Bắt giam các ông Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh, Phạm Công Tạc
Ngày 7/6, Cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố bị can, bắt tạm giam cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh và cựu Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc, vì có sai phạm liên quan vụ Việt Á.
Tối 7/6, Bộ Công an cho biết, quá trình điều tra mở rộng vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ” xảy ra tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á và các đơn vị, địa phương liên quan, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam các ông Nguyễn Thanh Long, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế; Chu Ngọc Anh, nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội và ông Phạm Công Tạc, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.
Cụ thể, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định bổ sung Quyết định khởi tố vụ án về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Đồng loạt khởi tố, bắt giam 3 cựu cán bộ
Đồng thời, CQĐT cũng ra các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với các ông Chu Ngọc Anh, ông Phạm Công Tạc về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, quy định tại Khoản 3, Điều 219, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Riêng ông Nguyễn Thanh Long bị điều tra về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, quy định tại Khoản 3, Điều 356, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Theo cơ quan điều tra, hành vi sai phạm của ông Chu Ngọc Anh ở thời kỳ ông này làm Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ. CQĐT xác định, ông Chu Ngọc Anh có hành vi vi phạm quy định của pháp luật trong việc giao, quản lý, sử dụng Đề tài khoa học và công nghệ cấp Quốc gia nghiên cứu, chế tạo Kit xét nghiệm COVID-19, gây thất thoát, lãng phí tài sản Nhà nước, đã phạm vào tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, quy định tại Khoản 3, Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Ông Nguyễn Thanh Long, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái các quy định của pháp luật trong việc cấp số đăng ký lưu hành, hiệp thương giá và kiểm tra giá hiệp thương Kit xét nghiệm COVID-19, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản Nhà nước, đã phạm vào tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, quy định tại Khoản 3, Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Ông Phạm Công Tạc, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ bị cáo buộc có hành vi vi phạm quy định của pháp luật trong việc quản lý, sử dụng Đề tài khoa học và công nghệ cấp Quốc gia nghiên cứu, chế tạo kit xét nghiệm COVID-19, gây thất thoát, lãng phí tài sản Nhà nước, đã phạm vào tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, quy định tại Khoản 3, Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Sau khi Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thi hành các Quyết định, Lệnh nêu trên đúng quy định của pháp luật.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án; rà soát, kê biên, phong tỏa tài sản của các đối tượng để đảm bảo triệt để thu hồi cho Nhà nước.
Khai trừ Đảng, xử lý kỷ luật
Ông Nguyễn Thanh Long(sinh ngày 3/9/1966) tại xã Bạch Long, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định.
Ngày 6/6/2022, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII đã họp bất thường để xem xét, thi hành kỷ luật ông Nguyễn Thanh Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế.
Sau khi xem xét đề nghị của Bộ Chính trị, căn cứ nội dung, tính chất, mức độ hậu quả, nguyên nhân vi phạm; theo quy định của Đảng về kỷ luật đảng viên vi phạm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định thi hành Khai trừ ra khỏi Đảng ông Nguyễn Thanh Long.
Trước đó, Bộ Chính trị cũng đã xem xét vi phạm của ông Nguyễn Thanh Long. Theo Bộ Chính trị, ông Nguyễn Thanh Long đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm Quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định trách nhiệm nêu gương; gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí lớn ngân sách nhà nước; ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch COVID-19; gây bức xúc trong xã hội; ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, Bộ Y tế.
Bộ Chính trị xác định ông Nguyễn Thanh Long có trách nhiệm liên quan vụ Việt Á cùng với ông Chu Ngọc Anh (Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Hà Nội, nguyên Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ).
Tiếp đó, ngày 7/6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc bãi nhiệm tư cách đại biểu và phê chuẩn cách chức với ông Nguyễn Thanh Long.
Sáng 7/6, trả lời câu hỏi của Tiền Phong về những lý do dẫn đến quyết định bỏ phiếu bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội và cách chức Bộ trưởng Bộ Y tế đối với ông Nguyễn Thanh Long, bà Nguyễn Thị Thanh, Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, ông Long có một số vi phạm.
Cụ thể, bà Thanh thông tin, theo kết luận của các cơ quan có thẩm quyền, ông Nguyễn Thanh Long đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát, can thiệp, tác động, hỗ trợ công ty Việt Á trong quá trình cấp sổ đăng ký lưu hành tạm thời và chính thức; hiệp thương giá và kiểm tra giá hiệp thương với bộ kit xét nghiệm để việc ban hành các thông báo giá các sinh phẩm, trang thiết bị y tế chẩn đoán COVID-19… (Tiền phong, trang 1; Tuổi trẻ, trang 1; An ninh Thủ đô, trang 4; Thanh niên, trang 1; Công an nhân dân, trang 1; Nhân dân, trang 8; Sài Gòn giải phóng, trang 1).
