêu chí; bệnh viện hoặc đoàn đánh giá chưa nghiên cứu đầy đủ hoặc chưa tìm hiểu cặn kẽ yêu cầu của tiêu chí nhưng vẫn chấm là đạt; nhập số liệu bị thiếu, sai hoặc nhầm đơn vị. Cục quản lý Khám chữa bệnh sẽ tham mưu với Bộ Y tế để có cơ chế thực hiện đánh giá chất lượng khách quan thật sự và kết quả cuối cùng là sự hài lòng của người bệnh.

Nhằm hạn chế tối đa các sai lệch trong việc tự kiểm tra, đánh giá chất lượng bệnh viện Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị cần phải tuân thủ đánh giá theo Bộ tiêu chí gồm không che giấu những sai phạm nếu có; không bỏ qua những việc chưa làm được. Năm 2019, việc đánh giá chất lượng bệnh viện sẽ được kết hợp với kiểm tra việc triển khai thực hiện “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, xây dựng cơ sở y tế “Xanh – Sạch – Đẹp”, giảm thiểu chất thải nhựa, công khai tài chính, chất lượng bệnh viện, hướng tới sự hài lòng của người bệnh” năm 2019 do Vụ Tổ chức Cán bộ làm đầu mối. (Gia đình & Xã hội, trang 7).

 

Bát nháo phẫu thuật thẩm mỹ

Người giàu trí tưởng tượng nhất cũng khó ngờ rằng trong hoạt động dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ bát nháo hiện nay, một người không học hành gì, bỗng dưng biến thành “siêu sao”; bác sĩ chưa ra trường đã thành “giáo sư 25 năm kinh nghiệm ở nước ngoài”…

Chiều 7.11, Sở Y tế TP.HCM tổ chức hội nghị quản lý nhà nước về dịch vụ thẩm mỹ (DVTM) trên địa bàn TP. Hội nghị có sự tham dự của đại diện Sở LĐ-TB-XH, Sở TT-TT, đại diện Công an TP, UBND và phòng y tế 24 quận huyện, các bệnh viện thẩm mỹ (TM), phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ (PTTM), một số cơ sở DVTM trên địa bàn…

“Moi tiền” bằng mọi cách

Tại hội nghị, PGS-TS Lê Hành, Chủ tịch Hội PTTM TP.HCM và VN, cho rằng bác sĩ (BS) TM là những người chữa bệnh, làm lành những tổn thương tâm lý cho bệnh nhân (BN). Nhưng ông băn khoăn, hiện nay BS TM không gắn với BN mà còn xem nhẹ BN; thời gian gặp BN ít. “BS TM chỉ hỏi BN làm cái gì, giá cả bao nhiêu và đưa vào phòng mổ. BS phải xem BN như một khách hàng để phục vụ, đừng xem BN là “món hàng” để tìm mọi cách moi móc, tìm mọi cách lấy lời… Thật sự là BS TM làm để kiếm tiền nhiều hơn!”, PGS-TS Lê Hành nói, đồng thời đưa ra cảnh báo: “Nếu không kiểm soát được quảng cáo thì “thị trường TM” sẽ loạn”.

“Một người không học hành gì bỗng nhiên quảng cáo trở thành siêu sao; thành giảng viên đào tạo… BS mới ra trường, hoặc chưa ra trường nhưng ra ngoài đã trở thành “giáo sư 25 năm kinh nghiệm ở nước ngoài”. Thật kinh khủng và thật sự nguy hiểm cho tôn ti, trật tự ngành y, cho người hành nghề chân chính”, PGS-TS Lê Hành nói và đề nghị ngành y tế phải siết lại, không phải “mở bệnh viện ra là ai vào mổ cái gì cũng được”.

Bác sĩ thẩm mỹ liên kết… mổ “dạo”, mổ “chui”

Về tình hình sai phạm của các cơ sở DVTM, theo BS Nguyễn Văn Nguyên, Trưởng phòng Y tế Q.10, quá trình kiểm tra cơ sở DVTM trên địa bàn đã phát hiện nhiều sai phạm – nhiều nhất là tiêm chất làm đầy (filler), nhấn mí, cắt mí, truyền chất làm trắng… Một số cơ sở cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh không phép; quảng cáo không đúng quy định; kinh doanh mỹ phẩm không nguồn gốc xuất xứ và hết hạn dùng. Các cơ sở chăm sóc da thực hiện dịch vụ xâm lấn trá hình; liên kết các BS chạy “sô”, mổ “dạo”, mổ “chui”; đăng quảng cáo trên mạng không có giấy phép…

Mặt khác, theo BS Nguyên, việc xử phạt hành vi khám chữa bệnh của các cơ sở này rất khó xác lập, do cơ sở không thừa nhận hành vi, hủy chứng cứ vi phạm, không tiết lộ thông tin BS; một số chủ cơ sở né tránh đoàn kiểm tra, nhân viên thì đối phó. Thậm chí, có cơ sở DVTM còn gắn camera “theo dõi” đoàn kiểm tra, nên khi thanh tra đến thì không phát hiện sự việc trước đó vì các thủ thuật, kỹ thuật chỉ mất chừng 15 – 20 phút là xong.

