Điểm báo ngày 16/3/2022

(CDC Hà Nam)
Gia hạn thanh tra mua sắm trang thiết bị y tế, kit xét nghiệm; Không để chậm trễ tiêm vaccine cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi; Nguy hiểm khi tự chữa Covid-19; Những dấu hiệu cần đi khám hậu COVID-19; Số ca Covid-19 giảm dần, Hà Nội bình thường hóa nhiều hoạt động

Gia hạn thanh tra mua sắm trang thiết bị y tế, kit xét nghiệm

Ngày 15/3, thông tin từ Thanh tra tỉnh Quảng Trị cho biết, Chánh thanh tra tỉnh Quảng Trị Nguyễn Trí Kiên đã ra quyết định gia hạn thời gian thanh tra theo quyết định số 69/QĐ-TTr ngày 24/1 của Chánh thanh tra tỉnh về thanh tra chuyên đề mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vắc xin, thuốc phòng chống dịch COVID-19. Thời gian gia hạn là 30 ngày làm việc, bắt đầu từ ngày 17/3.

Trước đó vào ngày 27/1, tại Sở Y tế Quảng Trị, Thanh tra tỉnh Quảng Trị đã công bố quyết định thanh tra chuyên đề nêu trên.

Theo Giám đốc Sở Y tế Quảng Trị Đỗ Văn Hùng, việc thanh tra không phải là đột xuất, mà mọi năm vẫn diễn ra. Sau khi công bố quyết định thanh tra, các đơn vị liên quan sẽ giao sổ sách, tài liệu liên quan để Thanh tra tỉnh Quảng Trị kiểm tra về quy trình mua sắm…

Trước đó, báo Tiền Phong thông tin, quá trình phòng chống dịch COVID-19, CDC Quảng Trị và Sở Y tế Quảng Trị đã dùng ngân sách mua hơn 30 tỷ đồng mua kit xét nghiệm COVID-19 Công ty cổ phần Công nghệ (Cty) Việt Á tại Công ty Cổ phần thiết bị Y tế và Dược phẩm tỉnh Thừa Thiên-Huế (thực chất đây là một chi nhánh của Cty Việt Á). Trong đó, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Trị mua hơn 14,4 tỷ đồng. Sở Y tế Quảng Trị mua gần 16 tỷ đồng. Việc mua các gói thầu kit test theo hình thức chỉ định thầu rút gọn.

Quá trình mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ phòng chống dịch COVID-19, Sở Y tế Quảng Trị cho hay đã tham khảo giá từ các gói thầu đăng tải trên trang công khai giá của Bộ Y tế, các hợp đồng tương tự, 3 báo giá của các nhà cung cấp, văn bản của Bộ Y tế và chứng thư thẩm định giá của cơ quan thẩm định giá của Bộ Tài chính (đóng tại TP Đà Nẵng) cấp phép (Tiền phong, trang 11).

 

Không để chậm trễ tiêm vaccine cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Y tế tập trung chỉ đạo các tỉnh, thành thần tốc hơn nữa trong công tác tiêm chủng vaccine mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên và dứt khoát không để chậm trễ việc mua, tổ chức tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Bộ Y tế phải theo dõi sát tình hình, khuyến nghị, kinh nghiệm quốc tế việc tiêm mũi 4 như Thủ tướng đã chỉ đạo tại nhiều phiên họp, sự kiện để sớm chủ động xử lý, báo cáo Thủ tướng các vấn đề vượt thẩm quyền. Nếu thiếu vaccine để xảy ra hậu quả, Bộ trưởng Bộ Y tế phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ và Thủ tướng.

Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã có cuộc trao đổi với báo chí về một số nội dung liên quan đến công tác tiêm vaccine Covid-19 tại Việt Nam sau khi cả nước đã vượt mốc 200 triệu mũi tiêm vaccine các loại. 

