Bộ Y tế làm việc đột xuất với BV Mắt Trung ương: Làm rõ thông tin phản ánh liên quan đến “cò mồi”
Cuối giờ chiều ngày 7/11, Cục Quản lý Khám chữa bệnh đã có cuộc làm việc đột xuất với BV Mắt Trung ương về những thông tin phản ánh liên quan đến tình trạng “cò mồi” khám chữa bệnh
PGS. TS Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh làm trưởng đoàn chủ trì buổi làm việc này.
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc kiểm tra, chấn chỉnh, kỷ luật cán bộ liên quan (nếu có) trong phản ánh của báo chí về “Lật tẩy đường dây bán phiếu khám nhanh “móc túi” người bệnh”, Đoàn công tác của Cục Khám chữa bệnh và các đơn vị liên quan đến làm việc với BV Mắt TW.
Ngay khi bắt đầu buổi làm việc, thay mặt ban lãnh đạo BV, TS Phạm Ngọc Đông – Phó Giám đốc BV Mắt TW nói rõ: Về phía BV, chúng tôi luôn khẳng định, không bao che, dung túng các hiện tượng cò mồi và tiếp tay cho cò mồi. Hiện tượng này không chỉ làm thiệt hại cho người bệnh mà còn làm thiệt hại tài chính BV, vì họ sử dụng cơ sở vật chất của BV mà lại phục vụ mục đích cá nhân. Ngoài ra, hiện tượng này còn làm ảnh hưởng uy tín BV, ngành Y; thêm vào đó, không đảm bảo công bằng trong khám chữa bệnh.
Báo cáo với đoàn làm việc ngay sau đó, TS Phạm Ngọc Đông cho hay, ngày 29/10/2018, trên báo chí có đăng tải bài phản ánh trên, ngay sau khi nhận được thông tin, trong buổi sáng giao ban ngày 29/10, ban giám đốc đã nhận được thông tin và đã tiến hành các bước xử lý. Trước hết, lãnh đạo BV đã yêu cầu nữ bác sĩ liên quan đến phản ánh này tạm dừng công việc chuyên môn để làm bản tường trình cụ thể về sự việc. Đồng thời BV Mắt TW cũng có công văn gửi đơn vị đăng tải, xác định cá nhân cán bộ y tế liên quan là BS N.D.T, khoa Chấn thương.
Sau đó, Khoa Chấn thương đã tổ chức họp với sự tham gia của các bộ phận liên quan để lắng nghe nữ bác sĩ giải trình và tiếp sau đó ban giám đốc mở rộng đã họp về vấn đề này.
Trong nội dung bản tường trình, nữ bác sĩ có thừa nhận “khám cho bệnh nhân không có phiếu khám ở khu khám theo yêu cầu” và cam đoan không liên quan gì đến cò mồi mà chỉ “vô tình khám hộ khi người quen nhờ khám cho người nhà chị ấy. Viêc chị M.A (người được nhắc trong bài báo – PV) có tham gia đội ngũ cò mồi hay không thì tôi hoàn toàn không biết” – bản tường trình của nữ bác sĩ cho hay.
Tại buổi làm việc, nữ bác sĩ cho biết đã nhận thức được sai phạm khi để bệnh nhân không mua phiếu khám mà tự ý khám tại khu khám yêu cầu. Điều này đã vi phạm quy định của BV.
Đại diện phòng Tổ chức cán bộ của BV Mắt Trung ương cho hay, để ngăn chặn tình trạng cò mồi trong khám chữa bệnh, BV đã thường xuyên phát loa cảnh báo đến người bệnh/ người nhà bệnh nhân, đồng thời đặt các bảng khuyến cáo người dân không nên tin nghe cò mồi mà phải thực hiện theo đúng các hướng dẫn về quy trình khám chữa bệnh của BV.
Bên cạnh đó, BV cũng nghiêm cấm trình dược viên không được lên các phòng ban và làm việc với cơ quan công an nhiều lần, công an cũng cung cấp danh sách cò mồi thường xuyên ra vào BV.
Báo cáo của BS Hoàng Minh Anh – Trường phòng Kế hoạch Tổng hợp – BV Mắt Trung ương cho hay mỗi ngày, BV Mắt Trung ương khám trung bình 2.000 người bệnh với khoảng 45 phòng khám, chia 2 hệ thống (đúng tuyến BHYT và theo yêu cầu) trong đó, đúng tuyến là 10 phòng. Mỗi bác sĩ khám khoảng 40-50 bệnh nhân/ngày.
Đặc thù khám ở mắt là trẻ em và người già, số lượng người đi theo người bệnh rất đông. Nên lưu lượng trong viện với điều kiện chật hẹp là quá tải. Hệ thống khám bệnh lại trên nhà cao tầng phân tán, không tập trung nên lưu thông trong BV là khó khăn..
