Cứu sống bệnh nhân nặng 140kg mắc Covid-19 nguy kịch
Bệnh viện dã chiến 3 tầng số 16 vừa can thiệp ECMO điều trị thành công cho bệnh nhân V.Q.D. (28 tuổi) mắc Covid-19, nhập viện trong tình trạng nguy kịch, viêm phổi, béo phì độ 3 (140kg), đái tháo đường type 2. Đây là trường hợp bệnh nhân có nguy cơ diễn tiến nặng nhanh vì hiện tượng tăng viêm quá mức trong Covid-19 (bão cytokine). Tình trạng suy hô hấp bệnh nhân diễn tiến nhanh, tiên lượng can thiệp thủ thuật phức tạp. Các chuyên gia hồi sức Bệnh viện dã chiến 3 tầng số 16 đã can thiệp bằng ECMO (oxy hóa máu màng ngoài cơ thể) trong hơn 3 giờ. Sau can thiệp, bệnh nhân tiếp tục diễn tiến suy đa cơ quan do bão cytokine, buộc phải tiến hành vừa lọc máu hấp phụ, vừa duy trì ECMO để đảm bảo chức năng các cơ quan sống còn.
Trải qua gần 3 tháng thở máy xâm lấn và can thiệp ECMO với nhiều biến chứng liên quan béo phì và viêm phổi do Covid-19 nặng, sinh hiệu bệnh nhân và chức năng các cơ quan bắt đầu hồi phục và ổn định dần, bệnh nhân được cai máy thở thành công, tập dần phục hồi chức năng hô hấp – vận động và dinh dưỡng. (Sài Gòn giải phóng, trang 4)
An toàn khi trẻ trở lại trường
Bắt đầu từ ngày 14-2, toàn bộ học sinh trên địa bàn TPHCM sẽ quay trở lại trường học sau hơn nửa năm bị gián đoạn. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh vẫn lo ngại vấn đề phòng chống dịch Covid-19 cho trẻ khi đến trường, nhất là học sinh mầm non và tiểu học – đây là đối tượng chưa được tiêm vaccine phòng Covid-19.
Tuân thủ quy định phòng dịch
Theo PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Trường Đại học Y Dược TPHCM, 5K là “kim chỉ nam” để bảo đảm an toàn phòng chống dịch Covid-19, ngay cả khi học sinh quay trở lại trường. Điều quan trọng là người lớn trong gia đình cần tuân thủ 5K để trẻ có thể bắt chước, tạo thói quen cho trẻ. Khi học sinh đi học trở lại, nếu nghi ngờ trẻ có triệu chứng bệnh như ho, sốt, sổ mũi thì nên xét nghiệm nhanh cho trẻ. Khi trẻ dương tính với xét nghiệm nhanh thì không nên cho đi học và cách ly ngay với những người trong gia đình chưa được tiêm vaccine, hoặc người có nguy cơ cao.
Khuyến cáo học sinh khi trở lại trường cần tuân thủ việc đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên và giữ khoảng cách với các bạn. Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TPHCM, cho rằng, phụ huynh nên chuẩn bị cho con em ít nhất 2 khẩu trang mỗi ngày để thay, chuẩn bị bình nước uống, chai sát trùng khử khuẩn riêng. “Khi có triệu chứng bất thường như ho, sốt phải nghỉ học và báo ngay với gia đình, nhà trường. Ngoài 5K, phụ huynh nên lưu ý bổ sung “K thứ 6”, đó là sức khỏe, sức đề kháng. Phụ huynh cần có chế độ dinh dưỡng cho con em hợp lý, bổ sung vitamin nhóm C, B, D, các chất khoáng như kẽm, selenium có trong thực phẩm vào thực đơn hàng ngày”, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến khuyến cáo.
Để hạn chế nguy cơ dịch bệnh có thể lây lan rộng trong trẻ em, bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia bệnh truyền nhiễm, nêu ý kiến, nhà trường nên bố trí cho học sinh vui chơi, học tập theo từng nhóm nhỏ. Còn với phụ huynh, sau khi đón con em mình ở trường nên cho các em về thẳng nhà, không la cà quán xá, hạn chế tối đa nguy cơ bị lây nhiễm Covid-19. Việc học sinh mắc Covid-19 khi quay trở lại trường học có thể sẽ xảy ra, tuy nhiên phụ huynh không nên quá lo lắng bởi trừ những trẻ có bệnh nền, béo phì thì hầu như trẻ mắc Covid-19 đều không quá nặng. Vấn đề làm sao phát hiện sớm để trẻ mắc bệnh không lây cho những người lớn tuổi, người có nguy cơ cao.
