Sốt xuất huyết vào mùa cao điểm
Ngày 7-6, Bộ Y tế cho biết, tính đến đầu tháng 6 cả nước đã ghi nhận hơn 24.000 người mắc sốt xuất huyết (SXH) tại 58 tỉnh thành phố, trong đó có 4 trường hợp tử vong tại Bình Định, Bình Phước, Cần Thơ và Tây Ninh. Hầu hết trường hợp mắc SXH đều tập trung ở các tỉnh thành phía Nam.
Theo đánh giá của cơ quan y tế, mặc dù số người mắc SXH giảm nhiều so với cùng kỳ năm ngoái nhưng theo chu kỳ, từ tháng 6 tới tháng 8 là mùa cao điểm của dịch SXH do thời tiết bắt đầu mưa nhiều và nóng ẩm – là điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển. Thực tế này đòi hỏi các địa phương và người dân không chủ quan trước nguy cơ bùng phát của dịch SXH.
Hiện nay, SXH vẫn chưa có vaccine phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu. Biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt, cắt đứt đường lây truyền của muỗi. Đồng thời, người dân cũng cần tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng chống dịch. (Sài Gòn giải phóng, trang 9).
Ngày hội hiến máu “giọt hồng miền non nước”
Sáng nay 7/6, tại tỉnh Cao Bằng, Ban tổ chức Hành trình Đỏ Trung ương phối hợp với Ban Chỉ đạo Vận động hiến máu tình nguyện (HMTN) tỉnh Cao Bằng tổ chức ngày hội hiến máu “Giọt hồng miền non nước”. Đây là sự kiện hiến máu đầu tiên, khởi động cho Hành trình Đỏ lần thứ VIII năm 2020.
Chương trình với thông điệp “Kết nối dòng máu Việt” do Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương phối hợp với Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia Vận động HMTN, Công ty Cổ phần VTV Corp và Ban Chỉ đạo Vận động HMTN, Hội Chữ thập đỏ 42 tỉnh/thành phố tổ chức thực hiện… (Công an nhân dân, trang 1).
Ngày thứ 52 liên tiếp không lây nhiễm dịch trong cộng đồng
Chiều 7-6, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cho biết, trong ngày cả nước không ghi nhận thêm ca nhiễm mới Covid-19 và là ngày thứ 52 liên tiếp không lây nhiễm dịch trong cộng đồng.
Hiện số người mắc Covid-19 tại Việt Nam vẫn là 329 trường hợp, trong đó có 189 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 9.088 người, trong đó cách ly tập trung tại bệnh viện 72 người, còn lại cách ly tập trung tại cơ sở, tại nhà và nơi lưu trú.
Việt Nam đã có 307/329 bệnh nhân Covid-19 được công bố khỏi bệnh, ra viện (chiếm tỷ lệ 93,3%); 22 bệnh nhân còn đang điều trị, phần lớn sức khỏe ổn định. Trong số đó có 15 người hơn 1 lần âm tính với virus SARS-CoV-2.
Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đề nghị người dân thực hiện nghiêm túc các khuyến cáo về hạn chế lây nhiễm Covid-19 gồm: vệ sinh tay; che miệng và mũi khi ho và hắt hơi; giữ khoảng cách tối thiểu 1m; thường xuyên làm sạch và khử trùng các vật/bề mặt hay được chạm vào; hạn chế ở những không gian kín hoặc nơi đông người. (Sài Gòn giải phóng, trang 9; Sức khỏe & Đời sống, trang 3; Thanh niên, trang 3; An ninh thủ đô, trang 2).
Sở Y tế Thanh Hóa: Có sơ xuất, khuyết điểm trong mua máy xét nghiệm Covid-19
Chiều 7-6, ông Trịnh Hữu Hùng, giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa, cho biết do thời gian cấp bách khi mua thiết bị phòng chống dịch bệnh nên hồ sơ của nhà thầu, đơn vị tư vấn mua máy xét nghiệm COVID-19 có sơ suất, khuyết điểm.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, Thanh tra tỉnh Thanh Hóa vừa có kết luận thanh tra chỉ ra một số hạn chế, khuyết điểm, sơ suất trong quá trình mua máy xét nghiệm COVID-19 tại Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh này.
Kết luận nêu rõ đơn vị tư vấn thẩm định giá đã thu thập thông tin trên một số trang mạng nước ngoài về giá các sản phẩm tương tự và lấy báo giá của 3 đơn vị kinh doanh làm cơ sở để so sánh, xác định giá. Kết luận của Thanh tra tỉnh Thanh Hóa còn chỉ rõ: những hạn chế, khuyết điểm nêu trên trách nhiệm chính thuộc về chủ đầu tư là Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa; các đơn vị tư vấn thẩm định giá và nhà thầu cung cấp. Sở Tài chính Thanh Hóa chịu trách nhiệm trong việc phối hợp thẩm định dự toán, trình chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt chưa phát hiện, xử lý kịp thời những hạn chế, khuyết điểm của đơn vị tư vấn thẩm định giá.
Được biết, gói thầu mua sắm trang thiết bị xét nghiệm phòng chống dịch bệnh COVID-19 do Sở Y tế Thanh Hóa làm chủ đầu tư, được thực hiện theo hình thức chỉ định thầu với mức giá hơn 4,5 tỉ đồng. Trong đó, riêng hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR tự động được mua với giá 3,796 tỉ đồng, hiện đang đặt tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa. (Tuổi trẻ, trang 5).