Điểm báo ngày 23/10/2019

(CDC Hà Nam)
Hà Nội: Dự kiến hết tháng 11 sẽ khống chế được dịch sốt xuất huyết; Xử lý 242 vụ trộm cắp tài sản tại các bệnh viện ở Hà Nội; Người bệnh tự nhận diện mình trước khi phẫu thuật ngay trên bàn mổ

 

Hà Nội: Dự kiến hết tháng 11 sẽ khống chế được dịch sốt xuất huyết

Theo Sở Y tế Hà Nội, số mắc sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn thành phố dự kiến vẫn tiếp tục tăng cao trong tháng 10 và tháng 11-2019, tuy nhiên từ cuối tháng 11 trở đi số mắc có thể sẽ giảm và dịch được khống chế…Báo cáo về tình hình dịch bệnh trên địa bàn, Sở Y tế Hà Nội cho biết, chỉ trong một tuần vừa qua (từ 14 đến 20-10), toàn thành phố ghi nhận thêm 831 ca mắc SXH, nâng tổng số ca mắc từ đầu năm đến nay lên 7.646 ca, chưa có tử vong. Các quận, huyện có nhiều bệnh nhân mắc SXH như: Hà Đông, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Đống Đa, Thường Tín, Thanh Trì, Hoàng Mai, Thanh Oai, Hoài Đức, Bắc Từ Liêm… Đáng chú ý, bệnh nhân mắc SXH tại Hà Nội có xu hướng gia tăng từ tháng 9 đến nay. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội dự báo, những tháng cuối năm 2019, tình hình dịch bệnh SXH trên địa bàn tiếp tục diễn biến phức tạp, số mắc có thể tăng cao do chu kỳ của đỉnh dịch thường vào tháng 10 và tháng 11 hàng năm. Do đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội yêu cầu Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã tăng cường hoạt động giám sát dịch, triển khai chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy và chiến dịch phun hóa chất. Huy động cán bộ y tế đáp ứng tối đa cho công tác phòng, chống dịch SXH, đặc biệt là tại các ổ dịch có diễn biến kéo dài. Ngành y tế Hà Nội cũng đặt mục tiêu phấn đấu hết tháng 11-2019, thành phố sẽ khống chế được dịch bệnh SXH. Cụ thể, ngành y tế đặt ra mục tiêu khống chế sự gia tăng của số mắc không quá 600 trường hợp trong 1 tuần; số mắc cả năm 2019 dưới 9.264 trường hợp, không có tử vong do SXH Dengue (An ninh thủ đô, trang 4).

 

Xử lý 242 vụ trộm cắp tài sản tại các bệnh viện ở Hà Nội

Sáng 22-10, Công an thành phố Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội và các bệnh viện trên địa bàn đã tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện quy chế phối hợp bảo đảm an ninh, trật tự và ký kết quy chế phối hợp mới. Dự hội nghị có các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Hồng Sơn; Giám đốc Công an thành phố, Trung tướng Đoàn Duy Khương. Theo số liệu của Công an thành phố Hà Nội, từ tháng 3-2014 đến nay, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 14 vụ hành hung nhân viên y tế tại các bệnh viện: Bạch Mai, Đa khoa Thạch Thất, Đại học Y Hà Nội, Đa khoa Xanh Pôn, Nội tiết trung ương… Trong đó, Công an thành phố đã khởi tố 9 vụ với 12 bị can. Cũng trong thời gian trên, Công an thành phố đã đấu tranh, xử lý 242 vụ trộm cắp tài sản, 5 vụ cố ý gây thương tích, 206 vụ gây rối trật tự công cộng tại các bệnh viện…