Khuyến cáo tiêm vaccine cho trẻ
“Học sinh THPT trước khi quay trở lại trường đều được tiêm vaccine, nhưng với học sinh tiểu học thì chưa được tiêm nên tôi rất lo về nguy cơ nhiễm bệnh, bởi trẻ nhỏ rất hiếu động, hay đùa nghịch, cũng như chưa ý thức đầy đủ về việc tuân thủ các biện pháp phòng dịch”, phụ huynh Bùi Hương Giang (ngụ TP Thủ Đức) lo lắng. Nhiều phụ huynh khác cũng có chung tâm lý trong bối cảnh chưa đầy một tuần nữa học sinh trên toàn thành phố sẽ quay trở lại trường học, nhất là học sinh khối tiểu học chưa được tiêm vaccine.
Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, thời gian qua, tổng đài của bệnh viện nhận được nhiều cuộc gọi của phụ huynh về việc tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ nhỏ. Đa số phụ huynh đều muốn cho con em mình được tiêm sớm. “Hiện đã có một số nước trên thế giới, đặc biệt là Mỹ, đã nghiên cứu tiêm vaccine của Pfizer cho trẻ từ 5-11 tuổi. Dữ liệu từ nghiên cứu này cho thấy tính an toàn và hiệu quả của vaccine đối với trẻ qua nồng độ kháng thể bảo vệ, chưa thấy những phản ứng quá bất lợi, nguy hại nặng. Ngoài ra có nhiều loại vaccine khác cũng được đưa vào nghiên cứu để tiêm cho trẻ nhỏ”, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến thông tin.
Mới đây, Bộ Y tế đã tiến hành khảo sát ý kiến phụ huynh và có trên 50% phụ huynh đồng tình tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, hiện trên thế giới đã có 37 quốc gia triển khai tiêm cho trẻ em trong độ tuổi này, trong đó có một số quốc gia Đông Nam Á như Malaysia và Thái Lan. Riêng Việt Nam, Chính phủ đã đồng ý cho phép áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu đối với việc mua 21,9 triệu liều vaccine phòng Covid-19 của Pfizer cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. Chính phủ giao Bộ Y tế chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện việc mua, triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 của Pfizer cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, bảo đảm khoa học, an toàn, hiệu quả.
Theo Bộ Y tế, việc tiêm vaccine cho đối tượng trẻ em từ 5-12 tuổi là không bắt buộc, nhưng người dân nên tiêm chủng để đảm bảo an toàn cho trẻ trong bối cảnh thích ứng an toàn với đại dịch. “Dù trẻ em mắc Covid-19 không diễn biến nặng như người lớn nhưng có thể để lại các di chứng vĩnh viễn gây suy giảm sức khỏe, ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ. Ngoài ra, tiêm chủng cho trẻ em giúp giảm nguy cơ lây truyền dịch trong cộng đồng”, Bộ Y tế khuyến cáo (Sài Gòn giải phóng, trang 4)
Năm nay ưu tiên hàng đầu của ngành y vẫn là chống COVID
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định trong năm 2022, toàn ngành vẫn phải tiếp tục nỗ lực triển khai thực hiện tất cả biện pháp phòng chống dịch COVID-19, coi đây là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, trước mắt và quan trọng.
Trả lời báo chí nhân dịp đầu năm 2022, Bộ trưởng Y tế cho biết: “Theo nhận định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng như các chuyên gia, đại dịch COVID-19 không thể chấm dứt trước năm 2023, vì vậy với Việt Nam, công tác phòng chống dịch vẫn phải được coi là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, trước mắt và quan trọng. Toàn ngành vẫn phải tiếp tục nỗ lực triển khai thực hiện tất cả các biện pháp phòng chống dịch COVID-19”.
