Điểm báo ngày 08/4/2022

(CDC Hà Nam)
Sau ‘bão’ COVID-19 ở TPHCM, nhân viên y tế nghỉ việc hàng loạt; Khám bệnh bằng thẻ CCCD gắn chip: Tiện lợi nhưng chưa đồng bộ dữ liệu; Thiết bị y tế tiền tỷ đắp chiếu nhiều năm; Thu hồi thực phẩm bổ sung cà phê Hoàng Gia do không đảm bảo an toàn; Trẻ bị hậu COVID-19, cần khám lại; Lô vaccine COVID-19 đầu tiên cho trẻ em sẽ về Việt Nam vào ngày 9/4


Sau ‘bão’ COVID-19 ở TPHCM, nhân viên y tế nghỉ việc hàng loạt

Sau đại dịch COVID-19, hàng loạt nhân viên y tế tại các bệnh viện công lập ở TPHCM tiếp tục xin nghỉ việc. Sở Y tế TPHCM nhận định, ngoài những yếu tố cá nhân, áp lực công việc và thu nhập không được như kỳ vọng là nguyên nhân chính khiến nhiều nhân viên y tế xin nghỉ việc.

Áp lực lớn, thu nhập thấp

Sau hơn 4 năm công tác tại một trạm y tế xã ở huyện Bình Chánh, đầu năm 2022, điều dưỡng N.T.T xin nghỉ việc. Hiện chị đang làm cho một cơ sở thẩm mỹ.

“Giờ nghĩ lại những chuỗi ngày căng mình chống dịch quần quật suốt ngày đêm, tôi vẫn còn sợ. Nhân viên y tế quá ít, khi dịch bùng phát không đủ đáp ứng tôi cùng các đồng nghiệp gần như kiệt sức. Gia đình tôi không khó khăn, tôi nghỉ việc là vì áp lực công việc, không phải vì thu nhập”, chị nói.

BS Nguyễn Văn M., từng công tác tại Bệnh viện thành phố Thủ Đức, chia sẻ: “Trong lúc dịch bùng phát, áp lực công việc rất khủng khiếp, nhiều người đã nghỉ việc nhưng tôi vẫn cố gắng động viên bản thân mình phải cống hiến và vượt qua vì sự bình an của cộng đồng và bởi trách nhiệm của người thầy thuốc. Đến nay, khi dịch đã được kiểm soát, tôi quyết định xin nghỉ việc để cho bản thân được nghỉ ngơi. Tôi dự định sẽ chuyển sang lĩnh vực khác vì thấy công việc của ngành y quá nhiều rủi ro nhưng thu nhập không tương xứng”. Thời gian qua, Bệnh viện thành phố Thủ Đức xảy ra những sự cố liên quan công tác quản lý và điều hành khiến lãnh đạo bệnh viện vướng vòng lao lý.

Không chỉ tâm lý của cán bộ, công nhân viên bị ảnh hưởng mà thu nhập cũng giảm sâu, có bác sĩ tổng thu nhập chỉ hơn 8 triệu đồng, nhiều người đã quyết định nghỉ việc hoặc xin chuyển công tác.

Hiện chưa có số liệu thống kê chính thức về số nhân viên y tế đã nghỉ việc nhưng một lãnh đạo bệnh viện cho biết “thời gian qua có khá nhiều người xin thôi việc”. Hai khoa phòng có số lượng nhân viên y tế nghỉ đông nhất là khoa Cấp cứu và khoa Huyết học.

Bác sĩ V.K.H, từng giữ vị trí trưởng khoa tại một bệnh viện lớn, tâm sự: “Tôi muốn gắn bó với hệ thống bệnh viện công phục vụ người bệnh được tốt hơn. Tuy nhiên, cơ chế, chính sách có nhiều bó buộc, đặc biệt hiện nay sau khi lãnh đạo nhiều bệnh viện bị bắt, thì hầu hết các bệnh viện đều không dám mua sắm trang thiết bị, điều đó ảnh hưởng rất lớn đến nhu cầu phát triển tay nghề của bác sĩ. Tôi đã quyết định chuyển sang bệnh viện tư nhân để có cơ hội phát triển chuyên môn tốt hơn”.

Giải pháp giữ chân

Theo thống kê của Sở Y tế TPHCM, trong 11 tháng đầu năm 2021, có 968 nhân viên y tế nghỉ việc, phần lớn là điều dưỡng và bác sĩ ở trạm y tế phường, xã. Ba tháng đầu năm 2022, có 400 nhân viên y tế xin nghỉ việc.

Dự báo, số người xin nghỉ việc trong ngành y vẫn chưa dừng lại. Bà Lê Thiện Quỳnh Như, Phó chánh văn phòng Sở Y tế, cho biết: “Hằng năm, các cơ sở y tế công lập đều có tình trạng nhân viên y tế xin nghỉ việc, với rất nhiều lý do khác nhau. Có người nghỉ do nhà xa, môi trường làm việc không phù hợp, trong đó có nguyên nhân thu nhập chưa như mong đợi”.