Thời gian tới, Công an thành phố sẽ chủ động nắm tình hình, điều tra cơ bản, trao đổi thông tin với các bệnh viện để phát hiện, ngăn ngừa sớm các hành vi vi phạm pháp luật tại cơ sở. Đồng thời, công an các đơn vị, địa phương tiếp tục chủ động tuần tra, kiểm soát, tăng cường chế độ trực ban, ý thức trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ khi xử lý các vụ việc xảy ra tại các bệnh viện.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Hồng Sơn đề nghị, Công an thành phố, Sở Y tế Hà Nội và các bệnh viện tích cực trao đổi thông tin nhằm phòng ngừa, xử lý nhanh các tình huống gây mất an ninh, trật tự; đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo đảm an toàn giao thông, trật tự đô thị tại các cổng bệnh viện. Theo đồng chí Lê Hồng Sơn, các đơn vị cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong công tác kiểm tra việc chấp hành pháp luật về y tế, vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường… trên địa bàn thành phố (Hà Nội mới, trang 1).

 

Người bệnh tự nhận diện mình trước khi phẫu thuật ngay trên bàn mổ

Ứng dụng này giúp tránh nhầm lẫn bệnh nhân trong phẫu thuật, đồng thời giải tỏa nỗi lo lắng chờ đợi tin tức bệnh nhân của thân nhân người bệnh bấy lâu nay. Đây là ứng dụng mới của Bệnh viện Mỹ Đức – Phú Nhuận (TP.HCM) vừa được hội đồng bình chọn giải thưởng y tế thông minh của Sở Y tế TP.HCM nghiệm thu, đánh giá cao.

Theo Sở Y tế, ứng dụng này do nhóm chuyên gia công nghệ thông tin của Bệnh viện Mỹ Đức – Phú Nhuận sáng tạo dựa nền tảng web và di động. Cùng với việc cung cấp các dữ liệu hành chính về cá nhân, người bệnh khi thực hiện thủ tục nhập viện sẽ được chụp ảnh và in mã vạch.

Toàn bộ thông tin nhận dạng bệnh nhân này sẽ được sử dụng xuyên suốt và chuyển tải giữa các khoa, phòng trong bệnh viện trong quá trình nằm viện của người bệnh.

Với ứng dụng này giúp người bệnh có thể tự kiểm tra lại thông tin hành chính của chính mình ngay tại phòng mổ, thời điểm trước gây mê và phẫu thuật.

Đặc biệt, trong thời gian chờ đợi, thân nhân người bệnh bớt trạng thái lo lắng khi được bệnh viện cập nhật liên tục thông tin về cuộc mổ của bệnh nhân gồm giai đoạn bắt đầu đưa vào phòng mổ, bắt đầu gây mê, phẫu thuật, mổ xong, chuyển sang phòng hồi sức sau mổ và cho đến khi bệnh nhân ổn định.

Theo bệnh viện, thời gian tới đơn vị tiếp tục hoàn thiện sản phẩm này bằng cách sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt (face ID) thay cho chụp ảnh và công nghệ bảo mật thông tin người bệnh. Ông Đặng Quang Vinh – phó giám đốc Bệnh viện Mỹ Đức – cho biết dự án này được xây dựng từ đầu năm 2019 và bắt đầu áp dụng thực tế khoảng 4 tháng nay.

Đánh giá cao và khuyến khích các bệnh viện ứng dụng sáng tạo này, ông Tăng Chí Thượng – phó giám đốc Sở Y tế – khẳng định ứng dụng không chỉ giúp người bệnh “tự nhìn lại mình” ngay trong phòng mổ tránh nhầm lẫn, cạnh đó còn giúp người nhà bớt đi tâm lý sốt ruột trong quá trình ngồi chờ phẫu thuật. Tất cả đều hướng đến tăng sự hài lòng cho người bệnh. Được biết, ứng dụng này là 1 trong 34 sản phẩm sáng tạo vào vòng 2 giải thưởng y tế thông minh do Sở Y tế tổ chức (Tuổi trẻ, trang 14).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 18/4/2022

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 01/6/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 19/11/2021

Ngọc Nga

Để lại bình luận