Nghiêm cấm bệnh viện cho thuê phòng mổ

Theo BS Nguyễn Thị Thoa, Phó phòng Nghiệp vụ y Sở Y tế TP, hiện DVTM có 2 loại hình. Loại hình có giấy phép hoạt động gồm 15 bệnh viện TM, 10 phòng khám TM trong các bệnh viện đa khoa (được phép phẫu thuật gây mê); 186 phòng khám chuyên khoa TM (được phép thủ thuật gây tê, dùng thuốc). Loại hình DVTM (spa, thẩm mỹ viện) không cần giấy phép hoạt động nhưng phải có báo cáo điều kiện hoạt động cho Sở Y tế, ước tính có 1.398 cơ sở. Tuy nhiên, cho đến nay mới chỉ có 8 cơ sở báo cáo với Sở. 9 tháng năm 2019, số lượt đến bệnh viện TM là 33.942 ca, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2018.

“BS TM không quan tâm đến thủ tục hành chính, như không tường trình phẫu thuật, cam kết của người bệnh, không thể hiện tư vấn, không thể hiện khám tiền gây mê. Nhiều BS nói sau mổ cứ 40 phút khám/lần nhưng hồ sơ bệnh án thể hiện 5 tiếng đồng hồ không khám lại BN. Việc không tuân thủ quy trình, quy định dẫn đến khi xảy ra sự cố thì bệnh viện, BS rối hết lên vì không biết phải làm gì”, BS Thoa nói.

Còn theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP, các sự cố liên quan đến PTTM thời gian qua đều có vấn đề trong gây mê hồi sức. Lãnh đạo Sở Y tế yêu cầu các bệnh viện TM sử dụng người hành nghề phải có chứng chỉ hành nghề phù hợp, có văn bản phân công; có giấy cho phép của bệnh viện nơi BS công tác. Đặc biệt, BS TM không được cho mượn chứng chỉ hành nghề; bệnh viện TM không được cho thuê phòng mổ. Nếu cho người khác sử dụng phòng mổ, khi sự cố y khoa xảy ra, giám đốc bệnh viện phải chịu trách nhiệm. “Một sự cố y khoa xảy ra thì lỗi cá nhân chỉ 30%, còn bệnh viện là 70%”, PGS-TS Tăng Chí Thượng nói.

Về giải pháp quản lý, theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, quan trọng nhất là thêm kênh phản ánh từ người dân; đồng thời các cơ quan quản lý nhà nước cần phản ứng nhanh; áp dụng công nghệ (người dân chụp hình gửi qua ứng dụng cho Sở Y tế để Sở báo cho Phòng y tế xuống ngay hiện trường). Nếu sự việc có tính phức tạp, Sở Y tế cần sự phối hợp của Công an TP.

“Sở Y tế cũng đã công khai bệnh viện TM, phòng khám TM về điểm chất lượng và sự cố y khoa, xử phạt trên cổng thông tin điện tử Sở Y tế để người dân lựa chọn”, PGS-TS Tăng Chí Thượng cho biết. Nhưng theo PGS-TS Thượng, vấn đề nhức nhối hiện nay là hành nghề không phép và quảng cáo sai sự thật trên mạng. Sở Y tế sẽ kiến nghị khi sửa luật Khám bệnh, chữa bệnh, theo hướng cần tăng mức xử phạt để mang tính răn đe hơn; cần có sự phối hợp liên ngành để kiểm tra, xử lý sai phạm.

Kỹ thuật y khoa được thực hiện ở… tiệm tạp hóa, tiệm hớt tóc

Theo báo cáo của Sở Y tế TP, hiện nay việc thực hiện các kỹ thuật “xâm lấn vào da” trong y khoa còn được thực hiện ở cả các tiệm tạp hóa, tiệm hớt tóc, khu chung cư. Bên cạnh đó, các nơi này còn sử dụng thiết bị y tế không rõ nguồn gốc, chỉ định kê toa cho khách hàng thuốc giảm cân… Về phía khách hàng, một số người dân thấy rẻ, đơn giản là làm, không quan tâm đến yếu tố an toàn. “Việc thực hiện kỹ thuật xâm lấn tại các cơ sở không phép có thể bị lây nhiễm viêm gan B, C, HIV, thậm chí có thể tử vong”, Sở Y tế khuyến cáo. (Thanh niên, trang 5).

Cùng chủ đề Báo Tuổi trẻ, trang 14: “Siết dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ”.

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 05/4/2022

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 02/12/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 24/12/2020

CDC Hà Nam

Để lại bình luận