Chiều 7/4, trong phiên bế mạc kỳ họp thứ 5 (kỳ họp chuyên đề), HĐND TPHCM khoá X, nhiệm kỳ 2021 – 2026 đã thông qua nhiều quyết sách quan trọng, trong đó đáng chú ý là chính sách đặc thù về củng cố, nâng cao năng lực trạm y tế phường, xã, thị trấn trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 đến năm 2025.

Theo đó, bác sĩ đang trong thời gian tham gia chương trình thí điểm thực hành tại bệnh viện đa khoa gắn với trạm y tế sẽ được hỗ trợ 60 triệu đồng trong 18 tháng. Các điều dưỡng, hộ sinh đang trong thời gian tham gia thực hành tại bệnh viện đa khoa gắn với trạm y tế được hỗ trợ 30 triệu đồng trong 9 tháng.

Ngoài ra, người lao động cao tuổi có chuyên môn bác sĩ sẽ được ký hợp đồng với mức lương 9 triệu đồng/người/tháng. Người lao động cao tuổi có chuyên môn y tế khác, có trình độ từ cao đẳng trở lên hoặc trung cấp y sĩ được ký hợp đồng với mức lương 7 triệu đồng/người/tháng. Nhân viên vệ sinh, bảo vệ làm việc tại trạm y tế nhưng không thuộc đối tượng chi trả lương từ nguồn quỹ tiền lương của đơn vị được hỗ trợ 5,5 triệu đồng/người/tháng.

Chính sách đặc thù nói trên sẽ được thực hiện đến ngày 31/12/2025. Theo tính toán của UBND TPHCM, kinh phí hỗ trợ hàng năm cho những đối tượng trên khoảng 138,5 tỷ đồng được trích từ ngân sách (Tiền phong, trang 15).

 

Khám bệnh bằng thẻ CCCD gắn chip: Tiện lợi nhưng chưa đồng bộ dữ liệu

Theo đánh giá chung, việc ứng dụng thẻ CCCD gắn chip mang lại nhiều tiện ích, đặc biệt nếu được triển khai đồng bộ dữ liệu thông tin BHYT, người bệnh sẽ không cần mang nhiều giấy tờ. Với việc sử dụng thẻ căn cước công dân (CCCD) có gắn chip thay thế thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) bằng giấy mà ngành y tế đã triển khai thời gian qua, các cơ sở khám chữa bệnh và người bệnh cùng kỳ vọng sẽ mở đầu cho lộ trình thay thế dần các thủ tục giấy tờ cá nhân gây tốn kém thời gian và tiền bạc…

Tất nhiên, qua thời gian triển khai vừa qua cũng còn một số vấn đề và người dân mong được khắc phục sớm.

“Rất tiện lợi và nhanh chóng…”

Tại TP.HCM, Bệnh viện Nhân dân Gia Định là nơi đầu tiên triển khai thực hiện khám chữa bệnh bằng CCCD có gắn chip. Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, bệnh nhân khi đi qua khu vực lấy số thứ tự đều nán lại trước tấm băngrôn ghi các thông tin khám chữa bệnh bằng CCCD có gắn chip, một số người lấy ngay CCCD ra trải nghiệm dịch vụ mới mẻ này.

Trong dòng người đến khám tại bệnh viện sáng 5-4 có ông Ma Giáp (ngụ quận Bình Thạnh). Sau khi đọc các thông tin hướng dẫn, ông đến quầy lấy số rồi xuất trình thẻ CCCD và được nhân viên y tế quét mã QR.

Thấy mọi thông tin về BHYT của mình nhanh chóng được hiển thị đầy đủ trên màn hình máy tính, ông Giáp không khỏi vui mừng nói: “Trước đây khi đăng ký khám bệnh, tôi cần 3-4 phút để đối chiếu và nhập tay các thông tin cá nhân. Giờ thì chỉ cần đưa CCCD cho nhân viên y tế quét tầm 1 phút là xong. Bệnh nhân đông đúc, việc áp dụng tích hợp như thế này tôi khỏi phải chờ lâu”.