Y tế cơ sở – để thực sự là ”người gác cổng”
Duy trì 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế đến năm 2025 theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội là một thách thức không nhỏ, đặc biệt khi tuyến y tế cơ sở đã bộc lộ nhiều điểm yếu thời điểm dịch Covid-19 bùng phát. Báo Hànộimới trân trọng giới thiệu loạt bài: “Y tế cơ sở – để thực sự là “người gác cổng””, phản ánh quyết tâm của thành phố Hà Nội trong việc đưa các trạm y tế xã, phường, thị trấn về đúng vị trí, vai trò là “người gác cổng” chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân.
Bài 1: Tiền đề vững chắc trong phòng, chống dịch
Là tuyến y tế trực tiếp, gần dân nhất, nên vào thời điểm dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, trạm y tế các xã, phường, thị trấn trên địa bàn Thủ đô phải đảm đương một khối lượng công việc khổng lồ. Dù vậy, cả hệ thống đã nỗ lực hết mình, các nhân viên y tế không quản ngại khó khăn, làm việc cả ngày lẫn đêm để đáp ứng công việc, tạo tiền đề vững chắc trong phòng, chống dịch.
Làm hết việc, không hết giờ
Đã hơn 12h trưa, nhưng bác sĩ Lưu Thị Loan, Trạm trưởng Trạm y tế phường Việt Hưng (quận Long Biên) vẫn tranh thủ hoàn thành một số giấy tờ, sổ sách khám, chữa bệnh. Bởi, toàn bộ thời gian buổi sáng, chị được phân công phối hợp với nhân viên y tế của Trung tâm Y tế quận Long Biên đến khám sức khỏe định kỳ cho học sinh Trường Mầm non đô thị Việt Hưng. “Ở đây chúng tôi không có khái niệm về bữa trưa đúng giờ, mà xong việc lúc nào thì ăn lúc đó”, bác sĩ Loan tâm sự.
Nhắc lại thời điểm cách đây khoảng 3 tháng, khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh trên địa bàn thành phố, bác sĩ Loan cho biết: “Thời điểm ấy, cả trạm có 6 nhân viên y tế, nhưng có đến 4 người mắc Covid-19. Người thì thiếu, trong khi phải gánh vác một khối lượng công việc khổng lồ, từ điều tra truy vết, tiêm vắc xin, đến tư vấn cho F0 điều trị tại nhà, cấp phát thuốc điều trị, cấp giấy xác nhận dương tính, ra quyết định cách ly, quyết định hoàn thành cách ly…, khiến chúng tôi gần như không có thời gian nghỉ ngơi, không có thời gian dành cho gia đình”.
Tương tự, số nhân viên tại Trạm y tế phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm), kể cả bảo vệ là 8 người. Vào thời điểm đỉnh dịch cũng là lúc toàn bộ cán bộ, nhân viên y tế ở đây mắc Covid-19. Thế nhưng, họ vẫn phải căng mình làm việc. Nhiều đêm, các nhân viên F0 phải thức đến 6h sáng để xử lý công việc và trả lời, tư vấn cho bệnh nhân, đến thời gian ngủ, nghỉ cũng không có. Phó Trạm trưởng Trạm y tế phường Trung Văn Nguyễn Trà My kể: “Khi ấy, chúng tôi ăn, ở, làm việc trực tuyến và cách ly tại trạm. Lượng công việc được chia đều, bố trí cả nhân viên làm ca đêm, thay phiên nhau trực. Những người mới mắc, có triệu chứng mệt mỏi hơn sẽ được nghỉ buổi sáng và bắt đầu công việc vào buổi chiều…”.