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 của Việt Nam đã thành công với nhiều bài học quý báu. Trong đó, nổi bật nhất là cách tiếp cận đa nguồn đối với các loại vaccine được Tổ chức Y tế thế giới phê duyệt. Cùng với đó là sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và Thủ tướng rất kịp thời, quyết liệt trong việc tổ chức tiếp cận vaccine, tổ chức chiến dịch tiêm vaccine. Kết quả tiêm vaccine Covid-19 đã đóng vai trò rất quan trọng đối với việc giảm tiến triển nặng của các ca bệnh. Khi mở cửa, chúng ta chuyển phương thức quản lý rủi ro và quản lý yếu tố tăng nặng của bệnh nhân thay cho phương thức quản lý ca bệnh như trước. Hệ thống y tế được tăng cường năng lực, có thể kiểm soát tốt tình hình dịch, kiểm soát tốt nguy cơ và tỷ lệ tử vong với người mắc Covid-19.

Bộ Y tế đang lập kế hoạch, lên phương án tiêm vaccine cả về nhân lực, cơ sở hạ tầng để sẵn sàng tiêm cho trẻ 5-11 tuổi và phương án tiêm mũi thứ 4 đối với người có bệnh nền và một số đối tượng cần bảo vệ (Sài Gòn giải phóng, trang 7).

 

Nguy hiểm khi tự chữa Covid-19

Nhiều người nhiễm Covid-19 nhưng không khai báo y tế hoặc gọi điện cho bác sĩ để được hướng dẫn, chỉ định điều trị, mà tự uống thuốc theo đơn thuốc truyền miệng và theo toa thuốc trên mạng xã hội… Việc này, bác sĩ khuyến cáo là rất nguy hiểm.

Nhập viện cấp cứu do tự dùng thuốc điều trị Covid-19

Thông tin từ Bệnh viện (BV) Trẻ em Hải Phòng cho biết, vừa qua nơi này tiếp nhận, điều trị một số bệnh nhi bị biến chứng thủng dạ dày nghi do tự dùng thuốc điều trị Covid-19 sai cách. Cụ thể, ngày 22.2 bệnh nhi D. (10 tuổi, ở H.Tiên Lãng, TP.Hải Phòng) được gia đình đưa vào BV trong tình trạng bụng chướng cứng như gỗ, đau khắp ổ bụng. Bác sĩ (BS) xác định bệnh nhi bị thủng dạ dày, phải phẫu thuật nội soi, xử trí song song điều trị Covid-19 cho bé.

Cùng ngày, một bệnh nhi 5 tuổi mắc Covid-19 ở An Biên, Q.Lê Chân, TP.Hải Phòng được đưa vào BV này trong tình trạng nôn sốt, đau bụng. BS xác định bé bị viêm phúc mạc do thủng dạ dày, phải phẫu thuật điều trị. Theo BS Nguyễn Minh Hải, Khoa Ngoại tổng hợp, BV Trẻ em Hải Phòng, gia đình 2 bệnh nhi trên cho biết, khi phát hiện bé bị sổ mũi, ho và test nhanh dương tính Covid-19, gia đình tự ra hiệu thuốc mua thuốc cho con uống. BS Hải cho rằng việc 2 bệnh nhi bị biến chứng nói trên rất có thể là do dùng thuốc không đúng cách khi điều trị Covid-19 tại nhà. Trường hợp khác là người lớn ở Hải Phòng cũng tự ý dùng thuốc chữa Covid-19 rồi bị biến chứng. Anh N.T (ở Q.Hồng Bàng, TP.Hải Phòng) cho hay: “Vợ tôi bị Covid-19 nhẹ, không có triệu chứng nhưng sau khi tự mua một loại thuốc của Trung Quốc về uống đã phải nhập viện cấp cứu vì gặp phải vấn đề về gan do dùng thuốc quá liều”. Theo TS-BS Nguyễn Quang Chính, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hải Phòng, nhiều F0 không có triệu chứng, không có chỉ định nhưng vẫn sử dụng thuốc kháng vi rút. “Tác dụng phụ của thuốc đã được nhà sản xuất khuyến cáo là nguy cơ gây đột biến dòng tế bào sinh sản, do vậy thuốc Molnupiravir không dùng cho phụ nữ mang thai hoặc nguời có ý định mang thai, sinh con. Lạm dụng Molnupiravir có thể dẫn đến ngộ độc gan, suy gan…”, TS-BS Chính khuyến cáo.