Cùng đến khám thận định kỳ, ông Trần Minh Tuấn (ngụ phường Tân Định, quận 1) chia sẻ đã từng sử dụng CCCD khi đăng ký khám một lần nên lần này mọi thủ tục đều trôi chảy tiện lợi. “Tôi lớn tuổi rồi, cứ mỗi lần khám là cầm theo đủ loại giấy tờ từ sổ khám bệnh, chứng minh nhân dân, thẻ bảo hiểm, các giấy tờ khác… Giờ thì rất tiện lợi và nhanh chóng” – ông Tuấn cho hay.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Mỹ Linh – trưởng khoa khám bệnh của bệnh viện này, mỗi ngày đơn vị tiếp nhận từ 3.000 – 3.500 bệnh nhân đến khám ngoại trú. Trong giai đoạn đầu bệnh viện tiếp nhận khám chữa bệnh BHYT bằng phần mềm của BHXH, nhân viên y tế phải nhập tay khá nhiều thông tin tốn kém thời gian. Nhưng từ khi Bộ Y tế triển khai ứng dụng dữ liệu số, đơn vị đã nhanh chóng trang bị máy quét mã QR trên thẻ CCCD đặt tại khu vực đăng ký khám, từ đó việc tiếp nhận bệnh rất nhanh và thuận lợi.

“Khâu thủ tục hành chính đã đơn giản, thuận lợi hơn, nhân viên y tế sẽ xác định đúng người bệnh trên thẻ, cũng như tình trạng bệnh sử, thông tin các lần đi khám trước đó như một hồ sơ bệnh án điện tử” – bác sĩ Linh nói.

Trong khi đó, Bệnh viện quận 11 là nơi ứng dụng cùng lúc 3 tiện ích gồm đăng ký khám chữa bệnh bằng thẻ CCCD, bằng ứng dụng VssID (ứng dụng BHXH số của BHXH VN) và VNEID (ứng dụng định danh điện tử quốc gia của Bộ Công an).

Bác sĩ Phạm Quốc Dũng – giám đốc Bệnh viện quận 11 – cho biết từ khoảng 1 tháng nay đơn vị đã thí điểm khám chữa bệnh bằng CCCD, tuy nhiên số lượng người đến khám bằng hình thức này chưa cao, có thể xuất phát từ thói quen khám bệnh lâu nay hoặc từ việc người bệnh có thẻ CCCD nhưng chưa phải loại có gắn chip.

Những hạn chế cần hoàn thiện

Theo Sở Y tế TP.HCM, việc khám chữa bệnh bằng CCCD có gắn chip tại TP.HCM đã được thí điểm triển khai ở nhiều bệnh viện công lập và tư nhân. Thống kê sơ bộ đến ngày 3-4 đã có 35/59 bệnh viện công lập áp dụng, bệnh viện tư nhân đã có 15/65 bệnh viện áp dụng. Tuy nhiên theo đánh giá, số lượng bệnh nhân khám chữa bệnh bằng BHYT sử dụng thẻ CCCD chưa cao, mới chỉ chiếm khoảng 0,14% ở bệnh viện công lập và 0,07% ở bệnh viện tư nhân.

Trong vai người bệnh đến đăng ký khám tại Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Sài Gòn (quận Phú Nhuận), chúng tôi được nhân viên quầy hướng dẫn thông tin về việc áp dụng thẻ CCCD thay cho thẻ BHYT giấy. Tuy nhiên có thẻ hiển thị thông tin, có thẻ lại không. “Với người bệnh lần đầu đến khám bằng CCCD tại bệnh viện vẫn cần phải mang theo thẻ BHYT kèm các giấy tờ tùy thân có ảnh hoặc điện thoại thông minh có tích hợp ứng dụng VssID để bệnh viện nhập thông tin ban đầu” – một nhân viên hướng dẫn.

Khảo sát tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định và Bệnh viện quận Gò Vấp cho thấy xảy ra hiện tượng các thẻ CCCD có gắn chip nhưng khi quét mã QR chưa tích hợp dữ liệu, nên buộc phải quay lại khám theo hình thức cũ hoặc số ít (đa số người trẻ) chuyển sang sử dụng ứng dụng VssID của BHXH.

Trường hợp cụ thể như chị Bích Ngọc (quận Gò Vấp) đến khám thai định kỳ tại Bệnh viện quận Gò Vấp, tuy khá háo hức xuất trình CCCD tại quầy lấy số nhưng khi quét mã QR hệ thống máy báo thẻ chưa được đồng bộ dữ liệu. “Cũng may sáng đi khám mình vẫn còn đem theo BHYT bằng giấy. Chỉ mong dữ liệu nhanh chóng được cập nhật để lần sau đi khám được tiện lợi hơn” – chị Ngọc chia sẻ.

Bác sĩ Hồ Văn Hân – giám đốc Bệnh viện quận Gò Vấp – chia sẻ về kinh nghiệm thực tiễn thì khi triển khai một giải pháp công nghệ ở giai đoạn đầu luôn có những khó khăn nhất định. Nhưng về mặt giải pháp kỹ thuật thì phải hoàn thiện dần thêm từ chất lượng đầu vào, sự thống nhất dữ liệu.