Còn Trạm trưởng Trạm y tế phường Quỳnh Mai (quận Hai Bà Trưng) Nguyễn Thị Ánh Nguyệt kể lại: “Chỉ với 8 nhân viên y tế và vào thời điểm F0 gia tăng mạnh, khối lượng công việc như núi đổ về, cái gì cũng đến tay. Quận có đặc trưng nhiều phố nhỏ, ngõ nhỏ, nhiều ngách, nhiều khu tập thể cao tầng, nên việc tiếp cận nhà F0 là vô cùng vất vả. Có những lúc nửa đêm, F0 bị khó thở, người nhà họ gọi điện đến trạm y tế, chúng tôi ngay lập tức phân công nhân viên y tế mang bình ô xy đến hỗ trợ. Nhân viên y tế toàn là nữ giới “chân yếu tay mềm”, nhưng họ phải vác những chiếc bình ô xy nặng tới gần 15kg, leo bộ vài tầng cầu thang, thậm chí phải chạy nhanh nhất có thể đến cứu người bệnh”.
Trong khi đó, tại xã Tân Triều (huyện Thanh Trì) vào thời điểm sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, số ca mắc Covid-19 tăng đột biến, lên tới 700-800 ca mắc/ngày, trong khi trạm y tế chỉ có 9 nhân viên. Chính vì vậy, nhân viên Trạm y tế xã Tân Triều làm suốt ngày đêm cũng không hết việc. Có những thời điểm, 21-22h đêm, nhân viên y tế mới rời trạm về nhà…
Góp sức “phủ sóng” vắc xin
Kể từ mũi vắc xin phòng Covid-19 đầu tiên được tiêm cho cán bộ y tế tuyến đầu chống dịch vào ngày 9-3-2021, đến thời điểm hiện tại, toàn thành phố đã tiêm được hơn 18,4 triệu mũi vắc xin phòng Covid-19, trong đó mũi 1 đạt 99%, mũi 2 đạt 96,5%, mũi bổ sung đạt 100%, mũi nhắc lại đạt 95,7%. Kết quả này đã góp phần đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân và đưa Thủ đô dần trở lại cuộc sống bình thường mới. Góp sức “phủ sóng” vắc xin để sớm đạt miễn dịch cộng đồng không thể không kể đến lực lượng y tế tuyến cơ sở.
Dẫn chứng về thời điểm triển khai chiến dịch tiêm chủng với quy mô chưa từng có từ trước đến nay, diễn ra vào tháng 9-2021, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, có những ngày lực lượng y tế đã thực hiện tiêm hơn 600 nghìn mũi vắc xin phòng Covid-19, một số điểm tiêm chủng sáng đèn đến 2-3h sáng. Đặc biệt, hưởng ứng phát động của Thủ tướng Chính phủ, chiến dịch tiêm chủng mùa xuân đã diễn ra xuyên suốt, an toàn, hiệu quả trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 trên toàn thành phố. “Không có cái Tết trọn vẹn, nhưng những cán bộ y tế vẫn tận tâm, tận lực vì cộng đồng. Thậm chí, họ đã đi tới từng nhà, từng ngõ nhỏ để tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho những người cao tuổi mắc bệnh nền, khó khăn trong đi lại không thể đến được trạm y tế… Họ là những người đã “không chọn việc nhẹ nhàng” ngày đêm sát cánh cùng người dân Thủ đô chiến đấu với dịch bệnh”, bà Trần Thị Nhị Hà nói.
Bên cạnh đó, tuyến y tế cơ sở còn được giao một nhiệm vụ rất quan trọng là quản lý, theo dõi, điều trị F0 tại cộng đồng. Cũng nhờ vào sự tư vấn, hướng dẫn tận tình của đội ngũ nhân viên y tế cơ sở, người dân đã chủ động khai báo và thực hiện cách ly, yên tâm chăm sóc sức khỏe tại nhà theo hướng dẫn, giúp giảm quá tải cho các cơ sở y tế. Bà Nguyễn Thị Nhung (64 tuổi, tổ dân phố số 2, phường Việt Hưng, quận Long Biên) chia sẻ: “Ban đầu khi biết mình bị nhiễm Covid-19, tôi rất lo lắng và muốn được vào bệnh viện điều trị. Thế nhưng, sau khi được cán bộ y tế phường động viên, tư vấn, hướng dẫn cách theo dõi, tôi hoàn toàn yên tâm cách ly và điều trị khỏi bệnh tại nhà”.
Y tế cơ sở được xem là một trong hai “mũi giáp công”, vừa chống dịch, vừa là nơi chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Đại dịch Covid-19 như một “phép thử” đối với y tế cơ sở trong việc khẳng định vai trò là “người gác cổng” tiên phong và quan trọng trong hệ thống y tế của Thủ đô. Tuy nhiên, chính “phép thử” ấy cũng bộc lộ không ít điểm yếu và đã đến lúc trạm y tế cần phải được tiếp sức. (Còn nữa) (Hà Nội mới, trang 1).