Theo TS-BS Chính, nhiều loại thuốc điều trị Covid-19 có tác dụng phụ nếu dùng bừa bãi, không kiểm soát. Trong đó, có hai loại thuốc chống đông, chống viêm. “Việc sử dụng 2 loại thuốc này đúng thời điểm theo sự chỉ dẫn của cán bộ y tế sẽ mang lại hiệu quả trong quá trình điều trị. Tuy nhiên, tác dụng phụ của thuốc chống đông là gây chảy máu. Có một số bệnh nhân (BN) khi vào viện, BS không bắt được mạch, tụt huyết áp do sốc mất máu vì tự ý dùng thuốc chống đông máu điều trị Covid-19 tại nhà. Kể cả việc sử dụng kháng sinh chống bội nhiễm, chỉ khi thực sự cần, có nhiễm trùng bội nhiễm, BS mới chỉ định dùng, chứ chúng ta không dùng dự phòng, dùng tràn lan, gây kháng kháng sinh”, ông Chính khuyến cáo.

Loạn cách điều trị lan truyền trên mạng

Trên nhóm “Điều trị F0 tại nhà” trên Facebook với hơn 13.000 thành viên có các bài đăng đơn thuốc cho F0 đang cách ly tại nhà. Cụ thể, hôm qua (15.3) vào nhóm này, chúng tôi thấy tài khoản N.T đăng tải một đơn thuốc kèm nội dung: “Chào mọi người, em mới bị F0 hôm qua. Triệu chứng là sổ mũi, nghẹt mũi và đau họng nhẹ. Em uống thuốc theo toa này được không mọi người”. Kèm theo đó ghi số điện thoại dược sĩ tư vấn. Chúng tôi gọi vào số điện thoại này, một người xưng là dược sĩ C., tư vấn và bán thuốc. Người này cho biết, đơn thuốc này có kháng sinh, kháng viêm, được sử dụng cho người mới nhiễm Covid-19 và có triệu chứng…

Một tài khoản khác có tên “Điều trị F0” cũng đăng tải thông tin với nội dung: “Quan trọng, phác đồ mới thuốc của Nga, các bác sĩ VN phối lại”, kèm theo là các loại thuốc ức chế vi rút, chống đông máu… Liên hệ với chủ tài khoản, chúng tôi được người này hỏi sơ qua triệu chứng bệnh và được tư vấn bán các loại thuốc của Nga, và bảo rằng “tuy giá mắc nhưng trị dứt điểm được bệnh”. Người này chỉ bán theo từng hộp thuốc, không bán lẻ. Một liệu trình gồm 5 ngày hoặc 10 ngày, người bệnh có triệu chứng gì sẽ uống thuốc trị triệu chứng đó. Giá một liệu trình 5 ngày thuốc là gần 1,5 triệu đồng, với cam kết uống 5 ngày là hết dứt điểm (?).

Ngoài ra, nhiều người còn truyền nhau dùng thuốc trị giun (Ivermectin) để dự phòng và điều trị Covid-19 vì cho rằng có hiệu quả. Về việc này, đại diện Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cảnh báo có thể gây nguy hiểm. Theo HCDC, hiện không có bằng chứng về hiệu quả của việc sử dụng thuốc này trong điều trị Covid-19. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo thuốc Ivermectin chỉ được sử dụng trong các thử nghiệm lâm sàng. Mặt khác, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cũng không cho phép hoặc phê duyệt Ivermectin để sử dụng ngăn ngừa hoặc điều trị Covid-19. FDA cảnh báo dùng quá liều Ivermectin có thể gây hạ huyết áp, co giật, hôn mê, thậm chí tử vong. Theo HCDC, CDC Mỹ cảnh báo nguy hiểm liên quan đến việc sử dụng các sản phẩm có chứa Ivermectin để ngăn ngừa hoặc điều trị Covid-19. Có BN sử dụng thuốc Ivermectin phòng ngừa nhiễm Covid-19 đã bị biến chứng (lú lẫn, buồn ngủ, ảo giác..); có BN tâm thần thay đổi sau khi uống thuốc này không rõ liều lượng…