Theo ông, từ các hạn chế này, phía bệnh viện sẽ có những kế hoạch cải tiến. Đơn cử như sẽ đầu tư thêm trang thiết bị cùng đẩy mạnh việc truyền thông tư vấn cho người dân hiểu để đến khám bệnh một cách tiện lợi nhất.

Bên cạnh hệ thống công nghệ thông tin của một số bệnh viện như Hoàn Mỹ Sài Gòn, An Bình, Nguyễn Trãi, Nhi Đồng 1, Tai mũi họng, Bệnh viện quận 7… được đánh giá đáp ứng tốt các điều kiện để đọc dữ liệu CCCD có gắn chip, Sở Y tế TP.HCM nhận thấy nhiều bệnh viện chưa có thiết bị đọc được mã trên thẻ CCCD, hệ thống phần mềm chưa hoàn thiện nên cập nhật dữ liệu còn chậm; có thiết bị đọc được mã vạch nhưng chưa biết cách thực hiện và kết nối với cổng giám định để tra các thông tin thẻ bằng mã vạch; mã QR trên CCCD quá nhỏ, thiết bị không quét được hoặc khó quét để đọc thông tin…

Ngoài ra còn một khó khăn đang gặp phải là hệ thống dữ liệu chưa liên thông đồng bộ, do đó đa số thẻ CCCD chưa tích hợp thông tin BHYT của người bệnh; một số bệnh nhân lớn tuổi vẫn giữ thói quen làm thủ tục như cũ hoặc chưa xuất trình thẻ CCCD bởi lo sợ vấn đề bảo mật thông tin. Đặc biệt có hiện tượng một số bệnh nhân sau khi khám xong đã bỏ về và không hoàn thành quy trình khám.

Tuy vậy, theo đánh giá chung, việc ứng dụng thẻ CCCD gắn chip mang lại nhiều tiện ích, đặc biệt nếu được triển khai đồng bộ dữ liệu thông tin BHYT, người bệnh sẽ không cần mang nhiều giấy tờ.

“Việc này khá thuận lợi cho người lớn tuổi vì hay làm lạc mất thẻ BHYT và không rành công nghệ, đặc biệt sẽ giúp hạn chế tối đa việc bệnh nhân mượn thẻ BHYT của người khác để khám chữa bệnh” – đại diện Sở Y tế TP.HCM nói.

Trước mắt nên đem song song giấy tờ

Ông Đồng Văn Thành, trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho biết việc sử dụng CCCD khi khám chữa bệnh sẽ giảm 2-3 bước trong quy trình 6 bước với các bệnh nhân BHYT.

Ông Đặng Việt Hùng, vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế Bộ Y tế, cũng cho rằng lợi ích của việc sử dụng CCCD là thấy rõ nhưng khi áp dụng, các bệnh viện vẫn nên sử dụng song song các hình thức cũ và mới để thuận lợi cho người dân.

Cả nước mới có 39 triệu người đồng bộ dữ liệu

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Thị Thu Hằng – phó giám đốc BHXH TP.HCM – cho biết đến nay cả nước mới chỉ đồng bộ dữ liệu thẻ BHYT vào thẻ CCCD có gắn chip khoảng 39 triệu người. Bên cạnh số người chưa được đồng bộ dữ liệu, còn khá nhiều người chưa làm CCCD gắn chip. Do đó, việc đồng bộ để tiến tới sử dụng thẻ CCCD có gắn chip thay thế cho thẻ BHYT cần một lộ trình hoàn thiện.

“Ban đầu tuy còn có một số trục trặc nhưng về lâu dài việc sử dụng thẻ CCCD thay cho thẻ BHYT mang đến rất nhiều thuận lợi, thời gian, đặc biệt với người lớn tuổi hoặc những người thường làm hư hỏng thẻ, mất thẻ và không rành công nghệ” – bà Hằng nói.

Theo bà Hằng, hình thức khám chữa bệnh này sẽ giúp Nhà nước không còn tốn kinh phí để in thẻ BHYT hằng năm, đặc biệt việc áp dụng khám chữa bệnh bằng thẻ CCCD gắn chip sẽ góp phần chấm dứt tình trạng mượn thẻ BHYT đi khám bệnh để trục lợi quỹ BHYT.

Liên quan đến một số khó khăn như hệ thống máy không đọc được mã QR, quét thẻ CCCD không ra dữ liệu, bà Hằng cho biết tới đây BHXH TP.HCM sẽ có văn bản đánh giá, từ đó khuyến cáo người dân khi sử dụng thẻ CCCD gắn chip cần bảo quản cẩn thận, tránh bị trầy xước hư hỏng.

Tạm thời nhập thông tin thủ công

Tại Đà Nẵng, việc thí điểm khám chữa bệnh bằng CCCD đã được triển khai ở Trung tâm Y tế quận Hải Châu và Bệnh viện 199 (Bộ Công an) hơn một tháng nay.