Thành phố Hồ Chí Minh: Nâng chất hệ thống trạm y tế
Các cấp, ngành của thành phố Hồ Chí Minh đã và đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng của hệ thống trạm y tế để tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân ngay từ cơ sở. Nhiều giải pháp tăng cường nhân lực, vật lực, thiết bị, công nghệ… được đẩy mạnh triển khai và bước đầu đã phát huy hiệu quả tích cực.
Những chuyển biến đáng khích lệ
Cuối tháng 5 vừa qua, Trạm y tế phường Phước Bình, thành phố Thủ Đức là cơ sở y tế mới nhất của thành phố Hồ Chí Minh chuyển sang hoạt động theo nguyên lý y học gia đình. Trạm được đầu tư kinh phí, nâng cấp các phòng chức năng sạch sẽ, khang trang. Bên cạnh 2 bác sĩ cơ hữu, trạm còn được tăng cường 1 bác sĩ từ Trung tâm Y tế thành phố Thủ Đức hỗ trợ hằng tuần về siêu âm và 1 bác sĩ trẻ được tăng cường về cơ sở. Bà Hoàng Trúc Quỳnh, 72 tuổi, ở đường số 11 phường Phước Bình cho biết: “Tôi được các bác sĩ chuyên khoa tại Trạm y tế phường Phước Bình khám kỹ, tư vấn đầy đủ; được kết nối với bác sĩ tuyến trên tư vấn từ xa qua camera. Được khám bệnh gần nhà, tôi hài lòng với chất lượng dịch vụ tại trạm y tế”.
Theo Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, bên cạnh chức năng sơ cứu, cấp cứu ban đầu; khám, tư vấn, sàng lọc, phát hiện sớm và điều trị bệnh, trạm y tế còn là nơi chăm sóc sức khỏe người dân mắc các bệnh mạn tính. Ngoài ra, nhân viên y tế của trạm còn thực hiện các hoạt động y tế dự phòng như tiêm chủng, truyền thông giáo dục sức khỏe, chăm sóc sức khỏe trẻ em, phụ nữ mang thai, người cao tuổi, công tác dân số, phòng, chống dịch bệnh,… và nhiều hoạt động khác. Vì vậy, việc nâng cao năng lực của trạm y tế là rất cần thiết.
Tính đến ngày 5-6, thành phố Hồ Chí Minh đã có 38 trạm y tế cơ sở hoạt động theo nguyên lý y học gia đình và phát huy hiệu quả. Đơn cử như Trạm y tế phường 8, quận Gò Vấp đang chăm sóc sức khỏe ban đầu cho hơn 33.000 người dân. Trạm có 4 bác sĩ cơ hữu và 7 nhân sự chuyên môn khác, được đầu tư trang bị máy X-quang kỹ thuật số, siêu âm, đo điện tim, xét nghiệm cơ bản… Sở Y tế giao Bệnh viện quận Gò Vấp, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Nhi Đồng 2 hỗ trợ chuyên môn từ xa thông qua công nghệ Telemedicine, tiện lợi cho người dân khi đến khám, chữa bệnh.
Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Anh Dũng cho biết, ngành Y tế xác định nâng cao năng lực trạm y tế không đi theo hướng chuyển đổi thành một phòng khám chuyên khoa hay một bệnh viện thu nhỏ mà trở thành cánh tay nối dài của trung tâm y tế quận, huyện, thực hiện các nhiệm vụ tại cơ sở.
Tiếp tục tăng cường nhân lực, thiết bị, công nghệ
Từ đầu năm đến nay, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh đã đưa hơn 300 bác sĩ mới ra trường về thực tập, làm việc tại cơ sở, kết hợp thí điểm đào tạo bác sĩ mới tốt nghiệp thực hành tổng quát tại các bệnh viện gắn liền với trạm y tế. Đây là đề án “đột phá” nhằm giúp bác sĩ trẻ có điều kiện củng cố năng lực chuyên môn. Ngoài ra, thành phố còn cho phép trạm y tế được ký hợp đồng lao động với bác sĩ về hưu đến làm việc tại trạm.