Hôm qua 15.3, một BS là phó trưởng khoa điều trị tích cực của một BV đầu ngành thuộc Bộ Y tế tại Hà Nội, chia sẻ: “Trong quá trình tư vấn hỗ trợ các BN Covid-19, tôi đã gặp nhiều trường hợp mua thực phẩm chức năng (TPCN) để ngăn ngừa, “điều trị Covid-19” và hậu Covid-19. Trung bình chi phí mua TPCN là một vài triệu đồng nhưng có trường hợp chi đến 11 triệu đồng. Hiện nhiều thông tin quảng cáo, truyền miệng về các sản phẩm thực phẩm “trị Covid-19” và hậu Covid-19 khiến thông tin bị nhiễu. Những chi phí này lãng phí và nhiều sản phẩm không nhất thiết phải sử dụng”.

PGS-TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), cho hay tình trạng quảng cáo sai sự thật, quảng cáo TPCN bảo vệ sức khỏe có tác dụng như thuốc chữa bệnh, gây hiểu lầm với thuốc chữa bệnh; trong thời điểm dịch Covid-19 có rất nhiều sản phẩm được quảng cáo có tác dụng hướng đến ngăn ngừa huyết khối, điều trị về hô hấp (ho, bổ phổi…), tăng cường miễn dịch, nhiều sản phẩm được quảng cáo không đúng với nội dung đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép…

Rất nguy hiểm

Theo TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, có tình trạng BN tự ý mua thuốc điều trị Covid-19 và truyền nhau “toa thuốc hay lắm”! Đa số các toa thuốc này đều liên quan đến nhóm thuốc kháng viêm (corticoid) và thuốc kháng đông, thuốc kháng sinh, kháng vi rút… Rất nhiều người khi chưa có kết quả xét nghiệm dương tính đã lập tức mang toa thuốc ra nhà thuốc mua các thuốc này uống, rất nguy hiểm!

Theo TS-BS Vĩnh Châu, trong 3 – 5 ngày đầu nhiễm Covid-19 là giai đoạn cơ thể đề kháng để ngăn chặn sự nhân lên của vi rút. Giai đoạn này thuốc có hiệu quả nhất là thuốc điều trị triệu chứng như hạ sốt (nếu có sốt), nhóm thuốc bồi bổ cơ thể như vitamin…, và thuốc kháng vi rút (Molnupiravir) là thuốc ưu tiên nếu được sử dụng để ngăn chặn sự nhân lên của vi rút trong cơ thể người bệnh, làm nhẹ triệu chứng và ngăn chặn diễn tiến nặng. Trong giai đoạn đầu, tuyệt đối không sử dụng nhóm thuốc kháng viêm vì loại thuốc này làm ức chế phản ứng viêm trong cơ thể, làm giảm hệ thống miễn dịch và giúp cho vi rút phát triển nhanh. Trong 5 ngày đầu mà sử dụng thuốc kháng viêm, lại phối hợp với thuốc kháng vi rút là không đúng, và thuốc kháng vi rút sẽ không hiệu quả, BN có thể diễn tiến nặng hơn, gây biến chứng nguy hiểm. Nhóm thuốc kháng viêm còn gây tác dụng phụ ở người bị loét dạ dày, tá tràng vì nguy cơ xuất huyết tiêu hóa. Với nhóm thuốc kháng đông, trong giai đoạn đầu của bệnh uống cũng không có giá trị gì, vì đây là giai đoạn nhiễm vi rút cấp tính, vi rút đang tăng lên. Cơ thể BN lúc này chưa có rối loạn bất thường nào liên quan đông máu.