Tuy vậy, bà Dương Thị Hương – phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện 199 – cho biết do thời gian đầu triển khai thí điểm, đơn vị chưa triển khai kịp máy quét mã QR nên hiện nay bệnh nhân đến khám, trình CCCD sẽ được nhập số CCCD vào phần mềm khám chữa bệnh. Bà Hương cũng nhìn nhận có việc nhiều người dân chưa được phổ biến nên số bệnh nhân sử dụng còn ít bên cạnh việc CCCD chưa đủ thông tin.

Ông Nguyễn Hùng Anh, phó giám đốc BHXH Đà Nẵng, cho biết đến nay hầu hết các cơ sở khám chữa bệnh tại Đà Nẵng đã chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đón tiếp và thực hiện việc khám chữa bệnh bằng CCCD. Thời gian tới sẽ thực hiện đánh giá rút kinh nghiệm tổ chức đối với hai đơn vị thí điểm để triển khai nhân rộng.

Mới chỉ 300/500 bệnh nhân đủ dữ liệu

Bác sĩ Nguyễn Thành Lập – trưởng phòng nghiệp vụ y thuộc Sở Y tế TP Cần Thơ – cho hay sở đã có công văn triển khai thực hiện đến tất cả các bệnh viện, đơn vị có khám bệnh BHYT bằng CCCD từ tháng 3-2022. Người dân muốn đi khám chữa bệnh BHYT, chỉ cần có thẻ CCCD gắn chip hoặc qua ứng dụng VNEID.

Tuy nhiên do mới triển khai thí điểm, hiện chỉ mới có một số bệnh viện tại TP Cần Thơ thực hiện khám chữa bệnh bằng CCCD, các cơ sở còn lại đang trong quá trình bổ sung trang thiết bị, đồng bộ hệ thống dữ liệu…

Ông Phạm Việt Hải – trưởng phòng giám định BHXH TP Cần Thơ – nói qua quá trình triển khai thí điểm từ giữa tháng 3 đến nay, mới chỉ có 300/500 trường hợp đăng ký khám chữa bệnh bằng CCCD thành công do chưa tích hợp thông tin đầy đủ (Tuổi trẻ, trang 2).

.

Thiết bị y tế tiền tỷ đắp chiếu nhiều năm

10 năm trước, Bệnh viện đa khoa Chân Mây (tỉnh TT-Huế) thành lập, đi vào hoạt động và được trang cấp nhiều trang thiết bị y tế hiện đại trị giá hàng tỷ đồng đầu tư bằng ngân sách. Tuy nhiên, qua nhiều năm và 3 đời giám đốc sở y tế, các máy móc thiết bị kể trên vẫn chưa biết dùng vào việc gì.

Năm 2011, Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Chân Mây (xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc) đi vào hoạt động sau gần 10 năm khởi công, xây dựng trầy trật. Bệnh viện tuyến tỉnh này sau đó được trang cấp nhiều trang thiết bị y tế hiện đại có trị giá đầu tư hàng chục tỷ đồng bằng ngân sách, như máy chạy thận, máy chụp X-quang, máy siêu âm, chẩn đoán hình ảnh…

Trong số các trang thiết bị được Sở Y tế tỉnh TT-Huế cấp về gần 10 năm, sau khi BVĐK Chân Mây đi vào hoạt động, có 2 máy chạy thận nhân tạo do Đức sản xuất, trị giá mỗi máy hơn 1,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ đó đến nay, 2 máy chạy thận đắt tiền này vẫn trong tình trạng “đắp chiếu” lãng phí, chưa một ngày đưa vào phục vụ công tác khám chữa bệnh cho người dân.

Ông Ngô Văn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Phú Lộc phụ trách cơ sở 2, cho biết, khi còn làm Giám đốc BVĐK Chân Mây, ông Hoàng Văn Thám cũng từng đề xuất điều chuyển máy chạy thận đến cơ sở y tế khác để tránh lãng phí, nhưng Sở Y tế chưa có phương án giải quyết phù hợp.

Theo ông Dũng, nguyên nhân 2 máy chạy thận tiền tỷ “đắp chiếu” nằm kho trong 8 năm qua là do BVĐK Chân Mây trước đây, cũng như cơ sở 2 Trung tâm Y tế Phú Lộc hiện nay, không đủ năng lực, điều kiện cả về cơ sở vật chất lẫn nhân lực để vận hành, sử dụng thiết bị y tế hiện đại và đắt tiền này.

Liên quan vấn đề này, PV đã trao đổi trực tiếp với ông Trần Kiêm Hảo, Giám đốc Sở Y tế TT-Huế, để nắm thêm thông tin từ hơn nửa tháng trước. Đến nay, lấy nhiều lý do khác nhau, Sở Y tế TT-Huế vẫn chưa cung cấp thông tin cho báo chí (Tiền phong, trang 14).