Đại diện BV cũng cho hay, sau khi có phản ánh trên, BV quán triệt triệt để đón tiếp, vào máy thông tin bệnh nhân, bất kể người bệnh là ai. Đại diện BV cũng nêu rõ, “Nhân viên y tế của BV tiếp tay cho cò mồi bản thân chúng tôi chưa phát hiện ra. Còn cò mồi hoạt động ở viện là có, thậm chí từng phát hiện cò mồi có tính chất lừa đảo”. (Sức khỏe & Đời sống, trang 11)
Ngăn chặn bệnh tay chân miệng trong trường học ở Khánh Hòa
Bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng ngày càng có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp trên địa bàn Khánh Hòa. Đặc biệt, nhiều ca mắc bệnh ở lứa tuổi học sinh. Công tác phối hợp phòng chống dịch giữa ngành y tế và ngành giáo dục trong các trường học cần được triển khai mạnh mẽ để ngăn chặn khả năng dịch bùng phát.
Tăng cường chống dịch
Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng Khánh Hòa, tính riêng từ đầu tháng 8 đến giữa tháng 10/2018, trên địa bàn tỉnh có gần 300 ca tay chân miệng mắc mới. Tất các các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đều có người mắc bệnh. Số ca bệnh tuần sau luôn cao hơn tuần trước. Đặc biệt, chuẩn bị bước vào mùa mưa, diễn biến thời tiết thất thường, bệnh càng có nguy cơ bùng phát. Ngành y tế khuyến cáo tất cả các xã, phường cần tuyên truyền sâu rộng đến các khu dân cư. Các trường học tuyên truyền đến từng nhóm học sinh, đặc biệt đối với những vùng đã xuất hiện bệnh.
Tại Bệnh viện nhiệt đới Khánh Hòa, từ tháng 8 đến nay cũng đã xét nghiệm và phát hiện hơn 40 ca mắc tay chân miệng ở mức độ nặng. Đặc biệt, nhiều trường hợp do chủ quan không nhận diện được bệnh sớm nên khi tiếp nhận bệnh viện phải tiến hành các bước điều trị tích cực. Phần lớn các ca bệnh rơi vào lứa tuổi 1 – 7 tuổi. Nhiều cháu đang học ở trường tiểu học, mầm non.
Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, bác sĩ Huỳnh Văn Dõng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Khánh Hòa khuyến cáo: Người dân cần tuân thủ đầy đủ các hướng dẫn phòng chống dịch bệnh của nhân viên y tế các cấp và chính quyền địa phương. Để tăng cường nâng cao ý thức phòng chống dịch, ngành y tế còn phối hợp với đoàn thanh niên các cấp đến từng nhà, từng xóm để tuyên truyền các kiến thức chống dịch cho dân, đồng thời liên tục tổ chức phun hóa chất, dọn dẹp vệ sinh để triệt tiêu các ổ dịch lưu hành. Lực lượng đoàn – đội và cán bộ y tế cũng miệt mài tuyên truyền ở trường học.
Các trường học không được chủ quan
Theo Sở GD&ĐT tỉnh Khánh Hòa, việc bệnh dịch xuất hiện trong các trường học, ngành GD&ĐT đã nắm bắt và có những phối hợp chặt chẽ với ngành y tế với quyết tâm không để bùng lên thành ổ dịch. Các điểm trường học xuất hiện rải rác sẽ được khống chế ngay.
Ngành GD&ĐT Khánh Hòa cũng đã ban hành văn bản chỉ đạo ráo riết các trường học cần tuân thủ nghiêm các hướng dẫn, quy định của ngành y tế.
Hiện tại, sốt xuất huyết xuất hiện nhiều ở phường Vĩnh Hải, Vĩnh Phước, Vĩnh Hòa, Phước Đồng, Vĩnh Phương (Nha Trang); xã Diên Đồng (Diên Khánh); xã Khánh Bình (Khánh Vĩnh), xã Cam Nghĩa (Cam Ranh). (Sức khỏe & Đời sống, trang 6)
Hy hữu phẫu thuật thành công cho bệnh nhân bị lệch 2 hàm nghiêm trọng
Chiều nay 8-11, Bệnh viện Thẩm mỹ JW Hàn Quốc (TPHCM) cho biết vừa phẫu thuật chỉnh hình thẩm mỹ thành công cho bệnh nhân bị lệch 2 hàm nghiêm trọng.