Để các bác sĩ trẻ yên tâm công tác tại cơ sở, thành phố hỗ trợ 60 triệu đồng/18 tháng/bác sĩ; 30 triệu đồng cho điều dưỡng, hộ sinh trong 9 tháng. Người có chuyên môn y tế khác, trình độ từ cao đẳng trở lên hoặc trung cấp y sĩ nhận mức lương 7 triệu đồng/tháng. Bác sĩ Phạm Đăng Toàn vừa tốt nghiệp Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch khóa 2015-2021, được điều động về Trạm y tế phường Bình Hưng Hòa B (quận Bình Tân) chia sẻ: “Trực tiếp làm công tác chuyên môn tại cơ sở, tôi học và trải nghiệm được nhiều điều, từ đó trau dồi kỹ năng nghề nghiệp ngày một tốt hơn”.
Về tăng cường năng lực thiết bị, công nghệ, ngoài việc đầu tư một số thiết bị cơ bản, cuối tháng 5-2022 Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh còn “đặt hàng” Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo hỗ trợ đọc kết quả X-quang ngực, sử dụng tại các trạm y tế.
Theo Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh Tăng Chí Thượng, thành phố hiện có 310 trạm y tế, nên có trạm chịu trách nhiệm chăm sóc sức khỏe cho 100.000 người dân. Nếu không có những thay đổi, bổ sung thì 1.700 nhân viên y tế cơ sở khó có thể hoàn thành nhiệm vụ được giao. “Chúng tôi đã kiến nghị sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh, chuyển từ phân bổ trạm y tế theo địa giới hành chính sang phân bổ theo số dân cư trên địa bàn (từ 10.000 đến 20.000 người dân cần có một trạm y tế). Ngành Y tế thành phố kỳ vọng sớm xây dựng được hệ thống y tế cơ sở vững mạnh, chất lượng”, ông Tăng Chí Thượng chia sẻ. (Hà Nội mới, trang 6).
Thứ trưởng Thường trực Đỗ Xuân Tuyên được giao điều hành Bộ Y tế từ ngày 7/6
Đồng chí Đỗ Xuân Tuyên – Phó Bí thư Ban cán sự Đảng, Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế tạm thời điều hành hoạt động của Bộ Y tế kể từ ngày 7/6/2022.
Văn phòng Bộ Y tế vừa nhận được văn bản của Văn phòng Trung ương Đảng về phân công cán bộ điều hành hoạt động Bộ Y tế.
Theo đó, đồng chí Đỗ Xuân Tuyên – Phó Bí thư Ban cán sự Đảng, Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế tạm thời điều hành hoạt động của Bộ Y tế kể từ ngày 7/6/2022.
Trước đó, tại Quyết định 1771/QĐ-TTg ngày 9/12/2019, Thủ tướng Chính phủ điều động, bổ nhiệm đồng chí Đỗ Xuân Tuyên – Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Hưng Yên, giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Y tế.
Theo Quyết định 5496/QĐ-BYT 2021 phân công công việc của Lãnh đạo Bộ Y tế, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên được phân công phụ trách lĩnh vực dược, trang thiết bị y tế, an toàn thực phẩm, y dược cổ truyền; đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế; dự trữ quốc gia về thuốc, hóa chất, trang thiết bị y tế; cổ phần hóa doanh nghiệp và phát triển doanh nghiệp; Các hoạt động liên quan đến công tác dược điển, dược thư quốc gia; dân số – kế hoạch hóa gia đình; phát triển y tế cơ sở; thông tin, truyền thông, giáo dục sức khỏe; thi đua, khen thưởng; hoạt động của các tổ chức chính trị – xã hội của Bộ Y tế; Hoạt động của các hội nghề nghiệp thuộc lĩnh vực y – dược; công tác phối hợp với Công đoàn Y tế Việt Nam; tham gia chỉ đạo công tác thanh tra y tế và giải quyết khiếu nại tố cáo. Tham gia các Ban Chỉ đạo, các tổ chức phối hợp liên ngành Trung ương theo lĩnh vực được phân công…
Đồng chí Đỗ Xuân Tuyên sinh năm 1966, tốt nghiệp Học viện Quân y. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).
Hơn 31 triệu hộ chiếu vaccine của Việt Nam đến nay, được bao nhiêu nước công nhận?
Đến nay hơn 31 triệu người đã có hộ chiếu vaccine. Hộ chiếu vaccine sẽ được hiển thị trên ứng dụng Sổ Sức khỏe điện tử, PC- COVID. Hộ chiếu vaccine của Việt Nam có thể được sử dụng tại 81 quốc gia/vùng lãnh thổ.
Tính đến ngày 3/6, sau hơn 1,5 tháng triển khai ký xác nhận hộ chiếu vaccine hơn 31 triệu người ở nước ta đã có hộ chiếu vaccine.