 

Thu hồi thực phẩm bổ sung cà phê Hoàng Gia do không đảm bảo an toàn

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa ban hành quyết định về việc thu hồi sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cà phê Hoàng Gia. Sản phẩm này do Công ty TNHH dược mỹ phẩm Lasva tự công bố và sản xuất sản phẩm.

Đơn vị chịu trách nhiệm và phân phối sản phẩm: Công ty cổ phần dược mỹ phẩm Hoàng Gia Phát.

Cục An toàn thực phẩm đã yêu cầu các doanh nghiệp nêu trên tiến hành thu hồi sản phẩm thực phẩm bổ sung cà phê Hoàng Gia. Đồng thời đề nghị UBND huyện Yên Thủy, Công an huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình kiểm tra, giám sát việc chấp hành của Công ty cổ phần dược mỹ phẩm Hoàng Gia Phát.

Chi cục An toàn thực phẩm TP Hà Nội và Sở Y tế, Ban Quản lý an toàn thực phẩm, Chi cục An toàn thực phẩm các tỉnh, thành kiểm tra, giám sát việc lưu hành sản phẩm thực phẩm bổ sung cà phê Hoàng Gia (Tuổi trẻ, trang 14; Sài Gòn giải phóng, trang 7).

 

Trẻ bị hậu COVID-19, cần khám lại

Các chuyên gia y tế cho biết, hậu COVID-19 ở trẻ em có thể ảnh hưởng hầu hết các cơ quan trong cơ thể; trẻ cần được khám lại sau khi mắc bệnh nếu xuất hiện những triệu chứng hậu COVID để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho hay, mặc dù trẻ em mắc COVID-19 phần lớn đều nhẹ nhưng các biến chứng khi mắc COVID-19 ở nhóm này thông qua báo cáo của các chuyên gia nghiên cứu số liệu quốc tế cũng như trong nước cho thấy cũng có ảnh hưởng sức khỏe, tính mạng, dù không nhiều nhưng cũng đáng lo ngại là biến chứng viêm cơ tim, hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em (MIS-C). Đây là biến chứng mà hệ thống khám chữa bệnh đã ghi nhận. Bệnh thường xảy ra sau mắc COVID- 19 khoảng từ 2 – 6 tuần.

PGS.TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết, trẻ em thường gặp các triệu chứng tâm thần kinh như mệt mỏi, rối loạn vị giác, khứu giác, đau đầu, kém tập trung, các triệu chứng hô hấp hay gặp là ho kéo dài, đau họng, khó thở… Ngoài ra, trẻ có thể đau khớp, đau cơ, nặng ngực, hồi hộp đánh trống ngực. Bác sĩ Điển chỉ ra một số điều về hậu COVID-19 ở trẻ em mà các phụ huynh cần biết để theo dõi sau khi trẻ mắc COVID-19.

Theo đó, với trẻ em, hậu COVID-19 là thuật ngữ để chỉ một nhóm triệu chứng tồn tại lâu dài (như mệt mỏi, rối loạn vị giác, đau đầu, ho, khó thở…) trẻ gặp phải sau mắc COVID-19 trong vòng 3 tháng và có ảnh hưởng đến hoạt động hằng ngày của trẻ. Các triệu chứng này có thể tồn tại từ lúc mắc bệnh ban đầu hoặc mới xuất hiện sau khi đã khỏi bệnh và không do các căn nguyên khác gây ra.

Cho tới nay, tỉ lệ chính xác mắc hậu COVID-19 ở trẻ em chưa có thống kê đầy đủ, tiêu chuẩn chẩn đoán hậu COVID-19 còn khác nhau giữa các nghiên cứu. Ở người lớn, theo Tổ chức Y tế thế giới, tỷ lệ từ 10- 20%.

Các chuyên gia nhi khoa thông tin, hiện chưa rõ nguyên nhân chính xác của hội chứng này trên trẻ em, tuy nhiên theo nhận định ban đầu, hậu COVID-19 có thể là hậu quả của nhiều yếu tố bao gồm đặc điểm của virus, yếu tố cơ thể của người bệnh, đáp ứng miễn dịch của cơ thể với virus, di chứng sau điều trị hồi sức tích cực. Một số giả thuyết đặt ra, do quá trình xâm nhập của virus vào các tế bào của nhiều cơ quan khác nhau; do phản ứng viêm mạn tính do các yếu tố tâm lí xã hội liên quan tới giai đoạn mắc COVID-19 cấp tính.

“Cho tới nay chưa có yếu tố nào giúp tiên đoán chắc chắn trẻ sẽ bị hậu COVID-19 sau mắc cấp tính. Một trẻ mắc COVID-19 ở mức độ nhẹ cũng có thể xuất hiện các dấu hiệu của hậu COVID-19.