Đó là bệnh nhân Ng.D.P. (nam, 27 tuổi, quê Bình Thuận) được chẩn đoán hàm dưới phát triển quá mức, hàm trên thiểu sản, 2 hàm lệch cách xa nhau 3,2cm, không thể ăn uống, phát âm và khép miệng như người bình thường, cằm dài, to, lệch trục và khớp cắn ngược.
Theo các chuyên gia y tế, đây là một trường hợp bệnh nhân bị lệch hàm hy hữu và nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, thẩm mỹ, rất khó điều trị. Theo đó, quá trình tạo hình cho D.P. kéo dài 1 năm. Trước hết phải mất 6 tháng niềng chỉnh khớp cắn do răng mọc lộn xộn, khớp cắn ngược. Sau đó tiến hành phẫu thuật cắt hàm dưới kết hợp với phẫu thuật một phần hàm trên để cân chỉnh 2 hàm và chỉnh trục hàm lệch. Do phần xương cằm to và lệch hướng trái nên bắt buộc phải gọt hàm vuốt tới cằm để cân chỉnh khuôn mặt cân xứng. Sau đó tiếp tục niềng răng thêm 6 tháng để hoàn chỉnh.
Theo BS Nguyễn Phan Tú Dung, Giám đốc Bệnh viện Thẩm mỹ JW Hàn Quốc, sau phẫu thuật cắt hàm, chỉnh hình, hiện bệnh nhân N.D.P. đã có được khuôn mặt bình thường, cân đối, đã khép được miệng, ăn uống, nói chuyện bình thường. Nhờ tự tin vào khuôn mặt sau chỉnh hình, hiện D.P. không còn chạy xe ôm mà đã xin được vào làm việc tại Tập đoàn FPT, lấy bằng Thạc sĩ.
Do hoàn cảnh khó khăn, bệnh nhân N.D.P. đã được Bệnh viện Thẩm mỹ JW Hàn Quốc phẫu thuật miễn phí. Đây cũng là bệnh nhân nằm trong chương trình nhân văn “Nhan sắc mới, khởi đầu mới” được Bệnh viện Thẩm mỹ JW Hàn Quốc khởi xướng nhằm mang đến cơ hội khắc phục hình thức bị khiếm khuyết cho những bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. (Sài Gòn giải phóng, trang 7).
Phẫu thuật nối ngón chân lên thay thế ngón tay cái
Do ngón tay cái có chức năng rất quan trọng, chiếm tới 50% chức năng của bàn tay, nên nhiều trường hợp không may bị tai nạn cụt ngón tay cái đã được Bệnh viện Việt Đức phẫu thuật chuyển ngón chân lên thay thế ngón tay cái…
Sáng nay, 8-11, thông tin tới báo chí, Bệnh viện Việt Đức cho biết, thời gian gần đây Bệnh viện đã thực hiện nhiều ca phẫu thuật chuyển ngón chân lên thay thế ngón tay cái nhằm phục hồi chức năng bàn tay cho các bệnh nhân không may khuyết tật hoặc bị tai nạn cụt mất ngón tay cai.
Lý do khiến các bác sĩ thực hiện kỹ thuật này vì ngón tay cái chiếm tới 50% chức năng bàn tay, có vai trò như một bên của gọng kìm nên nếu mất một bên sẽ làm khả năng cầm nắm, lao động hạn chế. Việc phẫu thuật phục hồi ngón tay cái bằng cách chuyển ngón chân lên thay đã giúp trả lại khả năng lao động cũng như chức năng bàn tay cho nhiều người kém may mắn.
TS.BS Đào Văn Giang, Phó Trưởng Khoa Tạo hình-Hàm mặt-Thẩm mỹ (Bệnh viện Việt Đức) cho biết, việc chuyển ngón chân lên thay thế cho ngón tay cái được thực hiện bằng kỹ thuật vi phẫu là chuyển cả phức hợp một ngón chân (bao gồm da, gân, móng chân), sau đó dùng vi phẫu nối mạch máu thần kinh… để phục hồi ngón cái.
Khi lấy ngón chân thay thế, các bác sĩ sẽ chọn ngón cái hoặc ngón trỏ ngay cạnh ngón cái, tùy thuộc vào sự tương đồng với ngón tay cái. Thông thường các bác sĩ lấy ngón chân giữa cạnh ngón cái vì có sự tương đồng, thẩm mỹ đẹp, chức năng của bàn chân không bị ảnh hưởng nhiều.
Khi chuyển ngón chân lên, các bác sĩ sẽ kết hợp xương, nối gân, mạch máu và nối thần kinh. Thời gian phẫu thuật thông thường mất khoảng 6-8 tiếng. Kết quả là ngón cái sau khi phục hồi có đầy đủ chức năng gập, duỗi và có thể cảm giác. (An ninh thủ đô, trang 8).