Hộ chiếu vaccine là chứng nhận tiêm chủng COVID-19 điện tử do các cơ sở tiêm chủng và Bộ Y tế ký số xác nhận dựa trên thông tin tiêm chủng COVID-19 của người dân.
Hộ chiếu vaccine của Việt Nam sử dụng các tiêu chuẩn do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Liên minh Châu Âu (EU) ban hành.
Mã QR của hộ chiếu vaccine có thời hạn 12 tháng kể từ ngày Bộ Y tế ký số xác nhận. Khi mã hết hạn, người dân sẽ được thông báo và tự động khởi tạo mã QR mới để sử dụng.
Hộ chiếu vaccine sẽ được hiển thị trên ứng dụng Sổ Sức khỏe điện tử, PC- COVID hoặc trên trang tra cứu Bộ Y tế đang thực hiện xây dựng và sẽ công bố trong thời gian tới.
Hiện nay, hộ chiếu vaccine của Việt Nam đã được kết nối với hệ thống của EU. Qua đó, các phần mềm COVID-19 của các quốc gia thuộc EU có thể xác thực được hộ chiếu vaccine của Việt Nam. (Ví dụ: App CovidCheck của Thụy Sĩ, App Corona-Warn của Đức,…)
Ngoài ra, Việt Nam cũng đã đồng ý chấp nhận chứng chỉ kỹ thuật số về COVID-19 của EU cấp cho công dân EU. Theo đó, chứng thư số tương ứng với khoá bí mật đã được sử dụng để ký số lên hộ chiếu vaccine của các quốc gia tham gia EU DGC sẽ được đưa vào hệ thống của Việt Nam thông qua kết nối với EU gateway.
Công dân, cơ quan chức năng có thể sử dụng ứng dụng NEAC QR offline do Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng để kiểm tra tất cả hộ chiếu vaccine của EU và các nước đã tham gia hệ thống.
Trước đó, ngày 11/5 vừa qua, Uỷ ban châu Âu (EC) cũng đã ban hành Quyết định công nhận hộ chiếu vaccine điện tử của Việt Nam. Theo đó, hộ chiếu vaccine của Việt Nam sẽ được 27 nước EU công nhận; đồng thời, mã QR của hộ chiếu vaccine này cũng có thể được xác thực tại 39 quốc gia và vùng lãnh thổ cùng tham gia hệ thống hộ chiếu vaccine của EU.
Như vậy, hộ chiếu vaccine của Việt Nam có thể được sử dụng tại 81 quốc gia/vùng lãnh thổ. Đây là kết quả của những nỗ lực phối hợp trao đổi, cũng như đàm phán việc công nhận hộ chiếu vaccine với các đối tác của Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông.
Theo quyết định số 5772/QĐ-BYT ngày 20/12/2021 của Bộ Y tế, quy trình cấp hộ chiếu vaccine bao gồm 3 bước:
– Bước 1: Các cơ sở tiêm chủng rà soát, xác minh, xác thực thông tin người dân tiêm chủng vaccine COVID-19 theo hướng dẫn tại Công văn số 8938/BYT-DP ngày 21/10/2021 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn quy trình xác minh thông tin và tiêm chủng vaccine COVID-19 và Công văn số 9438/BYT-CNTT ngày 5/11/2021 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn Quy trình xác thực thông tin người dân trên Nền tảng Quản lý tiêm chủng COVID-19.
– Bước 2: Các cơ sở tiêm chủng thực hiện ký số dữ liệu tiêm chủng vaccine COVID-19 trên Nền tảng Quản lý tiêm chủng COVID-19. Nền tảng Quản lý tiêm chủng COVID-19 kết nối, chia sẻ dữ liệu tiêm chủng với Hệ thống Quản lý cấp chứng nhận tiêm chủng vaccine COVID-19 đáp ứng theo các quy định về kết nối dữ liệu y tế do Bộ Y tế ban hành.
Dữ liệu tiêm chủng vaccine COVID-19 trên Nền tảng Quản lý tiêm chủng COVID-19 cần đáp ứng quy định tại Mục 3 và Mục 4.
– Bước 3: Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế thực hiện ký số giấy xác nhận tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tập trung. Chứng nhận được cấp sử dụng định dạng mã QR theo tiêu chuẩn của EU quy định tại Mục 5.