“Thuốc kháng viêm và kháng đông chỉ được sử dụng ở giai đoạn 2 (từ ngày 7 trở đi), tức BN có tổn thương do Covid-19 gây ra trong cơ thể, gồm: suy hô hấp và biểu hiện rối loạn đông máu. Và chỉ sử dụng sau khi BS thăm khám, quyết định và được theo dõi chặt chẽ của nhân viên y tế, bởi thuốc kháng đông có thể gây xuất huyết dữ dội, ảnh hưởng đến tính mạng. Từ sau 7 ngày, thuốc kháng vi rút uống không còn hiệu quả vì vi rút đã nhân lên nhiều”, TS-BS Vĩnh Châu khuyến cáo.

TS-BS Vĩnh Châu cho biết thêm, nhóm thuốc được sử dụng nhiều trên các toa thuốc được lan truyền trên mạng xã hội còn là kháng sinh. TS-BS Châu nhấn mạnh, nhiễm Covid-19 là nhiễm vi rút, do đó trong giai đoạn đầu của Covid-19, BN hoàn toàn không bị nhiễm vi trùng, nên việc sử dụng kháng sinh ngay từ đầu là không cần thiết mà còn gây hại: dị ứng, nổi mề đay, ngứa, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa; gây kháng thuốc…

BS Nguyễn Thu Hường, Trưởng khoa Bệnh nghề nghiệp, BV Thanh Nhàn (Hà Nội), lưu ý nếu BN ho nhiều, bất kỳ triệu chứng gì cũng cần gặp BS thăm khám và chỉ định, không nên tự ý mua kháng sinh. Vì kháng sinh là con dao hai lưỡi, nếu cơ thể không nhiễm trùng thì kháng sinh không mang lại hiệu quả điều trị, thậm chí gây tổn thương gan, thận, làm bệnh nặng nề hơn trong quá trình hậu Covid-19 (Thanh niên, trang 2).

 

Những dấu hiệu cần đi khám hậu COVID-19

Nhiều bệnh nhân sau nhiễm COVID-19 mặc dù được xác định là khỏi bệnh nhưng các triệu chứng vẫn còn tồn tại dai dẳng, thậm chí xuất hiện các triệu chứng mới liên quan hậu COVID-19. Những ngày này, nhiều bệnh viện tại Hà Nội tiếp nhận hàng trăm bệnh nhân đến khám di chứng COVID-19 mỗi ngày.

Anh Nguyễn Hải A. (36 tuổi, Hà Nội) nhiễm COVID-19 từ 12/1 và được xác định khỏi sau đó 10 ngày. Trong giai đoạn nhiễm COVID -19 cấp, bệnh nhân chỉ có biểu hiện nhẹ là chảy dịch mũi và đau mỏi người. Sau nhiễm COVID gần 1 tháng, anh A. xuất hiện hụt hơi khi nói câu dài và cảm thấy khó thở khi đi lại nhanh. Tại Phòng khám chuyên khoa Hô hấp (Bệnh viện Bạch Mai) qua thăm khám, chụp phim và đánh giá chức năng hô hấp, bệnh nhân được chẩn đoán tổn thương phổi kẽ, khả năng liên quan đến COVID-19 có rối loạn thông khí hạn chế. Ngoài việc được kê thuốc điều trị, anh A. được bác sĩ hướng dẫn tập thở và vận động để phục hồi chức năng hô hấp, thể lực.

Tại Phòng khám chuyên khoa Hô hấp nhiều bệnh nhân sau khi khỏi COVID-19 có các triệu chứng kéo dài vài tuần tới vài tháng, một số trường hợp để lại di chứng nặng nề. Các triệu chứng hay gặp sau nhiễm COVID-19 biểu hiện ở đa cơ quan, trong đó các biểu hiện về hô hấp là phổ biến. Một số nghiên cứu cho thấy: ho khan kéo dài, hụt hơi, khó thở là những triệu chứng dai dẳng và phổ biến, gặp từ 42 – 66% trong vòng 3 tháng sau nhiễm COVID -19. Ngoài ra, sau giai đoạn COVID-19 cấp tính thì 25% số bệnh nhân giảm hoạt động thể lực bằng việc khoảng cách đi bộ 6 phút thấp hơn giá trị tham chiếu bình thường.