Về chiến lược chống dịch vẫn thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ là “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, Bộ trưởng nhấn mạnh ngành Y tế sẽ tập trung một số vấn đề cơ bản như tiếp tục tăng bao phủ vắc xin, nhất là với mũi 3 cho những đối tượng trên 18 tuổi; đảm bảo việc tiêm cho trẻ từ 12-18 tuổi và chuẩn bị tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Theo lãnh đạo Bộ, trong thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã rất thận trọng, đánh giá một cách toàn diện, khoa học và khách quan đối với việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Theo đó, Bộ Y tế trao đổi chặt chẽ và thường xuyên tham khảo ý kiến với WHO, với các nhà khoa học và tham khảo kinh nghiệm triển khai của các nước trên thế giới. Cho đến nay WHO đã chính thức cấp phép cho vắc xin phòng COVID-19 của Pfizer được tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Hiện nay có hơn 37 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có kế hoạch và triển khai, có quốc gia tiêm cho toàn bộ trẻ, có quốc gia tiêm cho những trẻ nguy cơ cao. Đồng thời Bộ cũng theo sát thông tin vắc xin nào được tiêm cho trẻ trong độ tuổi này, những phản ứng nào có thể xảy ra…
Tăng mạnh phụ cấp nhân viên y tế
Về những ý kiến nhận định chế độ đãi ngộ cho nhân viên y tế trong thời gian qua chưa thỏa đáng, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho hay: “Có thể nói rằng những tác động của đại dịch COVID-19 với ngành y tế rất sâu rộng, ảnh hưởng cả về thu nhập, chế độ chính sách đối với cán bộ y tế. Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan trình Chính phủ để có thể tăng chế độ phụ cấp, đãi ngộ đối với cán bộ y tế khi đi vào vùng dịch một cách thỏa đáng. Bên cạnh đó, chính sách đãi ngộ lâu dài là vấn đề hết sức quan trọng. Bộ Y tế đã phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan báo cáo cấp có thẩm quyền, từ đó có chính sách hỗ trợ, đãi ngộ nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng. Về cơ bản, các cấp thẩm quyền đồng thuận hướng nâng phụ cấp cho nhân viên y tế dự phòng và y tế cơ sở lên tới 100% mức lương”.
Bộ trưởng cho hay trong năm 2022, Bộ Y tế sẽ tiếp tục tiến hành cải cách và đổi mới cơ chế tài chính, trong đó sẽ theo hướng tăng cường nhiều hơn đối với y tế cơ sở, y tế dự phòng nhằm đảm bảo hoạt động nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đồng thời qua đó nâng cao thu nhập của nhân viên y tế, để họ yên tâm công tác (Tiền phong, trang 15).
F0 tăng mạnh sau kì nghỉ Tết
Ngày 7/2, Bộ Y tế cho biết tăng 2.704 ca COVID-19 so với ngày trước đó, nâng tổng số 16.809 F0 mới tại 61 tỉnh thành, với hơn 11.000 ca cộng đồng. Hà Nội tiếp tục dẫn đầu cả nước với gần 3.000 F0. Bộ Y tế chỉ đạo các địa phương tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ nhiễm COVID-19 tại cộng đồng, các trường hợp có biểu hiện ho, sốt để kịp thời khoanh vùng, cách li, xử lí triệt để ổ dịch không để lây lan, bùng phát rộng; đồng thời triển khai tốt các hoạt động y tế, tránh lây nhiễm chéo trong cách li, khu phong tỏa (Tiền phong, trang 15; Hà Nội mới, trang 7).
Đảm bảo hiệu quả, an toàn khi tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ 5 đến 12 tuổi
BYT cho biết, theo nhận định của Tổ chức Y tế TG, các chuyên gia, dịch Covid- 19 không thể chấm dứt trước năm 2023, vì vậy với Việt Nam, công tác phòng chống dịch vẫn là ưu tiên hàng đầu trong năm nay.
Về chiến lược chống dịch, Việt Nam vẫn thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ là “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Trong đó, tiếp tục tăng bao phủ vắc xin, nhất là với mũi 3 cho những đối tượng trên 18 tuổi; đảm bảo việc tiêm cho trẻ từ 12- 18 tuổi và chuẩn bị tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.
Riêng với nhóm trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, Bộ Y tế cho biết đã tham khảo ý kiến với Tổ chức Y tế thế giới, các nhà khoa học và kinh nghiệm từ các nước. Đến nay WHO đã chính thức cấp phép cho vắc xin phòng Covid-19 của Pfizer được tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi; hơn 37 quốc gia, vùng lãnh thổ đã có kế hoạch và triển khai (có quốc gia tiêm cho toàn bộ trẻ trong nhóm tuổi này, có quốc gia chỉ tiêm cho những trẻ nguy cơ cao). Tại Việt Nam, Bộ Y tế đã đàm phán với nhà cung ứng để có thể đảm bảo cung ứng vắc xin tiêm cho nhóm trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Bộ Y tế cũng thường xuyên trao đổi với WHO về vấn đề khoa học trong tiêm vắc xin cho trẻ ở độ tuổi này nhằm đảm bảo hiệu quả và quan trọng nhất là tính an toàn, đồng thời tính đến khả năng chấp nhận của cộng đồng (Thanh niên, trang 15).