Các ứng dụng phòng chống dịch quốc gia và các ứng dụng tiện ích khác (nếu được sự đồng ý của cá nhân người sử dụng) tiếp nhận và lưu giữ xác nhận tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 dạng mã QR theo hướng dẫn trao đổi dữ liệu y tế do Bộ Y tế ban hành. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).
6.550 ca ghép tạng tại Việt Nam trong 30 năm qua
Ngày 4/6 là ngày đánh dấu 30 năm ca ghép thận đầu tiên của Việt Nam thành công do BV Quân y 103 thực hiện. Bệnh nhân hiện tại vẫn sống và làm việc sức khỏe ổn định. Suốt 30 năm qua số lượng ca ghép tạng tăng nhanh (6.550 ca), nhiều kỹ thuật mới được áp dụng thành công.
GS.TS Phạm Gia Khánh – Chủ tịch Hội ghép tạng Việt Nam cho biết, công tác ghép tạng của Việt Nam xuất phát sau thế giới 50 năm nhưng lại có tốc độ phát triển vượt bậc và đuổi kịp thế giới. Công tác ghép tạng của Việt Nam suốt chặng đường 30 năm qua với số lượng ca ghép tăng nhanh. Chất lượng cuộc sống của bệnh nhân sau ghép tăng dần. Nhiều tiến bộ kỹ thuật ngoại khoa, các kỹ thuật mới và sử dụng thuốc đã được áp dụng thành công.
Tổng kết về thành tựu của công tác ghép tạng tại Việt Nam, GS.TS Phạm Gia Khánh cho biết, ghép tạng tại Việt Nam bắt đầu khởi xướng từ những năm 60 của thế kỷ 20. Số người được ghép tạng tại Việt Nam từ năm 1992 đến 31/5/2022 là 6.550 người. Trong đó, số người được ghép thận là 6.094 ca; Số người được ghép gan là: 384 ca; Số người được ghép tim là: 59 ca; Số người được thép phổi là: 9 ca; Số người được ghép tụy + thận là: 1 ca; số người được ghép tim + phổi là: 1 ca; Số người được ghép ruột là: 2 ca.
Về ghép thận: Hiện nay, có 21 bệnh viện thực hiện ghép thận. Các bệnh viện thực hiện ghép thận nhiều nhất từ năm 2019 tới 2022 có 5 bệnh viện gồm: BV 103, BV Việt Đức, BV TƯ Huế, BV Chợ Rãy, BV Bạch Mai. Bệnh viện ghép thận nhiều nhất hiện nay là BV Quân y 103. Về ghép gan: hiện nay có: 9 bệnh bệnh thực hiện ghép gan. Về ghép tim: hiện nay có 4 bệnh viện thực hiện được ghép tim Về ghép phổi: hiện nay có 3 bệnh viện thực hiện được ghép phổi.
Bệnh nhân ghép thận lại lần thứ 3 hiện vẫn sống khỏe ở năm thứ 8 sau ghép
Thông tin về thành quả trong công tác ghép thận tại Việt Nam, Thiếu tướng, GS.TS Trần Viết Tiến – Giám đốc BV Quân y 103 (Học Viện Quân y) cho biết, thành công của ngành ghép tạng Việt Nam được đánh dấu bởi ca ghép thận đầu tiên tại Bệnh viện Quân y 103.
Ngày 4/6 là ngày đánh dấu 30 năm ca ghép tạng đầu tiên của Việt Nam thành công tại BV Quân y 103. Công tác chuẩn bị ca ghép thận đầu tiên với nhiều khó khăn, nhiều sự cố gắng, giúp đỡ của các chuyên gia trong và ngoài nước, quân dân y phối hợp.
GS.TS Trần Viết Tiến cho hay, hiện tại, bệnh nhân được ghép thận đầu tiên vào ngày 4/6/1992 đã được 30 năm vẫn đang sống, làm việc với sức khỏe ổn định, chất lượng sống tốt, thành công trong công việc. Tuy nhiên thời gian gần đây, chức năng thận bệnh nhân có dấu hiệu kém hơn và đang chuẩn bị ghép thận lần 2. Bệnh nhân đang nằm điều trị tại bệnh viện quân y 103 trước khi ghép thận lại.
Về thời gian sống thêm của bệnh nhân sau gép thận, Thiếu tướng, GS.TS Trần Viết Tiến cho biết, bệnh nhân được ghép thận tại BV Quân y 103 có thời gian sống thêm tương đương với các trung tâm ghép tạng trên thế giới với tỷ lệ: 100% bệnh nhân sau ghép thận sống thêm 1 năm, 95% bệnh nhân sống thêm 5 năm sau ghép.