Tuy nhiên, nếu một trẻ mắc COVID-19 cấp tính nguy kịch cần điều trị hồi sức, trẻ béo phì, tiền sử dị ứng có nguy cơ xuất hiện triệu chứng hậu COVID-19 cao hơn nhóm trẻ khác”, ông Điển nói.

Cần đưa trẻ đi khám lại

Các bác sĩ khuyến cáo, khi cha mẹ thấy trẻ có các triệu chứng như mô tả ở trên hoặc thấy xuất hiện bất kì dấu hiệu/triệu chứng nào mà trước khi mắc COVID-19 trẻ không có, cần cho trẻ đi khám tại các cơ sở y tế.

Ông Điển cho biết, không phải tất cả các triệu chứng xuất hiện ở trẻ sau mắc COVID-19 đều là hậu COVID-19. Trước khi kết luận triệu chứng đó do hậu COVID-19, cần loại trừ các nguyên nhân khác. Ví dụ, một em bé đến khám vì ho kéo dài, sụt cân sau mắc COVID-19, trẻ hoàn toàn có thể bị bệnh lao phổi hoặc các bệnh lí hô hấp khác. Do đó, trẻ sẽ được các bác sĩ thăm khám, đánh giá sức khỏe tổng thể, xác định các triệu chứng chính hiện tại.

Hiện tại, chưa thể biết chính xác được khoảng thời gian hậu COVID-19 kéo dài bao lâu. Tuy nhiên, nếu kéo dài hơn 4 tuần hoặc trẻ cảm thấy đau ngực, khó thở nhiều hoặc khó thở lúc nghỉ ngơi, sốt cao liên tục, li bì thì cần đưa trẻ đi khám ngay.

“Chỉ làm các xét nghiệm thăm dò cần thiết khi có biểu hiện triệu chứng, không chỉ định tổng thể (gói) quá nhiều xét nghiệm cho trẻ em. Nguyên tắc trong điều trị bao gồm: phối hợp nhiều chuyên khoa; chẩn đoán bằng phương pháp loại trừ và điều trị triệu chứng, phục hồi chức năng và tự điều chỉnh”, ông Điển nói.

Quá trình khám và xét nghiệm kĩ lưỡng sẽ giúp phát hiện, chẩn đoán và điều trị kịp thời những vấn đề hậu COVID-19 ở trẻ như: MIS-C, tổn thương phổi, rối loạn giấc ngủ, giảm trí nhớ, giảm tập trung… Đồng thời, cung cấp chế độ dinh dưỡng, chế độ nghỉ ngơi, tâm lí phù hợp cho trẻ theo độ tuổi giúp hồi phục tốt, tăng cường sức khỏe (Tiền phong, trang 6).

 

Lô vaccine COVID-19 đầu tiên cho trẻ em sẽ về Việt Nam vào ngày 9/4

Ngày 7/4, trao đổi với phóng viên Báo CAND, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, lô vaccine đầu tiên phòng COVID-19 cho trẻ em gần 1 triệu liều sẽ về Việt Nam vào ngày 9/4. Đây là lô vaccine đầu tiên dành cho trẻ em trong số hơn 13 triệu liều mà Chính phủ Australia viện trợ cho Việt Nam.

Thứ trưởng cho biết, dự kiến lô vaccine thứ 2 khoảng hơn 2 triệu liều sẽ về vào ngày 13/4. Lô thứ 3 hơn 4 triệu liều sẽ về trước ngày 18/4. Tổng số có khoảng hơn 7 triệu liều vaccine sẽ về Việt Nam trong tháng 4/2022.

Ngay sau khi có vaccine, công tác tiêm chủng sẽ nhanh chóng được triển khai trước tiên cho trẻ khối lớp 6. Bộ Y tế đã hướng dẫn các tỉnh, thành phố về việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ ở độ tuổi này; đề nghị địa phương, đơn vị khẩn trương xây dựng kế hoạch báo cáo UBND ban hành kế hoạch triển khai tại địa phương và hướng dẫn, phổ biến cho các cơ sở y tế, tích cực chuẩn bị để sớm triển khai vaccine cho trẻ em từ 5 – 11 tuổi; các phản ứng thường gặp sau tiêm vaccine ở trẻ cần lưu ý.

Trước đó, Bộ Y tế phê duyệt 2 loại vaccine phòng COVID-19 tiêm cho trẻ dưới 12 tuổi, gồm vaccine Pfizer (tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi) và vaccine Moderna (tiêm cho trẻ từ 6-11 tuổi) (Công an nhân dân, trang 4; Tiền phong, trang 2).