Thống kê cho thấy 50-60% bệnh nhân sau nhiễm COVID-19 với triệu chứng hô hấp kéo dài đến khám được chụp Xquang hoặc chụp cắt lớp vi tính lồng ngực thấy có tổn thương. Những bất thường này có thể bị bỏ sót trên phim Xquang ngực thẳng thông thường.

Bác sĩ Nguyễn Thu Hường, Phụ trách đơn nguyên COVID-19 (Bệnh viện Thanh Nhàn – Hà Nội), cho biết trung bình có hơn 100 bệnh nhân khám hậu COVID-19 mỗi ngày. Gần đây, bệnh viện đã tiếp nhận những trường hợp hậu COVID-19 có những triệu chứng nặng. Các triệu chứng hậu COVID-19 chủ yếu là khó thở, hụt hơi, mất ngủ, khó tập trung, bệnh nhân rối loại tiêu hóa. Đối tượng thường gặp là người già, có bệnh lí nền. Cá biệt có trường hợp bệnh nhân trẻ suy hô hấp rất nặng hoặc có người phải vào điều trị hậu COVID-19 lần thứ ba.

“Khi tiếp nhận bệnh nhân hậu COVID-19 chúng tôi nhận thấy ở biến chủng Detal, bệnh nhân mắc các triệu chứng rất nặng nhưng hậu COVID-19 không rõ ràng. Tuy nhiên, người nhiễm biến thể Omicron có triệu chứng nhẹ nhưng hậu COVID-19 lại nặng nề hơn”, bác sĩ Hường nói.

Bác sĩ này lưu ý thêm: “Sau khi bệnh nhân COVID-19 xuất viện, chúng tôi cần căn cứ vào việc dùng thuốc của F0 sau điều trị để có cách xử trí phù hợp. Ngoài ra, những người có bệnh lí nền sau khi khỏi COVID-19 cần tới tái khám trong một tuần đầu tiên, để được xét nghiệm và tiên lượng, qua đó can thiệp sớm nếu cần thiết”.

Theo dõi triệu chứng bất thường và dự phòng di chứng

PGS.TS Phan Thu Phương, Giám đốc Trung tâm Hô hấp cho biết: “Hội chứng COVID-19 kéo dài” hay “Hội chứng hậu COVID-19” biểu hiện đa dạng và có thể gặp các triệu chứng ở nhiều cơ quan. Ngoài các triệu chứng hô hấp như ho khan kéo dài, ho khạc đờm, đau họng, hụt hơi, khó thở, đau tức ngực thì người bệnh có thể có biểu hiện về tiêu hóa như buồn nôn, nôn, đau thượng vị, rối loạn tiêu hóa; về sức khỏe tâm thần có thể thấy mệt mỏi kéo dài, rối loạn giấc ngủ, mất ngủ, lo lắng, giảm tập trung, rối loạn cảm xúc; biểu hiện về thần kinh gồm đau đầu, chóng mặt, mất vị giác, mất khứu giác, giảm trí nhớ (sương mù não), … Các nhóm triệu chứng bất thường theo chuyên khoa cần được thăm khám và đánh giá về mức độ, đồng thời cần loại trừ các nguyên nhân gây bệnh khác, trước khi kết luận thuộc hội chứng hậu COVID. Bác sĩ Phương lưu ý: “Đối với người trẻ không có triệu chứng khi nhiễm bệnh vẫn có thể mắc hội chứng hậu COVID-19 nên không được chủ quan”.