Thông tin về các ca ghép thận lại trên các bệnh nhân đã ghép thận, GS.TS Trần Viết Tiến cho biết, sức khỏe của các bệnh nhân đều ổn định sau tốt. Có những bệnh nhân ghép thận lại lần thứ 2 đã thành công cả về kỹ thuật ghép và điều trị sau ghép. Bệnh nhân hiện nay vẫn sống khỏe mạnh sau ca ghép lại đã hơn 5 năm. Có 1 ca ghép thận lần thứ 3, thời gian bệnh nhân sống đến nay đã được trên 8 năm, chức năng thận của bệnh nhân sau ghép lần 3 vẫn tốt.
Về kỹ thuật ngoại khoa, kỹ thuật nội soi trong ghép tạng cũng ghi nhận nhiều thành công. Hiện nay, với hơn 1000 ca ghép thận, bệnh viện đã tiến hành lấy thận nội soi từ người hiến được trên 300 người. Sau phẫu thuật lấy thận, người hiến có sức khỏe tốt. Các bệnh nhân được nhận thận từ kỹ thuật lấy thận nội soi tốt.
Theo GS.TS Trần Viết Tiến, trước đây, trong công tác ghép thận không tiến hành ghép cho những người bị viêm gan B và viêm gan C. Hiện nay, nhờ có tiến bộ của các loại thuốc điều trị hai loại viêm gan này cộng với thuốc chống thải ghép tốt, bệnh viện Quân y 103 vẫn tiến hành ghép thận cho người bị viêm gan B, C. Với những bệnh nhân này, ngay sau ghép, bệnh nhân được dùng thuốc kháng virus.
Khó khăn và thách thức của ngành ghép tạng Việt Nam
Theo GS.TS Trần Viết Tiến, ghép tạng còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Khó khăn đầu tiên là vấn đề thiếu nguồn tạng đặc biệt là tạng từ người cho chết não. Số tạng hiến chủ yếu từ người sống là 6.149 người (chiếm 93,9%) tổng số nguồn tạng hiến. Trong khi đó, số tạng hiến từ người cho chết là 401 người (chiếm 6,1%) tổng số tạng hiến.
Tại BV Quân y 103, tính đến hiện tại mới ghép được 9 ca ghép thận, 2 ca ghép tim, 1 ca ghép thận – tụy lấy tạng từ người cho chết não. Còn lại, các ca ghép khác lấy nguồn tạng từ người sống.
Chi phí cho việc ghép tạng là một khó khăn. Chi phí ghép tạng còn cao so với thu nhập của người dân. Đặc biệt những người bị suy tạng nói chung nhất là suy thận nói riêng thường có điều kiện kinh tế khó khăn do nhiều năm mang bệnh, phải điều trị. Nhiều người bệnh muốn được ghép thận nhưng do khó khăn về kinh tế nên không đủ đẻ thực hiện ghép.
Hiện nay, một ca ghép thận gồm: quá trình chuẩn bị trước khi ghép, trong khi ghép và điều trị sau ghép cần khoảng 200 – 250 triệu. Trong đó, BHYT sẽ chi cho người bệnh từ khoảng từ 150 – 170 triệu, người bệnh phải chi trả khoảng 80 tới 100 triệu.
“Ngay cả các cơ sở khám chữa bệnh cũng gặp khó khăn trong vấn đề chi trả cho bệnh nhân ghép tạng. Với hơn 200 ca ghép hằng năm và hơn 1000 bệnh nhân đang được chăm sóc điều trị sau ghép thận tại Bệnh viện Quân y 103 thì toàn bộ chi phí cho các bệnh nhân ghép thận là hơn 200 tỷ, chiếm hơn 25% toàn bộ chi phí của bệnh viện” – GS.TS Trần Viết Tiến nêu rõ.
Một khó khăn nữa của ngành ghép tạng GS.TS Trần Viết Tiến nêu ra đó là thách thức, khó khăn trong pháp lý.
Tại BV Quân y 103, hầu như tháng nào, bệnh viện cũng nhận được công văn của Bộ Công An làm việc với bệnh viện về những trường hơp môi giới mua bán thận. Rất nhiều bác sĩ của BV Quân y 103 trong quá trình tham gia công tác ghép thận bị ảnh hưởng tâm lý không nhỏ về công tác kiểm tra này. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).
Trọng Đoàn