TP.HCM tốc lực tiêm vắc xin xuyên Tết
Để không gián đoạn việc tiêm vắc xin COVID-19 cho người dân khi có chỉ định và đến thời gian tiêm, nhiều cơ sở y tế tại TP.HCM từ bệnh viện đến trung tâm y tế, trạm y tế đã bố trí nhân sự tiêm vắc xin COVID-19 cho người dân xuyên Tết. Chiến dịch tiêm chủng vắc xin thần tốc mùa xuân năm 2022 bắt đầu tổ chức ngày 29-1 đến hết tháng 2. Mục tiêu của chiến dịch lần này tại TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung là nhanh chóng hoàn thành tiêm mũi 2 cho người từ 12 – 17 tuổi và mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên.
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 7-2, phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP (HCDC) Nguyễn Hồng Tâm cho biết từ ngày 29-1 đến 5-2 đã có gần 11.000 người trên 17 tuổi được tiêm vắc xin COVID-19.
Theo HCDC, chiến dịch tiêm vắc xin trong mùa xuân này sẽ giúp tỉ lệ bao phủ vắc xin càng cao, từ đó hạn chế nguy cơ lây nhiễm, số ca mắc, tỉ lệ chuyển nặng và tử vong càng được kéo giảm.
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, xuyên suốt từ mùng 1 đến mùng 7 tháng giêng, trạm y tế phường Thảo Điền (TP Thủ Đức) có 5 nhân sự chia đều cho các ca trực 24/24, đảm bảo người dân đến trạm y tế trong dịp Tết đều được tiêm vắc xin.
Ông Bùi Văn Đức – trạm trưởng trạm y tế phường Thảo Điền (TP Thủ Đức) – cho biết bên cạnh tiếp nhận tiêm vắc xin cho người dân xuyên Tết tại trạm, nhân viên y tế của trạm cũng đến tận nhà tiêm cho người dân, đặc biệt là người già yếu hay người mắc các bệnh nền.
“Người dân đến tiêm vắc xin không phân biệt thường trú hay tạm trú, trạm y tế tiêm cả liều bổ sung, mũi 2, mũi 1 khi người dân dân có yêu cầu”, ông Đức nói.
Tại trạm y tế phường Trường Thọ (TP Thủ Đức) với 48.000 dân, nhân sự chỉ có 8 người, nhưng các nhân viên y tế tại đây túc trực liên tục, bất cứ cuộc gọi nào của người dân trong dịp Tết đều được tiếp nhận, trong đó có cả việc tiêm vắc xin.
Ông Phạm Huy Hoàng – trạm trưởng trạm y tế phường Trường Thọ – cho biết để đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19, TP Thủ Đức đã giao cho 3 bệnh viện tiêm vắc xin xuyên Tết cho người dân, do đó trạm y tế cố định chỉ lo công tác chăm sóc F0. Sau Tết người dân quay trở lại làm việc, trạm y tế sẽ tiếp tục tiêm vắc xin cho người dân như trước đó.
Tuy vậy, vẫn có thời điểm vắc xin chưa về kịp các điểm tiêm, buộc người dân phải tiêm vào ngày khác. Theo phản ảnh của chị P.L. (ngụ quận Tân Phú, TP.HCM), vào mùng 4 tháng giêng, chị và nhiều người đến trạm y tế quận Tân Phú để tiêm vắc xin mũi 3 nhưng khi đến nơi thì nhận thông báo trạm tạm hết vắc xin. Theo thông báo, đến mùng 5 chị L. quay lại trạm thì được tiêm.
52/63 tỉnh đạt tỉ lệ mũi 2 trên 90%
Theo báo cáo Bộ Y tế, đến ngày 6-2, số vắc xin COVID-19 tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 165,8 triệu liều; trong đó mũi 3 là hơn 17 triệu liều. Có 52/63 tỉnh thành đạt tỉ lệ bao phủ mũi 2 trên 90%; 11/63 tỉnh, thành phố có tỉ lệ bao phủ mũi 2 từ 82% đến dưới 90%.
Đối với trẻ từ 12 – 17 tuổi đã tiêm hơn 16 triệu liều, trong đó mũi 1 là hơn 8,4 triệu liều; mũi 2 là hơn 7,8 triệu liều. Hiện còn 10/63 tỉnh thành có tỉ lệ bao phủ mũi 2 ở độ tuổi này từ 23% đến dưới 80% (Tuổi trẻ, trang 18).