PGS.TS. Phan Thu Phương khuyến cáo, để dự phòng di chứng hậu COVID-19, việc quan trọng đầu tiên là tiêm vắc xin. Thứ hai, khi không may nhiễm bệnh cần tuân thủ khai báo y tế tại địa phương để được quản lí và phân tầng với các mức độ từ không triệu chứng đến mức độ nhẹ, trung bình và nặng. Ngoài ra, người bệnh theo dõi sức khỏe nếu phát hiện bất cứ một trong các dấu hiệu như khó thở, thở hụt hơi, hoặc ở trẻ em có dấu hiệu thở bất thường: thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, khò khè, thở rít; nhịp thở ở người lớn ≥ 20 lần/phút; SpO2 ≤ 96%; mạch nhanh > 120 nhịp/phút hoặc < 50 nhịp/phút; huyết áp thấp: huyết áp tối đa < 90 mmHg, huyết áp tối thiểu < 60 mmHg (nếu có thể đo); đau tức ngực thường xuyên, cảm giác bó thắt ngực, đau tăng khi hít sâu; thay đổi ý thức: lú lẫn, ngủ rũ, lơ mơ, rất mệt/mệt lả… phải thông báo ngay với cơ sở quản lí người mắc COVID-19 tại nhà; trạm y tế xã, phường; hoặc trạm y tế lưu động, Trung tâm vận chuyển cấp cứu… để được xử trí cấp cứu và chuyển viện kịp thời. Thứ ba, khi có bất kì bất thường nào về sức khỏe sau khi nhiễm COVID-19, người bệnh nên đến cơ sở y tế để thăm khám hoặc liên hệ nhân viên y tế để được hỗ trợ tư vấn, nhằm phát hiện sớm các di chứng, biến chứng, bệnh lí mắc phải để điều trị kịp thời, hiệu quả (Tiền phong, trang 13).

 

Số ca Covid-19 giảm dần, Hà Nội bình thường hóa nhiều hoạt động

Từ ngày 12.3 tới nay, số ca Covid-19 mắc mới trong ngày tại Hà Nội đang giảm dần, dù vẫn cao nhất cả nước.

Theo đó, ngày 12.3 Hà Nội ghi nhận 30.693 ca mắc mới, ngày 13.3 có 29.269 ca. Hôm qua (15.3), Sở Y tế Hà Nội cho biết số mắc mới là 26.708 ca. Cộng dồn số ca mắc Covid-19 tại Hà Nội trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 29.4.2021 đến nay) là 866.099 ca.

Cùng với việc số ca đang giảm, UBND TP.Hà Nội đã nới lỏng một số hoạt động dịch vụ. Trong công điện gửi các quận, huyện chiều qua, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh cho phép nhà hàng, quán ăn uống được phép hoạt động sau 21 giờ. Sở Du lịch, Sở VH-TT và các đơn vị liên quan được giao xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai các hoạt động du lịch bảo đảm an toàn, hiệu quả, thuận lợi cho khách du lịch. Ngoài ra, UBND Q.Hoàn Kiếm cũng thông báo sẽ mở lại hoạt động phố đi bộ Hoàn Kiếm từ ngày 18.3, sau gần 1 năm tạm dừng (Thanh niên, trang 4; Hà Nội mới, trang 7).

 

Nhiều người F0 vẫn ra đường, đi lại khắp nơi, xử sao?
Bộ Y tế quy định người mắc COVID-19 (F0) cần hạn chế tối đa ra khỏi phòng cách ly, không được ra khỏi nhà. Tuy nhiên, một số trường hợp người F0 vẫn tự ý ra khỏi nhà, xử lý ra sao?

Ghi nhận tại TP.HCM, nhiều F0 vẫn ra đường như đi khám bệnh, đi mua thuốc…

Luật truyền nhiễm vẫn có hiệu lực

Các chuyên gia y tế cho rằng dịch COVID-19 vẫn đang là bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A đặc biệt nguy hiểm, số ca nhiễm những ngày qua tăng vọt, quy định người F0 vẫn phải cách ly là phù hợp.

Và dựa theo Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007; Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 và đề nghị của cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), Bộ Y tế có quyết định “Hướng dẫn quản lý tại nhà đối với người mắc COVID-19”, nêu rõ “người mắc COVID-19 cần hạn chế tối đa ra khỏi phòng cách ly, nhưng không được ra khỏi nhà. Khi ra khỏi phòng cách ly phải mang khẩu trang, giữ khoảng cách với những người khác trong nhà”.