 

Thêm 45.886 ca trong 24 giờ qua, Việt Nam đã có hơn 10 triệu bệnh nhân Covid-19

Theo tin từ Bộ Y tế, trong 24 giờ qua, nước ta ghi nhận 45.886 ca nhiễm mới Covid-19, trong đó có 2 ca nhập cảnh và 45.884 ca ghi nhận trong nước tại 63 tỉnh, thành phố (giảm 3.240 ca so với ngày trước đó). Như vậy, kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện cho đến nay, nước ta đã ghi nhận hơn 10.000.000 ca nhiễm.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là Đắk Lắk (giảm 445 ca), Bắc Ninh (giảm 440 ca), Hà Nội (giảm 402 ca). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là Gia Lai (tăng 846 ca), Quảng Ngãi (tăng 499 ca), Bình Dương (tăng 186 ca). Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 55.374 ca/ngày.

Cụ thể, tính từ 16h ngày 6-4 đến 16h ngày 7-4, trên Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 45.886 ca nhiễm mới, trong đó 2 ca nhập cảnh và 45.884 ca tại 63 tỉnh, thành phố (có 33.715 ca trong cộng đồng).

Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: Hà Nội (3.635), Bắc Giang (2.267), Phú Thọ (2.174), Yên Bái (2.167), Nghệ An (1.965), Quảng Ninh (1.956), Lào Cai (1.826), Đắk Lắk (1.619), Bắc Kạn (1.523), Vĩnh Phúc (1.299), Quảng Bình (1.217), Cao Bằng (1.103), Tuyên Quang (1.102), Lạng Sơn (1.087), Thái Bình (1.078), Thái Nguyên (958), Bắc Ninh (917), Hà Giang (897), Hải Dương (867), thành phố Hồ Chí Minh (864), Gia Lai (846), Hưng Yên (842), Quảng Trị (747), Sơn La (730), Lâm Đồng (714), Vĩnh Long (678), Bình Định (635), Bình Dương (599), Hà Tĩnh (575), Lai Châu (569), Hòa Bình (543), Hà Nam (539), Tây Ninh (537), Bình Phước (532), Bến Tre (530), Quảng Ngãi (499), Ninh Bình (474), Đà Nẵng (472), Cà Mau (457), Điện Biên (440), Nam Định (438), Đắk Nông (363), Bà Rịa – Vũng Tàu (278), Quảng Nam (241), Thừa Thiên – Huế (235), Phú Yên (234), Hải Phòng (231), Thanh Hóa (218), Khánh Hòa (208), Bình Thuận (194), Trà Vinh (167), An Giang (129), Kiên Giang (118), Bạc Liêu (92), Long An (76), Kon Tum (41), Cần Thơ (40), Ninh Thuận (27), Đồng Nai (23), Sóc Trăng (17), Đồng Tháp (16), Hậu Giang (12), Tiền Giang (7).

Ngoài ra, ngày 7-4, Sở Y tế Bà Rịa – Vũng Tàu đăng ký bổ sung 32.342 ca, Sở Y tế Gia Lai đăng ký bổ sung 12.000 ca trên Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin.

Như vậy, kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 10.070.692 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 110/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 101.849 ca nhiễm).

Riêng đợt dịch thứ 4 (tính từ ngày 27-4-2021 đến nay), số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.062.951 ca, trong đó có 8.392.249 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này là Hà Nội (1.514.982), thành phố Hồ Chí Minh (600.037), Nghệ An (410.099), Bình Dương (380.590), Vĩnh Phúc (351.349).

Về tình hình điều trị, có thêm 117.503 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi là 8.395.066 ca. Ngoài ra, hiện có 1.674 bệnh nhân đang thở ôxy, trong đó có 1.149 ca thở ôxy qua mặt nạ, 259 ca thở ôxy dòng cao HFNC, 58 ca thở máy không xâm lấn, 207 ca thở máy xâm lấn và 1 ca phải sử dụng ECMO (thiết bị tim, phổi nhân tạo).

Về số bệnh nhân tử vong, trong 24 giờ qua, nước ta ghi nhận 21 ca tử vong tại 13 tỉnh, thành phố: Kiên Giang (4), Cao Bằng (2), Sóc Trăng (2), Thái Bình (2), thành phố Hồ Chí Minh (2), Vĩnh Long (2), Bắc Giang (1), Bắc Kạn (1), Bình Phước (1), Đồng Nai (1), Đồng Tháp (1), Gia Lai (1), Lâm Đồng (1). Đây cũng là ngày ghi nhận số ca tử vong do Covid-19 giảm mạnh nhất trong thời gian qua.

Trung bình số ca tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 34 ca/ngày. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 42.733 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm (Hà Nội mới, trang 7).

Thanh Huyền

 

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 9/9/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 31/5/2019

CDC Hà Nam

Làm gì để “hút” người dân khám chữa bệnh tại y tế cơ sở?; Cảnh báo việc sử dụng thẻ BHYT của người khác để khám chữa bệnh; Xót xa bé gái xuất huyết não, dập gan sau cú rơi từ tầng 7

CDC Hà Nam