Nếu người F0 cố tình ra khỏi nhà trong thời gian cách ly sẽ làm lây lan dịch bệnh, lúc này “bức tranh” hệ thống y tế quả tải có thể lặp lại, những nhóm người nguy cơ không được bảo vệ.

PGS Phùng Nguyễn Thế Nguyên – phó trưởng khoa hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) – cho rằng người F0 mà bản thân biết mình đang nhiễm bệnh nhưng có mặt ở các đám đông thì có thể tạo ra những chùm ca nhiễm. Khi số ca nhiễm tăng lên nhiều, mà còn nhiều người thuộc nhóm nguy cơ cao chưa được bảo vệ, chưa tiêm vắc xin đủ thì có thể gây quá tải hệ thống ngành y tế.

Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 vẫn có hiệu lực, trong đó nghiêm cấm hành vi cố ý làm lây lan dịch bệnh. Đã có nhiều trường hợp bị xử phạt hành chính hay hưởng án treo, nhận án tù vì cố tình làm lây lan dịch bệnh hay tung tin thất thiệt không đúng về dịch bệnh trên mạng xã hội, làm hoang mang dư luận, ảnh hưởng công tác phòng chống dịch.

Trong bối cảnh hiện nay, dù nước ta đã xác định sống chung với dịch COVID-19 nhưng vẫn xem đây là bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A đặc biệt nguy hiểm.

Những ngày qua, số ca tử vong trên cả nước vẫn ghi nhận trên dưới 100 ca/ngày, còn ca bệnh nặng hiện đang điều trị trên 4.000 ca. 

Các bác sĩ và đại diện ngành y tế tại TP.HCM khuyến cáo, người mắc COVID-19 trong thời gian cách ly tại nhà cần tuân thủ nghiêm các quy định phòng, tránh lây nhiễm, tuyệt đối không đi ra khỏi nhà theo quy định mới nhất của Bộ Y tế.

Liên quan về việc xử phạt người F0 nếu không tuân thủ Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm, bác sĩ Nguyễn Thành Dũng – giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM – cho hay hiện luật này vẫn hiện hành và phát huy tác dụng dù tình hình dịch COVID-19 đã thay đổi nhiều so với cách đây khoảng một năm.

Nhiều hệ lụy F0 tự ý ra ngoài

Theo bác sĩ Nguyễn Thành Dũng, tỉ lệ lây nhiễm bệnh COVID-19 hiện nay trong cộng đồng đang tăng cao. Nếu F0 – nguồn lây bệnh – đi ra khỏi nhà, đến nơi đông người như đi siêu thị, trường học, cuộc họp… thì rất nguy hiểm, làm tăng sự lây nhiễm. Nếu có nhiều người thuộc nhóm nguy cơ bị nhiễm bệnh, sẽ dẫn đến quả tải hệ thống y tế, làm tăng thêm ca tử vong.

“Người dân biết rõ bản thân nhiễm COVID-19 thì phải ý thức mình có nguy cơ lây nhiễm cao cho người khác. Cần phải tuân thủ cách ly, tuyệt đối không ra cộng đồng”, bác sĩ Dũng nhấn mạnh.

Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho hay hiện TP vẫn còn một số lượng không nhỏ người chưa được tiêm vắc xin như trẻ 5 – 11 tuổi (dự kiến chuẩn bị tiêm) và trẻ từ 0 – 5 tuổi chưa có kế hoạch tiêm. Do vậy nhiệm vụ của người lớn là thực hiện đúng hướng dẫn của ngành y tế để tránh lây nhiễm trong cộng đồng và bảo vệ trẻ và người thuộc nhóm nguy cơ cao (Tuổi trẻ, trang 13).

Phan Thị Hạnh

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 27/11/2018

Ngọc Nga

Điểm báo 19/12/2018

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 10/6/2020

CDC Hà Nam